Nội san

VẬN DỤNG MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP VÀO DẠY HỌC HÁT CHO HỌC SINH LỚP 1

02 Tháng Mười 2023

Nguyễn Thị Thu

Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc

 

      MỞ ĐẦU

Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật có sự tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần và tình cảm con người trong xã hội. Đây cũng chính là phương tiện để con người bộc lộ cảm xúc, giao tiếp và tương tác xã hội thông qua các hoạt động học tập hay tham gia các sự kiện văn hóa nghệ thuật trong nhà trường và cộng đồng. Vì thế, hoạt động giáo dục âm nhạc đã được triển khai ngay từ bậc học mầm non và tiếp nối là môn học Âm nhạc ở bậc tiểu học với vai trò quan trọng trong việc tạo nền móng, góp phần hình thành và phát triển tình cảm thẩm mĩ, phát triển nhận thức và các phẩm chất, năng lực, đặc biệt là năng lực âm nhạc cho các em học sinh. Bên cạnh đó, âm nhạc cũng chính là môi trường để giúp học sinh bậc tiểu học nói chung và nhất là học sinh lớp 1 nói riêng thể hiện bản thân thông qua sự tự tin, sự chủ động, sự tích cực, sự hòa nhập và tương tác với các bạn, với thầy cô trong các hoạt động học tập môn học và kết nối những trải nghiệm, tri thức âm nhạc vào đời sống.

Tuy nhiên, với đặc điểm về tâm sinh lí và khả năng nhận thức, nhất là khả năng ngôn ngữ về vốn từ, tầm âm và sự kết hợp giữa hơi thở và phát âm khi hát ở nhiều học sinh còn có những hạn chế. Do đó, để việc dạy học hát cho học sinh lớp 1 đạt được các yêu cầu đặt ra của chương trình mới rất cần được nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp với đặc điểm của đối tượng học sinh, đồng thời cũng đảm bảo tính đặc thù của hoạt động ca hát trong thời điểm triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc mới cho học sinh lớp 

NỘI DUNG

Trong bài báo này xin được đề cập đến vấn đề vận dụng một số phương pháp vào dạy học hát cho học sinh lớp 

1. Phương pháp đọc lời ca kết hợp động tác minh họa

Thời điểm đầu năm học học sinh mới từ bậc mầm non, sau 3 tháng nghỉ hè các em bước vào lớp 1 vẫn mang tâm lí thích hoạt động và khám phá cùng các bạn và cô giáo. Thời điểm học sinh mới bắt đầu vào lớp 1 sự phát triển về tâm lí đang diễn ra khá mạnh nên khả năng kiểm soát, thời gian tập trung chú ý có chủ định còn hạn chế. Do chú ý không chủ định chiếm ưu thế hơn chú ý có chủ định nên học sinh chỉ quan tâm chú ý đến những môn học, giờ học có đồ dùng trực quan sinh động, hấp dẫn có nhiều tranh ảnh, được tham gia nhiều hoạt động, trò chơi.  Song sự tập trung chú ý của trẻ còn yếu và thiếu tính bền vững, chưa thể tập trung lâu dài và dễ bị phân tán trong quá trình học tập. Vì vậy giáo viên cần nắm bắt đặc điểm nhận thức và chú ý của học sinh để áp dụng linh động trong quá trình dạy và học.

Về ngôn ngữ  ở học kì 1 các em chưa biết đọc, mới chỉ nói được các câu ghép và liền mạch khoảng 10 -12 từ. Việc đọc lời ca kĩ trước khi học hát để giúp các em thuận lợi trong việc học hát, nhất là trong việc đọc ca từ trong câu hát. Tuy nhiên chưa biết đọc nên để hỗ trợ việc ghi nhớ nhanh hơn lời ca giáo viên có thể kết hợp các động tác minh họa tạo thêm sự tác động cho các em thoải mái, các động tác mô phỏng lời ca – tạo nên sự trực quan, sinh động.  Các em sẽ dễ nhớ lời ca của bài hát hơn là hát theo lối truyền thống cô đọc trước học sinh đọc sau. Với lối dạy học đó các em nhanh quên và không có ấn tượng nhiều khi kết thúc tiết học.

