Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – Thúc đẩy phát triển đào tạo Văn hóa Nghệ thuật thời đại mới
NUAE – Sáng ngày 25/4/2025, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp cùng Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc gia “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật”
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Triệu Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV; TS. Nguyễn Thị Phương Loan – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ, Đào tạo và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; TS. Lê Đức Giang – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh Thanh Hóa; ông Phạm Ngọc Lan – Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Công tác, Hội viên Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường thành viên Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật: Trường ĐHSP Nghệ thuật TW; Trường Đại học VHNT Quân đội; Trường ĐHSP – Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Đồng Tháp; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ; Trường Đại học Tân Trào; Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nguyễn Du, Hà Tĩnh; Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Hiệu trưởng Nhà trường và cán bộ, giảng viên tham dự Hội thảo.
Đại diện Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật nhận hoa chúc mừng của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật trao giấy chứng nhận cho các trường thành viên
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật, đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi mô hình giảng dạy, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số toàn cầu. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, giảng viên các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật trao đổi, thảo luận các quan điểm, kết quả nghiên cứu, mô hình ứng dụng hiệu quả, các bài học kinh nghiệm, các thể nghiệm, ứng dụng hữu ích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, dạy và học chuyên ngành nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp, thực tiễn với các trường đào tạo văn hoá – nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, quản trị hướng tới phát triển bền vững ở trường đào tạo văn hoá – nghệ thuật trong thời đại số.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong việc phát triển đất nước, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật. Ông khẳng định, đây là cơ hội để các trường đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Lê Vinh Hưng cũng khẳng định vai trò của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật, nơi đã trở thành cầu nối quan trọng giữa các trường trong việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Phó Giáo sư tin tưởng Hội thảo sẽ đóng góp các ý tưởng và giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật.
Các đại biểu Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tham dự Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật” đã nhận được sự tham gia tích cực từ hơn 127 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và chuyên gia của nhiều trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục trên cả nước. Sự đóng góp của các cơ sở giáo dục trong và ngoài Câu lạc bộ Khối trường Đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật đã tạo nên một diễn đàn học thuật phong phú, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành. Các bài viết không chỉ phong phú về số lượng mà còn đa dạng về nội dung, bao quát nhiều khía cạnh của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, qua đó đưa ra những giải pháp khả thi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục văn hóa – nghệ thuật.
Đại biểu báo cáo tham luận tại Hội thảo
Chương trình của Hội thảo đã diễn ra theo 2 phiên. Phiên làm việc thứ nhất với chủ đề “Chính sách, định hướng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật” đã thu hút sự quan tâm sâu rộng của các nhà khoa học, giảng viên và các nhà quản lý giáo dục trên cả nước, với tổng số 51 tham luận được gửi tới Ban tổ chức. Các tham luận tập trung vào ba nhóm nội dung chính: quản trị, quản lý (20 bài); mô hình và bài học kinh nghiệm (18 bài); đào tạo nguồn nhân lực (13 bài). Một số vấn đề nêu ra trong các nghiên cứu có tính thời sự và dự báo khoa học đáng giá, có thể kể đến: “Chiến lược, chính sách đào tạo thiết kế đồ họa ứng dụng AI, công nghệ số trong quá trình hội nhập và phát triển” (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương), “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy âm nhạc đáp ứng chương trình giáo dục kĩ năng công dân số: một nghiên cứu dựa trên các khung năng lực số” (Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh), “Vai trò hợp tác giữa các trường đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” (Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế), “Hợp tác quốc tế trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật bối cảnh chuyển đổi số: bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển” (Trường Đại học Thủ Dầu Một),… Các nghiên cứu phản ánh toàn diện tiến trình thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nói chung và đặc biệt là trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay.
Phiên làm việc thứ hai với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực đào tạo chuyên ngành” gồm 56 tham luận tập trung vào hai nhóm nội dung chính: nhóm Nghệ thuật (40 bài) và nhóm Văn hóa, Thể thao, Du lịch (16 bài). Các tham luận đều là những nghiên cứu chuyên sâu, phản ánh xu hướng tích hợp công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy, sáng tạo nghệ thuật và quản lý đào tạo trong các cơ sở giáo dục văn hóa – nghệ thuật. Nhiều bài viết gây ấn tượng bởi tính mới, tính ứng dụng cao như: “Ứng dụng thực tế ảo (VR) trong giảng dạy lịch sử mỹ thuật” (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội), “Sử dụng AI tạo bè trong hòa âm cho ca khúc” (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), “Duy trì sự cân bằng giữa công nghệ và yếu tố sáng tạo của con người trong thiết kế đồ họa thời AI” (Trường ĐHSP Nghệ thuật TW), hay “Chuyển đổi số trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh” (Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa)…
PGS.TS. Quách Thị Ngọc An – giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng NUAE trình bày tham luận với chủ đề “Chiến lược, chính sách đào tạo thiết kế đồ họa ứng dụng AI,
công nghệ số trong quá trình hội nhập và phát triển”
Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hoá – nghệ thuật”, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã thể hiện sự đóng góp nổi bật qua nhiều tham luận nghiên cứu sâu sắc. Trường đã gửi 28 bài viết chất lượng và có 02 tham luận báo cáo trực tiếp tại Hội thảo. Những đóng góp này là minh chứng cho sự đầu tư nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học cũng như nỗ lực của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trong việc bắt nhịp với xu thế công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật hiện đại. Cụ thể, PGS.TS. Quách Thị Ngọc An – giảng viên cao cấp Khoa Mỹ thuật Ứng dụng trình bày tham luận với chủ đề “Chiến lược, chính sách đào tạo thiết kế đồ họa ứng dụng AI, công nghệ số trong quá trình hội nhập và phát triển”. Tham luận nêu bật tầm quan trọng của việc tích hợp công nghệ hiện đại trong đào tạo thiết kế nhằm thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế. PGS.TS. Quách Thị Ngọc An cũng đề xuất việc liên kết chặt chẽ giữa các trường với doanh nghiệp để tạo ra môi trường học linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo và phát triển kỹ năng cho sinh viên, giúp sinh viên đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển.
PGS.TS. Phạm Minh Phong – giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng NUAE trình bày tham luận
“Ứng dụng công nghệ truyền thông kỹ thuật số trong trường đại học mở ra không gian mới cho giáo dục nghệ thuật”
Tại Hội thảo, tham luận “Ứng dụng công nghệ truyền thông kỹ thuật số trong trường đại học mở ra không gian mới cho giáo dục nghệ thuật”, PGS.TS. Phạm Minh Phong – giảng viên Khoa Mỹ thuật Ứng dụng tập trung vào việc sử dụng công nghệ số để phát triển và chia sẻ các nguồn tài nguyên giáo dục nghệ thuật chất lượng cao trong các trường đào tạo nghệ thuật, đặc biệt là mỹ thuật. Tác giả khuyến khích các cơ sở giáo dục có điều kiện áp dụng công nghệ để đổi mới nội dung giảng dạy giáo dục thẩm mỹ, cải tiến phương pháp giảng dạy nghệ thuật, đồng thời làm phong phú thêm trải nghiệm thẩm mỹ cho sinh viên và nâng cao chất lượng quá trình đánh giá trong giáo dục nghệ thuật.
Sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật” đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu tham gia. Các vấn đề thảo luận đã được các chuyên gia và đại diện các cơ sở đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật bàn luận sôi nổi, mang lại những cái nhìn mới mẻ về việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật. Những đề xuất và giải pháp đưa ra tại Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để các trường đào tạo trong khối Văn hóa – Nghệ thuật xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong tương lai.
Đại biểu Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và các trường thành viên Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
BBT