Ngày 02/10, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường và Ban giám hiệu nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một sự thay đổi về công tác tổ chức cán bộ của Nhà trường. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, nhân dịp Thầy nhận Quyết định Chủ tịch Hội đồng Trường.
PGS.TS. Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, nhiệm kỳ 2020– 2025
1. Thưa PGS.TS. Đào Đăng Phượng, nhìn lại chặng đường phát triển của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn vừa qua khi Thầy đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng, có những điểm gì đáng nhớ?
Có thể nói, trong 6 năm vừa qua (từ năm 2017 đến năm 2023) là một giai đoạn đáng nhớ không chỉ riêng với cá nhân tôi trên cương vị Hiệu trưởng - người lãnh đạo Trường ĐHSP Nghệ thuật TW mà còn cả với tập thể Nhà trường. Với phương châm đoàn kết là yếu tố then chốt, tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đồng lòng chung sức trên mọi lĩnh vực công tác và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, ngày càng khẳng định vị thế của một trường đại học sư phạm nghệ thuật hàng đầu cả nước.
Trước tiên phải kể tới số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên. Hiện trường ĐHSP Nghệ thuật TW có gần 400 cán bộ - giảng viên cơ hữu và hàng trăm giảng viên thỉnh giảng, hầu hết tất cả các giảng viên cơ hữu của trường đều là những nghệ sĩ có uy tín và trình độ cao: ThS, TS, PGS, GS... Nhiều người là thành viên, tham gia nhiều Hội đồng chấm các công trình nghiên cứu khoa học cấp cao, Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Nhà nước, Hội đồng khoa học và Đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước. Trường đã có hơn 30 người có trình độ tiến sĩ, PGS và nhiều thạc sỹ đang là Nghiên cứu sinh tại các trường đại học, học viện uy tín trong và ngoài nước như: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương,…. 100% giảng viên ở các khoa chuyên môn của trường đều có trình độ Sau đại học. Trong sự đi lên của Nhà trường, đội ngũ giảng viên có vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, chúng tôi luôn trân trọng sự cố gắng của mỗi cá nhân và tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị.
Điều nổi bật trong hoạt động đào tạo của trường và cũng là sự phù hợp tất yếu với xu thế xã hội đó là sự đổi mới tích cực, đa dạng hóa các ngành nghề, loại hình đào tạo. Từ chỗ Trường chỉ có 2 mã ngành (Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật), hiện nay đã có 15 mã ngành và chuyên ngành đào tạo ở trình độ Đại học; 4 mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 3 mã ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Đặc biệt, từ năm 2017 đến 2023, Trường đã mở thành công 07 mã ngành và chuyên ngành, trong đó: 02 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ ( Văn hóa học, Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Mỹ thuật), 01 chuyên ngành trình độ Thạc sĩ (Mỹ thuật Ứng dụng), 03 mã ngành trình đô Đại học (Công nghệ may, Công tác Xã hội, Du lịch) và 01 mã ngành Trung cấp (Piano).
Hiện nay, Trường đã kết thúc nhiệm vụ đào tạo trình độ Cao đẳng Sư phạm và đang thực hiện sứ mệnh đào tạo các ngành nghệ thuật ở những bậc cao hơn: Đại học và Sau đại học.
Bên cạnh đó, hoạt động Hợp tác quốc tế về giáo dục đã chuyển sang một giai đoạn phát triển đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Trong thời gian vừa qua, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW hiện có quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa, biểu diễn với một số cơ sở đào tạo nghệ thuật danh tiếng của các nước như: Hoa Kỳ, Đan Mạch, Nhật Bản, Australia, Italia... Đồng thời, Nhà trường còn tích cực tham gia vào các dự án với các đối tác nước ngoài như: Dự án MOTIVE (“Khảo sát xu hướng việc làm của sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp”, do quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Hiệp hội các trường đại học Alma Laurea, Italia), VIETMUS (“Thúc đẩy đào tạo âm nhạc trong các trường đại học tại Việt Nam”, được tài trợ bởi Cơ quan Điều hành Văn hóa và Giáo dục Châu Âu theo quyền hạn được ủy quyền bởi Ủy ban Châu Âu thông qua Quỹ Erasmus).... Kết quả của hoạt động Hợp tác quốc tế đã tạo được sự chuyển biến hết sức tích cực, ngoài việc thu hút người học từ nước ngoài tới học tập, nghiên cứu tại trường, đã có nhiều lượt sinh viên NUAE được cử đi học tập, trao đổi tại các trường đại học, học viện nghệ thuật uy tín trên thế giới.
Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo cũng đã thu được kết quả tốt đẹp. Tháng 7/2018, Trường đón nhận chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Trong những năm tiếp theo đó, Đảng uỷ, Ban giám hiệu vẫn tiếp tục chỉ đạo một cách sát sao, có hiệu quả cũng như tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đồng lòng thực hiện việc kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Kết quả, vào tháng 8/2022, Nhà trường đã được cấp Chứng nhận kiểm định đối với 04 chương trình đào tạo: Đại học Sư phạm Âm nhạc, Đại học Sư phạm Mỹ thuật, Đại học Thiết kế đồ họa, Cao học Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc. Tự hào hơn, Trường còn là đơn vị đầu tiên trong khối các trường nghệ thuật tiến hành kiểm định, đánh giá các chương trình đào tạo - điều này một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín, chất lượng giáo dục của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đối với xã hội và hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển của Nhà trường.
Nói đến thành quả của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn vừa qua, cũng không thể không nhắc tới công tác cơ sở vật chất đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt cả về diện mạo lẫn chất lượng. Khắc phục những khó khăn do điều kiện tài chính còn hạn chế, Nhà trường đã đã đầu tư có trọng điểm, hợp lý đề từng bước có một cơ sở làm việc, học tập khang trang. Những công trình như Xưởng thực hành may, Phòng truyền thống, Phòng hòa nhạc, Phòng thu âm, Sân vận động, Ký túc xã, sân hiệu bộ… được tu sửa, nâng cấp, làm mới cùng với trang thiết bị hiện đại đã và đang từng bước đáp ứng được yêu cầu của một cơ sở giáo dục đại học.
Có thể nói, giai đoạn vừa qua Nhà trường phải đối mặt với rất nhiều thách thức khách quan như dịch bệnh đã để lại những hậu quả nặng nề đối với toàn xã hội, những khó khăn chung trong bối cảnh hậu Covid – 19 hay những đòi hỏi của công cuộc đổi mới giáo dục nghệ thuật. Tuy nhiên, đây cũng lại là một chặng đường mà thầy và trò nhà trường đón nhận rất nhiều niềm vui cùng những thành quả đáng tự hào. Hàng năm, kết quả của những kỳ tuyển sinh lại có những bước tiến cả về chỉ tiêu, số lượng, chất lượng....chứng tỏ sức hút, uy tín của Nhà trường đối với xã hội ngày một lớn hơn. Đặc biệt, những thành tích tiêu biểu như như: Huân chương Lao động hạng Nhất (đón nhận vào năm 2020, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm truyền thống sự nghiệp đào tạo giáo viên nghệ thuật), Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2022).... là minh chứng cho nỗ lực phát triển không ngừng của tập thể Nhà trường. Và chúng ta - những cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của hôm nay có quyền tự hào khi được là một phần trong dòng chảy truyền thống tốt đẹp đó.
Công tác kiểm định các chương trình đào tạo đạt được những kết quả tốt đẹp
Trường luôn chú trọng đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế
Cơ sở vật chất của Trường đã có nhiều thay đổi tích cực
2. Gắn liền với sự phát triển chung đó, theo Thầy, vai trò của người đứng đầu Nhà trường có ý nghĩa như thế nào?
Tôi luôn cho rằng, không chỉ riêng tôi mà mỗi cá nhân đều có những vai trò nhất định đối với sự phát triển chung của Nhà trường. Với bản thân tôi, hơn 6 năm thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo mà tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tin tưởng giao phó đó là trọng trách đồng thời cũng là niềm tự hào lớn lao, là động lực để tôi luôn từng bước hoàn thiện mình, tích cực đổi mới trong hoạt động chuyên môn cũng như trong công tác quản lý.
Có thể nói, giai đoạn hơn 6 năm gắn liền với những dấu ấn mạnh mẽ trong hoạt động đổi mới giáo dục đào tạo, trong đó có việc Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua. Một lần nữa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và cá nhân tôi tiếp tục được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ tham gia vào việc xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nghệ thuật để đáp ứng với sự đổi mới này. Với vị thế là Hiệu trưởng của trường đại học hàng đầu về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, tôi đã được các trường tin tưởng, đề xuất và Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam ra Quyết định bổ nhiệm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trường ĐH, CĐ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật. Điều đó không chỉ là vinh dự của cá nhân mà còn góp phần khẳng định thêm vị thế của tập thể Nhà trường là là “địa chỉ đỏ” trong việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật đáp ứng theo yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục.
