Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

Hội thảo khoa học “Đưa hát Xoan vào chương trình môn Âm nhạc bậc Tiểu học ở khu vực Trung du Bắc Bộ”

NUAE – Sáng ngày 13/9, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức Hội thảo khoa học “Đưa hát Xoan vào chương trình môn Âm nhạc bậc Tiểu học ở khu vực Trung du Bắc Bộ”. Hội thảo thuộc nhiệm vụ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023  do Trường ĐHSP Nghệ thuật TW chủ trì; PGS.TS. Đào Đăng Phượng làm Chủ nhiệm.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có đồng chí Cao Hồng Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, đồng chí Nguyễn Mai Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Quyên – Phó Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường; lãnh đạo các đơn vị trong Trường.

Lãnh đạo NUAE chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định, giáo dục Hát Xoan cho học sinh phổ thông trong đó có học sinh Tiểu học vùng Trung du Bắc Bộ được coi là một trong những biện pháp để gìn giữ di sản văn hóa địa phương, truyền thống văn hóa Việt Nam, bồi đắp tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ từ trên ghế Nhà trường, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Hội thảo lần này được tổ chức với ý nghĩa tạo diễn dàn học thuật, chia sẻ những giải pháp cụ thể đưa Hát Xoan vào chương trình môn Âm nhạc bậc Tiểu học ở khu vực Trung du Bắc Bộ.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức chọn một số tham luận tiêu biểu để trình bày mang ý nghĩa thiết thực gắn liền với nội dung của Hội thảo. Tham luận Đưa Hát Xoan vào dạy học Âm nhạc cho học sinh tiểu học vùng Trung du Bắc Bộ (PGS.TS. Đào Đăng Phượng, PGS.TS. Nguyễn Thị Tố Mai) đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế như việc triển khai dạy học Hát Xoan ở tỉnh Phú Thọ còn chưa đồng bộ và đều khắp, khả năng âm nhạc của học sinh Tiểu học không dễ dàng hát các bài có nhiều luyến láy, vì thế đa số các xã, phường có dạy các bài Hát Xoan chủ yếu tập trung vào bậc THCS và THPT… Trên cơ sở xác định những hạn chế còn tồn đọng trong thực tiễn, tác giả đề xuất những giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả đưa Hát Xoan vào dạy học Âm nhạc cho học sinh Tiểu học khu vực Trung du Bắc Bộ.

Đến với Hội thảo, TS. Nguyễn Thúy Hường – Khoa Văn hóa Nghệ thuật trình bày chủ đề Giá trị của Hát Xoan Phú Thọ và vai trò trong giáo dục môn Âm nhạc bậc tiểu học ở khu vực Trung du Bắc Bộ. Theo tác giả, Hát Xoan Phú Thọ không chỉ đơn thuần là một loại hình nghệ thuật dân gian mà còn là một hình thức giáo dục truyền thống, giúp truyền dạy những giá trị đạo đức, lối sống đẹp cho thế hệ trẻ. Các hình thức đưa Hát Xoan vào giảng dạy: lồng ghép vào các tiết học âm nhạc, văn học, lịch sử; tổ chức các câu lạc bộ Hát Xoan trong trường học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tạo sân chơi bổ ích và hấp dẫn thông qua các hội thi, hội diễn, triển lãm những bức ảnh, hiện vật liên quan đến Hát Xoan giúp học sinh hình dung rõ hơn về lịch sử và quá trình phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Bài tham luận Thực trạng dạy học Hát Xoan bậc tiểu học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới của ThS. Nguyễn Thị Phương Mai – khoa Sư phạm Âm nhạc đã chỉ rõ dạy Hát Xoan cho học sinh phổ thông chủ yếu diễn ra ở tỉnh Phú Thọ và tập trung nhiều nhất ở thành phố Việt Trì. Trong tài liệu Giáo dục địa phương, tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai tích hợp dạy Hát Xoan vào môn Âm nhạc ở cấp Tiểu học, cụ thể theo số tiết, tuần, chủ đề cho từng lớp. Với tỉnh Vĩnh Phúc, dạy Hát Xoan cho học sinh trong phổ thông còn mờ nhạt, chủ yếu đưa vào các trường phổ thông ở ba huyện Lập Thạch, Sông Lô và Vĩnh Tường chứ không triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Các hoạt động Hát Xoan của tỉnh Vĩnh Phúc đa phần tập trung vào các lễ hội hoặc câu lạc bộ cho người lớn. Vì vậy, để triển khai dạy Hát Xoan trong các trường tiểu học một cách đồng đều, rộng khắp và hiệu quả cần có những biện pháp, phương pháp và hệ thống bài bản phù hợp.

Đồng chí Cao Hồng Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ trao đổi về giải pháp thiết thực đưa Hát Xoan vào dạy học Âm nhạc cho học sinh Tiểu học khu vực trung du Bắc Bộ

Đồng chí Nguyễn Mai Kiên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường đã thay mặt Nhà trường và nhóm nghiên cứu tiếp thu những ý kiến tâm huyết của các đại biểu nhằm bổ sung thông tin vào việc nghiên cứu, xây dựng những giải pháp thiết thực đưa Hát Xoan vào dạy học Âm nhạc cho học sinh Tiểu học khu vực trung du Bắc Bộ. Đồng thời trân trọng cảm ơn sự có mặt và những ý kiến quý báu của  đội ngũ nhà quản lý, nhà nghiên cứu và những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại các địa phương đã làm nên sự thành công của Hội thảo.

BBT