TS. NGUYỄN ĐĂNG NGHỊ
Những năm 30 thuộc thế kỷ trước, do hệ quả của việc giao lưu văn hóa, ở nước ta xuất hiện nhiều hiện tượng văn hóa mới, mà âm nhạc không phải là trường hợp ngoại lệ. Trong khoảng trên dưới 10 năm, âm nhạc mới (chủ yếu là ca khúc) ra đời, ngay từ ngày đầu, do vị trí, vai trò của chủ thể sáng tạo đối với lịch sử, xã hội mà nó đã có những khuynh hướng - sau thành các dòng - khác nhau: trữ tình lãng mạn, hoài vọng lịch sử, và dòng cách mạng.
Riêng với ca khúc cách, nó là sản phẩm của những người vô sản. Vì thế, từ khuynh hướng đến dòng, trở thành nền, quá trình ấy, ca khúc cách mạng là một thực thể luôn được cộng hưởng bằng đường hướng văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Đông Dương (sau là Đảng Lao động Việt Nam). Thế kỷ XX, Đảng trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta đứng lên giành lại độc lập dân tộc trong tay hai đế quốc hùng mạnh. Đảng luôn quan niệm rằng, văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Bởi vậy, ca khúc cách mạng cũng được coi là mũi nhọn xung kích trên mặt trận ấy. Thế nên, khi nhìn lại bước đường phát triển từ 1930 đến 1975 thì thấy, ca khúc cách mạng luôn luôn có mặt kịp thời và phản ánh những gì sôi động, nóng bỏng nhất của xã hội, lịch sử. Nhìn từ phương diện này, không ít các nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, ca khúc cách mạng là một pho sử bằng âm thanh phản ánh những diễn biến trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Nhận xét ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế ca khúc cách mạng đã từng phản ánh như vậy.
Dấu ấn những sự kiện lịch sử
Cũng phải nói ngay rằng, mặc dù là sản phẩm của nhân dân, của cách mạng, nhưng rõ ràng, bước đi chập chững trong những năm tháng đầu tiên, ca khúc cách mạng chưa đủ sức ghi lại diễn biến lịch sử. Nguyên nhân chính thuộc về lịch sử và sự chi phối của nó tới các chủ thể sáng tạo. Lúc này, mặc dù Đảng cộng sản Đông Dương đã ra đời, nhưng thực sự chưa có ảnh hưởng rộng lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Điều này đã tác động không nhỏ đến tâm lý cũng như môi trường sáng tác và khả năng quảng bá tác phẩm của các tác giả. Mắt khác, trên phương diện chủ thể sáng tạo mà xem xét thì, phải nói ngay rằng, đội ngũ những người sáng tác lúc này chưa nhiều. Bên cạnh đó, về kiến thức âm nhạc, nhìn chung còn sơ sài. Các tác giả sáng tác và truyền bá tác phẩm bằng trí nhớ là chính, tính quần chúng được đề cao... Nhưng, chỉ sau cao trào 1936 - 1939, ca khúc cách mạng Việt Nam đã bắt nhịp và đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Ngày 28 -1 -1941, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, Nguyễn Ái Quốc về nước triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (lần thứ 8) tại Cao Bằng. Hội nghị bàn nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng, và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận này bao gồm các tổ chức quần chúng lấy tên là hội cứu quốc nhằm “liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” (1).
Và, ngày 19 tháng 5 năm 1941, mặt trận Việt Minh chính thức thành lập. Phản ánh sự kiện này đã có hàng loạt bài mang tính hô xướng, kêu gọi ra đời, như: Cờ Việt Minh (Vương Gia Khương), Tiếng gọi thanh niên (Lưu Hữu Phước), Lên đàng (Lưu Hữu Phước - Huỳnh Văn Tiểng)…
Từ giữa năm 1944, không khí chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra hết sức náo nhiệt. Không khí đó, tinh thần đó, được ghi lại trong nhiều ca khúc: Phất cờ Nam tiến (Hoàng Văn Thái), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Tiến quân ca (Văn Cao). Và, sục sôi hơn, chính là những ngày tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám, nó đã được ghi lại qua: Bắc Sơn (Văn Cao), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Diệt Phát xít (Nguyễn Đình Thi). Điểm chót của cao trào là ca khúc Mười chín tháng tám (Xuân Oanh).
Giành lại chính quyền chưa được bao lâu, nhân dân ta lại phải bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Sử ký bằng âm thanh bắt đầu ghi lại sự hung bạo của kẻ thù, bên cạnh đó là những trận đánh mang tính lịch sử của quân và dân ta. Khi toàn quốc kháng chiến có Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát); cuộc chiến đấu trong các đô thị có Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi).
