Nguyễn Văn Tuấn
Học viên K 16 – LL&PPDH Âm nhạc
Dân ca Quan họ là “đặc sản” tinh thần của người Kinh Bắc nói chung và người Bắc Ninh nói riêng (tên gọi theo sự phân vùng văn hóa dân gian, chỉ vùng đất phía Bắc Thăng Long, sông Hồng, chủ yếu là đất Bắc Ninh ngày nay). Từ bao đời nay, các thế hệ người Bắc Ninh luôn sống trọng tình trọng nghĩa, vượt lên khó khăn địch họa, cần cù trong lao động sản xuất, biết làm giầu làm sang đời sống tinh thần qua những câu ca Quan họ “Tứ hải giao tình, bốn biển một nhà”... Có thể nói dân ca Quan họ là tài sản vô cùng quý báu của vùng Kinh Bắc - Bắc Ninh, vì vậy dân ca Quan họ rất cần được bảo tồn, lưu truyền và quảng bá. Trong bài báo này, tác giả xin được bàn về cách dạy học hát dân ca Quan họ hiện nay của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là công tác đào tạo dạy học hát dân ca Quan họ cho những đối tượng sẽ trở thành ca sĩ hát Quan họ chuyên nghiệp, thông qua đánh giá từ thực trạng và vận dụng các biện pháp đổi mới trong phương pháp dạy học hát dân ca Quan họ.
1. Thực trạng dạy và học hát dân ca Quan họ tại tỉnh Bắc Ninh hiện nay
Hiện nay, công tác truyền dạy học hát Quan họ ở tỉnh Bắc Ninh đang diễn ra theo 2 hướng: Hướng dạy theo lối hát Quan họ cổ; Hướng dạy hát Quan họ mới:
1.1. Theo hướng hát Quan họ cổ
Chủ yếu là các nghệ nhân thực hiện theo cách dạy này. Họ dạy theo phương pháp truyền thống (truyền khẩu), không cho học sinh luyện thanh, không sử dụng nhìn bản, học sinh được dạy hoàn toàn hát bằng giọng thật... Hát theo cách này phần đông là những người không học kỹ thuật thanh nhạc, cách hát của họ khá mềm mại, các kỹ thuật đặc trưng của hát Quan họ truyền thống như vang, rền, nền, nảy được phát huy, khi hát giai điệu trầm bổng cũng không gặp nhiều trở ngại vì sử dụng giọng kim. Đây là một phương pháp truyền thống được các nghệ nhân áp dụng từ bao đời nay, thực sự có hiệu quả bởi Quan họ có nhiều đặc trưng rất riêng về luyến, láy, vang, rền, nền, nảy, mà nếu chỉ nhìn trên bản nhạc thì rất khó thể hiện được ra chất của Quan họ. Tuy nhiên, nhược điểm điển hình là hát bạch thanh nên nhanh mệt, không hát được những bài có tone cao, khi hát lên các nốt cao âm thanh mỏng, yếu, chói tai, nữ hát cùng nam với tone thấp thì giọng nam bị xỉn…
1.2. Dạy hát Quan họ mới kết hợp kỹ thuật thanh nhạc
Một số giáo viên trẻ theo phương pháp dạy học mới là áp dụng một số kỹ thuật thanh nhạc cho học sinh để luyện tập hơi thở, luyện thanh trước khi tập hát để mở rộng âm vực; dạy hát kết hợp nhìn bản nhạc; áp dụng một số kỹ thuật hát giọng giả thanh (giọng chuyển) đối với học sinh nữ. Với cách dạy này, giáo viên đã giúp học sinh dễ dàng điều khiển giọng lên cao, xuống trầm, một số học sinh mở rộng âm vực khá tốt, khi áp dụng vào bài Quan họ có nốt cao các em biết hát một cách nhẹ nhàng, nhiều em biết điều tiết hơi thở, có hơi thở dài nên khá thuận lợi để điều khiển câu hát nhất là vào các đoạn Bỉ nhịp tự do.
Có thể thấy, mỗi cách dạy hát Quan họ đều có những ưu điểm riêng và đều đem lại hiệu quả nhất định, song theo tác giả bài báo thì cách hát kết hợp giữa Quan họ cổ với phương pháp thanh nhạc là cách hát mới giúp cho người học có thể biểu diễn thường xuyên và được bền giọng, đỡ tốn sức, đỡ khản cổ. Cách hát này còn giúp sửa chữa các lỗi thường gặp của học sinh như chênh phô, hát thấp giọng, bắt giọng không chuẩn với tầm cữ giọng của mình…
Với những người học theo lối hát Quan họ cổ thì đạt được các kỹ thuật đặc trưng của Quan họ song hát hoàn toàn bằng giọng tự nhiên, do hát ở tone thấp nên giọng nữ nhiều khi bị tối, hát cùng nam khiến nam gặp khó khăn. Một số giọng nữ gặp trở ngại khi hát lên cao bị chói, thô do không biết hát giọng pha, hát chuyển giọng, hát nhiều thì nhanh bị mệt….
