Văn bản của cơ quan cấp trên

Báo cáo tự đánh giá Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

Ngày ban hành: 30/10/2017
Loại văn bản: Quy định

PHẦN I.  ĐẶT VẤN ĐỀ

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi giáo dục đại học phải đổi mới mạnh mẽ và ngày càng nâng cao chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhận rõ tầm quan trọng của của công tác đảm bảo chất lượng đối với sự phát triển của Nhà trường; khẳng định chất lượng chính là cơ hội  để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong đó chú trọng công tác tự đánh giá nội bộ.

1. Mục đích tự đánh giá:

- Đây là cơ hội để Nhà trường xem xét lại toàn bộ thực trạng chất lượng và hiệu quả của các mặt hoạt động: đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn lực, hợp tác quốc tế... Trên cơ sở đó, Đảng ủy, BGH có những quyết sách phù hợp để từng bước điều chỉnh những vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng đào tạo.

- Qua việc cập nhật, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá năm 2016, Nhà trường hướng tới mục tiêu tham gia kiểm định chất lượng vào cuối năm 2017. Kết quả kiểm định chất lượng sẽ thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Nhà trường đối với toàn xã hội; góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

2. Quy trình tự đánh giá:

            (1) Thành lập Hội đồng TĐG, Ban Thư ký, 8 nhóm chuyên trách trực thuộc Hội đồng TĐG cấp trường năm 2017. 10 tiêu chuẩn TĐG được phân cho 8 nhóm chuyên trách, mỗi nhóm có nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin - minh chứng và viết báo cáo tiêu chí/tiêu chuẩn được phân công;

            (2) Xác định mục đích, phạm vi TĐG, từ đó lập và triển khai kế hoạch TĐG cụ thể theo phạm vi 10 tiêu chuẩn; phổ biến chủ trương của Nhà trường tới toàn thể lãnh đạo các đơn vị và CB, GV qua các buổi họp giao ban, đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử, hội nghị tập huấn;

            (3) Các nhóm chuyên trách thu thập, xử lý, phân tích các thông tin - minh chứng; viết báo cáo 61 tiêu chí theo 10 tiêu chuẩn TĐG; phản biện chéo giữa các nhóm chuyên trách về Dự thảo 1 Báo cáo tự đánh giá;

            (4) Ban thư ký biên tập tổng thể Dự thảo 1 Báo cáo tự đánh giá. Hội đồng TĐG tiến hành thảo luận và thông qua Dự thảo 1 Báo cáo tự đánh giá;

            (5) Gửi dự thảo Báo cáo tự đánh giá để xin ý kiến đóng góp của toàn thể CB, GV, tổng hợp các ý kiến đóng góp trình Hội đồng TĐG để góp ý lần 2. Hội đồng TĐG họp thảo luận, góp ý lần 2 vào Dự thảo Báo cáo tự đánh giá;

            (6) Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật minh chứng cho Báo cáo tự đánh giá, hoàn thiện Báo cáo tự đánh giá lần cuối;

            (7) Họp Hội đồng TĐG lần 3 nhằm xét duyệt và thông qua Báo cáo tự đánh giá đã sửa chữa (Hội đồng TĐG, Ban thư ký và 8 nhóm chuyên trách);

            (8) Biên tập lần thứ ba toàn văn Báo cáo tự đánh giá trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng TĐG, Ban thư ký và 8 nhóm chuyên trách; hoàn chỉnh và nộp Báo cáo tự đánh giá chính thức lên Trung tâm KĐCLGD, Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam để thẩm định phục vụ công tác đánh giá ngoài.

3. Công cụ đánh giá và phương pháp tự đánh giá

- Công cụ đánh giá: Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD&ĐT bao gồm 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí ban hành kèm theo văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định về viêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học.

- Phương pháp tự đánh giá chủ yếu là thu thập thông tin, minh chứng từ các nguồn ở trong và ngoài trường từ năm 2012 đến năm 2017, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá theo từng tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng.

+ Mô tả làm rõ thực trạng: Tìm minh chứng có liên quan đến nội hàm của tiêu chí và mô tả rõ thực trạng trên cơ sở những minh chứng tìm được;

+ Phân tích: Giải thích, so sánh để đi đến những nhận định đánh giá, chỉ ra những điểm mạnh và những tồn tại trong hoạt động có liên quan đến nội hàm của tiêu chí;

+ Đề xuất kế hoạch hành động: Lên kế hoạch và nêu các biện pháp với mốc thời gian cụ thể để duy trì và phát huy thế mạnh, khắc phục tồn tại, hướng đến cải tiến mặt hoạt động có liên quan đến nội hàm của tiêu chí;

            +Tự đánh giá: Tự đánh giá đạt hay chưa đạt yêu cầu theo tiêu chí được áp dụng để TĐG, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch.

4. Cách thức mã hóa tài liệu minh chứng:

Các minh chứng được mã hóa theo hướng dẫn tại văn bản số 462/KTKĐCLGD – KĐĐH, ngày 9/5/2013 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT.

Cấu trúc của báo cáo: Báo cáo TĐG gồm 5 phần chính: Phần I. Đặt vấn đề; Phần II. Tổng quan chung; Phần III. Tự đánh giá; Phần IV. Kết luận, Phần V. Phụ lục.

5. Những lợi ích Nhà trường thu được qua công tác tự đánh giá

            - Nhà trường tổ chức rà soát lại tất cả các mặt hoạt động và thu thập, kiểm tra lại dữ liệu hoạt động trong 5 năm (2012-2017), qua đó phát hiện ra những mặt chưa đạt so với yêu cầu của tiêu chí, tiêu chuẩn và chủ động đưa các giải pháp nâng cao  chất lượng.

            - Hoạt động kiểm định chất lượng dựa trên các chỉ số, các chuẩn mực để đánh giá; kết quả thu được sẽ giúp mỗi thành viên của Nhà trường hiểu rõ hơn công việc của mình và của những người liên quan làm thế nào là đạt chất lượng; nhờ đó, họ biết chủ động không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình, góp phần cùng những người liên quan hành động theo chất lượng, khi đó văn hóa chất lượng sẽ dần hình thành tại Nhà trường.

            - Hình thành văn hóa “minh chứng” trong khi triển khai các công việc của Nhà trường. Khái niệm “minh chứng” được phổ biến rộng rãi trong toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên hiểu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

 

PHẦN II.  TỔNG QUAN CHUNG

1.Lịch sử phát triển

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (tiền thân là trường Sư phạm Thể dục - Nhạc hoạ TW) với lịch sử gần 50 năm xây dựng và trưởng thành; là nơi đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn giáo viên nghệ thuật cho cả nước. Đến nay, Nhà trường đã trải qua bốn giai đoạn:   

            Năm 1970, Trường Sư phạm Thể dục - Nhạc - Hoạ Trung ương được thành lập với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV có chuyên môn về Thể dục, Âm nhạc và Hội hoạ ở trình độ trung cấp.

            Năm 1980, để đáp ứng nhu cầu giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất của đất nước, Bộ Giáo dục đã quyết định thành lập Trường CĐSP Thể dục - Nhạc - Hoạ Trung ương trên cơ sở Trường Sư phạm Thể dục  - Nhạc - Hoạ Trung ương.

            Ngày 07/11/1985 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ký quyết định số 261/HĐBT, tách Trường CĐSP Thể dục - Nhạc - Hoạ Trung ương thành 2 trường: Trường CĐSP Nhạc - Hoạ Trung ương và Trường CĐSP Thể dục Trung ương số 1.

                Ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 117/2006/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương  trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Hoạ Trung ương.

Qua 47 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo lực lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật cho các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của Việt Nam. Bên cạnh đó, những cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật cũng đã có đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống, đưa nghệ thuật đến với đông đảo các tầng lớp quần chúng thông qua các chương trình văn nghệ, triển lãm nghệ thuật…

2. Sứ mạng và mục tiêu

Là trường đại học có uy tín về giáo dục nghệ thuật của Việt Nam, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã nhận thức được sứ mạng của mình gắn liền với sự phát triển văn hóa - xã hội của đất nước. Năm 2017, Nhà trường đã điều chỉnh sứ mạng và mục tiêu chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới như sau:

            Sứ mạng: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

            Mục tiêu chiến lược: Xây dựng trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, giáo dục nghệ thuật ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế.

3. Cơ cấu tổ chức và đội ngũ cán bộ, giảng viên

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Trường gồm: Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học và đào tạo, 9 phòng ban chức năng, 14 khoa, 03 trung tâm, 01 viện, 01 tạp chí, 01 trang thông tin điện tử. Nhà trường hiện có 433 cán bộ, giảng viên, nhân viên (gồm 322 giảng viên cơ hữu, trong đó: 01 GS (0,3%), 08 PGS (2,5%), 18 TS/TSKH (5,6%), 223 Th.S (69,3%).

4. Hoạt động đào tạo

             Nhà trường đảm nhận việc đào tạo 01 mã ngành trình độ tiến sỹ, 03 mã ngành trình độ thạc sỹ, 13 mã ngành trình độ đại học, 02 mã ngành trình độ cao đẳng. Nhà trường đã chuyển đổi hình thức đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ từ năm học 2013-2014. Đến nay, 100% các chương trình đào tạo được thực hiện theo học chế tín chỉ. Nhà trường có các hình thức đào tạo khác nhau như: hệ chính quy, VLVH, đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương. Nhà trường ban hành 31 chương trình đào tạo ngắn hạn, thu hút được sự chú ý của các địa phương đặt hàng đào tạo nhằm nâng cao các kỹ năng cần thiết cho cán bộ, giáo viên của tỉnh.

5. Người học

           Quy mô đào tạo hiện nay là 3.848 sinh viên hệ ĐH, CĐ chính quy; 469 học viên cao học, 34 nghiên cứu sinh. Từ năm 2012 đến năm 2017, Nhà trường có 4.073 người học tốt nghiệp từ các trình độ đào tạo thuộc hệ chính quy. Theo kết quả điều tra của Nhà trường trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo sau 1 năm tốt nghiệp đạt mức trung bình 71.4% với thu nhập bình quân đạt 4.5 triệu đồng/tháng.

6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

              Các đề tài KHCN từ cấp Trường đến cấp Bộ đều gắn với mục tiêu và chương trình đào tạo góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của các CB, GV và NCKH của SV. Giai đoạn 2012-2017, Nhà trường đã nghiệm thu 09 đề tài cấp Bộ, 49 đề tài cấp Trường, 79 đề tài cấp Khoa và 69 đề tài do SV thực hiện.

          Nhà trường đã ký kết đề xuất nghị định thư với trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Bắc “Hỗ trợ giáo dục Âm nhạc và Mỹ thuật cho các trường phổ thông tại miền Bắc Việt Nam”; phối hợp cùng các Giáo sư Học viện Âm nhạc Claudio Monteverdi, Bolzano, Italia tổ chức lớp chuyên đề “Những phương pháp giáo dục Âm nhạc Thế giới”. Năm 2016, Trường tham gia vào Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên các trường đại học của Việt Nam” của tổ chức ALmaLaurea, Đại học Bologna (Italia).

7. Thư viện và cơ sở vật chất

          Tổng số tài liệu nghiên cứu, sách tham khảo, giáo trình trong thư viện Nhà trường hiện có là 8.958 đầu sách/21.670 bản sách (sách điện tử là 431 bản). Thư viện trường ĐHSP Nghệ thuật TW là thành viên của Liên hiệp Thư viện các trường đại học phía Bắc, thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị và trao đổi chia sẻ nguồn lực thông tin phục vụ công tác đào tạo và NCKH của Nhà trường.

          Tổng diện tích của trường là 25.366.6 m2, trong đó diện tích sàn phục vụ đào tạo là 8.040m2 với 118 phòng học các loại: phòng thực hành chuyên ngành, phòng thực hành tin học, xưởng thực tập may, nhà đa năng, hội trường và phòng học lý thuyết, thư viện. Cơ sở vật chất hiện có cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, học tập, NCKH của cán bộ, giảng viên và người học.

8. Tài chính

          Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là đơn vị hành chính sự nghiệp, nguồn thu chủ yếu từ 2 nguồn: Ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ hoạt động đào tạo. Tổng kinh phí từ các nguồn thu trong 5 năm là 310.278.716.000đ.

          Công tác lập kế hoạch và quản lý tài chính của Nhà trường được chuẩn hóa, công khai hóa, minh bạch và theo quy định; Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của Trường.

9. Khen thưởng

          Trong những năm qua, Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc: Huân chương Lao động hạng Nhất (2010), Huân chương Lao động hạng Nhì (2000);  Bằng khen của Thủ tướng chính phủ (2008, 2009); Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT (2005); Huân chương hữu nghị của CHDCND Lào (2012); Nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho tập thể, cá nhân xuất sắc của Nhà trường.

10. Những phát hiện chính trong quá trình triển khai tự đánh giá

- Sứ mạng đã tuyên bố phản ánh rõ mục tiêu đang phấn đấu của Nhà trường, trong đó khẳng định rõ vai trò cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đáp ứng mục tiêu của Luật Giáo dục về đào tạo con người toàn diện, tiến tới hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhà trường đã xác định mục tiêu qua từng giai đoạn, tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của Nhà trường và nhu cầu của xã hội.

            - Cơ cấu tổ chức của trường ĐHSP Nghệ thuật TW được xây dựng theo quy định của Điều lệ trường ĐH, cũng như các văn bản khác của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thực tế và mục tiêu phát triển của Nhà trường. Các vấn đề về thành lập bộ máy tổ chức đều được thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ. Trong những năm qua, Nhà trường đã từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sắp xếp và hoàn chỉnh bộ máy phù hợp với nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

            - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có đầy đủ các CTĐT và Kế hoạch đào tạo cho tất cả các bậc học từ CĐ, ĐH, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Chương trình đào tạo các bậc học của Nhà trường được xây dựng đúng quy định của Bộ GD&ĐT và được định kì điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở lấy ý kiến của người học, cán bộ, giảng viên, các chuyên gia giáo dục ... Các CTĐT của Nhà trường được thiết kế đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và giữa các CTĐT khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi cho người học nâng cao trình độ. Nhà trường đã thực hiện chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo tín chỉ một cách đồng bộ từ CTĐT, đề cương chi tiết học phần, quy trình kiểm tra đánh giá đến quản lý đào tạo… mang tính linh hoạt và thích hợp nhằm tạo điều kiện  thuận lợi cho người học.

- Các hoạt động đào tạo của Nhà trường đều tuân thủ theo Quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT. Tổ chức đào tạo, kiểm tra - đánh giá kết quả học tập được triển khai theo các văn bản pháp quy, các quy định về quy trình đào tạo, có sự vận dụng linh hoạt phù hợp với đặc thù nghệ thuật; đa dạng hoá các loại hình đào tạo. Kết quả người học được thông báo công khai, kịp thời. Hệ thống sổ sách lữu trữ và quản lý kết quả học tập của người học rõ ràng, chính xác, khoa học. Công tác quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ khoa học, kịp thời và đúng quy định.

            - Nhà trường đã xây dựng quy hoạch và có kế hoạch bổ nhiệm đội ngũ CBQL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Nhà trường trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Đội ngũ CBQL được bổ nhiệm đúng quy trình, có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng được yêu cầu vị trí được phân công. Giảng viên của trường là những người có trình độ, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, Nhà trường đã ưu tiên tuyển dụng, tiếp nhận giảng viên trẻ có tài năng nghệ thuật, năng động, sáng tạo nhằm tạo nên sự cân bằng trình độ chuyên môn của giảng viên cũng như trẻ hóa về đội ngũ.

- Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các chế độ chính sách xã hội và chăm sóc sức khoẻ cho người học theo quy định. Nhà trường tạo các điều kiện về cơ sở vật chất: sân vận động, phòng triển lãm, câu lạc bộ...; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động văn hoá - văn nghệ - thể dục thể thao cho SV. Nhà trường chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, tư tưởng, pháp luật, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho sinh viên. Các phong trào do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên khởi xướng thu hút được sự tham gia của đông đảo sinh viên. Sinh viên Nhà trường còn được trang bị các kỹ năng cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết khác nhằm tăng thêm cơ hội việc làm như: lớp dạy kỹ năng sống, các khóa học thêm về nghiệp vụ công tác đội, NVSP. Nhà trường đã tổ chức các seminar tư vấn nghề nghiệp có sự phối hợp giữa Nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động. Sinh viên Nhà trường sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm kiếm việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến chuyên ngành đào tạo.

- Hoạt động KHCN được thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý hoạt động NCKH. Trường đã xác định đúng hướng các hoạt động NCKH của giảng viên và sinh viên trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho GV, SV tiếp cận với các hoạt động NCKH trong lĩnh vực liên quan chuyên ngành ứng dụng nghệ thuật vào đời sống. Nhiều đề tài đã được ứng dụng rộng rãi trong và ngoài trường phục vụ cho công tác đào tạo và các lợi ích xã hội khác cho đất nước.

- Nhà trường mở rộng quan hệ HTQT trên nhiều lĩnh vực: trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, hợp tác đào tạo, hoạt động biểu diễn và sáng tác nghệ thuật...Nhiều đoàn khách quốc tế đã tới thăm và làm việc với Nhà trường về GDNT, nhiều đoàn cán bộ của Nhà trường đã ra nước ngoài học tập, khảo sát kinh nghiệm về lĩnh vực quản lý, giảng dạy nghệ thuật.

- Thư viện đang từng bước hiện đại hóa để đáp ứng với sự phát triển của Nhà trường. Các hoạt động từ công tác phục vụ, biên mục xử lý tài liệu, bảo quản và bổ sung tài liệu đều nhằm mục đích cung cấp nguồn vốn tài liệu, các sản phẩm và dịch vụ thông tin tốt nhất tới người dùng. Thư viện của Nhà trường đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu về tài liệu học tập, NCKH, giải trí của người học.

- Về cơ bản, CSVC và trang thiết bị đã đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, học tập, thực hành, NCKH của CB, GV và SV. Hàng năm, Nhà trường có kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Vì vậy, ngày càng có nhiều phòng học đạt tiêu chuẩn mang tính đặc thù cao như: hệ thống cách âm cho phòng học thanh nhạc, nhạc cụ; xưởng may cho chuyên ngành thiết kế thời trang và nhiều trang thiết bị khác... Cùng với đó, Trường đã có các biện pháp làm tăng hiệu suất sử dụng các trang thiết bị, hệ thống máy tính, các thiết bị ngoại vi được tăng cường, hệ thống mạng hoạt động ổn định.

            - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, có hệ thống văn bản quản lý tài chính theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Trường chủ trương đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở rộng liên kết, huy động tối đa các nguồn lực để tăng nguồn thu. Kế hoạch tài chính được công khai, minh bạch, hợp lý; sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm, đúng mục đích, đạt hiệu quả với mục tiêu đảm bảo đời sống cho CB-CNV, tạo sự đồng lòng thống nhất cao trong mọi lĩnh vực hoạt động.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẦN III. TỰ ĐÁNH GIÁ CỦA NHÀ TRƯỜNG

 

Tiêu chuẩn 1

Sứ mạng và mục tiêu của trường đại học

            Mở đầu: Sứ mạng của trường ĐHSP Nghệ thuật TW được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực của trường và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Các mục tiêu của trường được cụ thể hóa từ sứ mạng và phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học quy định tại luật Giáo dục

            Tiêu chí 1.1. Sứ mạng của trường được xác định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của nhà trường; phù hợp và gắn kết với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

1. Mô tả

 Năm 2012, lần đầu tiên trong “Chiến lược phát triển trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn 2012-2030”, trường ĐHSP Nghệ thuật TW công bố sứ mạng: là trường đại học trọng điểm về giáo dục nghệ thuật; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật; nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về nghệ thuật ở Việt Nam [H1.01.01.01].

      Sau 5 năm hoạt động, Nhà trường tiến hành rà soát, đánh giá lại nguồn lực hiện có. Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã thống nhất và điều chỉnh sứ mạng để phù hợp định hướng chiến lược mới [H1.01.01.02]. Trong giai đoạn mới, sứ mạng được khẳng định như sau:

      “Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế” [H1.01.01.03].

                Sứ mạng trên phù hợp chức năng nhiệm vụ của Nhà trường được nêu tại Quy định tổ chức và quản lý của trường ĐHSP Nghệ thuật TW là: đào tạo bồi dưỡng, ứng dụng nghiên cứu khoa học sư phạm nghệ thuật và một số chuyên ngành văn hóa nghệ thuật... Tổ chức, quản lý đào tạo sư phạm nghệ thuật và một số chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật thuộc các trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học theo hướng đa ngành, đa hệ [H2.02.01.02].

Sứ mạng trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã được công bố trong chiến lược phát triển của Nhà trường theo từng giai đoạn [H1.01.01.01],[H1.01.01.03]. Sứ mạng được phổ biến tới toàn thể cán bộ, giảng viên và người học thông qua các văn bản, nội dung sinh hoạt tuần công dân và các bảng tin trong khuôn viên trường [H6.06.05.02],[H1.01.01.04]. Sứ mạng được tuyên bố rộng rãi với các đối tượng ngoài trường, thể hiện qua việc giới thiệu trên trang thông tin điện tử http://www.spnttw.edu.vn; đăng trên tạp chí Giáo dục nghệ thuật; đăng trên các ấn phẩm của Trường [H1.01.01.05].

Nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến phản hồi của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong trường, một bộ phận đội ngũ giảng viên dạy học AN/MT ở các trường phổ thông và một bộ phận các cựu sinh viên về tuyên bố sứ mạng [H1.01.01.06]. Nhưng các ý kiến này chưa được tổng kết, đánh giá.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có đủ các nguồn lực để thực hiện sứ mạng:

Thứ nhất, trường có bề dày lịch sử gần 50 năm đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật và các loại hình nghệ thuật với đội ngũ 433 CB/GV. Trong đó, có 01 GS, 08 PGS, 18 TS, 223 ThS và nhiều CB/GV đang theo học sau đại học. Có 04 NGUT, 01 NSUT, 02 GVCC, Chuyên viên CC, 34 GVC/CVC, 28 hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam/Hội mỹ thuật Hà Nội, 21 hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, 06 hội viên hội nhà báo Việt Nam [H5.05.01.12], [H1.01.01. 07].

Thứ hai, trường có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ giảng dạy và học tập với tổng diện tích sàn là 13.988.6m2. Toàn trường có 118 phòng học với 5 khu giảng đường A, B, C, D, E. Các phòng học mang tính đặc thù chuyên ngành: Phòng hòa nhạc, phòng thực hành sân khấu, phòng múa, phòng triển lãm tranh, xưởng in đồ họa, xưởng điêu khắc, xưởng thực hành may… [H1.01.01.08].

            Thứ ba, là đơn vị hành chính sự nghiệp, nguồn thu chủ yếu từ 2 nguồn:   Ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ hoạt động đào tạo. Trường có tiềm lực tài chính đảm bảo thực hiện sứ mạng và phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư phát triển và các hoạt động khác... Tổng kinh phí từ các nguồn thu trong 5 năm là 310.278.716.000đ [H10.10.02.05].

            Như vậy, sứ mạng hoàn toàn phù hợp chức năng, nhiệm vụ, các nguồn lực và định hướng phát triển của trường.

 Sứ mạng của Trường luôn gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bám sát chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020: “Chú trọng đào tạo sư phạm nhạc, hoạ để đảm bảo nguồn GV cho hệ thống các trường văn hoá, nghệ thuật, trường phổ thông từ trung ương đến địa phương, góp phần vào việc nâng cao trình độ thẩm mỹ cho học sinh phổ thông”(tr36) [H1.01.01.09]; sứ mạng còn gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa của thủ đô Hà Nội: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực và chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật trên cơ sở kế thừa, phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; đầu tư có trọng điểm, xây dựng, phát triển một số loại hình nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới phù hợp với Hà Nội và điều kiện Việt Nam.” (tr10) [H1.01.01.10].

2. Điểm mạnh

            Tuyên ngôn về sứ mạng của Trường được công bố rõ ràng, công khai  trong các văn bản. Sứ mạng có sự điều chỉnh trong từng giai đoạn để phù hợp chức năng, nhiệm vụ và các nguồn lực của Nhà trường.

Sứ mạng có sự gắn kết và điều chỉnh kịp thời với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Tồn tại       

            Chưa định kỳ tổng kết ý kiến đóng góp của các đối tượng trong, ngoài trường về tuyên bố sứ mạng của trường.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2017-2018, Nhà trường khảo sát, lấy ý kiến về tuyên bố sứ mạng định kỳ 2 năm/lần.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 1.2. Mục tiêu của trường đại học được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học quy định tại luật Giáo dục và sứ mạng đã tuyên bố của nhà trường; được định kỳ rà soát bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện.

1. Mô tả

            Nhà trường đã xây dựng mục tiêu chiến lược giai đoạn 2012-2030: “Xây dựng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về giáo dục nghệ thuật, ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam. Tạo dựng môi trường văn hoá chất lượng đậm chất nhân văn - hiện đại trong nền kinh tế tri thức” [H1.01.01.01].

             Năm 2017, Nhà trường đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu trong Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2017-2022 và tầm nhìn 2030: “Xây dựng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về Văn hóa, Giáo dục Nghệ thuật ngang tầm các trường đại học tiên tiến trong khu vực; là cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật uy tín của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” [H1.01.01.03].

Với mục tiêu là “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa, giáo dục nghệ thuật..”, mục tiêu của Nhà trường góp phần “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ … (Điều 2 Luật giáo dục Việt Nam) [H1.01.02.01].

Mục tiêu của Nhà trường phù hợp mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể của Luật giáo dục đại học “đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí…..; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới...” (mục 1, Điều 5)  và “đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ...” (mục 2, Điều 5) [H1.01.01.02].

Mục tiêu bám sát với sứ mạng đã công bố là trường đại học đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật. Nhà trường đã chú trọng tới việc tuyên truyền, phổ biến mục tiêu thông qua phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm học tại lễ khai giảng đầu năm và hội nghị cán bộ công nhân viên chức hàng năm; qua hội nghị giao ban hàng tháng; trên các phương tiện thông tin đại chúng như trang thông tin điện tử của Nhà trường, trang thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT; chương trình tư vấn ôn thi đại học trên kênh truyền hình VTV2; Chương trình giáo dục nghệ thuật…[H1.01.02.03], [H1.01.02.04].

Từ mục tiêu chung, Nhà trường tiến hành rà soát mục tiêu cụ thể trên từng lĩnh vực [H1.01.02.05]:

- Cơ cấu tổ chức:

Giai đoạn 2012-2020: có 400 cán bộ, giảng viên, trong đó 100% giảng viên đạt trình độ sau đại học, có 50 tiến sĩ.

Giai đoạn 2017-2022: có 450 cán bộ, giảng viên, trong đó 100% giảng viên đạt trình độ sau đại học, có trên 50 tiến sĩ.

Quy mô đào tạo:

Giai đoạn 2012-2020: có 10.580 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (10.000 sinh viên, 500 học viên, 80 nghiên cứu sinh).

Giai đoạn 2017-2022: có 5.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (khoảng 4.400 sinh viên, 500 học viên, 50 nghiên cứu sinh).

Khoa học công nghệ:

Giai đoạn 2012-2020: Mỗi năm công bố 2 cuốn sách chuyên khảo từ sản phẩm NCKH; tổ chức  từ 01đến 02 hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế; Có từ 3-5 văn bằng sở hữu trí tuệ, có doanh thu từ đề tài NCKH.                       

             Giai đoạn 2017-2022: Tập trung nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn; chuyển giao khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo nhà trường (10 công trình khoa học, có từ 03 đến 05 văn bằng sở hữu trí tuệ).

Hợp tác quốc tế:

Giai đoạn 2012-2020: Khai thác khả năng liên kết quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các nước trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Thu hút các nguồn vốn đầu tư, tài trợ về học bổng, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất. Tổ chức chương trình biểu diễn, triển lãm mỹ thuật giao lưu với các đối tác trong và ngoài nước.

            Giai đoạn 2017-2022: Tổ chức các hội thảo quốc tế; thực hiện các chương trình giao lưu, trao đổi đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; tham gia các dự án về hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học (từ 03 đến 05 chương trình).

Về tài chính và cơ sở vật chất:

Giai đoạn 2012-2020: Tăng quy mô các nguồn thu, đạt được sự tự chủ về tài chính 40% (nguồn thu sự nghiệp). Tổng nguồn kinh phí là 120 tỷ đồng (ngân sách cấp 110 tỷ đồng, thu sự nghiệp 10 tỷ đồng). Đáp ứng 100% số phòng học đạt chuẩn theo quy định của nhà nước.

Giai đoạn 2017-2022: Tăng quy mô các nguồn thu đảm bảo cho các hoạt động đào tạo; hoàn thành đền bù và thu hồi đất của dự án đầu tư mở rộng đất; thực hiện dự án xây dựng giảng đường học tập bộ môn chung và giảng đường đa năng; lập dự án đầu tư xây dựng thư viện điện tử.

Các mục tiêu cụ thể được triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị; các đơn vị có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Cuối năm học, các đơn vị và Nhà trường đều tổ chức tổng kết việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu trong năm [H1.01.02.06], [H1.01.02.07].

            Năm học 2012-2013, chương trình hành động nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn 2013-2015 bắt đầu được triển khai, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu Nhà trường đã đề ra [H1.01.02.08].

Như vậy, mục tiêu của trường được xác định phù hợp với sứ mạng đã tuyên bố; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và triển khai thực hiện các chỉ tiêu theo từng năm học.

2. Điểm mạnh 

Mục tiêu được xây dựng phù hợp với sứ mạng đã công bố và mục tiêu đào tạo đại học tại Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học.

            Mục tiêu được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của Nhà trường và nhu cầu xã hội.

3.  Tồn tại

Trong quá trình rà soát, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, Nhà trường chưa tổ chức xin ý kiến của các nhà tuyển dụng lao động.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2017-2018, Nhà trường giao cho phòng Công tác HSSV tiến hành xin ý kiến phản hồi của các nhà tuyển dụng về mục tiêu của Nhà trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Kết luận về Tiêu chuẩn 1:

  Sứ mạng, mục tiêu của Nhà trường được xác định một cách rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và các nguồn lực của Trường. Mục tiêu được tiến hành rà soát định kỳ và điều chỉnh phù hợp với điều kiện, nguồn lực của Nhà trường trong từng giai đoạn phát triển; đáp ứng được những yêu cầu về đào tạo nhân lực cho đất nước và phù hợp với xu thế giáo dục đại học của thế giới.

  Việc thực hiện sứ mạng và mục tiêu trong thời kỳ hội nhập và phát triển cần sự đổi mới trong tư duy cùng các biện pháp quản lý, ý thức đoàn kết, dân chủ phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể của đội ngũ CB, GV trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

Nhà trường luôn bám sát các mục tiêu, xây dựng trường thành một trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về văn hóa và giáo dục nghệ thuật cho đất nước.

Kết quả tự đánh giá:  có 2/2 tiêu chí đạt yêu cầu.

Tiêu chuẩn 2

Tổ chức và quản lý

            Mở đầu: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được tổ chức và quản lý phù hợp với quy định của Điều lệ trường đại học. Có đầy đủ các tổ chức, bộ phận theo quy định của Điều lệ trường đại học và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Có hệ thống các văn bản để tổ chức và quản lý một cách hiệu quả các hoạt động của Nhà trường; chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các bộ phận, cán bộ, giảng viên được phân định rõ ràng; có các tổ chức Đảng, đoàn thể; tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học theo quy định. Trong quá trình phát triển, Nhà trường đã xây dựng sứ mạng và các chiến lược phát triển, có các biện pháp giám sát, đánh giá và thực hiện chế độ báo cáo cơ quan chủ quản theo quy định.

            Tiêu chí 2.1. Cơ cấu tổ chức của trường đại học được thực hiện theo quy định của Điều lệ trường đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan, được cụ thể hoá trong quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường.

1. Mô tả

Cơ cấu tổ chức của trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thực hiện theo đúng quy định của Điều lệ trường đại học và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường đã tiến hành các thủ tục thành lập Hội đồng trường và có đầy đủ các tổ chức, bộ phận theo quy định của Điều lệ trường đại học, không trái với các quy định của Bộ GD&ĐT và các quy định của pháp luật bao gồm: Ban Giám hiệu, Hội đồng khoa học và đào tạo, các phòng, khoa chuyên môn, bộ môn trực thuộc và các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng, thông tin [H2.02.01.01].

Cơ cấu tổ chức của Nhà trường gồm 09 phòng chức năng: Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng hành chính tổng hợp, Phòng Kế hoạch tài chính, Phòng Quản trị thiết bị, Phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng và Thanh tra giáo dục, Phòng Đào tạo, phòng Khoa học công nghệ, Phòng Hợp tác quốc tế, Phòng Công tác học sinh - sinh viên; 14 khoa gồm: Khoa Sư phạm Âm nhạc, Khoa Sư phạm Mỹ thuật, Khoa Mỹ thuật cơ sở, Khoa Thanh nhạc, Khoa Nhạc cụ, Khoa Piano, Khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Khoa Thiết kế thời trang, Khoa Công nghệ May, Khoa Thiết kế đồ họa, Khoa Tại chức và Đào tạo liên kết, Khoa Sau đại học, Khoa Lý luận chính trị, Khoa Tâm lý giáo dục và Giáo dục thể chất; 03 Trung tâm gồm: Trung tâm ngoại ngữ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm Ứng dụng và Phát triển nghệ thuật; 01 Viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu Sư phạm Nghệ thuật; 01 Trạm: Trạm y tế [H2.02.01.02].

Cơ cấu tổ chức của Nhà trường được cụ thể hóa trong Quy chế tổ chức và hoạt động Trường được ban hành các năm (2011, 2015) và đã được sửa đổi bổ sung năm 2017 phù hợp với Điều lệ Trường đại học. Nội dung quy chế quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, trình tự thủ tục thành lập các đơn vị từ Ban giám hiệu đến các Hội đồng, ban giúp việc, các khoa, phòng chuyên môn, viện, trung tâm; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng đến các phòng ban chức năng, khoa chuyên môn, trung tâm, viện nghiên cứu; quy trình bổ nhiệm, điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với lãnh đạo cấp trường, cấp khoa, phòng [H2.02.01.03]. Nhà trường đã tiến hành rà soát chức năng nhiệm vụ của các đơn vị, điều chỉnh, sửa đổi bổ sung phân công nhiệm vụ của các đơn vị cho phù hợp với thực tế hiện nay [H2.02.01.04].

2. Điểm mạnh

            Nhà trường đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động trong đó có quy định cụ thể chức năng nhiệm vụ cho từng đơn vị trực thuộc Trường. 

3. Tồn tại

Trường chưa thành lập Hội đồng Trường theo quy định của Điều lệ Trường đại học.

