Ấn tượng với bài phát biểu của NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng tại Đại hội Hiệp hội Âm nhạc Đông Nam Á lần thứ 14 (SEADOM)
NUAE – Tại Hội nghị SEADOM lần thứ 14 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, sáng ngày 08/3, NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chủ tịch Câu lạc bộ Khối các trường Đào tạo Nghệ thuật tại Việt Nam, đã có bài phát biểu sâu sắc về thực trạng và định hướng phát triển giáo dục Âm nhạc tại Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò của Âm nhạc như một phương tiện gắn kết cộng đồng và nâng cao đời sống tinh thần của con người. Với chủ đề “Trao quyền cho Âm nhạc trong xã hội dưới góc nhìn của người đào tạo Giáo dục Âm nhạc”, bài phát biểu đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục Âm nhạc Đông Nam Á.
NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Chủ tịch Câu lạc bộ Khối các trường Đào tạo Nghệ thuật tại Việt Nam phát biểu về giáo dục Âm nhạc Việt Nam với chủ đề “Trao quyền cho Âm nhạc trong xã hội dưới góc nhìn của người đào tạo Giáo dục Âm nhạc”
Trong bài phát biểu, NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã chia sẻ về tình hình giáo dục âm nhạc tại Việt Nam và tầm quan trọng của việc trao quyền Âm nhạc trong cộng đồng. NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng bày tỏ lòng biết ơn đến Ban Tổ chức SEADOM 14, đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Anothai Nitibhon, đã tạo cơ hội để các nhà giáo dục Âm nhạc trong khu vực gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. PGS.TS giới thiệu về Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với hơn 2000 sinh viên ngành Âm nhạc trong tổng số 5000 sinh viên, hàng năm cung cấp hơn 50% giáo viên Âm nhạc trên toàn quốc
NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng cũng nhấn mạnh những tiến bộ trong chính sách giáo dục âm nhạc tại Việt Nam, như việc đưa môn Âm nhạc vào chương trình đào tạo chính khóa từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông từ năm 2018 và miễn học phí hoàn toàn cho sinh viên ngành đào tạo Sư phạm Âm nhạc từ năm 2021. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của các nhà giáo dục sư phạm âm nhạc được đặt lên hàng đầu, khi họ không chỉ giảng dạy mà còn là những người truyền cảm hứng, tạo điều kiện tốt nhất và hỗ trợ sinh viên một cách vô điều kiện. Đây chính là nền tảng quan trọng trước khi tiến hành “trao quyền Âm nhạc trong cộng đồng”, giúp mọi người tiếp cận, sáng tạo và hưởng thụ âm nhạc một cách tự do, ý nghĩa, qua đó xây dựng một xã hội giàu tính nghệ thuật và nhân văn.
Những phân tích này làm rõ hơn tầm nhìn của NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng về giáo dục Âm nhạc không chỉ đào tạo những người có chuyên môn mà còn xây dựng một cộng đồng biết trân trọng, sử dụng và phát triển âm nhạc như một phần quan trọng của đời sống văn hóa. Bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng trường ĐHSP Nghệ thuật TW nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ các đại biểu tham dự. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nhà giáo dục và nghệ sĩ trong việc xây dựng một nền giáo dục âm nhạc vững mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa – xã hội của khu vực và thế giới.
NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cùng đoàn công tác Nhà trường chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Đại hội Hiệp hội Âm nhạc Đông Nam Á lần thứ 14
Sự kiện tham dự Hội nghị SEADOM lần thứ 14 của NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng, đại diện Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục âm nhạc. Thông qua Hội nghị, Nhà trường có cơ hội kết nối với các tổ chức giáo dục âm nhạc uy tín trong khu vực, tìm hiểu các xu hướng mới trong giảng dạy Âm nhạc, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng giáo dục âm nhạc Đông Nam Á.
