Nội san

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRONG TRANH CỦA HỌA SĨ PIET MONDRIAN, VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC MĨ THUẬT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

03 Tháng Mười 2024

Hoc viên: Nguyễn Thị Hường

K12 chuyên ngành Lý luận và PPDH bộ môn Mỹ thuật

  1. MỞ ĐẦU

Ngày nay, việc giáo dục nghệ thuật đã trở nên rất quan trọng, nhất là đối với bộ môn mĩ thuật ở cấp tiểu học trong bối cảnh giáo dục mới.Đây là một giai đoạn quan trọng cho quá trình phát triển tư duy, nhận thức và ổn định nhân cách của trẻ.Việc đưa những tác phẩm mĩ thuật thế giới vào nhà trường phổ thông sẽ giúp các em học sinh được tiếp cận, học hỏi những phong cách nghệ thuật mới, phong phú và đặc sắc của các danh họa bậc thầy trên thế giới, từ đó bồi đắp thêm cho các em những kiến thức đa dạng về bộ môn Mĩ thuật. Đồng thời, các em cũng phát huy được tinh thần học tập, sáng tạo phù hợp với bối cảnh sống và lòng tự hào về quê hương đát nước mình. Bài viết tìm hiểu về đặc điểm nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian, vận dụng vào dạy học Mĩ thuật cho học sinh tiểu học nhằm giúp học sinh được tìm hiểu về một số tác phẩm cũng như phong cách nghệ thuật của họa sĩ Piet Mondrian. Từ đó, đem đến cho các em những cái nhìn mới về nghệ thuật tạo hình cũng như những thành tựu của mĩ thuật thế giới thông qua một số tác phẩm nổi tiếng của ông.

  1. NỘI DUNG
  1. Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian
    1. Những ô màu và hiệu ứng trang trí trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian

Họa sĩ Piet Mondrian (Pieter Comelis Mondrian) sinh năm 1872 tại Hà Lan và mất năm 1944 ở New York (Mĩ). Ông là một họa sĩ quan trọng của trường phái Tân tạo hình (Neo-Plasticism) cuối thế kỷ XIX đầu thế ký XX.Ông được biết đến với những bức tranh hình học đặc biệt. Chúng hoàn toàn trừu tượng và chủ yếu có các đường kẻ đen với các ô màu đỏ, vàng, xanh lam được sắp xếp không đối xứng trên nền trắng.

Piet Monrian. Composition with Red, Blue, and Yellow(1930) [1]và Composition with Black, Red, Gray, Yellow, and Blue (1874)

Đôi khi những ô màu lại như những nốt nhạc, những vũ công hay những yếu tố nào đó trong thiên nhiên đang nhày nhót ở trong tranh, trong thế giới tự nhiên thu nhỏ mà danh họa đã thể hiện trong tác phẩm của mình.

Piet Mondrian,  Victory Boogie-Woogie [2]

Sự xuất hiện của yếu tố này trong tranh đã đem lại hiệu quả rất cao trong lối tạo hình và hấp dẫn thị giác rất mạnh. Những sáng tác của ông có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển sau này của Chủ nghĩa hiện đại và Chủ nghĩa tối giản trong nghệ thuật nói chung.

  1. Đặc điểm về đường nét, màu sắc và bố cục trong tranh của họa sĩ Mondrian

Về đường nét

Nét vẽ chính là phương tiện để diễn đạt những rung động, những quan điểm của họa sĩ Mondrian. Hầu hết các sáng tác của ông từ giai đoạn sau đều không thiếu vắng bóng dáng của những đường thẳng, nó giống như ông đang "mang nợ" những đoạn đường ấy vậy, nhưng chúng không hề nhàm chán, các đường nét trong tranh của ông vẫn như là một phương tiện chính của yếu tố thị giác về thế giới khách quan, nhằm truyền đạt những năng lượng động trong bố cục của mỗi tác phẩm.