4. Kế hoạch hành động

            Năm 2018, Nhà trường tiếp tục hoàn thiện các thủ tục thành lập Hội đồng Trường theo quy định.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

Tiêu chí 2.2: Có hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý một cách có hiệu quả các hoạt động của Nhà trường

1. Mô tả

Các văn bản để tổ chức, quản lý hoạt động của Nhà trường (đào tạo, NCKH, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng, quản lý tài sản, quản lý tài chính, quản lý nhân sự, công tác sinh viên...) được ban hành một cách có hệ thống, đáp ứng thực tiễn hoạt động của Nhà trường. Nhà trường đã ban hành "Quy chế tổ chức và quản lý" [H2.02.01.03], "Quy chế dân chủ" [H2.02.02.01] làm căn cứ để xây dựng và ban hành các văn bản quản lý hoạt động của Nhà trường, cụ thể:

- Đối với hoạt động đào tạo, NCKH, hợp tác quốc tế: Trường đã ban hành các văn bản như: Hướng dẫn thực hiện quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ [H2.02.02.02], các chương trình đào tạo theo phương thức đào tạo tín chỉ [H2.02.02.03]; Quy định về công tác quản lý đào tạo và quản lý sinh viên [H2.02.02.04]; Quy định về xây dựng ngân hàng đề thi, ra đề thi [H2.02.02.05]; Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ [H2.02.02.06]; Quy định về quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế [H2.02.02.07].

- Đối với hoạt động quản lý nhân sự, khen thưởng, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị: Trường đã ban hành Thông báo phân công nhiệm vụ của Ban Giám hiệu [H2.02.02.08]; Quyết định ban hành quy chế tuyển dụng, tập sự và bổ nhiệm và ngạch viên chức [H2.02.01.09]; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm viên chức quản lý các đơn vị trực thuộc Nhà trường [H2.02.01.10]; Quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên [H2.02.01.11]; Quy định về đi nước ngoài đối với cán bộ, giảng viên [H2.02.01.12]; Quy định về tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua của cán bộ, giảng viên [H2.02.01.13].

- Đối với công tác tài chính, tài sản: Trường đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ (hàng năm có điều chỉnh, bổ sung) [H2.02.02.14]; Quy định về định mức chi quản lý điều hành thu học phí [H2.02.02.15]; Quy chế về quản lý, sử dụng tài sản công [H2.02.02.16].

- Đối với hoạt động đảm bảo chất lượng: Kế hoạch đảm bảo chất lượng hàng năm, Quy định về công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên, Quy định lấy ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo, Quy định về công tác đảm bảo chất lượng [H2.02.02.17].

- Đối với hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể: Đảng ủy Nhà trường đã ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2015-2020 [H2.02.02.18], Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng ủy [H2.02.02.19], Phân công nhiệm vụ của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng ủy [H2.02.02.20]. Văn bản hoạt động của các đoàn thể: Hội CCB, Đoàn TN, Hội SV [H2.02.02.21]. Hệ thống các văn bản quản lý của Đảng, Công đoàn, Đoàn TN, Hội SV, Hội Cựu chiến binh… được xây dựng và phổ biến, lưu trữ theo các quy định hiện hành, trong hoạt động quản lý không có sự mâu thuẫn giữa các bộ phận liên quan.

Trường tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản, quy định của Nhà nước, Bộ GD&ĐT trong hoạt động tổ chức, quản lý [H2.02.02.22]; trên cơ sở đó, tiến hành biên soạn các văn bản, quy định riêng phù hợp với từng lĩnh vực công tác của Trường [H2.02.02.23].

Nhà trường đã ban hành Quy chế văn thư, lưu trữ đảm bảo các nhóm văn bản như nghị quyết, quyết định, quy chế, kế hoạch, thông báo, tờ trình … liên quan đến lĩnh vực công tác chính của Nhà trường được soạn thảo và ban hành đúng thể thức văn bản [H2.02.02.24].

Theo chức năng nhiệm vụ được phân công, các phòng chức năng tiếp nhận, xử lý các văn bản của cấp trên và trực tiếp soạn thảo các văn bản, trình Ban Giám hiệu ban hành. Đối với các loại văn bản đi, các loại văn bản nội bộ, các phòng chức năng thừa lệnh Hiệu trưởng phê duyệt và ban hành. Các văn bản được quản lý tập trung tại phòng Hành chính - Tổng hợp, được công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà trường, được phổ biến đầy đủ đến các đơn vị trong Trường qua thư điện tử, qua lịch công tác tuần theo quy chế dân chủ cơ sở và được lưu trữ, sắp xếp khoa học tại đơn vị soạn/ban hành (bản mềm và bản cứng).

Trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản, quy định đã được ban hành đến toàn thể cán bộ, giảng viên để biết và thực hiện, định kỳ lấy ý kiến đánh giá thông qua các cuộc họp giao ban hoặc các hội nghị như Hội nghị CBVC để giúp Trường điều chỉnh [H2.02.02.25]. Năm 2017, Nhà trường đã xây dựng Hệ thống quản lý, điều hành  văn bản điện tử; tổ chức tập huấn cho toàn bộ lãnh đạo, chuyên viên phụ trách văn phòng các đơn vị cách thức quản lý và thực hiện [H2.02.02.26]. 

2. Điểm mạnh

            Nhà trường đã xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy định chung về tổ chức và quản lý. Hệ thống văn bản được phổ biến, triển khai đến các đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau.

3. Tồn tại

Hệ thống văn bản của Nhà trường chưa được số hóa toàn diện.

4. Kế hoạch hành động

Giai đoạn 2018-2020, Nhà trường giao cho Trung tâm CNTT nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý văn thư, lưu trữ để khai thác, sử dụng hệ thống văn bản đã ban hành hiệu quả hơn.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

Tiêu chí 2.3: Chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, cán bộ quản lý, giảng viên nhân viên được phân định rõ ràng.

1. Mô tả

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của Phòng chức năng, Khoa, Bộ môn, Viện nghiên cứu, Trung tâm và các tổ chức Đảng, Đoàn thể (Công đoàn và các Công đoàn bộ phận, Đoàn Thanh niên và các Chi đoàn, Hội sinh viên, hội Cựu chiến binh, ban Nữ công..) trong Quy định Tổ chức và Quản lý trường ĐHSP Nghệ thuật TW [H2.02.01.03] và được công khai trên trang thông tin điện tử www.spnttw.edu.vn, mục Cơ cấu tổ chức [H2.02.01.01].

Đối với cán bộ quản lý từ cấp Tổ, Bộ môn đến Ban Giám hiệu đều có sự phân công rõ về chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn. Các quy định này thể hiện trong các văn bản phân công nhiệm vụ của Ban Giám hiệu [H2.02.02.08], phân công nhiệm vụ các đơn vị chức năng [H2.02.03.01], [H2.02.03.0] và trên trang tin điện tử của Trường [H2.02.03.03].

            Trường có quy định nhiệm vụ và quyền của giảng viên không trái với các quy định của Nhà nước và của Bộ GD&ĐT. Năm 2017, Trường đã ban hành Quy định chế độ làm việc của giảng viên [H2.02.03.04]. Văn bản quy định chi tiết về quyền của giảng viên, nhiệm vụ của giảng viên, giờ định mức, giờ NCKH, nghĩa vụ quân sự và các quy định khác. Bên cạnh đó, hồ sơ định biên năm học cũng thể hiện cụ thể nhiệm vụ của giảng viên trong từng học kỳ [H2.02.03.05].

            Đối với các nhân viên nói chung (bao gồm chuyên viên, kỹ thuật viên, nhân viên), Trường ban hành văn bản độc lập phân định về chức trách, nhiệm vụ và không trái với quy định pháp luật tuy nhiên chưa quy định cụ thể trong việc đánh giá kết quả, chất lượng công việc [H2.02.03.06].

2. Điểm mạnh

Đã có hệ thống văn bản quy định công khai, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc Trường cũng như chức trách, nhiệm vụ của cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên kỹ thuật.

3. Tồn tại

Chưa quy định cụ thể trong việc đánh giá kết quả, chất lượng công việc của nhân viên.

4. Kế hoạch hành động

Năm 2018, Nhà trường xây dựng quy định cụ thể trong việc đánh giá kết quả, chất lượng công việc của nhân viên.

5. Đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí.

Tiêu chí 2.4. Tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể trong trường hoạt động đạt hiệu quả và hàng năm được đánh giá tốt; các tổ chức Đảng, đoàn thể thực hiện theo quy định của pháp luật.

1. Mô tả

Nhà trường có đầy đủ tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể được thành lập theo các quy định pháp luật hiện hành, bao gồm: Đảng bộ Trường, Công đoàn Trường, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên [H2.02.04.01].

Các hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể thực hiện theo quy định của pháp luật và Quy chế hoạt động của Hội, hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, phương thức hoạt động của một số tổ chức Đảng, đoàn thể bộ phận chưa thực sự đa dạng, phong phú.

- Đảng bộ trường ĐHSP Nghệ thuật TW được thành lập theo Quyết định của Đảng bộ thành phố Hà Nội [H2.02.04.02]. Đảng bộ Nhà trường hiện có 22 chi bộ trực thuộc với 240 đảng viên. Trong 5 năm qua Đảng bộ đã kết nạp được 145 đảng viên mới. Đảng bộ Trường luôn thực hiện tốt các nguyên tắc theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các văn bản quy định hiện hành, không để xảy ra các vi phạm pháp luật và nguyên tắc của điều lệ Đảng. Hàng năm, Đảng bộ Trường đều được đánh giá tốt và được Đảng bộ cấp trên khen thưởng, cụ thể: 01 Bằng khen của Thành uỷ Thành phố Hà Nội, 05 giấy khen của Đảng uỷ Khối các Trường đại học, cao đẳng Hà Nội và 05 năm liền (2012-2017) được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu [H2.02.04.03].

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được thành lập theo Quyết định của Thành Đoàn Thành phố Hà Nội [H2.02.04.04]. Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Nhà trường đã kết hợp chặt chẽ với các phòng, khoa tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mỗi đoàn viên, sinh viên thông qua các phong trào thi đua trong học tập, rèn luyện. Hoạt động của tổ chức Đoàn trong 05 qua không xảy ra vi phạm nào theo quy định của tổ chức Đoàn và pháp luật của nhà nước. Tổ chức hội được Thành Đoàn Hà Nội và Trung ương Đoàn tặng 07 Bằng khen, giấy khen, được tặng cờ thi đua xuất sắc các năm 2015 và 2016 [H2.02.04.05].  

- Công đoàn Trường luôn thực hiện tốt các văn bản quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và của công đoàn cấp trên [H2.02.04.06]. Hàng năm, Công đoàn phối hợp với Hiệu trưởng tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức theo quy định. Thực hiện các hoạt động của Công đoàn như: tiến hành thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân viên  gặp khó khăn, ốm đau, hiếu hỉ; tặng quà các gia đình chính sách; khen thưởng con em các công đoàn viên trong trường, tặng quà vùng sâu, vùng xa... [H2.02.04.07]. Từ năm 2013 đến nay, nhiều công đoàn viên đã đạt được các danh hiệu thi đua như: 100% cán bộ giảng viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, 206 cán bộ, giảng viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 11 cán bộ công đoàn đạt danh hiệu thi đua chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 106 nữ công đoàn viên đạt danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà". Công đoàn Nhà trường 02 năm liền được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc (năm học 2013-2014, 2014-2015), được tặng cờ thi đua xuất sắc của Công đoàn Giáo dục Việt Nam các năm học 2014-2015 và 2015-2016 [H2.02.04.08].

- Hội Cựu chiến binh hiện có có 19 hội viên. Hội đã ban hành Quy chế hoạt động, trong đó quy định cụ thể tính chất, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Hội, nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên, mối quan hệ của Hội với Đảng ủy, BGH Nhà trường.... [H2.02.04.09]. Trong 5 năm vừa qua, tổ chức Hội và các hội viên không để xảy ra sai phạm nào theo quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội, đạt được nhiều thành tích được cấp trên khen thưởng như: 08 bằng khen cho tập thể, 10 bằng khen cho các hội viên [H2.02.04.10].

2. Điểm mạnh

 Đảng bộ Nhà trường và các tổ chức đoàn thể được thành lập đúng quy định hiện hành, hoạt động có hiệu quả, được tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể cấp trên khen thưởng.

3. Tồn tại

 Phương thức hoạt động của một số tổ chức đảng, đoàn thể bộ phận chưa đa dạng, phong phú.

4. Kế hoạch hành động

            Năm học 2018-2019, Nhà trường chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trên cơ sở đa dạng các hình thức hoạt động để đạt hiệu quả công tác.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

            Tiêu chí 2.5: Có tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, bao gồm trung tâm hoặc bộ phận chuyên trách; có đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động đánh giá nhằm duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường.

1. Mô tả

             Năm 2008, Trường đã thành lập phòng Khảo thí (nay là phòng Khảo thí, Đảm bảo chất lượng và Thanh tra giáo dục) với chức năng tham mưu, giúp BGH về lĩnh vực khảo thí, đảm bảo chất lượng giáo dục và công tác thanh tra, kiểm tra của Nhà trường [H2.02.05.01].

Hiện nay, đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách về đảm bảo chất lượng gồm 04 đồng chí, trong đó có: 01 lãnh đạo phụ trách chung đơn vị, 03 chuyên viên (100% có trình độ thạc sỹ) [H2.02.05.02]. Cán bộ làm công tác đảm bảo chất lượng của đơn vị có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm công tác và tham gia một số hội thảo, tập huấn về công tác đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT tổ chức [H2.02.05.03]. Có 02 cán bộ chuyên trách đã tham gia chương trình tập huấn “Phát triển kỹ năng tự đánh giá chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo” do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục-Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam tổ chức và được cấp chứng chỉ [H2.02.05.04]. Tuy nhiên, đội ngũ chuyên trách chưa tham gia nhiều các khóa đào tạo, bồi dưỡng có được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Hàng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho các hoạt động của Nhà trường và phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung công việc đề ra [H2.02.05.05].

Từ năm học 2012-2013 đến nay, công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được thực hiện thường xuyên [H2.02.05.06].  Đơn vị đã chủ động xây dựng các văn bản: “Quy định về công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên” và “Quy định lấy ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo” làm căn cứ triển khai việc tổ chức hoạt động lấy ý kiến phản hồi của Nhà trường [H6.06.09.01],[H6.06.09.08]. Kết quả đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, chất lượng đào tạo của người học bước đầu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường [H6.06.09.07].

Công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục bắt đầu triển khai từ năm học 2010-2011 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bộ phận đảm bảo chất lượng đã tư vấn lãnh đạo Nhà trường tiến hành công tác TĐG lần 1 và đã hoàn thành báo cáo theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Năm học 2012-2013, Trường triển khai cập nhật thông tin, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng báo cáo tự đánh giá theo góp ý của chuyên gia tư vấn Bộ GD&ĐT [H2.02.05.07]. Năm 2015, trước những đòi hỏi của thực tiễn và thực hiện chu kì kiểm định chất lượng theo quy định, trường ĐHSP Nghệ thuật TW tiếp tục tiến hành TĐG lần 2 và hoàn thành vào tháng 8 năm 2016. Hiện nay, Nhà trường đang tiến hành rà soát, bổ sung thông tin vào báo cáo tự đánh giá năm học 2015-2016 để báo cáo của Trường đủ điều kiện tham gia kiểm định chất lượng giáo dục theo kế hoạch đã đăng ký với trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam [H2.02.05.08].

Với sự nỗ lực của đội ngũ làm công tác chuyên trách, hoạt động đảm bảo chất lượng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hàng năm, đơn vị và nhiều cá nhân bộ phận chuyên trách đã được Nhà trường khen thưởng và trao tặng các danh hiệu thi đua [H2.02.05.09].

2. Điểm mạnh

Đơn vị thực hiện công tác đảm bảo chất lượng Nhà trường đã được thành lập và tư vấn triển khai công tác đảm bảo chất lượng trong Trường có hiệu quả.

3. Tồn tại

            Đội ngũ chuyên trách chưa được tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng về công tác đảm bảo chất lượng.

4. Kế hoạch hành động

            Năm 2018, Nhà trường cử từ 02 đến 04 cán bộ chuyên trách đi đào tạo, bồi dưỡng về công tác đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

5. Đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 2.6: Có các chiến lược và kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với đnh hướng phát triển và sứ mạng của Nhà trường; có chính sách biện pháp giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của Nhà trường.

1. Mô tả

Nhà trường đã xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030. Tại văn bản này, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn của Trường được xây dựng trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục, phù hợp với định hướng phát triển và sứ mạng của Nhà trường, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước [H2.02.06.01].

Chiến lược phát triển của Trường được cụ thể hóa trong các phương hướng hoạt động hàng năm. Các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn đều được xây dựng trên cơ sở dự thảo kế hoạch của từng đơn vị [H2.02.06.02]. Nội dung kế hoạch ngắn hạn, trung hạn được xây dựng bám sát các hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, phù hợp với sứ mạng phát triển của Nhà trường là hướng tới trường đại học tự chủ, theo định hướng đào tạo giảng viên trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật.

Hàng tháng, để giám sát và đánh giá hiệu quả việc thực hiện các kế hoạch Nhà trường đã đề ra, Nhà trường đều tổ chức họp giao ban giữa Ban Giám hiệu và Trưởng các đơn vị để đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng trước và trao đổi thống nhất kế hoạch công tác tháng này [H2.02.06.03].

Trường thực hiện rà soát, đánh giá thực hiện kế hoạch năm học tại Hội nghị cán bộ, viên chức... [H2.02.06.04]. Cuối mỗi năm học, các đơn vị đều có báo cáo tổng kết năm học và xây dựng phương hướng hoạt động cho năm học tiếp theo [H2.02.06.05]. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Nhà trường xây dựng Báo cáo tổng kết năm học và Báo cáo kết quả thực hiện các lĩnh vực công tác [H2.02.06.06].

Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, chỉ đạo và đôn đốc thường xuyên của các cấp quản lý giúp cho Nhà trường cũng như từng đơn vị trong Trường rà soát lại các công việc đã thực hiện nhằm đảm bảo hoạt động đúng theo định hướng chiến lược và kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng của Nhà trường chưa chủ động xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

2. Điểm mạnh

 Nhà trường đã xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển Trường và các kế hoạch ngắn hạn.

Công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các kế hoạch của Nhà trường được tổ chức định kỳ qua các hội nghị cán bộ, viên chức hàng năm.

3. Tồn tại

 Các đơn vị chức năng của Nhà trường chưa chủ động xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

4. Kế hoạch hành động

 Trong năm học 2018-2019, Nhà trường chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

Tiêu chí 2.7: Thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý về các hoạt động và lưu trữ đầy đủ các báo cáo của Nhà trường.

1. Mô tả

Trường đã thực hiện đầy đủ chế độ định kỳ báo cáo cho các cơ quan
chủ quản, cơ quan quản lý về các hoạt động như: tổ chức cán bộ, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kế hoạch tài chính, HSSV, đảm bảo chất lượng… Nội dung báo cáo phản ánh đúng việc thực hiện quy định của Nhà nước, của Bộ GD&ĐT, của các cơ quan có liên quan và thực tiễn hoạt động của Nhà trường. Ngoài ra, khi cơ quan chủ quản, cơ quan cấp trên có yêu cầu, Nhà trường thực hiện báo cáo kịp thời và đúng quy định [H2.02.07.01]. Đội ngũ chuyên viên làm công tác văn thư, lưu trữ được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu công việc chuyên môn [H2.02.07.02].

Trong vòng 5 năm gần đây, Trường không bị Bộ GD&ĐT và các cơ quan cấp trên có liên quan nhắc nhở vì vi phạm chế độ báo cáo. Toàn bộ báo cáo gửi Bộ GD&ĐT và các cơ quan cấp trên có liên quan đều được lưu trữ đầy đủ theo quy định. Phòng Hành chính - Tổng hợp được giao phụ trách công tác văn thư lưu trữ của Trường. Trường đã ban hành quy định về công tác văn thư lưu trữ, quy trình về kiểm soát tài liệu, lưu trữ hồ sơ và quản lý văn bản đi - đến [H2.02.02.24]. Tuy nhiên, Trường chưa có phần mềm lưu trữ văn bản.

Trường có các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho việc lưu trữ văn bản như: có tủ lưu trữ hồ sơ, có hệ thống PCCC [H2.02.07.03]…

2. Điểm mạnh

            Nhà trường thực hiện đầy đủ báo cáo định kỳ đối với Bộ GD&ĐT, các cơ quan cấp trên có liên quan và lưu trữ đầy đủ các báo cáo đó theo quy định.

            Chuyên viên làm công tác văn thư lưu trữ được đào tạo bài bản, có chuyên môn vững.

3. Tồn tại

            Trường chưa có phần mềm lưu trữ văn bản.

4. Kế hoạch hành động

Giai đoạn 2018-2020, Nhà trường giao cho Trung tâm CNTT nghiên cứu, xây dựng phần mềm lưu trữ văn bản để khai thác, sử dụng văn bản hiệu quả hơn.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

Kết luận về Tiêu chuẩn 2:

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW hiện đang vận hành cơ cấu tổ chức theo Quy định của Bộ GD&ĐT, Điều lệ Trường đại học. Mô hình tổ chức của Trường phù hợp đặc điểm hoạt động, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, các bộ phận có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, tạo điều kiện phát huy tốt mối quan hệ phối hợp công việc giữa các đơn vị nhằm phục vụ mục tiêu chung của Nhà trường.

Trường đã xây dựng hệ thống văn bản để tổ chức, quản lý các hoạt động của Trường. Hệ thống các văn bản được ban hành, lưu trữ đúng quy định và được phổ biến đến toàn thể cán bộ viên chức bằng nhiều hình thức khác nhau, do vậy các hoạt động được thực hiện kịp thời và đồng bộ.

Trường đã xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn và ngắn hạn phù hợp với định hướng phát triển của Trường. Đảng ủy và lãnh đạo luôn chủ động chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch, có cơ chế giám sát thực hiện kế hoạch. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác đào tạo nghệ thuật, phù hợp với tình hình phát triển của hoạt động nghệ thuật nói riêng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Hoạt động của Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên có hiệu quả, phát huy tác động tốt, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển Nhà trường.

Tiêu chuẩn 2 có 6/7 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí

 

Tiêu chuẩn 3

Chương trình đào tạo

            Mở đầu: Chương trình đào tạo các bậc học của trường ĐHSP Nghệ thuật TW được xây dựng trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường. Chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập giáo dục đại học trong khu vực và thế giới.

Chương trình đào tạo được thiết kế theo từng trình độ (CĐ, ĐH, ThS, TS), linh hoạt, có tính ứng dụng cao. Các chương trình đào tạo của Nhà trường có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, được thiết kế đảm bảo tính kế thừa và phù hợp với thực tiễn. Cấu trúc chương trình hợp lý, sắp xếp theo các khối kiến thức để có thể đào tạo liên thông giữa các bậc học, ngành học... đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của xã hội. Hằng năm, Nhà trường tổ chức điều chỉnh, bổ sung chương trình các ngành đào tạo trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cán bộ, giảng viên và người học.

            Tiêu chí 3.1. Chương trình đào tạo của trường đại học được xây dựng theo các quy định hiện hành do BGiáo dục và Đào tạo ban hành; có sự tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trong nước hoặc trên thế giới; có sự tham gia của các nhà khoa học chuyên môn; giảng viên, cán bộ quản lý đại diện của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động và người đã tốt nghiệp.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             

1. Mô tả

Trước năm 2012, trường ĐHSP Nghệ thuật TW có 08 chương trình đào tạo, trong đó có 06 chương trình đại học (ngành SP Âm nhạc, SP Mỹ thuật, Thiết kế Thời trang, Quản lý văn hóa, Thiết kế Đồ họa, Hội hoạ) và 02 chương trình cao đẳng (SP Âm nhạc, SP Mỹ thuật) [H3.03.01.01]. Các chương trình đào tạo được xây dựng theo các quy định hiện hành do Bộ GD&ĐT ban hành, nằm trong danh mục đào tạo, được Bộ GD&ĐT cho phép [H3.03.01.02].

Trong 5 năm trở lại đây, Nhà trường mở thêm 8 mã ngành đào tạo mới ở các trình độ khác nhau: 01 chương trình Tiến sĩ (LL&PP dạy học Âm nhạc), 03 chương trình thạc sĩ (LL&PP dạy học Âm nhạc, LL&PP dạy học bộ môn Mỹ thuật, Quản lý văn hóa), 04 chương trình đại học (Thanh nhạc, Piano, Diễn viên Kịch – Điện ảnh, Công nghệ May) [H3.03.01.03]. Các chương trình đào tạo trên được xây dựng theo quy định của Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan, đảm bảo về điều kiện đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình; có sự khảo sát nhu cầu lao động xã hội, tham  khảo ý kiến của các nhà tuyển dụng; có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các nhà chuyên môn, nhóm chuyên gia... theo đúng quy định trong thông tư 08/2011/TT-BGDĐT quy định mở mã ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT được thể hiện trong các đề án mở mã ngành [H3.03.01.04].

Khi xây dựng các chương trình đào tạo mới, Nhà trường đều tham khảo chương trình có cùng ngành đào tạo hoặc ngành gần của các Trường, Học viện trong nước, khu vực và quốc tế như: CTĐT Sư phạm Âm nhạc tham khảo CTĐT của Học viên Âm nhạc Quốc gia VN, CTĐT Sân khấu Kịch – Điện ảnh tham khảo CTĐT ĐH Sân khấu Điện ảnh..., ĐH Nghệ thuật Thượng Hải, Ecole des Beaux­Arts… và có sự tham khảo các chương trình trên Internet [H3.03.01.05].

Nhà trường thực hiện xây dựng CTĐT mở mới theo quy trình cụ thể: thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án mở mã ngành đào tạo, chương trình đào tạo; các nhóm chuyên gia xây dựng đề án, chương trình đào tạo. Nhóm chuyên gia xây dựng là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ về ngành đào tạo như: GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, PGS. TS. Trịnh Hoài Thu, PGS.TS. Trần Đình Tuấn, TS. Đào Đăng Phượng, PGS.TS. Nguyễn Đăng Nghị, PGS.TS. Nguyễn Hữu Thức [H3.03.01.06].

Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo mở mới, Nhà trường lấy ý kiến góp ý về chương trình đào tạo của các thành viên tổ chức xã hội nghề nghiệp đồng thời vừa là giảng viên, cán bộ quản lý của Nhà trường là thành viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Việt Nam (GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, PGS.TS. Trịnh Hoài Thu…), Hội Mỹ thuật Việt Nam (PGS.TS. Trần Đình Tuấn...), nhà tuyển dụng lao động (Phó giám đốc Công ty May Đức Giang – Ông Phạm Trọng Tiến…), các Công ty của Nhật Bản và sinh viên tốt nghiệp ra trường [H3.03.01.07]. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian, một số chương trình chưa được lấy ý kiến của sinh viên đã tốt nghiệp ngay từ khi bắt đầu xây dựng CT (thời điểm xây dựng đề án mở mã ngành) mà lấy ý kiến góp ý của đối tượng này trước khi thực hiện đào tạo (khi đề án đã được duyệt, Nhà trường bắt đầu tổ chức đào tạo) [H3.03.01.08].

2. Điểm mạnh

Chương trình đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học của Nhà trường được tổ chức xây dựng, thẩm định theo một quy trình chặt chẽ, có sự tham gia của đội ngũ các nhà chuyên môn đầu ngành, các nhà khoa học, các giảng viên, cán bộ quản lý có trình độ cao ở trong nước.

3. Tồn tại

Khi xây dựng một số chương trình đào tạo, Nhà trường chưa tham khảo ý kiến của sinh viên đã tốt nghiệp ngay từ đầu.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2018-2019, khi xây dựng chương trình đào tạo mới, Nhà trường sẽ lấy ý kiến của sinh viên đã tốt nghiệp ngay từ đầu.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 3.2. Chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học và đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

1. Mô tả

Tất cả các chương trình đào tạo của Nhà trường được xây dựng có mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Ngoài mục tiêu chung của chương trình, các học phần trong chương trình có những mục tiêu riêng và được xây dựng theo cấp độ của mục tiêu cho từng nội dung môn học: VD: Biết được, hiểu được, phân tích được..  [H3.03.02.01].

Từ năm 2010, Nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo trên và công bố trên Website của Nhà trường [H3.03.02.02]. Năm 2013, Nhà trường đã xây dựng chuẩn đầu ra tất cả các ngành cùng với CTĐT khi chuyển đổi hình thức đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ  [H3.03.01.01], [H3.03.01.03].

Chương trình đào tạo khi lấy ý kiến góp ý đều được các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, nhà tuyển dụng lao động, sinh viên đã tốt nghiệp đánh giá có cấu trúc hợp lý: các học phần có sự kết hợp và củng cố lẫn nhau, một số học phần này là điều kiện tiên quyết của học phần kia [H3.03.02.03].

Chương trình được xây dựng theo các module gồm khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, khối kiến thức tốt nghiệp. Chương trình còn có tính hệ thống, phù hợp với ngành thực hiện đào tạo Chương trình đào tạo được các nhà khoa học chuyên môn, giảng viên, cán bộ quản lý, nhà tuyển dụng lao động, sinh viên đã tốt nghiệp đánh giá đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của đào tạo trình độ đại học. Các CTĐT được xây dựng trên cơ sở tham khảo có chọn lọc các ý kiến về việc CTĐT đáp ứng linh hoạt nhu cầu nhân lực của thị trường lao động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhà tuyển dụng lao động [H3.03.02.04].

Trong những năm gần đây, trước khi mở mã ngành đào tạo, Nhà trường đều tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo, tính khả thi của chương trình và phân tích dữ liệu khảo sát như: chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Thanh nhạc, Piano, Diễn viên kịch – điện ảnh, Công nghệ may, chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Lý luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, chương trình đào tạo trình độ Tiến sỹ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật… [H3.03.02.04].

Tuy nhiên, các CTĐT khi xây dựng trước năm 2013 chưa có phiếu khảo sát hoặc có những CTĐT chưa khảo sát đầy đủ những đối tượng liên quan về ngành đào tạo như CTĐT Hội họa - trình độ đại học nên không đạt hiệu quả cao trong tuyển sinh đầu vào, số lượng sinh viên thi tuyển ngành Hội họa hàng năm rất ít (chưa đạt 20 sinh viên/năm).

2. Điểm mạnh

Các CTĐT đều có mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Ngoài mục tiêu chung của chương trình, các học phần trong chương trình có những mục tiêu riêng và được xây dựng theo cấp độ của mục tiêu cho từng nội dung môn học.

3. Tồn tại

            Vẫn còn chương trình khi xây dựng chưa khảo sát kỹ về nhu cầu xã hội.

4. Kế hoạch hành động

            Năm học 2018-2019, khi xây dựng các chương trình đào tạo mới, Nhà trường sẽ khảo sát kỹ hơn về nhu cầu xã hội.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 3.3. Chương trình chính quy và giáo dục thường xuyên được thiết kế theo quy định, đảm bảo chất lượng đào tạo.

  1. Mô tả

Ngay từ khi xây dựng đề án mở mã ngành đào tạo, cấu trúc và nội dung CTĐT hệ chính quy và GDTX được thiết kế theo hướng dẫn phụ lục IV Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, đảm bảo được khối kiến thức chung, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức tốt nghiệp. Ngoài ra, trong khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, Nhà trường còn chia thành các khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành. Nội dung chương trình, chuẩn đầu ra được thể hiện đầy đủ trong CTĐT [H3.03.03.01].

Các CTĐT ngắn hạn được xây dựng theo quy định, hướng dẫn của Nhà trường ban hành [H3.03.03.01].

Nhà trường luôn có những biện pháp cụ thể để đảm bảo các điều kiện tổ chức CTĐT chính quy và VLVH. Cụ thể như sau:

CTĐT được dùng chung cho hệ chính quy và GDTX, chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo (thời gian, địa điểm..). Trong quá trình tổ chức đào tạo GDTX, Trường luôn cử những giảng viên là cán bộ quản lý, giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm để tham gia giảng dạy tại các địa phương [H3.03.03.02].

Về đội ngũ giảng viên: Nhà trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 01 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký. Tổng số giảng viên cơ hữu (gồm cả cán bộ phòng ban tham gia giảng dạy) của Trường hiện nay có 322 người, trong đó có: 01 GS, 08 PGS, 18 TS, Giảng viên chính 17 người (tính đến tháng 9/2017). Giảng viên thỉnh giảng ở các hệ đào tạo là  207 người. Mỗi ngành đào tạo đều có đủ giảng viên cơ hữu theo tiêu chuẩn mở ngành [H3.03.03.03].

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Nhà trường luôn chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở vật chất để đảm bảo cho công tác đào tạo. Trước khi liên kết đào tạo ở các địa phương, Nhà trường đều tiến hành khảo sát, đánh giá về đội ngũ, cơ sở vật chất trước khi thực hiện. Hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành của Nhà trường về cơ bản đáp ứng được cho các hoạt động, hình thức đào tạo [H3.03.03.04]. Ngoài ra Nhà trường còn ký hợp đồng với các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có đủ trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu học tập, thực hành của sinh viên các ngành đào tạo như hợp đồng đưa sinh viên đi thực tập với công ty may Đức Giang, Hưng Nhân... [H3.03.03.05].

Về hệ thống thư viện, tài liệu giáo trình: Nhà trường đã tiến hành mở rộng thư viện, bổ sung giáo trình, tài liệu học tập, ký biên bản ghi nhớ trong việc sử dụng giáo trình, tài liệu thư viện của một số trường ĐH khác....[H3.03.03.07]. Tuy nhiên, sinh viên hệ VLVH sử dụng hệ thống tài liệu của Nhà trường còn hạn chế, do điều kiện về khoảng cách, cập nhật thông tin chưa tốt.

2. Điểm mạnh

Nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ cao, là lãnh đạo các khoa tham gia giảng dạy tại các địa phương trong công tác GDTX.

3. Tồn tại

        Sinh viên hệ VLVH sử dụng hệ thống tài liệu của Nhà trường còn hạn chế, do điều kiện về khoảng cách, cập nhật thông tin chưa tốt.

4. Kế hoạch hành động

          Năm học 2018-2019, Nhà trường giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin chuẩn bị, lập kế hoạch, phương án tiến hành số hóa các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc dạy và học, giúp cho sinh viên hệ vừa làm vừa học có thể dễ dàng tiếp cận với tài liệu tham khảo.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 3.4. Chương trình đào tạo được định kỳ bổ sung, điều chỉnh dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến quốc tế, các ý kiến phản hồi từ các nhà tuyển dụng lao động, người tốt nghiệp, các tổ chức giáo dục và các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc cả nước.   

