TTO - Trước thực trạng đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên hiện nay và việc dạy đạo đức vẫn chỉ ở mức 'nói nhiều, làm ít', chuyên gia cho rằng cần có một nghị quyết trung ương riêng về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên.
Học sinh Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) trong một tiết học môn giáo dục công dân - Ảnh: NHƯ HÙNG
"Thực trạng đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp" là hội thảo do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2-10. Những người tham dự nhắc nhau chỉ tập trung xem "cần làm gì" chứ đừng chỉ nói về thực trạng.
Giáo dục đạo đức phải thông qua tất cả các môn học. Chỉ dạy kiến thức nhưng không dạy đạo đức, học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng đó vào việc có hại; như vậy, chúng ta đã làm một việc ngược với mong muốn.
Nhà giáo NGUYỄN VĂN HÒA
"Chúng ta nói nhiều rồi nhưng làm ít quá. Để việc giáo dục thay đổi, cần phải đi tìm những giải pháp thật cụ thể, phải hiểu lớp trẻ hiện tại, hiểu những yêu cầu cốt lõi trong vấn đề giáo dục, lối sống" - TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nói.
Những nhà giáo dục thực tiễn tại hội thảo cũng cho rằng những chuyển biến chỉ thực sự có khi cán cân "dạy người" được điều chỉnh, không phải bằng lời nói, sự hô hào, mà bằng việc làm cụ thể.
Thay đổi tư duy về "dạy đạo đức"
"Thế hệ chúng tôi, hàng triệu người xông vào lửa đạn, không ai nghĩ đến bản thân mình vì chúng tôi được giáo dục lý tưởng sống vì đất nước. Tôi nghĩ giáo dục đạo đức của thời kỳ đó rất tuyệt vời. Bây giờ chúng ta có giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ không?
Nói lý tưởng sống thì xa vời, nhưng đó chính là giáo dục ước mơ, hoài bão. Ước mơ sẽ tạo ra lối sống phù hợp để đạt được ước mơ đó" - thầy Nguyễn Văn Hòa, hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), trao đổi.
Thầy Hòa khẳng định giáo dục ước mơ là giáo dục lối sống, giáo dục lập thân lập nghiệp. Khái niệm giáo dục đạo đức cần rộng mở hơn. "Nếu chỉ đặt mục tiêu dạy trò ngoan ngoãn, vâng lời thì có thể chúng ta chỉ tạo ra những thế hệ thụ động. Học sinh sẽ chỉ biết tuân theo mà không có được những giá trị tạo nên hành vi văn minh, cốt cách con người mình" - thầy Hòa chia sẻ.
Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm khi cho rằng giải quyết thực trạng khủng hoảng đạo đức, lối sống học sinh thì trước hết phải thay đổi mục tiêu giáo dục.
"Mục tiêu cần hướng đến là tạo nên những con người làm chủ. Những gì là cốt lõi của con người để thích ứng và làm chủ cuộc sống phải được nhìn nhận, giáo dục từ nhỏ chứ không phải đưa vào chương trình những bài học kiểu rao giảng. Đây là điều tôi trăn trở và cho rằng nó là vấn đề rất lớn của quốc gia" - TS Trần Quốc Toản, ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, nêu quan điểm.
Tiếp lời, thầy Nguyễn Văn Hòa cho biết thực tiễn giáo dục ở phổ thông cho ông hiểu một vấn đề cơ bản là trẻ con bây giờ sẽ không thích nghe giáo huấn nữa, thay vào đó thích những hoạt động, những việc làm thiết thực, cụ thể.
"Tách rời hoạt động giáo dục đạo đức riêng, giáo huấn riêng mà không hiểu tuổi trẻ thích gì, mong muốn gì, không bắt nhịp được với cuộc sống của giới trẻ, thì có làm nhiều, làm mạnh hơn cũng sẽ bật ra ngoài tâm hồn tuổi trẻ" - ông Hòa nói.
