Tin hợp tác quốc tế

Quan hệ đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt từ cảm nhận đến thức nhật

28 Tháng Mười Một 2009

     GS. TS Phạm Đức Dương

            Cựu chiến binh quân Tình nguyện Việt Nam tại Trung Lào

     Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á

     Chủ tịch Hội khoa học Đông Nam Á – Việt Nam

 

Là một anh bộ đội Cụ Hồ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1947) tôi có may mắn là đã có gần 10 năm họat động trong đội quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào. Chín năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ với đủ mọi thiếu thốn, bệnh tật, nguy hiểm... nhưng cũng là những năm tháng tôi được sống trong môi trường văn hóa Lào, được nhân dân và cán bộ các dân tộc Lào cưu mang yêu mến. Tôi đã có dịp đặt chân lên nhiều nơi trên đất  nước Triệu Voi từ vùng núi rừng Khăm Muộn đến cao nguyên Nakai, Xiêng Khoảng, từ đồng bằng Thakhek, Savanakhet ngược dòng sông Mè Khoóng lên Viêng Chăn, Luống Phabang... có dịp tiếp xúc với người Lào Thơng, Lào Xủng, Lào Lùm. Chính nhờ những năm tháng đó mà tôi được tắm mình trong cuộc sống dân giã, cảm nhận được cái chất văn hóa Lào theo con đường trực giác. Chúng tôi cũng thích ăn canh măng nấu với pá đẹc (cá mắm), bỏ thêm lá dạ nàng với khẩu bừa (tấm), thích ở nhà sàn, khi nghe tiếng khèn gọi bạn của cánh trai làng thì trong người cũng rạo rực, thích múa lăm vông theo tiếng trống nhịp nhàng, thích en xáo (tán tỉnh) với mấy cô gái Lào bằng những câu xu pha xít (ngạn ngữ) và hát những bài lăm (hát) giao duyên của Lào trong những dịp vàn na (đổi công), bun than (hội hè) hay đơn đông (leo núi)... Tất cả những hình ảnh của cuộc sống chiến đấu sôi động mà dịu ngọt đã đọng lại trong tôi những kỷ niệm đẹp thân thương, đem lại cho tôi một cảm hứng thẩm mỹ vừa hào hùng vừa lãng mạn. Về Hà Nội nhiều đêm thao thức trằn trọc khó ngủ. Hình ảnh các bà mẹ Lào vắt những giọt sữa ấm ngọt của mình đổ vào miệng tôi trong cơn sốt miên man; những đêm địch săn lùng, cô gái Lào bất chấp tục lệ, giấu tôi vào buồng riêng của mình... Trong trái tim “anh bộ đội cụ Hồ” của chúng tôi vẫn in đậm hình ảnh hai chiến sĩ liên quân Lào - Việt đã hy sinh thân mình che đạn cho Hoàng thân Xuphanuvông trên chiếc ca nô tạm lánh sang Thái Lan khi mặt trận Thàkhek bị vỡ (21/3/1946) trong đó có liệt sĩ Lê Thiệu Huy – con cụ Lê Thước ở Nghệ An. Tôi còn nhớ tháng 11/1946 theo lời mời của Bác Hồ, một đội bảo vệ đặc biệt đã dẫn Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan qua Nghệ An ra Việt Bắc. Tôi xem đây là một cuộc di chuyển chiến lược căn cứ địa cách mạng Lào từ phía Tây sang phía Đông. Trong chuyến đi lịch sử ấy, khi đến Mường Mô, một sĩ quan Việt Nam bị trọng thương. Để không làm ảnh hưởng đến đoàn, xét mình không thể sống được nên anh để nghị được hy sinh. Đơn vị đã làm lễ truy điệu sống anh trên đồi thông với niềm tiếc thương vô hạn. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Xuphanuvông thực sự là “duyên kỳ ngộ”. Chính Bác Hồ đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong “ ông Hoàng đỏ” vĩ đại của nhân dân Lào “Ta bên Người, Người tỏa sáng bên ta”! Phải, “tất cả những gì đã qua đều trở nên thương mến” (Puskin) và như Tế Hanh đã nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa linh hồn”. Tôi còn nhớ, năm 1955 tôi được lệnh điều động từ Trung Lào ra công tác tại Ban cán sự miền Tây (cơ quan giúp Lào của Trung ương Đảng ta) với mật danh là Biên phòng A1 đóng tại Na Mèo – biên giới Sầm Nưa. Đến tháng 2/1957 tôi cùng với anh Dung, anh Nguyên – là những cán bộ trẻ am hiểu về Lào được cử đi học ở Trung Quốc để đào tạo thành những chuyên gia giúp bạn sau này. Hôm đó, một ngày đẹp trời, trên đồi A1 – Na Mèo lộng gió, anh Nguyễn Khang, Bí thư Ban cán sự miền Tây cho tổ chức bữa cơm thân mật tiễn chúng tôi với sự có mặt của đồng chí Cayxỏn Vôngvi hẳn - Tổng Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cùng đến dự. Đây là một điều vô cùng vinh dự đối với chúng tôi. Trong khi hàn huyên vui vẻ, đồng chí Cayxỏn có hỏi chúng tôi rằng sau khi học xong các đồng chí có trở lại giúp Lào nữa không? Cả ba chúng tôi đề lễ phép đồng thanh trả lời: Nếu được anh cho phép chúng tôi nhất định sẽ trở lại Lào làm việc. Lời hứa đó tuy đơn giản trong không khí ấm cúng tình nghĩa Lào - Việt, như được khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi và trở thành động lực mãnh liệt thúc đẩy tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu sau này: Từ một chiến sĩ thành một tiến sĩ!

