Nội san

Tổ khúc giao hưởng "Non sông một dải" của nhạc sĩ Nguyễn Xinh

21 Tháng Tám 2008

 TSKH. Phạm Lê Hòa


 

 

Với một dân tộc phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt như dân tộc ta, ngày chiến thắng có một ý nghĩa vô cùng lớn lao và trọng đại. Và ngày chiến thắng càng gây được một ấn tượng mạnh trong mỗi con người khi chiến thắng đó là một chiến thắng mang tầm vóc lịch sử không chỉ của một dân tộc, khi chiến thắng đó giành được một cách vẻ vang sau gần một thế kỷ Tổ quốc ta bị quân xâm lược giày xéo. Ngày toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 là một trong những ngày như thế. Nó khẳng định chân lý mà Hồ Chủ Tịch đã nói:

 

Nước Việt Nam là một

Dân tộc Việt Nam là một

Sông có thể cạn

Núi có thể mòn

Song chân lý đó không bao giờ thay đổi.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Xinh lúc đó đang được theo học tại Trường Đại học Sư phạm âm nhạc quốc gia Mátxcơva mang tên Gnhexin (Liên Xô). Tin vui chiến thắng từ Việt Nam đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, làm dấy trong anh những xúc cảm mãnh liệt về một Tổ quốc thống nhất. Và thế là những âm hưởng đầu tiên của tổ khúc giao hưởng Non sông một dải đã được ra đời.

Buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội

 

Đây là một tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng không lớn lắm gồm 3 phần với các tiêu đề riêng khác nhau. Phần một có tiêu đề: Ngày hội, phần 2: Nhớ lại và phần thứ ba: Ngày đoàn tụ. Mỗi phần đều được nhạc sĩ Nguyễn Xinh lấy nguyên một bài dân ca Việt Nam để làm chất liệu phát triển âm nhạc. Cách làm này đã tạo cho âm nhạc của tác phẩm viết cho Dàn nhạc giao hưởng diễn tấu những âm hưởng mang đậm chất dân gian. Ngoài ra, cũng như hầu hết các sáng tác giao hưởng sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, thủ pháp phát triển mang tính biến tấu được quán triệt trong toàn tổ khúc giao hưởng Non sông một dải. Nhất là trong trường hợp này, khi mà tác giả sử dụng chất liệu dân gian theo kiểu lấy nguyên cả một tác phẩm.

Ở đây cũng cần nói thêm, Nguyễn Xinh là một trong những nhạc sỹ tài năng của sáng tác khí nhạc Việt Nam nói riêng, của nền âm nhạc Việt Nam nói chung. Không chỉ là nhạc sỹ sáng tác, Nguyễn Xinh còn nổi tiếng trong và ngoài nước với những công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực lý luận âm nhạc. Anh là một trong những giảng viên lý luận âm nhạc uyên bác và có uy tín nhất Việt Nam trong nhiều năm của Nhạc viện Quốc gia Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Cho đến hôm nay, đã hơn 12 năm kể từ khi nhạc sỹ đã về cõi vĩnh hằng (năm 1996), hình ảnh của một người thày vui tính/hài hước/bách khoa về phương diện trí tuệ luôn hiện hữu trong mỗi người học trò, đồng nghiệp và bạn bè. Có thể nói, sáng tác luôn là nơi PGS.TS. Nguyễn Xinh tìm tòi/thể nghiệm những nghiên cứu của mình về nghệ thuật âm nhạc Việt Nam.

Trên tiêu đề Ngày hội, phần 1 của tác phẩm Non sông một dải được bắt đầu bằng nhịp độ Allegro ở sắc thái forte mang rất rõ tính chất của Phần mở đầu. Ở đây chúng ta thấy xuất hiện hầu hết các nhạc cụ trong dàn nhạc với những âm hưởng được phối khí theo phong cách hiện đại cùng sự xử lý khá chi tiết về phương diện âm lượng. Tiếp đó bắt vào tiếng kèn trompét có lắp xuốc đin diễn tấu Trèo lên quán dốc (dân ca quan họ Bắc Ninh) trên phần đệm của một số nhạc cụ trong dàn nhạc. Trong đoạn nhạc tiếp theo là sự phát triển liên tục của những mô-típ âm nhạc lấy ra từbài Trèo lên quán dốc. Một điều cần chú ý ở đây là những thủ pháp hoà âm cũng như phối khí của Nguyễn Xinh để tạo sao cho bằng những nhạc cụ vốn là truyền thống của âm nhạc châu Âu vẫn có thể diễn tấu, có thể thể hiện được những làn điệu vốn đậm màu sắc dân gian Việt Nam. Vì như chúng ta đã biết, những âm điệu dân gian truyền thống Việt Nam hoàn toàn không phải “chính xác” như những âm thuộc hệ âm điều hoà của A. Vécmaixtơ và I. Bách. Dàn nhạc giao hưởng lại là dàn nhạc diễn tấu theo các âm của hệ âm điều hoà. Vì vậy, trong sáng tác của mình, Nguyễn Xinh đã cấu tạo nhiều 'chồng âm nghịch' (như cách gọi của âm nhạc cổ điển châu Âu), tạo dựng cho người nghe những âm hưởng có phần nào gần với những âm điệu dân tộc như đã nói ở trên.