Lịch sử chiến tranh của dân tộc ta diễn tiến đến đâu, đều được các nhạc sỹ ký sự bằng âm thanh tới đó. Chùm ca khúc về Sông Lô: Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Chiến sỹ Sông Lô (Nguyễn Đình Phúc), Sông Lô (Văn Cao), là một bức tranh diễn tả lại Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947. Cuốn sử bằng âm thanh ở giai đoạn này càng dầy thêm mãi theo những trận đánh, những chiến dịch.
Từ chiến dịch Biên giới Thu Đông (1950) đến cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953 - 1954) và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đó là bước tiến của lịch sử đồng thời cũng là bước tiến của ca khúc cách mạng Việt Nam. Bởi lúc này, trên cơ sở thực tế, bằng những kinh nghiệm sáng tác, qua các loại thể của ca khúc, nhiều nhạc sỹ đã đủ sức để phản ánh sự sống động của lịch sử.
Chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu cũng được nhạc sỹ Đỗ Nhuận ghi lại qua Chiến thắng Điện Biên. Bài hát được viết theo dạng ký sự, nhưng có tính khái quát cao. Tác giả đã tạo dựng lên một không khí tưng bừng của ngày giải phóng, mà hầu như ở đây, khó có một loại hình nghệ thuật nào có sức gợi cảm, gợi tả, gợi liên tưởng như ca khúc này. Cũng như nhiều bài hát sau này, Chiến thắng Điện Biên không chỉ đơn thuần phản ánh về thời sự, về một sự kiện trọng đại lúc bấy giờ, mà nó còn là điểm gợi nhấn quan trọng trong dòng chảy lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ XX.
Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều sự kiện diễn ra, nhưng đáng chú ý là:
Thứ nhất: sự kiện vịnh Bắc bộ, là mối quan tâm đặc biệt của các nhạc sỹ. Nói cách khác, đây là đề tài mà lúc bấy giờ, các nhạc sỹ cần phản ánh và phải phản ánh dưới lăng kính của nghệ thuật cách mạng, để động viên kịp thời mọi lớp người nâng cao tinh thần chuẩn bị đáp trả hành động xâm lược của kẻ thù. Một loạt bài dưới dạng ngôn ngữ cổ động đã được ra đời, ngôn ngữ ấy được nhấn mạnh ngay ở tên của bài hát: Sẵn sàng chiến đấu (Nhạc: Lưu Hữu Phước, Lời Lưu Hữu Phước - Hải Như), Đánh đích đáng (Ngô Sỹ Hiển), Giặc đến nhà là đánh (Đỗ Nhuận), Thanh Niên ba sẵn sàng (Lưu Hữu Phước), Từng bước đi vững chắc (Văn Chung), Không cho chúng nó thoát, Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân), Phải giết lũ giặc Mỹ (Trọng Loan), sẵn sàng bắn (Tô Hải), Nhanh tay lưới chắc tay súng (Trần Thụ), Giữa biển trời xô viết Nghệ An (Hồ Bắc)…
Thứ hai: bốn năm sau, cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp tết Mậu Thân (1968), ca khúc cách mạng Việt Nam lại bước vào mùa thu hoạch mới. Không khí hào hùng của thời đại trong những ngày khói lửa, đã tạo ra điểm nhấn vô cùng quan trọng trong thiên sử bằng âm thanh của dân tộc ta. Chỉ cần điểm qua tên bài hát cũng phần nào khơi gợi lại cái không khí trước, sau mùa xuân ấy: Vui mở đường, Trai anh hùng gái đảm đang (Đỗ Nhuận), Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Bão nổi lên rồi (Trọng Bằng), Cánh chim báo tin vui (Đàm Thanh), Tiếng đàn Ta Lư (Huy Thục), Bài ca Trường Sơn (Nhạc: Trần Chung; Lời: Gia Dũng), Nghe tiếng pháo Khe Sanh (Đức Nhuận), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Hàm Luông dòng sông chiến thắng (La Thăng), Tiếng cồng giải phóng, tiếng cồng chiến thắng (Y Na), Đất quê ta mênh mông (Nhạc: Hoàng Hiệp; Lời: Bùi Minh Quốc)…
Thứ ba: năm 1972, hai sự kiện vô cùng quan trọng diễn ra trên hai miền Nam - Bắc, đó là: miền Nam mở cuộc tổng tiến công chiến lược đánh vào Quảng Trị và phát triển rộng ra khắp chiến trường miền Nam; miền Bắc chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, làm nên kỳ tích mà lịch sử gọi là một Điện Biên Phủ trên không.
