Thực tế ngay cả các nước phương Tây, những nước tiên tiến trên thế giới thử hỏi có những tệ nạn tương tự hay không? Xin thưa rằng là có, thậm chí nhan nhản.
Vậy, Bộ trưởng có hiểu nhầm gì chăng khi phát ngôn chưa quan tâm dạy người, không lẽ xã hội giờ “con nhiều hơn người”? Bộ trưởng đang đánh đồng hay bi kịch hoá xã hội?
Chưa quan tâm “dạy người”, tư lệnh ngành giáo dục có phải chịu trách nhiệm?
Dư luận đặt câu hỏi, Bộ trưởng nói rằng các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người", xin hỏi: Bộ trưởng đang là tư lệnh, là “thủ lĩnh” ngành giáo dục con người, cá nhân của Bộ trưởng có thấy mình phải chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Chính phủ và toàn dân vì để các trường học giáo dục “lệch chuẩn” không?
Bởi thực tế, là tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thầy cô, nhà trường, phụ huynh đều mong muốn, giáo dục học sinh vừa giỏi, vừa ngoan, vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời Bộ trưởng trao đổi với báo chí.
Và tất nhiên, Bộ trưởng cũng thừa hiểu những thực trạng đang diễn ra trong ngành giáo dục cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực còn tồn tại. Nếu thực trạng, giáo viên coi nặng “dạy học”, xem nhẹ “dạy người” thì sao đến tận năm học mới này, ngành giáo dục mới xác định ưu tiên việc 'dạy người', dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh và quyết tâm triển khai hiệu quả.
Cách đây 3 năm, ngay khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói rằng: “Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thực sự nhân văn”, đồng thời viện dẫn triết lý giáo dục của UNESCO: “Học để sống với nhau, học để làm việc, học để biết, học để làm người” để khẳng định “Mục tiêu của giáo dục phải là con người”.
Nhưng thực tế 3 năm qua, dưới nhiệm kỳ của Bộ trưởng, những tiêu cực của ngành giáo dục thường xuyên diễn ra như bê bối bạo lực học đường, đạo đức một bộ phận giáo viên, học sinh suy giảm, xuống cấp, gian lận thi cử, công tác quản lý còn nhiều bất cập và nay, Bộ trưởng lại cho rằng, học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức là do giáo viên xem nhẹ việc “dạy người”.
Với vai trò là tư lệnh ngành lẽ ra việc “dạy người” phải được thường xuyên quan tâm trong các năm học chứ không phải khi xã hội diễn ra quá nhiều vụ việc xuống cấp đạo đức mới giật mình nhìn ra theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
Nếu giáo viên xem nhẹ “dạy người” dẫn đến “một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc” là tư lệnh ngành giáo dục, tất nhiên Bộ trưởng phải có trách nhiệm chứ không chỉ nói chung chung về nguyên nhân do “môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh”. Nói như thế khác gì đổ lỗi trách nhiệm cho giáo viên, cho môi trường xã hội mà không có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý giáo dục?