“MỘT MÔ HÌNH THỰC TẬP SƯ PHẠM HIỆU QUẢ”
Nguyễn Thanh Nga
Tổ Ngoại ngữ - Khoa KTĐC
Thực tập sư phạm (TTSP) nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế đầu tiên về môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp; là dịp để sinh viên đưa những kiến thức mang tính lý thuyết được học, được trang bị vào thực tế. Quả thật trong một trường sư phạm với mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cho cả nước thì việc thực tập sư phạm đối với sinh viên năm cuối giữ một vai trò hết sức quan trọng. Điều này đã được thể hiện khá rõ nét trong chương trình đào tạo của trường Đại học sư phạm Nghệ Thuật TW. Nhà trường đã dành một thời gian và sự đầu tư khá lớn cả về nội dung lẫn phương pháp hướng dẫn sinh viên năm cuối hệ sư phạm thực tập sư phạm tại các trường phổ thông, các trường trung cấp, cao đẳng. Trong gần 40 năm qua, nhà trường đã có một số cải tiến đáng kể về kế hoạch, hình thức, phương pháp tổ chức việc TTSP như việc để sinh viên chủ động liên hệ địa điểm thực tập theo sự hướng dẫn của Phòng đào tạo, Khoa chuyên môn, tổ Tâm lý - giáo dục, tăng cường trang bị nghiệp vụ sư phạm qua các giờ học trên lớp. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực này còn có một số vấn đề chúng ta cần quan tâm để làm cho TTSP của sinh viên ngày càng đạt hiệu quả tốt nhất. Trong bài viết này, tôi xin được đưa ra một mô hình TTSP, theo ý kiến của bản thân tôi, nó rất hiệu quả đối với người học.
Trong khoá học Cao học của tôi tại trường Đại học Hà Nội (trước là trường ĐH Ngoại ngữ Hà nội), căn cứ vào điểm TOEFL, tôi đã may mắn là 01 trong 09 sinh viên Việt Nam được chọn để học môn Teaching Practicum (tạm dịch là TTSP) cùng với 05 sinh viên của Khoa Sau đại học, trường Đại học Hawaii, Mỹ. Chúng tôi đã tham gia lớp học dưới sự hướng dẫn của GS-TS Richard Day. Môn học của chúng tôi học tại trường ĐH Hà Nội, trong thời gian 03 tháng (từ đầu tháng 9 đến hết tháng 11). Mục tiêu của môn học là học viên thực tập việc giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh (Teaching English as second language), cho nên đối tượng giảng dạy của chúng tôi chính là sinh viên năm thứ nhất khoa Anh, trường ĐH Hà Nội. Vậy chúng tôi đã bắt đầu như thế nào?
Vào buổi học đầu tiên, chúng tôi làm quen nhau (sinh viên Việt Nam và sinh viên Mỹ). Tiếp đến, chúng tôi chọn nhóm một cách ngẫu nhiên (theo yêu cầu của thầy mỗi nhóm có 01 sinh viên Mỹ) nên chúng tôi tạo thành 04 nhóm 03 người và 01 nhóm 02 người. Sau đó, thầy giáo phát cho chúng tôi mỗi nhóm 01 tờ thời khoá biểu của sinh viên năm thứ nhất Anh, yêu cầu chúng tôi lên lịch để dự giờ trong tuần kế tiếp (dự giờ càng nhiều càng tốt để hiểu về đối tượng mà chúng tôi sắp giảng dạy) và lớp học của chúng tôi chỉ gặp nhau vào 17h đến 19h30 thứ 5 hàng tuần để trình bày về công việc trong tuần trước.
Tuần đầu tiên, quả thật rất vất vả, chúng tôi đã phải dự giờ của các lớp (cả buổi sáng và buổi chiều), nhưng tôi thấy mình đã học được rất nhiều trong tuần này: hiểu rất rõ về trình độ, thái độ học tập của sinh viên năm thứ nhất; hơn nữa, tôi đã học được rất nhiều về các cách tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy của giáo viên khoa Anh trong trường - tôi nghĩ đây là ích lợi rõ rệt nhất của việc dự giờ - không giống như tại một số trường, giáo viên đi dự giờ là để tìm các lỗi của đồng nghiệp. Một điều nữa, tôi cũng đã học được từ các bạn sinh viên Mỹ thái độ làm việc rất nghiêm túc. Vào tối thứ 5 đầu tiên đó, chúng tôi đã thảo luận với nhau những thông tin thú vị và có ích nhất về đối tượng sinh viên năm thứ nhất, về những điều mà chúng tôi thấy hay, những vấn đề còn cần quan tâm qua cách giảng dạy của giáo viên. Sang phần thứ hai của buổi học, thầy Day phát cho chúng tôi một tập tài liệu hướng dẫn về cách dự giờ và yêu cầu chúng tôi sang tuần thứ 2 tiếp tục dự giờ, nhưng tại lớp mà nhóm chúng tôi đã lựa chọn.
