Sự kiện

Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo Văn hóa Nghệ thuật”

22 Tháng Mười 2024

NUAE - Sáng ngày 22.10.2024, Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo Văn hóa Nghệ thuật” do Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Nhà xuất bản ESN (Ấn Độ) phối hợp tổ chức. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp tại trường và trực tuyến qua nền tảng Zoom.

Toàn cảnh Hội thảo

Chương trình nghệ thuật của NUAE chào mừng

Múa truyền thống của các nghệ nhân Ấn Độ biểu diễn chào mừng

Tham dự Hội thảo, có PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Swami Vivekananda, ĐSQ Ấn Độ; TS. J. Banuchandar, Giám đốc Nxb ESN, Ấn Độ - Đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo. Cùng tham dự hội thảo có các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học cao đẳng Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi.

PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao, tạo động lực xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia là vấn đề cấp thiết đang được đặt ra hiện nay. Để nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này, nhiều quốc gia đã xác định cần phải đổi mới, sáng tạo và phát triển. Có như vậy, văn hóa nghệ thuật mới phát huy được vai trò định hình bản sắc văn hóa mỗi dân tộc cũng như nâng cao vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế.

PGS.TS. Đào Đăng Phượng cho rằng bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch COVID-19 vừa tạo ra thời cơ và thách thức cho công tác giáo dục, đào tạo văn hóa nghệ thuật; đòi hỏi phải có những giải pháp mới, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ và chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục đào tạo văn hoá nghệ thuật.

Thông qua Hội thảo, PGS mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và sự tác động của nó đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội thời gian qua. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo văn hóa nghệ thuật trong tình hình mới.

TS. J.Banuchandar, Đồng trưởng ban tổ chức, Giám đốc NXB ESN, Ấn Độ  phát biểu

Đáp lời PGS.TS. Đào Đăng Phượng, TS. J.Banuchandar, Đồng trưởng ban tổ chức, Giám đốc NXB ESN, Ấn Độ đã có phát biểu chào mừng đề cao mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, phía đoàn Ấn Độ cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nâng cao mối quan hệ giữa hai đơn vị và đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động trao đổi học thuật hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo, ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhận định: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực văn hoá nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo văn hoá nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Theo đó, để phù hợp với xu thế và bối cảnh mới, đòi hỏi sự nghiệp đào tạo văn hoá nghệ thuật, trong đó chủ thể là các cơ sở đào tạo cần phải có nhưng giải pháp mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường; phù hợp với chủ trương chính sách của Quốc gia về phát triển văn hoá; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong thời đại 4.0, trong đó chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục và đào tạo văn hoá, nghệ thuật.

GS.TS. Trương Quốc Bình trình bày tham luận Mấy vấn đề về đào tạo Mỹ thuật ở Việt Nam

Hơn 100 bài viết tham luận với những góc nhìn sâu sắc, đa chiều tập trung phân tích bốn nội dung chính:

Thứ nhất, những nghiên cứu về văn hoá, bao gồm thực trạng và định hướng đào tạo nhân lực du lịch phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam; Giáo dục giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ thông qua di sản văn hoá phi vật thể; vai trò của nghệ thuật sân khấu trong đào tạo sinh viên ngành quản lý văn hoá; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục văn hoá, nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay; Tác động của đổi mới giáo dục ở Việt Nam đến sự phát triển văn hoá, nghệ thuật trong cộng đồng.

Thứ hai, một số nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục âm nhạc như: Đào tạo Âm nhạc trong thời kỳ công nghệ số: Những cơ hội và thách thức mới; Đánh giá thực trạng dạy và học môn Âm nhạc cấp Trung học Phổ thông theo định hướng đổi mới giáo dục tại Việt Nam; Các yếu tố ảnh hưởng đến dạy học tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non theo hướng trải nghiệm; Đào tạo giáo viên Âm nhạc đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay…

Thứ ba, những nghiên cứu về giáo dục Mỹ thuật: Đây là mảng nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học với 51 bài viết, tiêu biểu như: Đôi điều về hoạt động đào tạo Mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay; Giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, thời kỳ công nghiệp văn hóa - sáng tạo tại Việt Nam; Kỹ thuật số, phương tiện hữu ích trong đào tạo chuyên ngành thiết kế thời trang việt nam hiện nay; Số hoá nguồn tư liệu mỹ thuật cổ phục vụ trong lĩnh vực giáo dục tại các cơ sở đào tạo Mỹ thuật ở Việt Nam; Đào tạo thiết kế minh hoạ trong kỷ nguyên số: Từ kỹ thuật truyền thống đến các phương pháp mới; Hình thức tổ chức lớp học trong dạy học mỹ thuật phổ thông theo hướng phát triển năng lực.

Thứ tư, những nghiên cứu về ứng dụng khoa học công nghệ của các nhà khoa học nước ngoài đã cung cấp những kinh nghiệm, thông tin rất hữu ích về ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục đào tạo trên thế giới, chú trọng vai trò của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá để phát triển đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Đại diện đơn vị đồng tổ chức trao kỷ niệm chương cho lãnh đạo NUAE

Đại biểu, khách mời và lãnh đạo NUAE chụp ảnh lưu niệm

Trước chương trình Hội thảo, đoàn công tác Ấn Độ đã có cuộc hội đàm và kí kết biên bản ghi nhớ với lãnh đạo Nhà trường. Lễ ký kết hợp tác giữa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Nhà xuất bản ESN, Ấn Độ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ hợp tác, cùng phát triển, hứa hẹn sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín của hai bên.

PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

chào đón quý vị khách quý tham dự Hội thảo

PGS.TS. Lê Vinh Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai bên.

Hạnh Nguyên