Tham luận Hội thảo
Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống
Đỗ Thị Bích Hà
Phòng Công tác HSSV
Nghệ thuật phản ánh hiện thực khách quan bằng những hình tượng có sức biểu cảm của âm thanh, mầu sắc. Nghệ thuật có ý nghĩa lớn lao trong đời sống, trong xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với con người, làm đẹp con người không chỉ ở mặt hình thức mà ở cả tâm hồn. Tuỳ theo mục đích và mức độ của mỗi lực lượng xã hội mà nghệ thuật còn được phát huy mạnh mẽ hơn hay trở thành phương tiện tác động vào tâm tư, tình cảm, ý chí và hành động của quần chúng khá sâu sắc. Đối với học sinh, sinh viên, giáo dục nghệ thuật là phương tiện tích cực trong việc giáo dục các em về nhiều mặt: Thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ, thể chất..., góp phần hình thành nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà con người mới trong thời đại hội nhập.
Trong đời sống của con người, nhu cầu vật chất đòi hỏi có giới hạn, nhưng nhu cầu về tinh thần, nhất là cái hay, cái đẹp thì không có giới hạn. Các nhà xã hội học đã tổng kết rút ra từ thời xa xưa của con người, các dân tộc thiểu số cũng như những người nông dân trong cuộc sống vất vả lam lũ của mình, họ đành cam chịu không biết chữ nhưng họ luôn sáng tạo ra cuộc sống có văn hoá, nghệ thuật, trong lao động vất vất vả, họ vẫn cất cao tiếng hát, những làn điệu dân ca, lời ru, câu hò... phải chăng chính là do dân tộc ta có một nền văn hoá, nghệ thuật và nó đã rèn cho họ có một niềm vui: yêu cuộc sống, lòng yêu thương gắn bó quê hương đất nước, tin tưởng vào mai sau.
Thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu hoá, toàn nhân loại đang tiến bước mạnh mẽ sang một nền văn minh mới, văn minh thông tin, văn minh trí tuệ. Vì vậy, giáo dục nghệ thuật cũng phải thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và xu thế của thời đại. Thời đại hội nhập cuả các nền văn hoá là dịp để nhân loại đa dạng hoá các loại hình nghệ thuật. Nhưng với chủ trương của Đảng, nghệ thuật nước nhà cũng là một dịp để hoà nhập với xu thế của thời đại, nhưng không hoà tan, mà phải giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam, trong đó có giáo dục nghệ thuật.
Giáo dục các bộ môn nghệ thuật, trong đó có giáo dục âm nhạc và giáo dục mỹ thuật là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đưa vào ý thức con người một cách tích cực, sâu sắc, có mục đích với thế giới bằng ngôn ngữ đặc thù với sự phong phú của các giai điệu, làn điệu, mầu sắc... Các tác phẩm nghệ thuật đã mở rộng tầm hiểu biết, làm phong phú kỹ năng sống, mang lại những cảm giác và cảm xúc thẩm mỹ mới mẻ, mạnh mẽ nhiều khi còn sâu sắc hơn cả những cảm giác và xúc động do các hiện tượng và sự vật của đời sống thực mang lại.
Nghệ thuật có ý nghĩa nhận thức nhiều hiện tượng của đời sống, sự vật, sự biến đổi của thiên nhiên, môi trường, những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, quan hệ giữa con người với con người được phản ánh qua các tác phẩm nghệ thuật, làm phong phú vốn hiểu biết bằng những khái niệm về xã hội, tự nhiên, truyền thống, những trạng thái tình cảm trong quan hệ của con người.
Đôi khi tác động của nghệ thuật còn mạnh hơn cả những lời khuyên hay sự ra lệnh... Các tác phẩm nghệ thuật ca ngợi thiên nhiên, đất nước con người, gợi tình yêu quê hương, tổ quốc, lòng biết ơn đối với cha mẹ, những người thân trong gia đình, những bài ca truyền thống sẽ mạng lại cho con người cảm xúc mạnh mẽ về khí thế hào hùng của dân tộc, lòng biết ơn đối với những người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân hoặc cả cuộc đời vì độc lập tự do cho tổ quốc hôm nay.
Cảm thụ nghệ thuật cũng là một sự sáng tạo và là một quá trình đặc biệt phức tạp, đa dạng. Nếu được giáo dục nghệ thuật thì mức độ cảm thụ nghệ thuật ở mỗi người sẽ từng bước được nâng cao trong quá trình tiếp xúc với nghệ thuật. Theo đó sở thích nghệ thuật cũng dần xuất hiện với nhu cầu tiếp xúc thường xuyên với nghệ thuật, những cảm xúc nghệ thuật cũng trở nên tinh tế và đa dạng hơn./.