Phạm Thị Lâm
Học viên K10- LL&PPDH bộ môn Mỹ thuật
Hiện nay, quá trình giao lưu và hội nhập thời trang trong nước và quốc tế giúp chúng ta tiếp cận được với các xu hướng thời trang toàn cầu, chính yếu tố này là một yếu tố thách thức để làm sao các nhà thiết kế trong nước tạo được sự khác biệt đồng thời vẫn giữ được nét riêng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Có thể thấy tổng quan trang phục người Cao Lan rất đặc sắc từ những mảng màu đối lập kết hợp đến những họa tiết trang trí vô cùng tinh tế khiến người xem luôn bị thu hút ánh nhìn. Chính vì vậy Thiết kế thời trang nữ từ cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trang trí trang phục của người Cao Lan sẽ là đề tài được đông đảo sinh viên yêu thích bởi nó tạo ấn tượng rõ nét trong tiềm thức của mỗi người và có rất nhiều góc cạnh để khai thác. Cả bộ sưu tập thời trang luôn cần có một ý tưởng xuyên suốt quá trình sáng tác từ khâu ý tưởng cho đến khi hoàn thiện mẫu, có như vậy mới là những bản thiết kế có giá trị. Có thể thấy những bộ sưu tập thời trang ứng dụng của các nhà thiết kế thời trang trong nước chủ yếu đi từ nhu cầu ăn mặc của người dân từ đó mới lên được các bộ sưu tập thời trang mang tính ứng dụng cao, đạt được tính thẩm mỹ phù hợp.
Để việc đưa nghệ thuật trang trí trên trang phục người Cao Lan vào giảng dạy Thiết kế thời trang nữ đòi hỏi giảng viên phải có sự hiểu biết sâu sắc, không được sao chép một cách máy móc mà cần phải biết chắt lọc đặc trưng và những nét tinh túy nhất vào bài học, vận dụng các kiến thức vào giảng dạy, tạo điều kiện cho các em sinh viên nắm được những nét tinh hoa, sự sáng tạo về hoa văn họa tiết cũng như nghệ thuật tạo hình để các em vận dụng vào bài học một cách cụ thể. Tác giả ứng dụng vào môn học Thiết ké thời trang nữ mà cụ thể đó là bài 1. Quy trình thiết kế thời trang nữ.
Như vậy cũng giống như các bài thiết kế trang phục khác, bài tập Thiết kế thời trang nữ cần tuân theo các bước quy trình sau:
Bước 1: Nghiên cứu đối tượng
Để thiết kế được bộ sưu tập thời trang nữ, nhà thiết kế cần nắm vững được các đặc điểm nổi bật của đối tượng, quan sát nghiên cứu kĩ đối tượng xem mong muốn sử dụng trang phục của đối tượng đó ra sao, nhu cầu sử dụng trang phục như thế nào?
Sinh viên cần xác định những kiến thức, những yếu tố nào là cần thiết để có thể nhận biết được mục tiêu, mục đích, đối tượng yêu cầu cũng như hoàn cảnh sử dụng bộ sưu tập thời trang thông qua việc trả lời cho các câu hỏi:
- Đối tượng sử dụng: giới tính, độ tuổi, đặc điểm cơ thể,…
- Hoàn cảnh sử dụng, không gian, thời gian,…
- Yêu cầu của người mặc
Ví dụ: Người mặc trang phục là nữ, 25 tuổi, dáng người gọn gàng, cao ráo, sử dụng trang phục công sở trong lúc làm việc. Người mặc yêu cầu trang phục lịch sự, kín đáo nhưng vẫn đẹp và quyến rũ.
Bước 2: Nghiên cứu xu hướng
Với thiết kế thời trang, sáng tác mẫu trang phục phải luôn phù hợp với xu hướng thời đại, đây là một yếu tố tất yếu, nó quyết định đến việc khách hàng sẽ đón nhận sản phẩm như thế nào. Đây cũng là một kĩ năng cần thiết của sinh viên khi bắt tay vào sáng tác thời trang. Sinh viên phải luôn cập nhật xu hướng thời trang trong và ngoài nước mới nhất hiện nay.
