Nội san

Nghệ nhân và nghệ thuật hát Then

06 Tháng Sáu 2010

 GV. Nguyệt Cầm

Khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

 

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, mỗi dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã sáng tạo nên nền văn hóa riêng với những đặc điểm đa dạng trong sự thống nhất với nền văn hóa chung của cả dân tộc. Đó là tài sản vô cùng quý giá của Việt Nam, nhờ vậy ngày nay chúng ta đựoc thừa hưởng gia tài văn hóa phong phú đó trên cơ sở góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc .”

Gia tài văn hóa đó tồn tại dưới 2 dạng văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa phi vật thể nước ta, đó là những nghệ nhân hát Then.

 Then là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời và được quần chúng rất ưa thích. Then Tày, là hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể mang tính nguyên hợp. Theo chữ Hán, Then được đọc là Thiên (nghĩa là Trời, Phật). Thờ Trời (Phật) chính là tín ngưỡng phổ biến ở người Tày. Họ đã mượn từ Then – Thiên để xưng Trời, bởi theo quan niệm của người Tày, Pựt Luông (Phật Lớn) là vị thần lớn cai quản cõi trời.

Hát Then phân bố chủ yếu ở Miền Bắc Việt Nam, ven biên giới Việt Trung, Phòng Thành - Quảng Tây - Trung Quốc, ở người Thái Trắng Tây Bắc và ở người Thái huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc.

Then có 2 dòng: Then (nữ) và Dàng, Sàng (Nam). Cho đến nay chưa có định nghĩa rõ ràng nhưng những người yêu thích nghệ thuật Then đều cho rằng Then là tiên là con của trời. Những người làm Then có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng và Long Vương, làm Then cũng chính là họ được Ngọc Hoàng phái xuống giúp người trần gian cầu mong được sự tốt lành, yên bình.

Theo quan niệm của người Tày, thế giới vũ trụ theo quan niệm phổ biến có ba tầng tương ứng với ba cõi: cõi trời (Mường Bôn, Quắc pha), cõi đất (trần gian, dương thế) và cõi nước (cõi âm dưới mặt đất) với những thần linh, ma quỉ riêng. Cõi trời là nơi Ngọc Hoàng, người của Phật bà Quan âm, vua hành khiển, vua số, mẻ biooc, bà mụ, nàng tiên, then pụt, là những thần linh tối cao quyết định sự sinh tồn và số phận của mỗi con người, đồng thời cũng là nơi ở của linh hồn những người sống thanh bạch sau khi chết. Cõi trời là sự lộn ngược của cõi đất, có đường giao thông đi lại nối liền các địa danh và nơi ở của thần linh. Cõi đất (trần gian, dương thế) là nơi con người sinh sống. Còn cõi nước ở dưới mặt đất, là nơi của Long Vương địa phủ giam giữ linh hồn người chết.

Những người thầy cúng, kiêm nghệ nhân hát Then, chính là chủ thể của các hình thức cúng bài trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Tày, Nùng.  Các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của những dân tộc này đã được nảy sinh từ các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, trong nghệ thuật biểu diễn, các nghi lễ thờ cúng còn mang đậm tính nguyên hợp với sự tham gia của âm nhạc, múa, hát, trò diễn sân khấu.

Văn hóa tín ngưỡng là một nét phong phú, độc đáo trong bản sắc văn hóa của người Tày. Các hiện tượng văn hóa được nảy sinh trong quá trình thực hành nghi lễ nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, ngữ văn, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực.v.v…

Then Là hình thức cúng bái có nguồn gốc bản địa, do đó từ lâu Then đã trở nên quen thuộc đối với đời sống sinh họat văn hóa tinh thần của người Tày. Với những nét đặc trưng riêng của mình, Then đã đáp ứng được nhu cầu tâm linh và nhu cầu thưởng thức văn nghệ của đông đảo người dân. Then có sức cuốn hút lạ kỳ chính là ở sự kết hợp hài hòa giữa chất thiêng và chất văn nghệ của nó.

Nhiều nhà nghiên cứu đồng nhất đánh giá: Then Tày là hiện tư­ợng văn hoá dân gian tổng thể có tính nguyên hợp (syncretic), là hình thức nghi lễ diễn xư­ớng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, múa, trang phục  hoặc then là một nghi lễ tôn giáo được diễn x­ướng bằng hình thức hát, hát kể có kèm theo nhạc và nhảy múa, ngoài ra còn có những biểu tượng tôn giáo mang tính tư­ợng tr­ưng và nhiều yếu tố sân khấu dân gian.

