Nội san

Công tác đào tạo giáo viên mỹ thuật tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

01 Tháng Giêng 2011

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

                                               ThS. Trần Đình Tuấn

 Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã có thành tích gần 40 năm phát triển và trưởng thành, việc được Bộ quyết định nâng cấp từ trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Hoạ thành trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW thực sự là một vinh dự nhưng cũng đầy thử thách đối với Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ giảng viên trong nhà trường. Trong bối cảnh giáo dục đại học chuyển mình như hôm nay, mục tiêu của nhà trường là dần hoàn chỉnh nội dung, phương pháp sao cho phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đó là dạy cái gì xã hội cần, dạy thế nào để đáp ứng với sự đổi mới của giáo dục phổ thông trong sự nghiệp cải cách giáo dục mới, tiến tới xây dựng được thương hiệu nhà trường trong bối cảnh mà nền giáo dục đào tạo nước nhà đứng trước nhiều vận hội và sự cạnh tranh không ngừng. 

Bằng trực cảm của người đang đứng trên bục giảng và kinh nghiệm của người quản lý ở khoa chuyên môn nhiều năm, xin đưa ra 2 vấn đề mà cá nhân tôi cho rằng là cơ bản nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Mỹ thuật đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay.

 Thứ nhất: Về nôi dung chương trình giảng dạy.

Cần phải một câu hỏi: những tiến trình giảng dạy, các bài giảng của cả 3 tổ bộ môn khoa Mỹ thuật (hình hoạ, trang trí, lý luận) đã thực sự là những kiến thức mà giáo sinh cần chưa?

Với mục tiêu là đào tạo giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông (tức là trang bị kiến thức nền tổng hợp về mỹ thuật và âm nhạc) không phải đào tạo nghệ sĩ, trong nhiều năm qua chúng ta dạy cho sinh viên thường chú trọng vào kỹ năng vẽ. Đối với bộ môn hình hoạ, học với thời lượng nhiều nhưng lại giảng dạy mang tính kỹ năng mà chưa quan tâm đến việc trang bị những kiến thức về thẩm mỹ rộng và toàn diện hơn đối với từng môn học đó.  Theo tôi, thông qua những bài học cụ thể, giảng viên cần truyền đạt những năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho sinh viên và có những định hướng đúng đắn về năng lực cảm thụ nghệ thuật, có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu giáo dục ngày nay. Một việc chúng ta đã biết, trong các môn năng khiếu của giáo dục phổ thông mục đích chính là khơi dậy năng khiếu thẩm mỹ, bồi dưỡng sự cảm thụ về nghệ thuật. Việc dạy vẽ cho học sinh phổ thông không phải là dạy hay đào tạo các nghệ sĩ tương lai. Chính từ quan niệm chưa đúng vấn đề này nên trong chương trình hiện nay trường đang áp dụng những bài học mang nhiều tính kỹ năng theo tôi là chưa thật chính xác. Đành rằng sinh viên phải biết vẽ hình hoạ, trang trí cơ bản, nhưng thực sự những bài học đó chỉ giúp ích một phần nào cho các em sau này. Ví dụ, trong chương trình của học sinh lớp 6, 7 có các bài vẽ theo mẫu. Chúng ta không nên hiểu đó là hình hoạ đơn thuần và cũng không bắt các em học sinh vẽ như sinh viên vẽ hình hoạ hiện nay. Phải nhìn nhận việc có các bài vẽ theo mẫu chỉ là rèn luyện kỹ năng quan sát đồ vật và thể hiện ở trên mặt giấy như thế nào. Đặc biệt là mối quan hệ giữa đồ vật (như cái ca, cái cốc...) với cuộc sống thường ngày của các em. Thông qua đó giáo viên bồi dưỡng, khơi gợi cảm thụ về màu sắc, về vẻ đẹp của hình thể giúp cho các em thêm yêu và gần gũi thiên nhiên hơn.

Đối với môn trang trí và bố cục cũng vậy, dạy trẻ vẽ cảnh sinh hoạt bằng cảm nhận, bằng đôi mắt trẻ thơ trong sáng chứ không cần bắt các em phải có ý thức bố cục người đứng, người ngồi, nhóm chính, nhóm phụ. Các em được tự do vẽ, miễn là thông qua đó khơi gợi ở các em lòng yêu mến thiên nhiên, yêu mến con người. Đó mới là giáo dục thẩm mỹ ở tuổi thơ. Hãy để các em có thể vẽ ông mặt trời bằng màu xanh, thảm cỏ màu đỏ. Các em luôn có lý của mình, đừng bắt các em nhìn bằng đôi mắt của người lớn. Muốn được như vậy thì giáo viên giảng dạy nghệ thuật ở bậc phổ thông cần nhiều kiến thức khác chứ không chỉ là các bài vẽ hình hoạ, các bài vẽ bố cục. Điều tôi muốn nói ở đây là hiện nay sinh viên sư phạm Mỹ thuật quá thừa các bài vẽ cơ bản nhưng lại thiếu kiến thức sâu về nhận thức thẩm mỹ để giảng dạy và giáo dục nghệ thuật cho học sinh. Như vậy chúng ta cần trang bị kiến thức nền nhiều hơn những kỹ năng mang tính hàn lâm như bấy lâu vẫn làm.

