Nội san

FRANZ PETER SCHUBERT (1797-1828) - đại diện đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc

16 Tháng Mười 2007

FRANZ PETER SCHUBERT (1797-1828)

- ĐẠI DIỆN ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN

TRONG ÂM NHẠC

 

                                                                      TSKH. Phạm Lê Hòa

 

  

                              

           

Trong lịch sử âm nhạc thế giới, nhà soạn nhạc người Áo (Austrian) Frank Peter Schubert được coi là người đại diện đầu tiên/người mở đầu của trường phái âm nhạc lãng mạn. Các sáng tác âm nhạc của ông rất phong phú về phương diện loại hình âm nhạc, từ các tiểu phẩm cho piano/các ca khúc trữ tình đến các tác phẩm âm nhạc thính phòng, giao hưởng.

            Frank Peter Schubert là người nhạc sĩ thời trẻ tuổi sống cùng thời với L.V. Beethoven. Hai người đã có một quãng thời gian dài 15 năm sống cùng nhau tại Thủ đô Vienna xinh đẹp của nước Áo. F. Schubert sinh ngày 31 tháng 1 năm 1797 tại Lichtenthal, ngoại ô Vienna trong một gia đình nhà giáo. Môi trường cộng hoà trong những năm tháng tuổi thơ nơi ông sống có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của nhà soạn nhạc thiên tài tương lai. Năng khiếu âm nhạc của F. Schubert đã bộc lộ từ rất sớm qua những bài học âm nhạc. Sinh trưởng trong một gia đình rất yêu nghệ thuật âm nhạc, cậu bé Schubert được gia đình cho học piano, violon, organ và hát. Từ khi còn rất trẻ Schubert đã rất yêu thích và đi sâu vào tìm hiểu nền âm nhạc dân gian đa sắc tộc ở Vienna. Thủ đô Vienna xinh đẹp của nước Áo khi đó được coi là nơi gặp nhau của phương đông và phương tây, của phương nam và phương bắc. Chính vì vậy, ở đây có một nền văn hoá trong đó có âm nhạc của nhiều dân tộc rất phong phú và đa dạng. Nơi đây thường vang lên những âm điệu dân gian của nhiều dân tộc: Áo, Đức, Italia, Xlavia, Ucraina, Séc, Nga .v.v.. Đó cũng chính là lý do trong tác phẩm âm nhạc của F. Schubert thường vang lên những âm điệu có cội nguồn từ âm nhạc dân gian sinh hoạt của thành Vienna, mà nhiều nhất là âm nhạc dân gian Áo - Đức.

            Các thể loại âm nhạc sinh hoạt dân gian thường xuất hiện trong gia đình ông đã mang đến cho ông những tình cảm đặc biệt với âm nhạc dân gian. Đặc biệt trong đó là thể loại ca khúc nghệ thuật, các tiểu phẩm piano cho bốn tay, cải biên các điệu dân vũ.

            Năm năm học tập tại Convinkt (từ 1808 đến 1813) có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng trình độ học vấn của người nhạc sĩ trẻ tuổi và góp phần tạo dựng quan điểm/tư tưởng nghệ thuật của Schubert sau này. Khi tham gia dàn nhạc học sinh và trực tiếp chỉ huy dàn nhạc này trong trường phổ thông, Schubert đã có cơ hội tiếp xúc/làm quen với nhiều tác phẩm âm nhạc xuất sắc của Haydn, Mozart, Beethoven. Và có thể nói, chính nghệ thuật âm nhạc của các bậc thầy nổi tiếng thế giới này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành khuynh hướng/thẩm mỹ nghệ thuật của cậu.