Chính nhờ những cảm nhận sâu sắc đó, thông qua ngôn ngữ mà sau này khi bước vào con đường khoa học tôi đã bắt đầu nghiên cứu tiếng Lào, văn  hóa Lào với tư cách – trong một chừng nào đó, là người bản ngữ. Tôi đã làm luận văn tốt nghiệp đại học “Ngữ âm tiếng Lào hiện đại” (Hà Nội, 1963), đã bảo vệ luận án phó tiến sĩ “Hệ thống thanh điệu và thanh phổ các nguyên âm tiếng Lào hiện đại” bằng phương pháp thực nghiệm tại Viện phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô năm 1970. Chính nhờ vào việc nghiên cứu văn hóa Lào, Thái Lan, Campuchia... mà tôi hiểu sâu sắc hơn cội nguồn văn hóa Việt Nam và mối quan hệ giữa các nước Đông Nam Á trong tiến trình lịch sử. Chính nhờ có dịp chung sống với người Cọi ở Maca, người Xẹc ở Bản Tơng, bản Bức, bản Nameo, Tà xéng, Bualapha (tỉnh Khăm Muộn)... trong thời kháng chiến (1949) mà sau này khi nghiên cứu các ngôn ngữ Mày, Rục, Rách, Arem, Mã liềng, Poong... ở miền Tây các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An - đối diện với vùng Khăm Muộn, Căm Cợt... mà tôi đã dựng lại được ngôn ngữ Tiền - Việt Mường, phác thảo quá trình hình thành tiếng Việt với những cứ liệu có sức thuyết phục và dựng lại cội nguồn mô hình văn hóa lúa nước của người Việt (mô phỏng theo mô hình văn hóa lúa nước của người Tày Thái đã thể nghiệm thành công ở vùng thung lũng trước núi), mặc dù lúc đầu tôi không phải là người nghiên cứu trên các lĩnh vực này. Tôi rút ra được một cách tiếp cận mới: nhờ nghiên cứu các nước trong khu vực mà tôi có thể mở rộng phát hiện, đi sâu vào việc nghiên cứu Việt Nam; đồng thời từ những cứ liệu Việt Nam mà tôi có thể nhận thức, phát hiện những vấn đề khu vực. Giáo sư A. G. Haudricourt, một nhà ngôn ngữ - dân tộc học nổi tiếng khắp thế giới mà tôi có may mắn được làm việc và đi điền dã với ông ở Tây Bắc, Việt Bắc Việt Nam và được ông chỉ dẫn, trao đổi tại Paris, một nhà bác học mà tôi suy tôn là người thầy và ứng xử với tôi như là một người bạn vong niên, dù cho các giả thuyết của tôi về nguồn gốc tiếng Việt và các ngôn ngữ Đông Nam Á có khác ý kiến của ông, nhưng Giáo sư A. G. Haudricourt đã đồng tình và hết sức cổ vũ tôi đi theo hướng nghiên cứu mà tôi đã chọn.