1. Mô tả

            Năm học 2013-2014, Nhà trường bắt đầu thực hiện chuyển đổi chương trình từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ. Để cập nhật, điều chỉnh phù hợp với phương thức đào tạo mới, hàng năm, Nhà trường tổ chức rà soát định kỳ CTĐT. Trên cơ sở lấy ý kiến của tổ bộ môn, các khoa chuyên môn và Hội đồng khoa học và đào tạo Khoa, Hội đồng rà soát, điều chỉnh chương trình xem xét và quyết định điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế [H3.03.04.01].

            Các chương trình đào tạo trình độ đại học khi điều chỉnh đều được tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế như chương trình ngành Mỹ thuật được tham khảo chương trình của Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), chương trình Diễn viên kịch – điện ảnh tham khảo chương trình đào tạo của Nga …[H3.03.04.02]. Các chương trình đào tạo sau đại học được điều chỉnh, có tham khảo các CTĐT tiên tiến quốc tế. Chương trình đào tạo Tiến sĩ LL&PP dạy học Âm nhạc, hiện tại có bổ sung chuyên đề Các phương pháp giáo dục Âm nhạc trên thế giới, do chuyên gia người Ý (GS. Elita Maule) trực tiếp giảng dạy và chuyên đề Các phương pháp giáo dục Âm nhạc trên thế giới của chương trình đào tạo Học viện Âm nhạc Bolzano, Italia... [H3.03.04.03].

            Nhà trường lấy ý kiến của các nhà tuyển dụng thông qua các đợt thực tập của sinh viên qua ý kiến nhận xét từ các cơ sở thực tập (đơn vị tuyển dụng trong tương lai) cho thấy CTĐT của Nhà trường có đáp ứng được nhu cầu thực tế, những kỹ năng phù hợp và chưa phù hợp cho người học để điều chỉnh, bổ sung cho các khóa học sau [H3.03.04.04].

            Ngoài ra, hàng năm Nhà trường lấy ý kiến góp ý phản hồi của người học, người đã tốt nghiệp, thông qua phiếu lấy ý kiến phản hồi của người học để từ đó điều chỉnh, bổ sung chương trình [H3.03.04.05].

            Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, điều chỉnh CTĐT, Nhà trường có tham khảo các ý kiến của các tổ chức như Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Việt Nam [H3.03.01.07]. Một số lãnh đạo, cán bộ trong trường vừa là CB, GV của Nhà trường, vừa là ủy viên Ban chấp hành của các tổ chức xã hội nêu trên. Nhà trường còn tổ chức hội thảo đào tạo Sau đại học các ngành VHNT, có mời các trường trong khối nghệ thuật, các nhà tuyển dụng để lấy ý kiến đóng góp vào CTĐT [H3.03.01.06]. Trong số các CTĐT được lấy ý kiến, chương trình ngành Hội họa trình độ đại học chưa lấy ý kiến đầy đủ các bên liên quan nên thực hiện đào tạo hiệu quả chưa cao.

2. Điểm mạnh

Việc bổ sung, điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo các bậc đào tạo, cũng như chương trình chi tiết môn học, đề cương môn học đã đươc triển khai có quy mô cấp trường được thực hiện định kỳ thường xuyên.

3. Tồn tại

CTĐT ngành Hội họa chưa lấy ý kiến đầy đủ của các bên liên quan (hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng.

Việc tham khảo các chương trình tiên tiến của nước ngoài còn hạn chế.

4. Kế hoạch hành động       

Năm học 2017-2018, Nhà trường sẽ tiến hành rà soát và điều chỉnh CTĐT, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan như nhà tuyển dụng, người học sau tốt nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp…Nội dung rà soát này, sẽ áp dụng cho những thay đổi trong khóa tuyển sinh 2018.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 3.5. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và các chương trình đào tạo khác.

1. Mô tả

          Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng đảm bảo liên thông với các trình độ đào tạo và chương trình đào tạo khác.

          Đối với các CTĐT có định hướng liên thông với các trình độ khác (hay nói cách khác là liên thông dọc), Nhà trường thực hiện theo các quy định của Bộ GD&ĐT về đào tạo liên thông. Hiện nay, Trường đang thực hiện đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học các ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật và Quản lý văn hóa; liên thông từ cao đẳng lên đại học các ngành: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, Thiết kế Thời trang và Diễn viên Kịch - Điện ảnh [H3.03.05.01]. Đối với trình độ sau đại học, các CTĐT trình độ đại học của Nhà trường là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo. Trong CTĐT của ngành/chuyên ngành ở các bậc học đại học, sau đại học được thiết kế theo từng module học phần, ví dụ như: Khối kiến thức chung, Khối kiến thức cơ sở ngành, đặt tên môn chuyên ngành theo các học phần 1,2,3… tương ứng với cấp độ kiến thức môn học trong các bậc học [H3.03.05.02].

          Sau mỗi kỳ tuyển sinh các ngành đào tạo liên thông trình độ đại học, theo quy chế, trên cơ sở Bảng điểm của người học ở bậc học trước, Hội đồng đào tạo liên thông của Nhà trường, các tiểu ban chuyên môn tiến hành họp, xét các môn học được miễn và các môn học tiếp theo trong chương trình liên thông cho người học. Đối với đào tạo SĐH, Nhà trường có quy định cụ thể cho từng đối tượng dự thi thuộc ngành gần, ngành khác để học bổ sung kiến thức [H3.03.05.03].

          Đối với các CTĐT có định hướng đảm bảo liên thông với các CT khác (liên thông ngang), Nhà trường gồm có các hình thức liên thông ngang như sau: 1) Liên thông giữa ngành và chuyên ngành; 2) Liên thông giữa các ngành gần; 3) Liên thông khi sinh viên chuyển trường, ngành đào tạo. Khi xây dựng CTĐT, lượng kiến thức khác nhau giữa ngành và chuyên ngành là 30%, giữa các ngành gần từ 40% - 50%, khi sinh viên muốn chuyển trường hoặc chuyển ngành đào tạo Nhà trường sẽ xem xét trên từng môn học trên cơ sở các điều kiện về chương trình môn học, số tín chỉ, mức điểm đạt. Nhà trường không ghi rõ các điều kiện liên thông dọc và ngang trong CTĐT, nhưng có những quy định, thông báo được biên soạn bổ sung [H3.03.05.04]. CTĐT của Nhà trường được thiết kế đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo và giữa các CTĐT khác nhau nên sinh viên đã tiết kiệm được thời gian học tập trong việc chuyển điểm giữa các ngành đào tạo trong trường và ngoài trường [H3.03.05.05].

2. Điểm mạnh

Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, học viên trong việc học tập nâng cao trình độ, chuyển đổi sang các ngành khác, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí trong quá trình học tập; tạo điều kiện trong việc chuyển điểm cho sinh viên trong quá trình học song ngành hoặc chuyển điểm.

3. Tồn tại

 Nhà trường chưa ghi rõ các điều kiện liên thông dọc và ngang trong các CTĐT hiện hành mà mới chỉ xây dựng các quy định ngoài bổ sung cho tiêu chí này.

4. Kế hoạch hành động

 Năm học 2018, Nhà trường sẽ bổ sung các điều kiện liên thông dọc và ngang trong CTĐT.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 3.6. Chương trình đào tạo được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá.

  1. Mô tả

Hàng năm, Nhà trường tổ chức đánh giá CTĐT trên cơ sở đề xuất của các Khoa chuyên môn. Nhà trường thành lập Hội đồng đánh giá CTĐT và đề cương chi tiết, thành phần tham gia Hội đồng là các GV trực tiếp giảng dạy, tổ bộ môn, ban chủ nhiệm khoa và các bên liên quan [H3.03.06.01]. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, bộ phận đầu mối thông qua Hội đồng KH&ĐT của Nhà trường để đưa vào thực hiện [H3.03.06.02].

Năm 2015, Nhà trường thực hiện việc đánh giá 11 chương trình đào tạo theo những tiêu chí do Nhà trường tự ban hành [H3.03.06.03]. Nhà trường đã khảo sát, lấy ý kiến của cán bộ quản lý, người dạy, người học và nhà tuyển dụng về các chương trình đào tạo và Đề cương chi tiết các môn học [H3.03.06.04]. Qua việc tham khảo ý kiến của GV, chuyên gia và người học, Nhà trường cải tiến những bất cập trong chương trình và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.

Tuy nhiên, thời điểm Nhà trường đánh giá CTĐT, Bộ GD&ĐT chưa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá CTĐT (Nhà trường thực hiện tự đánh giá CTĐT năm 2015, năm 2016 Bộ GD&ĐT mới ban hành Bộ tiêu chí đánh giá CTĐT). Báo cáo đánh giá tổng thể 11 CTĐT mới dừng ở xử lý dữ liệu, đưa ra các ý kiến theo từng phần trong CTĐT, chưa tổng hợp thành kết luận chung.

Các CTĐT được cải tiến theo hướng tăng/giảm số tiết các môn học, cắt bỏ những môn học không phù hợp, đưa vào chương trình những môn học có nội dung đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động...Ví dụ: CTĐT ngành Thiết kế Đồ họa trình độ đại học năm 2014 tăng học phần Hình họa chuyên ngành 1,2 từ 3 tín chỉ lên 4 tín chỉ, tăng học phần Hình họa nghiên cứu hình thể tĩnh và Hình họa nghiên cứu hình thể động từ 2 tín chỉ lên 3 tín chỉ, năm 2017 điều chỉnh nội dung các học phần Tin học chuyên ngành để cập nhật những nội dung mới trong chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội và yêu cầu của nhà tuyển dụng lao động hoặc bổ sung học phần Ký họa trong phần tự chọn cho sinh viên. Chương trình đào tạo ngành Thiết kế Thời trang năm 2014 giảm học phần Công nghệ may 1, 2 từ 3 tín chỉ xuống 2 tín chỉ, năm 2017 bỏ học phần Nhập môn Design trong chương trình đào tạo. Năm 2017, chương trình đào tạo ngành Diễn viên kịch – điện ảnh bổ sung học phần Quy trình sản xuất phim, Kỹ thuật điện ảnh...Đặc biệt năm 2017, Nhà trường đã thực hiện giảm các chương trình đào tạo thời lượng 4 năm xuống 127 tín chỉ để giảm tải cho sinh viên, tăng cường, khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên [H3.03.06.01]. Việc đánh giá, điều chỉnh CTĐT đều phù hợp với điều kiện đào tạo của trường và trên cơ sở chuẩn đầu ra các ngành đào tạo đã công bố [H3.03.06.02].

Kết quả đánh giá/tự đánh giá; các ý kiến phản hồi của cán bộ quản lý, GV, SV và nhà tuyển dụng về các Chương trình đào tạo/Đề cương chi tiết các môn học là những cơ sở quan trọng để Nhà trường điều chỉnh, bổ sung các Chương trình đào tạo/Đề cương chi tiết các môn học sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

2. Điểm mạnh

 Nhà trường tự xây dựng Bộ công cụ đánh giá (Phiếu hỏi) trước khi có Bộ tiêu chuẩn chính thức của Bộ GD&ĐT.

3. Tồn tại

Báo cáo đánh giá tổng thể 11 CTĐT mới dừng ở xử lý dữ liệu, đưa ra các ý kiến theo từng phần trong CTĐT, chưa tổng hợp thành kết luận chung.

4. Kế hoạch hành động

Năm 2018-2019, Phòng KT,ĐBCL&TTGD nghiên cứu và lập kế hoạch tự đánh giá các CTĐT của trường theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

5.Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí.

Kết luận về tiêu chuẩn 3:

Trường có đầy đủ các CTĐT và Kế hoạch đào tạo cho tất cả các bậc học. Các chương trình của Trường được xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu giáo dục và chức năng, nhiệm vụ của trường, đồng thời gắn với nhu cầu học tập của người học, cũng như nhu cầu của xã hội. Chương trình chi tiết các ngành/chuyên ngành được xây dựng một cách hệ thống, có mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, đáp ứng yêu cầu đào tạo đạt chuẩn. Việc bổ sung, điều chỉnh CTĐT được cập nhật thường xuyên; kế hoạch giảng dạy được thiết kế đầy đủ, linh hoạt, phù hợp với các loại hình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học và của xã hội; có sự tham khảo các CTĐT tương ứng của các trường đại học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chương trình của Trường chưa thường xuyên có sự tham gia góp ý của các nhà tuyển dụng lao động.

Tiêu chuẩn 3 có 6/6 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí

 

Tiêu chuẩn 4

Hoạt động đào tạo

            Mở đầu: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức các hoạt động đào tạo của các bậc đào tạo theo một quy trình chặt chẽ, mềm dẻo, đáp ứng yêu cầu của người học, theo một chuẩn mực thống nhất, vừa phát huy tính tích cực của người học, vừa đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. Các hoạt động đào tạo của Trường đều tuân thủ theo Quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT. Tổ chức đào tạo, kiểm tra - đánh giá kết quả học tập được triển khai theo các văn bản pháp quy, các quy định về quy trình đào tạo, có sự vận dụng linh hoạt phù hợp với đặc thù nghệ thuật; đa dạng hoá các loại hình đào tạo, phát triển năng lực của người học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo con người toàn diện.

Tiêu chí 4.1. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đáp ứng yêu cầu học tập của người học theo quy định

1.Mô tả

          Nhà trường có các hình thức đào tạo khác nhau: hệ chính quy, VLVH, đào tạo ngắn hạn, đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương [H4.04.01.01],[H3.03.01.01], [H4.04.01.02].

          Nhà trường thực hiện đào tạo hệ VLVH với các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Phúc Yên… [H4.04.01.03]

           Nhà trường có 31 chương trình đào tạo ngắn hạn, thu hút được sự chú ý của các địa phương đặt hàng đào tạo nhằm nâng cao các kỹ năng cần thiết cho cán bộ, giáo viên của tỉnh [H3.04.01.04]. Năm 2013, tại tỉnh Điện Biên, Nhà trường đã thực hiện chương trình Bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên nghệ thuật trong dịp hè cho hơn 400 giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; năm 2015, bồi dưỡng kỹ năng Dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp cho hơn 100 Bí thư đoàn, cán bộ, giáo viên phổ thông, cán bộ văn hóa làm công tác phong trào cho tỉnh Điện Biên…[H4.04.01.05]. Các hình thức đào tạo trên được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ GD&ĐT [H4.04.01.06].

            Nhà trường chưa thực hiện liên kết đào tạo quốc tế. Các hoạt động liên quan Nhà trường chỉ mới thực hiện được ở hình thức giao lưu, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tham gia thực hiện các dự án.

            Trường luôn chú trọng về các điều kiện đảm bảo chất lượng cho việc tổ chức đào tạo hệ chính quy và VLVH. Các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, thư viện, tài liệu giáo trình đều được Nhà trường chú trọng đầu tư và phát triển, đảm bảo theo quy định về đào tạo của Bộ GD&ĐT [H4.04.01.07], [H5.05.05.04].

Những thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Nhà trường [H4.04.01.08]. Đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học liên kết tại các cơ sở giáo dục địa phương, trước khi tổ chức, Nhà trường đều có đoàn khảo sát về đội ngũ, cơ sở vật chất của đơn vị liên kết, đặt lớp để cùng phối hợp đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác quản lý, tổ chức đào tạo [H4.04.01.09]. Nhà trường cử các cán bộ quản lý, lãnh đạo khoa chuyên môn tham gia giảng dạy hệ chính quy cũng như VLVH [H4.04.01.10].

2. Điểm mạnh  

Tổ chức các hình thức đào tạo với quy mô lớn cho địa phương, tạo thuận lợi cho người học về thời gian địa điểm.

3. Tồn tại

Các hoạt động hợp tác quốc tế Nhà trường mới chỉ dừng lại ở giao lưu nghệ thuật, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện Dự án, mời cá nhân giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy; chưa tổ chức được các liên kết đào tạo quốc tế.

4. Kế hoạch hành động:

Năm học 2018-2019, Phòng Hợp tác Quốc tế phối hợp với Phòng Đào tạo, Khoa Sau đại học xây dựng kế hoạch và thực hiện triển khai liên kết đào tạo quốc tế.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 4.2. Thực hiện công nhận kết quả học tập của người học theo niên chế kết hợp với học phần; có kế hoạch chuyển quy trình đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ có tính linh hoạt thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học.

1.Mô tả:

             Nhà trường đã chuyển đổi hình thức đào tạo từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ năm 2013. 100% các CTĐT được thực hiện theo học chế tín chỉ. Tính đến nay, có 02 chương trình cao đẳng, 15 chương trình đại học (10 ngành và 05 chuyên ngành), 03 chương trình thạc sĩ và 01 chương trình tiến sĩ đào tạo theo tín chỉ [H3.03.01.01], [H3.03.01.02].

Trên cơ sở kế hoạch đề ra, Nhà trường đã tổ chức “Hội nghị tập huấn về đào tạo theo hình thức tín chỉ”, mời chuyên gia đến tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt [H4.04.02.01]. Các văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành như: Hướng dẫn mới về chuyển đổi chương trình đào tạo, Hướng dẫn xây dựng đề cương chi tiết môn học, Hướng dẫn xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá phù hợp với đào tạo theo tín chỉ [H4.04.02.02]. Thành lập Ban chỉ đạo và các Nhóm chuyên gia chuyển đổi chương trình đào tạo phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ được thành lập [H4.04.02.03]. Đồng thời, Nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học, xây dựng bài giảng mẫu cho một số môn học.

            Trường đã bắt đầu thực hiện quản lý đào tạo bằng hệ thống công nghệ thông tin (phần mềm tín chỉ), xây dựng hệ thống phần mềm quản lý đào tạo CCS Train Pro, quản lý quá trình học tập của sinh viên và người học cũng thường xuyên nắm bắt được thông tin học tập của mình [H4.04.02.04].

            Để thực hiện tốt phương thức đào tạo theo tín chỉ, Nhà trường tổ chức tổng kết công tác đào tạo, mời các chuyên gia (TS. Trần Hữu Hoan - Phó GĐ Học viện Quản lý giáo dục, chuyên gia cố vấn cho Nhà trường về công tác chuyển đổi hình thức đào tạo sang tín chỉ), tham dự giải đáp cho sinh viên, cán bộ, giảng viên về những vướng mắc trong quá trình thực hiện [H4.04.02.05]. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tổ chức 01 buổi/năm chương trình sinh viên đối thoại với Hiệu trưởng để tiếp nhận thông tin phản hồi của sinh viên [H6.06.03.02],  [H6.06.01.12]. Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của người học về việc chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ [H4.04.02.06].

            Các học phần tự chọn trong CTĐT sinh viên vẫn chưa được tổ chức học tập đối với những lớp có quy mô nhỏ do còn hạn chế về kinh phí đào tạo. Việc áp dụng các môn tiên quyết, còn đang được áp dụng dưới hình thức cho sinh viên học trước khi chưa qua môn tiên quyết.

2. Điểm mạnh

            Nhà trường là cơ sở giáo dục đầu tiên trong khối các trường văn hóa nghệ thuật thực hiện chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Việc chuyển đổi từ đào tạo từ hình thức đào tạo niên chế sang hình thức đào tạo tín chỉ được triển khai đồng bộ, đạt được kết quả tốt.

3. Tồn tại

            Nhà trường mới chỉ thực hiện mở các học phần tự chọn có kiến thức hữu ích với ngành đào tạo, chưa hoàn toàn theo sự lựa chọn của sinh viên.

            Các môn học tiên quyết Nhà trường chưa thực hiện chặt chẽ ngay trong những năm đầu. Sinh viên chưa qua môn tiên quyết, có thể vẫn đăng ký học môn kế tiếp, nhưng chỉ được thi học phần này khi môn tiên quyết đã thi đạt.

4. Kế hoạch hành động

            Năm học 2017-2018, Phòng Đào tạo, đơn vị quản lý phần mềm tín chỉ chặn việc đăng ký của sinh viên đối với các học phần khi chưa qua các điều kiện tiên quyết của môn học.

Từ năm học 2018-2019, Nhà trường sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện cho sinh viên được tự chọn các học phần tự chọn và mở các học phần đủ quy mô lớp.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 4.3. Có kế hoạch và phương pháp đánh giá hợp lý các hoạt động giảng dạy của giảng viên, chú trọng việc triển khai đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm của người học.

1. Mô tả

            Hàng năm, Nhà trường có các kế hoạch năm học, kế hoạch đào tạo của toàn khóa, kế hoạch giảng dạy của các ngành, hệ, khóa đào tạo được xây dựng và ban hành [H4.04.03.01].

            Việc đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên là hoạt động thường niên của Nhà trường thông qua các hình thức: Lấy ý kiến phản hồi của người học, dự giờ thường xuyên, dự giờ dạy giỏi, dự giờ đột xuất.

            Năm học 2012-2013, Nhà trường triển khai lấy ý kiến đánh giá của người học theo từng học kỳ, 100% các giảng viên đều nhận được ý kiến đánh giá từ sinh viên [H4.04.03.02]. Ngoài ra, việc người học lựa chọn đăng ký giảng viên giảng dạy trong đào tạo tín chỉ cũng là một cơ hội phản hồi về chất lượng giảng dạy của giảng viên, khẳng định qua số lượng sinh viên nhiều hay ít đăng ký/từng lớp học phần của từng GV. Qua cách phản hồi trên, Nhà trường đã nắm bắt được năng lực của GV, từ đó thông báo cho GV có sự điều chỉnh về phương pháp giảng dạy cho phù hợp, tuy nhiên việc này mới chỉ được thông báo cho lãnh đạo khoa, giảng viên, chưa công khai kết quả đánh giá năng lực của giảng viên rộng rãi.

            Nhà trường đã xây dựng quy định đánh giá giờ dạy qua việc dự giờ thường xuyên, dạy giỏi và đột xuất song hành cùng với các hoạt động đào tạo, đến năm 2016 được quy định cụ thể hơn và kèm theo các biểu mẫu hướng dẫn chi tiết [H4.04.03.03]. Ban Giám hiệu kiểm tra, đánh giá giờ dạy không có chuẩn bị trước để giám sát việc thực hiện giờ dạy của GV. Trong quy định đã ghi rất rõ, nếu giảng viên có 03 giờ giảng bị đánh giá không đạt sẽ không được tiếp tục lên lớp. Thành phần dự giờ luôn có lãnh đạo khoa, trưởng/phó bộ môn, GV đánh giá cho điểm, đại diện phòng Đào tạo, Ban thanh tra giáo dục thực hiện nhiệm vụ giám sát, tổng số người dự giờ từ 05 đến 07 người [H4.04.03.04], [H4.04.03.05].

  Nhà trường chú trọng triển khai tập huấn bồi dưỡng cho các giảng viên về việc đổi mới phương pháp dạy và học. Một số giảng viên trẻ trợ giảng cho các GS, PGS có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm cao. Khi thực hiện theo phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, Nhà trường có mời các chuyên gia về đổi mới PPDH của Đại học Quốc gia, Học viện Quản lý giáo dục (GS.TS. Nguyễn Đức Chính; TS.Trần Hữu Hoan; PGS.TS.Đặng Xuân Hải) đến giảng chuyên đề về đổi mới PPDH, Phương pháp kiểm tra đánh giá… cho GV trong Nhà trường năm 2013, 2014, 2015, 2016 [H4.04.03.06]. Ngoài ra, Trường còn tổ chức các hội thảo quy mô trong và ngoài trường về đổi mới PPDH như tổ chức hội thảo chuyên đề “Tranh in độc bản”, “Thiết kế đồ họa – từ đào tạo đến thực tiễn” [H4.04.03.07].

Nhà trường đã tổ chức các simena tại các khoa, sinh viên đã có những phản hồi tích cực về PPDH. Trong các buổi semina, Nhà trường nhận được những phản hồi tích cực của sinh viên về phương pháp dạy học của giảng viên [H4.04.03.08].

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã tổ chức mời các chuyên gia tại các trường có uy tín về tập huấn cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường về phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá.

Một số phương pháp dạy học đi kèm với hướng dẫn thực tiễn tạo hứng thú cho người học như tổ chức semina, thực hành trực tiếp trên máy về “Phương pháp in độc bản” cho sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật, Thiết kế Đồ họa

 3. Tồn tại

Nhà trường có tổ chức đánh giá, lấy ý kiến phản hồi về PPDH của GV nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, áp dụng để cải tiến trong hoạt động giảng dạy.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017 – 2018, Nhà trường tổ chức đánh giá các hoạt động giảng dạy của giảng viên, Phòng KT, ĐBCL&TTGD lấy ý kiến phản hồi của người học, tổng hợp các ý kiến góp ý và gửi thông tin cho giảng viên để có những điều chỉnh phù hợp về phương pháp dạy học.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 4.4. Phương pháp và qui trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hóa, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực giải quyết vấn đề.

1. Mô tả 

Các hình thức và cách thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập thể hiện trong đề cương của từng môn học. Trong đề cương chi tiết, mục tiêu kiến thức được xác định chi tiết, rõ ràng theo từng nội dung trong đề cương, đảm bảo yêu cầu người học có thể nắm bắt được theo các cấp độ: biết được, hiểu được, phân tích được…[H3.03.02.01].

Bên cạnh đó, Nhà trường đã hướng dẫn các Khoa xây dựng bộ quy trình kiểm tra đánh giá cho từng môn học, tổ chức nghiệm thu, thẩm định, ban hành [H4.04.02.02]. Trong Quy trình kiểm tra đánh giá nêu rất cụ thể những yêu cầu cần đạt của từng học phần, nêu rõ các loại hình bài kiểm tra như: bài tập lớn/bài kiểm tra/bài tập nhóm/hình thức kiểm tra; Có bao nhiêu bài kiểm tra trong 01 học kỳ/năm; Các hình thức kiểm tra đánh giá như: viết/vấn đáp/thực hành…Mô tả rõ cách thức tổ chức thi các học phần và tiêu chí để đánh giá các bài kiểm tra. Trường quy định: Tỉ trọng các môn lý thuyết được quy định theo tỉ lệ 10% điểm chuyên cần, 30% điểm giữa kỳ và 60% điểm thi kết thúc học phần; Các môn thực hành được quy định theo tỉ lệ 10% điểm chuyên cần, 40% điểm giữa kỳ và 50% điểm thi kết thúc học phần; Các học phần thực tế, thực tập 10% chuyên cần, 90% điểm bài thu hoạch…Do là khối ngành văn hóa - nghệ thuật nên Nhà trường còn có nhiều các cách thức kiểm tra đánh giá mang tính đặc thù của ngành... [H4.04.04.01]. Đầu mỗi năm học, phòng KT,ĐBCL&TTGD thông báo đến các Khoa đăng ký các hình thức kiểm tra đánh giá học phần, chọn 01 trong số các hình thức đã thống kê dự kiến cho từng môn học trong Đề cương hoặc Quy trình kiểm tra đánh giá để áp dụng cho năm học đó [H4.04.04.02]. Nhà trường cũng đã xây dựng ngân hàng đề thi cho từng ngành, đã tiến hành thẩm định ngân hàng đề thi căn cứ vào những quy định và hướng dẫn đã ban hành [H4.04.04.03]. Hệ chính quy sử dụng đề thi trong ngân hàng đề thi đã được thẩm định. Hệ vừa làm vừa học sử dụng đề thi theo hình thức giới thiệu, chưa sử dụng đề thi trong ngân hàng đề thi của Nhà trường.                                                                                                                                                                                                                                                      

Trong quá trình lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập, Nhà trường đã nhận được những phản hồi tích cực về tính chính xác, công bằng và phù hợp [H6.06.09.06], [H6.06.09.12]. Công tác phúc tra, phúc khảo đều minh bạch, Nhà trường xây dựng quy trình phúc khảo bài thi, thành lập các ban thanh tra, phúc khảo cùng các ban giúp việc khác để tổ chức thi và giải quyết các vấn đề liên quan khiếu nại thi của sinh viên. Các trường hợp khúc mắc đều được giải quyết thỏa đáng [H4.04.04.04].

 Các quy định trong tổ chức thực hiện và phương pháp thực hiện kiểm tra đánh giá của các hệ đào tạo, các hình thức đào tạo được tổ chức đồng nhất. Đề cương chi tiết, Quy trình kiểm tra đánh giá được sử dụng chung cho hệ chính quy và vừa làm vừa học [H4.04.04.01]. Mỗi học phần được quy định nhiều hình thức kiểm tra đánh giá cho một khối kiến thức, tùy theo khoảng cách về địa lý, thời gian, đối tượng học, Nhà trường lựa chọn các cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá phù hợp nhưng vẫn nằm chung trong 01 quy định của Đề cương môn học và Quy trình kiểm tra đánh giá. Đề thi của hệ vừa làm vừa học, đào tạo sau đại học sử dụng hình thức giới thiệu đề chưa sử dụng trong ngân hàng đề thi của Nhà trường.

2. Điểm mạnh

Nhà trường có bộ Quy trình kiểm tra đánh giá cho từng học phần/môn học ngoài những quy định về kiểm tra đánh giá trong Đề cương chi tiết học phần.

3. Tồn tại

Đề thi của hệ vừa làm vừa học, đào tạo sau đại học sử dụng hình thức giới thiệu đề chưa sử dụng trong ngân hàng đề thi của nhà trường.

4. Kế hoạch hành động

Trong năm học 2017-2018, Khoa Sau đại học, Khoa TC&ĐTLK phối hợp với phòng KT, ĐBCLGD&TTGD có phương án và thực hiện sử dụng đề thi học phần hệ vừa làm vừa học trong ngân hàng đề thi của Nhà trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 4.5. Kết quả học tập của người học được thông báo kịp thời, được lưu trữ đầy đủ, chính xác và an toàn. Văn bằng chứng chỉ được cấp theo qui định và được công bố trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

1.Mô tả

 Tất cả người học đều theo dõi và biết được kết quả học tập của mình thông qua tài khoản riêng của từng cá nhân trên phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ (CCS Train Pro) [H4.04.05.01]. Trước mỗi đợt xét kết quả học tập lên lớp, theo học kỳ, hoặc xét tốt nghiệp, kết quả đều được gửi cho sinh viên trước 01 đến 02 tuần để người học tự kiểm tra lại kết quả học tập của mình, nếu có thắc mắc của người học về kết quả học tập môn học và của cả khoá học đều được giải đáp thỏa đáng trước khi Hội đồng tiến hành họp xét. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp giảng viên cập nhật điểm thành phần muộn trên phần mềm tín chỉ (theo quy định giảng viên/khoa phải nhập điểm thành phần lên phần mềm trước ngày thi học phần 5 ngày) nên sinh viên không nắm bắt được kết quả học tập của mình trước khi thi học phần [H4.04.05.02].

Kết quả học tập của người học được lưu trữ đầy đủ bằng hệ thống sổ sách  song song với phần mềm quản lý đào tạo tín chỉ. Kết quả thi, điểm kiểm tra đánh giá, điểm thi học phần được lưu trữ theo quy định lưu trữ văn thư và theo Quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu trong hoạt động quản lý đào tạo [H4.04.05.03]. Các kết quả học tập được lưu giữ ở các đơn vị như: Khoa chuyên môn, phòng KT,ĐBCLGD&TTGD, phòng Đào tạo. Riêng kết quả đào tạo Sau đại học chỉ lưu ở Khoa. Đối với các hệ đào tạo vừa làm vừa học, sau đại học, NVSP, bồi dưỡng, kết quả học tập của người học chủ yếu còn quản lí bằng hệ thống sổ sách. Các khoá đào tạo liên kết, kết quả học tập của người học được lưu giữ ở cả cơ sở đào tạo và cơ sở liên kết đào tạo.

Việc quản lí cấp phát văn bằng tốt nghiệp của các khoá đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện chặt chẽ qua hệ thống sổ sách theo dõi đầy đủ và theo quy định [H4.04.05.04]. Bằng tốt nghiệp được tổ chức phát trực tiếp cho người học. Các văn bằng, chứng chỉ của người học được cấp theo quy định của Nhà nước và theo các Thông báo, quy định về cấp phát văn bằng, chứng chỉ của Trường [H4.04.05.05]. Thông tin về sinh viên tốt nghiệp, các quyết định tốt nghiệp được công bố trên trang thông tin điện tử của Nhà trường ngay sau khi sinh viên tốt nghiệp [H4.04.05.06], thông tin tốt nghiệp được cập nhật và hiển thị trong từng account của sinh viên.

Các trường hợp sai sót được giải quyết thỏa đáng theo đúng các quy định [H4.04.05.07]. Hằng năm Hội đồng hủy văn bằng chứng chỉ được thành lập. Những phôi hỏng, sai được hủy theo quy định [H4.04.05.08]

2. Điểm mạnh

Kết quả người học được thông báo kịp thời, chính xác, đúng quy định.

3. Tồn tại

Một số trường hợp giảng viên nhập điểm muộn so với quy định, sinh viên không cập nhật được kết quả học tập trước khi thi học phần.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017-2018, phòng TCCB đưa tiêu chí trừ thi đua vào bình xét thi đua của tháng đối với các giảng viên nhập điểm muộn so với quy định.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 4.6. Có cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của nhà trường, tình hình sinh viên tốt nghiệp, tình hình việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

1.Mô tả

Các cơ sở dữ liệu về hoạt động đào tạo của Nhà trường được lưu giữ đầy đủ. Hệ thống sổ sách lưu giữ các hoạt động đào tạo rõ ràng và khoa học, đảm bảo và có tính chính xác cao, chủ yếu lưu trữ tại phòng Đào tạo, khoa Sau đại học [H4.04.05.03].

Các thông tin về điểm chuẩn đầu vào, điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, danh sách sinh viên nhập học, danh sách lớp môn học, các CTĐT, các điều kiện ĐBCL về giảng viên, học liệu; tuyển sinh, CTĐT, kế hoạch đào tạo từng khóa, đề cương môn học/học phần, lịch trình đào tạo; kết quả học tập của sinh viên, kết quả điểm tốt nghiệp, quyết định, danh sách sinh viên tốt nghiệp [H4.04.06.01].

Nhà trường phân công cho phòng Công tác HSSV là đơn vị chuyên trách thực hiện thu thập thông tin về việc làm của sinh viên sau khi ra trường được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin đa chiều. Quy trình điều tra khảo sát sinh viên tốt nghiệp được thực hiện theo chu trình khép kín, theo phương châm “lấy thông tin 3 chiều” (Sinh viên – Nhà trường - Đơn vị tuyển dụng). Thông tin về sinh viên tốt nghiệp: tình hình việc làm và việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, thu nhập sau 1 năm tốt nghiệp được lưu trữ tại phòng Công tác HSSV [H6.06.08.03] [H6.06.08.04]. Ngoài ra, Nhà trường thành lập Tổ tư vấn hướng nghiệp việc làm để hỗ trợ, tìm kiếm thông tin cho sinh viên và xử lý các dữ liệu liên quan đến người học sau khi tốt nghiệp ra trường [H4.04.06.02]. Phòng Đào tạo là đơn vị lưu trữ các thông tin đào tạo trình độ đại học, cao đẳng; Khoa Sau đại học là đơn vị lưu trữ các thông tin đào tạo sau đại học của Nhà trường.