Năm 2022-2023 với những xu hướng mới nhất trong làng thời trang và cũng có ảnh hưởng đến trang phục mang tính ứng dụng cao, với những màu pastel như sắc tím pastel, hồng patstel, xanh pastel, gam màu mới này tạo nên sự lạ mắt, bắt mắt trong thời trang nhưng cũng vô cùng dễ phối đồ. Bên cạnh đó gam màu color block vẫn giữ vững vị trí của mình trong làng thời trang với sự cá tính, nổi bật, khỏe khoắn tạo cảm giác nổi bật mạnh mẽ cho người sử dụng.
Bước 3: Tìm ý tưởng
Trong bước này vẫn tìm ý tưởng sáng tác và xây dựng biểu tượng, ngoài ra sinh viên cần tìm thêm tài liệu về trang phục Cao Lan tại Bắc Giang để bổ sung cho nguồn tài liệu thật phong phú và đa dạng, để sinh viên nắm được cái hồn, cái cốt lõi của ý tưởng.
Với ý tưởng Thiết kế thời trang nữ từ vận dụng nghệ thuật trang trí trên trang phục người Cao Lan, sinh viên cần nghiên cứu tổng quan về trang phục Cao Lan với những họa tiết đặc sắc nổi bật mang hồn cốt của trang phục. Từ các hình ảnh về họa tiết đưa ra những ý tưởng tạo mẫu cho bộ sưu tập của mình.
Từ sự độc đáo của các hình ảnh họa tiết như chim đậu cành đa, các mảng trắng trang trí, các hoa văn hình quả trám, đều là những gợi ý có thể sử dụng để đưa vào bộ sưu tập thời trang nữ một cách khéo léo, thuần thục.
Sau đó sinh viên tiến hành xây dựng biểu tượng cho ý tưởng. Bước tiếp theo đó chính là xây dựng biểu tượng. Sinh viên sử dụng ngôn ngữ đồ họa, dùng nét, hình, mảng để đưa họa tiết trang trí trang phục nữ dân tộc Cao Lan vào làm họa tiết trang trí cho bộ sưu tập thời trang của mình.
Bước 4: Xây dựng phương án màu
SV cần đưa ra các phương án màu khác nhau để giảng viên cùng duyệt mẫu và đưa ra phương án tối ưu nhất.
Việc lựa chọn phương án màu sắc cho phác thảo mẫu là vô cùng quan trọng, nó quyết định cho bộ sưu tập được thể hiện nên có truyền tải được rõ nét ý đồ của nhà thiết kế hay không.
Bước 5: Xây dựng phác thảo bằng chì.
Tại bước này sinh viên lên phác thảo chì để giảng viên duyệt mẫu, số lượng mẫu không hạn chế vì lên phác thảo sẽ có những mẫu được duyệt và có mẫu được duyệt do đó tại bước này sinh viên có thể thỏa sức sáng tạo và trình bày với giảng viên ý tưởng lên mẫu của mình.
Bước 6: Phác thảo màu
Ở bước 3 sau khi được duyệt mẫu sinh viên thể hiện nhiều phương án với các gam màu khác nhau, bút pháp khác nhau và các sắc thái khác nhau để có lựa chọn phương án tối ưu nhất cho cách thể hiện mẫu. tại bước này mẫu sẽ được duyệt để chốt phương án chuẩn thực hiện. SV tiến hành diễn họa trang phục.
Ngoài ra các em cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Có ý tưởng rõ ràng trong việc sử dụng các yếu tố tạo hình của trang phục Cao Lan chủ yếu là nghệ thuật trang trí để định hướng sáng tác, thiết kế. Ví dụ như nhà thiết kế lấy gam màu chàm chủ đạo cho bộ sưu tập của mình và sử dụng họa tiết hoa văn hình quả trám trước ngực để làm họa tiết trang trí chính hay nhà thiết kế sử dụng màu đen làm màu chủ đạo và sử dụng họa tiết trang trí hình cây và chim của sau lưng áo làm họa tiết trang trí. Cả bộ sưu tập phải có sự thống nhất từ ý tưởng đến màu sắc, kiểu dáng, chất liệu có như vậy mới mang sự đồng bộ cho bộ sưu tập thời trang nữ.
