Nội san

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐƯA HÁT DÂN CA QUẢNG NAM – ĐÀ NẴNG VÀO HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA TẠI TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ TRẦN QUANG KHẢI

17 Tháng Giêng 2024

Ngô Đinh Văn Thiện

Học viên K16 Lý luận và PPDH Âm nhạc

 

Dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng là những ca khúc được sáng tác bởi người dân sinh sống ở Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi có sự giao thoa văn hóa giữa hai miền, với những khu vực khác và tự tạo nên nền văn hóa độc đáo riêng của mình. Dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng mang những giá trị văn hóa vô giá của vùng miền Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung, vì vậy trong bài báo này tôi muốn bàn về một số biện pháp đưa hát dân ca Quảng NamĐà Nẵng trở thành một trong những nội dung giáo dục trong trường Trung học cơ sở (THCS) Trần Quang Khải nhằm góp phần bảo tồn, phát huy dân ca của vùng miền cũng như giáo dục cho lứa tuổi học sinh biết trân trọng, yêu quý dân ca nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung. Cụ thể là bắt đầu tiếp cận các em từ hoạt động ngoại khóa (HĐNK) trong nhà trường.

1. Thực trạng hoạt động ngoại khóa âm nhạc tại trường THCS Trần Quang Khải

1.1. Thuận lợi

Nhà trường vẫn luôn cố gắng đổi mới các phương pháp tổ chức Hoạt động ngoại khóa (HĐNK)  âm nhạc cho các em. Gióa viên (GV) được giao nhiệm vụ phụ trách tổ chức HĐNK được Ban giám hiệu tin tưởng, là người có kỹ năng và năng lực tổ chức hoạt động, quản lý học sinh, được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên ngành, chuyên đề về HĐNK, đặc biệt có sự nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ.

Trường THCS Trần Quang Khải cũng rất quan tâm đến hoạt động âm nhạc ngoài giờ chính thức, bằng cách thành lập các đội nhóm dân ca cho các em học sinh yêu thích âm nhạc dân gian, giảng dạy và luyện cho các em hát những làn điệu dân ca của quê mình. Từ những kiến thức đó, tham gia các cuộc thi dân ca do địa phương tổ chức và mang về nhiều giải cao. Những làn điệu dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng cũng được đưa vào hoạt động ngoại khóa nhưng chưa phổ biến và thường được trình diễn với hình thức thay đổi lời ca trên làn điệu dân ca.

Các em học sinh cũng sẵn sàng tham gia và học hỏi những kiến thức mới. Trên địa bàn huyện Hòa Vang, nơi trường THCS Trần Quang Khải đang tọa lạc cũng là nơi còn nhiều những nghệ nhân biểu diễn âm nhạc dân gian như các nghệ nhân dân ca ở xã Hòa Nhơn có thể được mời về trường với mục đích truyền dạy dân ca và truyền cảm hứng đến các em học sinh. Từ những thực trạng đó, có thể nói rằng việc đưa dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng vào HĐNK tại trường THCS Trần Quang Khải hoàn toàn thực hiện được.

1.2. Khó khăn

Trường THCS Trần Quang Khải nằm trên địa bàn xã Hòa Sơn – một xã thuộc huyện Hòa Vang nhưng nằm ở rìa trung tâm thành phố, có cơ hội tiếp xúc và giao lưu văn hóa xã hội với các khu vực ở trung tâm thành phố, và trong quá trình giao lưu đổi mới đó xã Hòa Sơn đã có nhiều sự thay đổi hiện đại hơn nhưng nó cũng chi phối trực tiếp đến cuộc sống của mỗi gia đình trên địa phương, từ đó việc đưa dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng vào HĐNK tại trường THCS Trần Quang Khải nói riêng và giáo dục dân ca nói chung bị ảnh hưởng.

Các em học sinh phần lớn theo đạo Thiên chúa giáo, chiếm khoảng 80%. Vì phần lớn thời gian các em tập trung hát Thánh ca nên chất giọng để hát các làn điệu dân ca trở nên khó phát huy.

Các hoạt động giáo dục dân ca cho học sinh chưa được tiến hành thường xuyên và liên tục để các em duy trì sự hứng thú với dân ca. Đối với việc giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường, vì nội dung theo phân phối chương trình vừa đủ một tiết dạy nên khó có thể lồng ghép nội dung dân ca vào chương trình giảng dạy khi hát dân ca.

Trong giờ giải lao, trong các buổi HĐNK các em học sinh cũng ưu tiên hát các bài hát hiện đại về yêu đương của người lớn, hầu như các em không quan tâm về tính giáo dục trong mỗi bài hát.

Qua khảo sát, các em học sinh ít khi hát các làn điệu dân ca vì nó không phổ biến ở lứa tuổi các em, các em cảm thấy xấu hổ và không tự tin khi hát.

