Nội san

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

07 Tháng Giêng 2011

 

                                                             ThS. Đinh Thị Hà

                                                                     Khoa Giáo dục đại cương

 

Nhắc tới sinh viên, chúng ta luôn nghĩ tới một lứa tuổi với những điều trong sáng và tốt đẹp. Đây là lực lượng kế cận bổ sung cho đội ngũ trí thức của xã hội. Hiện nay, thế hệ sinh viên Việt Nam đang nỗ lực rèn luyện, học tập, bổ sung kiến thức để hoàn thiện bản thân qua việc tham gia nhiều hoạt động, mà nghiên cứu khoa học là một trong số đó. 

Nghiên cứu khoa học là một hình thức giáo dục ở đại học, là một khâu trong quá trình học tập của sinh viên. Công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên là phương pháp có hiệu quả nhất trong việc đào tạo những người cán bộ ở trình độ đại học. Nó phát triển tối ưu tư duy sáng tạo, phát triển tính linh cảm khoa học, phát triển những kỹ năng, kỹ xảo nghiên cứu khoa học của người sinh viên trong quá trình tiếp nhận tri thức, từ đó sử dụng chúng vào giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học là cơ hội để sinh viên tự thể hiện nhân cách của mình và hình thành kỹ năng làm việc nhóm. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trong những năm gần đây, Đảng ủy-Ban Giám hiệu trường ĐHSP Nghệ thuật TW (tiền thân là trường CĐSP Nhạc Họa TW) rất quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Từ chỗ chỉ có 01 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (năm 2008) thì đến nay, qua hai năm, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã đạt giải thưởng

(01 giải Nhất, 03 giải Ba và 01 giải Khuyến khích) trong

Hội nghị khoa học sinh viên khối ngành mỹ thuật toàn quốc năm 2010

 

Qua thực tiễn hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, theo tôi, để hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên phát triển và hiệu quả thì cần chú ý một số vấn đề sau:

1. Định hướng nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Việc định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học đòi hỏi người cán bộ, giảng viên phải nắm rất chắc phương pháp nghiên cứu khoa học, có kỹ năng phát hiện vấn đề trong lý luận cũng như thực tiễn, có kỹ năng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học để giải quyết vấn đề, có kỹ năng trình bày và báo cáo một cách khoa học…

Người giảng viên có thể định hướng cho sinh viên ngay trong quá trình giảng dạy. Bằng nội dung môn học, bằng việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, bằng các hoạt động khoa học trong và ngoài trường…, người cán bộ, giảng viên có thể giúp sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học. Việc giảng dạy nêu vấn đề tạo cho sinh viên ý muốn tìm tòi chân lý, hướng các em tới phân tích, phê phán, làm sáng tỏ một cách độc lập các nội dung khoa học. Giảng viên cần khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới ở thư viện, Internet…; giao các bài tập có tính chất nghiên cứu cho cá nhân cũng như cho nhóm sinh viên; tổ chức cho sinh viên tự tìm đọc tài liệu, đọc các công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, trao đổi ở các diễn đàn chính thức và không chính thức; tổ chức thi học phần kết thúc môn học bằng hình thức làm tiểu luận; sinh viên sẽ học được rất nhiều từ việc thực hiện các tiểu luận, học cách tìm, đọc và tổng kết tài liệu, xác định vấn đề, phương pháp thực hiện, làm việc nhóm, trình bày và bảo vệ...

Ngoài ra, giảng viên có thể định hướng nghiên cứu khoa học trong sinh viên bằng cách tổ chức các hội thảo nhỏ về chuyên môn, ở đó có thể báo cáo các hướng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, hay trao đổi bình luận các bài báo khoa học mà báo cáo viên có thể là cán bộ, giảng viên hay sinh viên…; tổ chức cho nhiều sinh viên, ngoài các sinh viên có đăng ký nghiên cứu khoa học được dự các buổi bảo vệ đề cương, các buổi bảo vệ đề tài của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Các hội thảo, các buổi duyệt đề cương và bảo vệ đề tài này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành môi trường nghiên cứu, trao đổi chuyên môn; nó cũng là cơ hội cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu từ những người đi trước, là con đường để hình thành tình cảm với hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Giảng viên còn có thể tổ chức cho sinh viên cộng tác cùng nghiên cứu một vấn đề với cán bộ, giảng viên; tổ chức cho sinh viên tham gia báo cáo, hội thảo khoa học với các trường có mô hình đào tạo tương tự, tạo điều kiện cho sinh viên chia sẻ, học hỏi với bạn bè ngoài trường...

 

Đó là những cách hiệu quả nhằm định hướng, góp phần hình thành lòng say mê, ham muốn nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Từ các hoạt động trên, người giảng viên sẽ phát hiện được những vấn đề có thể làm đề tài khoa học, phát hiện những sinh viên tâm huyết, có lòng ham thích, sự sáng tạo cũng như khả năng nghiên cứu khoa học để bồi dưỡng, tạo điều kiện để các em hiện thực hóa ý tưởng của mình trở thành những công trình khoa học có giá trị.

