Nội san

Một vài cảm nhận về bản giao hưởng số 11 OP 103 “Năm 1905” của DMITRI SHOSTAKOVICH

04 Tháng Sáu 2010

                                                           Lương Diệu Ánh

Khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

 

 

Nhà soạn nhạc vĩ đại Nga D.Shostakovich đã nhận định:

Trong các thể loại âm nhạc khác nhau, nền âm nhạc giao hưởng lớn dường như chiếm vị trí hàng đầu, nó có nội dung sâu sắc hơn cả và là vị thống soái của vương quốc âm nhạc...”

So với các thể loại âm nhạc khác, giao hưởng cũng thể hiện những suy tư tình cảm của con người và cuộc sống xã hội ở mỗi thời đại, nhưng nó có tính chất khái quát rộng rãi, có thể đề cập tới những vấn đề có tầm tư tưởng lớn lao, những vấn đề mang tính quần chúng, tính triết lý. Âm nhạc giao hưởng có nhiều loại mà có thể kể tới như: liên khúc giao hưởng (bản giao hưởng), Concerto, tổ khúc giao hưởng, Ouverture, thơ giao hưởng và cả những khúc Rhapsodie, Fantasy giao hưởng… Trong đó liên khúc giao hưởng là thể loại chủ yếu của nền nhạc này.

            Nội dung của các bản giao hưởng rất đa dạng và phong phú, có thể thể hiện sâu sắc hơn những trạng thái tình cảm khác nhau của con người như: đấu tranh giữa sự sống và cái chết, ánh sáng và bóng tối, niềm khát khao hy vọng với định mệnh nghiệt ngã, hay những giấc mơ hạnh phúc, nhiều hình tượng âm nhạc được bắt nguồn từ những tác phẩm văn học vĩ đại. Trong mỗi tác phẩm giao hưởng đều có sự kết hợp một cách tinh tế và hài hòa những âm sắc của các loại nhạc cụ. Âm thanh của một bản giao hưởng vang lên khi mạnh mẽ, sinh động, có lúc lại mang tính xung đột, mâu thuẫn gay gắt, đối chọi và giàu kịch tính, nhưng cũng có khi thể hiện những nét giai điệu trong sáng trữ tình tuyệt vời, hoặc luân phiên trong sự chuyển động từ nhanh đến chậm, hay nhịp nhàng, êm dịu trong một tiết tấu nhảy múa và rồi đột ngột thay đổi với không khí tưng bừng náo nhiệt của ngày hội.

            Cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều trường phái giao hưởng mang đặc trưng riêng của từng dân tộc như Tiệp Khắc với các sáng tác của A.Dvorak, hay ở Phần Lan với những bản giao hưởng của J.Sibelius. Và đặc biệt là nghệ thuật giao hưởng Nga với các nhạc sĩ tiêu biểu như Tchaikovsky, Borodin, Prokofiev, Shostakovich... Các tác phẩm giao hưởng của họ đã phản ánh những tư tưởng cao đẹp của chủ nghĩa nhân đạo và tình đồng loại giữa các dân tộc. Chính âm nhạc của những tác phẩm ấy đã chinh phục lòng người bằng sức mạnh hình tượng, những xung đột kịch tính, gay gắt nhưng vẫn gần gũi với tâm tư, tình cảm của con người thời đại đó. Người nghe có thể cảm nhận ở đây tâm hồn Nga, thiên nhiên Nga và bản sắc Nga, trong đó nổi bật hơn cả là tính nhân dân sâu sắc, được phát triển trong mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân và trưởng thành trong cuộc đấu tranh cho những tư tưởng dân chủ tiến bộ và độc lập tự do của dân tộc.