2. Một số biện pháp đưa hát dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng vào hoạt động ngoại khóa tại trường Trung học cơ sở Trần Quang Khải

2.1. Bồi dưỡng giáo viên âm nhạc về dạy học làn điệu dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng

2.1.1. Bồi dưỡng chuyên môn đàn, hát

Chuyên môn hát

Về kỹ năng hát như tư thế hát, hơi thở, hát chính xác, phát âm, nhả chữ, hát rõ lời,... chỉ khi GV có thể nắm giữ, điều khiển tốt thì mới có thể truyền dạy lại một cách hiệu quả cho học sinh.

Về tư thế hát, tư thế hát đúng sẽ hỗ trợ cho việc lấy hơi thuận lợi hơn khi tiến hành hát. Có 2 tư thế ở hát tập thể đó là tư thế đứng và tư thế ngồi.

  • Đứng hát: người thẳng, đầu không nghiêng, vai không so, hai tay buông dọc theo thân một cách thoải mái, thân thể tựa đều vào hai chân, giữ cho lực phân chia đều ở hai chân, không tựa vào chân nào.
  • Ngồi hát: Đầu và thân giống như khi đứng hát, hai tay đặt trên đầu gối, lưng thẳng không tựa ghế, không vắt chân nọ lên chân kia.

Đúng tư thế sẽ giúp cho người hát hít thở thoải mái, phát âm nhả chữ dễ dàng, không hụt hơi. Ngoài ra, cách mở miệng khi hát cũng rất quan trọng, miệng cần mở tròn nhưng không cần quá to, để hàm dưới tự do, môi linh hoạt co dãn mềm mại.

Về hơi thở, biết cách điều khiển hơi thở hít vào một lượng hơi vừa đủ để hát hết một câu hát. Việc lấy hơi cũng cần tập luyện thường xuyên để trụ hơi luôn được giữ vững. Khi tập hít hơi vào, không nên hít nhiều quá trong một lần, như vậy hơi sẽ bị căng và không điều tiết được hơi thở, không lấy hơi bằng miệng sẽ gây khô cổ, khản cổ, bị ho. GV cần hướng dẫn học sinh lấy hơi bằng mũi. Với các bài hát có nhịp độ chậm và vừa phải thì lấy hơi chậm hít bằng mũi. GV phân tích cấu trúc bài hát và đánh dấu chỗ cần lấy hơi của mỗi câu hát, câu nhạc.

Về hát chính xác, nghĩa là hát đúng giai điệu, tiết tấu của bản nhạc. Giáo viên cần nắm rõ những kiến thức về âm vực, tìm hiểu âm vực của bài hát để có thể lựa chọn tone bài hát phù hợp với từng giọng hát của các em học sinh để các em có thể lên được nốt cao nhất hoặc hạ giọng xuống nốt thấp nhất trong bài.

Về phát âm, nhả chữ, hát rõ lời, bên cạnh việc hát chính xác những giai điệu tiết tấu, thì hát chính xác lời ca của một bài hát cũng vô cùng quan trọng. Giáo viên cần rèn luyện khẩu hình và phát âm chính xác để có thể hướng dẫn cho học sinh và sửa cách phát âm, luyện khẩu hình cho các em được chuẩn xác. Đối với hát dân ca lại càng yêu cầu cao trong việc phát âm, nhả chữ, hát rõ lời, dáng miệng khi hát dân ca tự nhiên mềm mại gần như chỉ mấp máy môi nhưng âm thanh vẫn sáng đẹp lời ca được phát âm rõ ràng.

VD: Lý Thiên Thai (dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng)

Ở ví dụ trên, ở chữ “hòn” trong khung nhạc đầu tiên nếu giai đoạn mở chữ khi hát kéo dài sẽ dễ nghe thành chữ “hò” hơn là chữ “hòn”. Vì vậy với kinh nghiệm của giáo viên, sẽ hướng dẫn cho các em học sinh đóng âm ngay chữ “n” và ngân nga bằng âm “ư” ở 2 âm luyến tiếp theo, tránh việc phát âm nhả chữ không rõ ràng.

Chuyên môn đàn

Bên cạnh việc hát thì việc sử dụng nhạc cụ thành thục cũng rất quan trọng. Vì vậy, trong đề tài này có đề xuất bồi dưỡng giáo viên âm nhạc về đàn để nâng cao năng lực của giáo viên, góp phần tăng mức độ hiệu quả hơn khi đưa dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng vào HĐNK tại trường THCS Trần Quang Khải. Người có thể đứng lớp giảng dạy là những nghệ nhân đã có kinh nghiệm lâu năm về sử dụng nhạc cụ để đệm hát trong dân ca. Có thể mở lớp bồi dưỡng một tháng 2 lần và mời các nghệ nhân đến hướng dẫn đệm hát cho những ca khúc dân ca, đệm hát cho dân ca cần chú ý những điểm gì và cách đệm hát để các em học sinh dễ dàng nắm bắt được giai điệu bài hát.