Hiện thực nóng bỏng ấy hòa cùng nhịp đập rạo rực của trái tim tạo thành chất men cảm xúc, từ đó các nhạc sỹ đã viết nên những ca khúc vừa có tính thời sự, vừa có tính lịch sử. Xin được điểm qua tên một số bài hát để thấy được phần nào cái không gian, không khí chiến dịch, tuy căng thẳng nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc ta: Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Thanh Phúc - Hồ Bắc), Xe ta đi trong đêm Trường Sơn (Tân Huyền), Tạm biệt thủ đô ra đi đãnh Mỹ (Phúc Minh), Từ mặt đất thân yêu (Tô Hải), Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam (Chu Minh - Hoàng Trung Thông). Và riêng đối với Hà Nội, vẫn một niềm lạc quan, kiêu hãnh trong tư thế của người chiến thắng: Hà Nội Điện Biên Phủ, Hà Nội những đêm không ngủ (Phạm Tuyên), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tiếng hát của Hà Nội hôm nay (Nguyễn An), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Cả nước hướng về Hà Nội (Trọng Bằng)… là những ví dụ, để minh chứng tính thời sự nóng hổi trong ca khúc cách mạng được viết vào năm 1972.
Cuộc chiến nào, sớm hay muộn thì cũng đến hồi kết thúc. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đại thắng, lần nữa ở thế kỷ XX, lịch sử dân tộc lại được tô thêm một nốt son chói lọi. Cùng hòa trong niềm vui chiến thắng này, ca khúc cách mạng cũng ghi thêm vào lịch sử của nó những trang âm thanh hào sảng pha chút chất phóng sự. Người nghe dễ nhận thấy cái niềm vui chộn rộn, hồi hộp trong những ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng: Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà), Trên đường hạnh phúc (Văn An - Tạ Hữu Yên), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (Cao Việt Bách - Đăng Trung), Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), Ngày thống nhất Bác đi thăm (Phạm Tuyên), Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương - Tố Hữu), Chiều nay biển hát (Hồng Đăng)…
Những sinh hoạt thường nhật
Bức tranh ca khúc cách mạng dệt lên, không phải là sự đơn lẻ, một chiều, mà trong nó chứa đựng cái đa sắc, nhiều màu, bởi vì cuộc kháng chiến chống ngoại xâm mang tính toàn dân, toàn diện. Vậy nên, ca khúc cách mạng không chỉ phản ánh những trận đánh, những điểm nút vừa có tính lịch sử, vừa có tính thời sự, mà nó còn cho thấy cả không khí sục sôi của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến đó. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đề cập hết thẩy vấn đề, mà chỉ chọ và đi vào một số chi tiết nhỏ, để thấy được tính thời sự được phản ánh trong ca khúc cách mạng ở nơi hậu phương, hoặc kể cả ở trận tuyến với quân thù.
Nơi hậu phương, trên những cánh đồng quê miền Bắc, hình ảnh người nông dân đã hiện diện trong ca khúc trở nên quá quen thuộc, đặc biệt là chị em phụ nữ, hằng ngày vẫn chắc tay liềm, vững tay súng cùng tham gia kháng chiến. Người ta thấy ngay được cái không khí vui vẻ khi làm trách nhiệm của người công dân với đất nước trong thời lửa đạn: "Nay gái thay trai gắng sức thêm trên đồng. Cố xong thủy lợi khoanh vùng em chăm bón nhiều hơn, bón chăm nhiều hơn." (Tiễn anh lên đường - Nguyễn Văn Tý). Hay, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong việc đóng thuế để nuôi quân: “Chớ mang thóc lép qua cầu gió bay. Thóc lép bay thẹn tay sàng sẩy. Chúng bạn cười, vai quẩy thêm đau. Nắng nhiều sớm nở hoa cau. Đóng nhanh lúa tốt càng mau thắng thù.” (2) Hoặc thông tin về tinh thần nhộn nhịp của người nông dân Nam bộ: “Họp từng đoàn, họp từng đoàn tay liềm tay hái. Lúa trên đồng trên rẫy, gặt lấy cho kịp ngày mùa. Nếu Tây nó vào nó đốt, dân quân đánh nó. Ỷ đông nó vào nó cướp, ta đem cất giấu. Giấu ở đâu? Đem thẳng trong rừng” (3)…
Khi nhìn vào diện mạo ca khúc cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, có thể thấy được bức tranh sinh hoạt của nhân dân ở mọi vùng, miền trên đất nước. Tuy chưa phản ánh một cách đầy đủ, toàn vẹn như nó từng diễn ra trong cuộc sống, nhưng cơ bản đã cho thấy nét sôi động, sống động của bức tranh muôn màu ấy. Đó là một cố gắng lớn của các nhạc sỹ trong việc phản ánh cuộc sống hiện thực vào trong ca khúc. Vì rằng, phóng sự, ký sự không phải là phương thức phản ánh chính của nghệ thuật âm nhạc, nhưng rõ ràng, mỗi loại hình nghệ thuật, trong quá trình hình thành và phát triển chưa bao giờ tồn tại một cách độc lập, mà thường có sự liên đới, liên kết, cũng như có mối liên hệ với các loại hình nghệ thuật khác. Như vậy nghệ thuật âm nhạc, cụ thể ở đây là ca khúc, tùy theo đối tượng phản ánh, tùy theo nhu cầu của lịch sử, xã hội… mà nó có thể dung nạp kiểu ký sự, phóng sự để tăng thêm tính thời sự của thể loại ca khúc - một thể loại có ca từ kèm theo.
