Nội san

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐƯA HÁT XẨM VÀO HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

05 Tháng Mười Hai 2023

 

Lê Thị Nhung

Học viên K16 LL&PPDH Âm nhạc

Hát Xẩm là một thể loại nghệ thuật hát truyền thống với hình thức biểu diễn dân gian độc đáo được người mù sử dụng để kiếm sống ở chợ, bến cảng, các góc phố, hay đường quê. Hát Xẩm phổ biến ở các vùng đồng bằng và miền Trung. Theo quan niệm dân gian, nội dung của Hát Xẩm khắc họa đời sống thực tế của xã hội. Đó có thể là lời than thở về cảnh nghèo khó, những tiếng cười hài hước, hay là sự lên án, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội.  

Hiện nay, phần đông giới trẻ có xu hướng tiếp cận và yêu thích các thể loại âm nhạc có tính nhất thời mà xao nhãng, lãng quên những giá trị của văn hóa dân tộc. Đồng thời, bản thân học sinh trong thời đại này, với guồng quay học tập các môn văn hóa, hầu như các em có rất ít thời gian để lắng nghe, chiêm nghiệm hay thật sự tìm hiểu về ít nhất một thể loại ca nhạc truyền thống. Điều đó phần nào gây ảnh hưởng tới nhận thức, sự hình thành và phát triển tâm lí, nhân cách thế hệ tương lai của đất nước. Nhận thức được điều đó, tác giả xây dựng kế hoạch đưa Hát Xẩm vào hoạt động ngoại khóa cho học sinh THCS. Sau đây là một số các biện pháp:.

1. Tổ chức dạy học Hát Xẩm ở câu lạc bộ

Hiện nay, đối với giáo dục các làn điệu Hát Xẩm chưa đưa vào trong chương trình học của các bậc học do vậy sự hiểu biết của các em học sinh về Hát Xẩm còn nhiều hạn chế. Việc thành lập câu lạc bộ Hát Xẩm trong trường THCS trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để giáo dục học sinh truyền thống yêu nước, trân quý những giá trị văn hóa mà cha ông ta đã để lại thông qua các làn điệu dân ca nói chung và Hát Xẩm nói riêng. Các em, những mầm non tương lai của của đất nước chính là đối tượng trao truyền để gìn giữ và nuôi dưỡng những làn điệu Hát Xẩm độc đáo.

         Câu lạc bộ Hát Xẩm được hình thành sẽ tập trung và phát hiện được các em có khả năng về âm nhạc, yêu thích Hát Xẩm. Thông qua đó định hướng giáo dục về truyền thống để các em có thêm những hiểu biết về nguồn gốc, xuất xứ của các làn điệu Hát Xẩm xưa. Câu lạc bộ là nơi rèn luyện cho các em các kỹ năng ca hát, biểu diễn và tham gia hoạt động văn nghệ trong nhà trường, góp phần hình thành tình cảm yêu thích đối với Hát Xẩm để từ đó các em tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhà trường cũng như cộng đồng.

Để câu lạc bộ đạt được hiệu quả chúng ta nên xây dựng nội dung phong phú, các hoạt động được lồng ghép truyền dạy Hát Xẩm với các thể loại dân ca khác như: Tìm hiểu và hát dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Hát Chèo , Ca Trù... Thành viên tham gia câu lạc bộ là những học sinh trong trường THCS yêu thích dân ca, yêu thích Hát Xẩm. Cần phải xác định đối tượng học sinh tham gia đa dạng: Có những học sinh ở những khối lớp khác nhau, có em có khả năng về ca hát, một số em không có khả năng ca hát nhưng lại có năng lực nói trước đám đông, lãnh đạo đám đông. Ngoài các đối tượng học sinh trên còn có những em tham gia chỉ vì thích xem, muốn được tham gia hoạt động tập thể...Việc xác định rõ đối tượng tham gia, sẽ phát huy được những năng lực sở trường của các thành viên trong câu lạc bộ, giúp các em được tham gia hoạt động và khẳng định được vai trò của mình trong hoạt động này, từ đó các em sẽ có trách nhiệm với tập thể và cùng nhau xây dựng câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

2. Tổ chức hoạt động hội thi, biểu diễn Hát Xẩm

Bên cạnh việc rèn luyện khả năng nghe, tìm hiểu và học hát các bài hát, làn điệu Hát Xẩm với mục đích khuyến khích tinh thần ham học, để nâng cao chất lượng động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh trường THCS. Ban giám hiệu nhà trường cần tổ chức các Hội thi, buổi biểu diễn Hát Xẩm, nhằm đem lại hiệu quả cao trong học tập cho các em. Hội thi sẽ có tác dụng tuyên truyền, giáo dục học sinh tiếp thu, học hỏi từ các bạn khác. Tổ chức thi và biểu diễn Hát Xẩm sẽ giáo dục cho học sinh truyền thống yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, trân trọng, tự hào giá trị văn hóa mà cha ông ta để lại... Hội thi cũng có tác dụng khuyến khích phong trào học tập và rèn luyện Hát Xẩm, mà nhà trường hướng tới. Đặc biệt, thông qua hội thi, buổi biểu diễn sẽ thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh, phụ huynh, cộng đồng xung quanh trường THCS bản địa cùng hòa nhập khai thác, học tập giá trị của Hát Xẩm. Điều đó có sẽ góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong giai đoạn mới. Tổ chức thi Hát Xẩm nhằm tạo không khí sôi nổi trong việc học tập và rèn luyện cho học sinh. Đây cũng là sân chơi lành mạnh để HS thể hiện khả năng ca hát và có cơ hội giao lưu văn hóa văn nghệ với nhau và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm học tập. Thi hát Xẩm mang ý nghĩa giáo dục truyền thống với học sinh, tạo sân chơi bổ ích nhằm thu hút các em tham gia các hoạt động tập thể có ý nghĩa, tạo không khí vui vẻ, sôi nổi trong nhà trường, giúp học sinh biết được nhiều làn điệu Hát Xẩm thông qua biểu diễn và xem biểu diễn trong hội thi. Hội thi là sân chơi nhằm phát hiện các học sinh có năng khiếu về ca hát để có kế hoạch bồi dưỡng tập luyện và tham gia biểu diễn.