Như vậy là, mở đầu đi vào con đường khoa học, tiếng Lào và văn hóa Lào đã trở thành đối tượng nghiên cứu của tôi theo phương pháp liên ngành ngôn ngữ - dân tộc học (hay ngôn ngữ văn hóa học), trong khi các thầy, các bạn tôi đều tập trung vào hướng ngôn ngữ cấu trúc. Năm 1962 tôi đi nghiên cứu tiếng Mường ở Tân Lạc, Hòa Bình(1), năm 1964 tôi lên Điện Biên Phủ và Lai Châu nghiên cứu tiếng Thái, năm 1965 lên Mường Lống và Xiêng Khoảng nghiên cứu tiếng Hmông và vụ xưng vua của người Mèo, năm 1971 lên Hà Giang nghiên cứu các ngôn ngữ Phù Lá, La Chí, Pa Thẻn..., năm 1972 lên Mường Tè nghiên cứu các ngôn ngữ Tạng Miến và Mèo Dao; lên Lào Cai nghiên cứu tiếng Hmông; đặc biệt là vào cuối năm 1972 tôi được tham gia đoàn nghiên cứu dân tộc  ngôn ngữ học do GS Phạm Huy Thông dẫn đầu cùng với các GS Pháp nổi tiếng: A. G. Haudricourt, G. Condominas và các nhà nghiên cứu Việt Nam như Từ Chi, Cao Xuân Hạo, Đặng Nghiêm Vạn, Hồ Lê... ở Tây Bắc và Việt Bắc. Chuyến đi này đã có tác dụng rất lớn trong việc định hướng và phương pháp nghiên cứu thực địa của tôi. Nhờ đó năm 1973 tôi đã nghiên cứu nhóm các ngôn ngữ Việt Mường ở Quảng Bình, Khăm Muộn, Xiêng Khoáng, Nghệ An và dựng lại ngôn ngữ Tiền Việt Mường (Môn Khmer) và đưa ra giả thiết về nguồn gốc tiếng Việt từ Tiền Việt Mường đến Việt Mường chung.