Tính thời sự về người nông dân được phản ánh qua nhiều ca khúc ở những cập độ, việc làm, hoàn cảnh khác nhau. Có thể kể thêm một số bài như sau: Nông dân vươn mình (Lưu Hữu Phước - Hoàng Nguyễn), Cấy chiêm (Tô Vũ - Quách Vinh), Ca mừng đời ta tươi đẹp (La Thăng), Gọi nghé trên đồng (Doãn Mẫn - Hồng Đăng), Cả cuộc đời về ta (Lưu Hữu Phước), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ)… Rồi hàng loạt bài trong giai đoạn khi mà đế quốc Mỹ thực hiện chiến dịch leo thang bắn phá miền Bắc: Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Người giỏi chăn nuôi (Nguyễn Văn Tý), Tiếp lương ra tiền tuyến (Phượng Giao), Nón trắng trên đồng (Thái Cơ), Hai chị em (Hoàng Vân), Nhanh tay lưới, chắc tay súng (Trần Thụ), Người Châu Yên em bắn máy bay (Trọng Loan), Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương), Máy lên rẻo cao (Ngọc Quang)...
Trên các mặt của đời sống lao động và chiến đấu, dù ở đồng bằng hay miền núi, dù ngoài biển khơi hay Trường Sơn thì, những bài hát viết về một con người cụ thể hoặc viết về một tập thể, một miền quê, người nghe dễ dàng nhận ra tính thời sự qua nội dung, thời điểm câu chuyện xảy ra, qua cả ngôn ngữ cũng như phương tiện để chuyển tải nội dung câu chuyện đó.
Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà ca khúc cách mạng có đặc điểm này? Theo chúng tôi, ngoài cái chất nông dân vốn có trong từng nhạc sỹ, thì một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là hoàn cảnh lịch sử. Hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi người nghệ sỹ phải phản ánh hiện thực của cuộc sống vào trong tác phẩm. Có thể nói, hoàn cảnh lịch sử là “cú hích” cho tâm hồn nghệ sỹ và cuộc sống hiện thực gặp nhau để tạo nên tác phẩm. Mỗi tác phẩm, không phải là sự phô bày những nốt nhạc được ghép với lời ca một cách đơn thuần, mà nó là một bức tranh về tình cảm của con người, về mối quan hệ giữa tinh thần của con người với thế giới hiện thực khách quan. Nói rộng hơn, mỗi tác phẩm chính là sự phản ánh cái tinh thần của một thời đại.
Có thể dễ dàng chấp nhận một định nghĩa ngắn gọn về nội dung của nghệ thuật sau đây: nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực được phản ánh. Như vậy, nội dung của tác phẩm nghệ thuật bao gồm: phần “hiện thực” và phần được “phản ánh…Từ đó, có thể rút ra ba mặt của nội dung: nội dung trực tiếp hoặc nội dung cụ thể (câu chuyện, sự vật, hiện tượng được trình bày trong tác phẩm); nội dung thời đại hay nội dung khách quan (hoàn cảnh lịch sử đã gợi cho nghệ sỹ lựa chọn đề tài); và nội dung tư tưởng (thái độ của nghệ sỹ đối với hiện thực được phản ánh trong tác phẩm)" (4).
Trên thực tế, trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ XX, người nghệ sỹ nói chung và nhạc sỹ nói riêng cũng đồng thời là người chiến sỹ, hoặc ít ra là người đồng hành cùng chiến sỹ. Họ là những người có mặt ở hầu hết các chiến tuyến và, chẳng ít nhạc sỹ đã ngã xuống nơi chiến trường như: Hoàng Việt, Văn Cận… Không xa rời nơi lửa đạn, phải phản ánh cái chân thực của cuộc sống trong chiến tranh các mạng, đó là mục đích, là lẽ sống của các nhạc sỹ trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Và, điều ấy đã phần nào lý giải được, tại sao bức tranh thời sự trong ca khúc cách mạng Việt Nam lại đa sắc như vậy.
---------
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương,Văn kiện Đảng (tập 3), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1977, tr.436.
2,3. Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam tập II, Nxb Văn hóa, Hà Nội 1977, tr.103, tr.115.
4. Dương Viết Á, Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh, Nhạc viện Hà Nội - Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 1996, tr.71.