Nội san

Một số cách thức vận dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Giáo dục học tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW

04 Tháng Mười Một 2024

Giảng viên Nguyễn Thị Duyên

Khoa Giáo dục đại cương

Tục ngữ, ca dao chứa đựng một kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý báu của cha ông ta về các lĩnh vực tự nhiên, hoạt động lao động, hoạt động xã hội nói chung và bao hàm cả những bài học quý giá về đối nhân xử thế, về cách học làm người. Vì vậy, các câu tục ngữ, ca dao rất gần gũi và phần lớn gắn liền với nội dung trong chương trình giảng dạy học phần Giáo dục học. Nội dung tục ngữ, ca dao rất thâm thuý, cụ thể và tường minh, gần gũi với đời sống tâm lý, với hoạt động giáo dục con người, gắn liền và minh họa cho các kiến thức cơ bản của học phần Giáo dục học hết sức hiệu quả qua đó góp phần nâng cao hứng thú học tập của sinh viên qua mỗi bài học, giờ học.

Đối với sinh viên năm thứ nhất mới bước chân vào trường đại học, việc lĩnh hội tri thức, hình thành các kĩ năng, tìm được phương pháp học tập, tự học tự nghiên cứu theo yêu cầu của môn học mới, bậc học mới là một thử thách, khó khăn không hề nhỏ khiến cho không ít sinh viên lúng túng, giảm hứng thú và hiệu quả học tập. Học phần Giáo dục học với các nội dung đa dạng, phức tạp, dàn trải từ những vấn đề chung của khoa học giáo dục cho đến lí luận dạy học và lí luận giáo dục chứa đựng nhiều thuật ngữ, khái niệm phức tạp, trừu tượng. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy người giảng viên cần tổ chức hoạt động học tập theo hướng gắn  nội dung bài học với thực tiễn, với kinh nghiệm sống của sinh viên là hết sức quan trọng và cần thiết. Trong thực tiễn giảng dạy với học phần này, chúng tôi đã cố gắng gắn liền bài học với thực tiễn cuộc sống, với kinh nghiệm sống của sinh viên như vận dụng các phương pháp dạy học tình huống, dạy học nêu vấn đề, dạy học dự án… nhằm giúp cho sinh viên dễ hiểu bài, phát huy hứng thú, tính tích cực học tập của sinh viên. Việc lựa chọn các câu ca dao, tục ngữ phù hợp với một số nội dung bài học cũng đã được tác giả vận dụng vào trong quá trình giảng dạy và tác giả nhận thấy nội dung bài học trở nên sống động hơn, sinh viên hứng thú hơn, dễ liên hệ lí luận với thực tiễn cuộc sống hơn, tạo ra môi trường học tập tích cực cho sinh viên trong quá trình học tập. Tuy nhiên, việc lựa chọn và vận dung ca dao, tục ngữ vào trong hoạt động giảng dạy học phần này mới chỉ ở mức độ ít, có tính chất tản mạn, chưa hệ thống cần được nghiên cứu sâu hơn, có tính chất hệ thống, chặt chẽ hơn nữa để phát huy hơn nữa tác dụng của ca dao, tục ngữ trong  hoạt động giảng dạy đối với học phần Giáo dục học.

  1. Khái niệm ca dao, tục ngữ

“Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán - Việt. Theo sách Mao truyện thì khúc hát có nhạc đệm theo lời là ca, còn hát trơn tru thì gọi là dao. Trong sách Cổ dao ngạn, bài “Phàm lệ” lại phân biệt thêm “ca và dao khác nhau ở chỗ dao có thể là lời của nhiều bài ca”. Theo Đại từ điển Tiếng Việt: “Ca dao là thể thơ dân gian được lưu truyền dưới dạng những câu hát” [1;15].    

          Ca dao là một thể loại thơ trữ tình của văn học dân gian. Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả chi tiết phong tục, tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động, nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Từ cuộc sống lao động vất vả của nhân dân đã nảy sinh nhiều câu ca dao thể hiện các hình thức lao động và nghề nghiệp khác nhau, thể hiện tình yêu nam nữ, tình cảm vợ chồng, cha con, anh em, họ hàng... Có thể nói, ca dao phản ánh phong phú tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và hiện thực đời sống của nhân dân ta.

Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân ta đã được đúc kết dưới hình thức tinh giản và súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Nói như Gorki: "Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội - lịch sử của nhân dân lao động, đồng thời tục ngữ cũng biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống”. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian nhưng được chứa đựng dưới hình thức từng đơn vị lời nói. Tục ngữ không ngừng được sáng tạo, với thời gian có những câu đã mất đi, nhưng phần lớn tục ngữ có sức sống rất lâu bền trong trí nhớ và lời nói của nhân dân. Theo Đại từ điển Tiếng Việt: “Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có vần điệu, lưu truyền trong dân gian, đúc kết tri thức, kinh nghiệm thực tiễn của con người về tự nhiên, xã hội, cuộc sống, đạo lí ở đời” [1;16]. Có thể nói rằng, nếu so sánh với các thể loại văn học dân gian khác thì tục ngữ có nội dung phản ánh rộng lớn nhất, bao quát cả về tự nhiên, xã hội và con người.

2. Nguyên tắc lựa chọn và vận dụng tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Giáo dục học

* Nguyên tắc lựa chọn tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Giáo dục học

- Kết hợp tính khoa học và tính tư tưởng: Đánh giá nội dung các câu tục ngữ, ca dao dựa trên những kiến thức trọng tâm, cơ bản của từng mục, từng chương trong học phần, từ đó phê phán những quan điểm duy tâm, siêu hình, phản khoa học. Đồng thời bồi dưỡng cho sinh viên văn  hoá thẩm mỹ, văn hoá ứng xử của nhân dân ta.

- Kết hợp lý luận và thực tiễn: Tục ngữ, ca dao là sự kết tinh những kinh nghiệm của cha ông về cuộc sống, sản xuất và về giáo dục con người, do đó việc sử dụng tục ngữ, ca dao trong dạy học cũng chính là góp phần thực hiện nguyên tắc này.
          -  Kết hợp tính trực quan và phát triển tư duy trừu tượng: Nội dung kiến thức của học phần Giáo dục học nhìn chung trừu tượng, khó hiểu nên trong dạy học phải kết hợp việc sử dụng trực quan sinh động qua những câu tục, ngữ ca dao hết sức cụ thể từ đó phát triển tư duy trừu tượng giúp sinh viên dễ hiểu và dễ nhớ bài học hơn.

 - Chú ý đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên: Sinh viên hiện nay có đặc điểm nổi bật là năng động, linh hoạt hơn, các em có nhiều nguồn tìm kiếm tài liệu khác nhau phục vụ cho hoạt động học tập. Tuy nhiên, vốn sống của sinh viên không đồng đều đặc biệt việc hiểu nội dung, ý nghĩa của những câu tục ngữ, ca dao chưa triệt để. Vì vậy, trong giảng dạy, giảng viên cần gắn liền giữa vốn sống với tục ngữ, ca dao và những lí luận dạy học, lí luận giáo dục phức tạp, trừu tượng giúp cho việc học tập của sinh viên hiệu quả hơn.

- Thực hiện nguyên tắc kết hợp giữa vai trò chủ đạo của giáo viên và vai trò tự giác, tích cực của sinh viên: Hầu hết sinh viên đều có vốn tri thức ít nhiều về tục ngữ - ca dao nhưng khá nhút nhát trong việc thể hiện ý kiến của mình. Mặt khác, các em chưa biết cách sử dụng, vận dụng trong học tập và cuộc sống. Do đó trong quá trình giảng dạy học phần Giáo dục học, chúng tôi thường sử dụng trò chơi học tập, kỹ thuật động não để kích thích tính tích cực của sinh viên, đồng thời động viên sinh viên mạnh dạn nêu lên quan điểm của mình. Nhiều câu tụ ngữ ca dao thể hiện nhiều khía cạnh khác nhau của lí luận dạy học hoặc lí luận giáo dục, vì vậy giảng viên nên khuyến khích sinh viên chọn câu tục ngữ ca dao phù hợp nhất, điển hình nhất cho một nội dung kiến thức nào đó, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu vốn tri thức của học phần và hiểu sâu sắc hơn.

- Thực hiện nguyên tắc vững chắc của tri thức, kỹ năng, kỹ xảo: giảng viên tuân thủ theo 2 con đường nhận thức chung của loài người đó là quy nạp và diễn dịch. Cụ thể như: Yêu cầu sinh viên lựa chọn tục ngữ, cao dao rồi  phân tích để dẫn dắt sinh viên đến nội dung bài học; Phân tích nội dung bài học rồi yêu cầu sinh viên lựa chọn tục, ngữ ca dao để minh hoạ cho nội dung bài học đó; Đưa sinh viên vào các tình huống có vấn đề, dựa vào nội dung bài học yêu cầu sinh viên nhận xét, phê phán câu tục ngữ, ca dao. Với  nhiều phương thức khác nhau như vậy, làm cho sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ vận dụng trong cuộc sống và trong học tập.

* Nguyên tắc vận dung tục ngữ, ca dao trong giảng dạy học phần Giáo dục học

         Cần vận dụng các câu tục, ngữ ca trong giảng dạy học phần Giáo dục học một cách cơ động và linh hoạt không theo một quy trình cụ thể, cứng nhắc. Tùy nội dung bài học, giảng viên đưa ra các ý tưởng sử dụng tục ngữ, ca dao khác nhau nhưng tựu chung sử dụng tục ngữ, ca dao dựa theo hai con đường nhận thức cơ bản là quy nạp và diễn dịch. Cụ thể:

- Giảng giải tri thức mới: Sử dụng tục ngữ, ca dao trong việc giảng dạy vấn đề tri thức mới đối với học phần Giáo dục học có thể thông qua nhiều cách khác nhau. Khi hướng dẫn SV tìm hiểu về đặc điểm của quá trình giáo dục như “tính cá biệt”, GV có thể đưa ra câu “Lạt mềm buộc chặt” để sinh viên phân tích, từ đó liên hệ rút ra kết luận sư phạm cần thiết cho bản thân trong quá trình giáo dục học sinh sau này. Tuy nhiên với hình thức này, không nên quá lạm dụng đưa quá nhiều câu tục ngữ, ca dao vào bài giảng. Điều đó có thể dẫn tới sự phân tán chú ý của sinh viên hoặc sự nhàm chán trong quá trình dạy học.

- Ôn tập, củng cố tri thức: Để việc ôn tập có hiệu quả, đề tài đã sử dụng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với những cách ôn tập khác, việc sử dụng tục ngữ, ca dao sẽ góp phần đa dạng hoá việc ôn tập tri thức Giáo dục học mà xưa nay sinh viên cho là khó, khô khan, trừu tượng. Khi ôn tập có thể đưa ra những tình huống tục ngữ, ca dao đơn giản như: Em hãy cho biết câu tục ngữ “Trăm hay chẳng bằng tay quen” đề cập đến Nguyên lí giáo dục nào? Tại sao? Từ đó hướng dẫn sinh viên củng cố về phần “Nguyên lí giáo dục ”, đặc biệt là nội dung nguyên lí giáo dục “Học đi đôi với hành”?

- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên: Với mục đích sử dụng tục ngữ, ca dao để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, giảng viên có thể kiểm tra theo các mức độ kiến thức của Bloom như: biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Đặc biệt phù hợp với hình thức tự luận được sử dụng tài liệu. Thông qua hình thức này sẽ phát triển khả năng tổng hợp, phân tích và tư  duy phê phán cho sinh viên. Ví dụ: Ở mức độ biết, hiểu và phân tích với câu hỏi sau: Ca dao Việt Nam có câu Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn. Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim”. Câu cao dao trên phản ánh đặc điểm nào của “Quá trình giáo dục”? Tại sao? Hãy rút ra kết luận sư phạm trong công tác giáo dục học sinh. Hay để kiểm tra mức độ tổng hợp và đánh giá ở sinh viên, giảng viên đưa ra câu ca dao sau:

“Đất có bồi có lở

Người có dở có hay

Coi theo thời mà ở

Chọn theo cỡ mà sài

Dẫu ai ỷ thế cậy tài

Em giữ long thục nữ dùi mài gương trong”

Có quan điểm cho rằng: Câu ca dao trên đề cập những “Đặc điểm của quá trình giáo dục”, nhưng cũng có quan điểm cho rằng câu này đề cập đến một số nguyên tắc trong “Hệ thống các nguyên tắc giáo dục”. Em hãy nhận xét về các quan điểm trên.

3. Kết luận

Có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hứng thú, tích tích cực học tập của sinh viên. Thực tiễn quá trình sử dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy kiến thức một số nội dung của học phần Giáo dục học cho sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW chứng minh là hoàn toàn phù hợp, nâng cao hiệu quả dạy học. Việc lồng ghép các câu ca dao, tục ngữ một cách hợp lí vào nội dung bài học đã góp phần khơi dậy sự hứng thú của sinh viên đối với việc học tập học phần, tăng cường khả năng liên hệ, phân tích, vận dụng lí luận vào thực tiễn cuộc sống, thực tiễn nghề nghiệp cho sinh viên.
 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đinh Văn Hoàng (2022), Vận dụng ca dao, tục ngữ vào giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, Đề tài NCKH cấp Trường.
  2. Vũ Ngọc Phan (2007). Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.
  3. Nguyễn Thị Trung Thành (2009), “Cái khó trong việc phân biệt thành ngữ và tục ngữ”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 9.
  4. Phan Thị Hồng Vinh, Trần Thị Tuyết Oanh, Từ Đức Văn, Vũ Lệ Hoa, Nguyễn Thị Tình, Trịnh Thúy Giang, Nguyễn Thị Thanh Hồng (2018), Giáo dục học, Tập 1,  Nxb ĐHSP
  5. Phan Thị Hồng Vinh, Trần Thị Tuyết Oanh, Từ Đức Văn, Vũ Lệ Hoa, Nguyễn Thị Tình, Trịnh Thúy Giang, Nguyễn Thị Thanh Hồng (2018), Giáo dục học, Tập 2,  Nxb ĐHSP