            Trong số các nhạc sĩ có tên tuổi của Nga, Dmitri Shostakovich (1906-1975) được coi là một trong những nhà soạn nhạc danh tiếng nhất của nền âm nhạc hiện đại. Ông được nhiều nhà lý luận âm nhạc ví như Beethoven của thế kỷ XX bởi tính hoành tráng, tính tư tưởng của thể loại giao hưởng. Tác phẩm của ông có nội dung sâu sắc và rộng lớn với một thế giới tưởng tượng phong phú. Ông luôn đi sâu vào khai thác các hiện tượng, các mâu thuẫn trong cuộc sống để nói lên những vấn đề cốt lõi của nhân loại. Nhạc sĩ đã miêu tả cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân Nga ở mọi khía cạnh. Giai điệu trong các sáng tác của Shostakovich thường gãy khúc, góc cạnh, cách phối dàn nhạc khác thường, pha trộn những đoạn tấu của các nhạc cụ với âm hưởng mạnh mẽ của dàn nhạc đã làm nên những nét riêng biệt, độc đáo. Sáng tác của ông phong phú ở nhiều thể loại nhưng đáng chú ý nhất là 15 bản giao hưởng, thể hiện sự tập trung sáng tạo và diện mạo chính của ông.

            Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Shostakovich là bản giao hưởng số 11 op 103, với tiêu đề “Năm 1905”. Đây là một đỉnh cao trong nền giao hưởng tiêu đề của âm nhạc Nga. Trong tác phẩm này, hình tượng nhân dân là hình ảnh trung tâm, là sức mạnh làm thay đổi lịch sử, là nhân vật chủ yếu trong bi kịch lịch sử. Tính sâu sắc và triết lý ở đây không chỉ là tiêu đề của bản giao hưởng mà là sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ âm nhạc diễn tả một cách khúc triết mạch lạc những tiêu đề đó. Tính chất âm nhạc của tác phẩm không phải chỉ mô tả đơn thuần mà là hành động của quần chúng nhân dân, lực lượng vĩ đại trong phong trào cách mạng.

            Bản giao hưởng được hoàn thành vào năm 1957 nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Sau lần công diễn đầu tiên rất thành công vào ngày 30 tháng 10 năm 1957 tại phòng hoà nhạc quốc gia Moscow dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Rakhlin, tác phẩm đã có tiếng vang không chỉ ở Nga mà còn cả những nước khác trên thế giới. Năm 1958, bản giao hưởng đã được trao giải thưởng cao nhất - Huân chương Lênin.

Tác phẩm đã tái hiện lại một sự kiện lịch sử, đó là cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất, kêu gọi chiến đấu vì những lý tưởng cao cả của tự do và bình đẳng giữa các dân tộc. Bản giao hưởng này mang tính tổng hợp với nội dung tư tưởng lớn, những mâu thuẫn xã hội sâu sắc, những xung đột chính trị gay gắt được thể hiện qua bút pháp đầy sáng tạo, với sự diễn cảm mạnh mẽ, có thể so với giao hưởng số 9 cua Beethoven, hay giao hưởng số 6 của Tchaikovsky.

Bản giao hưởng gồm có bốn chương, mỗi chương mang một tiêu đề riêng. Chủ đề trong các chương là những bài hát cách mạng Nga Shostakovich lấy trong liên khúc hợp xướng không nhạc đệm của ông, viết năm 1951, gồm 10 bài với lời thơ của các nhà thơ cách mạng Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, nhạc sĩ còn sử dụng cả làn điệu của những bài ca cách mạng dân gian. Cả bốn chương của tác phẩm được biểu diễn liên tục, tạo sự phát triển thống nhất các sự kiện.