Để đảm bảo việc lưu trữ văn bản khoa học, đúng quy định, quy chế. Nhà trường đã ban hành quy định chung về lưu trữ các văn bản trong hoạt động đào tạo, trong đó phân công trách nhiệm lưu trữ cho các đơn vị, thời hạn lưu trữ rõ ràng, phù hợp với các quy định về văn thư lưu trữ của Nhà nước [H4.04.05.03].

2. Điểm mạnh

            Nhà trường đã đưa ra một quy định chung về lưu trữ các văn bản về công tác đào tạo. Dữ liệu về hoạt động đào tạo được thực hiện đầy đủ, chính xác, rõ ràng, dễ dàng khai thác số liệu đảm bảo độ tin cậy.

3. Tồn tại

            Thông tin về thu nhập của người học sau khi tốt nghiệp vẫn chưa được thu thập đầy đủ và khoa học.

4. Kế hoạch hành động

Cuối năm học 2017-2018, Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp với phòng Công tác HSSV tạo một chuyên mục riêng trên trang thông tin điện tử của Nhà trường để phản hồi về việc làm và thu nhập của người học sau khi tốt nghiệp.

5.Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 4.7. Có kế hoạch đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội.

1.Mô tả

Hằng năm, Nhà trường đều có kế hoạch và thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường thông qua ý kiến phản hồi của người học và của các đơn vị tuyển dụng lao động [H4.04.07.01].

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện khảo sát chất lượng sinh viên sau khi ra trường, đặc biệt hỏi ý kiến các nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, Phòng Đào tạo, phòng CTHSSV báo cáo Ban Giám hiệu về tình hình thực tế, đánh giá những điểm mạnh, yếu trong các kỹ năng nghề của sinh viên để điều chỉnh, rà soát chương trình, phương thức tổ chức các hoạt động đào tạo nhằm cải tiến chất lượng [H4.04.07.02].

Đối với người học, Nhà trường khảo sát đánh giá chất lượng đào tạo thông qua một số kênh như: phiếu điều tra (phát cùng với hồ sơ tốt nghiệp)...., qua điện thoại, qua mạng xã hội. Nội dung khảo sát chất lượng đào tạo còn được đưa vào phiếu khảo sát sinh viên sau khi tốt nghiệp về tình hình việc làm [H4.04.07.03].

Nhà trường đã có kế hoạch thu thập thông tin khảo sát, cập nhật thông tin của các nhà tuyển dụng, tiếp thu ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng để điều chỉnh hoạt động đào tạo như đưa sinh viên đi thực tập vào những dịp như 20/11, 26/3 tại các trường. Đây là dịp các sinh viên thực tập có thể giúp và hỗ trợ cho cơ sở thực tập tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng là dịp để cho SV thể hiện được khả năng chuyên môn về âm nhạc, mỹ thuật và nghiệp vụ sư phạm khi tham gia các hoạt động ngoại khóa này [H4.04.07.04 ].

Với kênh thông tin đánh giá là các nhà tuyển dụng sử dụng lao động, 100% các ngành đào tạo của Nhà trường tổ chức thu thập thông tin khảo sát, cập nhật thông tin của các nhà tuyển dụng, tiếp thu ý kiến đánh giá của các nhà tuyển dụng về sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường trên cơ sở duy trì và phát triển mối quan hệ với một số đối tác là các Sở Giáo dục & Đào tạo của các tỉnh trong cả nước, các nhà văn hóa, công ty... Định kỳ hằng năm, Ban Giám hiệu, phòng Đào tạo và phòng Công tác HSSV tổ chức các tổ công tác về làm việc với các Sở GD&ĐT của các tỉnh về tình hình sinh viên sắp tốt nghiệp và tiếp thu ý kiến phản hồi của các Sở Giáo dục về chất lượng sinh viên tốt nghiệp khóa trước [H4.04.07.05].

Đặc biệt qua công tác kiến tập và thực tập Sư phạm tại các Trường THPT trên địa bàn Hà Nội, Nhà trường đã chú trọng công tác đánh giá chất lượng đào tạo, thông qua các buổi làm việc trực tiếp về công tác kiến tập thực tập sư phạm với các Trường như: TH Tiên Lục - Lục Giang - Bắc Giang, THCS Biên Giang -  Hà Đông - Hà Nội, THCS Nông Trường Vân Hòa - Ba Vì - Hà Nội, TH Bản Phố - Bắc Hà - Lào Cai, THCS Nam Giang -  Nam Trực - Nam Định, THCS Trực Thành -Trực Ninh - Nam Định.....Nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi trực tiếp của các trường về chất lượng đào tạo. Qua các ý kiến nhận xét phản hồi cho thấy rằng: đào tạo giáo viên hai ngành SP Âm nhạc và SP Mỹ thuật của Nhà trường dẫn đầu cả nước trong đào tạo giáo viên nghệ thuật [H4.04.07.06].

Tiếp thu những ý kiến phản hồi về chất lượng đào tạo của Cựu sinh viên, của các nhà tuyển dụng, các trường TH, THCS..., trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã có kế hoạch điều chỉnh để từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, đặc biệt qua ý kiến phản hồi của các bên liên quan về việc tăng tính thực hành sư phạm cho các cử nhân sư phạm, hoặc thực tế chuyên môn làm việc tại các công ty may, thiết kế thời trang. Nhà trường đã có chủ trương tăng thời lượng thực hành của các khối ngành, mời các giáo viên của các trường TH, THCS hướng dẫn thực hành Sư phạm cho sinh viên năm thứ 4...

Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp được lấy ý kiến phản hồi về các ngành đào tạo. Nhưng chưa tiến hành lấy ý kiến phản hồi của người học về tất cả các ngành đào tạo. Có ngành chưa lấy ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo như ngành Hội họa vì số lượng sinh viên không nhiều, nếu tiến hành khảo sát sẽ không có kết luận mang tính chất đặc trưng [H4.04.07.06].

2. Điểm mạnh

             Đã triển khai khảo sát người học sau khi ra trường thông qua phiếu hỏi ý kiến của SV tốt nghiệp.

3. Tồn tại

Chưa lấy ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo của tất các ngành. Có ngành chưa tiến hành lấy phản hồi người học như ngành Hội họa.

4. Kế hoạch hành động

Năm 2018, Nhà trường sẽ tiến hành lấy ý kiến phản hồi của người học của tất cả các ngành đào tạo.

Phòng CTHSSV phối hợp các Khoa áp dụng có hiệu quả các phương pháp, kênh thu thập ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo như hỏi thông tin qua điện thoại, qua đường bưu điện về phòng CTHSSV, khai báo qua trang thông tin điện tử, thông tin qua nhóm đồng hương hoặc khối lớp chuyên ngành, qua giảng viên v.v.

5. Tự đánh giá:  Đạt yêu cầu của tiêu chí

Kết luận về Tiêu chuẩn 4:

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã triển khai các hình thức đào tạo phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhiều đối tượng người học và nhu cầu của xã hội. Nhà trường đã thực hiện chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo tín chỉ một cách đồng bộ từ chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, quy trình kiểm tra đánh giá đến quản lý đào tạo…mang tính linh hoạt và thích hợp nhằm tạo điều kiện  thuận lợi cho người học.

Các hoạt động đánh giá các hoạt động giảng dạy của giảng viên được tiến hành hợp lý. Việc đổi mới phương pháp dạy học được chú trọng đầu tư. Phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học được xây dựng theo một quy trình chặt chẽ, khoa học; Các hoạt động đào tạo của Trường nhằm thực thi các chương trình đào tạo các bậc học, khoá học được triển khai theo một quy trình chặt chẽ. Các hoạt động này đều tuân theo một chuẩn thống nhất, kiểm tra - đánh giá nghiêm túc, khách quan, phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Việc quản lý kết quả học tập của người học được tổ chức chặt chẽ, chính xác, khách quan và an toàn với sự phối hợp sử dụng phần mềm và lưu trữ sổ sách. Hệ thống sổ sách lưu trữ kết quả học tập của người học rõ ràng, khoa học. Quản lý bằng tốt nghiệp, chứng chỉ chặt chẽ. Cấp phát bằng, chứng chỉ trực tiếp, kịp thời cho người học.

Nhà trường đã đa dạng hoá các loại hình đào tạo, có kế hoạch đào tạo phù hợp cho các hệ, các ngành đào tạo và luôn được điều chỉnh đáp ứng với yêu cầu của xã hội; đang tiến hành hoàn thiện phần mềm đào tạo, tạo điều kiện cho việc quản lý đào tạo khách quan, công khai, kịp thời, chính xác đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo và nhu cầu của người học.

Tiêu chuẩn 4 có 7/7 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chuẩn 5

Đội ngũ cán bộ quản lý‎‎‎, giảng viên và nhân viên

Mở đầu: Đội ngũ cán bộ quản lý trường ĐHSP Nghệ thuật TW được tuyển dụng theo quy định các văn bản pháp luật hiện hành, theo kế hoạch, quy hoạch đáp ứng mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường đại học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ, và được tạo điều kiện cho tham gia các hoạt động chuyên môn trong và ngoài nước; có các chính sách đãi ngộ trong tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng. Đội ngũ này đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu theo quy định hiện hành, có phẩm chất đạo đức tốt, có nghiệp vụ và năng lực trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của nhà giáo theo quy định. Trong công tác tuyển dụng đội ngũ cán bộ giảng viên và nhân viên, Nhà trường thực hiện công tác công khai chỉ tiêu kế hoạch, xây dựng các tiêu chí tuyển dụng viên chức, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ viên chức từng giai đoạn.

            Tiêu chí 5.1. Có kế hoạch tuyển dụng,bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên; Quy hoạch bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện cụ thể nhà trường; có quy trình, tiêu chí tuyển dụng, bổ nhiệm rõ ràng, minh bạch.

1. Mô tả

            Trong 5 năm gần đây, Nhà trường có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên và nhân viên, chỉ đạo các đơn vị rà soát đội ngũ cán bộ, giảng viên để có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cho phù hợp đáp ứng yêu cầu hoạt động của Nhà trường. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu làm việc trực tiếp với các đơn vị, thẩm định báo cáo, kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng giảng viên, nhân viên [H5.05.01.01]. Căn cứ vào kết quả thẩm định, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường tổ chức họp xét, quyết định những vấn đề như: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm cán bộ viên chức [H5.05.01.02] [H2.02.02.09]. Từ năm 2012 đến nay, Nhà trường đã thực hiện việc tiếp nhận, tuyển dụng 110 cán bộ, giảng viên về công tác tại Trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và quy mô phát triển của Nhà trường [H5.05.01.03].       

Nhà trường đã thực hiện công tác quy hoạch bổ nhiệm cán bộ quản l‎ý đáp ứng mục tiêu, chức năng nhiệm vụ và phù hợp với điều kiện cụ thể của Trường [H5.05.01.04]. Trong 5 năm (từ 2012-2017), bổ nhiệm 140 cán bộ chủ chốt là Trưởng phòng, phó Trưởng phòng, Trưởng khoa, phó Trưởng khoa, Trưởng, phó bộ môn, trong đó bổ nhiệm theo quy hoạch là 115 người (đạt 82,1%), bổ nhiệm ngoài quy hoạch 25 người (chiếm 17,8%) [H5.05.01.05]. Bổ nhiệm lại 82 cán bộ, giảng viên theo quy định [H5.05.01.06]. Trường đã ban hành Quy chế tuyển dụng, tập sự và bổ nhiệm vào ngạch viên chức, trong đó quy định cụ thể các nội dung về tiêu chuẩn và điều kiện tuyển dụng, quy trình tuyển dụng theo hình thức thi tuyển, các môn thi và cách thức chấm điểm, kết quả thi tuyển và cách thức, quy trình xét tuyển viên chức, các nội dung về tiếp nhận, chuyển công tác, các quy định về hợp đồng làm việc và bổ nhiệm vào ngạch viên chức [H2.02.02.09]; Quy chế bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm viên chức lãnh đạo, trong đó có các nội dung về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với cán bộ chủ chốt, lấy thư, phiếu tín nhiệm, trình tự, thủ tục bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ, quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác chuyển về, quy trình thủ tục bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm... [H2.02.02.10].

Căn cứ chỉ tiêu biên chế được Bộ GD&ĐT phê duyệt, Trường thực hiện việc tuyển dụng (theo hình thức thi tuyển và xét tuyển) đúng quy định, ưu tiên tuyển dụng cán bộ có trình độ, chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của Nhà trường [H5.05.01.07]. Kế hoạch tuyển dụng được thông báo tới các đơn vị trong Trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo Nhân dân và Trang thông tin điện tử của Nhà trường [H5.05.01.08]. Theo đó, Trường thành lập Hội đồng tuyển dụng, các tiểu ban phục vụ công tác thi tuyển. Quy trình tuyển dụng được tiến hành theo văn bản pháp luật hiện hành, Nghị định của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan [H5.05.01.09].

Cùng với việc tuyển dụng qua hình thức thi/xét tuyển, Nhà trường có chính sách tiếp nhận đội ngũ cán bộ/giảng viên là nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ, họa sĩ có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm trong công tác quản lý ở các nơi khác về làm việc [H5.05.01.02], [H5.05.01.10].

Công tác bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Trường đã xây dựng đề án quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ giai đoạn 2012-2015, 2016-2021 theo đúng nguyên tắc: mỗi chức danh cán bộ lãnh đạo như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và các phòng, khoa chuyên môn (tương đương) có từ 02 cán bộ kế cận trở lên. Cán bộ được quy hoạch đều đảm bảo tiêu chuẩn, có đủ khả năng đáp ứng công việc khi được giao [H5.05.01.11]. Các chức danh lãnh đạo khi dự kiến bổ nhiệm, Nhà trường đều gửi các đơn vị thảo luận cho ý kiến và lấy phiếu thăm dò tín nhiệm. Quy trình bổ nhiệm được Đảng uỷ, BGH xem xét thông qua, đảm bảo minh bạch, rõ ràng [H5.05.01.12]. Tuy nhiên, do yêu cầu thực tế chuyên môn hoặc thành lập đơn vị mới dẫn đến một số cán bộ bổ nhiệm không nằm trong quy hoạch.

2. Điểm mạnh

Trường đã xây dựng các văn bản trong công tác thi tuyển, xét tuyển, bổ nhiệm và thực hiện việc thi, xét tuyển, bổ nhiệm đúng các quy định của Bộ GD&ĐT và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Tồn tại

Còn tình trạng bổ nhiệm cán bộ ngoài quy hoạch 20%.  

4. Kế hoạch hành động

Phấn đấu trong lộ trình từ 2017-2020, 90% cán bộ được bổ nhiệm trong quy hoạch.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 5.2. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được đảm bảo các quyền dân chủ trong trường đại học.

1. Mô tả

Trường thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ, Ban chỉ đạo cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" [H5.05.02.01], [H5.05.02.02]; ban hành "Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường" [H2.02.02.01], duy trì chế độ báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ lên cấp trên [H5.05.02.03]. Hàng năm, lãnh đạo Nhà trường và các bộ phận chức năng đều có báo cáo công khai về các vấn đề chủ chốt như: đào tạo, tuyển dụng, tài chính...tới toàn thể cán bộ, giảng viên và nhân viên thông qua Báo cáo Hội nghị cán bộ, viên chức [H5.05.02.04], báo cáo công tác tài chính, cơ sở vật chất [H5.05.02.05].

Đối với những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều được lãnh đạo Trường tiếp nhận thông qua nhiều hình thức: trực tiếp, qua hòm thư tiếp công dân, qua đường công văn... Trong thời gian qua, Trường nhận được 02 việc khiếu nại, đơn thư đã được giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền và đúng pháp luật [H5.05.02.06].

Các hoạt động chủ chốt của Trường liên quan đến định hướng phát triển, chế độ chính sách, tuyển dụng viên chức... đều đảm bảo quyền dân chủ cho mọi thành viên. Khi xây dựng các văn bản về chế độ lao động, học tập bồi dưỡng, định mức chi trả cho giảng dạy và các hoạt động chuyên môn... Nhà trường gửi văn bản dự thảo về các đơn vị để lấy ý kiến như: Dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ, dự thảo Quy chế văn thư, Dự thảo tính giờ thiếu cho giảng viên...[H5.05.02.07], hoặc đăng thông báo trên trang thông tin điện tử www.spnttw.edu.vn, đối thoại trực tiếp, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng... [H5.05.01.06]. Thông báo về kết luận hội nghị giao ban hàng tháng được công khai trên trang thông tin điện tử và gửi đến email cá nhân của từng cán bộ, giảng viên.

Tuy nhiên, một số thông tin trên trang tin điện tử hoặc các văn bản điện tử chưa có cơ chế phản hồi bắt buộc nên chưa thực sự thu hút sự quan tâm của người xem.

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học, đã có biện pháp hữu hiệu để CB - CNV tham gia đóng góp ý kiến về các mặt hoạt động để mỗi CB, GV phát huy vai trò làm chủ của mình.

3. Tồn tại

Một số hình thức thông tin chưa có cơ chế phản hồi bắt buộc hiệu quả.

4. Kế hoạch hành động

Cuối năm 2018, Nhà trường triển khai hệ thống Quản lý văn bản điện tử trong toàn trường.

            Tiêu chí 5.3. Có chính sách, biện pháp tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ  quản lý và giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước.

1. Mô tả

Nhà trường đã có những chính sách phù hợp để cán bộ, giảng viên tham gia học tập, nâng cao trình độ như: Giảng viên đi nghiên cứu sinh được giảm giờ định mức, giữ nguyên lương và hỗ trợ một phần kinh phí; cán bộ hành chính được tạo điều kiện về thời gian trên cơ sở đảm bảo khối lượng công việc chuyên môn được giao... trong Quy chế chi tiêu nội bộ [H2.02.02.14]. Cán bộ, giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH; đăng bài trên tạp chí, tham luận hội nghị, hội thảo, sáng tác, biểu diễn... được khuyến khích tính thành tích xét TĐKT và kinh phí hỗ trợ [H7.07.01.02].

Nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên và nhân viên đi học tập nâng cao trình độ, tham gia các triển lãm, hội nghị, hội thảo ở trong và ngoài nước thể hiện trong Quy định về NCKH dành cho giảng viên [H7.07.01.02], Quy chế chi tiêu nội bộ [H2.02.02.14]. Quy định về thi đua, khen thưởng [H5.05.03.01] và Quy định hợp tác quốc tế [H8.08.01.02]. Trường còn tổ chức cho CBQL, lãnh đạo các đoàn thể, GV tham quan, học tập, khảo sát giáo dục đào tạo ở nước ngoài như: Hungary, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... [H5.05.03.03].

Với đặc thù về nghệ thuật, Trường tạo điều kiện để giảng viên tham dự các triển lãm mỹ thuật [H5.05.03.04], chương trình biểu diễn ca múa nhạc, các cuộc thi tài năng trẻ về nghệ thuật [H5.05.03.05], dự án, hội thảo về GDNT ở trong và ngoài nước [H5.05.03.06].

Hàng năm, tại Hội nghị cán bộ viên chức, Nhà trường báo cáo công khai về tài chính, trong đó có phần chi cho đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, giảng viên trong năm [H5.05.02.05]. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Các NCS bảo vệ đúng thời hạn thì được thưởng 10 triệu. Ngoài ra, Nhà trường chưa thực hiện liên tục và đồng bộ các hình thức khuyến khích đối với các hoạt động mang tính chuyên môn của các cá nhân giảng viên như: gửi tranh triển lãm, tham gia các trại sáng tác, viết bài Hội thảo chuyên ngành...

2. Điểm mạnh

Nhà trường tạo điều kiện về thời gian và một phần kinh phí cho cán bộ quản lý, giảng viên tham gia nhiều hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở trong và ngoài nước.

3.Tồn tại

Do ngân sách Nhà nước cấp có hạn nên việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ đi học còn hạn chế.

4. Kế hoạch hành động

            Năm 2018-2019, Nhà trường lập kế hoạch huy động nguồn kinh phí từ các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp, các dự án liên kết đào tạo trong và ngoài nước tạo điều kiện cho các giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

5. Đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 5.4. Đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

1. Mô tả

Đội ngũ cán bộ quản lý của Trường là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hằng năm được cấp trên, cán bộ, giảng viên và nhân viên đánh giá tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao [H5.05.04.01].

Đội ngũ cán bộ quản l‎ý Nhà trường hiện nay có 132 người là lãnh đạo các đơn vị Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm, Trạm y tế và lãnh đạo các tổ chức đảng, đoàn thể [H5.05.04.02], đều là những người có năng lực, trình độ chuyên môn, đảm bảo các tiêu chí bổ nhiệm, chức danh khoa học, tuổi đời, thâm niên công tác theo quy định hiện hành [H5.05.04.03]. Đội ngũ cán bộ quản lý của Trường hằng năm được tặng thưởng giấy khen, bằng khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, huân chương lao động và các hình thức khen thưởng khác. Từ năm 2012 đến nay có 206 cán bộ lãnh đạo Trường được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp Bộ, đạt 56,7% [H5.05.04.04]. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý Nhà trường đa số được bổ nhiệm lần đầu nên chưa có kỹ năng quản trị đại học vì vậy còn gặp khó khăn trong công tác quản l‎ý điều hành.

2. Điểm mạnh

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Nhà trường (từ BGH đến Trưởng, phó khoa/phòng/ban/bộ môn…) vừa có thâm niên công tác, vừa được trẻ hoá đội ngũ, có phẩm chất đạo đức tốt, độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm cao, phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; được cán bộ, giảng viên tín nhiệm.

3. Tồn tại

            Đội ngũ cán bộ Trường sau khi được bổ nhiệm chưa được bồi dưỡng các kiến thức về quản trị đại học nên còn có những hạn chế trong công tác quản l‎ý điều hành.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm 2018, cử từ 10-15 cán bộ quản lý tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về năng lực quản lý để nâng cao năng lực quản l‎ý điều hành cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 5.5. Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình giáo dục và nghiên cứu khoa học; đạt được mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục nhằm giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên.

1. Mô tả                                                                                                                                                                                                                                                               

Hiện nay, tổng số sinh viên đào tạo tại Trường là 3.848 sinh viên; trong đó, ngành Sư phạm âm nhạc, Thanh nhạc, Nhạc cụ, Piano: 1.242 sinh viên; ngành Sư phạm mỹ thuật là 302 sinh viên; ngành Văn hóa-Nghệ thuật, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang là 2304 sinh viên; Sau đại học: 469 học viên.

Hiện nay, giảng viên cơ hữu (gồm cả cán bộ phòng ban tham gia giảng dạy) có 322 người [H5.05.05.01], trong đó: 01 GS, 08 PGS, 18 TS và 17 GVC [H5.05.05.02]. Giảng viên thỉnh giảng ở các hệ đào tạo là 207 người [H5.05.05.03]. Mỗi ngành đào tạo đều có đủ giảng viên cơ hữu theo tiêu chuẩn mở ngành [H5.05.05.04].

Nhà trường có đủ số lượng giảng viên đạt mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục, đáp ứng theo đề án mở mã ngành, quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu của trường là: 9,65 SV/01 GV. Tỷ lệ này đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT tại Quyết định số 2368/QĐ-BGDĐT ngày 23/9/2007 về triển khai áp dụng thí điểm quy chế một cửa tại cơ quan Bộ GD&ĐT - Quy trình thành lập trường đại học: từ 05 SV - 10 SV/01 GV đối với các ngành đào tạo năng khiếu. Tuy nhiên, ở một số ngành đào tạo cụ thể như: Thanh nhạc, Piano, tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn cao (từ 05-11sinh viên/giảng viên) dẫn đến tình trạng phân công giờ dạy cho giảng viên còn nhiều [H5.05.05.05].

2. Điểm mạnh

            Có đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình giáo dục và nghiên cứu khoa học.

3. Tồn tại

            Một số ngành đào tạo đặc thù tỷ lệ sinh viên/giảng viên còn cao nên dẫn đến tình trạng số giờ dạy vượt của giảng viên quá quy định.

4. Kế hoạch hành động

Trong năm 2018-2019, Nhà trường có kế hoạch tuyển dụng giảng viên đối với các ngành còn thiếu giảng viên theo quy định.     

 Hàng năm, xây dựng kế hoạch liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước, thu hút được nhiều giảng viên có chuyên môn cao tham gia giảng dạy.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 5.6. Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định. Giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo; đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định; có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

1. Mô tả

            Trường hiện có 322 giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy, trong đó trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 8,4%, giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm 69,3%, giảng viên đang nghiên cứu sinh chiếm 11,80%, giảng viên đang học Sau đại học chiếm 11,43%, giảng viên chưa học sau đại học chiếm 10,87% [H5.05.06.01].

Đội ngũ giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật giáo dục và các văn bản hiện hành, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ giáo dục đại học và đạt trình độ thạc sĩ trở lên [H5.05.06.02]. Một số giảng viên đi nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài [H5.05.06.03]. Tuy nhiên, các chuyên ngành đào tạo của Trường mang tính đặc thù nghệ thuật, một số chuyên ngành nghệ thuật chưa đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước như Thanh nhạc, Thiết kế thời trang... nên số lượng GS, PGS, TS chưa nhiều.

Đội ngũ giảng viên Nhà trường được phân công giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo và đào tạo lại, có sự phân bổ theo môn học, theo chuyên ngành, nội dung được đào tạo và số giờ giảng dạy theo năng lực trình độ [H5.05.06.04].

Đội ngũ giảng viên đảm bảo cơ cấu chuyên môn và trình độ theo quy định, phù hợp với nhiệm vụ đào tạo và có sự cân đối giữa các ngành đào tạo Thanh nhạc, Mỹ thuật, Quản lý văn hóa..., các giảng viên có trình độ chuyên môn cao đảm bảo yêu cầu giảng dạy, đặc biệt đối với các ngành đào tạo trình độ cao như sau đại học tập trung đội ngũ giảng viên là Tiến sĩ, Giáo sư, Phó giáo sư tương đối nhiều [H5.05.06.05].   

Đội ngũ giảng viên có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng được yêu cầu về nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các giảng viên Nhà trường có trình độ tin học đáp ứng yêu cầu giảng dạy chuyên môn, cụ thể: 80% cán bộ, giảng viên Nhà trường đạt trình độ B tin học văn phòng, số còn lại đạt trình độ tin học văn phòng A, C và tin học chuyên ngành, trong đó nhiều giảng viên sử dụng thành thạo hoặc trực tiếp giảng dạy tin học chuyên ngành mỹ thuật, âm nhạc như: Corel Draw, Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Indesign, Encore, Finale… đối với các môn lý luận, giảng viên đều sử dụng phần mềm Power Point trong giảng dạy [H5.05.06.06]. 90% số giảng viên có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu theo quy định tiêu chuẩn ngạch, bậc của giảng viên giảng dạy bậc đại học [H5.05.06.06]. 30% giảng viên đã đáp ứng yêu cầu trong việc đọc tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và làm việc trực tiếp với người nước ngoài. Một số giảng viên tham gia các dự án giáo dục nghệ thuật hợp tác với nước ngoài... [H5.05.06.07].         

2. Điểm mạnh

            Các giảng viên được phân công nhiệm vụ giảng dạy đảm bảo theo đúng chuyên môn được đào tạo và trình độ theo quy định.       

3. Tồn tại

            Là trường đặc thù đào tạo nghệ thuật, một số ngành (TKTT, Thanh nhạc...) ở Việt Nam chưa đào tạo trình độ cao (Tiến sĩ) do đó tỷ lệ giảng viên có trình độ chuyên môn cao là GS, PGS, TS chưa nhiều.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm 2018-2020, Nhà trường cử từ 5-10 cán bộ giảng viên tham gia học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

5. Đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 5.7: Đội ngũ giảng viên được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác chuyên môn và trẻ hoá đội ngũ giảng viên theo quy định

1. Mô tả

Đội ngũ giảng viên Nhà trường được đảm bảo cân bằng về kinh nghiệm công tác, chuyên môn theo quy định, các giảng viên được phân công giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo và đảm bảo số giờ, số tiết theo quy định [H5.05.07.01],[H3.03.02.01]. Cơ cấu giảng viên cơ hữu của Nhà trường cân đối theo thâm niên: Giảng viên có thâm niên dưới 10 năm là 69 người đạt tỷ lệ 24,1%, từ 10 đến dưới 20 năm là 113 người đạt tỷ lệ 39,5%, trên 20 năm là 47 người đạt 16,4% [H5.05.07.02].

Đội ngũ giảng viên được cơ cấu hợp lý về giới tính: Số lượng giảng viên nữ chiếm tỷ lệ 61,49%; tuổi trung bình của giảng viên thấp, trong đó: từ 30 đến 40 tuổi chiếm tỷ lệ 54,0%, từ 41 đến 50 tuổi chiếm tỷ lệ 19,9%, từ 51 đến 60 tuổi chiếm tỷ lệ 9% [H5.05.07.03]. 

Đội ngũ giảng viên được trẻ hoá theo quy định, độ tuổi trung bình có xu hướng giảm và giữ ở độ tuổi trung bình hợp l‎ý là 37 tuổi. Độ tuổi bình quân của tiến sĩ là 45, của thạc sĩ là 35 [H5.05.07.04].

2. Điểm mạnh

Cơ cấu đội ngũ giảng viên đảm bảo cân bằng về độ tuổi, có xu hướng giảm và giữ ở độ tuổi trung bình hợp l‎ý theo quy định.

3. Tồn tại

      Đội ngũ giảng viên còn trẻ còn thiếu kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm giảng dạy.

4. Kế hoạch hành động

  Năm 2018-2019, Nhà trường phối hợp với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên trẻ. Bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, giảng viên Nhà trường trong học tập nâng cao trình độ.

5. Đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

                 Tiêu chí 5.8: Đội ngũ kĩ thuật viên, nhân viên đủ số lượng, có năng lực chuyên môn và được định kỳ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học.

1. Mô tả

Đội ngũ cán bộ chuyên viên hành chính, nghiệp vụ, kỹ thuật và phục vụ tính đến tháng 9/2017 là 111 viên chức trên tổng số 433 CBVC và GV toàn trường [H5.05.08.01].

Lực lượng này đáp ứng được các hoạt động nghiệp vụ hành chính, phục vụ hoạt động đào tạo, NCKH và các hoạt động khác của Trường. Đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên hiện nay đều đáp ứng về trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, có chứng chỉ nghiệp vụ theo quy định [H5.05.08.02].

Để nâng cao trình độ của đội ngũ NV và kỹ thuật viên, Trường đã thường xuyên tạo điều kiện để bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng quản lý hành chính, văn thư lưu trữ, bảo vệ, PCCC, ngoại ngữ, chính trị... nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động đào tạo và NCKH. Ngoài ra, trong 5 năm qua, Trường đã cử 171 NV, kỹ thuật viên đi học, tập huấn các nghiệp vụ khác như: PCCC, bảo vệ...) [H5.05.08.03].

Hàng năm, đội ngũ kĩ thuật viên, nhân viên đều tự đánh giá và được lãnh đạo đơn vị đánh giá, xét thi đua khen thưởng [H5.05.08.04]. Ngoài ra, Nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến GV và SV về chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên, chuyên viên phòng ban với kết quả hài lòng của GV là 76.7%, của SV là 77.1 % [H5.05.08.05].

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã chú ý đến việc bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật viên, nhân viên.

3. Tồn tại

Số kỹ thuật viên, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ còn ít.  

4. Kế hoạch hành động

Trong năm học 2017 - 2018, Trường xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ cho đội ngũ kỹ thuật viên và nhân viên trong toàn Trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí.

Kết luận về Tiêu chuẩn 5:

       Phát triển đội ngũ cán bộ luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển Nhà trường. Trong những năm qua, Nhà trường thực hiện tốt công tác tuyển dụng cán bộ, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ quản lý theo đúng quy trình, tiêu chuẩn quy định và yêu cầu thực tế.

                 Nhà trường có những chính sách nhằm động viên hỗ trợ giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, hiện nay đội ngũ giảng viên của Trường đều có trình độ chuyên môn tốt. Đội ngũ giảng viên ngày càng được trẻ hóa nhưng vẫn đảm bảo cơ cấu độ tuổi, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác hợp lý. Đội ngũ cán bộ giảng viên là thế mạnh và là nhân tố quan trọng góp phần vào những bước phát triển vững chắc của Trường trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý có đủ kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ với nhiệt huyết tuổi trẻ sẵn sàng đáp ứng vị trí công tác đảm nhận.

Đội ngũ giảng viên có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, có trình độ ngoại ngữ đáp ứng tốt yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ kỹ thuật viên và nhân viên Trường trẻ và có năng lực chuyên môn, đảm bảo trình độ được đào tạo theo quy định, luôn đáp ứng yêu cầu hoạt động của Trường. Công tác phục vụ của các phòng, ban không ngừng được nâng cao và cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, NCKH của Trường. Quyền dân chủ tại Trường được đảm bảo tốt với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, một số cán bộ quản lý chưa được bồi dưỡng nhiều về năng lực quản trị đại học. Do đó, Trường tiếp tục tăng cường các chương trình bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giảng viên, có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ để nâng cao số lượng TS, GS, PGS.

 Tiêu chuẩn 58/8 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       

 

Tiêu chuẩn 6

 Người học

Mở đầu: Trong quá trình thực hiện sứ mạng và mục tiêu, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã xác định “người học” là trung tâm của quá trình đào tạo. Sinh viên của Nhà trường là những người có năng khiếu về nghệ thuật, tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Nhà trường đã hướng dẫn người học về mục tiêu đào tạo, CTĐT và các yêu cầu kiểm tra đánh giá; đảm bảo các chế độ chính sách xã hội, chăm sóc sức khoẻ theo quy định y tế học đường; tạo điều kiện cho người học tham gia các hoạt động văn thể mỹ, hoạt động đoàn thể; đảm bảo an toàn trong trường học; rèn luyện chính trị tư tưởng đạo đức lối sống cho người học...

            Tiêu chí 6.1. Người học được hướng dẫn đầy đủ về chương trình đào tạo, kiểm tra đánh giá và các quy định trong quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

1. Mô tả

Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, hàng năm, trường ĐHSP Nghệ thuật TW xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức triển khai “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” cho toàn thể sinh viên hệ chính quy nhập học để phổ biến các văn bản liên quan đến người học [H6.06.01.01]. Trong “Tuần sinh hoạt công dân HSSV”, phòng Đào tạo phổ biến, hướng dẫn sinh viên về Quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT và các yêu cầu trong đào tạo tín chỉ [H6.06.01.02]. Các Khoa chuyên môn có nhiệm vụ giải đáp thắc mắc, cung cấp đầy đủ các các văn bản hướng dẫn về mục tiêu đào tạo, đề cương chi tiết học phần, các quy định về sinh viên đi thực tập, thực tế chuyên môn, điều kiện thi học phần, thi tốt nghiệp [H3.03.02.01], [H3.03.02.02], [H3.03.02.03], [H6.06.01.03].

