Bạn biết gì về Kiểm định chất lượng giáo dục đại học?
Kỳ 2: VĂN HOÁ CHẤT LƯỢNG
Trần Thu Thuỷ
Nguyền Lương Lệ Chi
“Tôi không muốn ngôi nhà của mình bị vây kín giữa những bức tường và những khung cửa sổ luôn luôn bịt chặt, tôi muốn văn hóa của mọi miền đất tự do thổi vào ngôi nhà đó. Nhưng tôi sẽ không bị cuốn đi bởi bất cứ ngọn gió nào” (Mahatama Gandhi).
Trong xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề chất lượng sản phẩm của các thành phần kinh tế xã hội ngày càng trở nên thiết yếu. Chất lượng là một trong những tiêu chí hàng đầu trong một thế giới đầy cạnh tranh. “Chất lượng” các sản phẩm giáo dục cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dụng, người học, phụ huynh, các nhà hoạch định chính sách... Trong thời gian gần đây, hệ thống Giáo dục đại học đang cố gắng thực hiện cơ chế tự đảm bảo chất lượng. Các hoạt động kiểm định chất lượng và tự đánh giá đang diễn ra sôi nổi trên phạm vi cả nước, thể hiện sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đối với vấn đề 'chất lượng'. Qua đó, hoạch định hướng phát triển cho các cơ sở giáo dục, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh sản phẩm của họ ở trong và ngoài nước.
Một vấn đề đặt ra: ngoài việc tuân thủ các công thức 'chất lượng' có sẵn được thiết kế bởi các chuyên gia bên ngoài; các trường đại học, cao đẳng cần quan tâm xây dựng hệ thống quản lý chất lượng được vận hành thường xuyên và liên tục trong chính trường của mình. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để “chất lượng” trở thành phổ biến trong từng đơn vị, từng cá nhân thành viên của các trường. Lúc này, một khái niệm mới được nhắc đến đó là “văn hoá chất lượng”. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Văn hoá chất lượng (VHCL) là một khái niệm quan trọng trong kiểm định chất lượng nhưng còn khá mới mẻ và đang bị bỏ ngỏ. Thực tế này khiến công tác đảm bảo chất lượng đào tạo trở thành trách nhiệm riêng của một bộ phận nào đó trong nhà trường, đồng thời tác động thực sự của công tác này còn chưa được như mong đợi. Vậy, văn hoá chất lượng là gì? Làm thế nào để xây dựng văn hoá chất lượng bên trong các trường đại học đang là những câu hỏi nghiêm túc được đặt ra để giải bài toán “chất lượng”.
1. Khái niệm Văn hoá chất lượng
- Văn hoá: Là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.
Văn hoá có nguồn gốc từ tiếng Latinh ‘colere’ có nghĩa là giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng (www.wikipedia.org). Vào giữa thế kỷ 19, “văn hoá” bắt đầu được hiểu như một khái niệm trừu tượng, thoát ly khỏi cách hiểu trên và bao hàm những ý nghĩa phức tạp, đa chiều hơn.
Theo quan niệm về “văn hoá” của Bodley (1994): văn hoá là một hiện tượng xã hội, có thể chia sẻ, học tập và có ý nghĩa tượng trưng. Mahatama Gandhi đã khẳng định “Không văn hóa nào có thể tồn tại nếu nó tìm cách trở nên độc tôn”.
Cuối thế kỷ XX, lý thuyết văn hoá được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm (Van Maanen 1988; Gagliardi 1990; Pedersen&Dobbin 2006…). Các nghiên cứu tập trung vào quan điểm văn hoá hỗ trợ cho việc hiểu các hành vi xã hội và hành vi tổ chức. Văn hoá được hiểu là sự chia sẻ về niềm tin, các giá trị, thái độ, thể chế và hành vi làm nên đặc trưng của các thành viên trong cộng đồng hay tổ chức.
Theo từ điển tiếng Việt, Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; là những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần; văn hoá cũng thể hiện trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh.
Văn hoá, bên cạnh những khái niệm phức tạp và trừu tượng trên, còn là những gì rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Chúng ta không còn xa lạ với những khái niệm như: sống có văn hoá, văn hoá học đường, văn hoá công sở, văn hoá giao thông, văn hoá doanh nghiệp…
Những năm 80 của thế kỷ trước, khái niệm chất lượng bắt đầu được chú ý trên thế giới. Qua thành tựu về kinh tế và xã hội của một số quốc gia, người ta đã nhận thấy có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố văn hoá mà đại diện là Nhật Bản. Hiện nay, văn hoá được quan tâm như một công cụ nhằm cải tiến chất lượng trong một tổ chức và được nghiên cứu ở nhiều nước phát triển. Một trong các ý tưởng trung tâm của phong trào chất lượng - cải tiến chất lượng liên tục hay còn gọi là kaizen - có liên quan rất nhiều đến các nghiên cứu về văn hóa (Micckletwait & Wooldridge, 1996). Do đó, thay vì hiểu văn hoá và chất lượng là hai thực thể độc lập với nhau, người ta bắt đầu cho rằng chất lượng bắt nguồn từ khái niệm rộng hơn là văn hoá.
- Văn hoá chất lượng
Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về định nghĩa Văn hoá chất lượng:
Hiệp hội các trường Đại học Châu Âu (The European Universities Association - EUA) cho rằng:Văn hóa chất lượng được xem xét dựa trên 02 yếu tố khác nhau:
- Yếu tố thứ nhất của VHCL là một tập hợp các giá trị, các niềm tin, những mong đợi hướng đến chất lượng.
