Nội san

Đặc trưng Pop Art trong tranh in lụa của họa sĩ Andy Warhol

19 Tháng Chín 2023

Trần Trúc Anh

K11 – LL&PPDH BM Mỹ thuật

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

 Pop Art ra đời với đặc trưng bởi sử dụng sự đơn giản của những vật bình thường hóa xu hướng tiêu dùng những hình ảnh quảng cáo đầy màu sắc, vui nhộn và trẻ trung. Đó là nghệ thuật đại chúng, dễ tiếp cận với người dân bình thường trong xu thế hiện đại, những quan niệm nghệ thuật được mở rộng hơn. Có ý tưởng sáng tạo độc đáo và là một nhân vật chủ chốt trong phong trào này, Andy Warhol (1928-1987) và những tác phẩm của ông vẫn còn được ưa chuộng cho đến ngày nay. Warhol đã sử dụng các biểu tượng của văn hóa Mỹ trong các bức tranh của mình, những hình ảnh tạo nên sức hút theo đúng nghĩa của chúng: chai Coca-Cola, lon súp của Campbell và thậm chí cả bản thân Marilyn Monroe.

Andy Warhol là một họa sĩ người Mỹ nổi tiếng về nghệ thuật đại chúng (Pop Art). Ông thường vẽ tranh về đề tài thương mại và viết phim tiền phong đương thời. Các tác phẩm của Andy Warhol khám phá mối quan hệ giữa nghệ thuật biểu hiện, văn hóa của những người nổi tiếng, mang tính phong trào quảng cáo nở rộ. Ông nổi tiếng với câu nói của mình: "Good business in the best art" (Kinh doanh tốt là nghệ thuật đẹp nhất).

  Hoạ sĩ Andy Warhol thường được biết đến với tư cách là một họa sĩ vẽ minh họa thương mại. Nghệ thuật trong các tác phẩm của họa sĩ sử dụng các loại phương tiện truyền thông, trong đó bao gồm cả tranh vẽ, tranh in, vẽ tay, ảnh lụa, điêu khắc, nhiếp ảnh, âm nhạc… Tác phẩm của ông sử dụng màu sắc sống động và vô cùng sặc sỡ. Các tác phẩm nghệ thuật của ông thể hiện một ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, mang tính tác động trực tiếp và hiệu quả, rất phù hợp với nhu cầu mới của con người trong xã hội thời đại thông tin, điện tử. Nó mang tính quảng bá một cách mạnh mẽ và có tác động lớn với ngành nghệ thuật toàn cầu.

Các tác phẩm chân dung ông thể hiện về những nhân vật nổi tiếng trong đó có những diễn viên, người mẫu hay chính trị gia như: Marilyn Monroe, Elizabeth Taylor, Mick Jagger và Mao Trạch Đông... Một số tác phẩm thể hiện các đồ vật đơn giản, hàng ngày nổi bật, được hiển thị như các sản phẩm tiêu dùng, như thể chúng là quảng cáo. Chúng là những sản phẩm được sản xuất hàng loạt, không có tính chủ quan xuất hiện để phản đối xã hội tinh hoa theo thứ bậc và tiêu dùng thời đó. Sự đơn giản và lạnh lùng rõ ràng này được tạo ra trái ngược với ý nghĩa sâu sắc đã được trao cho các tác phẩm của các trường phái Biểu hiện Trừu tượng làm phá bỏ ranh giới giữa nghệ thuật hàn lâm và nghệ thuật hiện đại, đã là nghệ thuật thì không có cao thấp.

Bên cạnh đó ông cũng là một trong những nghệ sĩ sáng tạo với nhiều phương tiện kỹ thuật để tạo nên tác phẩm độc lạ. Ngoài vẽ tranh, ông còn viết, sáng tạo thời trang, và được biết đến nhiều nhất với kỹ thuật in lụa. Với những thử nghiệm ban đầu trước khi chuyển sang sử dụng những bức ảnh sau này trong sự nghiệp của mình, Andy Warhol ban đầu dựa trên những bản in bằng bản vẽ chân dung của ông trong tác phẩm "129 Die in Jet!". Ông đã cùng chuyên gia tạo ra các lưới màn hình lụa cho những bức ảnh chân dung mà ông đã chọn. Các bộ phận của những tấm màn hình này được chặn bằng keo để khi nghệ sĩ đưa một miếng bọt biển thấm mực lên chúng, mực sẽ thấm qua các phần xốp xuống tấm vải bên dưới. Các màu khác cũng được thêm vào theo cách tương tự. Thành công của Andy Warhol vào quy trình in lụa truyền thống là sử dụng sơn acrylic có độ chính xác cao cùng với mực in, mang đến cho hình ảnh của ông sự sống động và đặc biệt phong phú về màu sắc. Từ sau thành công với kỹ thuật này, nhiều tác phẩm "nghệ thuật đại chúng" của ông đã được tạo ra theo cách này.

