TỔNG THUẬT NỘI DUNG THẢO LUẬN
Chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng chính phủ và Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/1/2010 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 và xây dựng chiến lược 2011-2015 hướng tới năm 2020
Thực hiện theo Công văn số 2151/BGDĐT-GDĐH ngày 21 tháng 4 năm 2010 v/v tổ chức thảo luận chỉ thị 296/CT-TTg và nộp báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngày 27 tháng 4 năm 2010, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã Thành lập Ban chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục đại học; tổ chức thảo luận ở 3 cấp (cán bộ chủ chốt; cán bộ, giảng viên và sinh viên). Nội dung thảo luận trọng tâm vào 4 nội dung theo dự thảo của Bộ GD-ĐT, cụ thể:
1.1. Nội dung 1: Vì sao phải nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo?
Các ý kiến nhất trí với các biểu hiện cụ thể như nội dung dự thảo đã nêu, vì đó là nguyên nhân dẫn đến việc đào tạo không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhu cầu của các ngành kinh tế... gây lãng phí nguồn lực của xã hội và của chính người học.
1.2. Nội dung 2: Tại nhà trường, thực trạng các yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo đang thế nào, điểm mạnh ở đâu, điểm yếu ở đâu, vì sao như vậy?
- Đây là nội dung mà toàn bộ các ý kiến xoay quanh phân tích chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng khía cạnh;
- Chuẩn đầu ra: Đã ban hành nhưng cần phải hoàn thiện một chuẩn đầu ra đầy đủ, rõ ràng, chính xác.
- Chương trình đào tạo:
+ Khung chương trình cần có sự thay đổi. Còn nặng về lý thuyết, số tiết dành cho môn chuyên ngành ít, sinh viên mất nhiều thời gian trên lớp, ít có thời gian thực tế chuyên môn vì vậy khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế xã hội.
+ Chương trình đào tạo được điều chỉnh hàng năm cho phù hợp với thực tế, tuy nhiên hàng năm chưa có ý kiến phản hồi của các cơ sở giáo dục, của giảng viên và sinh viên đang học tập trong trường nhằm hoàn thiện chương trình đào tạo.
- Tổ chức quy trình đào tạo: Có linh hoạt trong quy trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tế song chưa đồng bộ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, chất lượng quản lý đào tạo chưa cao, chưa đào tạo theo tín chỉ.
- Phát triển đội ngũ giảng viên:
+ Số lượng giảng viên của trường có trình độ sau đại học chiếm trên 70%, riêng khoa Sư phạm Mỹ thuật có 100% giảng viên đã và đang theo học trình độ thạc sĩ.
+ Năng lực và phương pháp giảng dạy tương đối đồng đều, các giảng viên trẻ luôn có ý thức vươn lên, không chỉ dừng lại ở trình độ được công nhận mà luôn luôn trau dồi kiến thức, kỹ năng và phẩm chất người thầy.
+ Nghiên cứu khoa học là công việc gắn liền với giảng dạy của người giảng viên song thực tế là một trường đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù nên NCKH nhiều khi còn là hình thức chưa đem lại hiệu quả. Giảng viên mất quá nhiều thời gian dành cho NCKH, hạn chế thời gian cho NC sáng tác.
- Hệ thống giáo trình, sách tham khảo:
+ Biên soạn giáo trình hàng năm đều được quan tâm song chưa đồng bộ và có hệ thống ở các hệ, các bộ môn.
+ Mới hoàn thiện giáo trình của chương trình cao đẳng, chương trình đại học còn ít vì mới lên đại học được 4 năm.
+ Sách tham khảo cho các chuyên ngành còn hạn chế.
- Tình hình phòng thí nghiệm, thực hành, internet, thư viện được trang bị, thông tin về chuyên ngành đã từng bước được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của giảng viên và sinh viên.
- Đánh giá chất lượng đào tạo: Vẫn theo quy chế chung của Bộ, chưa mang tính đặc thù về chuyên môn.
- Vai trò của nghiên cứu khoa học với chất lượng đào tạo thức tế ở trường:
+ Đã có tiêu chí riêng về chế độ cho các trường VHNT nhưng chưa hợp lý.
- Thực hiện 3 công khai trong nhà trường:
+ Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.
+ Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
+ Công khai thu chi tài chính.