- Yếu tố thứ hai, yếu tố quản lý/cơ cấu có các quy trình đảm bảo chất lượng và các nỗ lực hợp tác được xác định từ trước (EUA 2006, tr. 10).
Theo quan điểm của trường Đại học Uludag (Thổ Nhĩ Kỳ): Văn hoá chất lượng là một khái niệm đa chiều phụ thuộc vào bối cảnh cụ thế, nhằm hướng đến đạt được sự xuất sắc trong tầm nhìn và sứ mạng của từng chương trình cụ thể cũng như của từng trường đại học. Họ tin tưởng sự thành lập và quản lý quy trình chất lượng liên tục, sự kiểm soát, đánh giá và cải tiến chính nó là cốt lõi tạo dựng và duy trì văn hoá chất lượng. (Uludag University, 2002, tr.3)
Ở Việt Nam, Văn hoá chất lượng được hiểu là:
1. Tập hợp những thói quen, niềm tin và hành vi liên quan đến chất lượng mà các thành viên trong nhà trường cùng chia xẻ.
2. Các yếu tố được hình thành trong những hoạt động quản lý chất lượng hàng ngày cũng như trong triển khai các chương trình chất lượng dài hạn.
3. Văn hoá chất lượng chính là môi trường chất lượng; là những gì được chắt lọc và đã thăng hoa thành giá trị trong quá trình hoạt động của nhà trường.
* Theo cách hiểu 1&2, VHCL được hình thành “ngầm định” trong quá trình triển khai các hoạt động có liên quan đến chất lượng. Các định nghĩa này cho ta thấy xây dựng VHCL có tính động, khó xây dựng, khó thống nhất và là quá trình “tự nhiên”.
* Theo cách hiểu 3, VHCL có thể lượng hóa thông qua các thành phần của “môi trường chất lượng” và từ đó có thể xác định được các yếu tố tạo ra VHCL. Vậy, VHCL là có thể xây dựng một cách có chủ đích, có các mốc dừng để đánh giá, để thay đổi và tạo nên các giá trị mới trong xây dựng VHCL của nhà trường.
Vậy, để hiểu và xây dựng VHCL, một mặt cần phải tác động đến hiểu biết, qui định/tổ chức và các biện pháp quản lý; mặt khác phải tác động đến quan điểm, niềm tin về các giá trị của những người cùng tham gia tổ chức.
2. Các yếu tố thể hiện Văn hoá chất lượng
Theo Davison (2005) VHCL của một tổ chức được thể hiện qua 8 yếu tố sau :
1/ Cam kết và thể hiện thực tế của lãnh đạo đối với các hoạt động chất lượng;
2/ Cách thức làm việc nhóm;
3/ Sự tham gia và trao quyền cho các thành viên của tổ chức;
4/ Tập trung vào khách hàng;
5/ Giao tiếp cởi mở, thân thiện;
6/ Quan hệ đối tác hiệu quả;
7/ Tinh thần sáng tạo và học hỏi;
8/ Tập trung vào quá trình.
Văn hoá chất lượng là một tổng thể, bao gồm 8 yếu tố cấu thành nêu trên và quan hệ biện chứng với nhau để tạo nên nét văn hoá và khẳng định vị thế của một tổ chức.
3. Xây dựng văn hoá chất lượng trong các cơ sở giáo dục ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam, khái niệm VHCL chỉ xuất hiện nhiều trong các hội nghị, hội thảo và thảo luận của các nhà nghiên cứu, là cái mà các cơ sở đào tạo đang hướng đến. Với quan điểm VHCL là sự hợp nhất/vận dụng chất lượng vào toàn bộ các hoạt động của hệ thống/ tổ chức nhằm tạo ra môi trường tích cực bên trong, dẫn đến sự hài lòng của những người hưởng lợi. Qui trình xây dựng VHCL thường được bắt đầu chỉ khi các nhà quản lý hiểu được giá trị chất lượng trên quan điểm hệ thống và tin tưởng vào khả năng ứng dụng các giá trị đó vào hệ thống.
Hoạt động xây dựng văn hoá chất lượng đã được trường ĐHSP Kỹ thuật TP.HCM cụ thể hoá và đề xuất 4 bước thực hiện như sau:
1/ Nâng cao nhận thức về chất lượng, đảm bảo chất lượng, quản lý chất lượng trong trường.
2/ Xây dựng, thường xuyên xem xét đánh giá và điều chỉnh mục tiêu chất lượng, các chính sách (các qui trình, thủ tục, văn bản, biểu mẫu,….) cho phù hợp với thực tế và đặc biệt là phù hợp với nguồn lực của nhà trường.
3/ Bồi dưỡng các kỹ năng, hoạt động chất lượng cho các thành viên trong nhà trường, đặc biệt chú trọng đến các thành viên mới (nhân viên, các cán bộ quản lý mới).
4/ Xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận các nỗ lực về chất lượng.
Đến nay, có rất ít các trường xây dựng được cách tiếp cận riêng về chất lượng, vừa đáp ứng được yêu cầu chung về chất lượng của toàn hệ thống, vừa theo đuổi thực hiện những định hướng riêng về chất lượng - đây chính là dấu hiệu điển hình của văn hoá chất lượng trong nhà trường.
Văn hoá là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ. Để xây dựng văn hoá chất lượng, chúng ta cần thay đổi cách thức hoạt động. Khi có được văn hoá chất lượng, cơ sở đào tạo sẽ đạt được những mục tiêu chất lượng mong muốn trên cơ sở phát huy nội lực của mình.
-Hết-