Nguyễn Quỳnh Trang
Khoa Giáo dục đại cương
Padlet là công cụ công nghệ dựa trên nền tảng web giúp giảng viên có thể vận dụng trong đổi mới phương pháp dạy học. Padlet được vận dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong quá trình dạy học như: thiết kế bài giảng, quản lý tài nguyên, thảo luận, đánh giá… nhằm phát triển các kỹ năng trong học tập cho sinh viên.Với giao diện trực quan, dễ sử dụng và thẩm mỹ cao, việc vận dụng Padlet trong quá trình giảng dạy không chỉ tăng tính tương tác mà còn khuyến khích được sự chủ động và sáng tạo ở sinh viên.
Đổi mới phương pháp dạy học là một nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên. Việc kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học tích cực cùng với vận dụng các phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) là một một giải pháp tốt, bởi CNTT đã trở thành một phần không thể thiếu trong giáo dục hiện đại, trong đó Padlet là công cụ hỗ trợ giáo dục rất phổ biến hiện nay. Trong dạy học, Padlet được ví như là một tấm bảng trong lớp học, giáo viên sử dụng để chia sẻ tài liệu giảng dạy, tạo các bảng thảo luận và bảng tóm tắt kiến thức, tạo ra các bài tập trực tuyến, đặt câu hỏi, bài kiểm tra trực tuyến hoặc đưa ra các bài tập lớn. Giảng viên có thể mời người học tham gia vào các bảng này và cùng nhau thảo luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh, âm thanh, video... để tăng sự hứng thú và tương tác cho người học.
Tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, học phần Tâm lý học là học phần bắt buộc thuộc khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những giáo viên tương lai. Với tính ứng dụng cao, học phần này cung cấp nền tảng kiến thức cần thiết giúp sinh viên phát triển năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Dù sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của học phần nhưng trong quá trình học tập các em vẫn mang tính thụ động. Vì vậy, vận dụng Padlet vào quá trình giảng dạy, nhằm tích cực hóa hoạt động học tập của sinh viên, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên sư phạm Âm nhạc/Mỹ thuật qua đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của việc dạy và học học phần Tâm lý học.
1. Giới thiệu về Padlet
Padlet là một nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tạo ra các bảng tương tác (board) để chia sẻ và sắp xếp nội dung một cách linh hoạt, trực quan. Được thiết kế với giao diện dễ sử dụng, Padlet cho phép người dùng đăng tải nhiều loại tài liệu khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, tài liệu âm thanh và các liên kết web. Một trong những điểm mạnh nổi bật của Padlet là khả năng cho phép nhiều người cùng làm việc trên một bảng với sự đồng bộ hóa tức thì. Điều này làm cho Padlet trở thành công cụ lý tưởng cho các hoạt động nhóm, thảo luận và trao đổi ý tưởng trong môi trường học tập.
Trong lĩnh vực giáo dục, Padlet đang ngày càng được áp dụng rộng rãi như một công cụ giảng dạy hiệu quả, hỗ trợ việc phát triển các phương pháp dạy học tích cực. Sự linh hoạt của Padlet cho phép giảng viên dễ dàng tùy biến các hoạt động học tập phù hợp với nhu cầu của sinh viên và mục tiêu của học phần. Cụ thể, giảng viên có thể vận dụng Padlet để tổ chức các phiên thảo luận trực tuyến, yêu cầu sinh viên đăng phản hồi hoặc tạo không gian tương tác cho các dự án nhóm. Các hoạt động này không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kỹ năng tư duy phản biện mà còn giúp họ thể hiện sự sáng tạo và khả năng làm việc nhóm.
Một tính năng quan trọng của Padlet là khả năng quản lý quyền truy cập, cho phép người tạo bảng kiểm soát chặt chẽ việc ai có thể xem, chỉnh sửa hay góp ý. Điều này giúp giảng viên duy trì tính bảo mật và kiểm soát nội dung, đảm bảo môi trường học tập an toàn và tập trung. Bên cạnh đó, Padlet hỗ trợ nhiều định dạng bố cục khác nhau như "Tường" (Wall), "Lưới" (Grid), và "Dòng thời gian" (Timeline), giúp người dùng dễ dàng điều chỉnh cách sắp xếp và trình bày nội dung theo các mục đích khác nhau.
