Trần Thị Thu [*]
Trong trường mầm non, âm nhạc có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển thẩm mĩ, tình cảm xã hội, nhận thức và thể chất cho trẻ. Nội dung hoạt động âm nhạc bao gồm: nghe nhạc, ca hát, vận động theo nhạc và trò chơi âm nhạc.
Trẻ mẫu giáo nhỡ (MGN) có khả năng âm nhạc tốt. Trẻ thích hát, âm vực giọng hát mở rộng, trẻ đi lại, chạy nhảy khá dễ dàng, trẻ có thể nhún nhảy theo tính chất giai điệu bài hát. Đặc biệt, trẻ lứa tuổi này rất hứng thú với các trò chơi âm nhạc. Tuy nhiên, so với trẻ mẫu giáo lớn thì trẻ MGN thể hiện kỹ năng âm nhạc còn chưa thật chính xác, chưa thật linh hoạt. mặc dù trẻ có những biểu hiện rất ngộ nghĩnh, đáng yêu riêng của độ tuổi.
Một số tác giả như Hoàng Văn Yến [5], Lý Thu Hiền [2], đã biên soạn và sưu tầm được khá nhiều trò chơi âm nhạc, tuy nhiên tác giả chưa làm rõ trẻ MGN chơi được những loại trò chơi âm nhạc nào là phù hợp.
Theo chương trình, trong năm học, trẻ học khoảng 32 tuần với 32 giờ học âm nhạc, trong đó số lượng trò chơi âm nhạc được tổ chức cho trẻ lại tương đối ít chỉ từ 8 đến 10 trò chơi. Cá biệt có nhiều trò chơi được giáo viên tổ chức nhiều lần trong năm học nên giảm đi sự nhiệt tình ở trẻ.
Với số lượng trò chơi còn ít so với chương trình cũng như hạn chế về áp lực công việc mà giáo viên mầm non nói chung khó có thể sưu tầm hoặc không có căn cứ để xây dựng trò chơi âm nhạc mới đã dẫn tới một số trò chơi phải tổ chức nhiều lần trong trong năm học.
Từ thực tiễn giảng dạy bộ môn Phương pháp giáo dục Âm nhạc và nhiều năm hướng dẫn sinh viên thực tập sư phạm, thực tập tốt nghiệp và lắng nghe ý kiến giáo viên ở trường mầm non, chúng tôi thấy rằng: Giáo viên mầm non có mong muốn được tiếp cận với tài liệu về các nguyên tắc biên soạn trò chơi âm nhạc để làm căn cứ xây dựng trò chơi âm nhạc mới bổ sung vào chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt là trò chơi âm nhạc cho lứa tuổi MGN.
1. Một số khái niệm
1.1. Trò chơi và trò chơi âm nhạc
Trong cuốn Giáo dục học mầm non của tác giả Phạm Thị Châu và nhóm tác giả, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006 đưa ra khái niệm về trò chơi như sau: “Trò chơi là một trong các loại hình hoạt động của trẻ ở trường mầm non, là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được người lớn tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thỏa mãn nhu cầu vui chơi và nhận thức” [1; tr147].
Như vậy, trò chơi là các hoạt động tự nhiên do con người sáng tạo ra, nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của con người. Đối với trẻ mầm non, trò chơi còn giúp trẻ thực hành, trải nghiệm các hành động, kĩ năng sống và giáo dục nhân cách trẻ.
Tác giả Ngô Thị Nam trong cuốn Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc tập 2, cho rằng: “trò chơi âm nhạc là hình thức hoạt động sáng tạo, tích cực nhất, nhắm đến sự thể hiện nội dung cảm xúc âm nhạc. Đặc trưng cơ bản nhất của trò chơi âm nhạc là âm nhạc quyết định nội dung và tính chất các hoạt động” [3; tr.131].
Qua những nghiên cứu trên, chúng tôi hướng tới quan niệm: Trò chơi âm nhạc là dạng hoạt động âm nhạc tương đối tổng hợp, mà ở đó người chơi được vận dụng và thể hiện các kĩ năng âm nhạc của mình như nghe nhạc, ca hát và vận động theo nhạc.
1.2. Trẻ mẫu giáo nhỡ
Trong giáo trình Giáo dục học mầm non, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội (2006) đã trình bày các loại hình giáo dục mầm non. Trẻ mẫu giáo chia thành ba độ tuổi là: mẫu giáo bé từ 36 đến 48 tháng; mẫu giáo nhỡ là 48 đến 60 tháng; mẫu giáo lớn từ 60 đến 72 tháng [1; tr.31].