Các đại biểu tham dự Hội nghị SEADOM lần thứ 14 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan
Hội nghị SEADOM lần thứ 14 không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là cơ hội để các trường âm nhạc trong khu vực hợp tác, trao đổi sinh viên và phát triển các dự án nghiên cứu chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
* Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng tại Hội nghị SEADOM lần thứ 14 tổ chức tại Bangkok, Thái Lan:
Trao quyền cho Âm nhạc trong xã hội dưới góc nhìn của người đào tạo Giáo dục Âm nhạc
Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu và những người yêu âm nhạc, tôi là Đào Đăng Phượng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHSPNTTW – Chủ tịch Câu lạc bộ Khối các trường Đào tạo Nghệ thuật tại Việt Nam.
Tôi rất vinh dự được tham gia Hội nghị Seadom lần thứ 14, tại thủ đô Bangkok của đất nước Thái Lan tươi đẹp. Trước hết tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới BTC Seadom 14, đặc biệt là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Anothai Nitibhon người đã mời tôi tới dự Hội nghị lần này, một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi tiếp cận với những nền giáo dục trong khu vực và trên thế giới, được gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với những nhà lãnh đạo, những nhà sư phạm dày dặn kinh nghiệm. Tuyệt vời hơn là chúng tôi có được góc nhìn khác về các vấn đề mà các trường âm nhạc của chúng ta đang phải đối diện để từ đó có thể tìm được con đường thích hợp dẫn tới sự phát triển vững mạnh cho nền giáo dục Nghệ thuật, giáo dục Âm nhạc của Việt Nam.
Là một nhà nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, cũng là một nhà quản lý, một giảng viên nhiều năm giảng dạy trong một trường nghệ thuật có truyền thống về đào tạo Giáo viên Âm nhạc, chúng tôi luôn mong mỏi, hướng tới một sự phát triển bền vững cho ngành nghề này và may mắn thay đến với Seadom lần thứ 14 chúng tôi đã có được một nguồn tham khảo thực sự hữu ích.
Thưa quý vị, với tư cách là một trường Nghệ thuật độc lập trong hệ thống giáo dục Quốc dân, ĐHSP nghệ thuật TW có hơn 2000 sinh viên ngành Âm nhạc trong tổng số 5000 SV của trường, hàng năm nhà trường đã góp phần cung cấp hơn 50% giáo viên Âm nhạc trên toàn quốc.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ ấy một cách tốt đẹp nhất cho dù có những quãng thời gian thực sự khó khăn trong chiến tranh, hậu chiến và giáo dục nghệ thuật – giáo dục Âm nhạc chưa có điều kiện để được quan tâm như những ngành đào tạo cơ bản khác. May mắn thay, từ năm 2018, nhà nước đã đưa môn Âm nhạc vào chương trình đào tạo chính khoá từ cấp Tiểu học tới Trung học Phổ thông. Tới năm 2021, sinh viên ngành đào tạo Sư Phạm Âm nhạc đã được miễn phí hoàn toàn học phí và còn có thêm một khoản hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt.
Với những thuận lợi từ điều kiện khách quan, chúng tôi càng có thêm tiền đề để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo bằng nhiều phương pháp, từ cải thiện nội dung, hình thức dạy học các môn chính khoá đồng thời phát triển hoạt động ngoại khoá, và thực tập nghề nghiệp. Chúng tôi cũng tiến hành khuyến khích, trao quyền sáng tạo, tổ chức để nhằm phát huy tính chủ động tích cực và khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm cho sinh viên. Chúng tôi hiểu rằng, chất lượng đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc là một trong những nhân tố quyết định đến chất lượng giáo dục Âm nhạc trong nhà trường và cộng đồng
Đến với Seadom 2025 tại Thái Lan lần này, chúng tôi thực sự được truyền cảm hứng từ chủ đề “Trao Quyền Cho Âm Nhạc Trong Xã Hội: Tôn Vinh Sự Đa Dạng, Kết Nối Cộng Đồng”, và nhân đây cũng xin phép được góp một góc nhìn từ khía cạnh Giáo dục Nghệ thuật Âm nhạc trong điều kiện tại Việt Nam hiện nay.
