Trong lịch sử hình thành và phát triển âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nhạc Tài tử -Cải lương được xem như thể loại sinh ra muộn hơn cả. Cuối thế kỷ XIX, trên các miền quê sông nước Nam Bộ, đâu đâu cũng hình thành những nhóm nhạc dân gian tổ chức đàn ca giải trí, gọi là phong trào đàn cây. Sang đầu thế kỷ XX, các ban nhạc đàn ca đã “chính danh” hoạt động khắp nơi trong đời sống thường nhật, được gọi là ban nhạc Tài tử. Phương thức âm nhạc và bài bản chịu ảnh hưởng từ 3 dòng nhạc lớn là nhạc Lễ Nam Bộ, Tuồng và nhạc thính phòng -cung đình Huế. Nổi tiếng nhất có ban Kinh Lịch Quờn ở Vĩnh Long, ban Ba Chột ở Bạc Liêu, ban Ái Nghĩa ở Cần Thơ, ban Bảy Đồng ở Sa Đéc, ban Tư Triều và ban Bảy Triều ở Mỹ Tho. Trên cơ sở những cung điệu truyền thống, những nhạc sĩ dân gian đã nhanh chóng sáng tác bồi đắp những hệ thống bài bản mới, hình thành một biểu mục kinh điển còn lưu truyền đến ngày nay- gọi là 20 bản tổ, bao gồm:
+ Ba bản Nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo).
+ Sáu bản Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi).
+ Bảy bản Nhạc (còn gọi là Bắc lớn: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê).
+ Bốn bản Oán (Phụng cầu, Phụng hoàng, Giang nam, Tứ đại oán).
Bên cạnh 20 bản tổ, còn có thêm hệ thống các bài bản khác. Đáng kể nhất là hệ thống 8 bản Ngự: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Trường tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan của ông Ba Đợi (có người cho rằng ông cũng chính là tác giả của 4 bản Oán trong 20 bản tổ). Kế đến là Ngự giá đăng lâu, Ái tử kê của ông Hai Khị, Văn Thiên Tường của ông Trần Quang Quờn và ông Mười Hơn, Bình sa lạc nhạn của ông Trần Quang Quờn…
Từ sinh hoạt đàn ca Tài tử thuần túy, người ta dần tìm đến những nội dung dài hơi có tích truyện. Bắt đầu nảy sinh cách diễn xướng mang tính trò diễn sơ khai gọi là hình thức Ca ra bộ- có nghĩa vừa ca vừa làm những điệu bộ thể hiện tính cách nhân vật theo cốt truyện. Và, chỉ trong một vài thập niên đầu thế kỷ XX, từ hình thức Ca ra bộ, sân khấu Cải lương đã hình thành và nhanh chóng khẳng định vị trí như một kịch chủng mới của dân tộc. So với Chèo và Tuồng, nghệ thuật Cải lương sử dụng kho tàng nhạc Tài tử làm nền tảng âm nhạc sân khấu trên cơ sở áp dụng lối diễn tả thực của kịch nói Tây phương. Nội dung chủ đề cũng được mở rộng tối đa khiến Cải lương nhanh chóng chiếm lĩnh được vị trí trong đời sống xã hội. Điều lý thú ở đây, các bản cổ nhạc khi hòa tấu, đàn ca thuần nhất thì gọi là nhạc Tài tử. Nhưng cũng với những bản nhạc đó khi dùng trong sân khấu ca kịch thì lại được định danh là nhạc Cải lương. Vì thế mới có thuật ngữ ghép chung nhất là nhạc Tài tử- Cải lương. Đây chính là hai môi trường diễn xướng dân gian và chuyên nghiệp của cùng một thể loại âm nhạc. Qua đó, sẽ thấy phong trào đàn ca Tài tử là cái nôi nuôi dưỡng, cung cấp các tài năng cho sân khấu Cải lương. Ngược lại, sân khấu Cải lương lại là động lực kích thích sự sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là việc sáng tác bài bản mới, như những sáng tác thành công của soạn giả Mộng Vân ở thập kỷ 30-40, của danh cầm Văn Giỏi ở thập kỷ 80... Bởi vậy, tính đến cuối thế kỷ XX, số lượng bài bản Tài Tử- Cải lương đã lên tới trên dưới 300 bài, vượt xa so với 2 thể loại cổ điển Tuồng và Chèo.
Về mặt cấu trúc, bài bản Tài tử -Cải lương thuộc vào dạng cổ truyền dân tộc, lấy lòng bản làm cơ sở để ngẫu hứng ứng tác trên nguyên tắc những hơi nhạc (cung điệu) có sẵn. Có 7 hơi nhạc cơ bản là Bắc, Nhạc, Đảo, Quảng, Xuân, Ai và Oán. Mỗi hơi nhạc biểu cảm một sắc thái cung bậc khác nhau, tạo nên sự phong phú giàu tính kịch để có thể phục vụ mọi tình huống sân khấu. Cũng như nhạc Huế, nhạc lễ dân gian và Tuồng, bên cạnh phương thức truyền ngón nghề trực tiếp, Tài tử -Cải lương dùng hệ thống ký tự nhạc thanh Hò, Xự, Xang, Xê, Cống… để lưu truyền bài bản. Ở đây, kỹ năng ngẫu hứng ứng tác được coi là then chốt. Vì lẽ đó, hình thức hòa tấu cũng như độc tấu của Tài tử- Cải lương đạt đến tầm cao nhất so với các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật ngẫu hứng đã khiến mọi bản hòa tấu thực sự là những cuộc đối thoại giữa các cá thể với vô số tình huống nghệ thuật tại chỗ, không lần nào giống lần nào. Với các danh cầm, danh ca tài ba, sự phong phú càng được nhân lên gấp bội qua những ngón đàn, câu ca, chữ nhạc lão luyện, biến hóa khôn lường.