Như vậy, “trẻ mẫu giáo nhỡ” là cách gọi về trẻ em ở trường mầm non trong độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi (hoặc từ 48 tháng đến 60 tháng tuổi). Đây là cách gọi về trẻ mẫu giáo ở lứa tuổi “bắc cầu” giữa mẫu giáo bé và mẫu giáo lớn.
2. Vai trò của trò chơi âm nhạc trong trường mầm non
Khi chơi trò chơi âm nhạc đòi hỏi trẻ phải vận động, chạy nhảy, hát và hò reo cổ vũ nên giúp trẻ phát triển và rèn luyện sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Có những trò chơi âm nhạc trẻ đóng vai các nhân vật trong bài hát, thể hiện giọng hát và động tác của nhân vật như giọng của bác đưa thư, bà lão, bạn gà, bạn vịt… nên trẻ dần hiểu được những thói quen sinh hoạt và lao động trong xã hội. Từ đó trẻ thêm yêu lao động, biết trân trọng những sản phẩm của lao động và biết lao động tự phục vụ bản thân.
Khi tham gia vào các trò chơi âm nhạc, trẻ không những thể hiện các kĩ năng âm nhạc mà trẻ còn mô phỏng lại hoạt động xã hội như: đóng vai thành ca sĩ, nhạc công, là người dẫn chương trình và khán giả thưởng thức âm nhạc nên trẻ hiểu thêm về những công việc của người lớn trong cuộc sống, giúp trẻ chuẩn bị những kĩ năng sống cần thiết để trưởng thành.
Trò chơi âm nhạc còn là phương tiện giáo dục hiệu quả đối với trẻ. Khi chơi cùng nhau, trẻ thường phải thỏa thuận và giúp đỡ nhau trong trò chơi đã giúp trẻ xóa đi sự e ngại nhút nhát ban đầu, trẻ làm quen với nhau nhanh hơn và xây dựng được hình ảnh bạn tốt. Trò chơi âm nhạc giúp trẻ mầm non dễ hòa nhập, gây được tình cảm thân thiện, là điều kiện tốt để trẻ phát triển giao tiếp và sự mạnh dạn tự tin. Trò chơi âm nhạc còn giúp trẻ bộc lộ được suy nghĩ, bày tỏ quan điểm của mình để người lớn thấu hiểu và tôn trọng trẻ, giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giáo dục, gần gũi và yêu thương trẻ.
Trò chơi âm nhạc đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong chương trình giáo dục âm nhạc ở trường mầm non. Vì lẽ đó cần phải có những nguyên tắc xây dựng trò chơi âm nhạc để làm căn cứ xây dựng trò chơi âm nhạc mới đáp ứng nhu cầu giáo dục cho trẻ MGN.
3. Một số nguyên tắc xây dựng trò chơi âm nhạc cho trẻ mẫu giáo nhỡ
Căn cứ vào thực tiễn nêu trên chúng tôi đưa ra một số nguyên tắc xây dựng trò chơi âm nhạc có tính thực tiễn. Những nguyên tắc này sẽ góp phần định hướng cho việc lựa chọn, xây dựng các trò chơi âm nhạc phù hợp với trẻ MGN, phù hợp với mục tiêu của giáo dục âm nhạc trong trường mầm non.
3.1. Bám sát chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ mẫu giáo nhỡ
Chúng tôi cho rằng, để xây dựng trò chơi âm nhạc cho trẻ MGN thì việc đầu tiên phải bám sát chương trình giáo dục âm nhạc trong trường mầm non. Tức là trò chơi âm nhạc sẽ giúp trẻ cảm nhận và thể hiện được cảm xúc trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống; bước đầu giúp trẻ có kiến thức và một số kĩ năng hoạt động âm nhạc cũng như thể hiện sự sáng tạo khi tham gia các hoạt động âm nhạc.
Không xây dựng trò chơi âm nhạc một cách tùy tiện, ngẫu hứng mà phải đảm bảo được mục đích và yêu cầu giáo dục trong đó. Tức là, khi chơi trò chơi âm nhạc trẻ phải thể hiện sự hứng thú, vui vẻ, thoải mái; trẻ nhớ tên trò chơi, cách chơi và luật chơi; trẻ biết chơi trò chơi âm nhạc, biết thể hiện những hiểu biết và kĩ năng âm nhạc trong trò chơi và có thể sáng tạo một số kĩ năng âm nhạc theo ý thích của trẻ.
