Nói đến nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, hẳn ai cũng thừa nhận rằng cùng với Chèo, Tuồng là loại hình mang tính kinh điển nhất. Nhưng khác với Chèo- chủ yếu lưu giữ trong lòng dân gian, Tuồng đã có vai trò nổi trội với tư cách một bộ môn nghệ thuật cung đình trong chiều dài lịch sử dân tộc.
Theo các nguồn tư liệu cổ, Tuồng vốn đã có lịch sử từ rất lâu đời. Cả Tuồng và Chèo đều cùng giỗ Tổ nghề chung vào ngày 11-12/8 âm lịch. Đến cuối thế kỷ 13, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khi nhà Trần bắt được kép hát người Tống là Lý Nguyên Cát, liền giữ lại để thu nạp những yếu tố nghệ thuật mới lạ. Từ đó, nhiều người cho rằng nghệ thuật Tuồng bước vào một thời kỳ mới, bắt đầu du nhập nhiều yếu tố của nghệ thuật hý kịch Trung Hoa.
Trong khi nghệ thuật Chèo chỉ khu biệt chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ với tứ chiếng Đông- Nam- Bắc- Đoài thì theo bước chân người Việt mở đất mở nước về phương Nam, Tuồng đã dần mở rộng không gian diễn xướng của mình dọc suốt chiều dài đất nước. Lịch sử ghi nhận Đào Duy Từ (1572- 1634) là người đầu tiên mang nghệ thuật Tuồng vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn. Đào Duy Từ vốn xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật Ca trù cung đình (Hát cửa quyền). Bố ông là Đào Tá Hán, vốn là quản giáp, điều hành đội nữ nhạc trong cung. Mẹ ông là Vũ Kim Chi, một đào nương ca trù nổi tiếng đương thời. Những dữ kiện lịch sử đó cho thấy nghệ thuật Tuồng mà Đào Duy Từ mang theo, tạo lập trên đất mới phương Nam ắt hẳn in đậm dấu ấn của nghệ thuật Ca trù. Lẽ thường, sự chi phối mạch đập văn hóa nghệ thuật gia tộc vốn là một hiện tượng tự nhiên. Đặc biệt trong thời xa xưa, khi môi trường văn hóa nghệ thuật dân tộc còn ở thời kỳ khu biệt tương đối, không phong phú về thể loại. Với số lượng hạn chế, người nhạc sĩ sẽ không có nhiều sự lựa chọn để sáng tạo rồi tiếp biến.
Trên cơ sở đó, đã có thể khẳng định lưu phái Tuồng miền Bắc có lịch sử lâu đời hơn so với lưu phái Tuồng miền Trung. Nói nôm na là Tuồng Bắc cổ hơn nhiều so với Tuồng miền Trung. Mặt khác, cũng có thể đoán định sự thâm nhập của nghệ thuật Ca trù ở nghệ thuật Tuồng (ít nhất ở lưu phái miền Trung cho đến thế kỷ 16). Nếu giả thiết rằng hiện nay, về mặt âm nhạc, những gì mà nghệ thuật ca trù đã mất đi (hoặc chủ động loại bỏ) thì hẳn còn lưu lại ít nhiều dấu vết ở nghệ thuật Tuồng miền Trung, như một sự bảo lưu các giá trị cổ xưa ở vùng văn hóa ngoại diên. Đó là sự biện luận 2 chiều theo lôgic lịch sử.
Mang Tuồng về phương Nam, Đào Duy Từ được người đời tôn vinh như một ông tổ ngành Tuồng miền Trung. Cũng ở nơi đây, Tuồng còn được gọi bằng cái tên khác Hát Bội (hay Hát Bộ), như để phân biệt với lưu phái Tuồng gốc ở miền Bắc. Vở Tuồng Sơn Hậu nổi tiếng tương truyền là do ông soạn thảo bản đầu tiên vào thời chúa Nguyễn. Về sau, tiến xa hơn đến tận cùng của giải đất chữ S, lưu phái Tuồng miền Nam cũng dần hình thành, “hùng cứ” một phương, để rồi sang đầu thế kỷ 20, đã làm tiền đề để tạo dựng một loại hình sân khấu mới mẻ hơn, đó là sân khấu Cải lương Nam Bộ. Điều đặc biệt thú vị, phong cách âm nhạc của lưu phái Tuồng miền Nam được xem như gần gũi với Tuồng gốc miền Bắc và khác hẳn với Tuồng miền Trung.