Chương I có tiêu đề “Quảng trường cung điện” - Adagio với cấu trúc A – B – C – B – A. Trong đó A là một tổ hợp các chủ đề bao gồm chủ đề Peterburg, chủ đề 1905 và chủ đề kèn hiệu nhà binh, B là chủ đề Hãy lắng nghe (chủ đề của nhân dân đau khổ) và C là chủ đề Giam giữ. Chương I được bắt đầu bằng chủ đề Peterburg, đường nét giai điệu trang nghiêm, buồn bã. Trước mắt người nghe mở ra khung cảnh thành phố Peterburg - thành trì của đế chế Nga - trống rỗng, u ám, không gian lạnh lẽo với khối đá khổng lồ của cung điện Mùa Đông, những nhà tù và ách thống trị lâu đời của nền độc tài. Ở đó những người công nhân, người lao động đang bị áp bức bóc lột, bị chà đạp đến cùng cực. Chủ đề Peterburg chưa dứt, đã xuất hiện một chủ đề với âm hưởng khô khan, ngấm ngầm như một sự đe doạ do Timbales diễn tấu, đó là chủ đề 1905. Chủ đề này là âm hình chủ đạo xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Sau đó vang lên chủ đề kèn hiệu nhà binh. Chủ đề của phần B là một làn điệu ấm áp, đầy tình người, cất lên chen vào cái không khí ảm đạm, nặng nề và khó chịu của phần trước. Chủ đề này được lấy từ bài hát trong tù “Hãy lắng nghe”, lời ca của nhà thơ cách mạng I.Goltr.Millerom (1842 - 1871). Bài hát là lời than vãn về nỗi đau khổ của nhân dân và sự tàn bạo của Nga hoàng:

Như sự việc thay đổi, như tâm hồn bạo chúa

Như đêm đông đen tối

Đêm tối buông xuống và từ  trong sương mù

Cảnh nhà tù rùng rợn

Thời gian trôi đi chậm chạp

Trong đêm tối im lặng, và                                                                

Vang lên, kéo dài ra một cách buồn thảm, lời than vãn

...Hãy lắng nghe!...

(Đoạn một của bài hát)

Trong lúc bài ca của những người dân đau khổ cất lên thì đâu đó vẫn vẳng lại những hồi trống được lấy từ chất liệu của chủ đề 1905 nhưng có sự rút gọn. Người nghe có thể cảm nhận được sự kìm kẹp và ngấm ngầm đe doạ của thế lực phản động đen tối. Ở đây, nhạc sĩ đã khắc hoạ hai hình ảnh đối lập nhau, một bên là nhân dân đau khổ và bên kia là bóng tối đang ngự trị. Sau đó là sự xuất hiện của phần C với chủ đề Giam giữ, tính chất âm nhạc khắc khổ và u ám nhưng vẫn ẩn chứa một sức mạnh nội tâm sâu sắc.

