KHƠI DẬY NIỀM ĐAM MÊ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TRONG SINH VIÊN TRƯỜNG ĐHSP NGHỆ THUẬT T.W
Thực trạng phổ biến hiện nay ở Việt Nam là rất nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm do thiếu các kỹ năng nghề nghiệp. Vấn đề lớn đặt ra đối với những người tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo là làm thế nào để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc theo đúng chuyên môn đã được đào tạo. Thiết nghĩ, tăng cường phát triển công tác nghiên cứu khoa học cho sinh viên là một trong những giải pháp tốt để giải quyết vấn đề này.
Toàn nhân loại đang bước sang kỷ nguyên mới với sự biến đổi mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu thế toàn cầu hóa một mặt mang lại nhiều thuận lợi cho các quốc gia như mở rộng nguồn nhân lực và hội nhập, tạo điều kiện cho các nước xích lại gần nhau hơn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Mặt khác, toàn cầu hóa cũng đặt ra thách thức lớn đối với mỗi quốc gia: đỏi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chỉ có nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế, gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới. Mục tiêu và chiến lược giáo dục mà thế giới đang hướng tới là đào tạo gắn liền với việc làm. Người sinh viên tốt nghiệp cần phải có năng lực thực sự để có thể đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Thực trạng phổ biến hiện nay ở Việt Nam là rất nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm do thiếu các kỹ năng nghề nghiệp. Vấn đề lớn đặt ra đối với những người tham gia vào quá trình giáo dục và đào tạo là làm thế nào để sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc theo đúng chuyên môn đã được đào tạo. Thiết nghĩ, tăng cường phát triển công tác nghiên cứu khoa học cho sinh viên là một trong những giải pháp tốt để giải quyết vấn đề này.
Bản chất của nghiên cứu khoa học “là hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học nhằm nhận thức thế giới, tạo ra hệ thống tri thức có giá trị để sử dụng vào cải tạo thế giới” (2). Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học là hoạt động nhận thức, là quá trình học tập góp phần hỗ trợ cho quá trình đào tạo nhằm biến quá trình được đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nghiên cứu khoa học của sinh viên không nhất thiết là phải phát hiện ra những vấn đề hoàn toàn mới mà có thể là trên cơ sở các vấn đề đã có sẵn sinh viên tiến hành tìm cách ứng dụng một cách có hiệu quả vào thực tiễn.
1. Vì sao sinh viên cần nghiên cứu khoa học?
Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên mang nhiều mục đích khác nhau song đều nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trước hết tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho sinh viên có cơ hội nâng cao kiến thức, củng cố và hiểu biết sâu hơn về các vấn đề lý thuyết trong chương trình đào tạo. Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đòi hỏi sinh viên phải chủ động tìm các nguồn tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu và học cách đọc, tổng hợp, phân tích, sàng lọc thông tin cần thiết. Điều này khiến cho người sinh viên chủ động hơn, năng động hơn và sáng tạo hơn trong quá trình lĩnh hội tri thức. Nói cách khác, chính nghiên cứu khoa học hình thành kỹ năng và thói quen tìm kiếm thông tin cho sinh viên để giúp họ có khả năng tự học, học suốt đời.
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có thể được thực hiện theo nhóm. Làm việc theo nhóm sẽ tạo cơ hội tốt cho sinh viên trao đổi ý tưởng, phát triển khả năng lập luận, thương lượng, đàm phán để đi đến ý tưởng thống nhất chung. Cũng thông qua hình thức nghiên cứu theo nhóm như vậy sẽ giúp sinh viên hình thành kỹ năng hợp tác. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi sinh viên phải có tinh thần làm việc tập thể, có ý thức kỷ luật và ý thức trách nhiệm tốt, có khả năng phân công công việc một cách công bằng nhằm đạt được mục đích chung. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp ích cho sinh viên rất nhiều trong công việc sau này.
