Nội san

MỘT SỐ HÌNH THỨC VẬN DỤNG MÔ TÍP CÁC CON VẬT TRONG TRANG TRÍ THỜI TRẦN VÀO DẠY HỌC MỸ THUẬT CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

03 Tháng Mười Một 2023

Nguyễn Văn Bình

Học viên K10 – Lý luận và phương pháp dạy học Mỹ thuật

Hình tượng, rồng, phượng, lân, hổ, cá… là những con vật đã được người xưa thiêng hóa mà gửi vào các công trình kiến trúc. Dưới thời Trần các con vật được chạm khắc, trưng bày dưới dạng phù điêu, hoặc tượng tròn cùng các chất liệu gỗ, đá… nhưng cùng thống nhất phong cách cương hoạch, chắc khỏe trong tạo khối, tăng cường tính hiện thực. Việc trang trí các con vật trên các hiện vật mỹ thuật ở thời Trần đã ghi dấu những nhu cầu thẩm mỹ và gửi vào đó những ước vọng của người xưa muốn truyền lại cho mai sau. Dạy học mỹ thuật gắn với vốn mỹ thuật cổ là một trong những cách thức hiệu quả, không chỉ vậy còn mở ra cơ hội để giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh. Bài viết này đề cập đến vận dụng mô típ trang trí thời Trần vào dạy học mỹ thuật ở trường trung học cơ sở.

1.  Bài vẽ Trang trí cơ bản

Đối với dạy học mĩ thuật, việc giới thiệu hoặc trao đổi về nghệ thuật trang trí, bố cục hình cơ bản, nghệ thuật bố cục là những kiến thức cơ bản giúp người học yêu thích và hiểu biết chuyên sâu. Họ sinh khi học tập, sáng tác mĩ thuật được hiểu nhiều hơn từ những bố cục hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn còn được xem là tiền đề, là cơ sở cho việc sáng tạo từ các bài học trang trí với những khuôn khổ, kích thước, hình dạng khác nhau. Từ đó người học có thể hiểu hơn nữa về các nguyên lý của nghệ thuật tạo hình.

Dạy học bài vẽ Trang trí hình cơ bản cho học sinh cấp THCS là việc sắp xếp các yếu tố trang trí như: đường nét, hình mảng, màu sắc, theo các nguyên tắc trang trí để tạo nên một bố cục hợp lý, thống nhất về nguyên tắc, trong một hình cơ bản có giới hạn cụ thể về bề mặt không gian.

Bài trang trí cơ bản ở các trường phổ thông thường sử dụng các mảng họa tiết đối xứng. Nhìn rộng ra còn rất nhiều hình thức sắp xếp trang trí cơ bản. Để thành thạo trang trí cơ bản người học cần nắm được đặc điểm bố cục trang trí hình cơ bản. Với bài trang trí đường diềm, trang trí nền hoa là trang trí mở, cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu hơn. Cách sắp xêp bố cục trong trang trí hình cơ bản hay trang trí đường diềm là dạng bố cục khép kín. Cách sắp xếp yếu tố tạo hình (hình mảng,họa tiết) tạo cảm giác khép kín, trọn vẹn trong phạm vi hình trang trí (vuông, tròn, hay chữ nhật…). Việc sắp xếp, bố cục các yếu tố tạo hình cần phải dựa theo tính chất, yêu cầu, đặc điểm cấu trúc của dạng khác nhau.

Vậy để đưa mô típ các con vật vào trang trí cơ bản sẽ là khó hơn hoa, lá. Vì vậy, muốn trang trí tốt hình cơ bản ta cần nắm vững đặc điểm bố cục các dạng hình cơ bản.

Tìm hiểu đặc điểm bố cục ba dạng hình cơ bản:

- Với dạng bố cục hình vuông: Hình vuông hay là tứ giác thường có các cạnh bằng nhau, song song từng cặp một và có bốn góc vuông, nên mang nét đặc thù và tính chất riêng. Khoảng cách từ tâm tới bốn góc và khoảng cách từ tâm tới trung điểm của cạnh không bằng nhau.

Với bố cục trong hình vuông là đồng đều, khu vực trung tâm xoay quanh tâm điểm là giao điểm của hai đường chéo. Khi triển khai dưới dạng bố cục cần phụ thuộc 4 cạnh, 4 góc và chú ý trọng tâm của hình. Như vậy mới tạo ra bố cục hình vuông có cảm giác chắc chắn và ổn định.