3.2. Phù hợp với đặc điểm khả năng âm nhạc của trẻ mẫu giáo nhỡ
Khi xây dựng trò chơi âm nhạc mới, nhất thiết phải phù hợp với đặc điểm khả năng âm nhạc của trẻ MGN vì những lí do sau đây:
Một là, do trò chơi âm nhạc được tổ chức đại trà cho cả lớp nên nếu các trò chơi được thiết kế đơn giản, thấp với khả năng âm nhạc của trẻ MGN thì dễ gây nhàm chán, giảm sự hứng thú vì những trò chơi đó trẻ chỉ chơi một vài lần đã thành thạo.
Hai là, nếu không nghiên cứu kĩ đặc điểm khả năng âm nhạc của trẻ MGN mà xây dựng các trò chơi âm nhạc phức tạp, khó với độ tuổi thì trẻ cũng không hứng thú, dễ nản chí vì trong trò chơi đòi hỏi yêu cầu quá cao so với trẻ dẫn tới trẻ không chơi được trò chơi.
Do vậy, khi xây dựng trò chơi âm nhạc mới, nên dựa trên chất liệu là các bài hát quen thuộc, các dạng tiết tấu, cao độ của âm thanh hay âm sắc của nhạc cụ… cần nghiên cứu kĩ đặc điểm khả năng âm nhạc của trẻ MGN để đưa ra mức độ và yêu cầu tăng dần trong trò chơi nhằm tạo sự mới mẻ, thu hút sự tập trung chú ý của trẻ, khiến trẻ hào hứng thể hiện các kĩ năng âm nhạc và sự sáng tạo trong âm nhạc.
3.3. Đảm bảo tính âm nhạc trong trò chơi
Khi xây dựng trò chơi âm nhạc còn phải đảm bảo tính âm nhạc trong trò chơi vì ở trò chơi âm nhạc thì âm nhạc là yếu tố quyết định nội dung và tính chất của trò, do vậy phải nghiên cứu và lựa chọn âm nhạc, xem bài hát đó, thể loại âm nhạc đó trẻ đã biết chưa, có thể hiện được kĩ năng âm nhạc trong trò chơi không, và mục đích hướng tới của trò chơi âm nhạc là như thế nào đối với trẻ.
Khi chơi, trẻ phải được nghe nhạc, nghe hát, nghe âm sắc, nghe các yếu tố về cao độ, trường độ và cường độ âm nhạc. Trẻ còn vận dụng khả năng âm nhạc đã được tiếp thu ở mọi lúc mọi nơi để mô phỏng, bắt chước, thể hiện khả năng hát, múa, vận động theo nhạc đúng với yêu cầu của trò chơi. Trẻ còn được mở rộng vốn hiểu biết về âm nhạc như: biết thêm được âm sắc của các loại nhạc cụ, làm quen với ca sĩ nhí và một số bài hát mới. Do vậy, trong trò chơi âm nhạc trẻ phải được chơi cùng âm nhạc, được thể hiện khả năng âm nhạc của mình với các bạn một cách hào hứng, sôi nổi, tự tin.
Trong trò chơi âm nhạc luôn làm nổi bật yếu tố âm nhạc. Đây chính là điểm khác biệt rõ nét của trò chơi âm nhạc so với các trò chơi phát triển vận động, trò chơi phát triển trí tuệ, phát triển ngôn ngữ… Do vậy, trò chơi âm nhạc vừa dễ hiểu, vừa vui tươi lại dễ thu hút được sự tập trung chú ý của trẻ MGN. Vì lẽ đó mà trò chơi âm nhạc không chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí mà còn phát huy ở trẻ trí tưởng tượng phong phú, phát triển được năng lực cảm thụ âm nhạc cũng như tính giáo dục của âm nhạc thông qua trò chơi.
3.4. Mang tính giải trí
Khi tham gia vào các trò chơi âm nhạc, trẻ được lắng nghe những giai điệu quen thuộc, được củng cố và tái hiện lại những kĩ năng âm nhạc đã học. Do vậy, trẻ cảm thấy rất hào hứng, phấn khởi, luôn có tâm thế chủ động lắng nghe âm nhạc và thể hiện khả năng âm nhạc trước cô giáo và các bạn.