Mỗi Khoa cử một lãnh đạo quản lý chung về công tác sinh viên và phân công cố vấn học tập phụ trách trực tiếp sinh viên các lớp [H6.06.01.04]. Trong quá trình học, người học được giẩng viên hướng dẫn đầy đủ về đề cương học phần/môn học, hình thức kiểm tra đánh giá của từng học phần [H6.06.09.06].

100% SV tham gia tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học, sau khi kết thúc “Tuần sinh hoạt công dân HSSV”, SV ký cam kết đã được phổ biến đầy đủ các văn bản hướng dẫn [H6.06.01.04] và hoàn thành Bài thu hoạch cá nhân [H6.06.01.05].

Ngoài ra, Nhà trường đã cung cấp/phổ biến đầy đủ các quy định trong quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT và của Nhà trường cho SV. Mỗi sinh viên mới nhập học được phát 01 quyển Sổ tay sinh viên trong đó có đầy đủ thông tin về quy chế đào tạo, chuẩn đầu ra các ngành đào tạo, quy định về việc nghiên cứu khoa học của sinh viên, các văn bản liên quan đến Quy chế học sinh, sinh viên kèm theo các mẫu phiếu, đơn từ... để người học nghiên cứu tìm hiểu thêm và dễ dàng tra cứu [H6.06.01.06];

Ngoài việc tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân HSSV”, Trường còn có những hình thức khác như: Nhà trường đưa lên trang thong tin điện tử (Website) của Trường các thông tin cần thiết về công tác đào tạo và quản lý HSSV. Các sinh viên đều có tài khoản riêng trên mạng để cập nhật thường xuyên các chế độ, chính sách, thông báo nội bộ, kết quả học tập, kết quả rèn luyện từng học kỳ, từng năm học và cả khóa học [H6.06.01.07]. Trường đã lập diễn đàn sinh viên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người học; từ đó giúp Ban Giám hiệu có những điều chỉnh kịp thời cho người học [H6.06.01.08];

Hàng năm, Nhà trường tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng đối thoại với SV để cung cấp thông tin cần thiết cho SV; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp kịp thời những thắc mắc của SV về chương trình đào tạo, cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và những nhu cầu chính đáng của SV; giúp SV hiểu và thực hiện tốt quy chế, quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân cũng như các chế độ chính sách [H6.06.01.09].

Qua thu nhận thông tin từ Phiếu trưng cầu ý kiến của một số lớp, 74.2% SV đã được nghe phổ biến và nắm vững nội dung quy chế, các văn bản có liên quan đến người học. Tuy nhiên, Nhà trường chưa định kỳ tổ chức thu thập ý kiến phản hồi của người học về vấn đề này [H6.06.01.10].

2. Điểm mạnh                                                                    

Nhà trường đã ban hành Sổ tay sinh viên với các nội dung đầy đủ, phong phú, dễ dàng tra cứu, giúp sinh viên hiểu rõ mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo và các yêu cầu kiểm tra đánh giá, thực hiện tốt quy chế đào tạo, quy chế rèn luyện và những vấn đề liên quan đến người học.

3.Tồn tại                                                                                     

            Nhà trường chưa định kỳ tổ chức thu thập ý kiến phản hồi của người học về tiếp nhận các quy định.

4. Kế hoạch hành động

Năm 2018-2019, Nhà trường giao cho phòng CTHSSV lấy ý kiến đánh giá nhận xét của người học về công tác hướng dẫn, cung cấp tài liệu, thông tin cho SV để cải tiến, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu đào tạo.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.2. Người học được đảm bảo chế độ chính sách xã hội và được khám sức khỏe theo quy định y tế học đường; được tạo điều kiện hoạt động, tập luyện văn nghệ, thể dục thể thao và được đảm bảo an toàn trong khuôn viên Nhà trường.

1. Mô tả

Để giải quyết các chế độ chính sách cho sinh viên, hàng năm Trường căn cứ các văn bản theo quy định để xét duyệt các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi: Miễn, giảm học phí; Hỗ trợ chí phí học tập; Trợ cấp xã hội [H6.06.02.01]. 100% sinh viên thuộc diện chính sách được bảo đảm các chế độ theo quy định. Danh sách SV viên hưởng chế độ chính sách xã hội được Hiệu trưởng phê duyệt công bố công khai, gửi về khoa thông báo trên các bảng tin để sinh viên thực hiện  nhận chế độ theo qui định [H6.06.02.02].

Bảng 6.2.1: Bảng thng kê số SV được hưởng chế độ chính sách theo quy định

Năm học

2012-2013

2013-2014

2014-2015

2015-2016

2016-2017

HK1

HK2

HK1

HK2

HK1

HK2

HK1

HK2

HK1

HK2

Miễn giảm học phí

85

88

90

92

106

103

99

119

106

103

Trợ cấp xã hội

102

174

330

157

219

148

145

115

155

66

Hỗ trợ chi phí học tập

0

47

47

59

51                                         

Người học được khám sức khỏe ngay từ đầu khóa học theo quy định y tế học đường [H6.06.02.03]. Trạm Y tế đã ký hợp đồng với Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Thành phố Hà Nội để tổ chức khám sức khỏe và có phiếu khám sức khỏe cho tất cả sinh viên theo quy định hiện hành [H6.06.02.04]. Tuy nhiên, Nhà trường chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho sinh viên theo quy định.

Trạm Y tế Trường có đủ tiêu chuẩn về đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định, bao gồm: 01 Trạm trưởng, 01 Trạm phó và 01 y tá có nhiệm vụ sơ cấp cứu ban đầu và cấp phát thuốc miễn phí cho SV khi ốm đau, chấn thương thể trạng nhẹ [H6.06.02.05]. Nhà trường đã ký hợp đồng mua bảo hiểm y tế với Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân nhằm bảo đảm quyền lợi cho SV khi ốm đau [H6.06.02.06]. 100% SV năm đầu tham gia mua Bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh và kiểm tra sức khoẻ định kỳ tại các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên tỷ lệ sinh viên tham gia mua Bảo hiểm y tế toàn trường còn thấp mới chỉ đạt 77,4% [H6.06.02.07].

Để đáp ứng cho hoạt động Văn- Thể - Mỹ của sinh viên, Trường có phòng Hòa nhạc, phòng Múa, 5 giảng đường phục vụ cho việc học tập và các hoạt động văn hóa văn nghệ; ngoài ra Trường có Sân vận động, Sân cầu lông nhà B-C, phòng đa năng tầng 2 Hiệu bộ để phục vụ tập thể dục thể thao của sinh viên toàn Trường [H9.09.02.01]

Đối với công tác an ninh trật tự, Nhà trường chủ động phối hợp với công an và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục SV nội trú, ngoại trú góp phần ổn định chung cho toàn xã hội [H6.06.02.08]. Bên cạnh đó, Trường phối hợp với Công an phường Văn Quán để đảm bảo an toàn trật tự xã hội và an ninh trong khu vực Nhà trường [H6.06.02.09]. Nhà trường thành lập Đội Sinh viên tự quản để thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trong Ký túc xá [H6.06.02.10]. Trường hầu như không có sinh viên bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng và các vụ trộm cắp tài sản lớn trong sinh viên.

Nhà trường có 02 bộ phận bảo vệ: Khu Hiệu bộ và các giảng đường – Trực thuộc phòng HCTH gồm 11 nhân viên bảo vệ; Khu Ký túc xá – Trực thuộc phòng CTHSSV gồm 06 nhân viên bảo vệ [H6.06.02.11]. Hàng năm, Nhà trường thành lập Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy cơ sở, có kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ PCCC định kì và Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy [H6.06.02.12]. Ngoài ra, Trường có hệ thống camera lắp đặt tại các khu vực giảng đường (04 chiếc) và Ký túc xá sinh viên (03 chiếc) để đảm bảo an toàn cho người học [H6.06.02.13].

2. Điểm mạnh

            Nhà trường thực hiện đầy đủ quy định cho 100% người học thuộc các chế độ chính sách ưu đãi (Miễn, giảm học phí; trợ cấp xã hội; hỗ trợ chi phí học tập, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an ninh trật tự cho SV trong Nhà trường...).       

3. Tồn tại

Số lượng SV tham gia mua Bảo hiểm y tế chưa đạt 100%.

4. Kế hoạch hành động

            Từ năm 2018, Nhà trường giao cho Trạm y tế phối hợp với phòng CTHSSV tuyên truyền, vận động 100% SV tham gia mua Bảo hiểm Y tế.   

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 6.3. Công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng đạo đức và lối sống cho người học đ­ược thực hiện có hiệu quả.

1. Mô tả

Nhà trường luôn quan tâm đến công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho người học. Nhà trường đã duy trì tốt việc tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” theo những nội dung được Bộ GD&ĐT hướng dẫn như: Triển khai học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Giáo dục, Điều lệ trường Đại học... qua đó, sinh viên hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình [H6.06.03.01]. Sinh viên ký cam kết cá nhân, tập thể thực hiện tốt các nội quy, quy chế HSSV; không sử dụng, vận chuyển và tàng trữ chất ma tuý; tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội; thực hiện chỉ thị cấm hút thuốc lá ở công sở và trường học...Các đợt tổ chức đều được 100% sinh viên tham gia với ý thức tốt [H6.06.03.02].

Nhà trường tổ chức cho sinh viên các buổi nói chuyện ngoại khóa về tình hình thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới [H6.06.03.03]. 100% SV tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; các cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, nước CHXHCN Việt Nam, “Tìm hiểu quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào”, ”Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”, Olympic Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... [H6.06.03.04].

Ngoài ra, các phong trào hoạt động xã hội, hoạt động công ích cũng được SV tham gia, hưởng ứng: phong trào SV tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”, hiến máu nhân đạo; hoạt động từ thiện ủng hộ người nghèo, đồng bào vùng bị thiên tai, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng quỹ "đền ơn đáp nghĩa”... [H6.06.03.05].

Căn cứ Quy định đánh giá điểm rèn luyện cho sinh viên của Bộ GD&ĐT, Trường đã ban hành Quy chế đánh giá điểm rèn luyện và Phiếu đánh giá điểm rèn luyện phù hợp với sinh viên, trong đó đề ra các tiêu chí rèn luyện với từng mức điểm cụ thể, đảm bảo việc đánh giá được công bằng, khách quan, chính xác. Văn bản này được phổ biến cho sinh viên ngay từ đầu khoá học để sinh viên có định hướng phấn đấu trong suốt quá trình học tập tại Trường [H6.06.03.06].

Sau khi kết thúc mỗi học kỳ, từng sinh viên căn cứ vào Quy chế đánh giá điểm rèn luyện tự đánh giá, cho điểm và tự xếp loại rèn luyện theo mẫu Phiếu đánh giá điểm rèn luyện; lớp trưởng tổ chức họp lớp bình xét điểm cho từng cá nhân; cố vấn học tập đánh giá, xếp loại và báo cáo Hội đồng cấp Khoa, thống nhất gửi Hội đồng cấp Trường xem xét và trình Hiệu trưởng ký quyết định xếp loại điểm rèn luyện của sinh viên; niêm yết công khai trên bảng tin tại các Khoa. Theo thống kê đánh giá điểm rèn luyện toàn trường, số SV đạt điểm rèn luyện xếp loại khá chiếm khoảng hơn 80% tổng số sinh viên toàn trường [H6.06.03.07].

Bảng 6.3.1: Tỉ lệ người học xếp loại điểm rèn luyện hàng năm

Năm học

Xuất sắc

Tốt

Khá

Tỷ lệ SV XLRL

từ loại khá trở lên

2012-2013

9,8%

55,6%

20%

85,4%

2013-2014

4,5%

49,5%

29,4%

83,5%

2014-2015

4,7%

50%

28,3%

83%

2015-2016

5,34%

42,4%

36,9%

84,64%

2016-2017

5,2%

41%

35,8%

82%

 

Trường cử sinh viên tham gia nhiều Hội thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật đạt nhiều giải thưởng cao: Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc, Liên hoan Hợp xướng Quốc tế, Hội thi Tài năng trẻ HSSV toàn quốc, Liên hoan Nghệ thuật Châu Á - Thái Bình Dương…Thông qua các hoạt động do Nhà trường phát động, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận bằng khen, giấy khen các cấp, các ngành [H6.06.03.08].

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người học vi phạm các vấn đề đạo đức, lối sống. Từ năm 2012 đến nay, Nhà trường đã xử lý 16 vụ việc sinh viên vi phạm quy chế HSSV và kỷ luật ở mức độ khiển trách, cảnh cáo; đa số sinh viên vi phạm trên ở ngoại trú [H6.06.03.09].

Bảng 6.3.2: Tỉ lệ người học vi phạm quy chế và được khen thưởng hàng năm

Năm học

2012-2013

2013-2014

2014-2015

2015-2016

2016-2017

Tỉ lệ người học vi phạm quy chế bị phê bình/khiển trách

0.08%

0.1%

0.1%

0

0

Tỉ lệ người học được khen thưởng trong các phong trào rèn luyện đạo đức, tư tưởng

2.34%

1.91%

2.19%

2,8%

2,85%

 

2. Điểm mạnh

            Nhà trường đã tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội với các hình thức đa dạng, phong phú, góp phần rèn luyện chính trị, tư tưởng đạo đức và lối sống cho sinh viên; nhiều sinh viên được khen thưởng trong các cuộc thi.

3. Tồn tại

Nhà trường chưa quản lý hiệu quả số lượng sinh viên ngoại trú.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017 - 2018, phòng CTHSSV phối hợp chặt chẽ với gia đình và công an địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình sinh hoạt của sinh viên ngoại trú để có các biện pháp giải quyết kịp thời.

5. Tự đánh giá:  Đạt yêu cầu tiêu chí           

            Tiêu chí 6.4. Công tác Đảng, Đoàn thể có tác dụng tốt trong việc rèn luyện chính trị, t­ư t­ưởng, đạo đức và lối sống cho ng­ười học.

1. Mô tả

Đảng ủy, BGH Nhà trường thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục  chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên. BGH phân công đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, phó Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác sinh viên [H6.06.04.01].

Đoàn Thanh niên, Hội SV Trường hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy – BGH và Đoàn – Hội cấp trên; Đảng ủy phân công một đồng chí Đảng ủy viên phụ trách, chỉ đạo công tác Đoàn TN, Hội SV; đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên là Đảng ủy viên, phó trưởng phòng Công tác HSSV [H6.06.04.02]. Mọi hoạt động của Đoàn TNCSHCM, Hội sinh viên được tổ chức có hệ thống, có chương trình công tác, được triển khai cụ thể đến các chi đoàn, chi hội hoạt động có hiệu quả [H6.06.04.03]. Hàng năm, Nhà trường có phân phối kinh phí cho các hoạt động Đoàn TNCSHCM, Hội SV; tuy nhiên kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động Đoàn TN và Hội SV còn hạn chế [H6.06.04.04].

Năm học 2016 - 2017, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên có 78 Chi đoàn/Chi hội trực thuộc [H6.06.04.05]. BCH Đoàn trường có lịch sinh hoạt định kỳ với BCH các Chi đoàn 01 lần/tháng dựa trên nguyên tắc tập trung, dân chủ để đánh giá kết quả hoạt động tháng trước, thông qua kế hoạch và ra Nghị quyết công tác tháng sau [H6.06.04.06].

Hàng năm, Đoàn TNCSHCM, Hội SV phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều hoạt động như­: Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; phong trào kiểm tra nề nếp, kỷ c­ương trong dạy và học; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, phong trào “Môi trường xanh, sạch đẹp” trong khuôn viên Nhà trường có sự đóng góp tích cực của sinh viên [H6.06.04.07]; phong trào hoạt động “Sinh viên tình nguyện” đ­ược tiến hành trong nhiều năm qua đã giúp người học có cơ hội trải nghiệm cuộc sống, thể hiện tinh thần nhân văn, xung kích vì cộng đồng; Sinh viên đã tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động với mục đích rõ ràng: tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, các hoạt động xã hội, từ thiện, tặng quà cho các gia đình chính sách (tại Huyện Thanh Trì), giúp bà con trồng lúa, vệ sinh ao hồ, dạy âm nhạc, mỹ thuật cho thiếu nhi. Bằng những việc làm thiết thực, đoàn viên, sinh viên Trường đã thể hiện tấm lòng nhân ái, nhường cơm sẻ áo với những người có hoàn cảnh khó khăn [H6.06.04.08]. Ngoài ra, hoạt động hiến máu nhân đạo được tổ chức 02 đợt/năm thu hút hàng ngàn lượt cán bộ và SV tham gia [H6.06.04.09]. Nhà trường đã làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, chính vì vậy trong 05 năm gần đây không có tình trạng SV tham gia các cuộc biểu tình trái pháp luật.

Đảng bộ Trường luôn chú trọng công tác phát triển Đảng cho sinh viên; có kế hoạch tổ chức các lớp học bồi dưỡng kết nạp Đảng cho đối tượng là cán bộ đoàn, đoàn viên xuất sắc trong học tập, rèn luyện và công tác. Chi bộ sinh viên hiện có 26 đảng viên [H6.06.04.10]. Thông qua các phong trào hoạt động đã phát hiện nhiều đoàn viên ưu tú, xuất sắc. Từ năm học 2011-2012 đến nay, Đoàn trường đã giới thiệu 333 SV học lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng và đã đề nghị Đảng uỷ xét, ra Quyết định kết nạp 37 đoàn viên ­ưu tú vào Đảng [H6.06.04.11].

Bảng 6.4.1: Tỉ lệ người học tham gia lớp cảm tình Đảng và được kết nạp Đảng

Năm học

2012-2013

2013-2014

2014-2015

2015-2016

2016-2017

Tỉ lệ người học tham gia lớp cảm tình Đảng/Tổng số SV

1,40 %

0,97 %

1,76 %

1,80

%

1,07

%

Tỉ lệ người học được kết nạp Đảng/Tổng số SV

0,12 %

0,18 %

0,20 %

0,11

%

0,21

%

 

2. Điểm mạnh

Các hoạt động Đoàn TNCSHCM, Hội sinh viên đã có tác dụng tích cực trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện tu dưỡng đạo đức và lối sống lành mạnh trong sinh viên.

3. Tồn tại

            Kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động Đoàn TNCSHCM và Hội SV còn hạn chế.

4. Kế hoạch hành động

            Từ năm 2018, Đoàn TNCSHCM, Hội sinh viên có kế hoạch cụ thể để huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ tổ chức các hoạt động từ người học, cán bộ, giảng viên, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nhà trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.5. Có các biện pháp cụ thể, có tác dụng tích cực để hỗ trợ việc học tập và sinh hoạt của người học.

1. Mô tả 

            Từ năm học 2013 – 2014, khi bắt đầu chuyển đổi từ học chế niên chế sang học chế tín chỉ, vào đầu mỗi năm học, Nhà trường đã thành lập đội ngũ cố vấn học tập, phân công nhiệm vụ và quyền hạn của cố vấn học tập, phân phụ trách từng lớp để hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Hàng năm, Nhà trường tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của đội ngũ học tập [H6.06.05.01].

Thông qua Tuần sinh hoạt công dân HSSV đầu khóa học, Thầy Hiệu trưởng đã dành thời gian để trao đổi với SV về phương pháp học ở bậc đại học để sinh viên nhận thức và tiếp cận với phương pháp học mới; Trung tâm Công nghệ thông tin đã có 01 tiết để hướng dẫn, phổ biến cho SV về nội quy sử dụng thư viện và tìm kiếm tài liệu để phục vụ cho học tập [H6.06.05.02].

      Nhà trường tạo điều kiện xác nhận để sinh viên được vay vốn tín dụng theo đúng quy định của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho việc học tập và sinh hoạt của người học [H6.06.05.03]. Đoàn trường kết hợp với phòng CTHSSV đã hỗ trợ cho SV trong việc giới thiệu việc làm thêm [H6.06.05.04]; nhà trọ giá rẻ cho sinh viên trong khi ký túc xá mới đáp ứng nhu cầu cho khoảng 17,5% số sinh viên toàn trường [H6.06.05.05]; chủ động đề xuất với Nhà trường giúp đỡ các sinh viên khó khăn trong cuộc sống [H6.06.05.06].

Bên cạnh đó, Tổ tư vấn - hướng nghiệp - việc làm (trực thuộc phòng Công tác HSSV) thông báo cho toàn thể sinh viên những thông tin, kế hoạch của Nhà trường cũng như các hoạt động xã hội khác; Hàng tuần đài phát thanh kí túc xá có chuyên mục tư vấn tâm lý, hướng nghiệp việc làm giúp sinh viên được giải đáp những băn khoăn, trăn trở, những tâm sự [H6.06.05.07].

Hoạt động ngoại khoá do Đoàn TN và Hội sinh viên tổ chức diễn ra sôi nổi và được đông đảo sinh viên hưởng ứng như: Festival, Tôi yêu Hà Nội, Lễ hội Tháng Ba, Halloween, Cuộc thi Sinh viên Tài năng, Thanh lịch, Hội trại... [H6.06.05.08]. Bên cạnh đó, hoạt động của các Câu lạc bộ điện ảnh, Mỹ thuật, guitar, Hiphop, Thiết kế trẻ... [H6.06.05.09]. Tuy nhiên, một số câu lạc bộ hoạt động chưa thường xuyên.

 Thông qua Hội nghị đối thoại với SV, Hiệu trưởng giải đáp những thắc mắc của sinh viên, qua đó giúp cho Nhà trường có định hướng đúng và tìm ra các giải pháp hỗ trợ cho việc học tập, sinh hoạt của sinh viên [H6.06.05.10].

Hàng năm, Nhà trường tổ chức các Hội thảo với chủ đề đa dạng “Sinh viên khởi nghiệp”, “Xây dựng bản lĩnh tự tin”, “Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân”... giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, củng cố khả năng diễn đạt, rèn luyện suy nghĩ độc lập, linh hoạt, sáng tạo và giải quyết vấn đề trong những tình huống khó mà sinh viên thường gặp trong cuộc sống [H6.06.05.11]. Căn cứ nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống [H6.06.05.12], phòng CTHSSV phối hợp với các khoa tổ chức các khóa học về kỹ năng sống và tìm việc làm hiệu quả [H6.06.05.13].

2. Điểm mạnh

 Nhà trường đã xây dựng đội ngũ cố vấn học tập có trách nhiệm, luôn tạo điều kiện giúp sinh viên hiểu rõ về mục tiêu, chương trình đào tạo, yêu cầu kiểm tra đánh giá, giúp sinh viên thực hiện tốt các quy chế đào tạo.

Nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để sinh viên được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.

3. Tồn tại

         Một số câu lạc bộ hoạt động chưa thường xuyên.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2018-2019, Nhà trường giao cho Đoàn thanh niên, Hội SV quản lý hoạt động của các câu lạc bộ thông qua kế hoạch hoạt động hàng tháng và có hình thức khen thưởng đối với các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.6. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nội quy của Nhà trường cho người học.

1. Mô tả

            Trường ĐHSP Nghệ thuật TW thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng pháp luật, hiểu biết chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với người học. Nhà trường giao trách nhiệm cho phòng Công tác HSSV xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng pháp luật, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nội quy của Nhà trường đối với người học trong "Tuần sinh hoạt công dân HSSV" [H6.06.02.01]. Ngoài ra, chương trình phát thanh vào thứ 5 hàng tuần tại Ký túc xá sinh viên cũng thường xuyên tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thông qua các đợt kỷ niệm ngày lễ lớn (26/3, 03/02...) [H6.06.06.02]. Thông qua môn học Pháp luật đại cương, các giảng viên đã phối hợp để giáo dục pháp luật cho sinh viên [H6.06.06.03]. Tài liệu tuyên truyền hướng dẫn về các hành vi đạo đức, kỹ năng sống cho sinh viên được mượn, đọc miễn phí tại thư viện Trường [H6.06.06.04].

Trường cũng đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho sinh viên về giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng pháp luật, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo cáo viên: GS.TSKH Phạm Lê Hòa, TS. Đào Đăng Phượng, PGS.TS Trần Đình Tuấn, Nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo, Nhạc sĩ Phạm Tuyên, PGS.TS Nguyễn Hữu Thức (nguyên Vụ trưởng vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban tuyên giáo TW)... [H6.06.06.05].

Nhà trường giao cho Đoàn thanh niên, Hội SV phối hợp với phòng Công tác HSSV hàng tháng xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm, thái độ hợp tác qua các cuộc vận động, cuộc thi tìm hiểu về Đảng, Nhà nước, pháp luật, về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, triển khai các văn bản tuyên truyền của Đoàn – Hội cấp trên [H6.06.06.06]. Cuộc vận động "Hai không", hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất đã được 100% sinh viên ký cam kết thực hiện [H6.06.06.07]. Các cuộc vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng sân chơi cho thiếu nhi khu vực ngoại thành Hà Nội, hiến máu nhân đạo... được sinh viên nhiệt tình hưởng ứng [H6.06.06.08].

Trong buổi giao ban tháng, ban cán sự lớp sinh viên được phổ biến các văn bản để triển khai cho toàn thể sinh viên của lớp: Nội quy của Nhà trường, chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước: Luật giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS... [H6.06.06.09].

2. Điểm mạnh

   Các hoạt động tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống được tổ chức dưới nhiều hình thức đã góp phần giáo dục, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng cho SV;

  Nhà trường đã có nhiều hình thức khen thưởng sinh viên, đoàn viên gương mẫu và đạt thành tích xuất sắc trong các hoạt động phong trào.

3. Tồn tại

            Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên chưa được diễn ra theo định kỳ.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2017 - 2018, phòng CTHSSV phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên định kỳ 2 lần/năm học.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.7. Có các hoạt động hỗ trợ hiệu quả nhằm tăng tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

1. Mô tả 

            Trên cơ sở văn bản về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và THCN của Bộ GD&ĐT [H6.06.07.01], tháng 7 năm 2013 Nhà trường đã thành lập Tổ tư vấn - hướng nghiệp - việc làm cho sinh viên trực thuộc Phòng CTHSSV với nhiệm vụ thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho sinh viên và khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp [H6.06.07.02].

Hàng năm, Tổ tư vấn - hướng nghiệp - việc làm phối hợp với Đoàn TN xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ người học tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và báo cáo với Bộ GD&ĐT về hoạt động của Tổ [H6.06.07.03].

Nhà trường kết hợp với một số công ty, doanh nghiệp tổ chức các khoá tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề: Kỹ năng quản lý công việc hiệu quả, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình; kỹ năng tìm việc làm, thương lượng…[H6.06.07.04]. Qua đó, sinh viên được tư vấn về kỹ năng viết đơn xin việc, viết lý lịch và kỹ năng phỏng vấn, nâng cao kiến thức về lĩnh vực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, trường ĐHSP NTTW đã trang bị cho sinh viên về kiến thức kỹ năng mềm và nghiệp vụ như thông qua tổ chức các lớp công tác đội, nghiệp vụ sư phạm [H6.06.07.05]... Tuy nhiên chưa có Hội thảo quy mô lớn cho sinh viên toàn trường.

            Cùng với việc tập huấn, hội thảo, Trường tiếp nhận thông báo tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển nhân sự, phù hợp với các chuyên ngành trường đang đào tạo; từ những thông tin này, phòng CTHSSV triển khai tới các lớp sinh viên năm cuối dưới hình thức đăng tải trên trang mạng xã hội và bảng tin của Nhà trường [H6.06.07.06]. Hàng năm, Tổ tư vấn - hướng nghiệp - việc làm phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức cho người học tham gia các Hội chợ việc làm theo thông báo của Thành đoàn Hà Nội [H6.06.07.07]

Hàng năm, Khoa Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa phối hợp với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tổ chức các buổi Hội thảo việc làm [H6.06.07.08]. Qua đó, công ty may Đức Giang đã trực tiếp ký hợp đồng với Nhà trường về việc cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang thực tập 02 tháng tại cơ sở và cam kết sẽ tuyển dụng những sinh viên phù hợp với yêu cầu [H6.06.07.09]. Tuy nhiên, Nhà trường chưa có nhiều hội thảo, chương trình có sự tham gia của toàn thể SV trong trường. Trong buổi bảo vệ tốt nghiệp, các khoa đã mời các nhà tuyển dụng tham gia. Một số đơn vị, doanh nghiệp đã tuyển dụng được SV phù hợp với yêu cầu [H6.06.07.10].

Theo số liệu thống kê khảo sát, tỉ lệ người học có việc làm phù hợp với ngành nghề được mô tả trong chương trình đào tạo tăng hàng năm [H6.06.07.11].

Bảng 6.7.1: Bảng thống kê tỉ lệ SV ra trường có việc làm phù hợp

Năm học

2011-2012

2012-2013

2013-2014

2014-2015

2015-2016

Tỉ lệ SV khảo sát

58%

60%

61%

63%

61%

Tỉ lệ SV có việc làm phù hợp

72%

73%

70%

73%

75%

Tất cả chương trình đào tạo đều đề cập đến vị trí việc làm mà người tốt nghiệp có thể đảm nhiệm [H3.03.02.03].

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng.

3. Tồn tại

Quy mô tổ chức chưa toàn diện, chưa có nhiều hội thảo, chương trình có sự tham gia của toàn thể SV trong toàn trường.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2018-2019, Nhà trường tổ chức tọa đàm ít nhất 1 lần/năm để nhà tuyển dụng trao đổi với người học và giảng viên.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.8. Người học có khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Trong năm đầu sau khi tốt nghiệp, trên 50% người tốt nghiệp tìm được việc làm đúng ngành được đào tạo.

1. Mô tả

            Năm 2013, ngay sau khi được thành lập, Tổ tư vấn hướng nghiệp, việc làm đã xây dựng Quy định về việc khảo sát tình hình việc làm của SV sau khi tốt nghiệp trong đó nêu rõ mục đích yêu cầu, hình thức tổ chức, quy trình thực hiện khảo sát [H6.06.08.01]. Căn cứ điều kiện thực tế, Nhà trường đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp [H6.06.08.02].

Hàng năm, Tổ tư vấn hướng nghiệp, việc làm đã tiến hành khảo sát tình hình tìm việc làm và khả năng tự tạo việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp qua nhiều kênh: các đợt điều tra bằng việc phát phiếu khảo sát trực tiếp hoặc gửi tới địa chỉ hộp thư điện tử của SV, gọi điện xác nhận tình hình việc làm của SV; tìm hiểu thông tin từ Ban cán sự của các lớp cũng như nắm bắt thông tin trong các buổi tổ chức lễ kỷ niệm của Khoa, Trường có các cựu SV tham dự. Theo số lượng thống kê 05 năm trở lại đây, tỉ lệ trung bình sinh viên có việc làm đúng/gần chuyên ngành là 73% [Bảng thống kê 6.7.1]. Hiện nay, Nhà trường chưa có nhiều hoạt động để hỗ trợ SV có khả năng tự tạo việc làm.

Bảng 6.8.1: Thống kê tỉ lệ sinh viên có việc làm từ năm 2012 đến 2016

Năm tốt nghiệp

Khoá

Ngành học

Tổng số sinh viên ra trường

Tỷ lệ % sinh viên làm việc đúng chuyên ngành so với tổng số SV được khảo sát

Tỷ lệ % sinh viên làm việc không đúng chuyên ngành so với tổng số SV được khảo sát

2012

K3

ĐHSP Âm nhạc

210

73%

27%

K3

ĐHSP Mỹ thuật

206

77%

23%

K2

ĐH QLVH

60

60%

40%

K2

ĐH TKTT

77

74%

26%

2013

K4

ĐHSP Âm nhạc

207

78%

22%

K4

ĐHSP Mỹ thuật

209

72%

28%

K3

ĐH QLVH

72

65%

35%

K3

ĐH TKTT

141

77%

23%

2014

K5

ĐHSP Âm nhạc

193

75%

25%

K5

ĐHSP Mỹ thuật

147

67%

33%

K4

ĐH QLVH

36

60%

40%

K4

ĐH TKTT

101

69%

31%

K1

ĐH TKĐH

76

87%

13%

2015

K6

ĐHSP Âm nhạc

207

72%

28%

K6

ĐHSP Mỹ thuật

157

68%

32%

K5

ĐH QLVH

35

83%

17%

K5

ĐH TKTT

110

65%

35%

K2

ĐH TKĐH

145

90%

10%

2016

K7

ĐHSP Âm nhạc

200

73%

27%

K7

ĐHSP Mỹ thuật

131

66%

34%

K6

ĐH QLVH

22

64%

36%

K6

ĐH TKTT

176

60%

40%

K3

ĐH TKĐH

145

92%

8%

Qua kết quả khảo sát về tình hình tìm việc làm của SV sau tốt nghiệp cho thấy SV đa số tìm kiếm được việc làm qua người quen và bạn bè giới thiệu chiếm 70%, qua quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng chiếm 7%, qua hội chợ việc làm chiếm 10% và 13% do sinh viên tự tạo được việc làm và thông qua con đường khác [H6.06.08.03].

2. Điểm mạnh

            Sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đạt tỉ lệ cao.

3. Tồn tại

            Nhà trường chưa có nhiều hoạt động hỗ trợ cho SV tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2017 - 2018, Tổ tư vấn hướng nghiệp việc làm tổ chức tọa đàm mời các cựu SV khởi nghiệp thành công đến nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm ít nhất một lần/năm.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 6.9. Người học được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên khi kết thúc môn học, được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của trường đại học trước khi tốt nghiệp.

1. Mô tả

            Căn cứ công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, năm học 2012 - 2013, Nhà trường đã ban hành Quy định về công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên trong đó nêu rõ nội dung, công cụ, hình thức tổ chức, quy trình thực hiện và trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Theo đó, phòng KT, ĐBCL&TTGD là đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai hoạt động với các đơn vị khác trong toàn trường [H6.06.09.01].     

            Được sự góp ý của các đơn vị và toàn thể giảng viên trong Nhà trường, phòng KT, ĐBCL &TTGD đã hoàn thiện mẫu phiếu khảo sát và hàng năm đều có sự chỉnh sửa, bổ sung để bám sát hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo [H6.06.09.02].

Căn cứ kế hoạch năm học, phòng KT, ĐBCL&TTGD xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động trình Hiệu trưởng phê duyệt vào đầu mỗi năm học [H6.06.09.03]. Sinh viên toàn trường được tham gia đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên trước khi kết thúc học phần theo đúng quy định của GD&ĐT. Đến nay, Nhà trường đã triển khai lấy ý kiến phản hồi về hoạt động giảng dạy của 205 giảng viên với 8261 phiếu khảo sát [H6.06.09.04].

Số liệu khảo sát được xử lý trên phần mềm chuyên dụng SPSS và lưu trữ tại phòng KT,ĐBCL&TTGD làm cơ sở xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy trong những năm học tiếp theo [H6.06.09.05]. Kết quả khảo sát được sử dụng trong nội bộ Nhà trường làm cơ sở xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy trong những năm học tiếp theo [H6.06.09.06]. Nhà trường có tổ chức rút kinh nghiệm về việc đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và cải tiến các quy trình. Tuy nhiên, kết quả khảo sát mới chỉ được phổ biến đến lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường [H6.06.09.07].

Năm học 2013 - 2014, Nhà trường đã ban hành Quy định lấy ý kiến phản hồi của người học về chất lượng đào tạo làm căn cứ để triển khai hoạt động [H6.06.09.08]. Trước khi ra trường, trong các đợt nhận bằng tốt nghiệp, sinh viên được tham gia đánh giá chất lượng đào tạo của Nhà trường thông qua hình thức phiếu hỏi phát trực tiếp [H6.06.09.09]. Sinh viên tham gia đánh về chương trình đào tạo, về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học và nhiều mặt hoạt động khác của Nhà trường [H6.06.09.10]. Đến nay đã triển khai lấy ý kiến phản hồi về chất lượng đào tạo của 2511 lượt sinh viên trước khi tốt nghiệp [H6.06.09.11]. Số liệu khảo sát được xử lý trên phần mềm chuyên dụng SPSS và lưu trữ trong nội bộ Nhà trường [H6.06.09.12]. Hàng năm, Nhà trường  tổ chức họp toàn thể lãnh đạo các đơn vị để thông báo kết quả đánh giá chất lượng đào tạo của sinh viên; từ đó có những định hướng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo [H6.06.09.13].

2. Điểm mạnh

Hoạt động lấy ý kiến phản hồi của người học được thực hiện theo đúng quy trình, có sự tham gia phối hợp của các đơn vị trong Nhà trường.

3. Tồn tại

Kết quả khảo sát lấy ý kiến phản hồi của người học mới chỉ được phổ biến đến lãnh đạo các đơn vị, chưa phổ biến công khai trong nhà trường.

4. Kế hoạch hành động

             Từ năm học 2017 - 2018, công khai kết quả lấy ý kiến phản hồi đến từng cán bộ, giảng viên trong Nhà trường. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên kết quả phản hồi của người học.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí     

 

Kết luận về Tiêu chuẩn 6:

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã có những biện pháp cụ thể giúp sinh viên hiểu rõ về mục tiêu đào tạo, CTĐT, các yêu cầu kiểm tra đánh giá, thực hiện tốt quy chế đào tạo và những vấn đề liên quan đến người học. Nhà trường luôn đảm bảo các chế độ chính sách xã hội, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho SV và thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ sinh viên về chế độ chính sách xã hội, chăm sóc sức khoẻ, đẩy mạnh phong trào Văn nghệ - Thể dục thể thao. Sinh viên tích cực tham gia và đã đạt nhiều thành tích trong các hoạt động Văn hóa - Nghệ thuật, thể dục thể thao cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp Trường...

Đảng ủy, BGH quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, tạo điều kiện phát triển phong trào Đoàn, Hội bằng cách hỗ trợ tích cực về vật chất lẫn tinh thần. Đảng ủy cũng rất quan tâm đến sự phát triển Đảng viên trong sinh viên. Công tác Đảng, đoàn thể trong Nhà trường có tác dụng tốt đối với việc rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và nhân cách của sinh viên.  

Sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW được cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đa số sinh viên đã có ý thức trong sinh hoạt, học tập và hoạt động cộng đồng; có ý thức tốt trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh, tự giác tham gia các phong trào do Nhà trường và các đoàn thể phát động.

Nhà trường chú trọng giáo dục sinh viên về đạo đức, lối sống; đồng thời có nhiều biện pháp tuyên dương, khen thưởng sinh viên gương mẫu. Sinh viên của Trường được đánh giá có lối sống giản dị, trung thực và có thái độ hợp tác cao trong công việc.

Tiêu chuẩn 6 có 9/9 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí.

 

 

 

 

 

 

Tiêu chuẩn 7

Nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ.

Mở đầu: NCKH, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ là hoạt động không thể thiếu đối với trường đại học. Trong những năm qua, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ KHCN, góp phần phát triển Nhà trường.

Tiêu chí 7.1. Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với sứ mạng phát triển trường đại học.

1. Mô tả

Nhà trường đã xây dựng kế hoạch dài hạn về khoa học công nghệ được thể hiện trong “Chiến lược phát triển trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược về KHCN đã nêu rõ mục tiêu phát triển KHCN đến 2020 với một số chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện [H7.07.01.01].

Chiến lược phát triển KHCN và kế hoạch hoạt động KHCN hàng năm của Trường phù hợp với sứ mạng “nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về nghệ thuật” [H7.07.01.01]. Hướng nghiên cứu và nội dung các đề tài NCKH của Nhà trường tập trung vào lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

Căn cứ các quy định của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ GD&ĐT, Trường đã ban hành các quy định để triển khai khai hoạt động KHCN của Nhà trường, cụ thể: Quy định NCKH dành cho giảng viên năm 2010 [H7.07.01.02]; Quy định NCKH của sinh viên năm 2013, 2014 [H7.07.01.03]. Đến năm 2014, trên cơ sở phát triển và những đặc thù riêng, Nhà trường đã điều chỉnh và ban hành mới Quy định hoạt động KHCN trong đó quy định rõ các tiêu chuẩn và quy trình triển khai hoạt động KHCN [H7.07.01.04].

Hàng năm, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch KHCN và triển khai hoạt động KHCN đến từng đơn vị theo đúng quy trình trong Quy định đã ban hành [H7.07.01.05].

- Đầu năm học, CB, GV, SV tiến hành đăng ký thuyết minh NCKH theo thông báo của Nhà trường [H7.07.01.06]. Thông tin về hoạt động KHCN như Các Quy định, biểu mẫu, hướng dẫn... được phổ biến đến các đơn vị và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của trường (http://www.spnttw.edu.vn) [H7.07.01.07]..

- Trên cơ sở thuyết minh đề tài KHCN được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đề tài NCKH cấp trường, khoa, sinh viên được Hội đồng KH&ĐT trường thực hiện tuyển chọn, và phê duyệt các thuyết minh. Nhà trường ra quyết định cho những đề tài được phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện đề tài khoa học công nghệ theo đúng quy định [H7.07.01.08], [H7.07.01.09].

Bộ/Trường cấp kinh phí thực hiện cho các đề tài có tính ứng dụng cao đã giải quyết yêu cầu cấp bách của cơ sở đào tạo [H7.07.01.10]. Tuy nhiên, chưa xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh cho các chuyên ngành để phát triển đội ngũ NCKH (lý thuyết, chuyên ngành, ứng dụng...) các chủ nhiệm đề tài chưa có khả năng đề xuất, đấu thầu thành công đề tài/đề án/dự án cấp Nhà nước.

Theo kế hoạch đã đề ra, giai đoạn 2012-2017, Nhà trường đã nghiệm thu 206 đề tài (09 đề tài KHCN cấp Bộ, 49 đề tài cấp trường, 79 đề tài cấp khoa và 69 đề tài NCKH của sinh viên) [H7.07.01.11].

2. Điểm mạnh

Chiến lược phát triển của Nhà trường đã hoạch định các chỉ tiêu hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2012-2020 và được cụ thể hóa thành chỉ tiêu khoa học công nghệ hàng năm, được triển khai thực hiện đúng Quy định hoạt động KHCN Trường đã ban hành.

3. Tồn tại

Nhà trường chưa xây dựng nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các chuyên ngành đào tạo để tham gia đấu thầu các đề tài/đề án/dự án cấp Nhà Nước.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2018-2019, Nhà trường thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các ngành đào tạo; xây dựng, ban hành quy định và cơ chế hỗ trợ hoạt động cho nhóm nghiên cứu chuyên sâu.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.2. Có các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch.

1. Mô tả

Trên cơ sở kế hoạch hoạt động KHCN hàng năm [H7.07.01.05], Nhà trường đã ra thông báo đăng ký đề tài tổ chức phân bổ kinh phí các đề tài theo kế hoạch [H7.07.01.06], [H7.07.01.09]; thành lập Hội đồng kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài; thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp bộ, cấp trường [H7.07.02.01], [H7.07.02.02], [H7.07.02.03].

Trong giai đoạn 2012 – 2017, Nhà trường đã triển khai 206 đề tài (nghiệm thu 09 nhiệm vụ/đề tài KHCN cấp Bộ, 49 đề tài cấp trường, 79 đề tài cấp khoa và 69 đề tài NCKH của sinh viên) [H7.07.01.10]. Như vậy 99,13% các đề tài được hỗ trợ kinh phí NCKH, nghiệm thu theo đúng kế hoạch và đạt chất lượng [H7.07.02.02], [H7.07.02.03]. Trong đó, chỉ có 0,87% (02/206) đề tài do sự cố bất thường, yếu tố khách quan mang lại nên phải gia hạn, chủ nhiệm đề tài đã khắc phục và thực hiện nghiệm thu vào năm sau [H7.07.02.04]. Nội dung các đề tài gắn liền với mục tiêu và chương trình đào tạo của Nhà truờng, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy và NCKH của CB, GV và SV [H7.07.01.11].

Trong quá trình triển khai thực hiện các đề tài NCKH, Nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện và hỗ trợ khi cần thiết. Vì vậy, trong 5 năm chỉ có 02/206 đề tài phải gia hạn thời gian do chủ nhiệm đề tài hỏng máy tính mất dữ liệu, Nhà trường đã có quy định và biện pháp động viên để chủ nhiệm đề tài khắc phục, gia hạn báo cáo sản phẩm đề tài vào năm sau.

2. Điểm mạnh

Đánh giá, nghiệm thu đề tài được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ nguyên tắc và quy trình của các cấp quản lý KHCN.

3. Tồn tại

Còn 02/206 đề tài phải gia hạn.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017-2018, nâng cao năng lực về công tác quản lý NCKH, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn để kịp thời giúp các chủ đề tài đảm bảo đúng tiến độ thực hiện.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.3: Số lượng bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế tương ứng với số đề tài nghiên cứu khoa học và phù hợp với định hướng nghiên cứu và phát triển của trường đại học.

1. Mô tả

Xác định mục tiêu đưa trường ĐHSP Nghệ thuật TW trở thành cơ sở bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và ứng dụng nghệ thuật, vì thế, cán bộ, giáo viên trong Nhà trường tích cực viết bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Năm 2008, Nhà trường xuất bản Tạp chí giáo dục nghệ thuật theo giấy phép của Bộ thông tin truyền thông. Tạp chí đã phát hành 4 số/năm, đăng tải nhiều kết quả, công trình nghiên cứu có chất lượng của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong trường. Năm 2015, tạp chí đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận tính điểm [H7.07.03.01]. Trong 5 năm qua (2012-2017), Nhà trường có tổng số 287 bài báo của cán bộ, giảng viên được công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Trong đó, có 242 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, 45 đăng trên tạp chí/tập san của Trường [H7.07.03.02]. Nhà trường chưa có bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Ngoài ra, Nhà trường còn có nhiều bài viết báo cáo tại các hội thảo trong nước (08 bài), hội thảo tại Trường (15 bài)… [H7.07.03.03].   

Từ năm 2012-2017, Nhà trường có tổng 206 đề tài NCKH, trong đó có 09 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 49 đề tài cấp Trường và 79 đề tài cấp Khoa, 69 đề tài của sinh viên đã nghiệm thu [H7.07.01.11]. Tổng số đề tài quy đổi bằng 73 (chỉ tính đề tài cấp bộ và cấp cơ sở, không tính của sinh viên).

Nội dung các bài báo của trường ĐHSP Nghệ thuật TW tập trung nghiên cứu ưu tiên phục vụ cho chiến lược phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Các biên bản nghiệm thu đều công nhận những đóng góp mới của đề tài, phù hợp với định hướng phát triển của trường [H7.07.02.03]. Cụ thể như:

- Về Âm nhạc có các bài báo: Đào tạo ngành sư phạm âm nhạc thế kỷ XXI; Một số nhạc sĩ tiên phong trong nền âm nhạc Mỹ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; Hát Ghẹo, hát Xoan nhìn từ truyền thuyết và trình tự diễn xướng; Cần có cách nhìn đầy đủ hơn về vai trò của GDAN trong nhà trường phổ thông; Ứng xử của người Việt miền Tây Nam Bộ qua các điệu hò…[H7.07.03.01].

- Về Hội họa có các bài báo: Từ cảm nhận đến sáng tạo trong hội họa ,Bài học từ giá trị nghệ thuật chạm khắc đình làng (qua hình tượng con người), Vai trò của hình nghiên cứu trong sáng tạo nghệ thuật, Kế thừa và phát huy những giá trị nghệ thuật thể hiện hình tượng con người trong chạm khắc Đình làng, Tranh dân gian đông hồ và bộ tranh “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Ofer, Vẻ đẹp tạo hình của biểu tượng linh quy nơi bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám…[H7.07.03.01].

- Về Văn hóa có các bài báo như: Về hình tượng con người trên phù điêu trang trí thuộc di sản văn hóa Việt, Bảo tồn và giữ gìn cổ vật Chăm trong giai đoạn hiện nay, Giá trị và chuyển đổi giá trị văn hóa trong gia đình của người Việt thời kỳ đổi mới, hội nhập, Đền Mẫu Âu Cơ - một không gian di tích tâm linh của người Việt…[H7.07.03.01].

Để khuyến khích cán bộ, giảng viên tham gia viết bài, Hiệu trưởng đã ban hành quy định NCKH cho giảng viên, trong đó có quy đổi bài viết ra số giờ NCKH [H7.07.01.02].

2. Điểm mạnh

Nhà trường có nhiều bài báo của cán bộ, giảng viên được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước; số đề tài quy đổi trong 5 năm khá cao.

3. Tồn tại

Chưa có bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế (chỉ số SCI, ECIE, ISI).

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2018-2019, Nhà trường xây dựng cơ chế khuyến khích và khen thưởng, hỗ trợ kinh phí cho các CB, GV có bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.4: Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của trường đại học có những đóng góp mới cho khoa học, có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

1. Mô tả

Hàng năm, các đề tài NCKH đều được Hội đồng đánh giá và nghiệm thu theo quy định hiện hành [H7.07.02.03]. 100% kết quả nghiên cứu của các đề tài đã đem lại những đóng góp mới cho khoa học [H7.07.01.11]. Nhiều đề tài NCKH có giá trị ứng dụng thực tiễn trong giảng dạy, học tập tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW [H7.07.04.01].

Nhà trường có khuyến khích các đề tài có tính mới vượt trội trong NCKH được dự thi “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ GD&ĐT tổ chức gồm: 01 đề tài của giảng viên và 01 đề tài của sinh viên đều đạt giải khuyến khích [H7.07.04.02].

Trong 5 năm, Nhà trường đã thực hiện thẩm định phê duyệt và chuyển giao 06 đề tài cấp Bộ, cấp Trường thành giáo trình, sách tham khảo để phục vụ công tác giảng dạy của Nhà trường [H7.07.04.03].

Ngoài ra, Nhà trường có nhiều đề tài NCKH tập trung vào nghiên cứu, biên soạn tài liệu/giáo trình, đổi mới phương pháp dạy học, có giá trị ứng dụng cao trong giảng dạy, học tập như: “Nghiên cứu biên soạn tài liệu giảng dạy môn Bố cục chất liệu khắc gỗ Hệ Đại học Sư phạm Mỹ thuật trường ĐHSP Nghệ thuật TW”,  "Hệ thống phương pháp dạy và học hát hợp xướng cho SV trường ĐHSP Nghệ thuật TW"; “Nghiên cứu biên soạn tài liệu dạy học môn Đàn phím điện tử cho hệ ĐHSP Âm nhạc”, “Xây dựng cơ sở dữ liệu dạy học âm nhạc ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW”; “Phương pháp tạo mẫu trang phục ứng dụng đào tạo thiết kế thời trang Trường ĐHSP Nghệ thuật TW”, “Ứng dụng E-Learning hỗ trợ kĩ năng tự học môn Tâm lý học cho sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW” [H7.07.01.11].

Do đặc trưng của các đề tài NCKH thuộc lĩnh vực nghệ thuật khó có thể chuyển giao trực tiếp cho các doanh nghiệp/tổ chức dưới hình thức chuyển giao công nghệ nên Nhà trường chú trọng đến việc công bố các kết quả nghiên cứu thông qua hoạt động triển lãm, biểu diễn, giao lưu nghệ thuật… [H7.07.04.04]. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu đều được công khai trên tạp chí, thư viện tạo điều kiện để các tổ chức cá nhân trong nước xem xét, áp dụng.

2. Điểm mạnh

100% kết quả nghiên cứu của các đề tài đã đem lại những đóng góp mới cho khoa học giáo dục nghệ thuật, nhiều đề tài NCKH là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị cho các cơ sở có cùng loại hình đào tạo.

3. Tồn tại

Nghiên cứu ứng dụng chưa được đẩy mạnh, chưa có nhiều đề tài NCKH chuyển giao thành giáo trình, tài liệu tham khảo.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm học 2018-2019, Nhà trường tập trung hình thành các hướng nghiên cứu mũi nhọn, lựa chọn để đầu tư kinh phí cho các đề tài NCKH trực tiếp giải quyết các vấn đề về giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo nâng cao chất lượng NCKH và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.5. Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí của trường đại học dành cho hoạt động này.

1. Mô tả

Với đặc thù là trường đào tạo giáo viên nghệ thuật, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ít mang lại giá trị kinh tế trực tiếp mà lại mang ý nghĩa xã hội lớn lao như tuyên truyền đường đối chính sách văn hóa, giáo dục của Đảng, Nhà nước… thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Đây là một hoạt động NCKH giáo dục nghệ thuật gắn với đào tạo ngành nghề mang tính đặc thù cao. Qua việc thực hành các hoạt động xã hội (Biểu diễn, triễn lãm, hội thi, tuyên truyền….) dù đem lại nguồn thu về kinh tế tuy nhỏ, nhưng nguồn lợi mang tính xã hội lớn, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn thực hành cho đội ngũ CB, GV [H7.07.04.04].

Tổng các khoản thu trong 5 năm của nhà trường đạt 4.826 triệu đồng và tổng chi là 4.826 triệu đồng [H7.07.05.01]. Từ năm 2015, kinh phí cấp cho NCKH cấp cơ sở của Nhà trường đã áp dụng theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ Quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học trích 5% tổng nguồn thu hợp pháp dành cho NCKH của Trường và 3% tổng nguồn thu học phí dành cho NCKH của sinh viên và tổng thu cao hơn tổng chi trong NCKH.

2. Điểm mạnh

Tổng các khoản thu trong NCKH đạt tương đương các mục chi, đảm bảo trích đủ tỷ lệ theo Nghị định 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ.

3. Tồn tại

Trường chưa tạo ra được nguồn thu kinh phí lớn cho NCKH từ các tổ chức, doanh nghiệp mà vẫn phụ thuộc và nguồn ngân sách Nhà nước.

4.  Kế hoạch hành động

Năm học 2017 – 2018, Trường tập trung nguồn kinh phí cho NCKH đủ chuyển giao giáo trình, sách tham khảo phục vụ cho công tác đào tạo.

5. Tự đánh giá: Không đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.6. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chú trọng và gắn với đào tạo, gắn kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học khác và các doanh nghiệp. Kết quả của các hoạt động khoa học & công nghệ  đóng góp vào nguồn lực của Nhà trường.

1.Mô tả

Định hướng mục tiêu gắn kết NCKH với đào tạo được thể hiện trong kế hoạch xây dựng hoạt động KHCN của từng năm học ưu tiên đổi mới các nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học; biên soạn chương trình khung, chương trình môn học, biên soạn giáo trình [H7.07.01.05], … Giai đoạn 2012 – 2017, Nhà trường có 206 đề tài/nhiệm vụ KHCN được nghiệm thu. Các đề tài từ cấp Bộ tới cấp Trường, cấp Khoa hay của sinh viên phần lớn đều gắn với mục tiêu và chương trình đào tạo của Nhà trường, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của các cán bộ, giảng viên và NCKH của người học. Giải pháp, đề xuất trong đề tài NCKH giúp Nhà trường đánh giá được thực trạng các mặt hoạt động của cơ sở đào tạo [H7.07.02.03]. Điều đó góp phần giúp Ban Giám hiệu đưa ra các biện pháp thích hợp trong quản lý hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường. Kết quả nghiên cứu có thể áp dụng để bổ sung hay hoàn thiện giáo trình giảng dạy cơ sở chuyên ngành, sử dụng làm tài liệu đặc biệt phục vụ thiết thực cho hệ đại học và việc hoàn thành Luận văn Thạc sỹ, Luận án Tiến sỹ. Trong số các đề tài trên, có nhiều đề tài đã được phát triển thành giáo trình, chuyên đề báo cáo, tài liệu tham khảo nội bộ trong đề cương môn học, một phần hướng dẫn đề tài của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (06 đề tài) gồm: Giáo trình môn Phân tích tác phẩm hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc do PGS.TSKH Phạm Lê Hòa biên soạn năm 2013; Giáo trình môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc do TS. Trịnh Hoài Thu biên soạn năm 2014; Giáo trình môn Lịch sử âm nhạc thế giới hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc do TS. Nguyễn Thị Tố Mai biên soạn năm 2014; Tài liệu tham khảo môn Âm nhạc cổ truyền hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc do TS. Hà Thị Hoa biên soạn năm 2014; Giáo trình môn Bố cục chất liệu Lụa hệ Đại học Sư phạm do ThS. Nguyễn Thị Nhung biên soạn năm 2014; Giáo trình môn Bố cục chất liệu Sơn mài hệ Đại học Sư phạm Mỹ thuật do ThS. Nguyễn Quang Hải biên soạn năm 2014. Thông qua hoạt động học thuật và nghiên cứu, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã biên soạn và công bố được nhiều sách/giáo trình mới [H7.07.04.03].

Hiện nay, trình độ, học hàm, học vị của giảng viên được nâng cao nhờ nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế. Năm 2012, Nhà trường có (01 PGS.TSKH, 09 TS) đến năm 9/2017 có (01GS.TSKH, 08 PGS, 27 TS) đã tăng nên việc nghiên cứu khoa học rất thuận lợi và đạt kết quả cao [H7.07.06.01]. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên là các nhạc sỹ, họa sỹ, ca sỹ… đã ứng dụng quá trình nghiên cứu khoa học và đào tạo vào thực tiễn (biểu diễn, triển lãm…) mang nguồn lợi lớn về ý nghĩa xã hội. Trường ĐHSP Nghệ thuật TW hiện có quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa, biểu diễn với một số cơ sở đào tạo nghệ thuật danh tiếng của nước ngoài như: Đại học Brigham Young (Mỹ), Plymouth State University (Mỹ), Đại học South - Wordingborg (Đan Mạch), Viện đại học Kent (Hoa Kỳ), Cao đẳng nghệ thuật Hokaido (Nhật Bản), Đại học Công nghệ Queensland (Úc), Ban nhạc Blended 328 – Mỹ, giao lưu nghệ thuật với 2 nghệ sĩ Italia là Carlo Ventrelli & Marina Giorgio, Biểu diễn nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sĩ của huyện Thanh Trì.…[H8.08.01.08].

Các giảng viên đã tích cực tham gia chương trình, dự án, triển lãm, sáng tác ở trong nước và quốc tế....và nhận được thành tích cao. Các giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam dành cho cán bộ, giảng viên Âm nhạc. Các họa sỹ, giảng viên Mỹ thuật đạt các giải thưởng của Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật... [H7.07.06.02].

Cán bộ, giảng viên đang học cao học, nghiên cứu sinh ở các trường đại học, viện nghiên cứu là cầu nối trong việc hoạt động phối hợp NCKH giữa trường với các đơn vị ngoài Trường. Ngoài ra, đông đảo cán bộ nghiên cứu của các trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu trong cả nước đã quan tâm, góp ý kiến, viết bài kỷ yếu khoa học như: Giáo dục Âm nhạc, Mĩ thuật và Giáo dục Thể chất (năm 2015); Giáo dục nghệ thuật cho các trường phổ thông - chuyên ngành Âm nhạc (năm 2015); Giáo dục Nghệ thuật - thực trạng và giải pháp (năm 2013)...[H7.07.06.03]. Tuy nhiên, Nhà trường chưa có cơ chế khuyến khích liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về NCKH. Hợp tác NCKH với các tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn hạn chế.

Trong giai đoạn 2012 - 2017, hoạt động khoa học công nghệ cũng đã đóng góp vào tăng nguồn thu cho Nhà trường [H10.10.03.02].

2. Điểm mạnh

Số lượng cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị cao tăng mạnh thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học.

3. Tồn tại

Trường chưa có cơ chế khuyến khích liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về NCKH. Hợp tác NCKH với các tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp còn hạn chế.

4.  Kế hoạch hành động

Từ năm học 2018-2019, Nhà trường xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân, các viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp nhằm góp phần triển khai các đề tài NCKH gắn liền với thực tế.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 7.7:  Có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn năng lực và đạo đức trong các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định; có các biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

1. Mô tả

Để triển khai tốt hoạt động KHCN, Nhà truờng đã ban hành nhiều văn bản nêu rõ các quy định cho hoạt động này. Năm 2010, Trường đã ban hành Quy định NCKH dành cho giảng viên; năm 2011, ban hành quy định hoạt động KHCN [H7.07.01.02]. Đến năm 2017, trên cơ sở phát triển và những đặc thù riêng, Nhà trường đã điều chỉnh và ban hành mới Quy định hoạt động KHCN, trong đó quy định các tiêu chuẩn về năng lực trong hoạt động KHCN. Tiêu chuẩn năng lực NCKH của cán bộ, giảng viên trong hoạt động KHCN được quy định là: Các chủ nhiệm đề tài cấp cơ sở là những CB, GV có trình độ từ thạc sỹ trở lên, có uy tín, kinh nghiệm và khả năng NCKH (Điều 25, Quy định hoạt động KH&CN trong trường ĐHSP Nghệ thuật TW năm 2017) [H7.07.01.04]

Ngoài ra, để thúc đẩy hoạt động NCKH trong sinh viên, cũng như thuận lợi cho công tác quản lý KHCN, Nhà trường ban hành riêng Quy định NCKH của sinh viên năm 2013 và được sửa đổi bổ sung năm 2014 [H7.07.01.03].

Về tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động KHCN được bổ sung và nêu rõ trong Quy định về hoạt động KH&CN trong trường ĐHSP Nghệ thuật TW, ban hành vào tháng 11/2017 [H7.07.01.04]. Điều 17 của Quy định này xác định: đạo đức của người NCKH là phải nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định NCKH; gương mẫu, trung thực trong suốt qua trình NCKH; không vi phạm bản quyền tác giả; các nguồn tài liệu trong sản phẩm NCKH phải được trích lục rõ ràng theo quy định; khi sử dụng sản phẩm NCKH của tập thể phải được sự đồng ý của chủ đề tài hoặc chủ biên; thực hiện nghiêm túc việc công bố sản phẩm NCKH.

Quy định về Luật sở hữu trí tuệ trong hoạt động KHCN của Nhà truờng được thực hiện trong quá trình đăng ký, xét duyệt các đề tài, Hội đồng phê duyệt luôn kiểm tra các đề tài có trùng với luận văn ThS, TS hay các công trình khoa học nào đã thực hiện để đảm bảo các công trình không bị trùng lặp [H7.07.02.03]. Đồng thời, Nhà trường phổ biến và đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường về “Luật sở hữu trí tuệ” [H7.07.07.01]. Tuy nhiên, Trường chưa tổ chức tập huấn rộng rãi đến tất cả các thành viên trong trường về biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Từ năm 2012 đến năm 2017, Nhà trường chưa có tranh chấp nào liên quan đến bản quyền tác giả hay quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2017, Nhà trường chỉnh sửa và bổ sung quy định về đạo đức NCKH.

2.  Điểm mạnh

Trường đã có các văn bản quy định về tiêu chuẩn năng lực, đạo đức và sở hữu trí tuệ trong hoạt động KHCN, có quy định quy đổi giờ NCKH của các hình thức NCKH đặc thù (sáng tác, biểu diễn, giải thưởng...).

3. Tồn tại

Trường chưa hướng dẫn, phổ biến rộng rãi đến tất cả các thành viên trong trường về biện pháp để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

4.  Kế hoạch hành động

Trong năm 2018-2019, Nhà trường tổ chức tập huấn, phổ biến tới cán bộ, giảng viên Nhà trường về quyền sở hữu trí tuệ.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Kết luận về Tiêu chuẩn 7:

Trong 5 năm qua 2012-2017, hoạt động KH&CN của Nhà trường đã từng bước phát triển. Trường đã xây dựng, triển khai kế hoạch cho giai đoạn và từng năm học; thực hiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn của các cấp quản lí về hoạt động KH&CN.Vì vậy, việc triển khai kế hoạch hoạt động KH&CN đạt hiệu quả cao; các đề tài đều gắn với mục tiêu, CTĐT của Nhà trường, được thực hiện và nghiệm thu đúng thời hạn.

Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ đào tạo của cán bộ quản lý. Uy tín của Nhà trường ngày càng được nâng cao trong khối ngành nghệ thuật, trên thị trường giáo dục trong và ngoài nước.

Tiêu chuẩn 76/7 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí.

 

Tiêu chuẩn 8

 Hoạt động hợp tác quốc tế

Mở đầu: Hoạt động Hợp tác quốc tế của Nhà trường luôn được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn, không vi phạm các quy định về hợp tác quốc tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế bước đầu đã mang về cho nhà trường sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, NCKH. Bên cạnh đó, với đặc thù là một trường đào tạo về nghệ thuật nên các cán bộ giảng viên chú trọng tới hoạt động biểu diễn, sáng tác. Cùng với việc tham gia các hội thảo khoa học, cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường đã có tác phẩm tham gia triển lãm nghệ thuật quốc tế.

            Tiêu chí 8.1. Các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước. 

1. Mô tả

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thành lập phòng Hợp tác Quốc tế trên cơ sở tách từ phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế theo Quyết định số 790/QĐ-ĐHSPNTTW ngày 16/11/2009 và ban hành Quyết định số 22/QĐ-ĐHSPNTTW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cán bộ phòng HTQT [H8.08.01.01]. Từ năm 2012 đến nay, Nhà trường đã ban hành các văn bản nhằm đưa hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo đúng pháp luật của Nhà nước, gồm có: Quy định về trình tự thủ tục đi nước ngoài của cán bộ, giảng viênQuy định về quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương [H8.08.01.02], trong đó có các nội dung chính như: hồ sơ thủ tục đi nước ngoài, thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị trong trường; hướng dẫn cụ thể về thủ tục, trình tự của các đoàn ra, đoàn vào; quy định đối với người nước ngoài đến học tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW cũng như quy định rõ về trách nhiệm của cán bộ, giảng viên và sinh viên khi được cử đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường luôn tuân thủ theo các quy định hiện hành. Khi có khách nước ngoài tới thăm và làm việc, giao lưu biểu diễn hoặc khi có đoàn công tác ra nước ngoài, Nhà trường đều có văn bản báo cáo với Phòng An ninh Văn hóa PA83 (Công an thành phố Hà Nội) để đảm bảo các yêu cầu về an ninh đối ngoại [H8.08.01.03]. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng luôn thực hiện nghiêm túc việc báo cáo với cơ quan chủ quản - Bộ GD&ĐT trong các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong 05 năm, Trường đã có 13 đoàn công tác ra nước ngoài được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đồng ý bằng văn bản [H8.08.01.04]. Hàng năm, Trường đều có báo cáo tổng kết các mặt công tác, trong đó có công tác hợp tác quốc tế [H8.08.01.05]. Từ năm 2012 đến nay, Trường đã ký 06 thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài [H8.08.01.06]. Hoạt động Hợp tác quốc tế của Trường luôn được đảm bảo theo đúng quy định của cơ quan cấp trên và pháp luật Nhà nước, chưa xảy ra sai phạm nào [H8.08.01.07]

Trường có quy định rõ ràng về cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát được thể hiện trong các văn bản quy định về hoạt động hợp tác quốc tế do Nhà trường ban hành. Trong Quy định về quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Nhà trường đã phân hạn rõ trách nhiệm, quyền hạn của các phòng/khoa và các đơn vị trong công tác quản lý hoạt động quan hệ quốc tế [H8.08.01.02] Chương II, Điều 7 có phân chia rõ ràng nhiệm vụ của các đơn vị trong trường trong việc đón tiếp các đoàn khách quốc tế chính thức; Chương III, Điều 13 và Điều 15 cũng nêu rõ nhiệm vụ các đơn vị trong việc lập kế hoạch và thực hiện hậu cần cho các đoàn công tác của Trường ra nước ngoài.

Các văn bản quy định về sự phân cấp giữa các đơn vị trong Trường đều được chuyển tới các đơn vị qua đường công văn và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Nhà trường đồng thời cũng được phòng chức năng phụ trách hợp tác quốc tế hướng dẫn trực tiếp cho các cán bộ giảng viên khi cần thiết. Hiện tại, các cá nhân và đơn vị vẫn đang thực hiện theo cơ chế này. Cụ thể, khi có kế hoạch tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, Nhà trường đều có văn bản phân công cho các đơn vị phối hợp thực hiện theo Quy định [H8.08.01.08]. 

Việc quản lý cán bộ, viên chức của trường đi công tác, học tập ở nước ngoài đã được quy định tại Chương III, Quy định về quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế, cụ thể như: Hồ sơ thủ tục (Mục 3, điều 16); Gia hạn thời gian công tác, học tập ở nước ngoài (Điều 16); Báo cáo kết quả học tập, công tác ở nước ngoài (Điều 17); Thu nhận cán bộ viên chức đi nước ngoài về nước (Điều 18). [H8.08.01.02]. Việc quản lý các cán bộ giảng viên của trường đi học tập, công tác tại nước ngoài đều tuân thủ nghiêm chỉnh theo những quy định này [H8.08.01.09].

2. Điểm mạnh

Nhà trường thực hiện nghiêm túc và đầy đủ những quy định, quy trình báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền về hoạt động hợp tác quốc tế.

3. Tồn tại

Việc phổ biến, tuyên truyền các văn bản hướng dẫn về hoạt động hợp tác quốc tế mới chỉ thông qua các con đường văn bản hành chính và hướng dẫn, tư vấn trực tiếp từ phía phòng chức năng (phòng Hợp tác quốc tế). Chưa có sự mở rộng về hình thức tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi tới cán bộ, giảng viên.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2018-2019, Nhà trường giao cho phòng Hợp tác quốc tế tổ chức Chương trình tập huấn, hướng dẫn các quy định về hoạt động hợp tác quốc tế tới cán bộ, giảng viên trong Trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 8.2. Các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo có hiệu quả, thể hiện qua các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật; các chương trình trao đổi giảng viên và người học, các hoạt động tham quan khảo sát, hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đại học.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                            

1. Mô tả 

              Trong thời gian qua, Nhà trường chưa có các chương trình hợp tác về đào tạo, trao đổi học thuật. Tuy nhiên, Trường đã có 16 đoàn chuyên gia, giảng viên, nghệ sĩ đến từ các học viện, trường đại học của nước ngoài đến hội thảo, giảng dạy ngắn ngày và giao lưu biểu diễn nghệ thuật để nâng cao kiến thức, chuyên môn cho giảng viên và sinh viên của Trường [H8.08.02.01].

Để tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, tìm kiếm các cơ hội liên kết trao đổi hợp tác quốc tế, hàng năm Trường đã cử các đoàn chuyên gia, cán bộ, giảng viên sang nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài [H8.08.02.02]. Trong các chuyến khảo sát, đoàn công tác của Trường đã làm việc với đối tác một cách cụ thể chi tiết về những nội dung để hai bên có thể tiến hành hợp tác [H8.08.02.03].

Trường nhận được sự hỗ trợ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thông các các hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo. Năm 2016 và 2017, Trường tham gia vào Dự án “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên các trường đại học của Việt Nam” của tổ chức ALmaLaurea, Đại học Bologna (Italia) và được tài trợ các thiết bị công nghệ thông tin [H8.08.02.03].

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã có sự quan tâm tới việc nghiên cứu, khảo sát ở nước ngoài nhằm tăng cường giao lưu, tìm kiếm đối tác và các cơ hội liên kết hợp tác quốc tế.

3. Tồn tại

Chưa có những chương trình trao đổi học thuật, liên kết đào tạo do Nhà trường phối hợp thực hiện với đơn vị đối tác nước ngoài.

4. Kế hoạch hành động

Mở rộng tìm kiếm các đối tác nước ngoài, rà soát các biên bản ghi nhớ đã có và đề xuất, lập kế hoạch, xây dựng các chương trình liên kết đào tạo theo những nội dung đã ký.

5. Tự đánh giá: Chưa đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 8.3. Các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ có hiệu quả, thể hiện qua việc thực hiện dự án, đề án hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, các chương trình áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học chung, công bố các công trình khoa học chung.

1. Mô tả

Trong giai đoạn 2012 - 2017, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã cử cán bộ tham gia lớp “Đào tạo giáo dục cơ sở Việt Nam” tổ chức tại Học viện Kỹ thuật chức nghiệp Ninh Ba, Triết Giang, Trung Quốc [H8.08.03.01].

Nhà trường đã ký kết đề xuất nghị định thư với trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Bắc “Hỗ trợ giáo dục Âm nhạc và Mỹ thuật cho các trường phổ thông tại miền Bắc Việt Nam” [H8.08.03.02].

Các cán bộ, giảng viên trong nhà trường đã tích cực tham gia viết  03 bài báo đăng trên trang báo quốc tế, cụ thể: “Art Science and Technology”, “Making a case for Intercultural Communicative Competence teachers in Vietnamese English Communicative Teaching classrooms”, “Integrating Culture into English Classrooms: Suggested Teaching Techniques for Vietnamese Tertiary Teacher” [H8.08.03.03].

Trường đã cử 01 đoàn cán bộ đi nghiên cứu khảo sát, dự giờ, hội thảo tại Đại học Thượng Hải, Trung Quốc [H8.08.03.04];  Bên cạnh đó, Nhà trường được Bộ GD&ĐT cử 01 đoàn cán bộ đi tham dự Hội thảo và đợt tập huấn “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường lao động cho sinh viên các trường đại học của Việt Nam” tại Italia [H8.08.03.05].

Nhà trường đã ký thỏa thuận dự án “Opportunities for the Young and Graduates Employability in Vietnam (VOYAGE project)” với trường đại học AlmaLaurea, Italia và đang thực hiện dự án này [H8.08.03.06].

Thông qua chương trình hợp tác quốc tế, Nhà trường đã phối hợp cùng các Giáo sư Học viện Âm nhạc Claudio Monteverdi, Bolzano, Italia tổ chức lớp chuyên đề “Những phương pháp giáo dục Âm nhạc Thế giới” [H8.08.03.07].

Nhà trường đã tổ chức 01 hội thảo quốc tế “Opportunities for the Young and Graduates Employability in Vietnam (VOYAGE project)” [H8.08.03.08].

 Ngoài ra, các giảng viên của trường tham gia hội thảo, triển lãm quốc tế tại các nước gồm 01 giảng viên tham dự  “Hội thảo Cam TESOL thường niên về dạy học tiếng Anh, lần thứ 12 năm 2016 tại  Phnom Penh, Campuchia” [H8.08.03.09]; 01 giảng viên tham gia triển lãm nghệ thuật điêu khắc “Woodcarving Show in Long Beach, CA, USA tại Hoa Kỳ”[H8.08.03.10];

Sinh viên Nhà trường tham gia biểu diễn nghệ thuật tại các nước như: có 02 sinh viên đạt huy chương Vàng “Liên hoan nghệ thuật Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Malaysia”, 01 sinh viên lọt vào top 10 cuộc thi “Karaoke World Championships Asia Finals 2016” [H8.08.03.10].

2. Điểm mạnh

Hiện nay, Nhà trường đã có 01 dự án thực hiện với trường đại học của Ý và đã tổ chức thành công 01 hội thảo quốc tế.

Nhà trường đã có 03 bài báo đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín; một số kết quả NCKH đã được ứng dụng vào thực tế; đã có giảng viên và sinh viên tham gia liên hoan, triển lãm nghệ thuật, hội thảo tại các nước trên thế giới.

3. Tồn tại       

            Chưa có nhiều các hoạt động HTQT về KHCN giữa Nhà trường phối hợp thực hiện với đơn vị đối tác nước ngoài.

4. Kế hoạch hành động

            Nhà trường khuyến khích các khoa từng bước chủ động tìm kiếm, mở rộng quan hệ quốc tế, cụ thể như: các chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học tìm các đối tác nước ngoài hỗ trợ thêm về nguồn lực và tài chính; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để có thể tham gia có hiệu quả các dự án liên kết KHCN với các trường nước ngoài.

Tìm kiếm cơ hội tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, nghiên cứu chung (joint research), công bố các công trình khoa học chung với các trường thuộc các nước tiên tiến trên thế giới.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

 

Kết luận về Tiêu chuẩn 8:

            Hoạt động HTQT đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường. Ý thức của mỗi CB, GV, sinh viên đối với hoạt động này đã được quán triệt, tuân thủ đúng đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

            Nhà trường cũng luôn chủ động, tích cực trong công tác mở rộng giao lưu với các trường đại học, các đơn vị đào tạo nghệ thuật trong nước, quốc tế để góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng NCKH cho CB, GV và người học.

            Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, quá trình giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật là một nhu cầu tất yếu. Chính vì vậy, trong những năm qua, Trường đã nhận được sự quan tâm từ nhiều đơn vị bạn trong và ngoài nước. Nhiều đoàn chuyên gia, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu về nghệ thuật đã tới thăm, làm việc, giao lưu biểu diễn tại trường. Đây là cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm hết sức quý báu góp phần nâng cao được vị thế, thương hiệu của trường ĐHSP Nghệ thuật TW không chỉ đối với các đơn vị bạn trong nước mà còn đối với nhiều cơ sở đào tạo, nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới.

            Tuy nhiên, do đặc thù của một trường nghệ thuật, vì vậy công tác HTQT của trường liên quan đến vấn đề học thuật, các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Số lượng các chương trình hợp tác đào tạo, trao đổi học thuật, các dự án hợp tác với đơn vị, tổ chức nước ngoài được ký kết và triển khai chưa nhiều.

Tiêu chuẩn 8 có 2/3 tiêu chí đạt yêu cầu tiêu chí

 

Tiêu chuẩn 9

Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác

Mở đầu: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đảm bảo được các điều kiện về trang thiết bị, phòng học, xưởng thực hành theo tính đặc thù nghệ thuật của các ngành đào tạo. Thư viện và các cơ sở vật chất khác đang từng bước nâng cấp phục vụ cho các hoạt động đào tạo, NCKH, nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra.

Tiêu chí 9.1. Thư viện của trường đại học có đầy đủ sách, giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu sử dụng của cán bộ, giảng viên và người học. Có thư viện điện tử nối mạng, phục vụ dạy, học và nghiên cứu hiệu quả.

1. Mô tả

Thư viện có phòng đọc sách, báo – tạp chí và tài liệu nội sinh; Các kho tài liệu (kho sách tham khảo, kho sách giáo trình, kho báo, tạp chí và kho tài liệu nội sinh); Có hệ thống mục lục tra cứu điện tử và hệ thống mục lục tra cứu truyền thống.

Tính đến tháng 8/2017 tổng số tài liệu nghiên cứu, sách tham khảo, giáo trình là 8.958 đầu sách/21.670 bản sách (sách điện tử là 431 bản), trong đó:

- Sách ngoại văn: 404 đầu sách/515 bản sách (bổ sung bằng kinh phí là 48 đầu/48 bản, sách của Quỹ châu Á là 356 đầu/467 bản) [H9.09.01.01], [H9.09.01.02].

- Tài liệu nội sinh (luận văn, luận án, nghiên cứu khoa học...): 2.468 tên tài liệu/2.900 bản; [H9.09.01.01], [H9.09.01.02]

- Kho sách giáo trình: 466 đầu sách/7.690 bản [H9.09.01.01], [H9.09.01.02].

- Kho sách tham khảo: 6082 đầu sách/10.707 bản sách; [H9.09.01.01], [H9.09.01.02].

- Báo, tạp chí: 52 loại (Tạp chí chuyên ngành là 16) [H9.09.01.01], [H9.09.01.02].

Từ năm  2012 đến 8/2017, Nhà trường đã đầu tư 358.432.500 vnđ cho thư viện để bổ sung nguồn vốn tài liệu phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham khảo của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong và ngoài Trường [H9.09.01.03], [H9.09.01.04].

Ngoài ra, Thư viện còn hợp tác với Thư viện Quốc gia Việt Nam để sao chụp, chế bản tài liệu, chia sẻ nguồn lực thông tin, tăng thêm nguồn vốn tài liệu; Thông qua Thư viện Quốc gia Việt Nam nhận tài trợ sách ngoại văn của Quỹ châu Á trị giá 347.994.396 vnđ (Từ năm 2010 đến nay) [H9.09.01.05].

Thư viện trường ĐHSP Nghệ thuật TW là thành viên của Liên hiệp Thư viện các trường đại học phía Bắc, thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị và trao đổi chia sẻ nguồn lực thông tin [H9.09.01.06]. Trên mạng nội bộ, thư viện đã giới thiệu đến người dùng tin bộ sưu tập tài liệu nội sinh đã được số hóa là bộ truy cập mở có thể tải về và danh mục sách theo chủ đề để hỗ trợ hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu được chia sẻ từ Trung tâm thư viện Trường Đại học Quốc gia lic@vnu.edu.vn) [H9.09.01.07].

Tổng đầu sách theo yêu cầu, trong danh mục tài liệu tham khảo của 14 chương trình đào tạo của trường( Âm nhạc, Mỹ thuật, Quản lý văn hóa, Thời trang, Thiết kế đồ họa, Hội họa, Thanh nhạc, Mầm non Mỹ thuật, Mầm non Âm nhạc, Cao đẳng mỹ thuật, Cao đẳng Âm nhạc, Diễn viên, Công nghệ may, Piano) là 5.396 đầu tài liệu, bao gồm: 1.313 tài liệu chính và 4.083 tài liệu tham khảo[H9.09.01.08]. Ngoài nguồn tài liệu chính có tại Thư viện, người đọc có thể tìm đọc tài liệu tham khảo ở nhiều kênh thông tin khác. Thư viện hiện có 828 đầu tài liệu chính (828/1.313) [H9.09.01.09], đáp ứng 63%. Như vậy,  số đầu tài liệu hiện có của Thư viện đã dần đáp ứng được các chương trình đào tạo của Nhà trường.

Kết quả khảo sát sinh viên hàng năm: 70,6% hài lòng với nguồn tài nguyên của Thư viện; khảo sát giảng viên cho kết quả: 69,1% hài lòng với nguồn tài nguyên Thư viện [H9.09.01.10].

 Để người đọc khai thác, sử dụng có hiệu quả các sản phẩm và dịch vụ, thư viện đã đề ra nội quy, quy định về mượn, đọc, trả tài liệu; mở cửa phục vụ 6 ngày/tuần. Trong 5 năm (2012-2017), trung bình mỗi năm thư viện phục vụ 13.976 lượt bạn đọc/22.187 lượt sách báo luân chuyển; cấp mới 940 thẻ bạn đọc [H9.09.01.11]. Cán bộ thư viện ngoài vai trò cung cấp tài liệu theo yêu cầu còn hướng dẫn người dùng tra cứu tài liệu.  

Hoạt động thư viện đang từng bước tin học hóa trong các khâu quản lý cơ sở dữ liệu, tra cứu tài liệu; giới thiệu sách, tin bài. Website thư viện (http://trungtamcntt.spnttw.edu.vn/Default.aspx) cập nhật thông tin về hoạt động thông tin - thư viện trong và ngoài nước; thông báo sách mới bổ sung.

Thư viện dùng phần mềm nội bộ để quản lý cơ sở dữ liệu sách và giúp người dùng tin tra cứu trên máy tính; đang xây dựng phần mềm chuyên ngành để quản lý và vận hành toàn bộ các khâu công tác trong hoạt động của mình.

2. Điểm mạnh           

 Đa số người dùng tin hài lòng với nguồn tài nguyên của Thư viện.

3. Tồn tại

 Chưa hoàn thiện phần mềm chuyên ngành cho thư viện điện tử.

4. Kế hoạch hành động 

Quý IV năm 2017, hoàn thiện tiếp Đề án xây dựng thư viện điện tử; phối hợp với Phòng KH-TC lập dự toán và lộ trình đầu tư xây dựng thư viện điện tử trình Hiệu trưởng phê duyệt.

Quý I năm 2018, phối hợp với đơn vị cung cấp triển khai, sử dụng phần mềm chuyên ngành với các Module phù hợp để quản lý vốn tài liệu/tài nguyên của thư viện, quản lý việc mượn trả tài liệu, chia sẻ nguồn lực thông tin với các thư viện trong Liên hiệp Thư viện các trường đại học phía Bắc.

Hàng năm, Nhà trường đảm bảo kinh phí bổ sung tài liệu tối thiểu 300.000vnđ/sinh viên

5. Tự đánh giá: Chưa đạt yêu cầu của tiêu chí

Tiêu chí 9.2. Có đủ số phòng học, giảng đường lớn, phòng thực hành, thí nghiệm phục vụ cho giảng dạy, học và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu của từng ngành đào tạo.    

1. Mô tả

Trường hiện có 2 hệ thống phòng học chính: Hệ thống phòng học dành cho các môn thực hành và hệ thống phòng học cho các môn lý thuyết.

Tổng số phòng học của Nhà trường hiện nay là 118 phòng học bao gồm cả phòng học lý thuyết, phòng thực hành chuyên ngành, phòng thực hành tin học, xưởng may và nhà tập đa năng. Phòng thực hành của Nhà trường phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học được bố trí ở 5 khu nhà A, B, C, D, NA, E có thiết kế phù hợp với quy mô từng ngành đào tạo; các dãy nhà học nhạc, nhà hòa nhạc, xưởng thực nghiệm, nhà học đa năng, nhà điêu khắc, nhà mỹ thuật, KTX… đều có bản thiết kế xây dựng, được xác nhận của cấp chính quyền và đạt tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam [H9.09.02.01].

Phòng thực hành có 78 phòng, tổng diện tích là 5.121,6 m2; bình quân diện tích là 65,66 m2/phòng học thực hành, bình quân diện tích phòng thực hành/sinh viên là 1,33 m2.

  • Nhà A: Có 01 nhà 3 tầng có 08 phòng học thực hành: 02 xưởng thực hành may và 06 phòng thực hành cho chuyên ngành thiết kế đồ họa.
  • Nhà B có 01 tòa nhà 3 tầng có 10 phòng thực hành: Trong đó Điêu khắc có 01 phòng thực hành điêu khắc và 9 phòng thực hành.
  • Nhà C gồm nhà 4 tầng và 01 nhà 3 tầng trong đó có: 23 phòng thực hành.
  • Nhà D có 01 nhà học nhạc 4 tầng và 01 nhà hòa nhạc 2 tầng, 01 nhà xưởng thực nghiệm gồm 17 phòng thực hành: 01 Hội trường, 16 phòng thực hành.
  • Nhà E: Có 01 nhà 7 tầng nổi và 1 tầng hầm gồm 11 phòng học thực hành: 01 xưởng thực hành may, 03 phòng thực hành tin học, 01 phòng múa, 05 phòng thực hành, 01 phòng bảo vệ của khoa Sau đại học.
  • Nhà Ăn CLB sinh viên: Có 01 nhà 5 tầng gồm 08 phòng học, trong đó có: 01 phòng thực hành sân khấu, 01 phòng học múa và 01 trường thực nghiệm mầm non Sao khuê có 06 phòng học dành cho trẻ em mầm non học để sinh viên đến thực tập nghiệp vụ sư phạm.
  • Nhà Hiệu bộ có 01 phòng thực hành: Đó là triển lãm mỹ thuật là nơi trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của CB, GV, SV trong và ngoài trường.

            Phòng học lý thuyết có 40 phòng, tổng diện tích phòng lý thuyết là 2.751,34 m2; Bình quân diện tích là 68,78 m2/phòng học lý thuyết, bình quân diện tích phòng lý thuyết/ sinh viên là 0,71 m2.

  • Nhà A có: 02 phòng lý thuyết
  • Nhà C: 06 phòng lý thuyết
  • Nhà C1: 02 phòng lý thuyết
  • Nhà D: 15 phòng lý thuyết
  • Nhà E: 15 phòng lý thuyết

Phòng Quản trị - Thiết bị đã lập sổ theo dõi tần xuất sử dụng các phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm hàng năm [H9.09.02.02].

Hàng năm, Nhà trường tổ chức đối thoại giữa Hiệu trưởng với sinh viên và thu thập ý kiến của người học về hệ thống phòng học, giảng đường của Nhà trường [H9.09.02.03]. Nhà trường đã tiến hành khảo sát ý kiến người học về chất lượng phục vụ đào tạo. Kết quả khảo sát cho thấy: 70,6% giảng viên và 69,1% sinh viên hài lòng về hệ thống phòng học của Nhà trường [H9.09.02.04].

Để giải quyết các khó khăn về phòng học, giảng đường lớn, Nhà trường đã được Bộ GD&ĐT quyết định về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Giảng đường học tập bộ môn chung và Giảng đường đa năng [H9.09.02.05].

Các nhà A, A1, B, C, C1, D, NA, E, N1, N2, khu Hiệu bộ được Nhà trường nâng cấp, cải tạo, sửa chữa thường xuyên để phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo và phòng học, xưởng thực tập, phòng làm việc… được khang trang, sạch đẹp hơn [H9.09.02.06].

2. Điểm mạnh

            Nhà trường có phòng thực hành chuyên môn đạt chuẩn cho chuyên ngành Piano, Thanh Nhạc, nhạc cụ, thiết kế thời trang và thiết kế đồ họa.

3. Tồn tại

Do đặc thù là trường đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật, Nhà trường không có giảng đường lớn trên 300 chỗ ngồi phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.          

Một số phòng học mỹ thuật chưa chuẩn về ánh sáng khi vẽ.

4. Kế hoạch hành động       

            Năm 2018, Nhà trường tiếp tục trình Bộ GD&ĐT phân bổ ngân sách để Nhà trường thực hiện dự án xây dựng giảng đường học tập bộ môn chung và giảng đường đa năng của trường ĐHSP Nghệ thuật TW công trình cấp 3, cao 7 tầng, diện tích đất xây dựng 900 m2, tổng diện tích sàn khoảng 6.300 m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 55.000.000.000 đồng đã được Bộ GD&ĐT phê quyệt chủ trương, thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng phê duyệt.

5 .Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 9.3. Có đủ trang thiết bị dạy và học để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, được đảm bảo về chất lượng và sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của các ngành đang đào tạo.   

1. Mô tả

      Thiết bị dạy và học để hỗ trợ các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường gồm có: Hội trường có đầy đủ trang thiết bị gồm: 02 hệ thống âm thanh biểu diễn chuyên dụng, 01 hệ thống ánh sáng biểu diễn chuyên dụng, 01 hệ thống phông trang trí chuyên dụng, 01 máy chiếu, 01 màn chiếu điện, 01 đàn piano Yamaha, 01 đàn Korg U03, 01 máy tạo khói FX5, 14 máy điều hòa, 215 ghế ngồi, 01 bục phát biểu, 02 bộ đàm… [H9.09.03.01].

Thiết bị phục vụ cho dạy và học ngành/chuyên ngành âm nhạc: 61 đàn piano, 19 đàn ocgan, 02 đàn guitar, 02 đàn Korg, 23 máy chiếu, 33 chân đàn chữ X, 12 bộ âm thanh giảng dạy chuyên ngành, 2.178 bộ bàn học sinh, 148 bộ bàn ghế giáo viên, 75 bảng từ, 16 bộ máy trợ giảng… [H9.09.03.01].

Thiết bị phục vụ giảng dạy ngành/chuyên ngành mỹ thuật: 126 giá nặn tượng, 70 cốt tròn, 70 cốt vuông, 95 dàn phù điêu, 75 bàn vẽ chuyên ngành, 441 ghế trang trí, 605 chiếc giá vẽ, 123 bục mẫu gỗ, 1.072 các mẫu vật, 03 máy chiếu vật thể, 11 máy chiếu, 12 hệ thống âm thanh giảng dạy chuyên ngành, 20 đèn sưởi … [H9.09.03.01].

Thiết bị phục vụ giảng dạy ngành/chuyên ngành thiết kế thời trang và công nghệ may: 73 máy may, 05 bàn là, 10 bàn là hơi, 01 máy ủi hơi, 02 máy vắt sổ, 05 máy đính cúc nút, 05 bàn cắt may, 02 tủ đựng trang phục và mẫu thiết kế, 03 máy cắt vải cầm tay, 08 ma nơ canh nam nữ, 06 tượng nam nữ, 03 khối cơ bản, 01 máy chiếu, 01 hệ thống âm thanh giảng dạy chuyên ngành… [H9.09.03.01].

Thiết bị phục vụ giảng dạy ngành/chuyên ngành Văn hóa nghệ thuật: 01 hệ thống âm thanh biểu diễn chuyên dụng, 01 hệ thống ánh sáng biểu diễn chuyên dụng, 30 bộ bàn liền ghế, 10 bục biểu diễn… [H9.09.03.01].

Thiết bị phục vụ giảng dạy phòng bảo vệ luận văn, luận án cho khoa Sau Đại học: 01 máy chiếu, 40 ghế da chân quỳ, 12 bàn gỗ hội đồng, 01 bục phát biểu gỗ… [H9.09.03.01].

Nhà trường ban hành các văn bản quản lý tài sản, CSVC: Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy định về chế độ quản lý sử dụng tài chính, tài sản, vật tư. Theo quy định và chức năng nhiệm vụ được phân công, việc máy móc, thiết bị hỏng hóc các đơn vị trong Trường đều báo về phòng Quản trị - Thiết bị để khắc phục, sửa chữa kịp thời [H9.09.03.02].

Nhà trường có nội quy nơi làm việc của trường ĐHSP Nghệ thuật TW, nội qui giảng đường, quy định phòng cháy chữa cháy, nội qui sử dụng phòng Hòa nhạc, nội qui sử dụng điện, qui định sử dụng thang máy, nội qui sử dụng phòng truyền thống, nội qui thư viện, nội qui phòng tin học, nội qui ở KTX… [H9.09.03.03].

Có sổ theo dõi tần suất khai thác các mẫu vẽ tại kho mẫu phục vụ giảng dạy, học tập cho ngành/chuyên ngành mỹ thuật của giảng viên và sinh viên mỹ thuật, sổ theo dõi tần suất khai thác phòng học, sổ theo dõi tần suất khai thác thiết bị tại phòng Quản trị - Thiết bị, sổ theo dõi điện nước và tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có của Nhà trường… [H9.09.03.04].

Nhà trường có ký hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị định kỳ và hàng năm như: Hợp đồng bảo dưỡng máy chiếu, hợp đồng bảo dưỡng điều hòa, hợp đồng bảo dưỡng cầu thang máy, hợp đồng bảo dưỡng máy in, hợp đồng máy photo, hợp đồng bảo dưỡng đàn piano, Hợp đồng bảo dưỡng âm thanh, hợp đồng thuê căng tin ven hồ, hợp đồng thuê phòng của trường mầm non sao khuê, hợp đồng thuê phòng của công ty Global, Hợp đồng thuê phòng của công ty da giầy, Hợp đồng khai thác và sử dụng sân vận động và các sửa chữa nhỏ khác… [H9.09.03.05].

Để giải quyết nhu cầu về trang thiết bị, Nhà trường đã được Bộ GD&ĐT quyết định về việc phê duyệt chủ trương dự án đầu tư trang thiết bị toàn trường năm 2017 - trường ĐHSP Nghệ thuật TW [H9.09.03.06].

Trong 5 năm qua, Trường đầu đầu tư kinh phí cho việc mua sắm, xây dựng, sửa chữa tài sản cố định, cơ sở học tập, bảo dưỡng và tăng cường trang thiết bị cơ sở vật chất với kinh phí phân bổ như sau [H10.10.02.12].

ĐVT: Triệu đồng

Năm

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Kinh phí

2,540

7,593

3,391

3,119

3,846

Tỷ lệ

6,31%

12,74%

5,78%

4,76%

5,62%

 

Kết quả khảo sát về chất lượng phục vụ đào tạo cho thấy: có 62,7% cán bộ, giảng viên và 70% sinh viên đánh giá chất lượng máy móc trang thiết bị đáp ứng yêu cầu học tập và NCKH [H9.09.02.04].

Nhà trường có đề án mở các mã ngành đào tạo Đại học, sau Đại học và các biên bản kiểm tra thực tế các điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, thư viện [H9.09.03.07].

2. Điểm mạnh

            Số lượng trang thiết bị phục vụ đào tạo và NCKH về cơ bản đáp ứng tốt cho việc đào tạo và NCKH của Nhà trường.

            Tháng 10 năm 2017, Nhà trường đã thực hiện xong Dự án đầu tư trang thiết bị toàn trường năm 2017 - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với tổng mức đầu tư là 5.016 triệu đồng.

3. Tồn tại

Một số thiết bị điện hết khấu hao theo qui định của Nhà nước chưa được thay thế.

Trang thiết bị chưa được đồng bộ, chế độ bảo trì, bảo dưỡng chưa thường xuyên.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017 – 2018, Nhà trường tiếp tục trình Bộ GD&ĐT phê duyệt chủ trương Dự án đầu tư trang thiết bị toàn trường năm 2018 - Trường ĐHSP  Nghệ thuật TW với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 triệu đồng. Mục tiêu và qui mô đầu tư lắp đặt trang thiết bị hệ thống các phòng học, giảng đường học tập đạt chuẩn như: Phòng thu âm, phòng thực hành biểu diễn chuyên nghiệp, máy tính, máy chủ, máy in, bàn ghế học sinh… nâng cấp hệ thống thiết bị ký túc xá sinh viên đảm bảo các phòng có chất lượng đáp ứng nhu cầu cần thiết của ký túc xá sinh viên như giường tầng, quạt trần, nhà vệ sinh…

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 9.4. Cung cấp đầy đủ thiết bị tin học để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học và quản lý. 

1. Mô tả

Tính đến nay, số máy vi tính phục vụ các hoạt động của Nhà trường là 305 máy (máy để bàn và laptop); bao gồm: 131 máy dành cho giảng dạy, học tập, thực hành của SV, 03 máy dành cho SV tra cứu tài liệu và học tập tại thư viện, 53 máy phục vụ cho công tác NCKH, soạn giảng của GV, 118 máy dành cho công tác quản lý và điều hành; 08 laptop; 50 máy in; 02 máy photocopy; 03 máy scan [H9.09.04.01]. Các thiết bị tin học này đáp ứng được nhu cầu đào tạo và NCKH của CBGV và người học.

Hiện nay, Nhà trường có 2 máy chủ để quản lý mạng, hệ thống mạng của trường đang được lắp đặt mạng ngang hàng. Các máy tính được nối mạng nội bộ, kết nối mạng internet và phủ sóng wifi toàn trường bao gồm cả ký túc xá, thư viện. CB, GV và SV được sử dụng internet miễn phí [H9.09.04.02]. Nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống mạng thông tin, Nhà trường giao cho Trung tâm Công nghệ Thông tin công tác quản trị mạng và bảo trì trang thiết bị CNTT [H9.09.04.03].

Đa số máy tính đều sử dụng phần mềm diệt virus miễn phí, chỉ có 05 máy tính được cài phần mềm diệt virus có bản quyền. Nhà trường có các phần mềm: phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp Misa phục vụ công tác tài chính kế toán đều có bản quyền [H9.09.04.04]. Trường cung cấp email công vụ cho tất cả lãnh đạo các đơn vị [H9.09.04.05]. Người học được cấp account miễn phí để đăng ký tín chỉ và tra cứu điểm [H9.09.04.06]. Kết quả khảo sát về chất lượng phục vụ đào tạo cho thấy: 68,2% sinh viên và 67,7% cán bộ, giảng viên hài lòng về hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng đươc nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học [H9.09.02.04]. 

2. Điểm mạnh

Hệ thống wifi được lắp đặt toàn bộ khu vực nhà E, khu Ký túc xá của trường; hệ thống máy tính thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập, quản lý điều hành của Nhà trường.

Hệ thống quản lý đào tạo với cổng đăng ký tín chỉ của Nhà trường hoạt động hiệu quả, phục vụ cho công tác quản lý của phòng Đào tạo và thuận lợi cho sinh viên đăng ký học tập.

3. Tồn tại

Hệ thống máy tính đang dùng phần mềm diệt virus miễn phí, khả năng phòng chống không cao nên việc bảo vệ dữ liệu trên máy và dữ liệu trên hệ thống mạng nội bộ gặp khó khăn.

4. Kế hoạch hành động

Quý 3 năm 2017, Trung tâm CNTT phối hợp với phòng KHTC lập dự toán để năm 2018, mua bản quyền phần mềm diệt virus.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí           

            Tiêu chí 9.5. Có đủ diện tích lớp học theo quy định cho việc dạy và học; có ký túc xá cho người học, đảm bảo đủ diện tích nhà ở và sinh hoạt cho sinh viên nội trú; có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao theo quy định

1. Mô tả

Tổng diện tích giảng đường, phòng học là: 7.919,73 m2. Tổng số sinh viên trường ĐHSP Nghệ thuật TW đến nay là 3848 sinh viên, vậy tỷ lệ bình quân diện tích lớp học/SV là 2,05 m2/SV [H9.09.02.01].

Hội trường được sử dụng làm sân khấu có 215 chỗ với diện tích là: 192 m2, tỷ lệ bình quân diện tích/chỗ ngồi là 0,89 m2 [H9.09.02.01].

Phòng học thực hành nghệ thuật và học sân khấu tại Nhà ăn CLB - SV được đưa vào sử dụng năm 2017 với diện tích là 420m2 [H9.09.02.01].

Trường có ký túc xá với hai tòa nhà 4 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là: 3.309,6 m2 cung cấp 720 chỗ ở cho sinh viên, tỷ lệ bình quân diện tích/SV ở nội trú là 4,6 m2 [H9.09.02.01]. Với trang bị thiết bị gồm: 551 giường tầng, đèn, 187 quạt, 111 thùng đựng nước, 142 giàn phơi, 3 đàn organ, 7 giường gỗ, 7 bộ bàn ghế, 9 tủ sắt, 9 đèn bàn, có nhà vệ sinh khép kín, 01 trạm nước sạch, 01 trạm biến áp, 01 đầu ra điện 250A và 01 nguồn nước sạch Hà Đông phục vụ cho mọi hoạt động của Nhà trường…Hệ thống Wifi được phủ sóng toàn bộ khu vực KTX nhằm phục vụ sinh viên ở nội trú tra cứu, học tập. Tuy nhiên, khu KTX mới chỉ đáp ứng và ưu tiên sinh viên thuộc các gia đình chính sách, khó khăn, sinh viên nghèo vượt khó…[H9.09.05.01]. Bên cạnh đó, Nhà trường có biện pháp hỗ trợ tìm nhà trọ cho sinh viên nếu sinh viên có nhu cầu [H9.06.05.05].

Khu KTX có phòng sinh hoạt chung với diện tích là 54 m2, tỷ lệ bình quân diện tích/chỗ ngồi là 0,08 m2 và được trang bị âm thanh để phát thanh 01 amply, 01 micro và 01 ti vi, cáp truyền hình, ghế ngồi… để sinh viên giải trí và sinh hoạt chung [H9.09.05.02].

Nhà trường có 02 căng tin với diện tích 258 m2, tỷ lệ bình quân diện tích/sinh viên là 0,05 m2 và thường xuyên được trạm y tế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, có hợp đồng căng tin, đầu bếp có chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp và phiếu đánh giá của giảng viên, sinh viên [H9.09.05.03].

Công tác PCCC trong khu KTX cùng được Nhà trường quan tâm đầu tư. Trang thiết bị PCCC tại 2 dãy nhà là: 20 bình cứu hỏa, mỗi tầng có 2 bình cứu hỏa, các bình cứu hỏa hoạt động bình thường; mỗi tầng đều có nội qui PCCC [H9.09.05.04].

Đối với những sinh viên không có nhu cầu ở nội trú, Nhà trường hỗ trợ nhiều kênh thông tin để tìm nhà trọ cho sinh viên Nhà trường và đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường sạch sẽ để đảm bảo cho sinh viên ở trong KTX, ở ngoài KTX yên tâm ăn, ở và học tập [H9.09.05.05].

Để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của SV, Nhà trường có sân vận động với diện tích 6.800m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 1,10 m2/SV [H9.09.02.01].. Sân vận động có đầy đủ trang thiết bị phục vụ các hoạt động thể thao gồm: 20 bộ vợt cầu lông, 20 bộ cột lưới cầu lông, 04 bộ bàn bóng bàn, 6 đệm, 20 bộ bàn chạy, 01 bộ âm thanh biểu diễn ngoài trời, 01 bộ ánh sáng biểu diễn ngoài trời… [H9.09.03.01].

2. Điểm mạnh

            Nhà trường có đủ diện tích lớp học, có sân bóng đá lớn, có sân khấu ngoài trời, có đủ hệ thống trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lưu động phục vụ các hoạt động văn nghệ, TDTT.

3. Tồn tại

Kí túc xá của Nhà trường chưa hiện đại.