Thông qua hội thi sẽ tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các em học sinh, giữa các lớp với nhau. Các em sẽ có tình cảm gắn bó với mọi người xung quanh. Tổ chức hội thi Hát Xẩm có tác dụng bồi dưỡng kiến thức về âm nhạc cổ truyền nói chung và Hát Xẩm nói riêng, đây là động lực để các em hăng hái tham gia thi đua tập luyện, tìm hiểu về Hát Xẩm. Giáo viên phụ trách có thể tổ chức thi theo từng khối lớp và lựa chọn ra những đội tuyển nhất, nhì, ba, khuyến khích của từng khối lớp. Nội dung thi có thể gồm: Tìm hiểu về trang phục, đạo cụ, nghệ nhân Hát Xẩm, những làn điệu Hát Xẩm, nguồn gốc Hát Xẩm, vai trò của Hát Xẩm đối với đời sống nhân dân, HS đặt lời mới các làn điệu Xẩm... Trong nội dung thi đặt lời mới cho một số làn điệu, có thể định hướng cho HS tìm hiểu nội dung và chọn những làn điệu đơn giản phù hợp với khả năng của từng em.

3. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn

Ban giám hiệu nhà trường cần tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tiễn, tham quan các di tích lịch sử, tham quan bảo tàng, triển lãm và danh lam thắng cảnh… Các em học sinh được tìm hiểu, giao lưu văn nghệ với các nghệ nhân giúp các em hiểu biết thêm về các loại nhạc cụ và thể loại âm nhạc của các dân tộc Việt Nam. Nhà trường có thể tổ chức cho các em giao lưu, gặp gỡ những nghệ nhân Hát Xẩm ở Đình Hào Nam, Đình Nam Hương trên phố đi bộ… Từ đó, các em hiểu biết thêm về những nghệ nhân, về làn điệu Xẩm giúp cho các em thích thú và hình thành nên suy nghĩ tìm biện pháp để các làn điệu Hát Xẩm cần được gìn giữ và bảo tồn.

Trong các hoạt động trải nghiệm thực tiễn của các em, người giáo viên có một nhiệm vụ quan trọng là phải tìm hiểu và lên kế hoạch trước để có thể giúp các em học sinh giới thiệu và giải thích về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa về văn hóa nghệ thuật của các địa điểm và những đối tượng học sinh đến tham quan. Cách dẫn dắt vấn đề và nội dung tham quan đơn giản, dễ hiểu sẽ khiến các em cảm thấy gần gũi và dễ tiếp thu, dễ khắc sâu vào tiềm thức của các em. Các hoạt động tham quan dã ngoại có một tầm quan trọng nhất định nhà trường cần thường xuyên tổ chức nhằm rèn luyện năng lực cảm thụ cho học sinh.

Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn học sinh sẽ dần có nhận thức và hiểu biết nhất định về Hát Xẩm. Sau buổi dã ngoại giáo viên cho các em viết thu hoạch về những gì đã được tìm hiểu được (có thể bằng phương pháp trắc nghiệm). Giáo viên cần tổng hợp lại tất cả các thông tin tìm hiểu về Hát Xẩm, sau đó sắp xếp lại những kiến thức theo hệ thống hoàn chỉnh nhất, đồng thời có lời khen, điểm thưởng, giấy chứng nhận động viên khích lệ đối với các em. Có như vậy học sinh sẽ hiểu rõ hơn về Hát Xẩm, từ đó các em sẽ có ý thức giữ gìn, tự hào về quê hương đất nước với những giá trị âm nhạc dân gian truyền thống.

Hát Xẩm không chỉ mang ý nghĩa và giá trị về mặt văn hoá, mà lớn lao hơn nữa, nó là sự thể hiện rõ bản chất của cuộc sống, là hiện thân của cốt cách, tâm hồn cha ông ta. Những biện pháp nêu trên phần nhỏ vào việc bảo vệ, phát huy văn hoá truyền thống của đất nước, đặc biệt là loại hình nghệ thuật truyền thống Hát Xẩm. Việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy những nét văn hoá truyền thống của đất nước không chỉ là việc của bất kỳ cá thể nào mà đây còn chính là việc của tất cả mọi cá nhân cần thực hiện. Từ đó tạo điều kiện giúp con cái mình có thể tiếp xúc với loại hình nghệ thuật truyền thống này nhiều hơn. Các em HS cần có ý thức tự giác và tích cực hơn đối với việc tìm tòi, học hỏi Hát Xẩm, góp phần tích cực cho việc bảo vệ và giữ gìn thể loại âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Việt Ngữ (2002), Hát Xẩm, NXB Âm nhạc.

2. Khương Văn Cường (2009), Nghệ thuật Hát Xẩm, NXB Nghệ thuật.

3. Bùi Trọng Hiền (2013), Hát Xẩm, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, quyển 2, nhạc cổ truyền, NXB Âm nhạc.

4. Hà Hoa (2014), nhập môn âm nhạc cổ truyền, NXB Trường Đại Học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương.