Tin hợp tác quốc tế

LUDWIG VAN BEETHOVEN

19 Tháng Tư 2010

                           Phạm Lê Hòa

(1770-1827)

 

           

 Thế giới những năm cuối thế kỷ XVIII là một giai đoạn lịch sử đầy biến động và phức tạp về chính trị và xã hội. Nổi bật nhất là cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 lật đổ chế độ phong kiến như một sự sang trang tất yếu của lịch sử phát triển xã hội loài người.

            Một thời đại đầy hào hùng như vậy đã có sức tác động lớn lao đến toàn bộ sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài/nhà văn hoá lớn của lịch sử văn hoá nghệ thuật thế giới Ludwig Van Beethoven. Bằng tác phẩm âm nhạc của mình, ông đã phản ánh sức tiến công mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, chủ nghĩa anh hùng, tính bi tráng trong cuộc đấu tranh và khát vọng vươn tới sự cao thượng của con người trước số phận. Những nội dung tư tưởng của tác phẩm âm nhạc được tạo bởi nhà soạn nhạc Beethoven luôn tiềm ẩn sức mạnh lớn lao vượt lên tầm thời đại của bối cảnh chung nghệ thuật châu Âu đương thời. Cho đến hôm nay, lịch sử âm nhạc thế giới bao giờ cũng đánh giá rất cao và xếp ông vào trong số rất ít những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của mọi thời đại. Không chỉ như vậy, ông còn luôn được nhìn nhận như một hiện tượng vĩ đại của văn hoá thế giới. Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông chiếm vị trí hàng đầu cùng nghệ thuật của những tầm tư tưởng vĩ đại của thế giới loài người như Lev Nikolajevisch Tolstoi (1828-1910), Rembrant van Rijn (1606 - 1669), WiShaekespeare (1584 1616).

            Trong lịch sử âm nhạc, Ludwig Van Beethoven không chỉ là người đưa Trường phái âm nhạc cổ điển Vienna lên đến đỉnh cao rực rỡ, mà còn là người tạo ra những tiền đề cho sự phát triển những giai đoạn sau của nghệ thuật âm nhạc kinh điển thế giới.

Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của L.V. Beethoven thường được chia thành các giai đoạn như sau:

            Giai đoạn từ 1770 đến 1792. Nhạc sĩ Ludwig Van Beethoven sinh ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại thành phố Bonn, miền tây nước Đức trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Thành phố nhỏ và cổ kính này là một trong những trung tâm văn hoá lớn của nước Đức thời bấy giờ. Ông nội Beethoven cũng tên là Ludwig Van Beethoven, điều đó cũng có nghĩa là tên của nhạc sĩ vĩ đại được đặt trùng với tên của người ông nội như một cách bày tỏ lòng kính trọng đối với ông. Đầu tiên ông nội của Ludwig Van Beethoven là ca sĩ giọng nam trầm, rồi sau được cử làm nhạc trưởng của Nhà hát Hoàng cung từ năm 1761. Ông là một nhạc sĩ tài năng, có ý chí vững vàng và đầy nghị lực trong cuộc sống. Người cha là Johann Beethoven – một nhạc sĩ có tài biểu diễn clavecin, violon và hát giọng nam cao cũng trong Dàn nhạc của Nhà hát Hoàng cung. Vào thời gian đó, Johann có một thu nhập khá và đời sống ổn định. Nhưng Johann cũng là một người đàn ông yếu đuối và nông nổi. Người ông nội Ludwig Van Beethoven thường phải giúp đỡ rất nhiều cho con trai mình cả về vật chất và tinh thần.

            Mẹ ông là Maria Magdalena Kewerich - con gái của một người đầu bếp. Bà cũng là người đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc suốt cuộc đời bởi tấm lòng nhân hậu đầy tình yêu thương con người.