Qua nhiều năm công tác cũng như hướng dẫn thực tập sư phạm, tôi thấy cần phải thay đổi yêu cầu đối với các bài tập của sinh viên mỹ thuật. Thay vì bài tập mô phỏng các bài làm của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chúng ta phải nghiên cứu các bài tập thiết thực hơn, gần gũi với công việc của giáo sinh sau khi ra trường. Bám sát chương trình mỹ thuật phổ thông, các tổ bộ môn phải nghiên cứu đưa ra các bài tập để sinh viên thực hiện. Thực hiện được tốt những việc đó chính là chúng ta đã giải đáp được câu hỏi khoa Sư phạm Mỹ thuật cần dạy gì? dạy như thế nào? điều đó cũng thể hiện được chúng ta đào tạo cái mà xã hội cần chứ không đào tạo cái chúng ta có. Đó cũng là một cách khẳng định được chất lượng đào tạo, thương hiệu của nhà trường.

Vấn đề thứ 2: Về đội ngũ giảng viên.

Nhìn vào chất lượng sinh viên của một trường đại học, người ta đánh giá được trình độ của giảng viên. Đó là một thực tế.

Đối với trường Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, phần lớn đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, chính quy trong các trường nghệ thuật lớn mang tính hàn lâm. Đó là một thuận lợi. Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, với yêu cầu và nhiệm vụ mới thì sự vững vàng về chuyên môn thôi hẳn chưa đủ. Cũng như các sinh viên của chúng ta, đội ngũ giảng viên đa phần được đào tạo mang tính kỹ năng chuyên sâu về chuyên môn nhưng lý luận, kiến thức nền về giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế. Có thể anh (chị) cảm thụ nghệ thuật rất tốt, sáng tác giỏi nhưng truyền đạt và giáo dục thẩm mỹ lại là một vấn đề khác nữa. Trong bối cảnh hiện nay khi mà nhịp sống thay đổi từng giờ, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nên các trào lưu nghệ thuật cũng thay đổi. Thậm chí quan điểm nghệ thuật cũng không ngừng vận động. Việc cập nhật thông tin, sàng lọc và nhận định của từng cá thể trong xã hội luôn là một đòi hỏi nếu như mỗi con người không muốn tự loại mình. Với các giảng viên đại học thì công việc đó càng trở nên cần thiết. Có thể vấn đề này, quan điểm này hôm nay là đúng nhưng ngày mai nó đã phải nhường chỗ cho quan điểm khác. Tôi muốn nói tới vấn đề tự bồi dưỡng và nâng cao của đội ngũ giảng viên. Thực tế cho thấy những luận điểm về nghệ thuật (qua các bài giảng) đã được đưa vào chương trình 30, 40 năm nhưng vẫn được giảng trong thời điểm hiện nay. Qua việc nghiên cứu tư liệu và thông qua một số nội dung chương trình của một số nước trong khu vực thì nội dung chương trình mới đặc biệt là những kiến thức có tính cập nhật đáp ứng xu thế phát triển chung là không thể thiếu trong nội dung giảng dạy trong các trường đại học.

Từ những vấn đề nêu trên, trong những năm gần đây, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã từng bước thay đổi và biên soạn nội dung chương trình; đồng thời chủ động xây dựng bộ giáo trình ở hệ Cao đẳng và hiện nay đang tiến hành viết giáo trình hệ đại học Sư phạm Mỹ thuật với tất cả các môn học (Hình họa, Trang trí, Bố cục, Xa gần, Giải phẫu, Lịch sử Mỹ thuật…) để phù hợp với xu thế giáo dục ngày nay.

Nhà trường đã cử một số giảng viên cốt cán tham gia các dự án đổi mới phương pháp giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện dự án Đổi mới phương pháp dạy học bậc Tiểu học với Đan Mạch. Đây là một cơ hội tốt để nhà trường nắm bắt mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, từ đó xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông hiện nay.

Đồng thời, nhà trường đã mở nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy, để đội ngũ giảng viên nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm cũng như mục tiêu đào tạo trong thời đại toàn cầu hóa.

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi về công tác đào tạo giáo viên mỹ thuật hiện nay. Mong các đồng chí cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng với tầm và vị thế mới của trường đầu ngành về giáo dục nghệ thuật trong cả nước./.