Nội san

Nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học cho sinh viên Trường Đại hoc sư phạm Nghệ thuật TW

04 Tháng Mười Một 2024

                                                                                                Phạm Ngọc Anh

Thực hiện kế hoạch số 525/KH-BGDĐT ngày 19/6/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định số 4890/QĐ-BGDĐT ngày 23/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triển khai Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/22014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập các môn Lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị trong đào tạo đại học dành cho khối không chuyên bao gồm 11 tín chỉ cho 5 môn là: Triết học Mác – Lênin (3 tín chỉ), kinh tế chính trị Mác – Lênin (2 tín chỉ), chủ  nghĩa xã hội khoa học (2 tín chỉ), tư tưởng Hồ Chí Minh (2 tín chỉ) và lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (2 tín chỉ).

Học phần Chủ nghĩa xã hội khoa học là loại học phần bắt buộc trong chương trình các môn Lý luận chính trị trong trường Đại học nhằm giúp sinh viên nắm được những tri thức cơ bản, cốt lõi nhất về Chủ nghĩa xã hội khoa học, một trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Nâng cao năng lực hiểu biết thực tiễn và khả năng vận dụng tri thức lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học vào xem xét, đánh giá những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước để sinh viên có thái độ chính trị, tư tưởng đúng đắn về môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng và nền tảng tư tưởng của Đảng ta nói chung

Có thể nói, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong việc giảng dạy các môn Lý luận chính trị và sự cố gắng tìm tòi, sáng tạo của các giảng viên trực tiếp đứng lớp, quá trình giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, môn Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng cho sinh viên trong trường ngày càng có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả bước đầu. Hầu hết các giảng viên phụ trách giảng dạy môn khoa học này đều có đủ điều kiện về kiến thức chuyên môn. Về quá trình  sử dụng phương pháp, nếu như trước kia, đa số giảng viên thường chỉ sử dụng           các phương pháp dạy học truyền thống trong tất cả các dạng bài lên lớp từ truyền thụ tri thức mới cho đến củng cố, ôn tập và kiểm tra đánh giá thì trong thời gian gần đây, việc sử dụng các phương pháp truyền thống đã bước đầu được chuyển đổi  theo hướng chú trọng đến sự tham gia tích cực của người học. Đặc biệt, đã có nhiều giảng viên tham gia tích cực trong cuộc vận động chung về đổi mới phương pháp dạy học bậc đại học theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên; không ngừng tìm tòi và thử nghiệm các phương pháp dạy học mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn đặc điểm, cấu trúc nội dung chương trình và năng    lực, vốn kinh nghiệm của học sinh. Nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học mới như seminar, thảo luận nhóm, kích thích tư duy, nêu vấn đề, tình huống,... đã được các giảng viên thử nghiệm, qua đó tạo được không khí đổi mới phương pháp dạy học và thực sự đem lại những kết quả đáng khích lệ. Khi nhắc đến các phương pháp mới nâng cao hiệu quả giảng dạy thì trong đó không thể nào không kể đến phương pháp học, kiểm tra - đánh giá  bằng trắc nghiệm khách quan.

Thực tiễn những ưu điểm và hiệu quả của phương pháp kiểm tra - đánh giá này. Thực hiện hoạt động đổi mới kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đã luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên sử dụng phương pháp kiểm tra – đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan, nhiều môn học đã từng bước xây dựng và thử nghiệm các bộ câu hỏi trắc nghiệm kiến thức trong các môn học. Và sau đây là vài nét về hình thức học, kiểm tra – đánh giá trắc nghiệm khách quan.

1.Trắc nghiệm, các loại trắc nghiệm

TS. Nguyễn Công Khanh cho rằng: "Trắc nghiệm là một kiểu đánh giá hay đo lường có sử dụng những thủ pháp,  những kỹ thuật cụ thể có tính hệ thống nhằm thu thập thông tin và chuyển những thông tin này thành con số hoặc điểm để lượng hoá cái cần đo".

Có nhiều cách để phân chia trắc nghiệm. Dưới góc độ nghiên cứu của đề tài chúng tôi lựa chọn cách phân chia trắc nghiệm thành hai loại như sau:

Trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Đề tài của chúng tôi chủ yếu sử dụng loại trắc nghiệm khách quan.Vì vậy chúng tôi xin đi sâu nghiên cứu loạị  hình trắc nghiệm này.