Hay đối với công tác cơ sở vật chất của Nhà trường, từ khi đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng Nhà trường vào những năm 2015, tôi đã luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng một Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu dạy học, từng bước xứng tầm với một trường đại học hàng đầu của cả nước. Đến trường ĐHSP Nghệ thuật TW hôm nay, chắc hẳn các bạn sẽ thấy được sự đổi thay rõ rệt, đó là màu xanh tươi trẻ, đầy sức sống, không gian thoáng đãng, Sáng - Xanh - Sạch bước đầu đã làm nên một môi trường có tính chuyên nghiệp, mới mẻ và tạo được nên sự hứng khởi, say mê trong học tập, giảng dạy của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Tuy nhiên, để vươn tới những mục tiêu lớn hơn, xa hơn như: xây dựng Trường phổ thông Thực nghiệm Nghệ thuật hay phát triển Nhà trường thành Trường trọng điểm về đào tạo nghệ thuật với cơ sở ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đòi hỏi sự đầu tư rất nhiều về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất. Chính vì vậy, bên cạnh bộn bề công việc chuyên môn, khi tiếp nhận nhiệm vụ mở rộng đất, tôi cùng đội ngũ cán bộ của Ban dự án đã làm việc không kể ngày nghỉ với nhiều việc mới, việc khó và chưa có tiền lệ; cố gắng tự tìm tòi để kịp thời bồi đắp, cập nhật các thủ tục, văn bản quy phạm pháp luật về công tác này. Và cho tới năm 2017, khi được bổ nhiệm Hiệu trưởng, quyết tâm đối với công tác mở rộng đất vẫn tiếp tục thôi thúc tôi cùng với anh em trong đơn vị, chúng tôi xác định để có thể nâng cấp và mở rộng trường với quy mô của một trường đại học trọng điểm về giáo dục nghệ thuật, cần thiết phải có một cơ sở vật chất tương xứng đáp ứng dạy và học. Và những nỗ lực, quyết tâm đã được đền đáp, ngày 28/9/2023 vừa qua, Nhà trường đã thành công nhận về 10.282 m2 đất thông qua việc giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Cũng trong năm 2023 này, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt dự án Giảng đường Bộ môn chung và Giảng đường Đa năng với kinh phí gần 66 tỉ đồng có diện tích xây dựng là 900m2 với gần 7000m2 mặt sàn xây dựng. Dự án được thực hiện vào những năm tiếp theo đây là một bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao điều kiện, chất lượng của hoạt động chuyên môn giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên Nhà trường. Đồng thời còn góp phần thay đổi diện mạo, cảnh quan của Nhà trường theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình phát triển của một trường đại học trọng điểm.
3. Xin thầy vui lòng chia sẻ những dự định trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Trường?
Trước tiên, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu cùng toàn cán bộ, giảng viên Nhà trường đã đồng hành cùng tôi trong giai đoạn vừa qua, vượt qua nhiều khó khăn thử thách để đạt được những kết quả tốt đẹp; đồng thời cũng trân trọng sự tín nhiệm đã dành cho tôi ở một vị trí công tác mới - là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Hội đồng trường. Nhận trọng trách mới, chắc hẳn kinh nghiệm thực tiễn quý báu đã có được trong thời gian làm quản lý vừa qua sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong các hoạt động điều hành như: xây dựng chiến lược, hoạch định kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm; xây dựng các quy chế; quyết định chính sách, chỉ đạo những hoạt động chung của Nhà trường.
Cho dù ở cương vị công tác nào tôi cũng đều luôn tự ý thức về vai trò, trách nhiệm quyền hạn của mình đối với tập thể, và tự nhủ sẽ luôn làm việc bằng tất cả lòng nhiệt tình của mình, cố gắng đem năng lực, trí tuệ cống hiến cho tập thể, đồng lòng cùng các đồng nghiệp hướng tới mục tiêu chung là sự phát triển lớn mạnh của Nhà trường. Tôi cũng hy vọng, tin tưởng, những đồng chí kế nhiệm sẽ đem tới một luồng gió mới tích cực với những tìm tòi, đổi mới, sáng tạo; tập thể Nhà trường luôn đoàn kết, phát huy thế mạnh của từng cá nhân, góp phần vào sự lớn mạnh chung của Nhà trường, hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.
PGS.TS. Đào Đăng Phượng trao Quyết định cho các đồng chí trong Ban giám hiệu Nhà trường
nhiệm kỳ 2020 – 2025
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Đào Đăng Phượng vì những đóng góp của thầy đối với Nhà trường trong thời gian qua và kính chúc thầy thành công trên cương vị mới, góp phần vào sự lớn mạnh của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong tương lai!
BBT