Khi sáng tác, thiết kế người thiết kế cần đặt tâm tư của mình vào trong từng tác phẩm, phải hiểu ý nghĩa các họa tiết hoa văn trang trí để đặt đúng vị trí trong các sáng tác của mình. Ngoài ra khi sáng tác, cần xác định điểm nhấn chính trong bộ trang phục đó là gì, nếu cả bộ sưu tập các mẫu không có điểm nhấn thì bộ sưu tập đó thất bại.
Cả bộ sưu tập khi thiết kế cần toát lên một ý nghĩa, một thông điệp nào đó đối với người xem, để khi người xem chỉ cần nhìn lướt qua tổng thể là hiểu được ý đồ của tác giả là gì.
Đối với sáng tác thời trang nữ cần khi thiết kế cần xác định đó là bộ sưu tập theo chủ đề gì, dạo phố hay công sở hay dạ hội,… mỗi một chủ đề lại có một tiếng nói riêng. Nếu sáng tác trang phục công sở mà hở hang, rườm rà như đồ dạ hội là bộ sưu tập đó đi lệch chủ đề, do vậy trước khi sáng tác cần nắm rõ những vấn đề này sao cho phù hợp với công năng sử dụng.
Một điều nữa, khi sử dụng hoa văn họa tiết trang trí thì cần hiểu hoa văn họa tiết đó có cấu tạo như thế nào, có ý nghĩa ra sao để từ đó đặt vị trí trên bộ sưu tập sao cho chất lượng và có chủ đích của người sáng tạo.
Khi sáng tác còn cần lưu ý đến đối tượng sử dụng là ai, một người hai một nhóm người. Tính cách đối tượng ra sao, công việc như thế nào để từ đó có định hướng đúng đắn hơn khi sáng tác.
Kết luận:
Thiết kế thời trang nữ là môn học hết sức bổ ích và cần thiết trong việc giáo dục phát triển toàn diện cho SV. Giáo dục nghệ thuật rất phong phú và đa dạng, đòi hỏi mỗi người giáo viên phải chủ động, sáng tạo và tự mình lựa chọn các phương pháp dạy học hiệu quả nhất để đưa các em SV thân yêu đến với nghệ thuật một cách tốt nhất.
Việc truyền tải cảm hứng sáng tạo từ nghệ thuật trang trí trang phục người Cao Lan vào giảng dạy Thiết kế thời trang nữ đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Với giờ học, SV hào hứng học tập, tích cực, sôi nổi. Say mê, luyện tập với chất lượng bài tập tốt. SV hoàn thành bài học theo đúng tiến độ, thời lượng chủ đề bài học.
Một số hoạt động và bài tập của sinh viên
H1: Sinh viên làm bài
Nguồn: Tác giả (2022)
H2: Sinh viên làm bài
Nguồn: Tác giả (2022)
H3. Mẫu thiết kế của sinh viên lớp CĐ61TT
Nguồn: Tác giả (2022)
H4. Mẫu thiết kế của sinh viên lớp CĐ61TT
Nguồn: Tác giả (2022)
H5. Mẫu thiết kế của sinh viên lớp CĐ61TT
Nguồn: Tác giả (2022)
H6. Mẫu thiết kế của sinh viên lớp CĐ61TT
Nguồn: Tác giả (2022)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (1999), Nguồn gốc Các dân tộc Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội.
2. Trần Văn Ái (1999), Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ vòng đời của người Sán chí ở Thái Nguyên, luận văn Thạc sĩ văn hóa học, Đại học Văn hóa Hà Nội.
3. Trần Văn Ái (2002), Văn hóa Sán Chay ở Việt Nam, Tư liệu đề tài nghiên cứu cấp bộ, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
4. Nguyễn Văn Ba, (2018), Văn học dân gian Cao Lan nhìn từ văn hóa tộc người, Luận án tiến sĩ, Học viện khoa học xã hội.
5. Lâm Quý Phương Bằng (1983), Truyện cổ Cao Lan, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.