 

 

 

            Năm 1813, Schubert tốt nghiệp trường học ở Convinkt và dưới áp lực mạnh mẽ của truyền thống gia đình cũng như mong muốn của người cha, cậu trở thành thầy giáo dạy các môn cơ sở trong trường học của người cha. Song dạy học không phải là niềm hứng thú với cuộc đời cậu. Lòng đam mê nghệ thuật âm nhạc vẫn luôn cháy bỏng trong tâm trớ người nhạc sĩ tương lai. Và Schubert đã quyết định thôi đi dạy học để dồn toàn bộ sức lực cho lao động sáng tạo nghệ thuật. Đây là một quyết định đầy khó khăn đối với ông, bởi nó trái với truyền thống và niềm hy vọng của các thành viên trong gia đình. Nhưng, có lẽ một trong những phẩm chất vốn có của các thiên tài là sự linh cảm, sự cảm nhận được vị trí của mình trong thế giới xã hội – đó là nơi họ có thể cống hiến hết mình cùng những thành công rực rỡ cho sự nghiệp lao động sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ thiên tài bao giờ cũng sinh ra trong một thời đại nhất định, nhưng không phải bao giờ thời đại đó cũng hiểu họ/không ít khi họ đơn độc như một nhà tiên tri đi trước thời gian, đi trước không gian cùng số phận nghiệt ngã của mình. Và khi đó với người đời và với cả một góc nào đó ở chính họ là sự thiệt thòi/là những khó khăn, vất vả. Nhưng tôi bao giờ cũng nghĩ, đối với một người nghệ sĩ (và có lẽ không chỉ đối với một người nghệ sĩ mà là đối với tất cả mọi người): được dâng hiến sức lực, trí tuệ, tỡnh yờu của cả cuộc đời cho đam mê sáng tạo luôn là cả một niềm hạnh phúc lớn lao.

            Sau khi từ bỏ nghề dạy học, một giai đoạn sáng tác đầy thành công đã tạo dựng một phong cách sáng tạo mang dấu ấn F. Schubert. Tuy sáng tác ở nhiều thể loại âm nhạc khác nhau nhưng mảnh đất riêng của ông chính là sáng tác ca khúc. Ở đó nhạc sĩ sáng tạo một cách đầy hứng khởi và đạt được nhiều thành công rực rỡ, tạo được một dấu ấn riêng độc đáo trong lịch sử âm nhạc thế giới. Nói một cách khác, khi nói đến Schubert là phải nói đến lĩnh vực sáng tác ca khúc. Ông đã sáng tác hơn 600 ca khúc trong cuộc đời ngắn ngủi 31 năm của mình (1797-1828). Trong đó cần phải kể đến là:

            - Tập liên ca khúc “Cô thợ xay xinh đẹp” gồm 20 ca khúc op.25 (1823).

            - “Con đường mùa đông” gồm 24 ca khúc op.89, trên lời của Wilhelm Muler (Wilhelm Mỹller). (1827).

            - “Bài ca chim thiên nga” gồm 14 bài phổ thơ của Hainơ (Heinrich Heine), Renxtap, Giâyđơli.

            - Khoảng 70 ca khúc phổ thơ Goethe.

            - Khoảng 50 ca khúc phổ thơ Schiller.

 

            Một trong những đặc điểm nổi bật ở lĩnh vực sáng tác thanh nhạc của F.Schubert là sự không ngừng mở rộng giới hạn biểu hiện của ca khúc. Các ca khúc trong sự kiến giải của ông bao giờ cũng là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật thanh nhạc và nghệ thuật khí nhạc. Ở Schubert phần đệm piano có một vai trò đặc biệt quan trọng/là thành tố không thể thiếu được khi thể hiện ca khúc: là nền âm thanh mang ý nghĩa to lớn trong việc tạo xúc cảm – tâm lý cho sự tiến hành của giai điệu thanh nhạc. Cách làm này của ông có mối liên hệ với không chỉ nghệ thuật diễn tấu piano, mà với cả nghệ thuật sáng tạo giao hưởng và nhạc kịch của các nhạc sĩ thuộc Trường phái âm nhạc cổ điển Viên. Nói một cách khác, phần đệm piano trong các ca khúc của Schubert có ý nghĩa tương tự như phần đệm của dàn nhạc giao hưởng trong âm nhạc ca kịch của Gluck, Mozart, Haydn Beethoven.