Ở lưu phái Tuồng miền Trung, sau ông tổ Đào Duy Từ, người góp công lớn nhất phát triển nghệ thuật Tuồng phải kể đến danh sĩ- soạn giả Đào Tấn (1845- 1907). Ông là người đã sáng tác hàng chục vở Tuồng nổi tiếng như “Tam đồ nữ vương”, “Đào Phi Phụng”, “Hộ sanh đàn”, “Cổ thành”, “Trầm hương các”, “Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan”, “Diễn Võ đình”… Bên cạnh vai trò soạn giả, Đào Tấn còn được xem như nhà lý luận sân khấu Tuồng đương thời với tập sách để đời là “Hý trường tùy bút”. Với vị thế một đại quan triều Nguyễn, ông đã góp công lớn trong việc đưa loại hình nghệ thuật này đến thời kỳ cực thịnh trong cả môi trường cung đình cũng như ngoài dân gian. Với những đóng góp to lớn, người đời đã suy tôn ông như một “hậu tổ” của nghệ thuật Tuồng miền Trung cho đến thế kỷ 20.
Khái quát về nghệ thuật Tuồng, có nhiều cách phân chia, đại thể có 2 loại cơ bản là Tuồng Đồ và Tuồng Pho. Tuồng Ðồ là loại tuồng với chủ đề nội dung phóng tác, đậm chất hư cấu. Các vở tiêu biểu như “Sơn Hậu”, “Kim Thạch Kỳ Duyên”, “Trần trá Hôn”, “Trương Ngáo”, “Nghêu Sò Ốc Hến”... Tuồng Pho có chủ đề lấy từ cốt truyện chương hồi của Trung Quốc. Thế nên một vở Tuồng Pho thường rất dài, có vở cấu tạo tới trên 100 hồi (hay lớp). Mỗi đêm diễn, một gánh Tuồng thường chỉ diễn hết một vài hồi. Vì thế có những vở Tuồng Pho sẽ kéo dài tới cả hàng tháng trời, giống như phim truyền hình nhiều tập ngày nay. Các vở Tuồng Pho kinh điển tiêu biểu như “Đông Hán”, “Phong Thần”, “Tam Quốc”, “Đăng Khấu”, “Tống Sứ”, “Hộ sanh đàn”… Nghe nói, pho tuồng trường thiên bậc nhất là vở “Vạn cửu trình tường” gồm 216 hồi. Thử tưởng tượng, nếu diễn liên tục mỗi tối một hồi thì khán giả phải xem vở Tuồng này mất tới… 7 tháng trời! Từ năm 1911, khi nhà yêu nước Phan Bội Châu sáng tác vở Tuồng “Trưng Nữ Vương”, đã mở ra trào lưu mới soạn các vở Tuồng có cốt truyện lịch sử Việt Nam như “Đông A song phụng”, “Nguyễn Trãi”…
Có thể nói, thế kỷ 19 là giai đoạn phát triển cực thịnh của nghệ thuật Tuồng ở khu vực miền Trung. Tại kinh đô Huế, Vua Minh Mạng đã cho xây nhà hát Tuồng cung đình mang tên Duyệt Thị Đường vào năm 1826. Đến thời vua Tự Đức lại cho xây thêm Minh Khiêm Đường.., góp phần hình thành dòng Tuồng Ngự giành riêng cho cung đình, đối ứng với dòng Tuồng ngoài dân gian. Lúc này, bên cạnh những nhà hát Tuồng cung đình, các rạp hát Tuồng ngoài dân gian cũng có đời sống khá phong phú. Sang đầu thế kỷ 20, tại Huế có tới 14 rạp hát đua chen cạnh tranh trong một môi trường nghệ thuật sôi động. Đua tranh giành khách mộ điệu, không hiếm chuyện những ông chủ rạp sẵn lòng vãi tiền để mua bằng được những đào kép giỏi về rạp của mình. Khi ở thế kẻ tám lạng người nửa cân, nhiều rạp hát còn phân phát nước giải khát miễn phí để giành giật khán giả Tuồng. Nghe đâu có những cuộc cạnh tranh tới mức… phá sản?! Chính điều đó đã ghi nhận một thời hoàng kim rực rỡ của nghệ thuật Tuồng. Tại Hà Nội, khi các rạp hát được xây dựng theo kiểu Pháp với các lô bao quanh khán phòng, người ta có thể mua nguyên một lô kiểu “vé tháng” để hàng tối, cả gia đình cùng tới xem Tuồng Pho diễn liên tục trong suốt tháng. Nói thế để thấy cho đến