Năm 1973 được tham gia thành lập Ban Đông Nam Á (tiền thân của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ngày nay) chúng tôi đã xây dựng bộ môn khu vực học và đất nước học, bộ môn văn hóa học. Tôi lại có dịp nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Lào. Tôi đã tập hợp các bài viết của mình về Lào trong một công trình có nhan đề “Ngôn ngữ và văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á”  (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998). Tuy chưa phải là một công trình hoàn chỉnh, được viết rải ra từ năm 1965 đến năm 1998, nhưng nó đã được tiếp cận bằng quan điểm tổng thể, toàn cục với phương pháp liên ngành, trong đó có các bài nghiên cứu mang tính khái quát như: Nửa thế kỷ tiếp cận với văn hóa Lào: Từ cảm nhận đến thức nhận; bức tranh ngôn ngữ dân tộc ở Lào; xây dựng ngôn ngữ chung và nền văn hóa đa dạng; tín ngưỡng dân gian và tôn giáo ở Lào; lễ hội truyền thống và văn nghệ dân gian Lào; lại có những lĩnh vực rất chuyên sâu như: Những đặc trưng âm học và sự cảm thụ hệ thống thanh điệu tiếng Lào; thanh phổ các nguyên âm đơn tiếng Lào hiện đại (đó là nội dung của luận án Phó tiến sĩ mà tôi đã bảo vệ tại Mockba 1970); hay giải mã truyện cổ Lào; hoặc mở rộng đi vào các dân tộc ở Lào trong quan hệ với khu vực như: Người Hmông: Ngôn ngữ và văn hóa; các cứ liệu ngôn ngữ về mối quan hệ thân tộc giữa các  tộc người thuộc nhóm Tạng Miến ở Bắc Đông Dương; hay mối quan hệ sâu sắc giữa ngôn ngữ và văn hóa Lào và Việt Nam, v.v... Lần đầu tiên khi nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Lào chúng tôi đã đặt Lào trong bối cảnh Đông Nam Á và tiếp cận bằng phương pháp liên ngành; điều đó cho phép tôi phát hiện những mối quan hệ cội nguồn và tiếp xúc quy định những điểm tương đồng cũng như những nét khu biệt để nhận diện văn hóa Lào trong bối cảnh khu vực.

Tôi nhận ra rằng, mô hình văn hóa Lào là thuộc mô hình văn hóa lúa nước vùng thung lũng với kết cấu ruộng - rẫy, với khuôn viên vừa phải có đủ núi, rừng, cao nguyên và đồng bằng. Với cảnh quan tự nhiên và xã hội như vậy, các cộng đồng tộc người ở Lào đã có một lối ứng xử cân bằng, từ tốn, tạo nên một cuộc sống hài hòa, êm đềm. Tại đây các bộ tộc (thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau: Môn Khmer, Tạng Miến, Mèo Dao, Tày Thái...) đều được xem là người Lào dù là Lào Lùm, Lào Thơng hay Lào Xủng. Và chỉ có nước Lào mới có một vị thế mà ở đó do quá trình biến đổi lịch sử đặt ra nhiều vấn đề hết sức lý thú cuốn hút chúng tôi. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á lục địa, nước Lào có tới 4.700 km đường biên giới tiếp giáp với 5 nước, một nước dường như bị khép kín, không có biển nhưng lại là ngã tư đường của mọi sự tiếp xúc giao lưu cả trên bình diện địa lý, sinh thái, giao thông, dân cư, văn hóa...; một dòng sông Mẹ lớn nhất Đông Nam Á chảy dài theo đất nước nhưng bị chặn lại trên biên giới Campuchia (thác Li Phỉ) mà bồn địa đồng bằng của nó lại bị chia thành đôi bờ biên giới; một quốc gia có tới 68 bộ tộc nhưng dân tộc chủ thể là người Lào chỉ chiếm có 56%  dân số (gần 2 triệu) trong khi đó hơn 20 triệu người Lào ở bờ Tây lại là dân tộc thiểu số của nước Thái Lan (Lào Yxán và Khônmương); một vương quốc cổ đại một thời rộng lớn nay chỉ còn là một quốc gia nhỏ bé bị phân cắt nhưng lại có một lịch sử đấu tranh lâu dài để tồn tại và thống nhất; một nước chậm phát triển với nền nông nghiệp tự cung tự cấp dựa vào tự nhiên, nhưng lại ổn định và từng bước đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ...

Nhờ so sánh với Việt Nam và các nước trong khu vực mà chúng tôi phát hiện ra cơ tầng Đông Nam Á trong văn hóa Lào, và quá trình tích hợp văn hóa tộc người  nhất là cư dân Môn Khóm và Lào Thái  những nhân tố cơ bản để hình thành nhà nước Lạn Xạng trong sự tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ tạo thành một nền văn hóa quốc gia dân tộc có cấu trúc gồm 2 dòng: Văn hóa bác học chịu ảnh hưởng của từ chương học Ấn Độ trên biểu tầng (qua người Môn, người Khóm) và văn hóa dân gian là dòng đã bảo lưu được những yếu tố bản địa dưới cơ tầng và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng để tạo nên sắc thái riêng biệt của nền văn hóa Lào khác với người đồng tộc của họ ở Thái Lan, ở Miến Điện, ở Trung Quốc và Việt Nam.