Sau các tiết học, việc tổ chức cho trẻ chơi trò chơi âm nhạc sẽ giúp trẻ thư giãn, cân bằng tâm lí, giúp các con giải tỏa những căng thẳng trong giờ học, điều đó có tác động mạnh mẽ tới tâm lí của trẻ, hướng trẻ tới những trạng thái tình cảm tích cực, trẻ thoải mái hơn, tự nhiên, vui vẻ và gần gũi với cô và bạn hơn. Do đó, trò chơi âm nhạc là một dạng hoạt động âm nhạc mang tính giải trí cao mà không phải loại hình nghệ thuật nào cũng đáp ứng được.
3.5. Kết hợp phương tiện chơi trò chơi âm nhạc
Để trò chơi âm nhạc hấp dẫn với trẻ thì khi thiết kế trò chơi luôn lưu ý tới phương tiện chơi. Phương tiện chơi trong trò chơi âm nhạc là những đồ dùng vật dụng mà trẻ có thể thao tác trực tiếp, phong phú về hình dáng, kích thước và màu sắc để có thể đáp ứng được nhiều trò chơi. Phương tiện chơi cũng cần đẹp, hấp dẫn đối với trẻ, giúp hình thành ở trẻ năng khiếu âm nhạc và thẩm mĩ nghệ thuật.
Trong trò chơi âm nhạc, cần lưu ý đến phương tiện chơi cho trẻ như phương tiện chơi không có âm thanh và phương tiện chơi có âm thanh.
+ Phương tiện chơi không có âm thanh: đây là loại đồ chơi mô phỏng theo hình dáng của các nhạc cụ, được cắt dán lên bìa cứng hoặc vẽ trên xốp như: đàn Guitar, Mangdolin… Tuy chỉ là đồ chơi mô phỏng, không có âm thanh phát ra nhưng hình dáng giống như nhạc cụ thật nên rất hấp dẫn đối với trẻ. Trong khi chơi, trẻ thường tưởng tượng và đóng vai là giáo viên âm nhạc, là nhạc công đệm đàn, là nhạc sĩ sáng tác để biểu diễn với những loại nhạc cụ này [3; tr.132].
+ Phương tiện chơi có âm thanh: là những nhạc cụ và dụng cụ âm nhạc có cấu trúc đơn giản, phong phú về hình dáng, màu sắc và kích thước. Các loại nhạc cụ này phổ biến như: Kèn Hamonica, Sáo dọc, Sáo ngang, Piano nhựa, Accordion nhỏ, Trống, Mõ, Xúc xắc các loại [3; tr.132].
Ngoài ra, khi xây dựng trò chơi âm nhạc còn phải lưu ý tới vấn đề sử dụng thêm các đồ dùng và phương tiện trực quan khác như: cờ, hoa, mũ múa, trang phục và đạo cụ biểu diễn hoặc sử dụng hiệu ứng của các phần mềm âm nhạc nhằm tạo một không khí vui tươi, hào hứng, tâm thế sẵn sàng thể hiện khả năng âm nhạc trong trò chơi, điều đó làm tăng hiệu quả giáo dục của trò chơi âm nhạc đối với trẻ MGN [3; tr.133].
Khi xây dựng trò chơi âm nhạc, chúng tôi cho rằng cần phải phối kết hợp hài hòa nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc kế thừa có chọn lọc những kết quả nghiên cứu về trò chơi. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đưa ra một số nguyên tắc làm căn cứ để giáo viên mầm non tham khảo khi xây dựng trò chơi âm nhạc như: Đảm bảo bám sát yêu cầu của chương trình giáo dục âm nhạc cho trẻ MGN; Đặc điểm khả năng âm nhạc của trẻ; Tính âm nhạc trong trò chơi; Tính giải trí trong trò chơi và kết hợp phương tiện chơi trò chơi âm nhạc.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Sinh (2006), Giáo dục học mầm non, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lý Thu Hiền, Nguyễn Cẩm Bích (2012), Trò chơi âm nhạc cho trẻ từ 2 đến 6 tuổi theo hướng tích hợp chủ đề, Nxb Giáo dục.
3. Ngô Thị Nam và nhóm tác giả (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Nguyễn Ánh Tuyết (2000), Trò chơi của trẻ em, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
5. Hoàng Văn Yến (2011), Trò chơi âm nhạc cho trẻ MN, Nxb Giáo dục Việt Nam.
________________________
[*] Lớp Cao học k4 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp giảng dạy Âm nhạc