            Năng khiếu âm nhạc của cậu bé Ludwig phát triển từ rất sớm. Ngay từ khi mới 3 – 4 tuổi cậu đã thường chăm chú lắng nghe một cách say mê những âm điệu vang lên khi người cha luyện tập tiết mục. Chính điều đó đã làm nảy sinh trong người cha mong muốn cậu trở thành một thần đồng âm nhạc như Mozart danh tiếng thời bấy giờ. Johann đã bắt cậu bé mới 4 tuổi đầu luyện tập quá sức nhiều giờ trong ngày trước cây đàn pianoviolon. Phương pháp giảng dạy thiếu tớnh sư phạm đó đã làm cho cậu bé Ludwig quá căng thẳng và mệt mỏi. Song lòng đam mê âm nhạc một cách mãnh liệt đầy bản năng đã giúp cậu vượt qua mọi thử thách. Từ năm lên 8 tuổi cậu đã cùng cha đi biểu diễn ở Koeln và một số thành phố khác của nước Đức.

            Phải đến năm 12 tuổi cậu mới được học tập một cách hệ thống. Những người thầy của cậu là các nhạc sĩ cung đình Eden, Tobias Pfeifer, thầy tu (dòng thánh Fracisc) Willibald Koch.

            Năm 1782 cậu được nhận làm người phụ việc cho nghệ sĩ đàn oocgan của dàn nhạc hoàng cung và cũng trong thời gian này cậu đã tìm thấy người thầy thực sự đầu tiên của mình – Christian Gottlob Neefe (1748 – 1798), Giám đốc Nhà hát quốc gia ở Bonn. C.G. Neefe đánh giá cao tài năng của Beethoven và truyền dạy cho cậu nhiều kiến thức âm nhạc cơ bản cùng những tư tưởng đi trước thời đại của ông. Năm 1783 Neefe đã viết về Beethoven trên một tờ báo âm nhạc: “Thiên tài trẻ tuổi này xứng đáng được nhận sự ủng hộ cho những cố gắng trong lao động nghệ thuật. Nếu cậu ta tiếp tục con đường đã xuất phát thì chắc chắn sẽ trở thành Mozart thứ hai”.

 

 

 

Christian Gottlob Neefe (5.II.1748 – 26.I.1798)

 

 

Không chỉ là người thầy, Christian Gottlob Neefe còn là người bạn đáng tin cậy trong những năm tháng tuổi trẻ của Beethoven. Nhờ có Neefe, Beethoven đã được học một cách cẩn thận các môn lý thuyết âm nhạc, được nghiên cứu kỹ tác phẩm của các nhà soạn nhạc vĩ đại trước ông như Johann Sebastian BachGeorge Frederic Handel. Cậu cũng được làm quen với tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ cùng thời như W.A. Mozart (1756 – 1791), J. Haydn (1732-1809)Philip Emanuel Bach (1714 – 1788). Dưới sự chỉ bảo của Neefe, Beethoven nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc của J.S. Bach hết sức cẩn thận một cách đầy khâm phục nghệ thuật của nhà soạn nhạc thiên tài này. Và điều đó đã giúp cho cậu rất nhiều trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật sau này. Beethoven cũng chính là người đã có câu nói nổi tiếng về Bach: “Bach không phải là dòng suối nhỏ mà là đại dương bao la”. [Trong tiếng Đức, bach có nghĩa là dòng suối].

            Song, tri thức âm nhạc là vô cùng rộng lớn, càng học cậu bé Ludwig càng khám phá nhiều điều mới lạ/những vấn đề mang tính qui luật của nghệ thuật hoà hợp các âm thanh. Trong suốt cuộc đời của mình, Beethoven luôn tìm mọi cách để học tập, nhưng hầu như chưa bao giờ ông hài lòng với kiến thức có được của mình. Thậm chí, cho cả đến cuối đời ông vẫn luôn cảm thấy mình chưa được học hành một cách hệ thống/nghiêm túc những tri thức cần có của nghệ thuật âm nhạc.

            Tác phẩm đầu tiên được biết đến của L.V. Beethoven trẻ tuổi là Biến tấu cho piano trên chủ đề hành khúc của Dressler được sáng tác vào năm 1782. Tác phẩm đã thể hiện rất rõ không chỉ sự vững vàng về phương diện kỹ thuật sáng tác mà cả tài năng sáng tạo mang cá tính phát triển mạnh của người nghệ sĩ trẻ tuổi. Sau này, trong cuộc đời sáng tạo của mình, Beethoven luôn dành những tình cảm lớn/vị trí quan trọng cho thể loại Biến tấu. Và đó cũng là mảnh đất ông có thể thể hiện được tài năng, triển khai các chủ đề âm nhạc một cách đầy biến hoá dưới nhiều góc cạnh khác nhau của tư duy sáng tạo nghệ thuật, làm cho người nghe cảm nhận được không chỉ từ nhiều hướng mà cả vẻ đẹp toàn diện/đầy đủ của hình tượng nghệ thuật. Những tác phẩm tiếp theo có thể kể đến là 3 Sonata cho đàn davico (harpsichord – một loại nhạc cụ giống như piano vào thời gian đó). Các tác phẩm này đều được đề tặng Max Friderich – cựu Hoàng tử xứ Cologne.

            Một may mắn lớn với Beethoven là ông không chỉ được Neefe dạy bảo những tri thức về âm nhạc, người thầy có một nền kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực này đã hướng tới và làm thức tỉnh trong ông những vấn đề thuộc các phạm trù tư tưởng, văn học, mỹ học .v.v.. Những tri thức được tiếp thu trong thời kỳ này đã được Beethoven tiếp tục hoàn thiện trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật căng thẳng của mình và là cơ sở cho những ý tưởng mang tầm thời đại trong toàn bộ sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của ông. Sự ra đời của những tầm tư tưởng mới bao giờ cũng đòi hỏi sự xuất hiện của những hình thức biểu đạt mới. Bằng những tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của mình, Beethoven là người đã khẳng định những giá trị cao nhất về các phương diện tư tưởng, thẩm mỹ và nghệ thuật của Trường phái âm nhạc cổ điển Viên trong lịch sử âm nhạc thế giới. Những tác phẩm âm nhạc giao hưởng của ông cho đến hôm nay và mãi mãi về sau sẽ là niềm tự hào của loài người trên hành tinh trái đất của chúng ta.

            Năm 1787, Beethoven đi Vienna với mong muốn được gặp và trở thành học trò của nhà soạn nhạc thiên tài người Áo W.A. Mozart - người mà ông đã nhiều năm nghiên cứu các tác phẩm với lòng ngưỡng mộ sâu sắc tài năng sáng tạo. Tuy rất bận cho niềm say mê trong việc sáng tạo vở nhạc kịch Don Juan, Mozart vẫn bố trí thời gian gặp Beethoven. Trong lần gặp tại Vienna, Mozart đã ra một chủ đề cho Beethoven ứng tác trên đàn piano. Beethoven đã hoàn thành xuất sắc bản ứng tác một cách đầy hứng khởi và điều đó đã làm ngạc nhiên nhà soạn nhạc Áo vĩ đại. Mozart đánh giá cao tài năng âm nhạc của cậu bé Ludwig 17 tuổi và hứa hẹn sẽ nhận dạy cho cậu. Beethoven hết sức vui khi nghe được điều đó với hy vọng mau chóng được trở thành người học trò của Mozart vĩ đại. Nhưng số phận nghiệt ngã đã không cho Beethoven có được cơ hội hạnh phúc lớn lao này, cậu phải trở về Bonn gấp vì mẹ cậu đang ốm nặng và qua đời ít ngày sau đó. Đây thực sự là mất mát lớn về tinh thần đối với chàng nhạc sĩ mới 17 tuổi. Hoàn cảnh khó khăn của đời sống kinh tế gia đình khi đó không cho phép cậu được trở lại Vienna ngay để theo học Mozart vĩ đại. Song với một con người có trí tuệ lớn lao và giàu nghị lực như Beethoven, chính những khó khăn của thời kỳ này dường như càng tôi luyện thêm ở cậu ý chí đấu tranh/vươn lên trước mọi gian khó của cuộc đời. Và ý chí đó là một từ những thể hiện rõ nhất qua các sáng tác âm nhạc của Beethoven sau này.

            Ngày 14 tháng 5 năm 1789 Beethoven được nhận vào học tại Trường đại học Tổng hợp Bonn. Cũng trong thời gian này cậu đã có cơ hội gặp Joseph Haydn khi ông dừng lại ở Bonn trên đường từ Vienna đến London. Đã được nghe Mozart nói về tài năng của chàng trai trẻ Beethoven khi còn ở Vienna, Haydn đã đồng ý gặp Beethoven. Nhưng sự bận rộn cho việc chuẩn bị chuyến sang London sắp tới đã không cho Haydn có điều kiện giúp đỡ cậu bé Ludwig đầy tài năng. Tiếp ngay sau đó là cái chết đầy bí hiểm của Mozart vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 12 năm 1791 khi ông chưa đầy 36 tuổi (ông sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756). Và điều đó cũng có nghĩa là ước vọng được học hành một cách nghiêm túc bên Mozart vĩ đại mãi mãi là điều không thể với Beethoven.

            Giai đoạn từ 1792 đến 1805. Ngày 10 tháng 10 năm 1792 Beethoven đến Vienna – một trung tâm văn hoá lớn của thế giới thời bấy giờ. Ngay sau những buổi biểu diễn đầu tiên ông đã được giới những người yêu âm nhạc ở Vienna đánh giá cao tài năng biểu diễn đàn piano. Cũng tại Vienna, một sự kiện mà ông mong mỏi từ lâu đã trở thành hiện thực: ông được học những bài giảng đầu tiên từ chính Haydn vĩ đại. Nhưng trong quá trình học tập, người thầy già dường như không thể hiểu nổi những tư tưởng quá mới của người học trò đầy nhiệt tình/năng động của tuổi trẻ. Tuy vậy, Beethoven vẫn bày tỏ lòng kính trọng Haydn qua 3 bản Tam tấu đề tặng người thầy của mình.

            Sau những bài học với Haydn, Beethoven đã bắt đầu những bài học cùng nhiều nhạc sĩ như Johann Schenk (1753 – 1836), Alois Forster, Johann Georg AlbrechtsbergerAntonio Salieri. Có thể khẳng định một cách chắc chắn, Beethoven đã được học những người thầy xuất sắc nhất trong lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc của Vienna thời bấy giờ. Ở mỗi người thầy ông đã học được những kiến thức khác nhau để hoàn thiện tư tưởng và kỹ thuật sáng tạo nghệ thuật âm nhạc. Chính điều đó đã góp phần quan trọng trong sự thành công rực rỡ của Beethoven trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc giai đoạn này – Giai đoạn mà lịch sử âm nhạc thế giới thường gọi là “Thời kỳ tuổi trẻ ở Vienna” của Beethoven. Các sáng tác giai đoạn này đã khẳng định một phong cách sáng tạo mang dấu ấn riêng của người nghệ sĩ trẻ tuổi. Nhiều tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn này đã trở thành những tác phẩm kinh điển trong kho tàng âm nhạc thế giới nhiều thế kỷ qua.

            Nhưng cũng trong giai đoạn này, một bi kịch/một thảm hoạ thực sự đã đến với người nhạc sĩ – nhà văn hoá Beethoven: ở ông đã xuất hiện những triệu chứng của bệnh điếc vào năm 1796 và cùng với thời gian căn bệnh này ngày càng trở nên trầm trọng. Ông đã rất cố gắng tìm cách chạy chữa, nhưng tình hình không có gì sáng sủa. Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, lòng đam mê và ý thức trách nhiệm cao của người công dân – nghệ sĩ, ông vẫn hoạt động hăng say trên nhiều lĩnh vực của nghệ thuật âm nhạc: sáng tác, biểu diễn và sư phạm. Những tác phẩm của giai đoạn này được viết rất chắc tay, giàu kịch tính và mang tính phát triển mạnh mẽ/lớn lao.

           Giai đoạn từ 1805 đến 1815. Đây là giai đoạn trưởng thành về sáng tác của Beethoven. Trong giai đoạn này ông đã viết nhiều tác phẩm có giá trị như: Symphony số 4, Symphony số 5, Symphony số 7, một số Concerto cho piano (op.78,79,81), các OvertureTứ tấu (quartet). Tuy nhiên, ông vẫn sống trong nỗi cô đơn do bệnh điếc ngày càng trở nên trầm trọng. Ông đã từng nói khi đó: “Cứ để cho bệnh điếc của tôi không còn là điều bí mật, cho dù những lo nghĩ trong nghệ thuật cũng là như vậy”.

            Sau mối quan hệ với Giulietta Giucciardi ông cũng lại say mê một vài năm nữ bá tước Josephine Deym. Người đàn bà goá này là chị em họ của FranzTeresa Brunswick. Thỉnh thoảng cô cũng có nhận những bài học từ Beethoven. Đó là một cô ca sĩ có giọng hát rất đẹp. Mối quan hệ giữa nhạc sĩ và cô ta lúc đầu là vô cùng thân thiết. Nhưng ngay sau đó mối quan hệ này đã có sự thay đổi, có thể do gia đình cô gái không công nhận cuộc hôn nhân giữa BeethovenJosephine. Beethoven luôn là một con người đầy lòng tự trọng, ông không chịu cúi đầu trước những hành động bất nhã, đôi khi thô bạo của giới quí tộc Vienna thời đó. Ông đã từng viết cho công tước Lichnopxki: “Công tước, ông có được cái danh hiệu mà ông đang mang là nhờ sự đầu thai ngẫu nhiên, còn những gì mà tôi có được là do chính tôi. Các công tước thì đã và sẽ còn có hàng ngàn, còn Be-tô-ven chỉ có một mà thôi”. [Dẫn theo “A. Alơsvang. Betoven. Lan Hương dịch. NXB Văn hoá. Hà Nội 1977. Trang 318”].

Vào mùa xuân năm 1809, chàng nhạc sĩ 40 tuổi đời lại say đắm trong tình yêu mới với cô học trò xinh đẹp 18 tuổi tên là Therese Malfatti. Ông đặt nhiều hy vọng ở mối tình này và mong muốn sẽ sớm kết hôn cùng cô gái. Song điều đó lại dường như là vô vọng, nhất là sau những sự việc đã xảy ra tại buổi dạ hội ở nhà cô gái mà Beethoven được cha cô mời đến. Cũng thời gian này ông đã sáng tác một tiểu phẩm và đề viết bằng tay “tặng Therese” (Fur Therese) nhưng hơi khó đọc. Chính vì vậy mà sau này, khi xuất bản, người biên tập không đọc được và viết thành “Gửi Elise” (Fur Elise).

            Giai đoạn từ 1815 đến 1827 – Những năm cuối đời. Đây là giai đoạn sống rất vất vả của Beethoven. Bệnh điếc cũng đã trở nên rất trầm trọng. Ông hầu như không nghe thấy gì. Mọi giao tiếp với mọi người đều phải thông qua những cuốn vở. Với bản chất không thoả hiệp của một người nghệ sĩ, ông thường phê phán gay gắt Triều đình và giới quí tộc Viên thời bấy giờ. Tuy nhiên, với thiên chức của một người nghệ sĩ, Beethoven vẫn say mê nghiên cứu/tìm hiểu đời sống xã hội – chính trị và các tư tưởng/triết lý mang tầm thời đại. Các tác phẩm sáng tác giai đoạn này vì thế thường mang tính triết lý cao, nhiều khi như những tổng kết về cuộc đời của một người nghệ sĩ vĩ đại. Ở nhiều tác phẩm khác chúng ta vẫn thấy vang lên những âm hưởng tươi sáng, ngập tràn niềm tin tưởng/lạc quan về thắng lợi tất yếu của chính nghĩa, của nghị lực con người trước những thử thách đầy khắc nghiệt của số phận.

