Hội thảo Khoa học thường niên của Nghiên cứu sinh, Học viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW
NUAE – Sáng ngày 27/12/2024, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa học thường niên dành cho Nghiên cứu sinh và Học viên. Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau trong lĩnh vực nghệ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo
Đến dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường, các đồng chí trong Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, cùng cán bộ, giảng viên Khoa Sau Đại học, nghiên cứu sinh, học viên Nhà trường, các nhà khoa học, học giả đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu.
PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường khẳng định chất lượng của đội ngũ nghiên cứu sinh là một trong những thước đo chất lượng nghiên cứu khoa học, cũng như tiềm năng khoa học công nghệ của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Hội thảo khoa học thường niên của nghiên cứu sinh, học viên Nhà trường là diễn đàn học thuật uy tín để học viên và nghiên cứu sinh rèn luyện kỹ năng viết, trình bày báo cáo khoa học và công bố kết quả nghiên cứu, đồng thời gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân.
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Sau đại học phát biểu đề dẫn Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 44 bài tham luận của các nhà khoa học, các giảng viên cùng nghiên cứu sinh, học viên trong đó 5 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo với những nội dung phong phú và đa dạng, gắn liền với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục và văn hóa đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ của công nghệ và các phương pháp giáo dục tiên tiến.
Các bài tham luận đã tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau như: vấn đề bảo tồn di sản, quản lý sản phẩm văn hóa, đến vai trò của văn hóa trong thời kỳ hội nhập; Các phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục âm nhạc cũng như vai trò của hệ thống truyền tải âm nhạc trong giáo dục và phát triển xã hội; Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong giảng dạy, phát triển kỹ năng thiết kế và các phương pháp đổi mới giáo dục mỹ thuật…
PGS.TS. Nguyễn Bình Định với tham luận “Trao đổi về một số vấn đề thống nhất và cần nâng cao chất lượng đối với luận văn, luận án”Phần mở đầu đến từ PGS.TS. Nguyễn Bình Định với tham luận “Trao đổi về một số vấn đề thống nhất và cần nâng cao chất lượng đối với luận văn, luận án”, chủ đề này tập trung vào nội dung nhấn mạnh cần thiết thiết yếu nhất các yêu cầu và nâng cao chất lượng luận văn, thảo luận sau đại học. Tham luận cung cấp những góc nhìn sâu sắc về các vấn đề thường gặp trong luận văn, luận án, đồng thời đề xuất các biện pháp cụ thể thúc đẩy chuẩn hóa quy trình và nâng cao chất lượng nghiên cứu ở bậc sau đại học.
NCS.ThS. Cao Hồng Phương báo cáo “Xác định kĩ năng cốt lõi đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc”
Tiếp đến là phần trình bày đến từ NCS.ThS. Cao Hồng Phương với tham luận “Xác định kĩ năng cốt lõi đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên Đại học Sư phạm Âm nhạc” đến từ . Nghiên cứu sinh phân tích các yếu tố quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên tại các trường Đại học Sư phạm âm nhạc. Tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng cốt lõi như khả năng tổ chức dạy học, hoạt động ngoại khóa, biểu diễn từ đó đề xuất cho các cơ sở đào tạo, nhằm tạo ra môi trường học tập tích cực và khuyến khích sinh viên phát triển toàn diện.
Trong tham luận “Dạy học Mĩ thuật ở trường trung học phổ thông theo tiếp cận năng lực”, TS. Trần Thị Vân đã làm nổi bật các phương pháp tổ chức hoạt động giảng dạy nhằm phát triển năng lực thẩm mỹ cho học sinh, gắn liền với chương trình giáo dục phổ thông mới.Tác giả nhấn mạnh đổi mới hình thức, phương pháp dạy học mĩ thuật ở bậc THPT cần thực hiện nghiêm túc trong từng bài giảng. Để làm được điều đó, mỗi giáo viên mĩ thuật cần phải tự rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của mình, rèn luyện kĩ năng tổ chức các hoạt động dạy học để đạt được hiệu quả cao nhất.
NCS.ThS. Nguyễn Thị May trình bày tham luận “Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nghệ thuật của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay”
Tham luận “Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nghệ thuật của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay” của NCS.ThS. Nguyễn Thị May đề cập đến vai trò của hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và ảnh hưởng sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo nghệ thuật của các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.
“Thần Thăng Long Tứ Trấn trong đời sống văn hóa của người dân Hà Nội: tiếp cận đa ngành về bảo tồn và chuyển hóa di sản văn hóa trong bối cảnh đương đại” là chủ đề được trình bày bởi NCS. ThS. Phạm Minh Phương. Diễn giả tìm hiểu những giá trị văn hóa và lịch sử của Thăng Long tứ trấn từ cách tiếp cận đa ngành, kết hợp giữa văn hóa học, tôn giáo học, nhân học và bảo tồn di sản. Bên cạnh đó, diễn giả chỉ ra các giải pháp sáng tạo như số hóa tư liệu, phát triển du lịch văn hóa bền vững và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản Thăng Long Tứ Trấn.
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo
Hội thảo không chỉ tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nghiên cứu sinh và học viên trình bày công trình nghiên cứu của mình mà còn là cơ hội quý báu để họ giao lưu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Những nội dung thảo luận sâu sắc và đa chiều đã tạo ra một không khí sôi nổi, khuyến khích các nghiên cứu mới và ý tưởng sáng tạo. Buổi hội thảo khoa học thường niên của nghiên cứu sinh, học viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo đã thiết lập lại thành công, khẳng định vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học và mở ra nhiều triển vọng cho các nghiên cứu tiếp theo.
BBT