            Khả năng biểu hiện phong phú của phần đệm trong các ca khúc của Schubert luôn chiếm được chú ý cũng sự như đánh giá cao của giới những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp nói chung, giới những người biểu diễn piano trên thế giới nói riêng. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, trong lịch sử âm nhạc thế giới, thế kỷ XVIII và XIX là giai đoạn nghệ thuật piano (trên cả ở 2 lĩnh vực sáng tác và biểu diễn) có những bước tiến dài, khẳng định vị trí nổi bật về khả năng biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc với nhiều nghệ sĩ lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới như F. Chopin, R. Schumann, F. List .v.v…

            Trước khi giai điệu của các ca khúc vang lên, phần dạo đầu của Schubert bao giờ cũng tạo dựng/chuẩn bị một không gian cảm xúc cho người nghe. Và tương tự như vậy, những âm điệu kết bài của phần piano cũng mang ý nghĩa hoàn thiện ý tưởng âm nhạc của một ca khúc. Trong bài “Margarita bên guồng sợi”, hai ô nhịp mở đầu tạo dựng một trạng thái buồn man mác và sự mô phỏng những âm thanh của guồng sợi:

 

                                                             ' Margarita bên guồng sợi'  

 

  

 

 

Còn trong bài “Chúa rừng” là một không khí căng thẳng chứa đựng sự đe doạ:

 

                                                                               “Chúa rừng”

 

           

Còn trong “Xerenata” (còn gọi là Khúc nhạc chiều) thì phần mở đầu lại đưa đến với người nghe những âm thanh quen thuộc của cây đàn ghita: 

                                                                                      Xerenata

      

 

            Một đặc điểm cần chú ý trong toàn bộ các sáng tạo âm nhạc của ông là tính ca xướng/ca khúc ngay cả ở các tác phẩm khí nhạc. Trong khoảng thời gian 15 năm (từ 1813 đến 1828) Schubert đã sáng tác tất cả 9 bản giao hưởng. Trong số đó, Bản giao hưởng số 1 giọng Rê trưởng (1813), Bản giao hưởng số 4 “Bi thương” giọng đô thứ (1816), Bản giao hưởng số 7 (còn chưa viết xong) (1821), Bản giao hưởng số 8 giọng xi thứ “Chưa hoàn thành” (1822).

            Nếu như 7 bản giao hưởng đầu tiên của Frank Peter Schubert còn chịu nhiều ảnh hưởng phong cách sáng tạo của các nhạc sĩ thuộc Trường phái âm nhạc Cổ điển Viên, thì Bản giao hưởng số 8 “Chưa hoàn thành” (Unfinished) lại là dấu ấn về sự hình thành một chủ nghĩa mới trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc: chủ nghĩa lãng mạn. Kế thừa những giá trị cơ bản của giao hưởng Beethoven: sự nghiêm khắc, tính kịch và sự sâu sắc của thế giới cảm xúc, lần đầu tiên tính trữ tình – ca xướng đầy chất lãng mạn trở thành cương lĩnh của một tác phẩm âm nhạc giao hưởng. Những hình tượng nghệ thuật trữ tình mới được biểu hiện không phải bằng ngôn ngữ âm nhạc, hình thức âm nhạc truyền thống. Ngay tên gọi Bản giao hưởng “chưa hoàn thành” sinh ra bởi cấu trúc tác phẩm chỉ gồm 2 chương, trong khi theo khuôn mẫu truyền thống thì một Bản giao thường thường gồm từ 3 đến 4 chương. Song dưới góc nhìn logic của kiến giải một hình tượng nghệ thuật: Bản giao hưởng “Chưa hoàn thành” lại thực sự là một tác phẩm hoàn chỉnh về phương diện tư duy nghệ thuật âm nhạc.