2.1.2. Bồi dưỡng về phương pháp dạy học

Là người GV âm nhạc khi đứng lớp giảng dạy cho học sinh khối THCS buộc phải nắm được đặc điểm của học sinh, căn cứ vào năng lực của GV, điều kiện dạy học (trang thiết bị), hình thức học (nhóm, tập thể lớp, cá nhân) để lựa chọn Phương pháp dạy học (PPDH) cho phù hợp. Để áp dụng PPDH hiệu quả, GV phải nắm chắc nội dung, mục tiêu của bài học, nhiệm vụ chung của môn học, hiểu rõ mối liên hệ giữa chúng.

Để mở các lớp bồi dưỡng GV luôn không dễ dàng bởi thời gian và điều kiện giảng dạy. Khó khăn về thời gian ở đây là vì vốn dĩ đã làm nghề giáo, bận rộn với giáo án và bài giảng, dành thời gian chăm sóc gia đình nên quỹ thời gian để học tập và trau dồi kiến thức chuyên ngành không nhiều. Khó khăn về điều kiện giảng dạy bởi bồi dưỡng GV cần những người có trình độ cao hơn cả GV, am hiểu PPDH như là một bộ môn nghệ thuật, áp dụng khéo léo để đạt được kết quả mong muốn. Vì vậy, đề xuất lớp bồi dưỡng GV về PPDH sẽ mở 1 tháng 2 buổi, 1 buổi 3 tiếng đồng hồ, GV trong trường có thể sắp xếp lịch làm việc và thu xếp việc gia đình để tham gia lớp bồi dưỡng.

Trong lớp bồi dưỡng PPDH âm nhạc sẽ bồi dưỡng một số phương pháp sau:

1) Phương pháp trình bày tác phẩm.

2) Phương pháp thực hành, luyện tập.

3) Phương pháp dùng lời: Hay còn gọi là phương pháp thuyết trình, giảng giải, diễn giảng.

2.2. Thành lập Câu lạc bộ dân ca

Mục đích hoạt động của CLB là tuyên truyền, vận động, tổ chức và hướng dẫn những cá nhân có cùng sở thích hát và tìm hiểu những cái hay cái đẹp trong dân ca cùng tham gia tập luyện, biểu diễn và dự thi,...

Người quản lý CLB cùng các bạn thành viên trong CLB có thể cùng nhau xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi biểu diễn về những làn điệu dân ca tại trường học hoặc địa phương nhằm mục đích đưa làn điệu dân ca của dân tộc đến gần hơn với cộng đồng, đưa những giá trị văn hóa tinh thần ngày xưa trở về với thế hệ hiện tại để có thể ý thức được trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc.

Hơn nữa, có thể giao lưu kết bạn, học hỏi giữa những CLB âm nhạc khác trên địa bàn thành phố để cùng nhau trau dồi và giao lưu về các thể loại âm nhạc, tạo nên một luồng gió âm nhạc dân ca mới vừa hiện đại vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống, mang dân ca đến gần hơn với giới trẻ. Để phổ biến dân ca nói chung và dân ca Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng thì thế hệ trẻ tương lai - những người có trách nhiệm gìn giữ và phổ biến các giá trị dân ca, tài sản tinh thần vô giá của ông cha để lại cho các thế hệ sau là rất cần thiết.

3. Kết luận

Trên cơ sở một số vấn đề lý luận đã được làm rõ, đề tài đã đưa ra được những biện pháp hiệu quả và có thể áp dụng vào thực tế để đưa hát dân ca Quảng Nam – Đà Nẵng vào hoạt động ngoại khóa tại trường THCS Trần Quang Khải, thực hiện trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa tinh thần dân tộc. Việc bồi dưỡng giáo viên âm nhạc tại trường về kiến thức dân ca là rất quan trọng, đặc biệt là chuyên môn đàn, hát (tư thế hát, hơi thở, hát chính xác, phát âm, nhả chữ, hát rõ lời) và phương pháp dạy học (phương pháp trình bày tác phẩm, phương pháp thực hành luyện tập, phương pháp dùng lời). Việc nắm vững các kỹ năng hát dân ca và có thể vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học của giáo viên âm nhạc tại trường THCS Trần Quang Khải là cơ sở để đưa hát dân ca vào hoạt động ngoại khóa tại trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Văn Thu Bích (2020), Âm nhạc dân gian vùng biển Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

2. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

3. Nguyễn Thị Tố Mai (2021), Tài liệu môn Phương pháp dạy học Âm nhạc, lưu hành nội bộ giảng dạy môn Phương pháp dạy học cho sinh viên ĐHSP Âm nhạc khoa Sư phạm Âm nhạc trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

4. Nguyễn Thị Thanh Nga (2022), Dạy học hát dân ca cho học sinh Trung học cơ sở tại trường THCS và Trung học Phổ Thông Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, Hà Nội, luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.

5. Lê Văn Toàn (2016), “Vấn đề nghiên cứu và đào tạo Âm nhạc dân tộc học Việt Nam”, Nxb Thanh niên, Hà Nội.