2. Một số loại câu hỏi trắc nghiệm khách quan:

Câu điền khuyết : Thuộc loại câu hỏi "điền khuyết". Loại này được trình bày dưới dạng câu hỏi để trống một vài từ, cụm từ, thậm chí cả một câu  hoặc cả một đoạn văn diễn đạt chưa trọn vẹn. Nội dung của loại câu hỏi này, chủ yếu sử dụng các trích dẫn, các sự kiện  lịch sử trọng đại

Câu điền lựa chọn: Thuộc loại câu hỏi "lựa chọn’’. Cấu trúc của loại này bao gồm :

  + Phần gốc: là một câu hỏi chưa hoàn tất (chưa đầy đủ)

  + Phần lựa chọn: gồm một số câu trả lời cho sẵn (thường là 4 hoặc 5 câu trả lời hay còn gọi là phương án trả lời) để sinh viên chọn ra câu trả lời đúng nhất,  hợp lý nhất. Những câu hỏi không đúng gọi là những câu nhiễu, đáp án là câu trả lời đúng nhất hoặc danh mục các câu trả lời đúng.  

Câu ghép đôi: Thuộc loại câu hỏi "ghép đôi’’. Loại này thường gồm hai dãy thông tin hay còn gọi là câu dẫn và câu đáp. Yêu cầu sinh viên phải ghép đúng từng cặp thông tin ở hai dãy với nhau sao cho phù hợp về nội dung.

Cấu trúc của loại câu hỏi này gồm :

+ Phần chỉ dẫn cách trả lời

+ Phần gốc, gồm 3 đến 5 câu dẫn và tương ứng với 3 đến 5 câu đáp. Đó là những câu xác định, câu bỏ lửng, có thể là con số.

Câu chọn đúng sai: Thuộc loại câu hỏi “đúng sai”. Đó là những nhận định, phát biểu, mệnh đề buộc sinh viên phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là “đúng hay sai”.

Câu trả lời ngắn: Thuộc loại câu hỏi tự luận. Loại câu hỏi này yêu cầu sinh viên phải phân tích một sự kiện lịch sử, nhận định, đánh giá một vấn đề lịch sử với cách trình bày cô đọng, súc tích, nhưng vẫn tái hiện được sinh động sự kiện lịch sử của dân tộc và đất nước.

3. Vai trò của câu hỏi trắc nghiệm trong dạy học

Phương pháp trắc nghiệm khách quan là loại hình bao gồm một hệ thống câu hỏi hoặc bài tập mà các phương án trả lời đã có sẵn hoặc sinh viên phải viết câu trả lời phải là câu ngắn và duy nhất viết đúng. Trắc nghiệm này được gọi là khách quan vì tiêu chí đánh giá không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người chấm. Phương pháp này có những ưu điểm là có thể dùng để kiểm tra đánh giá kiến thức môn học một khách quan và chính xác. Sự phân bố của các nội dung được trải rộng chương trình môn học, nhờ đó có thể phân biệt được rõ ràng hơn trình độ học tập của sinh viên, thu được thông tin phản hồi đầy đủ hơn về quá trình dạy và học. Bên cạnh những ưu điểm trên, phương pháp này còn có các nhược điểm là không tạo điều kiện để sinh viên bộc lộ khả năng diễn đạt những suy luận, phân tích, tổng hợp dữ kiện theo lý lẽ riêng của mình, đồng thời việc xây dựng hệ thông câu hỏi trắc nghiệm là khó và mất nhiều thời gian.

Như vậy phương pháp trắc nghiệm khách quan là một phương pháp có rất nhiều ưu điểm. Trắc nghiệm khách quan có các hình thức là trắc nghiệm đúng- sai, trắc nghiệm ghép đôi, trắc nghiệm điền khuyết và trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Trong đó trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn được sử dụng nhiều nhất hiện nay trong việc dậy, học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Như vậy, dựa trên những đặc điểm riêng biệt và ưu điểm vượt trội của phương pháp trắc nghiệm khách quan, Nội dung các chương trong môn học được kết cấu gồm ba phần: (phần lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, phần thực tiễn và phần liên hệ với thực tiễn ở Việt Nam). Kết cấu nội dung các chương phù hợp với thực tiễn xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay và giúp cho sinh viên khối các ngành không chuyên chủ nghĩa Mác - Lênin dễ hiểu vận dụng tốt hơn vào thực tiễn.