- Đặc điểm bố cục trang trí hình chữ nhật: Hình chữ nhật có hai cặp cạnh song song, khác nhau về độ dài, có bốn góc vuông. Trọng tâm của hình vẫn là khu vực giữa hình có tâm điểm là giao của hai đường chéo. Khi bố cục cần chú ý cạnh có độ dài, sự chênh lệch giữa hai cạnh.

Nhờ sự phát triển theo chiều dài có tính định hướng mà bố cục chữ nhật linh hoạt hơn hình vuông. Có nhiều cách giải quyết bố cục để nhấn mạnh đặc điểm hình chữ nhật.

- Đặc điểm bố cục trang trí hình tròn: Hình tròn được tạo nên bởi một đường cong khép kín. Khoảng cách từ tâm tới các điểm trên đường tròn luôn bằng nhau. Sự phân bố luôn dẫn mắt nhìn vào tâm hình tròn, tạo ra các vòng tròn đồng tâm trên diện tích hình tròn. Một hình tròn có thể chia ra thành nhiều cung hình quạt. Số lượng các cung này có thể là một số lẻ hoặc số chẵn.

Vậy khi trang trí cơ bản dù sắp xếp các mảng hình/họa tiết đối xứng hay không đối xứng đề cần tính đến tâm  điểm của hình.

Vận dụng mảng họa tiết là con vật thời Trần vận dụng nguyên tắc đôi xứng sẽ rất hạn chế sáng tạo. Vì vậy ta cần vận dụng nguyên tắc phá thế sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, dạng bài tập trang trí cơ bản chỉ có ở chương trình Tiểu học (dĩ nhiên đầu bài trong chương trình sgk mới đã “mêm” đi rất nhiều); đối với trường THCS không còn nữa, chủ yếu vẫn là trang trí ứng dụng.

2.  Bài trang trí ứng dụng

Chúng ta nhận thấy mọi vật trong tự nhiên các biến thể từ hình cơ bản có rất nhiều (từ hình lá cây, cánh hoa, đến các đồ vật…). Mỗi hình có thể là một phần của kiến thức mĩ thuật cơ bản, hoặc là sự phối hợp nhiều hình mang lại vẻ đẹp cho sản phẩm.

Trong cuộc sống hằng ngày trên rất nhiều đồ dùng, vật dụng đều có sự xuất hiện của hình thức trang trí được ứng dụng từ trang trí cơ bản. Những dạng trang trí được sáng tạo đôi khi là những biến thể từ trang trí hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn và được áp dụng vào đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí nội thất, trong kiến trúc hay trong ngành thời trang.

Như đã nói ở trên, trang trí ứng dụng có 2 mức độ: Trang trí trên đồ vật có sẵn và tạo dáng - trang trí. Các dạng bài tập kiểu như vậy có tính chất mở. Không bị o ép quá nhiều bởi các nguyên tắc trang trí. Mục tiêu cuối cùng là giúp người xem cảm thấy thuận mắt và ưng ý - như vậy đã đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của người xem.

Ta đến xưởng gốm - sứ thì thấy các nghệ nhân/họa sĩ hoàn toàn vẽ ngẫu hứng trên mặt gốm - sứ, mỗi sản phẩm mang tính chất riêng biệt rất ít những sản phẩm có hình vẽ giống nhau. Tuy nhiên họ vẫn làm theo mô típ quen thuộc (đôi công, đôi phượng, đôi rồng… là những hình dễ nhận ra và quen thuộc). Đại đa số họ không có bản sao/mẫu cố định. Mỗi hình họa trên bề mặt gốm - sứ có thể coi là một tác phẩm hội họa. Bởi vẫn mô típ đó khi vẽ sang sản phẩm mới họ lại thay đổi, họ lại thổi hồn cho tác phẩm mới tinh khôi với những sáng tạo mới, với một cảm xúc riêng mới, rõ những nét độc đáo.

Việc vận dụng các mô típ con vật vào trang trí ưng dụng sẽ mang lại hứng thú cho người học. Những bài tập trước đây khi chưa thực hiện đổi mới (dạy học mĩ thuật theo phương pháp mới), thì các bài tập trang trí ứng dụng hoàn toàn vẽ trên giấy, HS dễ nhàm chán.

Trước sự thay đổi nhận thức về dạy - học mĩ thuật, đã có nhiều giáo viên sáng tạo trong dạy mĩ thuật nói chung, phần trang trí nói riêng.

Ví dụ: (Bài 24 lớp 7 trang trí đĩa tròn) - GV dạy thần túy theo SGK thì sản phẩm của HS na ná giống nhau, giống cả bài trang trí cơ bản. Khi dạy đổi mới GV đã cho HS mang đến lớp những chiếc đĩa giấy, đĩa nhưa, đĩa men và thỏa sức cắt dán, vẽ, đắp (đất nặn) để trang trí. Giờ học sôi động hơn, HS hứng thú hơn chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho giờ học.

Đặc biệt một số trường gần vùng có lò nung gốm họ đã mạnh dạn đặt những chiếc đĩa mộc cho HS vẽ trang trí bằng màu men gốm lên sản phẩm sau đó gửi đến lò nung. Cuối cùng thu về vô vàn sản phẩm gốm mà chính tay HS làm.

Hoặc (Bài 24 lớp 9 tạo dáng trang trí trang phục) có GV đã mua những chiếc áo phông trắng trơn (chưa có hình tranh trí) về tặng HS để các em tự vẽ trang trí cho chiếc áo của mình. Vậy dạy học mang tính ứng dụng đã đáp ứng được nhu cầu xã hội, xu hướng đổi mới ngày nay.

Sự đổi mới về chương trình - SGK, đã tạo cho hướng dạy học sáng tạo cho GV. Tuy nhiên, điều kiện và phương tiện dạy học, ở đâu cũng còn những hạn chế nhất định; từ việc lên thời khóa biểu, phòng học chuyên biệt…Vì vậy, khi tiến hành giờ dạy giáo viên cũng cần linh hoạt không quá máy móc, lệ thuộc vào SGK (nhất là những bộ sách cũ).

3.  Bài học thường thức mĩ thuật

Thông thường giờ học thường thức mỹ thuật GV chỉ nêu vấn đề HS tìm hiểu sau báo cáo/trình bày, sau HS/GV cùng góp ý sửa chữa - bổ sung…kết thúc là GV tổng hợp và giới thiệu hình ảnh, chốt lại kiến thức. Hoặc ngay từ đầu giờ GV giới thiệu một số hình ảnh, công trình kiến trúc - nghệ thuật, sau đó HS tìm hiểu thông tin về những vấn đề đó, sau đó trình bày…Như vậy giờ học đã khác nhiều so với hình thức thuyết trình/đọc chép. Thiết nghĩ, dạy - học không dừng ở một phương pháp nào cả, không có phương pháp hay hình thức nào tối ưu tuyệt đối. Từ trước đến nay dạy - học luôn được đổi mới ở trong mỗi GV.

Tuy nhiên không phải đổi mới là đạt hiệu quả ngay. Dạy - học giờ thường thức mĩ thuật rất dễ buồn tẻ/nhàm chán không những cho người học mà ngay cả GV cũng thấy điều đó (khi dạy 3 lớp cùng 1 bài/cùng cách thức…). Do vậy, dạy học giờ thường thức mỹ thuật ở nội dung nào GV cần nghiên cứu để thời gian cho HS được tạo hình, mô phỏng lại dấu ấn lịch sử kiến trúc - mỹ thuật ở thời kỳ đó.

Ví dụ (Bài 1 lớp 7): Một số công trình mỹ thuật thời Trần (1226 - 1400). Thay vì việc HS xem hình ảnh/đọc thông tin trong SGK, GV nên cho HS tạo hình những công trình kiến trúc - Điêu khắc thời Trần, kết hợp với những lời thuyết trình thì giờ học sẽ tốt hơn rất nhiều.

Trong lớp học nên chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có một hình thức sáng tạo riêng (mô hình 3D, vẽ, sơ đồ tư duy…) theo nội dung nhiệm vụ được GV giao.

Trang trí các con vật thời Trần là biểu tượng của Phật giáo, biểu tượng cho điềm lành, mang tính thiêng, là ước vọng của người dân Đại Việt. Khi vận dụng vào các kỹ thuật vẽ, xé dán, nặn, tạo hình 3D, 2D làm mô hình đã tận dụng được từ các phế liệu để sáng tạo nên sản phẩm. Không chỉ dừng lại như vậy mà việc vẽ, xây dựng các sản phẩm mĩ thuật từ các con vật trong mĩ thuật thời Trần giúp các em tư duy hình ảnh liên hệ thực tế, tăng khả năng tư duy lý luận, tự tin thể hiện các ngôn ngữ nghệ thuật, giúp học sinh phát huy các khả năng giao tiếp và hợp tác.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội.

2. Trần Thị Biển (2019), “Bước đầu tìm hiểu về hệ thống tiêu chí trong việc xây dựng dữ liệu hình ảnh giảng dạy môn mĩ thuật ở cấp trung học cơ sở”, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 31, tr.69 - 74.

3. Nguyễn Thu Tuấn (2011), Phương pháp dạy học Mĩ thuật (Tập 1 + Tập 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.