4. Kế hoạch hành động

Năm 2018-2020, lập kế hoạch sửa chữa ký túc xá hiện đại hơn, đặc biệt là khu N1 đạt tiêu chuẩn ở cho lưu học sinh các nước trong khu vực.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

Tiêu chí 9.6. Có đủ phòng làm việc cho cán bộ, giảng viên và nhân viên cơ hữu theo quy định.                                                                                                            

1. Mô tả

Tổng diện tích phòng làm việc, khoa, phòng, ban, trung tâm, kho là: 4.762,01 m2, số lượng giảng viên và nhân viên hiện nay là 433, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 11 m2/GV, NV [H9.09.06.01]. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế cơ sở vật chất, phòng làm việc, phòng học và lớp học, Nhà trường có thông báo về việc sử dụng phòng, lớp học tới các đơn vị trong trường để quản lý và sử dụng hiệu quả CSVC được giao [H9.09.06.02].

            Nhà trường có phòng làm việc riêng cho từng thành viên trong Ban Giám hiệu là: 126,24 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 31,56 m2/CB. Phòng làm việc của từng thành viên trong Ban Giám hiệu đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn như: Máy vi tính, máy in, điều hòa, Internet, bàn ghế làm việc, quạt, tủ, đồng hồ, thiết bị nghe nhìn, điện thoại, máy hủy tài liệu, bàn tiếp khách, văn phòng phẩm…

Nhà trường có phòng làm việc riêng cho lãnh đạo phòng, ban, trung tâm, viện, y tế là: 345,46 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 9,09 m2/Lãnh đạo.

Nhà trường có phòng làm việc cho mỗi bộ phận phòng, ban, trung tâm, viện, y tế là: 878,45 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 43,92 m2/Đơn vị và diện tích khác như: Kho, phòng họp, phòng truyền thống… là 2.340,63 m2.

            Nhà trường có phòng làm việc riêng cho GS, PGS, TSKH, TS là: 69,15 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 34,575 m2/Đơn vị.

            Nhà trường có phòng làm việc riêng cho phần lớn lãnh đạo khoa với tổng diện tích: 85,34 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 2,25 m2/Lãnh đạo. Rất ít lãnh đạo khoa chưa có phòng làm việc riêng nhưng Nhà trường đã sắp xếp các góc làm việc riêng trong phòng sinh hoạt chung của khoa, đảm bảo nhu cầu về không gian riêng cơ bản nhất cho các lãnh đạo khoa làm việc.

            Nhà trường có phòng làm việc cho khoa với diện tích 712,74 m2, tỷ lệ bình quân diện tích đạt 50,91 m2/Đơn vị và diện tích khác 309,2 m2.

Nhà trường có phòng sinh hoạt chuyên môn cho nghiên cứu sinh, học viên cao học là 52,6 m2.

            Phòng làm việc của các đơn vị đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn như: Máy vi tính, máy in, điều hòa, Internet, bàn ghế làm việc, quạt, tủ, đồng hồ, thiết bị nghe nhìn, điện thoại, văn phòng phẩm… Hàng năm, Nhà trường tiến hành kiểm kê và đánh giá sử dụng trang thiết bị ở các phòng làm việc của các đơn vị để lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới kịp thời [H9.09.06.01].

Năm 2017, Nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương dự án đầu tư trang thiết bị trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương với tổng mức đầu tư là 5.016 triệu đồng. Mục tiêu và qui mô đầu tư: Lắp đặt trang thiết bị hệ thống các phòng học, giảng đường học tập đạt chuẩn: Máy tính, máy chủ, máy in, bàn ghế học sinh… nâng cấp hệ thống thiết bị ký túc xá sinh viên đảm bảo các phòng có chất lượng đáp ứng nhu cầu cần thiết của ký túc xá sinh viên như giường tầng, quạt trần…[H9.09.06.03].

2. Điểm mạnh

 Đảm bảo đủ phòng làm việc cho giảng viên, nhân viên theo qui định.

3. Tồn tại

            Một số lãnh đạo khoa chưa có phòng làm việc riêng.

4. Kế hoạch hành động

Tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2017 theo công văn số 630/ĐHSPNTTW-BDA ngày 29/4/2016.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 9.7. Có đủ diện tích sử dụng đất theo qui định của tiêu chuẩn TCVN 3981-1985. Diện tích mặt bằng tổng thể đạt mức tối thiểu theo qui định.

            Tổng diện tích của trường ĐHSP NTTW là 25.366,6 m2 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB157823 ngày 12/01/2005, tỷ lệ bình quân diện tích đất/6.181 SV là 4,10 m2/SV [H9.09.07.01].

 Diện tích mặt bằng được phân bố sử dụng như sau: Khu giảng đường, phòng học nhà A, B, C, D, E, CLB SV, khu nhà hiệu bộ, khu KTX, sân vận động, hồ cảnh; đường giao thông nội bộ [H9.09.07.02].

Tổng diện tích đất xây dựng cho học tập, thư viện, NCKH, phòng làm việc, trạm bơm, xưởng, kho…là: 6.431,98 m2 tương đương với tổng diện tích sàn xây dựng 24.357,96 m2, tỷ lệ bình quân diện tích sàn xây dựng/3848 SV là 6,33 m2/SV [H9.09.07.02].

- Tổng diện tích đất dành cho thể dục thể thao hiện có bao gồm các sân bãi và các công trình có mái che là 6.800 m2 đất. Theo tiêu chuẩn trường đại học TCVN 3981- 1985 là khu thể dục thể thao 1ha/1.000 SV, tỷ lệ bình quân diện tích đất/6.181 SV là 1,10 m2/SV. Nhà trường còn thiếu 55.010 m2 [H9.09.07.02].

- Diện tích sàn xây dựng ký túc xá là 3.309,6 m2 gồm 72 phòng cho 650 SV nội trú, tỷ lệ bình quân diện tích sàn xây dựng là 5,09 m2/SV. Có đầy đủ trang thiết bị và cơ sở vật chất như: Giường, chiếu, đèn, quạt, nhà vệ sinh khép kín và hệ thống Wifi phủ song toàn bộ khu vực KTX nhằm phục vụ sinh viên ở nội trú tra cứu, học tập. Tuy nhiên, khu KTX mới chỉ đáp ứng và ưu tiên sinh viên thuộc các gia đình chính sách, khó khăn, sinh viên nghèo vượt khó… [H9.09.07.02].

Kế hoạch mở rộng trường vẫn đang được Ban Quản lý dự án của Nhà trường xúc tiến với các đơn vị hữu quan. Khi công việc được hoàn thành trường sẽ có thêm khoảng 10.000m2 đất thuộc xã Tân Triều (phía sau khu nhà D). [H9.09.07.03].

2. Điểm mạnh

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nằm ở vị trí thuận lợi, trên quốc lộ 6 nên rất thuận tiện cho việc đi đến trường công tác, giảng dạy và học tập.

3. Tồn tại

 Trường chưa đủ diện tích theo tiêu chuẩn TCVN 3981-1985.

4. Kế hoạch hành động

            Quý IV năm 2017, Nhà trường tiếp tục thực hiện dự án mở rộng trường theo kế hoạch đã được thành phố Hà Nội và Bộ GD&ĐT phê duyệt.

            Năm 2018, Nhà trường tiếp tục trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương dự án đầu tư trang thiết bị toàn trường năm 2018 - Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 triệu đồng nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho phòng làm việc, phòng học của cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên.

5.Tự đánh giá: Chưa đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 9.8. Có quy hoạch tổng thể về sử dụng và phát triển cơ sở vật chất trong kế hoạch chiến lược của trường.

1. Mô tả

Trường có quy hoạch tổng thể việc phát triển CSVC đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và các hoạt động khác phù hợp với từng giai đoạn phát triển Nhà trường. Theo đó, Nhà trường đã tiến hành xây dựng, cải tạo và nâng cấp nhiều hạng mục như: Hệ thống lớp học, KTX, khu Hiệu bộ, sân vận động, khuôn viên, tường rào; mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy, học theo yêu cầu các ngành đào tạo... Trong năm 2016, Nhà trường đã quy hoạch tổng thể với bản đồ tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền [H9.09.08.01].

Do điều kiện khách quan, khu học tập nằm xen kẽ khu dân cư, vì vậy việc quy hoạch dài hạn của Nhà trường còn hạn chế. Để khắc phục khó khăn đó, Nhà trường đã có nhiều giải pháp về phương án quy hoạch đất đai như chuyển đổi một số hộ dân ra ngoài khuôn viên trường học để xây dựng các khu học tập; tiến hành quy hoạch gọn từng khu: Khu vực học tập, khu làm việc, khu ký túc xá...và xây hàng rào ngăn cách giữa khu dân cư và khu học tập nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, phục vụ tốt cho dạy và học [H9.09.08.02].

Hiện Trường mới thực hiện được khoảng 1/3 quy hoạch do kinh phí còn hạn chế và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mở rộng đất giai đoạn I, sơ đồ vị trí do UBND thành phố Hà Nội cấp [H9.09.07.03].

Nhà trường có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2017 trình Bộ Giáo dục và Đào tạo [H9.09.08.03].

2. Điểm mạnh

Nhà trường đã xây dựng quy hoạch tổng thể về việc sử dụng và phát triển CSVC và chiến lược phát triển Nhà trường.

3. Tồn tại

Việc thực hiện các hạng mục trong quy hoạch chậm tiến độ theo kế hoạch và lộ trình Nhà trường đặt ra.

4. Kế hoạch hành động

 Giai đoạn 2017-2020, Trường tiếp tục triển khai theo quy hoạch hiện đang xin cấp chỉ giới đường đỏ và xin cấp phép quy hoạch của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Năm 2018, Nhà trường khởi công xây giảng 01 giảng đường học tập bộ môn chung và giảng đường đa năng của trường ĐHSP Nghệ thuật TW công trình cấp 3, cao 7 tầng, diện tích đất xây dựng 900 m2, tổng diện tích sàn khoảng 6.300m2, tổng mức đầu tư dự kiến là 55.000.000.000 đồng.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 9.9. Có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài sản, trật tự, an toàn cho cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên và người học.

1. Mô tả

 Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có lực lượng bảo vệ với quân số gồm 16 người cơ hữu của Trường; được chia làm hai tổ để bảo vệ khu hành chính 10 người và khu ký túc xá 6 người [H9.09.09.01]. Các thành viên tổ bảo vệ tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do công an thành phố Hà Nội tổ chức và được cấp giấy chứng nhận sau khoá học [H9.09.09.02].

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, Nhà trường đã cải tạo hệ thống tường bao, lắp đặt cổng đóng mở tự động, hệ thống camera tự động... Tổ bảo vệ có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phân công nhiệm vụ cán bộ, viên chức [H9.09.09.03].

Trường có các nội quy về an ninh, an toàn được treo/dán phổ biến ở các khu vực hành chính của Nhà trường. Trong khu giảng đường có nội quy sử dụng. Tuần giáo dục công dân đầu năm học, người học được phổ biến về các nội quy, quy định chung về an ninh và an toàn trong khuôn viên của Nhà trường [H9.09.03.03].

Để đảm bảo an ninh, trật tự Nhà trường đã phối hợp với các đơn vị chức năng ngoài trường thực hiện công tác bảo vệ cho các kỳ tuyển sinh, hoạt động chính trị quan trọng… Hàng năm, Nhà trường có giao ban với công an phường Văn Quán, quận Hà Đông và cán bộ phòng PA83 công an thành phố Hà Nội [H9.09.09.04].

Nhà trường có lực lượng phòng cháy chữa cháy là 22 đồng chí, trung đội tự vệ chiến đấu tại chỗ là 31 đồng chí theo quyết định. Hàng năm, trung đội tự vệ, đội PCCC, tổ bảo vệ, thanh niên xung kích đều được tham gia hội thao, tập huấn và huấn luyện 100% quân số và sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu [H9.09.09.05].

Hệ thống PCCC của Trường được phòng cảnh sát PCCC của Quận Hoàng Mai kiểm tra định kỳ theo quy định. Nhà trường có phương án PCCC đã được phê duyệt của Phòng cảnh sát PCCC; trường có tổ chức tập huấn công tác PCCC cho đội PCCC và CB, GV, người học trong Trường và có diễn tập PCCC [H9.09.09.06]. Tất cả khu vực trọng yếu của Nhà trường đều được trang bị thiết bị PCCC đầy đủ [H9.09.05.04], [H9.09.09.07].

Hàng năm, trường ĐHSP Nghệ thuật TW đều có báo cáo, kế hoạch gửi BCHQS Quận Hà Đông, công an thành phố Hà Nội, Đội PCCC số 8 và cam kết đảm bảo an toàn PCCC. Được các cấp quản lý đánh giá cao và khen thưởng [H9.09.09.08].

2. Điểm mạnh

Nhà trường quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn PCCC nên thời gian qua không xảy ra sự việc đáng tiếc nào; nhân viên bảo vệ có trình độ nghiệp vụ tốt.

3. Tồn tại

Trường nằm ở vị trí giáp ranh giữa nhiều quận, huyện; đan xen với khu dân cư nên công tác an ninh trật tự gặp nhiều nhiều khó khăn.

4. Kế hoạch hành động

Năm học 2017-2018, Nhà trường sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng nâng cấp hệ thống nâng cấp hệ thống PCCC và Phòng QTTB phối hợp với Phòng KHTC lập dự toán mua sắm nâng cấp và bảo dưỡng camera an ninh giám sát, trang thiết bị phòng vệ, hỗ trợ cho công tác bảo vệ, an ninh, trật tự hằng năm.

Hàng năm tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, thao tác kỹ thuật cho các lực lượng làm công tác bảo vệ tài sản, an ninh, trật tự của Nhà trường.

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

Kết luận về Tiêu chuẩn 9:

            Nhà trường đã chú trọng đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất cho thư viện đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của CB, GV và SV. Có biện pháp quản lý khai thác hiệu quả các tài liệu của thư viện. Trang thiết bị chuyên ngành, tin học được sử dụng, hỗ trợ tích cực cho hoạt động dạy - học và NCKH. Song so với tầm vóc của một trường ĐH, Trường còn nhiều hạn chế về diện tích sử dụng, trang thiết bị, nguồn vốn tài liệu...

            Hiện nay, Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch vì nằm xen kẽ khu vực dân cư. Tuy nhiên, Trường có quy hoạch tổng thể về sử dụng, phát triển cơ sở vật chất, huy động các nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của một trường đại học trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo các chuyên ngành sư phạm nghệ thuật.

            Tiêu chuẩn 9 có 7/9 tiêu chí đạt.

 

Tiêu chuẩn 10

 Tài chính và quản lý tài chính

Mở đầu: Tài chính và quản lý tài chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, liên quan và gắn liền với mọi hoạt động của nhà Trường. Quản lý tài chính không chỉ tuân thủ các quy định về luật ngân sách, luật kế toán và các quy định tài chính khác của nhà nước mà thực sự là yêu cầu tất yếu đối với các trường Đại học nói chung với trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng; đặc biệt góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, NCKH và phát triển bền vững của Nhà trường.

            Tiêu chí 10.1.Có những giải pháp và kế hoạch tự chủ tài chính, tạo được các nguồn tài chính hợp pháp, đáp ứng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học  và các hoạt động khác của Trường đại học.

1. Mô tả

Kế hoạch dài hạn và trung hạn về phát triển tài chính của Nhà trường được xây dựng cụ thể trong “Chiến lược phát triển trường ĐHSP Nghệ thuật TW giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Chiến lược về phát triển tài chính đã nêu rõ mục tiêu với một số chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện [H1.01.01.01].

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW là đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm một phần chi thường xuyên theo nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 và nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính [H10.10.01.01].

            Nguồn tài chính của nhà trường chủ yếu từ các nguồn sau:

- Nguồn thu do ngân sách nhà nước cấp: nguồn ngân sách nhà nước cấp được thông qua quyết định giao dự toán hàng năm [H10.10.01.02].

+ Kinh phí hoạt động thường xuyên: Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo;

+ Kinh phí không thường xuyên: Thực hiện nhiệm vụ khoa hoc công nghệ; lưu học sinh Lào; mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy; đầu tư xây dựng cơ bản;

- Nguồn thu sự nghiệp: Nguồn thu học phí, lệ phí tuyển sinh từ các hệ đào tạo chính qui được thực hiện đúng theo quy định của nhà nước và bộ chủ quản [H10.10.01.03].

- Nguồn thu sự nghiệp khác: Đào tạo các hệ theo chỉ tiêu được giao [H10.10.01.04], thu tiền ở ký túc xá sinh viên [H10.10.01.05], chuyển giao công nghệ [H10.10.01.06]... được thực hiện theo qui định của nhà nước và quy định của trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

- Nguồn thu hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ: Từ hoạt động của các trung tâm trực thuộc Trường, thực hiện theo cơ chế thu bù chi phần chênh lệch thu lớn hơn chi bổ sung kinh phí vào hoạt động chung Nhà trường; dịch vụ trông giữ xe; phối hợp sử dụng phòng học [H10.10.01.07].

Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định hàng, Nhà trường xây dựng kế hoạch hàng năm [H10.10.01.08] tạo nguồn thu ngày càng đa dạng như: mở mới các mã ngành ngoài sư phạm, mở rộng qui mô đào tạo tại các địa phương, tăng cường hiệu suất các lớp đào tạo ngắn hạn và chuyển giao công nghệ:

                                                                  (Biểu tổng hợp các nguồn thu 10.1)

TT

Năm tài chính

Tổng các nguồn thu (Đơn vị: triệu đồng)

Tổng cộng

NSNN cấp

Nguồn thu sự nghiệp

(Phí, lệ phí để lại)

Nguồn thu sự nghiệp khác

Số tiền

Tỉ lệ %

Số tiền

Tỉ lệ %

Số tiền

Tỉ lệ %

1

2012

51,377

31,573

61.45%

7,906

15.39%

11,898

 

23.16%

2

2013

64,540

36,877

57.14%

16,668

25,83%

10,995

 

17,04%

3

2014

59,158

32,501

54.94%

18,770

31.73%

7,887

 

13.33%

 

4

2015

66,254

32,857

49,59%

24,852

37,51%

8,545

 

12.90%

 

5

2016

68,945

35,392

51.33%

26,332

38.19%

7,221

 

10.47%

 

 

 

                                                                          (Đơn vị: triệu đồng)

 

Nội dung các nguồn thu

2012

2013

2014

2015

2016

% chênh lệch 5 năm

 

Số tiền

Số tiền

 % chênh lệch

Số tiền

 % chênh lệch

Số tiền

 % chênh lệch

Số tiền

 % chênh lệch

 

NSNN cấp

     31,573

     36,877

17%

      32,501

-12%

     32,857

1%

    35,392

8%

 

 

12%

 

Nguồn thu sự nghiệp

(Phí, lệ phí để lại)

       7,906

     16,668

111%

      18,770

13%

     24,852

32%

    26,332

6%

 

 

 

233%

 

Nguồn thu sự nghiệp khác

     11,898

     10,995

-8%

        7,887

-28%

       8,545

8%

      7,221

-15%

-39%

 

Qua bảng tổng hợp 10.1 cho thấy toàn cảnh về nguồn thu tài chính của Nhà trường cụ thể: Nguồn ngân sách Nhà nước bao gồm cả nguồn chi thường xuyên và không thường xuyên qua 5 năm tăng không đáng kể, đạt 12%; nguồn thu sự nghiệp tăng mạnh, đạt 233%; nguồn thu sự nghiệp khác giảm 39%. Từ lúc Nhà trường chỉ đào tạo chủ yếu hai chuyên ngành sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật đến nay Nhà trường mở thêm 09 chuyên ngành gồm: Mã ngành đào tạo đại học Quản lý văn hóa; Thiết kế thời trang; Hội họa; Thiết kế đồ họa; Thanh nhạc; Piano; Diễn viên kịch điện ảnh; Công nghệ may. Từ năm 2012, Nhà trường đào tạo trình độ Thạc sĩ chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc; lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật; Quản lý văn hóa. Năm 2015, đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc.

Nguồn thu sự nghiệp khác giảm do đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các địa phương những năm gần đây thực sự giảm sút. Chính vì vậy Nhà trường đã có chiến lược mở rộng các loại hình đào tạo ngắn hạn và tham gia vào các dự án, đề án trong và ngoài nước

Tất cả các nguồn thu được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ qui định hiện hành của nhà nước và nhà trường đề ra. Phân bổ hợp lý, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển Trường. Được quản lý tập trung trên hệ thống tài khoản và được hạch toán theo “Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp” được thể hiện tại biên bản thẩm tra quyết toán năm và kết luận kiểm toán [H10.10.01.09].  

Cùng với các giải pháp tăng nguồn thu trên, Nhà trường chủ động lập kế hoạch chi tiêu tiết kiệm tối đa chi phí chi thường xuyên được qui định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ như: khoán chi hành chính, văn phòng phẩm, công tác phí..,trên cơ sở các văn bản qui định hiện hành của Nhà nước và điều kiện thực tế của Nhà trường [H10.10.01.10].  

Các nguồn thu được công khai minh bạch thực hiện theo Thông tư 21/TT-BTC ngày 22/3/2005, Thông tư 09/2009-BGDĐT ngày 7/5/2009 và được đánh giá cao về công tác tài chính, qua các năm không có đơn thư, kiến nghị về các khoản thu được thể hiện trong báo cáo công khai tài chính tại hội nghị viên chức [H10.10.01.11].    

2. Điểm mạnh

Có chiến lược, kế hoạch cụ thể để tạo nguồn tài chính hợp pháp

3. Tồn tại

Nhà trường chưa có kế hoạch cũng như biện pháp cụ thể để khuyến khích đơn vị, cá nhân chủ động khai thác các nguồn thu.

Nguồn thu chưa thực sự đa dạng, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn thấp.

4. Kế hoạch hành động

Từ năm 2018 nhà trường đẩy mạnh các loại hình đào tạo trong và ngoài nước

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu tiêu chí

            Tiêu chí 10.2. Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính trong trường đại học được chuẩn hoá, được công khai hoá, minh bạch hoá và theo quy định.

1.Mô tả

Căn cứ vào kế hoạch chiến lược của nhà trường trong từng giai đoạn [H1.01.01.01], công tác lập kế hoạch tài chính, quản lý tài chính của nhà trường được xây dựng chuẩn hoá, công khai, minh bạch, khoa học đúng qui trình biểu mẫu theo qui định luật kế toán, luật ngân sách, luật đấu thầu [H10.10.02.01], [H10.10.01.08].

 Công tác lập kế hoạch tài chính và quản lý tài chính vào tháng 6 hàng năm. Quy trình lập dự toán của Nhà trường được tiến hành trình tự và khoa học: Sau khi có văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách của Bộ GD&ĐT, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường ban hành văn bản (có biểu mẫu đính kèm) chỉ đạo các đơn vị báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm trước, ước thực hiện kế hoạch năm nay và xây dựng dự toán của năm sau [H10.10.02.02]. Phòng Kế hoạch - Tài chính phối hợp với các đơn vị lập kế hoạch sát với thực tế, sau đó tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm trước và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm sau, trình Hiệu trưởng ký duyệt và báo cáo Bộ GD&ĐT [H10.10.01.08].

 Dự toán ngân sách sau khi được Bộ GD&ĐT giao cùng với dự kiến kinh phí các nguồn thu trong năm, Nhà trường tổ chức hội nghị công khai phân bổ dự toán thu-chi trong năm tài chính căn cứ trên đề xuất của các đơn vị, đảm bảo tính công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tế Nhà trường [H10.10.02.03].

 Quy chế chi tiêu nội bộ là cơ sở pháp lý để thực hiện các khoản thu, chi tài chính của Nhà trường, đồng thời Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm soát nội dung quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; Kho bạc nhà nước kiểm soát các khoản chi trong quy chế chi tiêu nội bộ qua hệ thống Kho Bạc. Quy chế chi tiêu nội bộ được xây dựng và lấy ý kiến của toàn thể cán bộ trong toàn trường, hàng năm được sửa đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn [H10.10.01.10].

 Trong  việc vận hành công tác kế toán nói riêng và quản lý tài chính nói chung nhà trường luôn chú trọng việc áp dụng CNTT, đưa tin học hóa với sự hỗ trợ Phần mềm kế toán HCSN; phần mềm quản lý tài sản, phần mềm chi trả lương, phần mềm theo dõi thu học phí...Ngoài ra, Nhà trường còn liên kết với ngân hàng thu học phí, chi trả học bổng cho sinh viên và chuyển khoản các nguồn thu nhập của cán bộ, giảng viên. Giúp cho công tác quản lý tài chính của nhà trường  được  nhanh gọn, chính xác [H10.10.02.04].

Các khoản thu - chi tài chính đều được phản ánh chung trong hệ thống báo cáo tài chính gửi Bộ GD&ĐT được lập hàng năm theo quy định hiện hành [H10.10.02.05]. Các chứng từ kế toán, các văn bản khác có liên quan đến chứng từ kế toán đều tập trung về phòng kế hoạch tài chính của trường để kiểm tra, xác minh tính pháp lý, được phân loại, xắp xếp, lưu trữ một cách khoa học, hợp lý [H10.10.02.06].

Hàng năm, Nhà trường thực hiện công khai quyết toán ngân sách nhà nước theo Quy định tại Thông tư số 21/TT-BTC [H10.10.02.07]. Các số liệu chi tiết về tình hình thu chi của Nhà trường đều được thể hiện trong báo cáo tổng kết công tác tài chính và công khai tại Hội nghị CB, viên chức, báo cáo công tác thanh tra nhân dân hàng năm [H10.10.01.11].

Công tác quản lý tài chính hàng năm được Nhà trường thành lập đoàn tự kiểm tra tài chính theo Quyết định số 67/2010/QĐ-TTg [H10.10.02.07]; cơ quan quản lý trực tiếp BGD kiểm tra định kì hàng năm [H10.10.01.09]; cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra định kì hai năm một lần Kiểm toán Nhà nước [H10.10.01.09]. Kết quả qua các đợt kiểm tra được đánh giá thực hiện đúng các chế độ chính sách của Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ.

2. Điểm mạnh

Công tác quản lý tài chính của nhà trường được chuẩn hóa và tin học hóa

3. Tồn tại

             Một số đơn vị lập dự toán chưa sát với thực tế

4. Kế hoạch hành động

             Tổ chức hội nghị định kì (mỗi năm 1 lần) đánh giá về công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường và hướng dẫn lập dự toán cho các đơn vị   .

5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí

            Tiêu chí 10.3. Đảm bảo sự phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của trường.

 1. Mô tả                               

            Trong những năm qua, trên cơ sở nguồn kinh phí được cấp từ NSNN, nguồn thu hợp pháp của Nhà trường đều được công khai phân bổ, sử dụng tài chính hợp lý, rõ ràng, minh bạch, phát huy hiệu quả, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mục tiêu phát triển của Nhà trường.

            Cùng với việc xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm [H10.10.01.08]. Căn cứ quyết định giao dự toán của Bộ GD&ĐT [H10.10.01.02] và dự kiến các nguồn thu trong năm. Nhà trường triển khai họp công khai phân bổ kinh phí của năm tài chính trên cơ sở nhu cầu chi phí chuyên môn từng đơn vị trong trường gửi đến. Tại buổi họp công khai được trao đổi bàn bạc, thống nhất giữa BGH và lãnh đạo chủ chốt các đơn vị trong trường quyết định ưu tiên các nội dung chi trong năm cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường [H10.10.02.03].

Kinh phí chi cho các hoạt động trong năm được cân đối theo nhiệm vụ chính trị được giao và chỉ tiêu NSNN phân bổ. Việc phân bổ ngân sách, Nhà trường luôn ưu tiên tới nhiệm vụ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và hoạt động NCKH, HTQT; tiết kiệm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết nhằm nâng cao thu nhập CBVC, tăng cường đầu tư trang thiết bị CSVC.

Chế độ định mức chi thường xuyên thực hiện theo Quy chế chi tiêu nội bộ của Nhà trường [H10.10.01.10]. Quy chế chi tiêu nội bộ được công khai thảo luận của CBGV và điều chỉnh bổ sung kịp thời khi chế độ chính sách nhà nước thay đổi cho phù hợp điều kiện thực tế của Nhà trường. Xin ý kiến đơn vị chủ quản vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD&ĐT trước khi ban hành qui chế. Chênh lệch thu chi được xử lý và trích lập quỹ vào cuối năm niên độ [H10.10.03.01].

Hàng năm, việc sử dụng kinh phí được tổng hợp trên báo cáo tài chính [H10.10.02.05] được trình bày rõ ràng, chi tiết theo quy định.

                                                (Biểu tổng hợp các nguồn chi 10.3)

STT

Nội dung chi

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

1

Chi cho con người

21,808

29,804

31,785

30,121

34,064

Tỷ lệ %

54.14%

48.50%

54.18%

46.01%

49.76%

2

Chi chuyên môn nghiệp vụ

9,853

15,640

15,108

17,098

13,533

Tỷ lệ %

24.46%

25.45%

25.75%

26.12%

19.77%

-

Chi đào tạo

7,552

12,685

11,749

12,969

9,718

-

Chi nghiên cứu khoa học

1,143

1,145

1,630

1,714

1,858

-

Chi học bổng sinh viên

1,158

1,810

1,729

2,415

1,957

3

Chi mua sắm. xây dựng, SC TSCĐ, CSHT, tăng cường TTB CSVC

2,540

7,593

3,391

3,119

3,846

Tỷ lệ %

6.31%

12.36%

5.78%

4.76%

5.62%

4

Chi quản lý hành chính

2,833

3,475

2,834

3,334

3,311

Tỷ lệ %

7.03%

5.66%

4.83%

5.09%

4.84%

5

Chi khác

3,245

4,935

5,549

11,795

13,708

Tỷ lệ %

8.06%

8.03%

9.46%

18.02%

20.02%

 

Tổng

40,279

61,447

58,667

65,467

6

8,462

100%

100%

100%

100%

100%

             Qua bảng tổng hợp chi 10.3 cho thấy cơ cấu chi hàng năm tập trung chủ yếu cho 5 nhóm chính như: Đảm bảo chi cho con người chiếm gần 50%; chi nghiệp vụ chuyên môn hơn 20%, trong đó đảm bảo chi nghiên cứu khoa học và học bổng khuyến khích học tập theo quy định. Các khoản chi khác như công tác phí, tổ chức hội nghị, đào tạo bồi dưỡng được thực hiện theo đúng thông tư 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 và Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012. Chế độ lưu học sinh Lào được thực hiện theo thông tư 120/2012/TT-BTC ngày 24/7/2012.

            Chi cho công tác mua sắm tăng cường cơ sở vật chất và quản lý hành chính, hoạt động đoàn thể còn thấp.

Công tác thu - chi của tất cả các hoạt động đều được báo cáo công khai tại Hội nghị CBCNVC hàng năm theo quy định của Bộ tài chính tại thông tư 21/BTC [H10.10.01.11] qua báo cáo tổng kết năm của thanh tra nhân dân cũng tại hội nghị CBCNVC đánh giá tích cực về công tác quản lý tài chính của Nhà trường không có đơn thư kiến nghị về chế độ chính sách của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

            Hàng năm, nhà trường thành lập Tổ công tác kiểm tra nội bộ về công tác quản lý tài chính, tài sản theo Thông tư 67/2004 của Bộ tài chính và được tổ kiểm tra kết luận, công tác tài chính của nhà trường được công khai, minh bạch rõ ràng chấp hành đúng qui định và qui chế nhà trường trường đề ra [H10.10.02.08].

            Công tác quản lý tài chính của nhà trường được định kì hàng năm vụ Kế hoạch Tài chính về thẩm tra quyết toán tình hình sử dụng ngân sách nhà nước và định kì 2 năm kiểm toán nhà nước đến kiểm tra [H10.10.01.08]. Qua kết luận của các đoàn kiểm tra, Nhà trường nghiêm túc chấp hành chế độ chính sách hiện hành của nhà nước và qui chế chi tiêu nội bộ không có sai phạm nghiêm trọng.

  2. Điểm mạnh

 Việc phân bổ kinh phí đã được thực hiện theo đúng quy định. Tất cả các nguồn kinh phí dược dựa trên nhu cầu thực tế từ các đơn vị trong Nhà trường, được cụ thể hóa trong kế hoạch từng năm học, đều được phân bổ, sử dụng hợp lý, rõ ràng, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả. Việc phân bổ kinh phí luôn bám sát với nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện công tác chuyên môn, góp phần nâng cao thu nhập CBVC, tăng cường CSVC, gắn với kế hoạch tổng thể, phục vụ chiến lược phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn của Nhà trường.

  3. Tồn tại

            Kinh phí thực hiện hoạt động công tác đoàn thể còn thấp.

  4. Kế hoạch hành động

Giai đoạn tiếp theo, Nhà trường cân đối tăng tỷ trọng phân bổ kinh phí cho các hoạt động đoàn thể.

  5. Tự đánh giá: Đạt yêu cầu của tiêu chí              

Kết luận về Tiêu chuẩn 10:

            Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thực hiện cơ chế tự chủ tài chính một phần, có hệ thống văn bản quản lý tài chính theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.            

Kế hoạch tài chính rõ ràng, sát thực tế đáp ứng các nhiệm vụ của Nhà trường; có biện pháp huy động nguồn tài chính, khai thác hiệu quả các nguồn thu phục vụ công tác đào tạo, NCKH…và tăng thu nhập cho CB, viên chức trong Nhà trường. Quản lý tài chính đảm bảo đúng nguyên tắc, phát huy tính tự chủ trong thu chi ngân sách; công khai, minh bạch việc sử dụng kinh phí; các chế độ, định mức đều được thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ.

Chiến lược phát triển nguồn tài chính của Trường đều nhằm mục tiêu đảm bảo những chi phí cần thiết cho việc bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và từng bước tăng thêm thu nhập chính đáng ngoài lương, đảm bảo quyền lợi  cho CB-CNV yên tâm công tác, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Nhà trường, đáp ứng yêu cầu của quốc gia trong thời kỳ đổi mới.               

Tiêu chuẩn 10 có 3/3 tiêu chí đạt.

PHẦN IV: KẾT LUẬN

            Báo cáo Tự đánh giá đã thể hiện được những nét đặc thù của Nhà trường giai đoạn từ 2012-2017. Thông qua kết quả  tự đánh giá, Nhà trường tiếp tục xây dựng chính sách chất lượng, kế hoạch hành động ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục theo quy định về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD&ĐT. Đồng thời tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của các thành viên trong trường về chất lượng giáo dục, đưa trường ĐHSP Nghệ thuật TW phát triển ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Dựa vào kết quả tự đánh giá chất lượng giáo dục, Nhà trường khẩn trương chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đón đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường theo chủ trương của Bộ GD&ĐT và yêu cầu công khai chất lượng của xã hội.

                                                                      Hà Nội, ngày       tháng      năm 2017

 

 

 

 

 

HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

TS. Đào Đăng Phượng

 

Nội dung đính kèm:
  1. Tổng hợp TĐG (5.12.2017).doc

Xem thêm: