Giảng viên Đỗ Ánh Tuyết
Khoa Giáo dục đại cương
Dạy học theo tiếp cận trải nghiệm là chiến lược dạy học lấy hoạt động trải nghiệm của người học làm trung tâm. Giá trị mà chiến lược dạy học đem lại là giúp người học rèn luyện và phát triển năng lực hành động. Do đó, dạy học theo tiếp cận trải nghiệm là một xu thế giáo dục hiện đại giúp người học vừa có học vấn, vừa có có năng lực hành động.
Giáo dục học (GDH) là môn nghiệp vụ có vị trí đặc biệt quan trọng trong các trường sư phạm. Môn học chứa đựng những khái niệm, phạm trù rất gần gũi với thực tiễn giáo dục, nhưng không dễ dàng vận dụng chúng vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Vì lẽ đó, sau khi học xong môn học, sinh viên chỉ có được hệ thống những tri thức về dạy học và giáo dục, chưa hình thành và phát triển được những năng lực nghề nghiệp cần thiết. Do vậy, trong quá trình dạy học môn Giáo dục học, nếu giảng viên tăng cường tổ chức, định hướng, hỗ trợ và khuyến khích sinh viên nghiên cứu các vấn đề của thực tiễn giáo dục sẽ giúp họ khai thác, vận dụng những hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân để phân tích, đánh giá, phát hiện và giải quyết vấn đề. Qua đó, sinh viên sẽ tích lũy được những kinh nghiệm mới và hình thành năng lực cần thiết của người giáo viên. Như vậy, đổi mới dạy học môn Giáo dục học theo tiếp cận trải nghiệm là hết sức cần thiết hiện nay tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.
1. Dạy học môn Giáo dục học theo tiếp cận trải nghiệm
1.1. Vai trò, nhiệm vụ của môn Giáo dục học
Nếu như các môn khoa học chuyên ngành trang bị cho sinh viên hệ thống tri thức khoa học cơ bản, nâng cao trình độ chuyên môn thì môn GDH không chỉ giúp sinh viên nắm vững hệ thống tri thức lí luận trong chương trình mà còn từng bước hình thành ở họ kỹ năng nghề dạy học, hình thành tình yêu đối với con người, nghề nghiệp, sự nghiệp giáo dục và cuộc sống. Chính nhân cách nghề có được sau khi học xong môn GDH đã khiến cho người giáo viên tương lai luôn có ý thức lao động tận tâm, tự lực, sáng tạo. Như vậy, dạy học môn GDH theo tiếp cận trải nghiệm là một chiến lược dạy học thể hiện tính định hướng nghề nghiệp, ứng dụng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay.
Mục tiêu dạy học môn GDH theo tiếp cận trải nghiệm: GDH là môn học nằm trong nội dung khoa học sư phạm, mục tiêu chính của dạy học GDH theo tiếp cận trải nghiệm là nâng cao kết quả học tập môn học, đồng thời phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên thông qua tổ chức cho họ học tập trải nghiệm tri thức GDH. Các năng lực cụ thể cần hướng tới phát triển cho sinh viên trong dạy học GDH theo tiếp cận trải nghiệm được xác định là: Năng lực ứng dụng tri thức GDH vào thực tiễn nghề nghiệp như; Năng lực dạy học và năng lực giáo dục; Năng lực làm việc độc lập; Năng lực hợp tác; Năng lực khám phá và sáng tạo; Năng lực nhận thức và tích cực hóa bản thân.
1.2. Phương pháp dạy học môn Giáo dục học theo tiếp cận trải nghiệm
1.2.1. Phương pháp dạy học dự án
Là tổ chức việc dạy và học thông qua các dự án gắn với thực tiễn, dựa trên các câu hỏi, vấn đề, bài tập mang tính chất kích thích sinh viên tìm hiểu, khám phá. Sinh viên phải làm việc theo nhóm và khám phá những vấn đề gắn hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trong thực tiễn trường phổ thông để tạo ra kinh nghiệm mới. Sau đó sinh viên thuyết trình, chia sẻ dự án của mình trên lớp. Các em có thể sử dụng máy tính, báo cáo, vở kịch, video, một sản phẩm tạo ra… Thông qua thực hiện dự án mà sinh viên chiếm lĩnh được nội dung môn GDH đồng thời phát triển giá trị và các kĩ năng nghề nghiệp.
1.2.2. Phương pháp tình huống
Đây là phương pháp dạy học được tổ chức theo những chủ đề phức hợp gần với các tình huống có thật của cuộc sống, nghề nghiệp. Đặc điểm của phương pháp tình huống là: Nội dung dạy học xuất phát từ vấn đề phức hợp; Vấn đề gắn với thực tế cuộc sống, nghề nghiệp; Tạo khả năng tự tìm kiếm tri thức mới và vận dụng; Tạo điều kiện để người học có thể trao đổi ý kiến, quan điểm với nhau và với người dạy. Đây là phương pháp giúp cho dạy học gắn liền với thực tiễn cuộc sống, nghề nghiệp, kích thích hứng thú và tính tích cực học tập ở người học.
1.2.3. Phương pháp thảo luận nhóm
Đây là phương pháp cho phép 5 - 6 sinh viên trong lớp kết lại với nhau thành nhóm nhỏ. Tùy vào mục đích, yêu cầu của nội dung học tập môn GDH, các nhóm được phân chia ngẫu nhiên hay có chủ đích, được duy trì ổn định hay thay đổi trong từng phần và được giao những nhiệm vụ khác nhau. Sinh viên phải thể hiện trách nhiệm, chủ động chia sẻ kinh nghiệm sẵn có, tích cực tranh luận, giúp cho việc học tập môn GDH đạt kết quả cao.
1.2.4. Phương pháp nêu và giải quyết vấn đề
Giảng viên thiết kế, hướng dẫn, chỉ đạo và khuyến khích sinh viên học tập thông qua quá trình giải quyết vấn đề của họ. Đây là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên. Các em được đặt trong một tình huống có vấn đề, thông qua việc giải quyết vấn đề giúp sinh viên lĩnh hội tri thức, kĩ năng.
1.3. Hình thức tổ chức dạy học môn GDH theo tiếp cận trải nghiệm
1.3.1. Hình thức dạy học trên lớp
Hình thức dạy học quy định thời gian một cách chính xác, ở địa điểm riêng biệt. Giảng viên chỉ đạo hoạt động nhận thức có tính chất tập thể ổn định, có thành phần không đổi. Từng đặc điểm của sinh viên sẽ được giảng viên lưu ý để sử dụng các phương pháp, phương tiện dạy học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nắm vững tài liệu cũng như làm phát triển năng lực nhận thức, năng lực hành động, năng lực nghề nghiệp. Giảng viên có thể tổ chức cho sinh viên học tập thông qua nhiều phương pháp: dạy học tình huống, dạy học dự án, dạy học theo nhóm… giảng viên có thể kết hợp cách bố trí bàn ghế, sử dụng công nghệ thông tin… sẽ giúp sinh viên có cơ hội vận dụng tri thức lí luận vào thực tế, kích thích tính tích cực, chủ động, sáng tạo, nâng cao kết quả học tập, góp phần hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp.
1.3.2. Hình thức tự học
Hình thức này sẽ rèn luyện cho sinh viên năng lực tự học, năng lực độc lập phát hiện và giải quyết vấn đề từ các nguồn tài liệu khác nhau. Thông qua việc tự học sẽ bồi dưỡng, rèn luyện cho sinh viên tinh thần trách nhiệm trong học tập, tính chủ động, phát huy sự nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đề ra trong thời gian quy định.
1.3.3. Hình thức tham quan học tập
Việc tổ chức cho sinh viên tiếp xúc với thực tế sinh động về công tác dạy học và giáo dục trong nhà trường phổ thông có tác dụng nhiều mặt đối với sinh viên. Sinh viên được làm bài tập dự án. Các em được nghiên cứu tình huống gắn với thực tiễn nghề nghiệp….Điều đó đã khơi gợi hứng thú rất nhiều trong học tập của các em.
1.3.4. Hình thức thực hành
Thực hành là điển hình của dạy học theo tiếp cận trải nghiệm và được hiểu theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Thực hành trong dạy học môn GDH được diễn ra ở trên lớp rất hữu dụng trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm.
Việc giảng viên luôn quan tâm kích thích nhu cầu, hứng thú, tư duy tích cực của sinh viên sẽ phát huy được sự chủ động ở các em. Sinh viên sẽ tiếp nhận nhiệm vụ và tự xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân. Các em tự tổ chức hoạt động học tập để đạt mục tiêu như: Huy động kinh nghiệm sẵn có để thiết kế, phân tích, xử lý các tình huống dạy học, giáo dục; Thực hành dự án học tập môn GDH; Trao đổi, thảo luận theo chủ đề thuộc nội dung môn học; Tự kiểm tra, đánh giá, tự điều chỉnh để cải thiện hoạt động học tập GDH…Như vậy, hoạt động dạy học của giảng viên theo tiếp cận trải nghiệm luôn hướng vào việc đề cao kiến thức, kinh nghiệm sẵn có của sinh viên và coi hoạt động trải nghiệm là trung tâm của việc dạy học để tạo nên kết quả dạy học GDH.
2. Thực trạng việc dạy học theo tiếp cận trải nghiệm môn Giáo dục học ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
Theo kết quả thống kê, đa số sinh viên (65%) cho rằng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo tiếp cận trải nghiệm có “vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến kết quả học tập của sinh viên”. Sinh viên đã nhận thức khá tốt về vai trò của phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo tiếp cận trải nghiệm đối với kết quả học tập của sinh viên. Có đến 15% sinh viên đề cao vai trò của phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo tiếp cận trải nghiệm và cho rằng chúng là thành tố “Quyết định kết quả học tập của sinh viên”. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên (18%) chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề. Họ cho rằng: phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo tiếp cận trải nghiệm “Là điều kiện hỗ trợ sinh viên học tập các môn đạt kết quả”.
Các phương pháp dạy học truyền thống vốn được cho là ít có khả năng phát huy tính tích cực học tập của người học như: “Phương pháp sử dụng giáo trình môn học/ Đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo” có điểm trung bình (ĐTB) cao nhất là 4,48; “Thuyết trình” có ĐTB là 4,30; “Trình bày trực quan” có ĐTB là 3,86; “Vấn đáp” có ĐTB là 3,82; “Quan sát” có ĐTB là 3,74 lại là những phương pháp có mức độ “rất thường xuyên” và “khá thường xuyên” sử dụng trong dạy học môn GDH. Những phương pháp phù hợp nhất với dạy học theo tiếp cận trải nghiệm trong dạy học GDH thì lại chưa được giảng viên GDH thực sự quan tâm, cụ thể là: “Phương pháp dạy học bằng trò chơi” có ĐTB là 3,26; thuộc mức độ 3 “thỉnh thoảng” sử dụng. Đặc biệt là “Phương pháp giải quyết vấn đề’ có ĐTB là 3,02; “Phương pháp tình huống” có ĐTB là 2,32; “Dự án” có ĐTB là 2,18 thuộc mức độ 2 “rất ít khi” được giảng viên sử dụng, trong khi đây lại là những phương pháp hữu ích để hình thành và phát triển tình cảm, năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Thực trạng này có thể là do nội dung môn GDH quá nhiều, chưa được thiết kế theo hướng để giảng viên sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học khác nhau, cũng có thể là do một bộ phận giảng viên quen với cách dạy lấy người dạy làm trung tâm nên ngại đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của người học trong quá trình dạy học.
3. Quy trình tổ chức dạy học môn Giáo dục học cho sinh viên
3.1. Định hướng sinh viên thu thập thông tin để thiết kế nội dung dạy học Giáo dục học thành các bài tập trải nghiệm
Đây là bước quan trọng nhất của quy trình tổ chức dạy học GDH theo tiếp cận trải nghiệm. Nếu không thiết kế được bài tập trải nghiệm sẽ không có những hoạt động trải nghiệm tiếp theo. Bước này được diễn ra trong giờ học chính khóa, tùy nội dung bài học để giảng viên xác định thời gian thiết kế và lập kế hoạch giải quyết bài tập trải nghiệm của sinh viên.
3.2. Định hướng sinh viên chia sẻ, phản biện về những bài tập trải nghiệm đã được thiết kế và tiến hành thực hiện bài tập trải nghiệm
Sinh viên cần phải thực hiện bài tập trải nghiệm ở nhà và báo cáo kết quả trong giờ học chính khóa trên lớp ở buổi học kế tiếp. Chia nhóm khoảng 5 - 6 sinh viên để chia sẻ, thảo luận, xác định rõ chức năng của các thành viên như: Nhóm trưởng (Điều khiển, phân công nhiệm vụ, thu thập những ý tưởng của cá nhân và ra quyết định); Thư kí (Ghi chép thông tin, ý tưởng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động trải nghiệm); Thành viên (Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của bài tập trải nghiệm, chia sẻ và báo cáo kết quả cho nhóm trưởng).
3.3. Hướng dẫn sinh viên tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ trong bài tập trải nghiệm Giáo dục học
Bước này được triển khai trong giờ học chính khóa trên lớp. Từ những kinh nghiệm sẵn có để giải quyết các yêu cầu trong bài tập trải nghiệm GDH, qua quá trình chiêm nghiệm, xử lí, chia sẻ, phản hồi với bạn học và giảng viên, sinh viên cần có một khoảng thời nhất định để tương tác với sách giáo khoa, tài liệu tham khảo và nghe giảng.
3.4. Điều khiển sinh viên đánh giá, điều chỉnh quá trình giải quyết bài tập trải nghiệm Giáo dục học
Bước này tiến hành trong giờ học chính khóa trên lớp. Giảng viên có trách nhiệm điều khiển sinh viên tự đánh giá và đánh giá chéo quá trình và sản phẩm thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ trong bài tập trải nghiệm GDH của mình và bạn học. Khi đánh giá, nhận xét kết quả giải quyết bài tập trải nghiệm GDH, cần sử dụng từ ngữ mang tính tích cực. Đánh giá, nhận xét nên theo quy tắc: 1:1:1 (1 ưu điểm:1 hạn chế:1 câu hỏi), các ý kiến đánh giá, nhận xét sau không trùng lặp với ý kiến trước.
Tóm lại, mỗi bước của quy trình tổ chức dạy học GDH theo tiếp cận trải nghiệm luôn là những định hướng, hỗ trợ, điều khiển của giảng viên đối với sinh viên trong học tập, đảm bảo phù hợp với mục tiêu dạy học GDH và đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên.
Kết luận
Dạy học theo tiếp cận trải nghiệm là chiến lược dạy học tích cực, hiện đại, có tác động rất lớn đối với hiệu quả của quá trình dạy học, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực và phát triển rộng rãi ở nhiều nước. Dạy học môn Giáo dục học theo tiếp cận trải nghiệm có ưu và nhược điểm riêng. Đây là quá trình giảng viên tập trung vào việc định hướng, khuyến khích, hỗ trợ sinh viên tạo ra các trải nghiệm, dẫn dắt các em chủ động học tập bằng trải nghiệm thông qua phương pháp dạy học hiện đại. Mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học theo tiếp cận trải nghiệm để tổ chức dạy học Giáo dục học đều nhằm nâng cao kết quả học tập, góp phần phát triển năng lực, giá trị nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm, đáp ứng chuẩn đầu ra của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Thị Dung (2013), Thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong dạy học học phần Giáo dục học ở trường đại học, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Viện KHGD Việt Nam, Hà Nội.
2. Trịnh Thúy Giang (2011), Vận dụng phương pháp Case Study trong dạy học môn Giáo dục học ở Đại học Sư phạm, Luận án Tiến sĩ Giáo dục học, Viện KHGD Việt Nam, Hà Nội.
3. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học sư phạm.
4. Phan Thị Hồng Vinh (chủ biên) (2011) Giáo trình giáo dục học (Biên soạn theo module), Nxb Đại học sư phạm.