Với những người học hát kết hợp cả Quan họ cổ với kỹ thuật thanh nhạc thì người học biết chuyển giọng, lên được nốt cao một cách nhẹ nhàng do hát bằng giọng pha (giọng giả thanh). Nhiều người có hơi thở dài nên xử lý câu hát khá nhẹ nhàng, thoải mái, khi tập hát nhiều không bị khản tiếng. Tuy vậy, một số người học do chưa kết hợp hài hòa được giữa kỹ thuật thanh nhạc với hát Quan họ cổ nên xử lý âm thanh chưa khéo, hát quá to, thiếu mềm mại, luyến láy có khi bị cứng…
2. Vận dụng một số kỹ thuật thanh nhạc phương Tây vào dạy học hát dân ca Quan họ Bắc Ninh
2.1. Vận dụng kỹ thuật hơi thở và khẩu hình
Trong thanh nhạc chuyên nghiệp, hơi thở và khẩu hình là yếu tố đầu tiên cần chú ý luyện tập. Với hát dân ca, hầu như các nghệ nhân không quá chú trọng luyện tập riêng 2 vấn đề này cho người học. Tuy vậy, với hát Quan họ, rất nên học tập cách luyện của thanh nhạc là cho luyện tập riêng về hơi thở và có thể cũng cho luyện tập riêng về khẩu hình.
Hơi thở
Để vận dụng kỹ thuật hơi thở của thanh nhạc cho người học hát Quan họ, trước tiên cần phải nghiên cứu vận dụng kiểu thở nào cho phù hợp, hiệu quả. Theo tác giả thì nên vận dụng hai kiểu thở là thở ngực và thở ngực kết hợp với bụng là phù hợp với học hát Quan họ. Hai kiểu thở này phát ra âm thanh một cách nhẹ nhàng, không cần phải đẩy hơi mạnh nên rất phù hợp với các bài dân ca Quan họ.
Hướng dẫn người học thực hiện tư thế thoải mái, hít hơi nhanh và nhẹ nhàng trước khi vào câu luyện, khi hơi chứa đầy trong lồng ngực, có một phần ở bụng trên thì ghìm lại, sau đó nén hơi, tạo sức bật của thanh đới, phát âm thanh ra ngoài sao cho đều đặn, thanh thoát. Chú ý người học cần giữ hơi càng lâu càng tốt, bám sát vào từng chữ để nhả âm, phát thanh ra ngoài được liền hơi để âm thanh êm nhẹ, mượt mà. Luyện tập với tốc độ càng chậm càng tốt, điều tiết hơi thở đẩy ra đều đặn, nhẹ nhàng, không ghì hơi quá chặt sẽ làm cho âm thanh bị cứng, áp dụng vào hát Quan họ sẽ sai cách.
Khẩu hình
Nhiều quan điểm cho rằng hát Quan họ cổ thì khẩu hình mở chỉ gần như mấp máy môi bởi độ tinh tế ý nhị của người Quan họ, nhất là với giọng hát nữ. Tuy nhiên, có thể hướng dẫn người học (cả nam và nữ) vận dụng mở khẩu hình của thanh nhạc là mở khẩu hình một cách tự nhiên, tạo độ linh hoạt khi hát, chú ý hình dáng của miệng hơi cười, không mở quá nhỏ làm cho âm thanh bị bí, thiếu độ vang và thiếu linh hoạt. Đặc biệt chú ý không mở khẩu hình dọc, rỗng trong vòm miệng, tròn theo kiểu hát opera là không đúng với phong cách hát Quan họ.
Hướng dẫn cho người học nắm được khẩu hình của Quan họ và khẩu hình khi vận dụng kỹ thuật thanh nhạc sẽ giúp người hát có thể so sánh và phân biệt được sự khác nhau để từ đó áp dụng vào luyện tập. Điều quan trọng phải là khẩu hình tạo được sự thoải mái, linh hoạt khi hát và vẫn giữ được bản sắc của Quan họ. Giáo viên có thể áp dụng các mẫu âm sau để thực hiện luyện tập hơi thở và khẩu hình:
Andante
Andante
Andante
2.2. Áp dụng kỹ thuật hát giọng đầu với nữ
Để thực hiện kỹ thuật hát giọng đầu và giọng pha đối với nữ, ở phần luyện thanh, quan trọng nhất là khi luyện dần lên cao, làm sao để người học có thể mở rộng được âm vực, lên được các nốt cao và khi hát các âm ở nơi giao thoa giữa các âm hát bằng giọng tự nhiên với các âm hát giọng chuyển cần hát phần pha giọng. Ở âm khu này, có thể rất rõ sự khác nhau giữa âm thanh tự nhiên với âm chuyển giọng, âm thanh dễ bị mờ. Đây chính là điều khó nhất của học thanh nhạc đối với cả người học chuyên nghiệp chứ chưa nói tới người học hát Quan họ.
Khi tập hát, người dạy cần xác định âm vực cũng như loại chất giọng của từng người học, đồng thời chỉ ra các ưu khuyết điểm cho người học nắm được, sau đó hướng dẫn các kỹ thuật luyện thanh và hướng dẫn các bài hát để người học luyện tập phát triển âm vực của mình. Nếu người học luyện tập trong thời gian dài, đúng kỹ thuật, thì có thể mở rộng âm vực của mình khoảng 1 – 1,5 cung. Lưu ý về hơi thở, khẩu hình, vị trí âm thanh, các kỹ thuật đã được hướng dẫn để làm sao hát nhẹ nhàng, kiên trì luyện tập trong thời gian dài, âm thanh sẽ dần vang to, âm vực sẽ dần được mở rộng hơn.
Trong bài Nhất quế nhị lan, nếu giọng nữ hát theo tone trong bài ký âm dưới đây, thì sẽ phải áp dụng hát giọng pha hoặc giả thanh để thực hiện các câu hát cao trong bài, đối với các câu hát cao như: Nhất quế i nhị lan chứ nhất xinh, nhất xinh nhất lịch í i… Còn đối với các câu hát ở âm trung và trầm như: cho chọn một bề i í i, xin chớ đốn chồi i í i…, thì người hát có thể hát giọng pha hoặc hát hoàn toàn với giọng thật.
Ví dụ bài hát: NHẤT QUẾ NHỊ LAN (trích)
Ký âm: Trần Ngọc Sơn
2.3. Kết hợp phương pháp dạy truyền khẩu với nhìn bản nhạc
Có ý kiến cho rằng dạy học hát Quan họ chỉ nên dạy theo lối truyền khẩu, dù là với bất cứ đối tượng nào. Tác giả khẳng định rằng sẽ luôn coi trọng phương pháp truyền khẩu đối với dạy học hát Quan họ và nhất trí cao rằng, phương pháp truyền khẩu trong dạy hát Quan họ được coi là không thể thiếu, vì đối với học sinh thuộc nhóm lứa tuổi nhỏ, và học không chuyên sâu về hát Quan họ thì phương pháp truyền khẩu được coi là tối ưu. Còn đối với học sinh thuộc nhóm đối tượng học chuyên sâu và sẽ trở thành nghệ sĩ biểu diễn Quan họ chuyên nghiệp thì cần phải nghiên cứu và áp dụng thêm nhiều phương pháp dạy học khác ngoài phương pháp truyền thống đang áp dụng hiện nay, nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức bổ trợ cho quá trình học tập cũng như công tác sau khi ra trường. Thực tế những lớp dạy cho các đối tượng này được bố trí thời lượng nhiều, tất cả các học sinh đều được học lý thuyết âm nhạc (trong đó có môn xướng âm), vì vậy về cơ bản tất cả học sinh biết đọc nhạc trước và sau khi giáo viên hướng dẫn, đây cũng là cơ sở giúp cho học sinh tự mình ôn bài đã học khi không có giáo viên hỗ trợ bên cạnh.
Qua những phân trích trên có thể rút ta kết luận, các kỹ thuật hát của Quan họ như “vang, rền, nền, nảy” hay các tiêu chí “tròn vành rõ chữ” là mục tiêu mà các liền anh, liền chị Quan họ hát theo phong cách truyền thống luôn quan tâm và yêu cầu các thế hệ sau hướng đến. Tuy nhiên, cũng cần bổ trợ cho người học hát Quan họ thêm những kiến thức thanh nhạc cần thiết đề vận dụng trong quá trình thực hiện. Một số kỹ thuật thanh nhạc như vấn đề luyện tập về hơi thở để biết lấy hơi giữ hơi; sử dụng các mẫu luyện thanh để khởi động giọng trước khi vào học bài hát hát kết hợp giọng pha đối với nữ…, cần biết vận dụng nhưng tuyệt đối không được lạm dụng thái quá, vì như vậy sẽ làm mất đi bản sắc riêng vốn có của Quan họ truyền thống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Trọng Ánh (2005), Những giá trị của Nghệ thuật Âm nhạc trong hát Quan họ, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
2. Nguyễn Khánh Hà (2006), “Thực trạng và giải pháp bảo tồn cách hát Quan họ truyền thống”, Không gian văn hóa Quan họ, Trung tâm văn hóa thông tin Bắc Ninh.
3. Nguyễn Lan Hương (2020), Nâng cao chất lượng giảng dạy hát dân ca Quan họ cho học sinh thanh nhạc Trường trung cấp Văn hóa thể thao và du lịch Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật âm nhạc, Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.
4. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện âm nhạc, Hà Nội.
5. Đặng Thị Lan (2020), Dạy học hát Chèo và Quan họ cho sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc, Luận án Tiến sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.