            Ngay từ những âm thanh đầu tiên của Chương I, người nghe đã đắm chìm trong không gian của những cảm xúc lãng mạn. Đó là những âm thanh do 2 bè violoncello đi đồng âm ở âm khu thấp:

 

           

   Rồi trên nền âm thanh rực rỡ như phần mở đầu của các ca khúc trữ tình là sự xuất hiện của chủ đề chính của chương nhạc:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  

           Sau chủ đề chính là sự xuất hiện của chủ đề phụ qua diễn tấu của bè violoncelle. Chủ đề này có mối liên hệ với những bài hát sinh hoạt của thành phố Vienna qua nhiều chi tiết: giai điệu được vang lên trên một âm hình của phần đệm có sự đảo phách và sự đối xứng về cấu trúc theo sơ đồ ABBA.

 

          

 Chương II Andante con moto thực sự là những suy tư đầy chất thơ. Âm nhạc trong sáng, nhiều chỗ mang sắc thái anh hùng ca. Chương II dường như sinh ra để cân bằng với không khí lo âu và nỗi buồn của chương I. Chương Andante con moto được viết ở hình thức Sonate không có phần phát triển với 2 chủ đề (chủ đề chính và chủ đề phụ). Chủ đề chính ở đây mang tính chất du dương được trình bày trong một cấu trúc 3 phần có phần kết.

 

 

 

           

Chủ đề phụ gần gũi với chủ đề chính về phương diện âm điệu:

 

 

 

 

          

 

 Bản giao hưởng “Chưa hoàn thành” của F. Schubert là một trong những tác phẩm kinh điển của kho tàng âm nhạc thế giới.

            Các sáng tác giai đoạn cuối đời của Schubert thể hiện rất rõ mối quan hệ với những khó khăn, những bóng tối luôn bao quanh cuộc đời người nghệ sĩ. Trong nhiều tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn này chúng ta thường thấy vang lên những chủ đề âm nhạc đầy sức mạnh cháy bỏng và đậm chất bi thương: Tứ tấu giọng rê thứ (1824-1826), Liên khúc “Con đường mùa đông” (1827) và nhiều ca khúc phổ thơ của Hainơ.

            Vào cuối đời, năm 1827, các sáng tác của F. Schubert nhận được sự đánh giá cao của L.V. Beethoven. Beethoven cũng bày tỏ mong muốn được nghe các tác phẩm khác của Schubert. Nhưng khi Schubert mạnh dạn đến gặp người nhạc sĩ vĩ đại thì ông đã qua đời.

            Là người nhạc sĩ sống cùng thời với L.V. Beethoven tại Vienna, nhưng sứ mệnh lịch sử của F. Schubert L.V. Beethoven lại khác nhau. Nếu như L.V. Beethoven là người nhạc sĩ cuối cùng/người hoàn thiện Chủ nghĩa âm nhạc Cổ điển Viên, thì F. Schubert lại là nhà soạn nhạc đầu tiên/người mở đầu của Trường phái âm nhạc lãng mạn Tây Âu. Khi L.V. Beethoven sáng tác Bản giao hưởng số 9 giọng Rê - thứ (d-moll) (1822-1824) bất hủ cho di sản nghệ thuật âm nhạc thế giới, thì F. Schubert tìm đến với thể loại ca khúc/với những liên khúc 'Cô thợ xay xinh đẹp' (1823) và 'Con đường mùa đông' (1827).

            Bên cạnh sự kiện trên, khi nói về những ngày cuối cuộc đời của F. Schubert người  ta cũng thường nhắc đến một sự kiện khác nữa. Đó là Đêm tác giả lần đầu tiên được tổ chức rất thành công của F. Schubert vào tháng 3 năm 1828 tại Vienna. Từ sau đêm nhạc đó, tên tuổi của Schubert được cả thành Vienna nói đến như một trong những sự kiện lớn nhất của Thủ đô âm nhạc này. Nhưng như một định mệnh, cũng chỉ sau đó ít tháng, người nhạc sĩ vĩ đại của lịch sử âm nhạc thế giới  Frank Peter Schubert đã qua đời tại Vienna vào ngày 19 tháng 11 năm 1828.  