Tiêu đề của chương II “Ngày 9 tháng Giêng” - Allegro, đây là một “bức tranh âm nhạc” lớn miêu tả về “Ngày chủ nhật đẫm máu”, được cấu tạo từ ba đoạn lớn. Âm nhạc như tiếng sấm xa xa, bắt đầu không khí sôi sục, ngấm ngầm chuẩn bị cho sự đấu tranh. Từ đó vang lên một chủ đề mang tính xúc động, đầy nghị lực - chủ đề nhân dân - lời than vãn của những người công nhân, nông dân. Chủ đề này được tác giả lấy từ tác phẩm hợp xướng “Ngày 9 tháng Giêng” của ông. Ở đây, ta có thể nhận thấy hai nét nhạc có sự tương đồng về giai điệu, nhưng lại khác nhau về tính đan xen đa dạng của tiết tấu. Sự liên kết tiết tấu đa dạng đó kết hợp với việc trình bày chủ đề nhân dân đã tạo cho người nghe sự cảm động lớn và dần dần nâng cảm xúc lên cao. Sự đan xen tiết tấu đa dạng của bè trầm và bè giữa đã mở ra trước mắt người nghe hình ảnh dòng người đang chuyển động, những tiếng ồn ào của đám đông. Họ kéo cả gia đình, nào vợ, nào con, nào cha mẹ già, họ còn mang theo ảnh Vua, giương lên những lá cờ của nhà thờ, hát bài cầu nguyện và trên tay họ không có vũ khí. Ở đây, chúng ta có thể cảm nhận được nhiều trạng thái tâm lý của người dân Nga: những tiếng kêu, những lời than vãn tức giận, tiếng cầu kinh, tiếng rên rỉ, nguyền rủa... Khi không khí của chương nhạc tăng lên với cường độ lớn, chủ đề kèn hiệu nhà binh lại xuất hiện. Dòng cảm xúc tăng lên tới đỉnh cao khi giai điệu của chủ đề nhân dân được diễn tấu với âm hưởng mạnh mẽ của cả dàn nhạc. Khi làn sóng âm thanh giảm bớt phần nào, thì ở bộ Đồng xuất hiện chủ đề mới - Hãy tỉnh ngộ. Chủ đề này cũng được rút ra từ bản hợp xướng “Ngày 9 tháng Giêng”. Tuy không được phát triển liên tục như chủ đề nhân dân nhưng chủ đề này lại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm tăng thêm sức diễn cảm, cũng như tạo sự căng thẳng, tính bi kịch cho tác phẩm. Âm nhạc lúc dâng lên, lúc hạ xuống như những đợt sóng, như cảnh tượng dòng người đang đổ về phía cung điện Mùa Đông. Người nghe có thể cảm nhận một cách rõ ràng hình ảnh quần chúng nhân dân dày đặc, ngày càng tiến lại gần. Những giọng nói, tiếng gọi, tiếng gào thét, cầu xin, tiếng khóc than... tất cả liên kết lại thành một khối âm thanh đồ sộ. Chủ đề vang lên như những tiếng than vãn, buồn thảm nhưng đầy sự giận dữ và chống đối. Những âm điệu được nhấn mạnh bắt nguồn từ tiếng than khóc của những nông dân già yếu đã gợi cho người nghe một xúc cảm đặc biệt. Bỗng nhiên, tất cả đều câm lặng và giai điệu của chủ đề Peterburg nổi lên ở bộ Gỗ như sự an ủi, dỗ dành một cách lừa dối, sau đó là âm hưởng lạnh lùng của chủ đề 1905kèn hiệu nhà binh với sắc thái nhỏ, gợi hình ảnh dòng người dừng lại trước cung điện Mùa Đông để đưa đơn thỉnh nguyện, cầu xin Nga hoàng cải thiện đời sống. Bắt đầu một sự im lặng nặng nề. Đột nhiên, tiếng trống nhà binh nổ lên ầm ầm, đinh tai nhức óc, mở ra phần trọng tâm của chương II. Chủ đề là những tiết nhạc ngắn, đứt đoạn, được cải biên từ chủ đề 1905. Lời thỉnh cầu của những người dân đã bị Nga hoàng trả lời bằng súng đạn. Cảnh tượng ghê rợn của “Ngày chủ nhật đẫm máu”, sự tàn bạo của chế độ chuyên chế Nga hoàng đã được tác giả tái hiện rất rõ nét ở đây. Shostakovich đã tiến hành dẫn dắt hình tượng âm nhạc bằng việc tăng dần âm hưởng của dàn nhạc ngày càng lớn dồn dập và phát triển tới cao điểm. Có thể nói rằng, đây là phần nhạc mang tính hoành tráng nhất trong tác phẩm, sức hấp dẫn và tính thuyết phục của ngôn ngữ âm nhạc thật mạnh mẽ. Người nghe sẽ có cảm nhận như chính mình đang đứng trên quảng trường và xung quanh là đạn bay, hàng trăm người dân vô tội gục ngã, súng đạn tắm máu dân lành, giết chết niềm tin ngây thơ của họ đối với Nga hoàng. Cơn lốc dữ dội đột nhiên ngừng bặt, một sự im lặng chết chóc và lại vang lên giai điệu quen thuộc của chủ đề Peterburg gợi cho người nghe cảm thấy không khí của quảng trường trước cung điện như rên lên vì đau đớn khi phải chứng kiến hành vi tàn bạo vừa mới xảy ra. Những tiếng trống khô khan của chủ đề 1905 vang lên, kết thúc hình ảnh cảm động về sự đau khổ của nhân dân Nga.

