Nội san

Tham luận Hội thảo khoa học

28 Tháng Năm 2007

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

'BÀN VỀ CÔNG TÁC THỐNG KÊ VỐN DI SẢN

ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN'

------------------------------------------------------------------ 

ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN VIỆT NAM VÀ ĐÀO TẠO

GIÁO VIÊN ÂM NHẠC  TẠI TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT TW

 

TSKH. Phạm Lê Hoà

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

 

1.     Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là trường Đại học đầu tiên và duy nhất của Việt Nam chuyên đào tạo các giảng viên nghệ thuật cho ngành giáo dục - đào tạo. Sau gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, từ một trường trung học, rồi được nâng cấp thành trường cao đẳng, ngày 26 tháng 5 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 117/2006/QĐ-TTg thành lập trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Điều đó thể hiện sự quan tâm/sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với vai trò của giáo dục nghệ thuật trong sự nghiệp trồng người ở nước ta. Điều đó cũng có nghĩa: tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không chỉ đứng trước một vinh dự lớn lao, mà còn phải luôn ý thức được trách nhiệm trước một sự sang trang mang ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đào tạo các thày cô giáo nghệ thuật tương lai. Và trên con đường tìm tòi một hướng đi riêng để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và khẳng định thương hiệu của mình, chúng tôi luôn hướng tới (mà bản chất thực là 'hướng về') với những giá trị vốn được coi là một từ những thành tố cấu thành bản sắc văn hoá của một dân tộc - những giá trị văn hoá âm nhạc truyền thống Việt Nam.

2.     Diễn trình lịch sử nhân loại nhiều nghìn năm gần đây đã chứng minh: có không ít những con đường cho sự phát triển âm nhạc đối với mỗi quốc gia/mỗi dân tộc. Sứ mệnh cao cả của mỗi thế hệ/mỗi thời đại là tìm ra con đường riêng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá âm nhạc truyền thống của cha ông. Trong thời đại ngày nay, thời đại của toàn cầu hóa được nhìn nhận như một tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người, thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trong xu thế hội nhập của các nền văn hoá, thì các giá trị âm nhạc dân tộc cổ truyền càng giữ vai trò quan trọng/thân thiết và không thể thiếu được trong sự phát triển của nền âm nhạc đương đại Việt Nam.

Chính vì vậy, trong công tác đào tạo sư phạm âm nhạc, thông qua hệ thống bài giảng, Trường chúng tôi luôn chú trọng đến việc giáo dục cho sinh viên được làm quen, được thấy cái hay, cái đẹp của di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Chúng tôi cho rằng cần phải có cái nền vững chắc là âm nhạc truyền thống trước khi các thày cô giáo tương lai tìm hiểu/nghiên cứu những tri thức khác của tinh hoa nghệ thuật  âm nhạc thế giới.

Trước hết, trong chương trình đào tạo chúng tôi mang đến cho sinh viên những làn điệu dân ca của nhiều vùng, miền đất nước. Dân ca là môn học bắt buộc đối với mọi sinh viên trong Chương trình đào tạo của nhà trường. Sinh viên của trường không chỉ được học các bài dân ca, mà còn được nghiên cứu/phân tích để nắm được phong cách dân gian của từng vùng, miền. Từ dân ca của đồng bào các dân tộc phía bắc Tổ quốc đến dân ca vùng châu thổ Bắc Bộ, dân ca miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam .v.v.. Để làm được điều này một cách tốt nhất trong tình hình giảng viên môn học Dân ca của khoa Sư phạm âm nhạc còn nhiều bất cập như nhiều cơ sở đào tạo khác trong nước, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã chủ động mời nhiều nghệ sỹ/nhạc sĩ có kinh nghiệm tham gia làm cộng tác viên thỉnh giảng môn học này. Tôi cho đây là một cách làm mang lại hiệu quả cao, bởi thật khó mà một cơ sở đào tạo Sư phạm âm nhạc có thể có đội ngũ giảng viên môn dân ca đáp ứng được những đòi hỏi giảng dạy có chất lượng cao của môn học này trước sự phong phú/đa dạng của các vùng miền dân ca theo suốt chiều dài đất nước. Mỗi giảng viên tài năng, trong khả năng hữu hạn vốn có của mỗi con người, chỉ có thể nắm vững một hoặc một vài vùng dân ca - nơi mà người giảng viên đã có nhiều gắn bó/đầu tư thời gian tìm tòi và nghiên cứu trong phần lớn cuộc đời của mình. Mà tri thức nghệ thuật âm nhạc dân gian, âm nhạc truyền thống lại quá rộng lớn và phức tạp luôn đòi hỏi nhiều công sức tìm hiểu/nghiên cứu của nhiều tập thể các nhà nghiên cứu.

3.    Lịch sử âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua đã chứng minh sự thành công của nhiều con đường phát triển nghệ thuật âm nhạc trên cơ sở âm nhạc truyền thống. Từ thực tiễn của những kết quả đã được khẳng định trong thời gian vừa qua, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa âm nhạc dân gian cổ truyền của dân tộc, theo tôi, là con đường tất yếu đối với sự phát triển văn hóa âm nhạc nước ta trong thời đại của sự hội nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới. Trong Chương trình đào tạo của khoa Sư phạm âm nhạc (trường ĐHSP Nghệ thuật TW) ở các trình độ đào tạo (Trung cấp, Cao đẳng và Đại học) đều có môn học Âm nhạc cổ truyền với thời lượng từ 2 đến 3 đơn vị học trình. Những kiến thức trang bị từ môn học này là một từ những cơ sở lý luận cho hành trang đi vào tìm kiếm những tri thức về âm nhạc truyền thống của cha ông. Rất nhiều sinh viên của nhà trường từ tình yêu và tri thức của những bài học đầu tiên về âm nhạc cổ truyền này đã tiếp tục học tập và nghiên cứu để trở thành những nhà nghiên cứu âm nhạc có tiếng với nhiều đóng góp đáng ghi nhận ở trong và ngoài nước. ở đây chúng ta cũng cần nhớ rằng, nếu như các Nhạc viện Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm chỉ cho ra trường một số lượng cử nhân lý luận âm nhạc rất khiêm tốn (chỉ một vài người), thì số cử nhân tốt nghiệp Đại học sư phạm âm nhạc thường là con số lớn gấp nhiều lần (hàng trăm người). Và các giảng viên này lại làm công tác giảng dạy âm nhạc cho cho các trường phổ thông và sư phạm ngành giáo dục, do đó tác dụng tuyên truyền tri thức âm nhạc truyền thống đến với đông đảo quần chúng nhân dân quả là không nhỏ.