Các nội dung đều được đưa lên Trang thông tin điện tử của nhà trường và đã báo cáo Bộ GD&ĐT bằng văn bản kèm theo biểu mẫu 20 của Thông tư 09/2009/TT-BGD&ĐT ngày 07/05/2009. Vì vậy, trong thời gian qua nhà trường không có trường hợp khiếu kiện, hoàn thành tốt đợt thanh tra về công tác đào tạo của Bộ.
- Quản lý tài chính: Chưa đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu thực tế của chuyên môn và phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, cần được đầu tư phù hợp với chuyên môn đào tạo. Chất lượng đào tạo của nhà trường ngày một nâng cao.
- Tình hình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2001-2010 và việc xây dựng chiến lược 2011-2015 hướng tới 2020 của trường.
+ Tình hình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2001-2010.
* Trường được nâng cấp thành trường đại học tháng 5/2006, cuối năm 2006 bắt đầu tuyển sinh khoá 1 ĐHSP Âm nhạc, Mỹ thuật. Mở rộng quy mô đào tạo ở cả loại hình chính quy và vừa làm vừa học, được Bộ GD&ĐT phê duyệt cho mở thêm các mã ngành mới như : ĐH Quản lý văn hoá, Thiết kế thời trang, Thiết kế Đồ hoạ và Hội hoạ; xây dựng đề án mở mã ngành học mới và đề án đào tạo thạc sĩ ngành sư phạm Âm nhạc.
* Từng bước đổi mới chương trình đào tạo hệ cao đẳng, hoàn thiện chương trình, giáo trình hệ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đem lại hiệu quả trong đào tạo. Sinh viên ra trường ngoài việc trở thành các thầy cô giáo giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật còn là những người cán bộ quản lý, những người trực tiếp tham gia các công tác trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc.
* Chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng cao, không chỉ các giảng viên trẻ học tập nâng cao trình độ mà đội ngũ giảng viên lâu năm giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề tuy tuổi cao nhưng vẫn phấn đấu học đạt trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, đặc biệt khoa sư phạm Mỹ thuật 100% giảng viên đã có và đang học trình độ sau đại học.
* Cơ sở vật chất của nhà trường được nâng cấp, xây dựng mới. Năm 2009 khánh thành nhà ăn, câu lạc bộ sinh viên và tiếp tục được đầu tư xây mới khu nhà học đa năng 11 tầng, cải tạo khu sân vườn của nhà Hiệu bộ. Trang thiết bị phòng học được trang bị hiện đại phục vụ cho nhu cầu học tập của sinh viên, các khu phòng học dành cho thực hành như phòng học múa, xưởng may... được đầu tư xây dựng.
+ Xây dựng chiến lược 2011-2015.
* Tiếp tục đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, mở thêm các mã ngành đào tạo mới như: sư phạm Múa ; Thanh nhạc- nhạc cụ ; Đào tạo thạc sĩ ngành sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật. Tăng quy mô đào tạo cả hệ chính quy và vừa làm vừa học, đào tạo từ xa có chất lượng. Phát triển các dự án liên kết với các trường đại học nước ngoài.
* Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, để phù hợp và đồng bộ với hệ thống đào tạo tín chỉ, trước mắt là với các bộ môn thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương. Chuyển dần từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ các ngành học hiện có.
* Nâng cao chất lượng đào tạo, để có một chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tế xã hội. Sinh viên tốt nghiệp không chỉ tham gia giảng dạy còn có khả năng làm nghiên cứu khoa học, làm công tác quản lý trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
* Đạt chuẩn về giảng viên trong đào tạo đại học, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và cho giảng viên thường xuyên được học tập nâng cao trình độ.
* Hoàn thành xây dựng nhà học đa năng, xây mới khu nhà học của khoa SP Mỹ thuật, cải tạo và nâng cấp các phòng học khu nhà A, các công trình giao thông của nhà trường. Nâng cấp hệ thống thư viện, hệ thống thông tin điện tử, xây dựng thư viện điện tử.
+ Xây dựng chiến lược hướng tới 2020.
Cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo, chất lượng của đội ngũ giảng viên, đạt chuẩn về tỉ lệ sinh viên/giảng viên, giảng viên/cán bộ quản lý và giảng viên/người phục vụ. Huy động các nguồn lực nhằm chuẩn hoá, hiện đại hoá về cơ sở vật chất phục vụ tối đa các yêu cầu học tập của sinh viên. Phát triển quy mô đào tạo, đa hệ, đa ngành nghề, phát triển các dự án với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
- Chế độ trách nhiệm và chính sách đối với giảng viên, công nhân viên luôn được Ban lãnh đạo nhà trường và Ban lãnh đạo khoa quan tâm. Là một trường đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù nên ngoài các chế độ chính sách của nhà nước được áp dụng và giải quyết một cách thoả đáng, hợp tình, hợp lý, nhà trường còn quan tâm nâng cao đời sống của cán bộ, giảng viên và công nhân viên trong trường. Khuyến khích, động viên cán bộ giảng viên học tập nâng cao trình độ, giúp cho giảng viên ý thức được chất lượng đào tạo chính là thương hiệu, là sự tồn tại và phát triển của nhà trường, tiếp thu các ý kiến đóng góp, xây dựng... từ đó tạo được niềm tin và tinh thần phấn khởi trong tập thể nhà trường, đoàn kết nhất trí trong các công tác đề ra. Tập thể cán bộ giảng viên luôn dành tâm huyết cho công tác đào tạo.
- Tuy nhiên các chế độ chính sách của nhà nước chưa thực sự khuyến khích và được quan tâm đánh giá đúng mức, đặc biệt đối với giảng viên và sinh viên- đối tượng trung tâm trong đào tạo, bất cứ ở cấp bậc, trình độ nào.
1.3. Nội dung 3:
1.3.1. Để nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả nghiên cứu khoa học đồng bộ với các đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh, thành phố theo Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ và chương trình hành động của Bộ tại nhà trường, lãnh đạo trường, khoa, bộ môn, các giảng viên, sinh viên cần phải:
- Quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên để giảng viên có thể dành hết thời gian cho công tác giảng dạy và NCKH. Có các chính sách đãi ngộ, khích lệ động viên cụ thể, kịp thời, đúng mức và có chính sách riêng cho giảng viên khối các ngành nghệ thuật đặc thù.
- Đổi mới mạnh mẽ phương pháp tư duy trong giảng dạy và học tập, đổi mới chương trình đào tạo, đào tạo phải phát huy hiệu quả trong thực tế. Giảng viên lên lớp phải truyền thụ được cho sinh viên kiến thức cần, có thái độ tôn trọng và nhiệt tình, sinh viên phải có ý thức học tập tự giác, tích cực, xác định được mục đích của việc học.
- Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong học tập, thi cử.
- Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng ban, khoa trong việc đào tạo và đánh giá chất lượng đào tạo.
- Phòng học và trang thiết bị trong phòng học phải đủ và hiện đại, hệ thống thư viện, thư viện điện tử phải đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập. Hệ thống phòng ở trong kí túc xá sinh viên phải được quan tâm xây dựng giúp cho sinh viên có nơi ăn chốn ở ổn định, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu học tập.
1.3.2. Các công việc cần dứt điểm trong năm trong năm 2010 -2011-2012.
- Chấm dứt tình trạng thiếu và yếu kém trang thiết bị dạy học, phòng học, thiếu giáo trình chuyên ngành.
- Chấm dứt tiêu cực và bệnh thành tích trong học tập, thi cử.
- Chấm dứt tình trạng quản lý thiếu đồng bộ, không có sự phối hợp giữa các phòng ban, khoa.
1.4. Nội dung 4: Các kiến nghị với Bộ GD&ĐT
- Chương trình đào tạo: Bộ nhanh chóng có chương trình khung các ngành sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật. Các ngành nghệ thuật đặc thù nên giảm bớt lý thuyết tăng thời gian thực hành, thực tế chuyên môn.
- Quy trình đào tạo: Đào tạo theo tín chỉ cần có quy định cụ thể với những ngành nghệ thuật đặc thù.
- Cần có chế độ ưu đãi cho giảng viên giảng dạy lĩnh vực nghệ thuật, quan tâm hơn nữa đến đời sống của giảng viên, đầu tư kinh phí, thời gian để giảng viên được học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ. Cần có quy định về NCKH cho các giảng viên giảng dạy về các môn nghệ thuật... Chấm dứt tình trạng NCKH nặng về hình thức, đối phó.
- Đầu tư cho việc biên soạn giáo trình, nhất là các môn thuộc về chuyên ngành, Bộ cần có các kinh phí phù hợp để khuyến khích việc đầu tư chất xám của giảng viên để biên soạn giáo trình. Đầu tư cho thư viện về giáo trình và sách tham khảo.
- Bộ cần đầu tư kinh phi xây dựng cơ sở vật chất để đồng bộ với việc chuyển từ đào tạo theo học chế niên chế sang đào tạo theo tín chỉ.