Trong tuần dự giờ thứ hai này, chúng tôi được yêu cầu ghi chép lại cụ thể về: khu vực di chuyển của giáo viên trong lúc giảng bài (teacher’s zone), các giáo cụ trực quan, phương tiện giảng dạy, vẽ sơ đồ để đo đếm sự giao tiếp giữa giáo viên với cả lớp, giữa giáo viên với từng sinh viên trong lớp), tìm hiểu về sinh viên lớp mình thực tập (sĩ số lớp, cán bộ lớp,...), về tiến trình giảng dạy. Sau tuần đó, vào buổi học tiếp theo, thầy giáo cho chúng tôi báo cáo sơ qua về lớp của mình và xem xét liệu chúng tôi có nhu cầu đổi lớp không. Tiếp đến, thầy cung cấp cho chúng tôi một tập tài liệu hướng dẫn về cách đánh giá giờ dạy và cách làm 01 giáo án lên lớp và để chúng tôi thảo luận. Tôi thấy trong buổi dạy, thầy như là một cố vấn, một người bạn, không phải là một người ra sức chỉ bảo cho chúng tôi chỗ nào đúng sai, mà để chúng tôi tự thảo luận và tự tìm ra vấn đề của mình. Tiếp đó, thầy yêu cầu chúng tôi đăng ký lịch trình bày đề cương bài giảng của từng nhóm. Mỗi tuần, sẽ có 01 nhóm lên trình bày đề cương và nhóm này vào tuần kế tiếp sẽ trình bày việc thực hiện giáo án đó tại lớp như thế nào, gặp những khó khăn gì, phải thay đổi những vấn đề nào.
Sang tuần thứ 3, chúng tôi tiếp tục dự giờ để hoàn thành các nội dung yêu cầu, liên hệ với giáo viên trong lớp để lên lịch thực tập giảng dạy, tập hợp nhóm để thống nhất giáo án, vì chúng tôi sẽ phải giảng chung (team teaching) 03 người cùng giảng 01 cặp tiết (90 phút). Nhóm tôi đã phải gặp nhau 02 lần để bàn bạc và phân công trong từng hoạt động dạy học trên lớp. Tôi cũng phải thừa nhận là các bạn sinh viên Mỹ làm việc thật sự nghiêm túc và điều đó khiến chúng tôi không thể chểnh mảng việc của mình. Vào tối thứ 5 tuần này, nhóm tôi phải lên trình bày trước thầy và các nhóm khác kế hoạch bài giảng của mình, chúng tôi phải phô-tô tập giáo án đó cho mỗi một thành viên trong lớp xem trước và sau đó trình bày trong vòng khoảng 5- 10 phút. Sau khi chúng tôi trình bày xong, các nhóm khác đặt câu hỏi về những chỗ họ chưa rõ, hoặc đưa ra những gợi ý để làm bài giảng của chúng tôi hay hơn. Tiếp đó, thầy giáo đưa ra câu hỏi của thầy. Buổi học hôm đó, tiếp tục bằng phần thảo luận của cả lớp về “vai trò của giáo viên trên lớp”.
Sang tuần 4, các nhóm thực tập giảng dạy tại lớp mình, người dự và đưa ra nhận xét chính là giáo viên tiếng Anh của lớp đó và thành viên trong nhóm tự nhận xét cho nhau. Vào buổi dạy đầu tiên, chúng tôi đã được trải nghiệm một hình thức giảng bài mới - giảng dạy theo nhóm. Chúng tôi đã hợp tác, hỗ trợ nhau để đạt hiệu quả cao nhất cho bài giảng của cả nhóm. Tối thứ 5 đó, nhóm tôi phải lên trình bày về việc thực hiện bài giảng của mình, có những gì thay đổi so với giáo án trước, khó khăn, thuận lợi gì, chúng tôi cùng trả lời các câu hỏi của thầy và các bạn nhóm khác về bài giảng đó, kinh nghiệm mà chúng tôi có được. Buổi học tiếp theo với phần trình bày giáo án của 01 nhóm khác cho tuần học kế tiếp đó.
Sang tuần thứ 5, mỗi người phải lên giáo án cho buổi dạy của mình, chúng tôi không dạy theo nhóm nữa mà dạy độc lập. Tuy thế, chúng tôi cũng phải làm giáo án có sự bàn bạc thống nhất của cả nhóm. Khi 01 nguời lên dạy, những người khác trong nhóm phải có trách nhiệm dự giờ, ghi chép, hỗ trợ nếu cần, sau đó lại nhận xét cho nhau. Giáo viên tiếng Anh tại lớp thực tập đó cũng dự giờ và góp ý cho chúng tôi.
Các tuần tiếp theo chúng tôi tiếp tục với các công việc như thế. Chúng tôi hoàn toàn phải chủ động trong công việc của mình. Khi nhóm nào gặp vấn đề với việc dạy học của mình sẽ trình bày với thày, với lớp và mọi người đưa ra các phương án giải quyết.
Đến tuần cuối cùng, chúng tôi được yêu cầu viết 01 báo cáo tổng hợp về những gì chúng tôi đã học được, làm được trong đợt thực tập sư phạm đó. Bài viết từ 2.500 đến 3.000 từ. Đây là bài viết để thầy chấm điểm. Điểm tổng kết môn Teaching Practicum dựa vào bài báo cáo và ý thức, thái độ trong mỗi lần lên lớp vào tối thứ 5 hàng tuần.
Khoá học này của chúng tôi đã thành công, bản thân mỗi người đã học được rất nhiều (mặc dù, tất cả các học viên trong lớp đã từng giảng daỵ hoặc là giảng viên của các trường CĐ, ĐH trong nước). Để ghi nhận những thành công của khoá học, chúng tôi - 14 học viên trong lớp cùng Tiến sĩ Richard Day đã được mời làm những người nói chuyện trong hội thảo dành cho giáo viên tiếng Anh tại khách sạn Horison, Hà Nội vào đầu tháng 12 năm đó.
Trên đây, tôi xin giới thiệu về một mô hình hướng dẫn thực tập sư phạm. Có thể có ý kiến cho là chúng ta chưa thể làm được như thế này vì lí do này lí do khác, nhưng đây cũng là một mô hình rất hiệu quả để chúng ta tham khảo.