Đứng trên bình diện so sánh loại hình chúng ta nhận ra những nét tương đồng và khu biệt giữa văn hóa Lào với văn hóa Việt Nam. Cũng với mô hình gồm hai dòng văn hóa, khác chăng là ở văn hóa Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Hán rất đậm tương ứng với ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ ở Lào. Ta chỉ cần lấy một thí dụ về ngôn ngữ và chữ viết. Để xây dựng ngôn ngữ và văn tự quốc gia, người Lào đã du nhập một khối lượng từ Pali, Sanscrit và chữ viết Ấn Độ. Nhưng tiếng Lào vốn là một ngôn ngữ đơn tiết có thanh điệu giống tiếng Việt, còn tiếng Pali, Sanscrit là những ngôn ngữ đa tiết biến hình (ngôn ngữ Ấn - Âu); ở đây sự giao thoa ngôn ngữ một mặt đã Lào hóa các từ Ấn - Lào theo hướng đơn tiết hóa, mặt khác đã làm cho tiếng Lào có nhiều từ đa tiết rất khác với tiếng Việt mượn tiếng Hán cùng loại hình. Chữ viết cũng vậy, người Lào đã dùng các con chữ Ấn Độ có phân biệt độ cao của phụ âm để ghi hệ thống thanh điệu mà trong chữ viết Ấn Độ không có, v.v...

Nhờ những thao tác so sánh như trên mà chúng tôi không những nhận diện được ngôn ngữ và văn hóa Lào, Thái Lan, Campuchia... đồng thời cũng cho phép chúng tôi đi sâu, phát hiện những vấn đề của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nguồn gốc tiếng Việt và mô hình văn hóa lúa nước của người Việt, những quy luật của sự tiếp xúc văn hóa...