đầu thế kỷ 20, nghệ thuật Tuồng vẫn được ưa chuộng như thế nào trong đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Cũng như nhiều loại hình sân khấu phương Đông, Tuồng lấy tính cách điệu và ước lệ làm tiêu chí nghệ thuật cơ bản, được thống nhất toàn bộ, từ phục trang, hóa trang, cho đến động tác, điệu bộ trình diễn hay đạo cụ… Nhìn vào khuôn diện điểm trang của một vai diễn, người xem đã có thể phân biệt được ngay đâu là người sang, kẻ hèn, trung thần, nịnh thần, gian thần… Chỉ với một cái roi, khi thì được xem như vũ khí, khi thì biến thành ngựa cưỡi; hay một cái bàn, khi thì là tảng đá, khi thì trở thành ngai vàng nhà vua…
Âm nhạc Tuồng khá phong phú, đủ dạng âm điệu biểu cảm nhiều sắc thái vui buồn ở những cung bậc khác nhau, hình thành các tình huống đặc trưng cho sân khấu ca kịch. Bài bản, làn điệu Tuồng là một trong những thể loại đầu tiên ở Việt Nam được nhạc phổ hóa theo hệ thống ký tự Hò, Xư, Xang, Xê, Công…dưới dạng chữ Nôm. So với Chèo, dàn nhạc Tuồng đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng nhạc cụ không hạn định với nhiều chủng loại phong phú. Bên cạnh các đàn dây với vai trò chủ lực của đàn nhị, sẽ thấy sự nổi trội của cây kèn bóp với hiệu quả âm thanh khi sôi động, hùng tráng, bạo liệt, khi ai oán, bi thiết khoan sâu vào lòng người. Ở đây, vai trò của các nhạc cụ gõ được đề cao hơn bao giờ. Đặc biệt, với tính năng và kỹ thuật biểu cảm của chiếc trống chiến, người đánh trống trong dàn nhạc tuồng được xem như “phó sư” của mạch diễn trên sân khấu. Trong rất nhiều trường đoạn, tay trống luôn theo sát từng động tác, dẫn dắt và phụ họa từng tình huống kịch cụ thể của các đào kép trên sàn diễn. Người chơi trống thường hoạt động hầu như độc lập với các thành phần âm nhạc còn lại trong dàn nhạc Tuồng. Tựu trung, nội dung chính của Tuồng thường đề cao vai trò những nhân vật anh hùng “trung quân ái quốc”, đi kèm với những tích trò chiến tranh, những mối quan hệ xung đột đầy kịch tính, bạo liệt, đẩy cao tính bi hùng trong mối quan hệ quân thần thời phong kiến… Đó được coi là đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật tuồng. Chính điều đó hẳn đã chi phối kỹ thuật âm nhạc, trong đó thanh nhạc. Hát Tuồng- đó là lối nói cũng như lối hát đặc trưng với một cường độ âm thanh tối đa, vận nhiều khí lực nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Trên bề dày lịch sử, dù ít nhiều được coi có phần chịu ảnh hưởng của nghệ thuật hý kịch Trung Hoa nhưng trong nghệ thuật Tuồng, sẽ thấy được những dấu ấn mang đậm bản sắc thuần Việt. Mùa Hạ năm 2002, nhân dịp sang tham dự festival Huế, đoàn nghệ thuật Kinh kịch Vân Nam- Trung Quốc có ghé thăm Hà Nội. Người ta đã thiết kế một chương trình biểu diễn giao lưu giữa Kinh kịch với Nhà hát Tuồng trung ương và Nhà hát Chèo Việt Nam. Đấy là một buổi diễn hiếm hoi, vô cùng lý thú mà người viết bài này được chứng kiến, đã thấy được sự khác nhau quá rõ ràng về phương diện nghệ thuật âm nhạc giữa Tuồng Việt Nam và Kinh kịch Trung Quốc. Có thể khẳng định, so với Kinh kịch, âm nhạc Tuồng ở vào một tầm kỹ thuật phức tạp hơn rất nhiều về cả bề rộng cũng như chiều sâu của phương pháp âm nhạc!