4.    Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng trong việc mang tới cho các thế hệ sinh viên không chỉ những tri thức về âm nhạc cổ truyền dân tộc và quan trọng hơn đó là sự đánh thức dậy từ các em những tình cảm hướng về cội nguồn vốn là bản chất của mỗi người dân Việt Nam, nhưng dù sao qua thực tiễn của công tác đào tạo sinh viên Sư phạm âm nhạc chúng tôi vẫn nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải làm tốt hơn nữa. Một trong những vấn đề đó là phải cho các em sinh viên tiếp cận nhiều hơn nữa với những di sản văn hoá âm nhạc thông qua việc cho các em được đến với các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Để làm tốt điều này, trong thời gian qua, chúng tôi đã có những tiếp xúc, đặt quan hệ với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Trung ương và Hà Nội nhằm tìm kiếm những cơ hội cho các em tham dự các chương trình biểu diễn của các nhà hát. Những buổi tiếp xúc trực tiếp với các âm điệu nghệ thuật âm nhạc truyền thống đã thực sự không chỉ làm ngỡ ngàng, làm say mê, mà còn làm cho các em sinh viên sư phạm âm nhạc yêu quí hơn di sản văn hoá âm nhạc của cha ông.

Tôi mới chuyển công tác từ Bộ Văn hoá Thông tin về Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được hơn 5 tháng, nhưng trong các cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo các khoa chuyên môn của Trường (ĐHSP Nghệ thuật TW ) tôi đã nhiều lần bàn bạc để chuẩn bị cho những chuyến đi của giảng viên và sinh viên khoa Sư phạm âm nhạc đến một số miền dân ca trong thời gian tới. Phải sống trong không gian đã sinh ra và bảo tồn của một loại hình âm nhạc dân gian, sinh viên chúng ta mới có cơ hội để có thể cảm nhận được rõ hơn những giá trị thực sự tiềm ẩn trong môi trường sống của nó. Nghiên cứu một hiện tượng âm nhạc dân gian không chỉ là sự phân tích thuần tuý chỉ về phương diện âm thanh, phải nghiên cứu tổng thể trên nhiều phương diện khác nhau trong bối cảnh của một không gian văn hóa. Chúng tôi cũng đang xúc tiến việc cải tiến chương trình đào tạo trong thời gian gần nhất để có thể trang bị cho sinh viên những tri thức thật sự cần thiết đáp ứng được đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Có thể trong chương trình không chỉ có thêm những kiến thức dân tộc nhạc học, mà còn hơn thế nữa cả những thao tác cần thiết cho người sưu tầm/nghiên cứu âm nhạc dân gian tại ngay chính nơi công tác tương lai của mình.

Bên cạnh đó, với ý thức: trong thời đại hiện nay hầu như không một ngành văn hoá - khoa học kỹ thuật nào có thể phát triển nếu không dựa vào những thành tựu của công nghệ thông tin, trong thời gian vừa qua tất cả các đơn vị trong trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW đều được kết nối ADSL để giảng viên và sinh viên có thể truy cập/tìm kiếm những thông tin/tư liệu nghệ thuật âm nhạc truyền thống được đăng tải trên các website âm nhạc. Và ngay chính trên trang web của nhà trường ở địa chỉ 'http://www.spnttw.edu.vn/' chúng tôi cũng cho đăng tải, thường xuyên cập nhật nhiều bài viết/công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài trường. Từ diễn đàn này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được sự cộng tác/sự đóng góp của các quí vị đại biểu để trang Web của chúng tôi có thể làm được nhiều hơn nữa cho sự phát triển của văn hoá nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

5.    Từ những vấn đề trên về vai trò của di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống đối với công tác đào tạo chuyên ngành Sư phạm âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và Viện nghiên cứu âm nhạc, cần làm cho những di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống vốn là tài sản vô giá của bao thế hệ cha ông đến được với một từ những đối tượng cần/khát khao/đáng được hưởng thụ là các sinh viên của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Và trong tính biện chứng của vấn đề, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng về sự đóng góp tích cực trong công tác phát hiện/sưu tầm di sản nghệ thuật âm nhạc truyền thống của các sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW sau khi ra trường, khi họ sẽ về những miền đất thấm đượm hương nồng của những âm điệu dân gian truyền thống. Sự đóng góp của họ trong tương lai cho việc bảo tồn và phát huy một cách hữu hiệu những di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam là hy vọng có cơ sở để khẳng định. Tôi thấy cũng cần nói thêm: đây là một từ những phương thức hữu hiệu nằm trong tiến trình xã hội hoá các hoạt động văn hoá.

Xin chân thành cảm ơn sự chú ý của các đồng nghiệp và các bạn.

Xin chúc sức khoẻ quý vị đại biểu và chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.