Trong những năm 70 - 80, với tư cách là Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, một nhà Lào học, tôi đã có dịp dẫn đoàn chuyên gia khoa học xã hội Việt Nam trên 20 người gồm nhiều lĩnh vực khác nhau sang công tác với Bộ Giáo dục Lào làm việc trực tiếp dưới sự chỉ đạo của cố Chủ tịch nước, cụ Phumi Vôngvichít để cùng với các nhà khoa học Lào biên soạn ba công trình lớn ở cấp quốc gia: Lịch sử Lào (tập III), địa lý Lào và Văn học Lào; sau đó làm việc với Ủy ban Khoa học xã hội Lào dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Xixanả Xixan - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Lào để biên soạn các công trình dân tộc học và ngôn ngữ học Lào. Chúng tôi đã có dịp học hỏi và tiếp cận với văn hóa Lào một cách khoa học và một phần nào đã giải mã được cảm thức của người Lào thông qua ngôn ngữ và văn hóa của họ. Điều may mắn nhất cho tôi là đã được làm việc trực tiếp với các nhà khoa học Lào - Việt trong một hệ thống các công trình cơ bản về khoa học xã hội Lào trên quan điểm tổng hợp liên ngành. Chúng tôi được sự chỉ giáo của cả một lớp người tiền bối về văn hóa Lào, những nhân vật nổi tiếng như Cụ Phumi Vôngvichít - một nhà lãnh đạo cách mạng, một thi sĩ, một nhà ngữ văn học và Giáo sư Xixanả Xixan, một trí thức cách mạng, một nhạc sĩ chơi đàn lànạt, một nhà thơ. Dưới sự chỉ đạo tư tưởng của hai vị đó, chúng tôi hiểu được người Lào nhận thức về lịch sử văn hóa Lào như thế nào, Đảng và Chính phủ Lào muốn khai thác những giá trị truyền thống để xây dựng một nền văn hóa mới như thế nào... Và quả tình những định hướng quý giá đó đã giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn mỹ cảm của người Lào. Tôi cũng đã có dịp trao đổi thảo luận khoa học với các nhà văn hóa lớn của Lào như cụ Maha Xila - một cây đại thụ của ngành ngữ văn Lào. Cụ đã từng sưu tầm các tư liệu văn học dân gian, biên soạn từ điển tường giải, lịch sử chữ viết Lào, ngữ pháp tiếng Lào, v.v... Cụ ân cần giải thích cho tôi những điều sâu sắc nhất của văn hóa Lào, và, khi chúng tôi mời cụ sang thăm và làm việc ở Việt Nam, xem những hộp phiếu từ điển Lào mà chúng tôi thu thập, cụ xúc động và nói: “Đi gần hết cuộc đời rồi mới đến được đây, được gặp những người bạn láng giềng Việt Nam nghiên cứu về Lào, tôi an tâm vì văn hóa và ngôn ngữ Lào được nhiều người quan tâm”. Chúng tôi làm việc bên nhau với các nhà văn hóa Lào như cụ Mahả Khămphăn, cụ Vixiên, nhà thơ Xổmxi Đêxa, nhà văn Xu Văn Thon... cùng với cả một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của Lào được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau với những kiến thức đa dạng từ Pháp, Liên Xô, Việt Nam, Mông Cổ... như Buakẹo, Bò Xéng Khăm, Udôm, Xi xa liêu, Thong Xá, Khăm phết, Khăm Bay... cùng đi thực địa, cùng viết, cùng thảo luận... trên các lĩnh vực: khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, sử học, văn học, địa lý học, v.v... Về phía Việt Nam có các giáo sư đầu ngành như Lê Bá Thảo, Nguyễn Tấn Đắc, Đặng Bích Hà, Cao Xuân Phổ, Phạm Nguyên Long... Qua việc hợp tác biên soạn công trình rất cơ bản và cụ thể, những cán bộ lớn tuổi như tôi cũng được bồi bổ thêm nhiều kiến thức thực tiễn, còn đối với lớp trẻ thì đó là một dịp may để được đào tạo và sau này nhiều người đã bảo vệ luận án tiến sĩ về Lào như Nguyễn Lệ Thi, Trần Quốc Trị, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Duy Thiệu, Lại Phi Hùng, Trương Duy Hòa... Cùng với một số cán bộ lâu năm ở Lào như anh Đào Văn Tiến, Hồ Đức Liên, Hoài Nguyên, Trần Văn Cầu, Nguyễn Công Hàm, Hùng Phi, v.v... Viện Đông Nam Á, thông qua hợp tác với Lào, thực sự đã thu thập được nhiều tư liệu và kiến thức về Lào với một đội ngũ Lào học khá hoàn chỉnh. Không biết rồi hiện nay chúng ta sẽ tiếp nối như thế nào! Điều đáng tiếc là trong 4 công trình hợp tác chỉ có phía các bạn Lào in được ba, cuốn “Các bộ tộc ở Lào” bạn cũng chưa xuất bản. Còn phía Việt Nam thì không công bố được một bản nào bằng tiếng Việt để cung cấp cho các độc giả Việt Nam. Tôi chỉ cho xuất bản cuốn “Từ điển Lào  - Việt” năm 1995. Hiện nay theo thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị của hai Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ biên soạn hai bộ từ điển lớn Lào - Việt và Việt – Lào do tôi làm chủ biên.

