Hoàng Thị Hiếu [*]
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa, hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở, xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống đến xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa, làng, tổ dân phố văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa. Nhận thức sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về văn hóa, trong những năm qua quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng và phát triển phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở, phát huy vai trò đại đoàn kết toàn dân.
Phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa đã tạo nên sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong nhân dân, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, trở thành một nét đẹp trong đời sống xã hội, tạo động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận trong nhiều năm qua.
Với nhiều biện pháp được triển khai đồng bộ, kinh tế của các tổ dân phố văn hoá bước đầu có sự tăng trưởng khá. Đến nay, ở các tổ dân phố đạt danh hiệu tổ dân phố văn hoá, số hộ nghèo giảm, số hộ khá và giàu tăng. Toàn quận có 708 lượt dự án được vay vốn với số tiền trên 27 tỷ đồng, giúp 1.059 hộ thoát nghèo. Ở các tổ dân phố văn hóa, có từ 80% hộ gia đình trở lên có đời sống kinh tế ổn định, nhiều gia đình khá, giàu, hộ nghèo giảm còn 1,4%, không còn hộ đói. Trên 80% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, thu nhập bình quân chung đầu người của toàn quận cao hơn mức bình quân chung của thành phố. Các phong trào huy động vốn giúp người nghèo, vay vốn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế được các tổ dân phố văn hóa triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.
Cùng với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền cùng với sự tích cực đóng góp của các tầng lớp nhân dân, hệ thống thiết chế văn hoá thông tin từ quận đến cơ sở từng bước được phát triển. Toàn quận đã xây dựng được 14 nhà văn hóa tổ dân phố, 4 nhà văn hóa phường. Ở những nơi không có nhà văn hoá, uỷ ban nhân dân các phường, các trường học, cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức các sinh hoạt cộng đồng tại hội trường của cơ quan, đơn vị. Hoạt động của hệ thống nhà văn hoá tổ dân phố, phường từng bước đi vào nề nếp, hiệu quả phục vụ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá cho nhân dân. Các tổ dân phố văn hóa duy trì 98 mô hình câu lạc bộ, đội văn hoá, văn nghệ, thể thao với gần 3.000 hội viên sinh hoạt. Tại các tổ dân phố phát động xây dựng tổ dân phố văn hóa, các hộ gia đình, các tầng lớp nhân dân chủ động triển khai thực hiện quy ước tổ dân phố nên quá trình xây dựng nếp sống văn minh và thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội ngày một chuyển biến, tiến bộ hơn trước, các phong tục, tập quán cũ lạc hậu và các tệ nạn xã hội, trong đó tệ nạn mê tín dị đoan dần bị loại bỏ. Đồng thời, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân các tổ dân phố văn hóa được quan tâm. Các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh được nhân dân quan tâm đầu tư kinh phí giữ gìn và trùng tu nâng cấp, các giá trị văn hoá truyền thống, các loại hình văn hoá, nghệ thuật, trò chơi dân gian tại các phường từng bước được khôi phục, bảo lưu và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của địa phương, làm phong phú hơn đời sống văn hoá tinh thần tại cơ sở. Các thuần phong mỹ tục truyền thống được phục hồi, tình đoàn kết trong các tổ dân phố được tăng cường và phát huy tình tương thân, tương ái giúp nhau trong hoạn nạn, khó khăn, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.
Tại các tổ dân phố đã phát động xây dựng tổ dân phố văn hóa, nhân dân bước đầu có ý thức về xây dựng đô thị văn minh, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không làm mất mỹ quan đô thị. Ý thức của nhân dân về bảo vệ môi trường sống dần được nâng lên, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhà ở khu dân cư và các công trình công cộng được xây dựng theo quy hoạch, đúng quy định pháp luật về xây dựng, kiến trúc hài hòa cảnh quan đô thị. Thực hiện chủ trương của thành phố về xây dựng, chỉnh trang không gian đô thị, mở rộng đường, cải tạo các ngõ phố, khu phố, ở các tổ dân phố văn hóa đã có nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, tự nguyện di dời tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc của gia đình để phục vụ mục tiêu chung của thành phố cũng như của quận. Hệ thống thoát nước thải, các điểm xử lý và thu gom rác thải tại các tổ dân phố được quy hoạch, xây dựng khoa học, khắc phục những bất hợp lý và không khoa học trước đây, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhân dân các tổ dân phố văn hóa trên địa bàn quận Hồng Bàng cơ bản chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, thực hiện nghiêm túc đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 90% số hộ gia đình tại các tổ dân phố được phổ biến và nghiêm túc các quy định của địa phương. Cùng với việc phát động xây dựng tổ dân phố, gia đình văn hóa, công tác hòa giải tại địa phương được thực hiện nhiều và có hiệu quả hơn. Hầu hết các vụ việc xích mích, mất đoàn kết nội bộ nhân dân đã được các tổ chức hoà giải, các đoàn thể giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở. Nhiều mô hình tổ dân phố tiêu biểu thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được xây dựng, duy trì và nhân rộng. Toàn quận có 452/876 tổ dân phố đạt tiêu chuẩn “5 không” (không có hộ đói nghèo, không trẻ em thất học, không người sinh con thứ ba, không tệ nạn xã hội, không có hộ nợ đọng thuế và các nghĩa vụ khác với nhà nước). Bên cạnh đó, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các tổ dân phố được đảm bảo, những kiến nghị, bức xúc của người dân được giải quyết kịp thời tại cơ sở, không có khiếu kiện đông người, phức tạp tại các tổ dân phố văn hóa.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào xây dựng tổ dân phố, quận Hồng Bàng cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vận động sâu rộng của Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, thực hiện kế hoạch xây dựng và thực hiện quy ước tổ dân phố văn hóa phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn quận, đặc biệt là ở cấp phường. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hoá để nâng cao nhận thức về văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn. Đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng tập huấn những kiến thức cơ bản về xây dựng tổ dân phố văn hoá cho đội ngũ tổ trưởng tổ dân phố và ban vận động xây dựng tổ dân phố văn hoá; các tiêu chí xây dựng và xét duyệt công nhận tổ dân phố văn hoá; cách thức duy trì, nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hoá; các mô hình xã hội hoá hoạt động văn hoá; các phương pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố văn hoá. Thường xuyên tổ chức các đợt giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm cho các tổ trưởng tổ dân phố.
Xây dựng tổ dân phố văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Hồng Bàng. Phong trào góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, phát huy quyền dân chủ của các tổ chức, mỗi thành viên, mỗi gia đình của tổ dân phố, tạo động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện nhiệm vụ chính trị của quận trong nhiều năm qua.
Tài liệu tham khảo
- Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Hồng Bàng đến năm 2020.
- Trần Văn Bính (Chủ biên) (1998), Văn hóa trong quá trình đô thị hóa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Mạc Đường (2016), Môi trường văn hóa đô thị hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội.
- Lịch sử Đảng bộ quận Hồng Bàng (2016), Nxb Hải Phòng.
- Nguyễn Xuân Quang (2016), Luận cứ khoa học để xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nxb Hà Nội.
----------------------------------------------------
[*] Lớp Cao học K5 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa