(NLĐO) - Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền.
Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.
Quy định này để đảm bảo phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục đại học về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, cơ sở đào tạo. Chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Theo đó, điểm ưu tiên được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2.
Cán bộ BHXH TP HCM trong giờ làm việc
Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền.
Quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện (không phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương như trước đây).
Quy định thống nhất thời gian tập sự đối với viên chức phù hợp với trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp viên chức được tuyển dụng để đảm bảo thống nhất giữa các lĩnh vực sự nghiệp
.
Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch
Quy định cụ thể việc không phải thực hiện quy trình tuyển dụng đặc cách đối với trường hợp đã là cán bộ, công chức sau đó được điều động, luân chuyển sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, nay cơ quan có thẩm quyền có nhu cầu điều động, tiếp nhận trở lại.
Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức; tiếp tục đẩy mạnh việc phân công, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quyết định hình thức thi, quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, quyết định danh mục vị trí việc làm cho bộ, ngành, địa phương, quyết định bổ nhiệm ngạch công chức cao cấp và chức danh nghề nghiệp viên chức hạng I cho bộ, ngành, địa phương; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức; bổ sung quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, quyết định việc ký tiếp hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức sau khi thực hiện xong hợp đồng làm việc lần đầu...
Đối với Thông tư số 03/2019/TT-BNV, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, Thông tư được ban hành nhằm thực hiện các nội dung được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nội dung quy định trong các thông tư do Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền trước đó có quy định liên quan đến việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/tuyen-dung-cong-chuc-vien-chuc-khong-phan-biet-loai-hinh-dao-tao-van-bang-2019081609264931.htm