Không chỉ phù hợp với môi trường học tập truyền thống, Padlet còn là công cụ hữu ích trong các mô hình học tập kết hợp (blended learning) và học trực tuyến. Nhờ sự tích hợp linh hoạt với nhiều nền tảng công nghệ giáo dục khác, Padlet có thể được sử dụng như một phần của hệ thống quản lý học tập hoặc kết hợp với các công cụ giảng dạy khác để tạo ra các trải nghiệm học tập phong phú và đa dạng. Ngoài ra, với khả năng lưu trữ và xuất tệp dưới nhiều định dạng khác nhau, Padlet còn cung cấp cho sinh viên và giảng viên một công cụ để lưu trữ và theo dõi tiến trình học tập qua các giai đoạn khác nhau.
2. Triển khai vận dụng Padlet trong học phần Tâm lý học
Padlet được vận dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong quá trình dạy học, dưới đây là cách triển khai Padlet trong bốn nội dung chính: thiết kế nội dung bài giảng, quản lý tài nguyên, tạo không gian thảo luận và báo cáo bài tập nhóm trong dạy học học phần Tâm lý học.
* Thiết kế nội dung bài giảng
- Giảng viên có thể thiết kế, tạo bố cục bài giảng theo từng phần bài giảng dưới dạng bảng Padlet với các mục được chia theo từng chủ đề hoặc từng phần của bài học. Tích hợp các phương tiện như video, hình ảnh, hoặc tài liệu vào bài giảng, giúp nội dung sinh động hơn. Mỗi phần trên bảng có thể chứa nội dung, ví dụ thực tiễn và bài tập liên quan. Điều này giúp sinh viên theo dõi mạch bài giảng một cách rõ ràng và logic. Ví dụ minh họa: Nội dung bài giảng “Hoạt động giao tiếp của lứa tuổi học sinh THCS” trên Padlet bao gồm tài liệu giảng dạy, slide bài giảng và các bài tập thảo luận liên quan đến đặc điểm hoạt động giao tiếp của lứa tuổi thiếu niên (THCS).
- Giảng viên dùng Padlet để tạo các hoạt động tương tác nhỏ giữa bài giảng như đặt câu hỏi, yêu cầu sinh viên đăng phản hồi hoặc trả lời câu hỏi. Điều này giúp duy trì sự tương tác và kiểm tra mức độ hiểu bài của sinh viên ngay trong quá trình học. Ví dụ minh họa: Yêu cầu sinh viên đăng bài phân tích sau khi xem video về nội dung “Giao tiếp của lứa tuổi học sinh THCS với người lớn” trên bảng Padlet..
* Quản lý tài nguyên
- Giảng viên dùng Padlet để tập hợp và quản lý tất cả các tài liệu giảng dạy tại một nơi. Bảng Padlet Tâm lý học chứa đường dẫn đến các bài đọc, sách, video, và các nguồn tài liệu khác, giúp sinh viên dễ dàng truy cập.
- Padlet cho phép chỉnh sửa và bổ sung nội dung dễ dàng, giảng viên có thể cập nhật tài liệu học tập bất cứ khi nào cần thiết mà không phải phát lại các tài liệu mới cho sinh viên. Điều này giúp duy trì tính cập nhật của tài liệu mà vẫn dễ dàng theo dõi.
- Padlet cung cấp các tùy chọn chia sẻ dễ dàng, giảng viên có thể chia sẻ tài liệu với toàn bộ lớp hoặc chỉ với những nhóm học nhỏ qua đường link hoặc mã QR. Sinh viên có thể truy cập Padlet trên nhiều thiết bị, giúp học tập linh hoạt hơn.
* Tạo không gian thảo luận
- Thảo luận theo nhóm: Giảng viên phân chia sinh viên thành các nhóm nhỏ và yêu cầu mỗi nhóm thảo luận về một chủ đề cụ thể trên Padlet. Mỗi nhóm sẽ tạo một bảng riêng để đăng tải các ý tưởng, quan điểm và tài liệu liên quan. Các nhóm có thể xem và bình luận vào bảng của nhau, từ đó thúc đẩy sự trao đổi kiến thức.