Ngoài ra, để tăng cường cho không khí của một ngày hội dân tộc, tác giả tổ khúc giao hưởng cũng rất chú ý đến việc sử dụng một bộ gõ khá phong phú. Từ các nhạc cụ gõcó cao độ như timpani, silôfôn đến các nhạc cụ gõ không có cao độ xác định như triangolo, tamburino, piatti, cassa v.v...

Đứng về phương diện cấu trúc, phần thứ nhất của Tổ khúc giao hưởng Non sông một dải có cấu trúc khá tự do. Từ những âm điệu của bài dân ca quan họ Trèo lên quán dốc là sự phát triển liên tục của âm nhạc theo kiểu biến tấu. Ngoài ra, nhạc sĩ Nguyễn Xinh cũng sử dụng trong phần nhạc này, tuy không nhiều lắm chất liệu của một ca khúc thường được nhiều người coi như của dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ơi, người ở đừng về1. Chất ngày hội vốn có của Lý cây đa cùng với chất thiết tha tình cảm của Người ơi, người ở đừng về tạo cho âm nhạc thêm phong phú về phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc. Có thể thấy: toàn phần thứ nhất này, nhạc sĩ Nguyễn Xinh đã đem đến cho người nghe một bức tranh khá đặc sắc của ngày hội dân gian truyền thống Việt Nam.

 Allegro

 

Nếu như trong phần 1, tác giả sử dụng âm điệu bài dân ca quan họ Bắc Ninh Trèo lên quán dốc và bài Người ơi, người ở đừng về, thì trong phần 2 tác giả lại khai thác chất liệu từ một bài dân ca quen thuộc của miền Trung: Lý chiều chiều. Giai điệu của bài được diễn tấu ở nhịp độ chậm (Andante) rất phù hợp với tiêu đề Hồi tưởng của phần nhạc. Bản thân bài dân ca đã phản ánh rất rõ sự nhớ thương, nỗi lòng yêu mến của tình yêu đôi lứa. Nhưng ở đây, thông qua ngôn ngữ của dàn nhạc giao hưởng, Nguyễn Xinh muốn khái quát lên trong một tầm mức cao hơn: sự nhớ lại của không chỉ một con người về một con người trong một sự việc, mà ở đây là sự nhớ lại tất cả những mất mát, những hy sinh không thể kể xiết của bao thế hệ con người Việt Nam cho ngày chiến thắng hôm nay. Mọi chiến thắng bao giờ cũng có giá của nó. Nhớ lại quá khứ để con người thêm tin yêu trong cuộc sống hiện tại, để sống xứng đáng với những quá khứ liệt oanh của dân tộc.

Trong phần hồi tưởng này, âm hưởng của bài dân ca miền Trung Lý chiều chiều được bắt ngay vào qua âm sắc của cây kèn hautbois trên nền đệm của kèn clarinette. Rồi những âm điệu thiết tha của bài dân ca được nhắc đi nhắc lại trong sự phát triển liên tục của toàn dàn nhạc về nhiều phương diện: lực độ, sắc thái, phối khí, hoà âm v.v... để tăng thêm khả năng biểu hiện của ngôn ngữ âm nhạc, để khai thác đầy đủ hơn từ mọi góc cạnh những nghĩ suy về những năm tháng không thể quên được trong lịch sử một dân tộc đã phải trải qua quá nhiều đau thương và vất vả của những cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương. Chính vì vậy, nhạc sĩ Nguyễn Xinh đã xây dựng phần nhạc trong một cấu trúc 3 phần có tái hiện. Nếu như phần đầu tựa như những âm điệu gợi nhớ lại và qua đólà những cảm xúc mang đậm chất suy tư, thì phần giữa lại gợi nhớ những năm tháng chiến đấu anh dũng của cả một dân tộc. Nếu như trong phần đầu chúng ta thấy nhạc sĩ Nguyễn Xinh chỉ khai thác âm điệu dân gian trên một âm lượng nhỏ (piano) thì sang phần giữa anh lại triệt để khai thác hầu hết tất cả khả năng thể hiện sắc thái của dàn nhạc, từ forte đến fortissimo và hơn thế nữa. Còn trong phần tái hiện, chúng ta sẽ lại thấy vang lên những âm hưởng của bài dân ca nói trên, nhưng ở đây những âm thanh đó vang lên một cách “mờ” hơn tạo cho người nghe một cảm giác rất rõ: đó là quá khứ, dù là những gì đó cũng là năm tháng đã qua mà con người hôm nay phải nhớ mãi. Và trong phần tái hiện này chúng ta cũng thấy rất rõ ý đồ chuẩn bị cho sự xuất hiện của phần tiếp theo- phần 3 của tổ khúc giao hưởng.