"Môn đạo đức" nằm trong các môn học và trong đời sống
"Mô hình giáo dục phổ biến hiện nay vẫn là 2, 4, 8. Có nghĩa: chương trình - sách giáo khoa, 4 bức tường và 8 tiếng làm việc hành chính. Nếu không thoát ra được sự xơ cứng đó sẽ rất khó giải quyết câu chuyện "dạy người" trong bối cảnh hiện nay" - PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Học viện Giáo dục, bày tỏ.
Giáo dục áp đặt, thiếu nhân văn, các phương pháp giáo dục quá lạc hậu cũng là những điểm bất cập mà các chuyên gia chỉ ra để cho rằng thay đổi phương pháp giáo dục đạo đức cũng là yếu tố quan trọng.
Trong đó, phải thống nhất quan điểm đây không phải nhiệm vụ của giáo viên dạy môn đạo đức mà là việc bắt tay xây dựng văn hóa nhà trường, là ứng xử của thầy cô giáo, là sự chung tay của cha mẹ với thầy cô.
Và cách tác động không phải theo phương từ trên xuống mà là sự khơi gợi, khích lệ học sinh, sinh viên tìm hiểu, trải nghiệm, sàng lọc để hình thành những giá trị mà mỗi người muốn theo đuổi, từ đó lựa chọn hành vi, cách sống, cách làm.
Vì sao chỉ có trường tư đi tiên phong?
Trong hội thảo, PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng sau hội thảo này cần có thêm những hội thảo nữa tổ chức tại các trường học như THPT Đông Đô, THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - những ngôi trường đi tiên phong và thực sự đặt nhiệm vụ "dạy người" là số 1.
Ba ngôi trường được nhắc tên này đều có những điểm chung giống nhau: dùng phương pháp linh hoạt, đa dạng và nhân văn trong việc giáo dục đạo đức. Đơn cử như đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, đưa nội dung giáo dục giá trị sống vào chương trình học chính khóa, xây dựng quy chế ứng xử trong đó tôn trọng sự chủ động, tự giác từ chính học sinh. Từ tự giác trong nề nếp, trong ứng xử đến thói quen tự học, thay đổi bản thân. Cùng với đó là giáo dục hướng đến mỗi cá nhân, không bỏ quên một học sinh nào.
Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao chỉ có trường tư đi tiên phong? Tại sao những bài học đắt giá về giáo dục đạo đức được chắt lọc từ thực tiễn lại không được Nhà nước đầu tư, không được tiếp thu có bài bản và lan tỏa?
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa cho rằng giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nhỏ lẻ, không được chú tâm. Nhiều nhà trường chỉ lo tập trung chạy theo điểm số, thi cử. Và giáo dục nước nhà bị cuốn vào dòng thác thi cử - thành tích.
Thầy Hòa cũng nhắc đến khía cạnh "trường tư có chất lượng đầu vào thấp hơn trường công, và áp lực phải giữ học sinh bằng chất lượng đã trở thành động lực để các nhà trường này coi chuyện "dạy người" là nhiệm vụ sống còn". Và họ đã trở thành những người đi tiên phong như thế.
Và bài toán để làm sao những giá trị thực tiễn lan tỏa, thổi một làn gió mới vào trường công lập? Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng rất cần có một nghị quyết trung ương riêng về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên.
GS.TSKH NGUYỄN CƯƠNG (phó chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam):
Cần một nghị quyết tương tự nghị quyết 29 trước đây
Tôi đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên. Trong đó ghi rõ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội, mà nhà trường đóng vai trò trung tâm. Nghị quyết này phải có tác dụng tương tự nghị quyết 29 trước đây về GD-ĐT để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội tham gia.
Các biện pháp cục bộ như lâu nay đã làm không đủ sức làm chuyển biến thực trạng khủng hoảng đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên. Tôi cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh, sinh viên triển khai trong năm học này.
Vĩnh Hà
Nguồn https://tuoitre.vn/day-dao-duc-van-noi-nhieu-lam-it-nen-co-mot-nghi-quyet-trung-uong-rieng-20191002214757473.htm