 

Chương III Đời đời tưởng nhớ” - Adagio - Một khúc tưởng niệm mang tính bi kịch sâu sắc. Cả dân tộc Nga đều kinh hoàng về sự kiện “Ngày chủ nhật đẫm máu”, một không khí đau thương, tang tóc bao trùm khắp đất nước. Chương nhạc được xây dựng theo hình thức ba phần. Nét nhạc buồn mở đầu chương III được bắt nguồn từ âm điệu của chủ đề 1905, dần dần nổi lên một giai điệu trang nghiêm của hành khúc tang lễ dựa trên bài ca cách mạng “Các anh đã hy sinh ngã xuống”. Phần hai, bước đi càng trở nên nghiêm trang và cứng rắn hơn với sự tham gia của bộ Đồng, âm điệu của chủ đề giống bài hát “Các đồng chí, hãy dũng cảm tiến bước”. Âm thanh nặng nề và bi kịch đó đã chuyển sang âm hưởng ấm áp, dịu dàng và vui tươi bằng chủ đề gần với làn điệu của bài hát công nhân cách mạng “Tiếng nói tự do muôn năm”. Có thể nói “Ngày chủ nhật đẫm máu” đã khắc vào tâm khảm những người dân Nga một sự hận thù sâu sắc về hành động tàn bạo của chế độ Nga hoàng, từ đó đã thức tỉnh họ phải đứng lên đấu tranh giành lại tự do, hạnh phúc.

Chương IV với tiêu đề “Hồi chuông cảnh báo” - Allegro non troppo. Ngọn lửa cách mạng đã bùng cháy, sôi sục, kêu gọi quần chúng nhân dân lao vào cuộc đấu tranh lật đổ chế độ cũ. Chương nhạc được viết theo cấu trúc ba phần. Phần một mở ra với một sức mạnh bất ngờ, âm thanh vang, chắc nịch và trang nghiêm thể hiện chủ đề được xây dựng trên giai điệu của bài hát “Bọn bạo chúa, hãy run lên!”. Không khí của chương nhạc càng trở nên rạo rực, sôi sục hơn với sự mở rộng về quãng của bộ Dây, người nghe có thể cảm thấy như những bước chân cách mạng của quần chúng nhân dân ngày càng lớn dần lên. Phần hai nối tiếp không khí của phần một với chủ đề của khúc quân hành “Varshavianka”, một bài hát cách mạng Nga rất phổ biến. Trong chương nhạc này, tác giả đã đan xen một cách rất tài tình nhiều chủ đề cùng một lúc để gây sự căng thẳng, kịch tính và tạo sự biểu cảm lớn cho hình tượng âm nhạc như chủ đề kèn hiệu nhà binh, “Bọn bạo chúa, hãy run lên!” với chủ đề nhân dân và kết hợp chủ đề “Hãy tỉnh ngộ” với Peterburg. Phần ba được mở ra bằng chủ đề nhân dân với âm hưởng mạnh mẽ, không còn là lời than vãn của những người công nhân, nông dân đau khổ nữa, mà đó là sức mạnh, sức chiến đấu của nhân dân chống lại chế độ Nga hoàng độc ác. Shostakovich đã vẽ lên hình ảnh to lớn của quần chúng nhân dân Nga, với sự thắng lợi của cuộc cách mạng, kéo một nước Nga lớn nhất, lạc hậu nhất châu Âu ra khỏi giấc ngủ dài, mở ra một tương lai tươi sáng. Bởi vậy, có người nhận xét rằng: “Đã lâu, từ thời Mousorgsky, chưa thấy xuất hiện trong nền nghệ thuật Nga một vở kịch có sức mạnh khổng lồ như thế!”

Có thể nói, bằng những tác phẩm giao hưởng với quy mô đồ sộ và có nội dung tư tưởng lớn lao, nhạc sĩ Shostakovich đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển nền âm nhạc giao hưởng Nga nói riêng cũng như nền âm nhạc giao hưởng thế giới nói chung./.