Vâng thưa quý vị, đào tạo nghệ thuật là một loại hình đặc thù và sự cá biệt chính là nhân tố dẫn đến sự đa dạng, phong phú trong đặc điểm, năng lực học tập, rèn luyện của sinh viên. Sự cá biệt của từng cá nhân trong chỉnh thể đào tạo, sự cá biệt của từng nhân tố trong quá trình đào tạo Giáo dục cũng đưa ra một thách thức để tạo được sự hài hoà trong quá trình đào tạo ấy. Tôn trọng sự khác biệt, tích cực khuyến khích những nét độc đáo của mỗi cá nhân, đặc biệt chú trọng tới việc giúp sinh viên thấu hiểu giá trị của việc chuyên tâm học tập, rèn luyện là những điều mà chúng tôi luôn hướng tới.
Chúng tôi chủ trương đặt trọng tâm trong đào tạo Giáo dục Âm nhạc chính là việc giúp sinh viên hiểu được tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị đích thực của mỗi cá thể sinh viên trong trường Đại học. Đó không chỉ là việc chuyên chú học tập kiến thức, kỹ năng, thực hành nghề nghiệp mà còn là tinh thần học hỏi, chủ động sáng tạo, không ngừng, là việc chú trọng đến việc tu dưỡng phẩm chất, gìn giữ truyền thống đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam – những điều không thể nói suông mà cần được thể hiện bằng phong thái, cốt cách, lối sống, giao tiếp hàng ngày của sinh viên.
Nếu như từng cá thể sinh viên có thể thẩm thấu và ý thức được tầm quan trọng của việc tạo ra giá trị đích thực trong học tập và hoạt động xã hội, các em sẽ tự nhiên có được sự chuyên chú và thái độ học tập, rèn luyện tích cực. Còn đối với chúng ta, những nhà giáo dục còn cần thiết hơn nữa thấu hiểu hoàn cảnh của sinh viên, sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập phát triển và quan trọng hơn cả là cần phải tin tưởng và hỗ trợ các em một cách vô điều kiện. Đó là nền tảng mà theo tôi là thiết yếu trước khi tiến hành trao quyền Âm nhạc trong cộng đồng. Bởi lẽ cốt lõi của việc này chính là tạo điều kiện để mọi người, không phân biệt tuổi tác, xuất thân hay khả năng, đều có thể tiếp cận, sáng tạo và hưởng thụ âm nhạc một cách tự do và có ý nghĩa, giúp nhiều người có cơ hội phát triển kỹ năng và cảm thụ âm nhạc. Và không có gì thuận lợi, tuyệt vời hơn trước khi được trao quyền âm nhạc trong cộng đồng, mỗi cá nhân đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu từ lúc ngồi trên ghế nhà trường hay chính trong gia đình của mình.
Kính thưa quý vị; âm nhạc với những đặc trưng độc đáo của loại hình nghệ thuật biểu hiện bằng nhịp điệu, thanh âm chính là phương thuốc tốt đẹp và kỳ diệu nhất để chữa lành và nâng cao cảnh giới tư tưởng, tình cảm cho con người. Âm nhạc chân chính mang đến nguồn năng lượng tích cực giúp con người tránh xa cái xấu ác thế tục, gột rửa tâm hồn và cải thiện nhân thân.
Âm nhạc với đặc điểm và công năng tuyệt vời của nó đã trở thành một ngôn ngữ chung tuyệt đẹp không biên giới, không chính trị, không tôn giáo. Đó cũng là lý do mà chúng tôi đã coi việc đào tạo giáo viên Âm nhạc là một sứ mệnh cao cả, một việc làm mà mỗi cá nhân trong tập thể của mình cần phải đặt hết tâm huyết và năng lực để thực hiện. Và đó cũng là nền tảng, là tiền đề để việc trao quyền Âm nhạc cho thế hệ sau trở thành một việc làm có ý nghĩa, hiệu quả và mang giá trị đích thực. Xin cảm ơn toàn thể quý vị đã lắng nghe, truyền cảm hứng và giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về giá trị của con đường tuyệt vời mà chúng ta cùng đang theo đuổi!