Ví dụ 1: Trong bài hát Vào rừng hoa, nhạc và lời Việt Anh giáo viên hướng dẫn học sinh các động tác mô phỏng phần lời ca trong bài hát để học sinh dễ nhớ câu chữ.

Câu hát thứ nhất: “Cầm tay nhau cùng đi chơi, đi khắp nơi hái bông hoa tươi”.

Giáo viên cho học sinh cầm tay nhau xếp thành vòng tròn đi xung quanh lớp học.

Khi giáo viên đọc “Cầm tay nhau cùng đi chơi” học sinh làm động tác “cầm tay” và “đi chơi” là động tác bước vào trong vòng tròn một bước. Giáo viên đọc tiếp “đi khắp nơi hái bông hoa tươi”, lúc này học sinh vừa bước đi theo hướng vòng tròn vừa đưa tay sang hai bên làm động tác làn sóng như chạm nhẹ vào bông hoa.

Câu thứ 2: “Vào đây chơi rừng hoa tươi, chim líu lo hót nghe vui vui”.

“Vào đây chơi rừng hoa tươi” học sinh làm động tác vẫy tay gọi bạn, đưa tay phải lên cao, bàn tay cử động theo tiết tấu lời ca.

Với các từ “chim líu lo hót nghe vui vui” học sinh làm động tác đưa tay trái lên sau tai lắng nghe chim hót, chân kết hợp nghiêng hai bên.

Câu thứ 3: Vào rừng xem hoa nghe tiếng chim rừng reo ca.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đưa hai tay lên trán, khuông mặt ngó nghiêng lần lượt sang trái rồi sang phải. Giáo viên giới thiệu với học sinh động tác khi kết hợp với từ “xem hoa” và “nghe tiếng chim” giúp học sinh liên tưởng âm thanh của tiếng chim hót rất vui tai.

Câu thứ 4: Tìm vài bông hoa cùng hái đem về nhà.

Với câu hát này giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh: Khi các con tìm kiếm một vật nào đó chúng mình có động tác gì?

Sau đó giáo viên hướng dẫn học sinh động tác đưa hai tay từ trong ra ngoài giống như đang mở thứ gì đó ra và tìm kiếm bông hoa đẹp nhất để đem về nhà.

 2. Phương pháp dạy hát kết hợp hình ảnh phụ họa

Đối với học sinh lớp 1, các con đang học đánh vần từng tiếng, sau học kì 1 chỉ có khoảng trên dưới 30% học sinh đọc chữ lưu loát. Vì vậy việc dạy các con học thuộc lời ca một bài hát sẽ mất nhiều thời gian hơn các lứa tuổi khác. Giáo viên cần có nhiều phương pháp áp dụng vào từng bài hát để học sinh thuộc bài nhanh và diễn đạt đúng phong thái của bài hát.

Phương pháp mà giáo viên đưa ra để dạy hát cho học sinh đó là dùng hình ảnh minh họa lời ca vào dạy hát để học sinh dễ dàng nhớ câu hát. Qua lời dẫn của giáo viên, học sinh tưởng tượng từ hình ảnh chuyển sang nội dung câu hát. Giáo viên chỉ cần đưa hình ảnh để nhắc cho học sinh nhớ nội dung lời ca.

Minh họa hình ảnh cho bài hát Lớp 1 thân yêu, nhạc và lời của nhạc sĩ Bùi Anh Tôn.

Câu thứ nhất: “Kìa tiếng trống trường vang, em bước vào lớp Một”

Giáo viên dẫn giải hình ảnh bác quản trường cầm dùi gõ trống, cô giáo dẫn các bạn học sinh vào lớp học.