  • Tinh thần của nét: dứt khoát và mạnh mẽ, nét gọi nét, hình gọi hình.
  •  Chiều hướng của nét: chủ yếu đi theo đường ngang và dọc.
  • Tính chất của nét rất phóng khoáng.
  • Mật độ của nét không đồng nhất, tạo bố cục bất cân xứng nhưng hài hòa và chặt vẽ.
  • Khả năng tạo hình, chiều hường, khối và gợi mở không gian, tạo động hay tính của nét rất độc đáo, tạo sự chuyển động bất tận của hình thức đơn thể.

Trafalgar Square (Quảng trường Trafalgar)1939 – 1943 [4] và Composition with Red, Yellow and Blue 1921 [2]

Về màu sắc

Các tác phẩm của ông luôn là những nghiên cứu rất khoa học không chỉ về đường nét, hình khối, mảng miếng, mà còn cả yếu tố màu sắc.Các khối màu và các đường có chiều rộng khác nhau tạo ra nhịp điệu hài hòa trên bề mặt chất liệu tranh;đôi khi những đường đường kẻ, hình vuông và màu cơ bản còn được thay thế bởi các đường màu xen kẽ với các khối màu đồng nhất, tạo nên một năng lượng mới, một cảm hứng được hồi sinh từ sức sống của thành phố cùng với những bản nhạc jazz nơi ông sinh sống. Như trong bức Broadway Boogie – Woogie [2] là một ví dụ. Đó là những điều độc đáo, khác biệt và táo bạo của họa sĩ.

Piet Mondrian, Broadway Boogie – Woogie [4]

Về bố cục

Hầu hết các tác phẩm của ông đều có bố cục tự do, bất cân đối nhưng tuân thủ quy tắc 1/3, quy tắc của sự cân bằng tạo sự hài hòa của các yếu tố trong tác phẩm. Tức là tác giả đặt đối tượng chính (ô màu quan trọng) ở vị trí 1/3 của khung hình và đặt một đối tượng cũng có sức ảnh hưởng khác thấp hơn để lấp đầy không gian. Và khoảng không gian trống vừa là mảng nền, vừa là những ô màu sáng có công năng làm nổi bật hình ảnh dù là rất nhỏ. Các ô màu nhỏ và đậm làm tôn lên vẻ đẹp của nền, hoặc đôi khi chúng lại hòa vào nhau, bổ túc cho nhau, cùng nhảy nhót trong trí tưởng tượng và hình dung của người chiêm ngưỡng.

  1. Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian vào dạy học mĩ thuật cấp tiểu học

Họa sĩ Piet Mondrian đã để lại một giá trị nghệ thuật đặc sắc bởi cách tạo hình tối giản, cách thể hiện rõ ràng, màu sắc bắt mắt, nghệ thuật tạo hình của ông khá phù hợp để ứng dụng vào giảng dạy Mĩ thuật cho Học sinh tiểu học. Trên cơ sở đó các em có thể ứng dụng một cách tích cực và sáng tạo trong các buổi thực hành để tạo nên những tác phẩm mang cá tính của riêng mình.

Trong chương trình Mĩ thuật tiểu học có nhiều đề tài phong phú và đa dạng như: Sự kết hợp thú vị của vật  liệu khác nhau, âm nhạc và màu sắc, trang phục yêu thích... Tùy vào đặc điểm của học sinh cũng như đặc điểm của từng vùng người giáo viên có thể vận dụng lối tạo hình này lồng ghép vào các chủ đề một cách linh hoạt. Theo nghiên cứu của tác giả, tác giả sẽ đưa ra một số hướng vận dụng vào các chủ đề cụ thể như sau:

  • Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian vào bài "Trang phục yêu thích" cho HS lớp 4. Bài học với mục tiêu giúp HS hiểu về dáng người, kiểu dáng và những họa tiết trang trí trên trang phục nói chung và trang trí theo phong cách hội họa của họa sĩ Mondrian nói riêng, vẽ được họa tiết theo ý thích, phát huy trí tưởng tượng để phát triển sản hẩm, giới thiệu, nhận xét và nêu được cảm nhận về sản phẩm của mình cũng như của nhóm mình, nhóm bạn. Sau buổi học các em đã biết thiết kế một số kiểu dáng trang phục theo ý mình và trang trí ở góc học tập.