Tự bạch
Sau năm 1954, sân khấu Tuồng miền Bắc bước sang một thời kỳ mới- đó là thời kỳ “hiện đại hóa, khoa học hóa, cải biên cải tiến” theo phương châm kiểu “vừa xây vừa phá, kế tục rồi nhảy vọt”! Cách nhìn đó cũng chính là tiền đề cho lịch sử ngành Tuồng sau ngày toàn quốc thống nhất (1975). Theo đó, kho tàng vở diễn khổng lồ của cổ truyền đã dần bị lãng quên. Người ta chỉ lưu truyền một vài trích đoạn đặc sắc nhất để làm mẫu cho hậu thế. Thay vào đó, hàng trăm vở tuồng “mới, hiện đại” ra đời gắng sức gắng công phản ánh mọi mặt cuộc sống mới. Hơn 50 năm qua, liên tiếp hết những thử nghiệm này đến những thử nghiệm khác nhằm đáp ứng thị hiếu của cái gọi là “khán giả thời đại” và phục vụ cho những “tư duy mới”, thử nghiệm kiểu dạng “Tây phương hóa” nghệ thuật Tuồng. Thôi thì đủ loại, từ nội dung kịch bản, bài trí sân khấu, hóa trang… đến nhạc cụ và âm nhạc, hết thảy đều thay đổi theo cơn lốc thời “hiện đại hóa”. Đến nỗi hiện nay, đại đa số lớp người thuộc thế hệ từ 70 tuổi trở xuống đều chưa mấy lần thưởng lãm chọn vẹn một vở Tuồng gọi là cổ đích thực. Đi đâu? Xem ở đâu khi mà các nhà hát từ Trung ương đến địa phương chỉ được đầu tư kinh phí để chủ yếu diễn các vở tuồng… “hiện đại”? Nền giáo dục nghệ thuật cổ truyền dân tộc nói chung là một lỗ hổng cực lớn. Hơn nửa thế kỷ qua, trên các phương tiện nghe nhìn, cái gọi “tuồng cổ” chỉ thấy quanh đi quẩn lại mỗi vài trích đoạn trong vở Sơn Hậu hay trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”... Theo điều tra, gần như toàn bộ kho tàng nghệ thuật Tuồng miền Bắc (vốn được coi là cổ xưa nhất) đã vĩnh viễn thất truyền. Xuân Vượng- một nghệ nhân đầu đàn ngành Tuồng cho biết, đến giữa những năm 50, tại Hà Nội vẫn còn tồn tại nguyên vẹn một lưu phái Tuồng Bắc danh tiếng với các nghệ nhân lão luyện như Lê Văn Lập, Hoàng Hiệp Tắc, Vũ Văn An, Nguyễn Ba Tuyên, Đoàn Thị Ngà, Nguyễn Đắc Nhã..v.v.. Về nghệ thuật nói chung, Tuồng Bắc có những phương pháp âm nhạc riêng với hệ thống bài bản khác biệt với Tuồng Nam, hiện chỉ còn một phần bài bản được một số nghệ nhân đầu đàn của Nhà hát Tuồng Trung ương lưu giữ. Trên thực tế, bộ mặt của nghệ thuật Tuồng ở miền Bắc trong phân nửa thế kỷ qua phần lớn thuộc phong cách lưu phái Tuồng miền Trung- vốn được chính thức du nhập ra miền Bắc sau ngày giải phóng Thủ đô 1954. Về tổng thể, theo các nhà nghiên cứu thống kê, kho tàng các vở Tuồng cổ tính đến đầu thế kỷ 20 đã lên tới con số hàng trăm. Thế nhưng hiện nay, việc phục chế kho tàng đó chắc chắn là điều không tưởng. Có thể kịch bản của chúng còn lưu giữ đâu đó trong các thư viện trong hay ngoài nước, nhưng đó vẫn chỉ là… kịch bản mà thôi. Làm sao có thể phục chế khi thế hệ các nghệ nhân lão thành không còn. Giờ đây, tất thảy đều chỉ là “nghe nói thế, thấy bảo thế”, thế thôi!!!
BÙI TRỌNG HIỀN