Hội thảo Quốc tế “Giáo dục nghệ thuật Quốc tế Việt Nam – Trung Quốc” tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (thành phố Nam Ninh – Trung Quốc)
Trong khuôn khổ chuyến công tác của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc (16/3/2025 – 20/3/2025). Ngày 18/3/Hội thảo Quốc tế với chủ đề Hội thảo “Giáo dục nghệ thuật Quốc tế Việt Nam – Trung Quốc” đã được tổ chức. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới mục tiêu số hóa giáo dục quốc gia và tăng cường sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và giáo dục nghệ thuật đại học.
Đoàn công tác Trường ĐHSP Nghệ thuật TƯ tham dự Hội thảo
Đoàn công tác của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, do PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, đã tham dự hội thảo và trực tiếp trình bày tham luận. Trong đó, tham luận của PGS.TS. Lê Vinh Hưng với bài thuyết trình đặc biệt “Đào tạo âm nhạc trong thời kỳ công nghệ số: Những cơ hội và thách thức mới” đã phân tích các mô hình giảng dạy sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong âm nhạc và sự kết hợp với thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghệ thuật. PGS.TS. Lê Vinh Hưng đã chỉ ra những cơ hội và thách thức mà công nghệ số mang lại cho đào tạo âm nhạc. Công nghệ số mở ra cơ hội tiếp cận tài nguyên phong phú, học tập linh hoạt, tăng cường tương tác và tích hợp công nghệ vào sáng tác, biểu diễn. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức như thiếu tương tác trực tiếp, khó khăn trong đánh giá, sự phân tán, chênh lệch khả năng tiếp cận công nghệ, áp lực cạnh tranh và duy trì chất lượng giáo dục. Giải pháp được đề xuất là tích hợp AI, VR, AR vào đào tạo âm nhạc, xây dựng chiến lược giáo dục linh hoạt, điều chỉnh chương trình đào tạo, tạo cộng đồng học tập, đào tạo giảng viên về công nghệ mới và thiết lập phương pháp đánh giá hiệu quả.
Lãnh đạo và các nhà khoa học của NUAE và Học viện Nghệ thuật Quảng Tây tại Hội thảo
Bên cạnh đó, tham luận của TS. Hoàng Công Dụng – Trưởng phòng Quản lý Đại học và Sau Đại học đã đánh giá quá trình đào tạo nghệ thuật tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trường đã đạt được nhiều thành tựu như chương trình đào tạo đa dạng, hợp tác quốc tế rộng rãi, đội ngũ giảng viên và sinh viên chất lượng cao. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như số lượng giảng viên có trình độ cao còn ít, nghiên cứu khoa học cấp quốc tế còn hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu và sinh viên còn yếu về ngoại ngữ, tin học. Các giải pháp được đưa ra là xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, điều chỉnh chương trình đào tạo, khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, sinh viên chủ động trau dồi kiến thức, kỹ năng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
TS. Hoàng Công Dụng – Trưởng phòng Quản lý Đại học và Sau Đại học trình bày tham luận tại Hội thảo
Về lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng, tham luận của PGS.TS. Phạm Minh Phong – Giảng viên khoa Mỹ thuật ứng dụng của NUAE đã tập trung vào việc ứng dụng các yếu tố tạo hình của tranh siêu thực vào minh họa truyện tranh. Tranh siêu thực là loại hình nghệ thuật tự do, vượt qua những ràng buộc của thực tại. Các yếu tố siêu thực như không gian, hình, mảng, màu sắc, bố cục có thể được vận dụng vào nhiều thể loại truyện tranh khác nhau như truyện tranh thiếu nhi, truyện khoa học viễn tưởng, truyện kinh dị, truyện tranh lịch sử, truyền thuyết và truyện cổ tích. Việc vận dụng này tạo ra những tác phẩm độc đáo, sáng tạo và phù hợp với xu hướng kỹ thuật số hiện nay.
PGS.TS. Phạm Minh Phong – Giảng viên khoa Mỹ thuật ứng dụng của NUAE trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại hội thảo, ông Ngụy Tuấn Bình, Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo là động lực cốt lõi của cải cách giáo dục. Ông đề xuất “năm kiên trì” để nắm bắt cơ hội phát triển: cải cách giảng dạy, đổi mới nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ giảng viên, tối ưu hóa quản lý và tăng cường phối hợp. Ông cũng lưu ý rằng cần “chủ động nắm bắt công nghệ nhưng vẫn bám sát cốt lõi nhân văn” để tránh công nghệ chi phối bản chất của giáo dục.
Trong thời gian làm việc tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, đoàn Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương còn tham gia các hoạt động như Hội thảo Sư phạm Nghệ thuật Việt Trung 2025, Triển lãm tranh, tham quan các học viện và bảo tàng.
Đoàn công tác của NUAE chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Học viện Nghệ thuật Quảng Tây
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Trung. Chuyến công tác này thể hiện tinh thần đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và là bước tiến để hiện thực hóa phương châm “16 chữ vàng”, tinh thần “4 tốt” và “6 càng” mà hai nước đã đề ra.
BBT