Hội nghị SEADOM lần thứ 14 mang chủ đề “Trao quyền cho Âm nhạc trong Xã hội: Tôn vinh sự đa dạng, Kết nối Cộng đồng”. Đây là cơ hội quý báu để các trường âm nhạc trong khu vực ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về vai trò của âm nhạc trong xã hội đương đại và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục Âm nhạc. Trước hội nghị chính thức, các đại biểu đã tham dự hội thảo tiền hội nghị từ ngày 2-4 tháng 3 với chủ đề “Sáng kiến Lãnh đạo Âm nhạc Đông Nam Á (SEAMLI)” tại Trường Âm nhạc, Đại học Mahidol và Hội thảo sinh viên SEADOM với các trường đại học đối tác diễn ra ngày 4-5 tháng 3. Hội nghị chính thức khai mạc vào ngày 6 tháng 3 với phiên đăng ký, gặp gỡ giao lưu và họp quốc gia dành cho đại diện từ mỗi quốc gia. Buổi chiều có các bài phát biểu chào mừng từ các nhà lãnh đạo giáo dục âm nhạc trong khu vực và tọa đàm “SEADOM 2008 Gặp 2024: Nhìn lại Di sản và Ý nghĩa Ngày nay”. Ngày 7 tháng 3, Hội nghị tập trung vào các bài phát biểu chính với chủ đề “Trao quyền cho ASEAN qua Âm nhạc và Văn hóa” từ Phó Giáo sư Naraporn Chan-o-cha và các diễn giả quốc tế. Đặc biệt có phần thuyết trình của Giáo sư André de Quadros (Boston University) về “Hành trình đến đa dạng Văn hóa” và Giáo sư, Tiến sĩ Ramón Santos về “Quyền lực ở đâu: Ý nghĩa và Bài học từ Di sản Âm nhạc Bản địa”. Buổi tối, đại biểu được thưởng thức bộ phim tài liệu “TINIG-TUNOG-AN: Cuộc đời & Sự nghiệp của Ramón Pagayon Santos”. Ngày 8 tháng 3, ngày cuối cùng của hội nghị, bắt đầu với bài phát biểu chào mừng từ Giáo sư Deborah Kelleher, Chủ tịch Hiệp hội Nhạc viện châu Âu (AEC), Giám đốc Học viện Âm nhạc Hoàng gia Ireland. Điểm nhấn của ngày là bài phát biểu chính về “Truyền cảm hứng cho những tiếng nói tương lai: Trao quyền cho thế hệ trẻ trong Âm nhạc” và diễn đàn thảo luận “Mở cuộc Hội thoại: Hình thành Ý tưởng cho SEADOM 2026”. Chiều cùng ngày là buổi Biểu diễn – Dự án Âm nhạc SEADOM và Lễ Bế mạc – Công bố Địa điểm SEADOM 2026. |
Một số hình ảnh Đoàn công tác NUAE tại Hội nghị SEADOM lần thứ 14 của Đoàn công tác của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW tham dự Đại hội Hiệp hội Âm nhạc Đông Nam Á lần thứ 14 (SEADOM) tại Thái Lan
NGƯT.PGS.TS. Đào Đăng Phượng tặng quà cho bà Anothai Nitibhon, Chủ tịch SEADOM, Quyền Hiệu trưởng Princess Galyani Vadhana Institute of Music, Bangkok, Thailand
Đoàn công tác trao đổi hợp tác với PGS. Luke Dollman (đứng ngoài cùng bên trái ảnh) – Phó Giám đốc Nhạc viện Elder, Đại học Adelaide, Úc và GS. Peter Tornquist – Hiệu trưởng Nhạc viện Yong Siew Toh, Singapore
Đoàn công tác gặp và làm việc với các đoàn đại biểu đến từ các quốc gia như Philippines
Đoàn công tác giao lưu, trao đổi hợp tác với các đại biểu đến từ Singapore
Đoàn công tác gặp gỡ và trao đổi hợp tác với các đại biểu đến từ Bruney
Đoàn công tác giao lưu, trao đổi hợp tác cùng với các Nhạc sỹ đến từ Philippines và Myanmar
Đoàn công tác chụp ảnh cùng Nhà nghiên cứu Âm nhạc Davide Grosso đến từ Pháp
Phòng KHCN. Truyền thông và HTQT