White Disaster (White Car Crash 19 Times) - Andy Warhol 

Nguồn ảnh: [1]

Tranh in lụa được biết rộng rãi khi ông sáng tác bức White Disaster (White Car Crash 19 Times) với kích cỡ lớn (khoảng 3,7m x 1,8m, tác phẩm lớn nhất về chủ đề White Disaster (Thảm họa trắng) do Andy Warhol sáng tác vào năm 1963 - liên quan đến các tai nạn xe hơi. Họa sĩ phản ánh mặt tối của giấc mơ Mỹ trong những hình ảnh về tai nạn xe hơi ("Death and Disaster Series") và chiếc ghế điện ("Electric Chair"). Andy Warhol đã tạo ra các tác phẩm mà ông sử dụng các bức ảnh báo chí về các vụ tai nạn thương tâm hoặc tai nạn máy bay và những thứ tương tự làm mẫu. Tác phẩm thể hiện tính quy mô và cường độ mạnh về chủ đề sáng tác, nó được xem là thành tựu nghệ thuật quan trọng nhất trong sự nghiệp của nghệ sĩ này, cũng như một trong những tác phẩm nghệ thuật hội họa gây ám ảnh nhất của thế kỷ 20. Điều khác biệt của tác phẩm này ở chỗ nó không chỉ là quy mô khổng lồ mà còn là bảng màu của nó luôn làm mê mẩn bất kỳ ai đứng trước ngắm nhìn bởi thực sự nó thực sự dường như phát sáng, theo cách mà màn hình lụa đen được đăng tải trên nền trắng sắc nét.

Shot Sage Blue Marilyn - Andy Warhol

Nguồn ảnh: [4]

Tiếp tục với kĩ thuật in lụa đó, ông thành công với với tác phẩm vẽ nữ diễn viên Marilyn Monroe của Hollywood. Trong tác phẩm Shot Sage Blue Marilyn vẽ vào năm 1964, Warhol lấy ý tưởng từ bức ảnh quảng cáo trong bộ phim Niagara chiếu vào năm 1953 của Marilyn Monroe và tạo cho nữ diễn viên khuôn mặt hồng, mắt kẻ xanh cùng với làn môi đỏ trên nền hoa xô thơm. Bức tranh được sáng tác sử dụng một kỹ thuật được gọi là in lụa, sao chép hình ảnh trên giấy hoặc canvas bằng cách sử dụng một lớp lụa lưới mịn giống như giấy nến ngay năm 1962, khi cái chết của Marilyn Monroe làm chấn động Hollyword và thế giới điện ảnh, bức tranh gồm hàng chục chân dung Marilyn Monroe được trình bày trên cùng một khuôn hình, chỉ khác màu tóc, môi, mắt, khiến người xem bị choáng ngợp. Andy Warhol bấy giờ nổi bật như một họa sỹ “thức thời”, “ăn theo sự kiện”, mặc dù trước đó, ông đã sớm được biết đến như một họa sỹ quảng cáo. Và cũng lập tức ông đã bị công chúng ném đá như một kẻ bôi nhọ thần tượng. Tuy nhiên, càng về sau, tác phẩm Marilyn Monroe này đã được xem là loạt tranh quan trọng nhất trong sự nghiệp của Andy Warhol, đánh dấu bước ngoặt mới trong sáng tạo đồ họa nhân bản được khởi đầu từ những hộp Campbell Soup hay chai Coca Cola. Điều khác biệt ở đây là hình ảnh được nhân bản không phải hàng hóa công nghiệp mà là con người. Nó là nguyên nhân cho hàng loạt cuộc tranh luận không ngớt về tác phẩm. Liệu sự nhân bản này là tôn vinh hay giễu nhại, phỉ báng thẩm mĩ đương thời? Phải chăng con người cũng được đánh đồng với hàng hóa? Dẫu là gì đi chăng nữa thì nghệ thuật vẫn có ngôn ngữ riêng. Còn những bức tranh thì như vận toàn bộ ngữ nghĩa về cuộc đời của Marilyn Monroe.

