Nội san

NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW

14 Tháng Mười Một 2024

Ths. Mai Thanh Hồng

Nâng cao chất lượng tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của sinh viên là nội dung chủ yếu để góp phần đáp ứng yêu cầu về giáo dục, đào tạo lý luận chính trị. Từ thực tế hiện nay, muốn nâng cao chất lượng tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của sinh viên đòi hỏi phải đổi mới và từng bước hoàn thiện chương trình, nội dung, đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm.

1. Một số yêu cầu cơ bản và tiêu chí thực hiện hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản lý luận quý giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là ngọn cờ dẫn đường cho cách mạng Việt Nam - con đường độc lập dân tộc kết hợp với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Người đã soi sáng cho Đảng và nhân dân trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một đất nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đối với sinh viên - những trí thức tương lai của đất nước, việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu.

Quá trình học tập và nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ sự nghiêm túc khoa học mà còn cần đến niềm đam mê khám phá. Hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là hiểu về lịch sử phát triển của dân tộc ta trong giai đoạn cận đại. Lịch sử đã chứng minh giá trị bền vững của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển của đất nước từ khi có Đảng lãnh đạo, cùng sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc khuyến khích sinh viên - những trí thức trẻ và chủ nhân tương lai của đất nước - nghiên cứu, học hỏi và đặc biệt là phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cần đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, cần hướng dẫn sinh viên phương pháp tiếp cận tri thức môn Tư tưởng Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng của hệ thống tri thức các môn khoa học Mác - Lênin nói chung

Thứ hai, hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần được thực hiện dựa trên việc hướng dẫn người học phương pháp nắm bắt và hiểu rõ sự phát triển của dân tộc cũng như cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần liên kết với việc trang bị cho sinh viên một thế giới quan và nhân sinh quan khoa học, mang tính cách mạng.

Thứ tư, hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần đảm bảo việc hướng dẫn người học mở rộng phạm vi tự học và tự nghiên cứu một cách toàn diện qua nhiều môn khoa học cũng như các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.

Thứ năm, hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cần liên kết với việc xây dựng cho sinh viên ý thức và thói quen học hỏi, tiếp thu và kế thừa những giá trị cốt lõi trong hệ tư tưởng của các chính trị gia tiến bộ trên thế giới.

Thứ sáu, hoạt động tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm định hướng cho sinh viên phát triển ý chí và quyết tâm chinh phục những kiến thức cơ bản và thiết yếu.

Xác định tầm quan trọng của hoạt động tự học trong môn Tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết để đạt được mục tiêu của môn học, cụ thể dựa trên một số tiêu chí sau:

Vấn đề tự học trong môn Tư tưởng Hồ Chí Minh có tác động tích cực đến thái độ học tập của sinh viên, giúp họ trở nên cần cù, chăm chỉ và có kỷ luật hơn trong việc học. Sinh viên có nhu cầu mở rộng kiến thức về môn học, mong muốn được giới thiệu thêm tài liệu tham khảo, thông tin, và tư liệu mới để tự học. Họ cũng hy vọng nhận được sự hướng dẫn để phân tích và mở rộng kiến thức đã tiếp thu. Qua đó, sinh viên sẽ phát huy tính chủ động trong việc tìm kiếm tài liệu học tập, nắm bắt tri thức một cách có hệ thống, trình tự và logic, tránh tình trạng kiến thức bị thiếu hụt.

Nâng cao hiệu quả của việc tự học bao gồm việc hướng dẫn người học cách lập kế hoạch tự học cho chính mình, đây cũng là một phương pháp hữu ích trong việc hướng dẫn kỹ năng tự học. Sự chú trọng đến kế hoạch trong việc tự học của lãnh tụ Hồ Chí Minh là một bài học quý giá, giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc tự học.

Hướng dẫn tự học Tư tưởng Hồ Chí Minh giúp sinh viên nắm vững kiến thức về quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, từ đó nâng cao kết quả học tập. Nó cũng khuyến khích sinh viên quyết tâm và nỗ lực vận dụng tri thức để cải tạo thực tiễn xã hội thông qua việc phân tích và đánh giá chính xác các quy luật phát triển của lịch sử. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng khi học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh trong môi trường giáo dục, nhằm giáo dục và phát triển kỹ năng sống cho sinh viên thông qua việc hướng dẫn phương pháp tự học.

2. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả tự học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

 Một là, Tổ chức sinh viên thâm nhập thực tế di tích lịch sử, các bảo tàng hay cuộc thi tìm hiểu về môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Nghiên cứu và giảng dạy phần chính khóa môn Tư tưởng Hồ Chí Minh qua các hình thức như xêmina, viết thu hoạch tại cơ sở tham quan; minh họa bằng các phương tiện thông tin đại chúng gồm sách, báo, phim tư liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam, tài liệu tham khảo khác.