           Các sáng tác giai đoạn cuối đời của nhạc sĩ Beethoven được giới trí thức và nghệ sĩ chân chính Vienna đánh giá cao. Các nhạc sĩ thuộc trường phái lãng mạn trong âm nhạc sau đó tìm thấy trong sáng tác của ông những nhân tố mầm mống của chủ nghĩa lãng mạn. Chính Beethoven là người đã gặp, có nhiều hành động và lời nói khích lệ tài năng của các nhà soạn nhạc trẻ bấy giờ như: Gioacchino Rossini (1792-1868), F. Schubert, F. List.

            Ngày 7 tháng 5 năm 1824 tại Nhà hát Karntnertor (Karntnertor Theater) đã công diễn lần đầu tiên Bản giao hưởng số 9 của ông. Buổi biểu diễn đã thành công rực rỡ mang đến cho người nhạc sĩ những giây phút vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc.

Những năm tiếp theo Beethoven ốm đau liên tục. Nhưng ông vẫn phải làm việc rất vất vả để kiếm sống. Đó là những ngày cuối cùng của Beethoven trôi qua trong một căn phòng tồi tệ thiếu thốn tiện nghi. Ông đã từ trần ngày 26 tháng 3 năm 1827. Trong Lễ an táng người nhạc sĩ vĩ đại của nền âm nhạc thế giới, hai mươi ngàn người dân thành Viên đã đi sau cỗ quan tài của ông trong niềm tiếc thương vô hạn.

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA L.V. BEETHOVEN(1)

I.        Các tác phẩm giao hưởng

  1. Bản giao hưởng

Bản giao hưởng số 1 C-dur op.21 (1800)

Bản giao hưởng số 2 giọng D-dur op.36 (1802)

Bản giao hưởng số 3 “Anh hùng”( Eroica) Es-dur op.55 (1804)

Bản giao hưởng số 4 B-dur op.60 (1806)

Bản giao hưởng số 5 c-moll op.67 (1805-1808)

Bản giao hưởng số 6 “Đồng quê”( Pastorale) F-dur op.68 (1808)

Bản giao hưởng số 7 A-dur op.92 (1812)

Bản giao hưởng số 8 F-dur op.93 (1812)

Bản giao hưởng số 9 d-moll op.125 (cùng Hợp xướng, 1822-1824)

  1. Uvertuya

“Promete” từ op.43 (1800)

“Coriolan” op.62 (1806)

“Leonora” N1 op.138 (1805)

“Leonora” N2 op.72 (1805)

“Leonora” N3 op.72a (1806)

“Phidelio” op.72b (1814)

“Etmon”  op. 84 (1810)

  1. Concerto cho piano và dàn nhạc

Concerto số 1 C-dur op.15 (1796)

Concerto số 2 B-dur op.19 (1795)

Concerto số 3 c-mollr op.37 (1800)

Concerto số 4 C-dur op.58 (1805)

Concerto số 5 Es-dur op.73 (1809)

II.       Các tác phẩm âm nhạc thính phòng

1.              Tứ tấu dây

6 Tứ tấu dây op.18 (1800): Số 1 F-dur; Số 2 G-dur; Số 3 D-dur; Số 4 c-moll; Số 5 A-dur; Số 6 B-dur.

2.              Sonata cho violon và piano

Sonata số 9 “Kreutzer” a-moll op.47 (1802-1803)

3.              Sonata cho cello và piano: 2 sonata op.5 (F-dur và g-moll)

4.              Trio (piano):

5.              Ngũ tấu dây

III.          Các tác phẩm cho đàn piano

1.              Các sonata

2.              Các Khúc biến tấu

IV.         Âm nhạc cho sân khấu

V.          Các tác phẩm cho dàn hợp xướng

VI.         Các ca khúc trữ tình

 

__________________________

 

[1] Trong mục này chúng tôi chỉ thống kê những tác phẩm có ý nghĩa quan trọng