Andante

 

Phần âm nhạc thứ ba được viết dưới tiêu đề Ngày đoàn tụ. Sau những năm tháng chiến đấu quyết liệt đầy căng thẳng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thống nhất cũng là ngày những người con của miền Nam tập kết ra Bắc trở về quê hương sau bao ngày xa cách. Đó cũng là ngày những chiến sĩ miền Bắc góp phần giải phóng miền Nam có điều kiện trở về thăm lại quê hương. Những giây phút của ngày gặp mặt sau bao năm xa cách thật xiết bao cảm động. Không chỉ những nụ cười trước niềm vui của ngày gặp mặt, mà là cả những giọt nước mắt của những xúc cảm sâu xa trong lòng mỗi người dân nước Việt Nam hôm nay. Những tình cảm xáo trộn khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ. Ngay cả âm nhạc, với khả năng biểu hiện diệu kỳ những xúc cảm nội tâm phức tạp cũng phải lựa chọn cho mình một cấu trúc tác phẩm thích hợp. Để làm được điều đó, Nguyễn Xinh đã xây dựng phần nhạc này trong một cấu trúc gần gũi với cấu trúc Rondo trong âm nhạc cổ điển.

Để thể hiện chủ đề biểu hiện sự thống nhất đất nước, nhạc sĩ Nguyễn Xinh đã chọn 3 bài dân ca đặc sắc của ba miền làm chất liệu phát triển cho từng phần âm nhạc. Trong 2 phần trên là các bài dân ca của miền Bắc và miền Trung, còn trong phần thứ 3 này là bài dân ca của miền Nam - bài Lý ngựa ô. Trong phần âm nhạc này, Nguyễn Xinh đã sử dụng nhiều thủ pháp mang tính chất màu sắc, như diễn tả tiếng ngựa phi, âm sắc của bộ dây, những tiết tấu mang tính chất nhịp đi ở bộ gõ v.v...

Âm nhạc không lời vốn mang tính trừu tượng, nhưng Nguyễn Xinh đã thành công khi cần thể hiện những suy tư của mình. Bởi ở đây, bài dân ca Nam Bộ Lý ngựa ô đã quá quen thuộc với đồng bào cả nước ta, nội dung tư tưởng của tác phẩm mà phần lời ca đăng tải đã phản ánh khá rõ hình tượng âm nhạc cần diễn tả:

 

Allegro vivace

 

Kế thừa di sản âm nhạc của dân tộc là vấn đề sống còn với một tác phẩm âm nhạc chân chính. Qua toàn tổ khúc giao hưởng Non sông một dải chúng ta thấy rất rõ cách làm của anh là cấu trúc tác phẩm gồm 3 phần và mỗi phần lại sử dụng bài dân ca đặc trưng của một miền để phát triển. Như vậy, không chỉ ở khía cạnh nội dung, mà ngay cấu trúc của tác phẩm cũng cho người nghe thấy rõ tư duy của tác giả: ba miền của một Tổ quốc thống nhất - ba phần của một tác phẩm trọn vẹn.

Con đường đi của một nền khí nhạc không phải là đơn giản, mà ngược lại, đầy những khó khăn phức tạp đòi hỏi nghị lực của mỗi nhạc sĩ sáng tác. Nhưng những gì mà nền khí nhạc trẻ tuổi Việt Nam đã đạt được, mà tác phẩm tổ khúc giao hưởng Non sông một dải của nhạc sĩ Nguyễn Xinh là một trong số đó, cho phép chúng ta đặt hy vọng nhiều ở tương lai của nền sáng tác khí nhạc Việt Nam.

 

_____________________________________

[1] Thực ra đây là sáng tác của nhạc sĩ Xuân Tứ dựa trên âm điệu bài dân ca quan họ Bắc Ninh 'Con nhện giăng mùng', nhưng cho đến bây giờ vẫn thường được người quê quan họ hát và coi như là một bài dân ca quan họ. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với bài hát có tên 'Trống cơm'.