Tác giả đã ứng dụng xây dựng Bộ câu hỏi trắc nghiệm khách quan môn CNXHKH với 200 câu hỏi. Bình quân mỗi nội dung của môn học sẽ có 20-30 câu hỏi khái quát kiến thức phù hợp mục tiêu kiến thức từng chương, từ dễ đến khó, từ cơ bản đến phức tạp, phù hợp với sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Hi vọng với công trình Nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu và xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW” sẽ được thông qua và trong đó có Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương sẽ được Nhà trường công nhận trở thành đề thi kiểm tra chính thức cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

 

                                  

Đề tài đã xây dựng hệ thông câu hỏi trắc nghiệm môn Chủ nghĩa xã hội khoa học với 200 câu hỏi cho đối tượng sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Qua kết quả nghiên cứu, đã xây dựng hệ thống câu hỏi cụ thể đối với từng phần, từng chương để sinh viên dễ dàng với việc tự học, tự nghiên cứu, phù hợp với đặc thù đào tạo theo tín chỉ. Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Chủ nghĩa xã hội khoa học xây dựa theo giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021) và không phải là bản tóm tắt nội dung giáo trình để sinh viên học một cách thụ động, máy móc, mà trên cơ sở phương châm đổi mới phương pháp học tập bộ môn, giúp người học phát huy tính tích cực để nắm vững kiến thức thông qua việc tự học, tự nghiên cứu, tự giải quyết các vấn đề liên quan đến bài học.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng sẽ là cơ sở giúp cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW phát huy được tích cực trong hoạt động tự học, hình thành các kỹ năng tự học và học tốt môn Chủ nghĩa xã hội khoa học. Giải quyết được một cách hợp lý và đạt được các yêu cầu về mục tiêu, nội dung, thời gian của chương trình môn học Chủ nghĩa xã hội khoa học trong đào tạo theo học chế tín chỉ. 

 

DANH MỤC TÀI  LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng HCM trình độ ĐH, CĐ, 2019 .  

2.   Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb, chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2021.

3.   Tài liệu hướng dẫn giảng dạy, Học tập các môn khoa học Mác – lênin, Tư tưởng HCM, Bộ giáo dục và đào tạo, 2019.

4.    Nguyễn Ngọc Đính,  Lê Như Dực. Trắc nghiệm giáo dục. Sài Gòn,  1973.

5.    Trần Bá Hoành, Đánh giá trong giáo dục, BGD&ĐT, Hà Nội, 1996.

6.    Trần Bá Hoành. Thử dùng phương pháp Test để điểu tra tình hình nhận    thức của học sinh về một số khái niệm trong chương trình sinh vật học đại cương lớp 9. Nghiên cứu giáo dục. Số 13 (5/1971).

7.   Nguyễn Công Khanh. Các phương pháp xây dựng trắc nghiệm: quy trình và kỹ thuật thiết kế trắc nghiệm trong khoa học hành vi. Tài liệu chuyên khảo dùng cho giáo viên Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương I. Hà Nội,  2001.

8.   Nguyễn Công Khanh. Đánh giá và đo lường trong khoa học xã hội. Nxb Chính trị Quốc gia,  Hà Nội,  2004.

9.   Lê Quang Liêm. Trắc nghiệm trí thông minh. Sài Gòn,  1973.

10. Nguyễn Hữu Long. Vận dụng kết hợp phương pháp test và phương pháp

kiểm tra truyền thống trong dạy học tâm lý học,ĐHSP Hà Nội I. Hà Nội,  1978.

11. Lê Đức Ngọc, Vắn tắt về đo lường và đánh giá thành quả học tập trong

giáo dục đại học, Nxb Đại học Quốc gia,  Hà Nội, 2001.

12. Dương Thiệu Tống. Trắc nghiệm đo lường thành tích học tập.

13. Các sách,  báo,  tạp chí và tài liệu chuyên nghành Chủ nghĩa xã hội khoa học đã xuất bản trong những năm gần đây.

14. Các đề tài nghiên cứu của đồng nghiệp trong và ngoài trường những năm gần đây.