Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Ngành Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững”

Sáng ngày 25/7/2025, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề Ngành Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững”.

         

Các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc gia “Ngành Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững”             

Tham dự Hội thảo, có các vị khách mời đến từ Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học; lãnh đạo các trường thành viên Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật trong cả nước. Về phía Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, có NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng, Chủ tịch Hội đồng Trường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật và cán bộ, giảng viên Nhà trường tham dự Hội thảo. 

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Hội thảo Khoa học Quốc gia “Ngành Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững” nhằm làm rõ vai trò của công nghiệp văn hóa – một ngành kinh tế giàu tiềm năng, gắn liền với sáng tạo, giá trị bản sắc và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay. Hội thảo là diễn đàn cho các nhà nghiên cứu xây dựng chính sách và những người làm thực tiễn trao đổi về nền tảng lý luận, tiềm năng, điều kiện và thực tiễn phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số. Đồng thời, hội thảo góp phần thúc đẩy liên kết nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo trong nước, mở rộng mạng lưới hợp tác khoa học và ứng dụng vào phát triển bền vững. Đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và định vị công nghiệp văn hóa như một động lực quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chủ nhiệm CLB Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật đã khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. PGS.TS. Đào Đăng Phượng nhấn mạnh rằng công nghiệp văn hóa không chỉ là ngành kinh tế giàu tiềm năng, mà còn là phương tiện thể hiện bản sắc văn hóa và sức mạnh mềm của quốc gia. Đối với Việt Nam – một đất nước có nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống, việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn khẳng định vị thế văn hóa dân tộc trên trường quốc tế. PGS.TS. Đào Đăng Phượng cũng nêu rõ bối cảnh hiện nay đặt ra cả cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, chính sách và hành động.

Từ đó, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa Nghệ thuật đề xuất một số định hướng chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, bao gồm: đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhân lực theo hướng tích hợp công nghệ số và tư duy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa; ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo trong sáng tạo nội dung; xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa với sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà quản lý; đồng thời bảo đảm phát triển bền vững gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. PGS.TS. Đào Đăng Phượng tin tưởng rằng với sự tham gia tích cực của gần 150 đại biểu đến từ nhiều địa phương, Hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để chia sẻ tri thức, thảo luận các giải pháp khả thi và thúc đẩy hợp tác bền vững, góp phần đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vươn tầm khu vực.

Các đại biểu Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tham dự Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật” đã nhận được 162 bài viết khoa học chất lượng cao từ các tác giả có uy tín của nhiều trường đại học, cao đẳng và cơ sở giáo dục trên cả nước. Trong đó, có 03 tham luận được trực tiếp thảo luận của Hội thảo, đó là các tham luận: Công nghiệp văn hóa Việt Nam: thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách (PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW), ng dụng công ngh 4.0 vào nghệ thuật biểu diễn hát bội ở thành phố HCMinh (TS. Võ Thị Yến – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), INFLUENCER, LIVESTREAM và nền kinh tế sáng tạo: những chuyển động mới của truyền thông văn hóa số ở Việt Nam (TS. Trần Hạnh Minh Phương – Trường ĐH Thủ Dầu Một). Những tham luận được trình bày đã thể hiện chiều sâu nghiên cứu học thuật và mở ra các hướng tiếp cận thực tiễn, góp phần gợi mở giải pháp phát triển văn hóa nghệ thuật trong thời đại số. Qua đó, Hội thảo đã khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo và công nghệ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững các ngành văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam. Đây cũng là nền tảng để thúc đẩy sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhà nghiên cứu và các đơn vị thực tiễn trong toàn ngành.

PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW trình bày tham luận với chủ đề

Công nghiệp văn hóa Việt Nam: thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách

Trong khuôn khổ Hội thảo, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã có những đóng góp nổi bật thông qua các tham luận mang tính nghiên cứu chuyên sâu, trong đó có một tham luận được trình bày trực tiếp. Những đóng góp này thể hiện sự đầu tư nghiêm túc trong hoạt động khoa học, đồng thời khẳng định nỗ lực của Trường trong việc bắt nhịp với xu thế công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật hiện đại.

Trong tham luận Công nghiệp văn hóa Việt Nam: thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật nhấn mạnh tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam dựa trên kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều thách thức về thể chế chính sách chưa hoàn chỉnh, nguồn nhân lực số còn hạn chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số yếu và tình trạng vi phạm bản quyền trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng. Bài tham luận đề xuất cần đẩy mạnh hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho không gian sáng tạo và thúc đẩy hợp tác công – tư nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của công nghiệp văn hóa trong thời đại số. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững và sáng tạo trong ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia báo cáo tham luận và Ban Chủ tọa nhận hoa chúc mừng tại Hội thảo

Sau thời gian làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Ngành Công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập và phát triển bền vững” đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với các đại biểu tham gia. Các vấn đề thảo luận đã được các chuyên gia và đại diện cơ sở đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật bàn luận sôi nổi, tạo một nền tảng học thuật vững chắc, đồng thời cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới. Các nhóm giải pháp đề xuất đều hướng tới mục tiêu cao nhất: đưa công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Toàn thể đại biểu dự Hội thảo

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chủ nhiệm CLB Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật chia sẻ trong Phiên Tọa đàm

Đại biểu Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và các trường thành viên CLB Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

TS.Đặng Thị Lan – Giảng viên Khoa Piano và Thanh nhạc NUAE trong tiết mục nghệ thuật mang đậm văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc

BBT