 

 

  

Mộ phần của F. Schubert tại Zentralfriedhof (Zentralfriedhof), Vienna. 

 

 

NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH CỦA F. SCHUBERT

 

I. Ca khúc (hơn 600):

1. Liên khúc 'Cô thợ xay xinh đẹp' gồm 20 ca khúc, op. 25 (1823).

2. Liên khúc 'Con đường mùa đông' gồm 24 ca khúc trên lời thơ của Muller, op. 89 (1827).

3. Liên khúc “Bài ca chim thiên nga” gồm 14 bài phổ thơ của Hainơ (Heinrich Heine), Renxtap, Giâyđơli.

4. Khoảng 70 ca khúc phổ thơ Goethe.

5. Khoảng 50 ca khúc phổ thơ Schiller.

II. Các bản giao hưởng:

1.    Bản giao hưởng số 1 giọng Rê trưởng (D-dur) năm 1813.

2.    Bản giao hưởng số 2 giọng Xi giáng trưởng (B-dur) năm 1815.

3.    Bản giao hưởng số 3 giọng Rê trưởng (D-dur) năm 1815.

4.    Bản giao hưởng số 4 'Bi thương' giọng đô thứ (c-moll) năm 1816.

5.    Bản giao hưởng số 5 giọng Xi giáng trưởng (B-dur) năm 1816.

6.    Bản giao hưởng số 6 giọng Đô trưởng (C-dur) năm 1816.

7.    Bản giao hưởng số 7 giọng Mi trưởng (E-dur) năm 1821.

8.    Bản giao hưởng số 8 'Chưa hoàn thành' (Unfinished) giọng Rê trưởng (D-dur) năm 1822.

9.    Bản giao hưởng số 9 giọng Đô trưởng (C-dur) năm 1828.

III. Các thể loại khác:

1.    Tứ tấu thính phòng (tất cả có 22 tác phẩm). Trong số đó:

- Tứ tấu giọng Xi giáng trưởng (B-dur) op. 168 sáng tác năm 1814;

- Tứ tấu giọng sol thứ (g-moll) sáng tác năm 1815;

- Tứ tấu giọng la thứ (a-moll) op. 29 sáng tác năm 1824;

- Tứ tấu giọng rê thứ (d-moll) sáng tác từ năm 1824 đến 1826;

- Tứ tấu giọng Sol trưởng (G-dur) sáng tác năm 1826.

2.    Hoà tấu thính phòng (có hơn 40 tác phẩm). Trong số đó:

- Ngũ tấu 'Con cá măng' op. 114 sáng tác năm 1819;

- Ngũ tấu dây giọng Đô trưởng (C-dur) op. 163 sáng tác năm 1828;

- Tam tấu piano giọng Xi giáng trưởng (B-dur) op. 99 sáng tác năm 1827;

- Fantasie cho violon và piano giọng Đô trưởng (C-dur) op. 159 sáng tác năm 1827.

3.    Sonata piano (tất cả có 22 tác phẩm). Trong số đó có:

- Sonata giọng La trưởng (A-dur) op. 120 sáng tác năm 1819.

- Sonata giọng La thứ (a-moll) op. 143 sáng tác năm 1823.

- Sonata giọng La thứ (a-moll) op. 42 sáng tác năm 1825.

- Sonata giọng Sol trưởng (G-dur) op. 78 sáng tác năm 1826.

4.    Âm nhạc cho hợp xướng và hợp ca (tất cả có hơn 100 tác phẩm). Trong đó có:

- Messa La giáng trưởng (As-dur) sáng tác năm 1822.

- Messa Mi giáng trưởng (Es-Dur) sáng tác năm 1828.

5.    Âm nhạc cho sân khấu (18 tác phẩm).