Nội san

Quá trình tự học và…

07 Tháng Sáu 2007

Quá trình tự học và…

                                                 Bạch Thị Lan Anh

 

1. Phương châm chiến lược trong giáo dục đào tạo của Đảng và Nhà nước ta là phấn đấu xây dựng một xã hội học tập, tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người dân đều có thể đi học, tự học và học suốt đời.

 Ngày nay có nhiều quan niệm khác nhau về quá trình dạy – học, nhưng các quan niệm đều thống nhất cho rằng: học là quá trình tự làm phong phú kiến thức của bản thân và tự làm biến đổi mình; còn dạy là quá trình giúp cho người đi học tự chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, dạy cho người học cách học để tự biến đổi mình. Tất cả mọi đổi mới về phương pháp dạy- học đều nhằm hướng tới lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động của người học.

2. Trong quá trình dạy- học điều khó khăn nhất là làm sao khơi dậy, lôi kéo người học phát huy khả năng, tư duy sáng tạo của mình trong quá trình học tập để biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, từ việc bắt buộc phải đến lớp học dưới sự quản lý của nhà trường thành việc hứng thú đi học, tự học, tự nghiên cứu. Trong giáo dục của chúng ta hiện nay, đảm nhận một phần vai trò đó không thuộc về ai khác hơn là Thầy cô giáo. Thầy cô phải làm cho học trò có động lực học tập, tìm thấy niềm vui trong sự học, đó là khởi nguồn cho quá trình tự học. Có một người bạn đã đọc tặng tôi câu nói của ai đó rằng:

“Ông thầy giỏi là ông thầy biết giải thích.

Ông thầy xuất sắc là ông thầy biết minh họa

Còn ông thầy xuất chúng là ông thầy biết truyền cảm hứng”.

Trong quá trình giảng bài, các thầy cô giáo không chỉ truyền đạt thông tin kiến thức trong bài giảng mà cao hơn phải truyền cảm hứng để cho học trò say mê hứng thú với kiến thức môn học đó, biết khêu gợi sự tò mò từ học trò bằng các vấn đề khoa học, đặt ra các câu hỏi, các vấn đề cần giải quyết. Để làm được điều đó đòi hỏi các thầy cô phải nỗ lực rất nhiều. Trên nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, lòng nhiệt tình yêu nghề các thầy cô cũng phải tự học, tự đào tạo để theo kịp xu thế giáo dục của thời đại.

Nghệ thuật được coi là đỉnh cao của đời sống tinh thần, biểu hiện tập trung của văn hóa. Nó là môn khoa học có sự đòi hỏi khắt khe, muốn có tác phẩm nghệ thuật đứng vững trong lòng công chúng thì phải là những sáng tạo nảy sinh trên hứng thú, cảm xúc chân chính, gắn với cuộc sống. Vì thế, việc truyền cảm hứng sáng tác cho thế hệ đi sau lại càng có ý nghĩa quan trọng dưới mái trường nghệ thuật. Trong các trường nghệ thuật, các thầy cô có thể truyền cảm hứng tới sinh viên một cách nhanh nhất thông qua các tác phẩm sáng tạo của mình, đó chính là ưu thế, đặc thù của giáo viên nghệ thuật.

3. Ngày nay không ở đâu, không một trường học nào, một giáo trình nào và không có ông thầy vĩ đại nào có thể cung cấp đầy đủ mọi kiến thức cho người học. Đó là do sự bùng nổ như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, mạng thông tin toàn cầu cập nhật từng phút. Vì vậy để thích ứng với xã hội hiện đại, đòi hỏi Người học phải có ý thức tự học, tìm tòi, nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức của nhân loại đáp ứng đòi hỏi cuộc sống của chính mình. Bác Hồ đã nói phải tự học, học ở mọi lúc, mọi nơi. Và Bác là vĩ nhân hiện thân của tấm gương tự học, học suốt đời.

4. Để quá trình tự học có hiệu quả, đòi hỏi người học phải ý thức được xã hội hiện nay đòi hỏi rất cao về nhân lực, từ đó có thái độ nghiêm túc trong học tập, phải thấy được tầm quan trọng của văn hóa đọc. Phải biết chọn lựa, phương pháp, kỹ năng đọc trong điều kiện thời gian eo hẹp và 'biển' thông tin. Về cách đọc thì tùy theo khả năng của mỗi người, yêu cầu công việc mà có thể đọc lướt qua để xem nội dung chính, chủ đề viết về cái gì; có thể dùng bút chì đánh dấu thông tin chính của trang đó hoặc viết ra giấy… ở mức độ cao hơn, người đọc có thể không đồng tình hoặc bổ sung quan điểm của mình đó chính là những phát hiện khoa học, đặt nền móng cho sự nghiên cứu tiếp sau.

Tri thức của nhân loại là vô biên, khả năng hiểu biết của con người là hữu hạn. Kiến thức không chỉ trong sách vở mà còn ở cuộc đời, những người xung quanh, tự học và học suốt đời chính là cách con người có thể sinh tồn trong xã hội hiện đại hôm nay và mai sau.