Việc trở thành ông Then, bà Then không phải người Tày có thể tự lựa chọn theo sở thích, ý muốn, m à chỉ một số rất nhỏ có căn số, ma Then nhập vào v à trở thành Then, Pụt. Những người này dù muốn hay không thì trước sau phải xuống Then. GS.TS. Ngô Đức Thịnh nêu một số trường hợp: Có căn then (mỉnh bang), hoặc  gia đình, dòng dõi có người làm Then (tẩn Then). Tuổi thành Then không cố định, có người xuống Then khi 12,13 tuổi, cũng có khi 30,40 mới thành Then. Thậm chí có người đến 50,60 tuổi mới ra Then, lấy vợ lấy chồng mới thành Then. Nếu còn trẻ đã xuống Then thì thường không lấy chồng hoặc lấy vợ. Những người có căn số Then mà chưa xuống Then thường rơi vào trạng thái bị cơ đầy, thánh hành xác, nghĩa là thể xác tinh thần bị khủng hoảng, nhiều biểu hiện của chứng bệnh thần kinh như phát điên, phát khùng, hoảng loạn, mất ăn mất ngủ, đi lang thang một mình hoặc tự nhiên bị ngất xỉu, chạy chữa bệnh nhiều lần nhưng không khỏi (đây cũng là trạng thái chung của các thày Shaman của nhiều dân tộc trên thế giới).

Hát Then luôn nổi bật, xuyên suốt toàn bộ nghi lễ Then với những làn điệu miêu tả các tình huống khác nhau rất đặc sắc như: kẻn boóc, khảm hải, kỳ yên, cái cấu cầu hoa, hỉn ẻn và bách điểu. Khả năng ứng tác tại chỗ, vận lời thành giai điệu là hiện tượng phổ biến trong hát Then, do đó Then đặt tên làn điệu phù hợp trình tự cúng. Cuộc hành trình của Then qua nhiều vùng, nhiều nơi, tuy nhiên, để diễn đạt Then chia các điệu hát thành hai dòng chính:

- Tàng bốc: đi đường trên cạn.

- Tàng nặm: đi đường dưới nước.

Âm nhạc dân gian Tày Bắc Kạn nổi bật các điệu lượn thương, nàng ới, lượn cọi, nhưng hát Then luôn chiếm vị trí đặc biệt, được người dân yêu thích. Như trình bày, Bắc Kạn có các điệu: kẻn bioóc, khảm hải (vượt biển), kỳ yên (yên lành), cái cấu cầu hoa (bắc cầu xin hoa), hỉn ẻn (én mùa xuân), bách điểu (một trăm loài chim). Mỗi điệu sử dụng vào mục đích làm lễ khác nhau.

Âm nhạc luôn song hành với nghi lễ cầu cúng của người Tày, Then dùng âm nhạc dẫn dắt hành động. Nói cách khác, âm nhạc là điều kiện cần và đủ giúp Then nhập, thoát hồn, khả năng đó nếu không có âm nhạc Then sẽ không làm được.

Khi trao đổi với một số nghệ nhân hát Then lâu năm, hầu hết khẳng định, phải học thuộc cách thức cầu khấn ngay từ khi nhập nghề. Kiểu hát nói cầu niệm gần gũi với cách tế, lễ của người Việt và tương tự lối tụng phật trong chùa. Tính chất chưa định hình tổ chức độ cao rõ rệt giai điệu, tuy vậy vẫn nhận ra thể hát nói, không phải đọc thơ. Cao độ cầu chúc tựa vào trục quãng 4,5 đi lên hoặc đi xuống, vần điệu khoan thai, chậm rãi, nhịp điệu dàn trải, nhấn vào các chỗ giọng cần vang to, đặc biệt ở âm khu cao.

Được định hình rõ nét giai điệu hơn là kiểu hát giãi bầy, tâm sự gần gũi với lối ngâm vịnh của người Việt. Phân tích âm nhạc cho thấy hát nói biểu hiện giai điệu rõ ràng. Tuy vậy nhịp điệu vẫn chịu ảnh hưởng của hát cầu khấn và có đàn tính, chùm xóc nhạc đệm theo.

Trong hát Then, đàn tính, chùm xóc nhạc là động lực xuyên suốt nghệ thuật diễn xướng. Âm sắc đàn tính hơi đục, ấm áp, nghe gần như lời thủ thỉ tâm tình, nghe xa thấy bay bổng, ngọt ngào, pha trộn cùng chùm xóc nhạc tạo nên tổ hợp giàu sắc thái riêng, không lẫn với nhạc khí các tộc người khác.

Đàn tính có 2 loại: 2 dây và 3 dây (tùy thuộc vào Then nam hay nữ), nghề Then có quy định không thành văn, Then nam dùng đàn 2 dây, Then nữ dùng 3 dây. Trước đây, dây đàn làm từ sợi tơ tằm xe lại, lấy sáp ong hoặc nhựa củ nâu tuốt cho dây bền, không bị độ ẩm thời tiết làm rè âm. Hiện nay phổ biến dùng dây nilon thay thế dây tơ tằm, do dễ sử dụng và âm thanh đảm bảo.

Đàn tính 2 dây được lên theo 2 kiểu quãng: 4 đúng và 5 đúng. Nghề Then quy định quãng 4 đúng chuyên dùng điệu tàng bốc, quãng 5 đúng dùng khi hát điệu tàng nặm. Khi chuyển điệu từ tàng bốc sang tàng nặm hoặc ngược lại phải chỉnh dây hậu âm vực thấp, để nguyên dây tiền âm vực cao.