Thành công trong nghiên cứu khoa học mang lại niềm vui lớn cho sinh viên, tạo động lực cho sinh viên ngày càng hăng say học tập, nghiên cứu để tìm ra cái mới. Thất bại trong nghiên cứu khoa học tạo cơ hội cho sinh viên nhìn nhận lại mọi vấn đề, tự phân tích đánh giá rút kinh nghiệm để tiến tới một kết quả tốt đẹp hơn. Nghiên cứu khoa học còn góp phần hình thành và duy trì những đức tính tốt cho sinh viên như tính cần cù, ham học hỏi, ý chí phấn đấu vươn lên, giúp họ tự rèn luyện mình trở thành những người công dân có thể đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội để có thể tham gia đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
2. Thực trạng nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam hiện nay.
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các trường đại học ở nước ta ngµy cµng được chú trọng. Điều này tạo cơ hội cho các bạn trẻ có được những bước đi vững chắc vào con đường khoa học để đạt đến đỉnh cao của tri thức.
Theo tổng kết của các trường đại học thì số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng. Mỗi năm nước ta có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học được hoàn thành với sự tham gia của sinh viên các trường cao đẳng, đại học và các học viện, góp phần to lớn vào sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Nhiều giải thưởng đã được trao cho sinh viên như: giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” (được thành lập vào năm 1990), giải thưởng “Trí tuệ Việt Nam”.v v.. Một con số đáng lưu ý nữa là từ năm 1990 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao 3.993 giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” với mục đích bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ, giúp sinh viên làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp tự học, tự nghiên cứu nhằm chuẩn bị hành trang vững vàng cho sinh viên bước vào môi trường công việc sau này. Tất cả những điều đó cho thấy nghiên cứu khoa học giờ đây đã thực sự trở thành công việc cần thiết đối với sinh viên.
Tuy vậy, bên cạnh những điểm tích cực của công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, còn tồn tại những vấn đề cần sớm được giải quyết. Theo tổng kết của nhiều hội nghị nghiên cứu khoa học ở các trường đại học thì số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đăng ký luôn cao hơn nhiều so với số lượng đề tài được hoàn thành. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều phía. Thứ nhất, phần đông do sinh viên chưa biết cách thu xếp thời gian nghiên cứu và học tập hợp lý. Nhiều sinh viên đăng ký thực hiện đề tài nhưng chưa có thái độ đúng đắn về công tác nghiên cứu khoa học. Tình trạng phổ biến là sinh viên “chờ nước đến chân mới nhảy” và nhiều khi không kịp nữa thì bỏ dở đề tài. Thứ hai, vốn kiến thức hạn hẹp cũng gây cản trở không nhỏ cho sinh viên trong quá trình thực hiện đề tài. Trong nghiên cứu khoa học không phải cứ có ý tưởng hay là sẽ dẫn đến thành công mà đó mới chỉ là bước đi ban đầu. Hơn nữa, tâm lý phổ biến của sinh viên khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học là chỉ muốn chiến thắng, luôn sợ thất bại. Nhiều sinh viên không nhận thức được rằng khi tham gia nghiên cứu khoa học dù không đoạt giải thưởng nhưng cũng mang lại cho sinh viên nhiều điều bổ ích: tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, thầy cô, từ đó có những bước đi vững vàng hơn trong những đề tài nghiên cứu tiếp theo. Mặc dù số lượng công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên hàng năm đều tăng và có một số công trình nghiên cứu đã được ứng dụng thành công vào thực tiễn sản xuất song chưa nhiều. Phần lớn các công trình đều dừng lại ở mức độ là đăng trên báo hay tạp chí khoa học. Lý do là vì phần lớn các công trình nghiên cứu thiếu tính thực tiễn nên khi hoàn thành rất khó đưa vào ứng dụng.
3. Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW hiện nay.
Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thành lập ngày 26 tháng 5 năm 2006. Hiện nay thầy và trò trong nhà trường đang cùng nhau nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt để nâng cao chất lượng đào tạo xứng đáng với tầm của một trường đại học. Nhà trường luôn ý thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Điều đáng ghi nhận là công tác nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên đang phát triển rộng khắp trong toàn trường. Hội nghị nghiệm thu nghiên cứu khoa học được tổ chức hàng năm với số lượng danh mục đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và cấp bộ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Sự chuyển biến tích cực đó rõ ràng sẽ có ảnh hưởng tốt tới công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên trong nhà trường hiện nay đang cần sự quan tâm, khích lệ rất lớn từ phía lãnh đạo và các thầy cô giáo. Khi còn là trường Cao đẳng sư phạm Nhạc - Họa Trung ương, sinh viên trong trường theo quy chế không phải làm khóa luận tốt nghiệp. Công tác kiểm tra đánh giá sinh viên hiện nay trong nhà trường chủ yếu vẫn là hình thức làm bài kiểm tra, chưa có nhiều tổ bộ môn áp dụng đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua hình thức làm bài tập tiểu luận thay cho bài kiểm tra học phần. Chính thực tế đó khiến cho sinh viên hầu như không có cơ hội tập dượt làm nghiên cứu khoa học. Hiện nay nhà trường đang nỗ lực thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên trở nên lớn mạnh hơn để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
4. Cần làm gì để khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên?
Trong công tác nghiên cứu khoa học, niềm đam mê khoa học là cần thiết, giúp cho người nghiên cứu không bỏ cuộc. Để khơi gợi niềm đam mê từ phía học sinh, người thầy cần nỗ lực để thay đổi phương pháp giảng dạy – lấy người học làm trung tâm nhằm dần hình thành ý thức học tập chủ động, tự giác cho sinh viên. Các giờ học cần phải sinh động với những nội dung học tập hẫp dẫn, gần gũi với thực tế cuộc sống nhằm gây hứng thú cho sinh viên. Trong quá trình truyền thụ kiến thức người thầy cần chỉ ra những điều hay, lý thú của môn học đồng thời đưa ra những vấn đề gợi mở để kích thích trí tò mò, óc sáng tạo của sinh viên. Chính những vấn đề gợi mở ấy tạo động lực cho sinh viên tìm cách khám phá ngoài giờ học trên lớp, đó chính là những viên gạch đầu tiên cho những đề tài nghiên cứu thiết thực. Ngoài ra, sinh viên cần được dạy cách tư duy khoa học, và các kỹ năng cần thiết cho nghiên cứu khoa học như thu thập tài liệu và xử lý dữ liệu, phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Để khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên đòi hỏi mỗi người giảng viên phải luôn phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm của mình: giảng dạy kết hợp với nghiên cứu khoa học. Muốn sinh viên nghiên cứu khoa học trước hết thầy phải là người luôn tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài báo cho các tạp chí, hội thảo khoa học. Thầy cần phải có vốn kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng nghiên cứu khoa học tốt mới có khả năng giải đáp những thắc mắc của sinh viên trong quá trình nghiên cứu.
Để khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học nhà trường cần thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học cho sinh viên tham gia, các cuộc thi nghiên cứu khoa học giữa các sinh viên trong trường.
Những điều kiện thuận lợi về kinh phí cũng như cơ sở vật chất bao gồm các nguồn tìm kiếm tài liệu như: thư viện, mạng Internet,...cũng là một yếu tố cần thiết giúp các em sinh viên luôn giữ được niềm say mê đối với khoa học và đạt được những kết quả tốt đẹp trong quá trình nghiên cứu.
Tóm lại, công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên là nguồn tài sản vô giá đối với mỗi quốc gia, đóng góp to lớn vào sự phát triển đất nước. Để chất lượng của công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng được nâng cao, chúng ta cần phải khơi dậy trong các em niềm đam mê khoa học bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Nguyễn Thanh Dung
( Tổ Ngoại ngữ)
* Tài liệu tham khảo:
1. Lê Đức Ngọc, Giáo dục đại học: Phương pháp dạy và học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005.
2. Phạm Viết Vượng, Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
3. Tạp chí Giáo dục số 167, kỳ 1 - 7, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2007.