- Thảo luận của cá nhân trong lớp học: Giảng viên tạo một bảng Padlet chung cho cả lớp để đăng các câu hỏi mở liên quan đến bài học. Sinh viên đóng góp ý kiến, phản hồi các câu hỏi và thảo luận với nhau trên bảng này. Điều này khuyến khích sự tham gia tích cực và giúp sinh viên trình bày ý tưởng một cách sáng tạo. Ví dụ minh họa: Sinh viên phản hồi câu hỏi thảo luận trong bảng Padlet Tâm lý học với nội dung về “so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa cảm giác và tri giác”.
* Báo cáo bài tập nhóm
- Giảng viên tạo bảng Padlet riêng cho mỗi nhóm sinh viên. Mỗi bảng sẽ là nơi nhóm đăng tải tiến độ và kết quả bài tập nhóm. Mỗi nhóm có thể sử dụng bảng của mình để phân chia công việc, ghi chú, và đăng tải các phần báo cáo khác nhau.
- Nhóm đăng các tài liệu bổ trợ như biểu đồ, video, hình ảnh hoặc tài liệu liên quan để minh họa cho bài báo cáo. Điều này không chỉ làm bài tập nhóm trở nên phong phú mà còn giúp sinh viên thể hiện sự sáng tạo trong việc trình bày.
- Giảng viên truy cập vào từng bảng Padlet để theo dõi quá trình làm việc của nhóm và đưa ra phản hồi tức thời cho từng phần của báo cáo. Ngoài ra, sinh viên từ các nhóm khác cũng có thể truy cập để nhận xét, góp ý giúp các nhóm cải thiện nội dung.
- Giảng viên dùng bảng Padlet của từng nhóm để đánh giá toàn bộ tiến trình làm việc, sự đóng góp của từng thành viên, cũng như chất lượng của bài báo cáo cuối cùng. Điều này giúp đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình đánh giá. Ví dụ minh họa: các nhóm báo cáo sản phẩm sơ đồ tư duy về nội dung “sự hình thành và phát triển Tâm lý, ý thức” trong Padlet lớp học.
Padlet là một công cụ đa năng, hỗ trợ tích cực cho việc giảng dạy và học tập. Bằng cách tạo ra môi trường tương tác trực tuyến thuận tiện và dễ dàng sử dụng, Padlet không chỉ thúc đẩy sự tham gia tích cực của sinh viên mà còn giúp giảng viên quản lý và phát triển các phương pháp giảng dạy hiện đại, hiệu quả hơn trong thời đại số hóa.
3. Kết luận
Padlet đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học nhờ khả năng hỗ trợ tương tác, sáng tạo và quản lý tài nguyên hiệu quả. Với Padlet, giảng viên có thể tạo môi trường học tập tương tác, nơi sinh viên dễ dàng trao đổi thông tin, chia sẻ tài liệu, phản hồi một cách linh hoạt, cả trong và ngoài lớp học. Công cụ này cũng hỗ trợ việc phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên, thông qua việc đăng tải và trình bày nhiều loại nội dung đa phương tiện như văn bản, hình ảnh, video và đường liên kết. Ngoài ra, Padlet còn mang đến không gian học tập linh hoạt, thích hợp cho các hoạt động nhóm, báo cáo, đánh giá bài học và lưu trữ tài liệu học tập, góp phần hỗ trợ việc triển khai các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới trong môi trường giáo dục hiện đại.
Tài liệu tham khảo
1. Lã Thị Ngọc Anh, Lê Tiểu Thanh (2022), Nghiên cứu ứng dụng web Padlet trong giảng dạy học phần thiết kế mỹ thuật, Tạp chí Khoa học quản lý và công nghệ - Số 23 quý 4/2022.
2. Nguyễn Ngọc Ân (2022), Sử dụng Padlet thúc đẩy học tập hợp tác trong đổi mới phương pháp dạy học môn Tiếng Anh tại Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, Tạp chí khoa học Giáo dục Việt Nam, tập 18, số S3/2022.
3. Nguyễn Lăng Bình (2018), Dạy và học tíc cực – Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
4. Đỗ Mạnh Cường (2007), Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Nxb Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
5. Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (2004), Lý luận dạy học đại học, Nxb ĐH sư phạm, Hà Nội.