Riêng về phần mình, điều tâm đắc nhất của tôi là từ cảm nhận đến thức nhận tôi đã phát hiện ra nhiều mối quan hệ trong tiếp xúc văn hóa Lào - Việt, và nhất là tôi đã phần nào giải mã được tâm thức của người Lào về lịch sử văn hóa của họ. Tôi hiểu rằng, trước đây chúng tôi ngay cả trong nghiên cứu về Lào vẫn mang tính chủ quan, do đó nhiều cách lý giải về lịch sử, về văn hóa Lào của chúng tôi ít được các bạn Lào chấp nhận. Người Lào công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là tiền thân của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và coi trọng sự ra đời của Đảng năm 1930, nhưng người Lào rất tự hào và muốn khắc họa hết sức đậm nét trong lịch sử Lào sự kiện thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (22/3/1955) là Đảng Cách mạng của các bộ tộc Lào. Người Lào đánh giá rất cao chiến thắng Điện Biên Phủ vì nó đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần giành lại hai tỉnh tập kết cho Lào và là căn cứ địa cách mạng để tiến lên giải phóng toàn Lào, và người Lào tự hào đã có phần đóng góp của họ với tư cách là chiến trường phối hợp, nhưng họ càng tự hào hơn với chiến dịch giải phóng Viêng Chăn năm 1975 - do người Lào tự làm nên, đã “bắt được cá nhưng không làm gãy sen” và giải phóng hoàn toàn đất nước Lào để nhân dân các bộ tộc Lào có chủ quyền xây dựng đất nước của mình. Người Lào, người Campuchia rất tự hào vì đã góp phần chia lửa, góp xương máu và đất đai để xây dựng con đường Trường Sơn huyền thoại.

Từ đó tôi càng hiểu sâu sắc và thấm thía hơn tại sao khi tình nguyện sang giúp Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, hàng năm mỗi lần sinh hoạt chi bộ Đảng, chúng tôi phải kiểm điểm hai vấn đề: Một là, các đồng chí sang Lào để làm nghĩa vụ quốc tế hay là với tư tưởng dân tộc nước lớn? Hai là, các đồng chí có giúp bạn để bạn làm lấy công việc của mình hay bao biện làm thay? Đó chính là những nguyên tắc cơ bản mà Bác Hồ và Đảng ta yêu cầu quân đội tình nguyện phải nghiêm chỉnh chấp hành trong quan hệ liên minh ba nước Đông Dương. Mỗi trận đánh của quân tình nguyện Việt Nam ở Lào chỉ được coi là thắng, khi quân địch bị tiêu diệt, khi có cán bộ chiến sĩ Lào cùng tham gia, khi cơ sở được đảm bảo an toàn không bị kẻ thù đốt phá... Bác Hồ - một lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, dân tộc ta được nhân dân Lào, nhân dân Campuchia và nhân loại tiến bộ tin tưởng suy tôn... bởi Bác có tầm nhìn xa trông rộng, lịch thiệp và nhạy cảm. Bác hiểu rõ, các nước Đông Nam Á đều là những quốc gia đa dân tộc, có dân tộc chủ thể và các dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc dù lớn dù bé đều có lòng tự tôn dân tộc một cách chính đáng và dễ bị mặc cảm. Hơn nữa, bọn thực dân xâm lược bao giờ cũng dùng mọi thủ đoạn chia rẽ nhân dân ba nước, chia rẽ các dân tộc. Cho nên hòn đá tảng trong quan hệ dân tộc, trong tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh là đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau để đánh bại kẻ thù xâm lược. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập theo chỉ thị của Đệ tam Quốc tế. 11 năm sau, tháng 5/1941, dưới sự chỉ đạo của Bác, Hội nghị Trung ương Đảng khẳng định trước mắt là phải làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và yêu cầu không nói chung cho cả Đông Dương mà phải nêu vấn đề dân tộc từng nước, cách mạng là của nhân dân từng nước, nhân dân mỗi nước phải tự làm lấy và phải hỗ trợ lẫn nhau, phải thành lập Mặt trận dân tộc mỗi nước, trên cơ sở đó mới thành lập Mặt trận thống nhất Đông Dương. Việt Nam có Mặt trận Việt Minh, Lào có Mặt trận Ítxala, Campuchia có Mặt trận Ítxarắc. Tháng 2/1952, mười năm sau, dưới sự chỉ đạo của Bác, Đảng Cộng sản Đông Dương phải tổ chức lại, tự tuyên bố giải tán và mỗi nước thành lập Đảng cách mạng của mình: Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và xây dựng cơ chế liên minh đặc biệt để giúp đỡ lẫn nhau.