 

2. Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên là giúp sinh viên phát hiện vấn đề, xây dựng đề cương, tổ chức thực hiện (tìm kiếm tài liệu, thu thập thông tin, thí nghiệm, quan sát, phân tích số liệu, thử nghiệm kết quả, viết báo cáo và trình bày báo cáo).

Trong thực tế nghiên cứu khoa học, người hướng dẫn có thể giúp sinh viên khắc phục một số lỗi như:

Xác định tên đề tài: Thường thì sinh viên gặp khó khăn ở khâu này, tên đề tài và hướng nghiên cứu đôi khi không thống nhất với nhau. Người hướng dẫn có thể yêu cầu sinh viên viết ra hoặc nói ra những việc định làm, từ đó cùng suy nghĩ về tên đề tài cho phù hợp nhất với nội dung (tức là xác định nội dung trước khi nêu tên đề tài).

Bước tiếp theo là hướng dẫn sinh viên viết Đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu cần theo đúng mẫu của nhà trường. Khi viết lý do chọn đề tài, cần chú ý nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, chỉ ra điều bất cập, yếu kém của vấn đề đó hiện nay, từ đó khẳng định sự cần thiết của việc tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục những bất cập, yếu kém đó.

Sinh viên cần chú ý tìm hiểu để viết lịch sử vấn đề nghiên cứu. Vấn đề nghiên cứu đã được các tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu như thế nào, mức độ ra sao, chỉ ra điều họ chưa đề cập hoặc chưa làm được, từ đó khẳng định điều mình nghiên cứu là mới mẻ. Nhiều sinh viên thường lúng túng và gặp khó khăn khi đi tìm những công trình trước đó có liên quan đến đề tài của mình. Để làm được điều này, sinh viên cần có kỹ năng truy cập internet, thư viện lớn và nhiều tài liệu tham khảo khác.

Hướng dẫn sinh viên lựa chọn các phương pháp nghiên cứu. Vấn đề đặt ra là giúp sinh viên không phải chỉ là liệt kê tên phương pháp nghiên cứu mà cái quan trọng hơn là phải biết sử dụng các phương pháp đó. Ví dụ, khi sử dụng phương pháp quan sát thì phải trả lời được câu hỏi: quan sát cái gì? quan sát ở đâu? quan sát khi nào? quan sát, ghi chép như thế nào?. Hay khi sử dụng phương pháp điều tra thì điều cốt yếu là phải xây dựng được hệ thống các câu hỏi có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Nếu có điều kiên thì điều tra lần đầu bằng các câu hỏi mở, lấy chúng làm cơ sở để xây dựng các câu hỏi kín cho những lần điều tra sau, tuy nhiên cần chú ý xây dựng các câu hỏi như thế nào để có thể kiểm chứng được độ chính xác. Sinh viên cũng cần biết sử dụng toán thống kê khi xử lý các phiếu điều tra; biết lập các bảng biểu; và đặc biệt là phải biết phân tích, bình luận về các con số mà điều tra đem lại sao cho sát với vấn đề nghiên cứu.

Ngoài ra, khi viết báo cáo đề tài cần ngắn gọn và đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề nghiên cứu. Báo cáo cần có sự cân đối, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Kết luận của đề tài cần khái quát lại vấn đề đã tìm hiểu được về lý luận và thực tiễn, nêu bật cái mới của đề tài và ý nghĩa của nó trong lý luận và thực tiễn. Từ đó có thể nêu lên các kiến nghị cần thiết để thực hiện được các biện pháp mà đề tài đưa ra.

 

3.Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cơ sở vật chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học là thư viện, internet, môi trường nghiên cứu và kinh phí. Đây là những điều kiện không thể thiếu cho hoạt động nghiên cứu khoa học ngày nay, rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong và ngoài trường.

 

Thư viện có nhiều sách và tài liệu tham khảo, đặc biệt có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học phong phú, đa dạng. Sinh viên có thể chọn lọc những khóa luận tốt nghiệp, những tiểu luận môn học có giá trị, mang tính khoa học cao để tham khảo.

Hệ thống máy tính hòa mạng internet cần hoàn thiện và bổ sung trong các khu thư viện, ký túc xá, lớp học…, tạo điều kiện cho sinh viên thuận tiện truy cập thông tin.

Nhà trường có hỗ trợ kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học theo mức độ hoàn thành đề tài và có chế độ khen thưởng như sự ghi nhận cho những nỗ lực, sáng tạo và nghiên cứu khoa học nghiêm túc của sinh viên.

Những điều này sẽ là động lực khuyến khích sinh viên hứng thú hơn, say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học hơn.

 

Tóm lại, nghiên cứu khoa học là một dạng hoạt động đặc trưng của sinh viên. Thực tế cho thấy, hoạt động này ngày càng thu hút sự quan tâm của sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Nhiều đề tài khoa học của sinh viên nhà trường đã được đánh giá cao về giá trị lý luận và thực tiễn. Điều này khẳng định sự quan tâm và tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học trong sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW./.