Nội san

Bài hát dành riêng cho lứa tuổi Phổ thông trung học

07 Tháng Giêng 2011

 

Phạm Lê Hòa

 

            Chúng ta thường hay nói đến các bài hát cho thiếu niên, nhi đồng, cho các bạn thanh niên nam nữ. Nhưng có lẽ ít có những bài hát dành cho lứa tuổi phổ thông trung học (từ 14 đến 17). Đây là đối tượng rất đáng được quan tâm của các nhà giáo dục nghệ thuật. Ở đây tôi không muốn đi sâu vào đặc điểm tâm lí khá phức tạp của lứa tuổi này. Nhưng có điều chúng ta dễ dàng nhất trí với nhau rằng: ở lứa tuổi này hình thành một sự chuyển hoá từ những suy nghĩ ngây thơ, trong sáng của tuổi thiếu nhi sang những suy tư sâu sắc hơn (nhưng cũng thể hiện sự bồng bột của tuổi trẻ), đòi hỏi những nhu cầu riêng về đời sống văn hoá cũng có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt so với lứa tuổi thiếu nhi hoặc lứa tuổi thanh niên đã trưởng thành.

 

 

Ảnh minh họa (nguồn: http://dongthap.edu.vn)

 

Nếu có dịp tham dự các hội diễn ca nhạc của một trường phổ thông trung học, các bạn sẽ thấy ngay sự lúng túng của các em khi chọn bài hát biểu diễn. Đó là do hiện nay, những ca khúc có thể sử dụng được với lứa tuổi này có số lượng không nhiều, chưa thực sự thuyết phục các em, chưa được các em yêu thích. Thực trạng đó dẫn đến việc khi chọn bài, một số em hát lại các bài hát thiếu niên, còn đa số thì đi vào những sáng tác mang tính chất “nhạc nhẹ” với tiết tấu gần gũi với các ban nhạc nhẹ của thanh niên hiện nay.

Nhưng như chúng ta đã biết, cơ thể con người phát triển qua từng giai đoạn với những đặc điểm khác nhau, âm vực giọng hát của từng lứa tuổi cũng không giống nhau. Chẳng hạn, bài hát cho các cháu nhi đồng thì âm vực thường không vượt quá một quãng tám và hình tượng âm nhạc mang tính cụ thể. Còn với các em thiếu nhi thì âm vực có thể là quãng mười, quãng mười một (hoặc đôi khi là quãng 12). Vì vậy khi phải hát các bài của người lớn với tầm cữ rộng, các em phải hết sức cố gắng, làm cho thanh quản chóng mệt và nhiều khi dẫn đến hỏng giọng. Song điều quan trọng hơn là nội dung của nhiều bài hát người lớn rõ ràng không phù hợp với lứa tuổi “choai choai” này, thậm chí còn có tác động không tốt đến các em. Còn nếu chọn bài hát thiếu niên thì tuy thoải mái khi thể hiện về phương diện âm vực, nhưng lại không “thoải mái” về khía cạnh nội dung bởi lẽ lứa tuổi phổ thông trung học rất nhạy cảm và có ý thức vươn lên làm người lớn, không ưa sự trở lại những suy nghĩ của lứa tuổi thiếu niên.

Là những người có kinh nghiệm trong công tác giáo dục âm nhạc, các nhạc sĩ như: Phạm Tuyên, Huy Trân, Phong Nhã, Hoàng Long - Hoàng Lân... trong các cuộc họp của Ban âm nhạc thiếu nhi (Hội nhạc sĩ Việt Nam) đã nêu lên sự cần thiết của việc sáng tác cho lứa tuổi phổ thông trung học, nhằm hướng hoạt động nghệ thuật âm nhạc trong trường phổ thông trung học đạt hiệu quả tốt hơn. Nhưng đây là vấn đề lớn, chỉ riêng Ban âm nhạc thiếu nhi khó có thể làm nổi. Nó đòi hỏi sự phối hợp cùng lúc của nhiều cơ quan hữu quan khác như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội nhạc sĩ Việt Nam... mà thiết nghĩ, chúng ta cần tổ chức một hội thảo về vấn đề này.

Ở nhiều nước trên thế giới, vấn đề âm nhạc nói chung, ca hát nói riêng được giáo dục một cách hệ thống ngay từ nhà trẻ, mẫu giáo, tiếp tục nối tiếp những năm phổ thông cơ sở. Như vậy, đến khi vào phổ thông trung học, bên cạnh kiến thức nhất định về âm nhạc, các em đã có thể nắm được kỹ thuật ca hát phổ thông, khả năng tiếp thu và thị hiếu âm nhạc đã có sự chuẩn bị chu đáo. Nhưng ở nước ta, những kiến thức phổ thông về âm nhạc, khả năng ca hát của các em còn rất hạn chế. Vì vậy, sáng tác cho lứa tuổi phổ thông trung học là một vấn đề không hề đơn giản. Để ra đời một tác phẩm âm nhạc phù hợp với lứa tuổi này, các nhạc sĩ phải mất dành nhiều công sức tìm hiểu những đặc điểm tâm lí, sở thích của các em.

Khả năng giáo dục tư tưởng con người, giáo dục nhân cách, lối sống con người của âm nhạc đã được khẳng định từ lâu. Chính vì vậy, một yêu cầu đang đặt ra hiện nay chính là sáng tác những ca khúc phù hợp cho lứa tuổi phổ thông trung học, để các em được thể hiện những lời ca, những giai điệu trong sáng, hồn nhiên với tất cả niềm say sưa, hứng khởi và yêu thích của mình.

 Sáng tác cho lứa tuổi phổ thông trung học hiện nay không chỉ là vấn đề cấp bách đối với những người làm công tác âm nhạc Việt Nam mà còn với nhiều nước khác trên thế giới. Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích một phần trong báo cáo của đồng chí Tikhôn Khrennhicốp, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Thư ký Thứ nhất Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Liên Xô, tại Đại hội nhạc sĩ Liên Xô lần thứ VII: “... Nhưng ở đây cũng nảy sinh ra một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng: vậy tại sao con em chúng ta khi bước vào lứa tuổi giao thời lại không tìm được món ăn âm nhạc lành mạnh và rơi vào ảnh hưởng độc hại của loại nhạc thông dụng kém phẩm chất? Đây rõ ràng có sự đứt đoạn mà lỗi thuộc về chúng ta - những người sáng tác: chính thế hệ này - thế hệ của các em trong tuổi vị thành niên - đã bị chúng ta bỏ rơi không chú ý đến sở thích và nhu cầu của chúng, không theo kịp chúng. Liệu có phải vì thế mà xuất hiện cái gọi là “nhạc trẻ” để lấp đầy cái khoảng trống đó? Cả vấn đề này cũng phải được giải quyết ngay”.[1]

 

1 Theo bản dịch của Vũ Tự Lân