Giáo viên nhấn mạnh các từ xuất hiện trong câu hát “tiếng trống trường” và “em bước vào lớp Một”.

Câu hát thứ hai: Từng nét chữ đầu tiên trang sách học điều hay.

Giáo viên đưa hình ảnh cô giáo hướng dẫn các bạn học sinh cầm bút viết nét chữ đầu tiên, trang sách được mở ra với những kiến thức bổ ích và lý thú.

Giáo viên nhấn mạnh các từ có trong câu hát “từng nét chữ đầu tiên” và “trang sách học điều hay”.

Câu thứ ba: “Hòa nhịp cùng tiếng ca, rộn ràng muôn lá hoa”.

Với hình ảnh các bạn nhỏ cầm mic biểu diễn, chân nhún theo nhịp điệu của bài hát, xung quanh các nốt nhạc bay theo tiếng hát của các bạn nhỏ. Ở câu hát này giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh: Các bạn nhỏ trong bức tranh đang làm gì? Học sinh trả lời sau đó giáo viên giải thích hình ảnh kết hợp nội dung câu hát. Giáo viên chú ý nhấn mạnh vào các tiếng “hòa nhịp” và “rộn ràng” trong câu hát để nhắc học sinh các tiếng đó có cao độ bằng nhau.

 

Câu hát thứ tư: “Chúng mình cùng nắm tay ơi lớp Một thân yêu”.

 

Trong hình ảnh ở câu hát này là các bạn nhỏ nắm tay nhau miệng cười vui tươi hạnh phúc. Giáo viên nhấn mạnh các từ “nắm tay” cho học sinh nhớ hành động nắm tay nhau để nhớ lời ca. Bên cạnh các bạn nhỏ là một trái tim kèm dòng chữ “Lớp Một thân yêu”, học sinh có thể dựa vào các từ này để nhớ câu hát cuối bài.

3. Phương pháp dạy hát kết hợp trò chơi sắm vai

Trò chơi sắm vai chính là một hình thức diễn kịch, thể hiện hình tượng để thể hiện lời ca bài hát.

Trong phần âm nhạc lớp Một, bài hát Cây gia đình nhạc Quỳnh Hợp, lời thơ Nguyễn Thị Mai xuất hiện các nhân vật gần gũi với các em thiếu nhi đó là ông bà, bố mẹ và con.

Sự kết hợp gần gũi giữa bông hoa – người mẹ, quả - người con, lá cành – người bố, gốc – người ông, rễ - người bà. Mỗi bạn nhỏ khi đóng vai sẽ nhớ tên và lời hát của nhân vật đó. Với trò chơi này các con nhanh thuộc lời ca của bài hát và sẵn sàng đảm nhiệm bất kì nhân vật nào để tham gia biểu diễn.

Lời thoại của các nhân vật được chia theo trình tự như sau:

Nhân vật mẹ: Hoa thơm là mẹ.

Nhân vật con: Quả ngọt là con.

Nhân vật bố: Lá cành là bố đan che bóng tròn.

Nhân vật ông: Ông bà là gốc.

Nhân vật bà: Rễ ôm đất lành.

Nhân vật ông bà cùng hát: Rễ bền gốc vững cây đời thêm xanh.

Trò chơi này có thể tổ chức theo nhóm, tổ sắm vai các nhân vật để các con nhớ vai trò và câu hát của mình. Sau đó đổi các vai với tổ, nhóm khác luyện tập.

4. Phương pháp dạy hát kết hợp chuyển nhạc cụ

Ở trò chơi này yêu cầu người chơi phải thuộc câu hát của mình mới được truyền nhạc cụ sang bạn khác. Giáo viên tiến hành chia câu hát cho từng bạn, để trò chơi hấp dẫn hơn giáo viên bắt nhịp mỗi lần hát phải tăng tốc độ bài hát nhanh hơn tạo hứng thú cho người chơi.

Ví dụ trong bài hát Chào người bạn mới đến nhạc và lời của nhạc sĩ Lương Bằng Vinh.