Tháng 3/1952, trong Hội nghị cán bộ Mặt trận liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia, Hồ Chủ tịch nói: “Việt Nam đoàn kết chặt chẽ, Lào đoàn kết chặt chẽ, Campuchia đoàn kết chặt chẽ, cả ba nước đoàn kết chặt chẽ thì nhất định sẽ đánh bại bọn thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giành độc lập tự do thực sự. Đoàn kết nói ở đây là đoàn kết trong lòng, đoàn kết trong hành động, đoàn kết trong đấu tranh, chứ không phải đoàn kết miệng: (Quan hệ Việt Lào - Lào Việt. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 53  - 54).

Đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong quan hệ quốc tê, đó là một trong những di sản quý giá mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta! Nếu như trước đây các con đường giao liên Việt Lào ở khu 4 quê tôi từ Mụ Dạ qua Banaphào (Quảng Bình), từ Sơn Phố sang Napê (Hà Tĩnh), từ Mường Xén sang Bản Ban (Nghệ An), từ Namèo sang Sầm Tớ (Thanh Hóa)... mà nhân dân và các chiến sĩ cách mạng hai nước đã đổ bao xương máu để xây dựng nên con đường cách mạng - con đường mòn Hồ Chí Minh sau này, đã dắt dẫn tôi đến chung lưng đấu cật với các bạn Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thì ngày nay con đường khoa học lại một lần nữa dẫn dắt tôi đến với các bạn Lào để chúng ta đào sâu suy ngẫm và nhận thức đúng đắn mối quan hệ Việt  - Lào nhằm góp phần xây dựng sự hiểu biết, lòng tin cậy, tình hữu nghị keo sơn và sự hợp tác chân thành để giữ nước và dựng nước, cùng đi lên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, vui tươi cho nhân dân các bộ tộc Lào và Việt Nam. Không gian, thời gian, cuộc sống, con người đã gắn bó Việt Nam – Lào – Campuchia chúng ta như một nguyên lý không thể tách rời!

                                                                                       Hà Nội, tháng 8 mùa thu năm 2009

                                                                                               Phạm Đức Dương

 

 

Danh mục sách hợp tác biên soạn:

-          Lịch sử Lào 3 tập: tập I thời tiền sử, tập II. Vương quốc Lạn Xạng, tập III: Thời hiện đại. Chủ biên: Thoong Xá  Đặng Bích Hà.

-          Địa lý Lào. Chủ biên: Xixaliêu  GS. Lê Bá Thảo.

-          Văn học Lào. Chủ biên: Bò Xéng Khăm  Đào Văn Tiến.

-          Các bộ tộc Lào. Chủ biên: Khăm Bay  Phạm Đức Dương.

 

 

_______________________________________

(1) Cách đây mấy năm, trong chuyến du khảo văn hóa Qua miền Tây Bắc từ 4 - 12/7/2002, trong đêm giao lưu văn hóa ở Hòa Bình, tôi đã trình bày Nghệ thuật cồng chiêng và đời sống văn hóa của người Mường Hòa Bình, tôi đã gặp lại nhà văn hóa Bùi Chỉ - Phó chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Hòa Bình. Anh cho biết khi chúng tôi về nghiên cứu tiếng Mường ở bản Đóng thì anh mới có 12 tuổi và anh vẫn giữ hình ảnh của thầy giáo Thuật và các sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội về xóm anh nghiên cứu tiếng Mường.