Không phải ngẫu nhiên ở tác phẩm Giáp bản Marilyn, nửa phía trái là ảnh màu trong khi các bản in bên phải lại đen trắng. Chúng như sự đối lập trần trụi giữa sự phù du của cuộc sống đầy hào nhoáng và cái lem luốc của thực tế bên trong. Không những thế, nửa đen trắng lại được Andy Warhol cố tình in như những bản in hỏng. Điều này cũng được lặp lại và nhấn mạnh hơn trong 6 Marilyn, 9 Marilyn. Sự đánh tráo màu trên các bản in đen trắng rồi cố tình làm nhòe, làm âm hình ảnh của cô được ví như những nốt thăng trầm cuộc đời. Rồi, trong cao hứng sau đó, ông còn cắt riêng hình ảnh nụ cười của Marilyn và cũng nhân bản lên hàng trăm hình như một giá trị không thay thế của thời đại.

Sáng tạo mà dường như không có gì sáng tạo, bởi hầu như những cách tạo màu trong in lưới của Andy Warhol cũng chính là cách thức in 4 màu trong các bản in báo chí. Chỉ có điều ông đã tách chúng ra từng công đoạn với ý thức rất rõ ràng như một thủ pháp trong nghệ thuật. Thậm chí, ở đó còn chứa đựng những thách thức điên rồ của ông đối với nghệ thuật dường như đã có phần bế tắc vào những năm 1960. Ông kịch liệt phản đối quan niệm cho rằng nghệ thuật là sản phẩm của tài năng khéo léo, được làm bằng tay và dành cho những người sành sỏi, biểu thị nhân cách của họa sỹ. Ông từng tuyên bố, ông muốn mọi người suy nghĩ giống nhau, nghĩ ai cũng là một cái máy, và gọi xưởng vẽ của mình là nhà máy chế tạo nhân bản vô giới hạn. Theo ông, một bức tranh còn hơn cả thế giới hiện thực khi nó phản ánh hiện thực. Ở đó, Marilyn Monroe cũng chỉ là một chất liệu gây chú ý, giống như cô từng là một phần làm nên xu thế điện ảnh đương thời vậy.Tuy nhiên, điều để loạt tác phẩm này có vị trí vững chắc trong nghệ thuật thế kỷ 20, có lẽ không chỉ là Marilyn Monroe mà là sự mở đường cho một hình thức mới của Andy Warhol thông qua kỹ thuật in lụa. Chúng được xem là kiểu thức đặc trưng rất Pop - một thẩm mĩ mới được hầu hết các thế hệ họa sỹ sau ông tiếp thu và phát triển. Sau thành công với Marilyn Monroe, chính Andy Warhol đã tiếp tục nhân bản các nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính trị, văn hóa Mỹ như: Tổng thống Kennedy, đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, ca sỹ Elvis Presley, diễn viên Liz Taylor... Dẫu cố tình phát ngôn gây sốc, nhưng rõ ràng những bức tranh của Andy Warhol về các nhân vật nổi tiếng này đã góp phần làm nên hình ảnh của nước Mỹ thế kỷ 20 trong nghệ thuật.

Tài liệu tham khảo

1. Thúc Anh (TTXVN/Vietnam+), “Bức "Thảm họa trắng" của danh họa Warhol được bán với giá 85 triệu”, https://www.vietnamplus.vn/buc-tham-hoa-trang-cua-danh-hoa-warhol-duoc-ban-voi-gia-85-trieu-do/829738.vnp#google_vignette,  17/11/2022.

2. Laurie Schneider Adams (Trần Văn Huân dịch) (2006), Khám phá thế giới Mĩ thuật, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.

3. Khải Phạm, Phạm Cao Hoàn, Nguyễn Khoan Hồng (1999), 70 danh họa bậc thầy thế giới, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.

4. ”Tranh Andy Warhol vẽ Marilyn Monroe bán với giá 195 triệu USD”, https://forbes.vn/tranh-andy-warhol-ve-marilyn-monroe-ban-voi-gia-ky-luc-195-trieu-usd.