Tác phẩm của HS lớp 4. Ảnh: Tác giả

  • Vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian vào bài "Thử nghiệm và sáng tạo với các chất liệu" cho HS lớp 5. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với môn Mĩ thuật chú trọng đổi mới phương pháp, vận dụng đa dạng hình thức, không gian học tập, các chất liệu, vật liệu được sưu tập, tái sử dụng trong thực hành sáng tạo. Bài học giúp HS biết chọn chất liệu phù hợp, biết tạo hình và trang trí cho nhiều chất liệu khác nhau, mạnh dạn giao tiếp, ứng sử thân thiện, bảo vệ môi trường và sáng tạo trang trí cho các vật liệu cũ.

Tác phẩm của HS lớp 5. Ảnh: Tác giả

Qua nghiên cứu cho thấy việc vận dụng nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Mondrian vào dạy học mĩ thuật cho HS tiểu học khá là phù hợp với tất cả các đối tượng từ lớp 1 đến lớp 5. Chúng ta có thể lồng ghép vào nhiều chủ đề bài học trong các bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, sách Cánh diều hay dạy học theo dự án hỗ trợ Đan Mạch… và tiến hành dạy thực nghiệm. Tuy nhiên, trình độ và khả năng truyền tải năng lượng của người GV là vô cùng quan trọng. Không chỉ là kỹ năng khoa học mà cần có thêm những định hướng thẩm mĩ, có chiều sâu, phù hợp với thực tiễn giảng dạy theo từng đơn vị nhà trường.

  1. Kết luận

Việc vận dụng những giá trị tạo hình của họa sĩ Piet Mondrian vào trong môi trường giảng dạy cho HS ngay từ cấp tiểu học là rất bổ ích và thú vị. Họa sĩ đã để lại những giá trị nghệ thuật đặc sắc bởi cách tạo hình đơn giản, ít pha trộn, lối nhìn khái quát, màu sắc tươi vui và bắt mắt. Đối với HS tiểu học, lứa tuổi này rất dễ thích nghi cũng như hứng thú với cái mới lạ, thích tò mò, khám phá cái mới. Vì vậy khi đưa phong cách tạo hình trong tranh của họa sĩ  nước ngoài đan xen vào chương trình dạy học sẽ tạo cảm giác tươi mới, hứng khởi, thêm yêu thích môn học. Qua đó các em chủ động sáng tạo, kết nối các kiến thức được học vào thực tế, bồi đắp phẩm chất và năng lực thẩm mĩ , thêm gắn bó tình yêu quê hương đất nước mình với bạn bè thế giới.

Việc ứng dụng đặc điểm nghệ thuật tạo hình trong tranh của họa sĩ Piet Mondrian vào dạy học mĩ thuật đã khơi dậy cho HS nguồn cảm hứng rất tích cực, tạo sự chủ động trong sáng tác cho rất nhiều các tác phẩm của HS cũng như cho những người yêu thích trường phái nghệ thuật Tân tạo hình (Neo-Plasticism) cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tài liệu tham khảo:

1. Susanne Deicher (2018), Piet Mondrian, bìa mềm, ngôn ngữ Tiếng Anh, Nxb Taschen America Lic.

2. Susanne Deicher (1995), Piet Mondian1872 – 1944 Structures in Space, bìa cứng, ngôn ngữ Tiếng Anh, Nxb Benedikt Taschen.

3. Nguyễn Hữu Dỵ (2011), Giáo trình nghệ thuật tạo hình, Trường Đại học Vinh.

4. John Milner (1992), Mondrian, Nxb Phaidon.

 

Một số hình ảnh sáng tạo của học sinh ở các khối lớp.

 

TP của HS lớp 3. Ảnh tác giả

 

Hình ảnh sáng tạo của HS lớp 4. Ảnh: tác giả

Hình ảnh sáng tạo của HS lớp 4. Ảnh tác giả

Hình ảnh sáng tạo của HS lớp 4. Ảnh: tác giả

Hình ảnh sáng tạo của HS lớp 5. Ảnh: Tác giả

 

 

Sản phẩm sáng tạo của HS lớp 5. Ảnh tác giả