Nội san

HECTOR BERLIOZ

01 Tháng Mười 2010

HECTOR BERLIOZ

(1803 – 1869)

 

              

Hector Berlioz là một trong số các nghệ sĩ có tư tưởng tiến bộ và dũng cảm nhất của thế kỷ XIX. Những âm hưởng hào hùng của âm nhạc cách mạng quần chúng đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trí tuệ và tâm hồn của nhà soạn nhạc Hector Berlioz. Không chỉ là một nhà cách tân, ông còn là đại diện xuất sắc của Trường phái lãng mạn trong âm nhạc nước Pháp thế kỷ XIX. Hector Berlioz cũng là một trong số những nhạc sĩ chủ trương làm cho âm nhạc gần gũi hơn với người nghe thông qua tính tiêu đề của các tác phẩm khí nhạc.

Hector Berlioz sinh ngày 11 tháng 12 năm 1803 ở thành phố La Côte-St-André. Cha ông là Louis Berlioz - một bác sĩ. Mẹ ông tên là Marie-Antoinette-Josephine. Dưới ảnh hưởng của người cha yêu triết học duy vật và quan tâm đến các vấn đề xã hội, Hector Berlioz ngay từ những năm còn nhỏ đã sớm có ý thức công dân. Đây cũng chính là đặc tính được xác định trong nhiều tác phẩm của ông ở lĩnh vực văn học cũng như trong âm nhạc sau đó.

 

Cha của Hector Berlioz - Bác sĩ Louis Berlioz (1776-1848)

           

Từ nhỏ Hector Berlioz sống gần nông thôn, nhờ vậy ông hiểu biết và rất yêu nghệ thuật dân gian nơi đồng quê. Thời thơ ấu Hector Berlioz không được tiếp thu nền học vấn âm nhạc chuyên nghiệp. Do điều kiện gia đình cậu chỉ được học hai loại nhạc cụ phổ biến nơi đồng quê khi đó là fluytghita.

            Năm 1821, Hector Berlioz được gia đình gửi đến Paris để theo học nghề thầy thuốc theo truyền thống và niềm hy vọng của gia đình. Ở Thủ đô Paris – một trong những trung tâm văn hoá lớn của thế giới thời kỳ đó, lần đầu tiên cậu được nghe các opera của C.W. Gluck (1714 – 1787) và những người kế nghiệp sau đó như: Salieri, Katel, Meguili, Sackini, Spontini. Việc tự nghiên cứu một cách sâu sắc các tổng phổ của Gluck được ghi nhận là một giai đoạn quan trọng trong việc hình thành phong cách sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ trẻ tuổi H. Berlioz.

 

           

Cho đến năm 1826, khi đã 23 tuổi, cậu mới được nhận vào học tại Nhạc viện Paris sau 2 năm là sinh viên Đại học y khoa theo ý muốn của người cha. Ở đây cậu được học sáng tác với Lesiuer và đối vị với Raykh. Tại Nhạc viện Paris Hector Berlioz có cơ hội tìm thấy và trang bị cho mình những tri thức âm nhạc cần thiết đối với một người hoạt động sáng tạo nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp. Ngoài ra, sự gần gũi về phương diện tinh thần với Lesiuer – một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc của nước Pháp cách mạng, đã góp phần quan trọng trong việc hướng Hector Berlioz tới nghệ thuật âm nhạc quần chúng nhân dân. Hector Berlioz cũng đã được gặp gỡ với những đại diện xuất chúng nhất của giới trí thức tiến bộ ở Paris như: Hugo, Banzac, Goethe, và sau đó đối với Hainơ, Duma, List, Chopin, Paganini, Giooc Sand. Rồi cậu được làm quen với nghệ thuật âm nhạc của Beethoven vĩ đại - người đã có ảnh hưởng tư tưởng lớn nhất đến toàn bộ cuộc đời lao động sáng tạo nghệ thuật của Hector Berlioz. Nhưng những ấn tượng mạnh cùng lòng khâm phục là khi cậu được tiếp xúc với các tác phẩm của Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) và William Shakespeare (1564-1616).

            Tuy nhiên, ngay từ khi chưa được vào học tại Nhạc viện Paris, Hector Berlioz đã được công chúng yêu âm nhạc Paris biết tới tác phẩm của mình vào năm 1825 với bản Messa. Còn sau đó vào năm 1830 cậu đã tổ chức Đêm tác giả đầu tiên của mình với thành công vô cùng rực rỡ. Qua đêm biểu diễn đó, Hector Berlioz để lại ấn tượng tốt đẹp cho người nghe và cả các nghệ sĩ cùng tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, mối quan hệ của Hetor Berlioz với giới âm nhạc chuyên nghiệp lại không được tốt. Bốn năm liên tục từ 1827 đến 1830, Hector Berlioz tham gia vào cuộc thi Giải thưởng lớn Roma (Prix de Rome). Ba lần đầu Ban giám khảo không trao giải thưởng cho Hector Berlioz vì lo lắng và không hiểu trước những cái mới của phong cách sáng tạo nghệ thuật và sự táo bạo trong ngôn ngữ dàn nhạc của ông. Chỉ đến lần thứ tư, khi nhà soạn nhạc trẻ tuổi viết Cantat dự thi theo phong cách kinh viện truyền thống, thì Hội đồng giám khảo mới đồng ý trao giải thưởng cho Hector Berlioz.