Hát Then đạt tới trình độ cao hơn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó phải nhắc tới quá trình học tập nghề gian khổ, vất vả liên tục trong nhiều năm, ngoài ra người bị tổ tiên ốp nghề (bắt theo nghề Then) thì tâm tính luôn rơi vào trạng thái bất bình thường. Tính chất đặc biệt đó đòi hỏi có thời gian dài chuẩn bị, trong đó Then phải học thuộc lòng hàng ngàn câu thơ kể về Bàn Cổ, Lưỡng Nghi Hữu Sào, Toại Nhân, Thần Nông… Thêm vào đó còn phải là người có khả năng ứng tác lời ca nhanh.

Trải qua nhiều bước thăng trầm, người Tày Bắc Kạn luôn tự hào truyền thống văn hóa lâu đời, trong đó hát Then, Pụt phản ánh sâu sắc hệ tín ngưỡng bản địa. Đồng bào luôn yêu thích hát Then bởi nó gắn bó với phong tục tập quán dân dã, thờ cúng tổ tiên và các vị thần bản thần mường, diệt trừ ôn dịch có hại, đem lại lời ca tiếng đàn gia tăng niềm cộng sinh, cộng mệnh. Hình ảnh các ông Then, bà Then tay cầm đàn tính, chùm xóc nhạc làm nghi lễ cúng bái lồng tồng, kỳ yên, chỏi khẩy là nét văn hóa đầy sức hấp dẫn.

Hiện nay hát Then phổ biến khắp các khu vực người Tày sinh sống, từ Việt Bắc lan tỏa theo bước chân di cư đồng bào Tày vào sâu phía Nam như Đắc Lắc, Đắc Nông, thành phố Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, ở đâu có người Tày ở đó có hát Then, loại hình nghệ thuật tác động mạnh mẽ tới cộng đồng, là vốn âm nhạc cổ truyền quý báu, di sản vô giá về tinh thần. Nhìn từ góc độ xã hội, Then hiện thực hóa tâm linh người Tày, phản ánh nguyện vọng tâm tư tình cảm cũng như ước mơ về cuộc sống bình an, cuộc sống no đủ, có thóc gạo, trâu bò, gà vịt, cha mẹ già trường thọ, mạnh khoẻ, thuận hoà yên ấm. Dịp đầu xuân, dân bản mời Then đến làm lễ cầu mùa, cầu yên; khi gia đình có người ốm, Then làm lễ giải hạn chữa bệnh. Các gia đình Then vẫn truyền nghề nối dõi qua nhiều đời.

Dưới góc độ văn hóa, hát Then luôn gắn bó với hệ thống nghi lễ Then, lối hát Then cổ bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh người Tày. Then được người Tày đón nhận như hình thái nghệ thuật tiêu biểu, in đậm tâm thức truyền thống.

Khoảng 5 năm trở lại đây, hát Then đang có chiều hướng khôi phục, nhiều làn điệu Then cổ dạy lại cho thế hệ trẻ người Tày, hát Then nghi lễ chuyển dần sang Then sinh hoạt, trở thành hình thức sinh hoạt văn nghệ thường xuyên. Nhiều nghệ nhân được mời đi hát khắp nơi và trở nên nổi tiếng. Các cấp, các ngành văn hóa quan tâm chú ý tới nghệ nhân Then, di sản phi vật thể sống đang lưu giữ các làn điệu Then. Điển hình là một số tiết mục Then cổ tham gia Liên hoan hát Then - đàn Tính tại Cao Bằng năm 2007. Đoàn Bắc Kạn được Ban tổ chức, Ban giám khảo liên hoan đánh giá cao trong thiết kế, tái tạo lại không gian Then truyền thống, diễn xướng đầy đủ trình tự nghi lễ Then, để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Then có ý nghĩa quan trọng trong quá trình bảo tồn văn hóa dân gian Tày, theo đó, những nghệ nhân Then Tày đuợc coi là trung tâm bảo tồn nghệ thuật Then. Bởi vậy, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị  nhằm bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2010-2015:

- Âm nhạc Then đặc sắc, lối diễn tấu đàn tính, chùm xóc nhạc ở trình độ khá cao, do đó, nên tích cực mở các CLB hát Then, đàn tính phổ cập cho mọi người tham gia học tập, đặc biệt là lớp trẻ.

- Hình thành các CLB Then, dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhi đồng nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng Then, giúp thế hệ sau hiểu thế hệ trước đã hành nghề ra sao, từ đó xây dựng thái độ tích cực, tôn trọng di sản quý báu của cha ông để lại.

- Dạy hát Then trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, dân tộc nội trú cấp huyện, giúp trẻ em lĩnh hội và yêu thích âm nhạc dân gian của chính dân tộc mình.

- Tôn vinh chăm sóc các nghệ nhân dân gian, những người thầy tài năng, trí tuệ và hết lòng với học trò./.