Giáo viên chia các câu hát cho học sinh chơi như sau:

Học sinh 1: Chào người bạn mới đến, góp thêm một niềm vui.

Học sinh 2: Chào nụ cười dễ mến, góp thêm cho cuộc đời.

Học sinh 3: Đến đây chơi đến đây vui là vườn hoa muôn màu muôn sắc.

Học sinh 4: Đến đây chơi đến đây vui là bài ca thắm thiết tình người.

Bạn học sinh đầu tiên được cầm trống nhỏ vừa hát vừa gõ tiết tấu, hát xong câu của mình thì truyền sang bạn bên cạnh đến hết bài.

5. Dạy hát kết hợp phương pháp dùng lời

Với các bài hát có những từ khó nhớ, giáo viên cần nhấn mạnh bằng cách cho học sinh đọc nhiều lần và giải nghĩa các từ khó trong bài. Giáo viên có thể sử dung các câu hỏi trả lời nhanh, câu hỏi lựa chọn, đàm thoại gợi mở, sử dụng các câu hỏi kiểm tra trí nhớ, câu hỏi điền từ, vấn đáp tổng kết.

Cách tổ chức trò chơi điền lời ca còn thiếu trong bài hát Gà gáy, dân ca Cống Khao, lời mới Huy Trân.

Giáo viên đưa câu hát thiếu từ cho học sinh theo dõi: “Con gà gáy…sáng rồi ai ơi”.

Sau đó giáo viên mời học sinh tham gia trả lời phần còn thiếu “le té le”.

Với cụm từ này giáo viên cho học sinh đọc nhiều lần cụm từ hay hát sai này để học sinh hát không bị nhầm phụ âm đầu.

Câu hát tiếp theo: “Gà gáy…sáng ai ơi”.

Phần còn thiếu là từ “té le té le”. Giáo viên dạy học sinh đọc cụm từ này sau đó so sánh với từ “le té le” phần còn thiếu ở câu trước để học sinh phân biệt đúng từ cần hát ở mỗi câu. Trong thực tế, học sinh lớp 1 hay hát thừa hoặc nhầm cụm lời ca “le té le”, vậy nên việc đưa ra câu hỏi cho học sinh trả lời và luyện đọc lại cụm lời ca này cũng chình là biện pháp sửa sai hiệu quả lỗi của học sinh.

 

KẾT LUẬN

Âm nhạc luôn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi người, xua tan bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống, âm nhạc giống như một luồng khí trong lành mỗi khi nghe ai đó cất lên lời ca tiếng hát. Âm nhạc đến với tuổi thơ như nâng bước các em học sinh vui đến trường, động viên các em trong học tập, phấn đấu và rèn luyện, giáo dục đức - trí - thể - mĩ cho các em. Mỗi học sinh đều có sự e dè và ngần ngại khi tham gia hoạt động tập thể, âm nhạc đã thôi thúc các em tự biểu diễn lời ca tiếng hát và những giai điệu vui tươi cùng nhiều người. Các biện pháp tập trung vào việc chú trọng từng bước tiến hành dạy hát, linh hoạt đổi mới các tiến trình một tiết dạy học hát. Nhất là việc dạy cho học sinh thuộc bài ngay ở trên lớp, hướng dẫn học sinh cách thảo luận nhóm luyện tập củng cố bài học, phát triển khả năng tư duy sáng tạo sau mỗi giờ học, giúp các em học sinh yêu thích âm nhạc hơn và phát huy hết khả năng sáng tạo âm nhạc của mình.

                                 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thị Thanh Bình, Hướng dẫn dạy học Âm nhạc lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Nxb Đại học Sư phạm tái bản năm 2022.
  2. Đỗ Thị Minh Chính (2019), Âm nhạc 1, Nxb Giáo dục Việt nam.
  3. Hoàng Long - Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học Âm nhạc, Nxb Đại học Sư Phạm.
  4. Ngô Thị Nam (1994), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.