            Từ năm 1830, Hector Berlioz bước vào giai đoạn chín muồi trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Bắt đầu là Cantat “Ophây” đã khẳng định phong cách sáng tạo hoàn thiện của ông. Cũng vào mùa xuân năm 1830 đã xuất hiện Bản giao hưởng số 1 mang tên “Symphonie fantastique” của ông. Tác phẩm đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử sáng tạo nghệ thuật không chỉ ở Pháp, mà còn là tác phẩm mang tầm cỡ thế giới.

Thời gian ở Italia theo Giải thưởng Roma (1827 - 1830), đã được phản ánh sau này trong hàng loạt tác phẩm âm nhạc xuất sắc của ông như: các Bản giao hưởng “Harol ở Italia”, “Romeo và Jiuliet”, opera “Benvenuto Trellini”.

            Từ cuối năm 1832, sau khi trở về nước từ Italia, bắt đầu một giai đoạn sáng tác đầy thành công mới của Hector Berlioz. Đó là sự hoàn thành 3 Bản giao hưởng “Harold en Italie”, “Roméo và Juliette” và “Tang lễ”; Rekiem, Opera “Benvenuto Cellini” .v.v…

Harriet Constance Smithson (1800-1854),

người vợ thứ nhất của H. Berlioz 

Marie-Geneviève Martin, bí danh là Marie Recio (1814-1862)

- vợ thứ hai của H. Berlioz.

 

           

Từ năm 1843 cho đến khi qua đời, Hector Berlioz liên tục tham gia các hoạt động biểu diễn với tư cách người chỉ huy dàn nhạc biểu diễn các tác phẩm của mình ở nước ngoài. Ông đã có nhiều chuyến công diễn ở các nước Đức, Áo, Tiệp, Hungary, Nga và Anh.

            Vị trí hàng đầu trong di sản âm nhạc của Hector Berlioz thuộc về các sáng tác âm nhạc giao hưởng của ông. Các sáng tác giao hưởng của ông được sáng tác vào những năm 30 và nửa đầu những năm 40 của thế kỷ XIX. Một trong những đặc điểm đầu tiên cần được nói tới ở âm nhạc giao hưởng của Hector Berlioz là sự gần gũi với nhiều thể loại âm nhạc khác như opera, thanh xướng kịch (oratorio). Nói một cách khác, đó chính là khuynh hướng sân khấu hóa âm nhạc giao hưởng trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc.

            Bên cạnh đó, cho đến ngày nay, người ta vẫn còn nói nhiều đến nghệ thuật phối khí cho dàn nhạc giao hưởng của Hector Berlioz. Ông đã rất chú ý đến việc mở rộng thành phần của dàn nhạc giao hưởng qua việc bổ sung thêm một số nhạc cụ vốn có và mới có song song với việc tận dụng khả năng diễn tấu phong phú của các nhạc cụ trong dàn nhạc.

            Bản giao hưởng số 1 “Symphonie fantastique” (Giao hưởng Ảo tưởng) (1830 – 1831) được coi là Tuyên ngôn của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc Pháp. Vị trí của tác phẩm này tương tự như tiểu thuyết “Lời thú tội của người con thế kỷ” của Musse hay là vở kịch “Ernani” của V. Hugo. Các nghệ sĩ tiến bộ của Paris coi tác phẩm giao hưởng này là sự bắt đầu của một trường phái mới trong nghệ thuật sáng tạo âm nhạc.

            Tổng phổ của Bản giao hưởng số 1 có nội dung văn học ghi chép rất tỉ mỉ, chi tiết nội dung của chính tác phẩm trong dạng kịch bản dưới tiêu đề “Một đoạn đời của người nghệ sĩ”. Theo giới các nhà phê bình âm nhạc thì tác phẩm này khởi nguồn cảm hứng/mang trong nó cả tình yêu của Berlio với nghệ sĩ Harriet Constance Smithson (1800-1854). Bản giao hưởng Fantasie hay “Một đoạn đời của người nghệ sĩ” là sự phản ánh bằng hình tượng âm nhạc thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật thời đại thế kỷ XIX. Đó là con người đa cảm, đầy khát vọng với không ít những nghi ngờ/hoài nghi về tương lai cuộc sống. Con người luôn tiềm ẩn trong mình những khát vọng của một sự nổi loạn.

            Bản giao hưởng gồm 5 chương với các tiêu đề của từng chương như sau:

-          Chương I: Niềm mơ ước, khát vọng.

-          Chương II: Vũ hội

-          Chương III: Trên cánh đồng

-          Chương IV: Đến nơi xử tử

-          Chương V: Giấc mơ trong đêm dạ hội ma quỷ.

            Những năm cuối đời Hector Berlioz sống trong buồn rầu và cô đơn. Ông mất dần những người gần gũi nhất: người vợ thứ nhất, người vợ thứ hai, em gái và người con trai yêu thương duy nhất.

            Ông mất ngày 8 tháng 3 năm 1869 tại Paris vì đau nặng do suy sụp thần kinh.

 

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HECTOR BERLIOZ

I. Tác phẩm giao hưởng

Giao hưởng "ảo tưởng" op.14 (1830-1831)

"Harold ở Italia" (Harold en Italie) op.16 (1834)

“Roméo và Juliette” op.17 (1838-1839)

Giao hưởng "Tang lễ” op.15 (1840)

Uverture "Vua Lia" op.4 (1831)

Uverture "Ngày hội hoá trang ở Rome" op.9 (1844)

II. Thanh nhạc

"Cái chết của Orphey" (1827)

III. Công trình lý luận

"Hành trình âm nhạc ở Đức và Italia" (1844)

"Những buổi tối bên dàn nhạc" (1853)

"Âm nhạc và người nhạc sĩ" (xuất bản năm 1903)

 

Phạm Lê Hòa