Bên cạnh việc sáng tác bài bản mới, nhạc Tài tử -Cải lương còn phổ biến thủ pháp phát triển bài bản từ ngắn đến dài. Đó là nguyên tắc dãn nhịp theo cấp số nhân đôi với những chữ nhạc được sắp đặt, chèn thêm ở khoảng giữa. Dạ cổ hoài lang là một ví dụ điển hình của phương thức phát triển bài bản kỳ diệu này. Từ cấu trúc nhịp đôi (mỗi câu có 2 nhịp), bản nhạc đã trải qua các giai đoạn phát triển thành Dạ cổ hoài lang nhịp tư, nhịp tám. Ở giai đoạn nhịp tám, bản Dạ cổ hoài lang bắt đầu có thêm tên mới là Vọng cổ. Thời gian sau, người ta tiếp tục dãn nhịp tác phẩm thành Vọng cổ nhịp 16 rồi Vọng cổ nhịp 32 -là cấu trúc được dùng cho tới ngày nay. Những thập niên cuối thế kỷ XX, một số tay đàn lão luyện như Văn Giỏi, Thanh Hải còn tiếp tục thử nghiệm những bản độc tấu, hòa tấu Vọng cổ với cấu trúc nhịp 64. Vọng cổ là một bài bản có vị trí đặc biệt trong nền ca nhạc Tài tử -Cải Lương. Trên thế giới, có lẽ không một nơi nào mà người nghệ sĩ lại được tôn vinh ở việc hát chỉ… duy nhất một bài bản cụ thể!? Ở Nam Bộ, có một thời hình thành danh hiệu Đệ nhất Danh ca Vọng cổ của nghệ sĩ Út Trà Ôn. Điều đó chứng tỏ sức hấp dẫn đặc biệt của Vọng cổ -với những khoảng tự do ứng tác lớn nhất so với mọi bài bản khác.
Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trên cách nhìn toàn bộ, nhạc Tài tử -Cải lương triệt tiêu vai trò các nhạc khí tiết tấu như trống, phách… Ở đây, người ta chỉ dùng một loại mõ nhỏ đặc chủng có cần kích âm gắn liền dậm chân gọi là song loan với chức năng báo câu, không nhằm giữ nhịp. Đổi lại, vai trò các nhạc cụ họ dây lại được đề cao hơn bao giờ. So với các thể loại “đàn anh”, có thể nói nghệ thuật đàn dây Tài tử -Cải lương phát triển tới đỉnh cao vượt bậc với đậm độ phức hợp nhất. Điều này lý giải tại sao ở từng thời kỳ khác nhau, bao giờ cũng nổi lên những danh cầm tài ba với những ngón đàn điêu luyện, xuất thần. Chính họ là những người tạo nên những phong cách đàn khác nhau gây ảnh hưởng sâu rộng tới giới nghề. Ở thập kỷ 60-70, không ai không biết 3 danh cầm được coi như “tam hùng” huyền thoại Năm Cơ, Văn Vĩ và Bảy Bá. Những năm 80 trở lại đây là thời kỳ của các danh cầm như Ba Tu, Văn Giỏi và Thanh Hải… Chả thế mà nghệ nhân lão thành đất Bắc -danh cầm Kim Sinh đã nhận định: “Bao giờ Nam Bộ hết… cỏ thì mới hết người đàn hay!”
Điều lý thú, trong khi ở hệ thống nhạc viện ngoài miền Bắc, người ta thi nhau cải tiến các nhạc cụ dân tộc hướng theo nguyên tắc nhạc phương Tây thì ở Nam Bộ, các nhạc sĩ Tài tử- Cải lương lại làm theo hướng ngược lại. Cụ thể, họ đã thành công trong việc “Việt Nam hóa” 3 nhạc cụ Tây phương là guitar, violon và guitar hawaii. Trong đó, đáng chú ý nhất là cây guitar đã được khoét lõm phím để có thể nhấn nhá ra những chữ nhạc cổ truyền dân tộc, trở thành cây đàn chủ lực trong dàn nhạc. Đó quả thực là những thành tựu đáng tự hào! Qua một thế kỷ hình thành và phát triển, nhạc Tài tử- Cải lương đã tạo cho mình chỗ đứng bề thế uy nghi như một tòa lâu đài tráng lệ, góp thêm sức nặng khẳng định vẻ đẹp huyền diệu của âm nhạc dân tộc Việt Nam./.
BÙI TRỌNG HIỀN