Nâng cao nhận thức về hiệu quả hoạt động tự học cho sinh viên, giảng viên…qua các hoạt động ngoại khóa như: Báo cáo chuyên đề, hội thảo kỷ niệm ngày 3/2,..; Bảo tàng Lịch sử, các địa đanh lịch sử, các hoạt động chính trị - xã hội tại địa phương...

Hai là, Đổi mới toàn diện nội dung và phương pháp giảng dạy

Tổ bộ môn, các giảng viên nghiên cứu và điều chỉnh khung chương trình môn Tư tưởng Hồ Chí Minh về thời lượng cho mỗi chương, phân bổ thời gian giảng dạy lý thuyết và thảo luận cho mỗi đơn vị kiến thức..; phần thời gian dành cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu; trong mỗi một chương có 01 tiết dành cho thảo luận, tự học dưới nhiều hình thức khác nhau.

Trong cả học phần và mỗi chương, bài dạy cần xác định rõ mục tiêu, nội dung, thời gian sinh viên phải có mặt học ở trên lớp tối thiểu 70% thời lượng môn học, nội dung và thời gian sinh viên tự nghiên cứu; phương pháp và hình thức tổ chức tự học, kế hoạch kiểm tra, đánh giá...

Giảng viên kết hợp có hiệu quả các phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học trong giảng dạy coi trọng việc dạy sinh viên cách tự học, tự chiếm lĩnh tri thức. Mỗi giảng viên trong quá trình giảng dạy cần: thiết kế bài giảng theo hướng tập trung  vào hoạt động của người học, có tính đến yếu tố cá nhân trong quá trình dạy học.

Giảng viên cho phép sinh viên tiến hành tự lực nắm một số nội dung học vấn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập thông quá các kỹ năng: lựa chọn các tài liệu học tập và hình thức tự học phù hợp; tiếp cận và xử lý thông tin, vận dụng và phổ biến thông tin từ các nguồn tri thức khác nhau.

Tạo cơ hội để sinh viên học tập nghiên cứu thông qua hoạt động nhóm trên lớp và nhóm học tập hợp tác qua các bài tập lớn.

 Ba là, Trang bị và rèn luyện một số kỹ năng tự học và tự kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả tự học cho sinh viên

Trang bị cho sinh viên những hiểu biết về hệ thống phương pháp học tập: Thảo luận, xêmina, thuyết trình, đàm thoại, bài tập lớn, kỹ năng thực hành môn học…

Hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản để sinh viên tự học: Kỹ năng đọc sách (chọn sách, hình thức đọc), lập kế hoạch, kỹ năng học nhóm hợp tác, kỹ năng trích dẫn, kỹ năng lưu trữ các nội dung đã đọc.

Đảm bảo điều kiện để sinh viên thực hiện kỹ năng thiết kế quá trình học tập của bản thân: nội dung, kế hoạch học tập.

Tổ chức, tạo cơ hội cho sinh viên thực hành tự học trên lớp thông qua bài giảng, các vấn đề thảo luận, nhận xét, đánh giá qua xem phim tư liệu, nguồn tài liệu tham khảo khác..

Bên cạnh đó việc tự học tự nghiên cứu là quá trình phát huy tính chủ động của người học, nên tuỳ vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể chúng ta có thể có thêm nhiều biện pháp phù họp giúp người học tự học tự nghiên cứu với Tư tưởng của Hồ Chí Minh

Tóm lại, quá trình tự học chỉ mang lại kết quả khi sinh viên có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của tự học và môn học, cần tích cực chủ động, tự giác biết biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Nghiên cứu định hướng sinh viên tự học, tự nghiên cứu là vấn đề quan trọng, cấp thiết trong quá trình đào tạo học chế tín chỉ. Đối với học phần môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc tự học, tự nghiên cứu không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên chiếm lĩnh được tri thức lớn, đặc thù của môn học mà hơn thế còn góp phần hình thành năng lực tư duy khoa học, nghiên cứu độc lập của sinh viên, hình thành phương pháp, thói quen học tập cơ bản, quan trọng nhất ở bậc đại học, đồng thời giúp sinh viên đạt được kết quả cao trong học tập và có những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Để nâng cao chất lượng đào tạo Nhà trường nói chung và chất lượng học phần môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, giảng viên và sinh viên cần áp dụng những giải pháp nêu trên, xác định đó là mục tiêu đào tạo. Bởi lẽ, nó không chỉ cần thiết đối với sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường mà cả khi ra trường hòa nhập với xã hội trong suốt cuộc đời.