Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương logo

Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam: Kết nối Âm nhạc cổ truyền và Mỹ thuật truyền thống

NUAE – Chiều ngày 19/3, tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Trung Quốc, buổi toạ đàm với chủ đề “Giáo dục Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh Việt Nam hiện nay” và “Ứng dụng giáo dục mỹ thuật truyền thống trong đào tạo chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật” của hai diễn giả Lương Minh Tân và Nguyễn Thị May – Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là một sự kiện giáo dục mà còn là cơ hội để giới thiệu sâu sắc về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, đồng thời quảng bá hình ảnh của Nhà trường đến bạn bè quốc tế.

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây, Viện Nghệ thuật Quảng Tây, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quảng Tây, cùng đoàn công tác từ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Việt Nam do PGS.TS. Lê Vinh Hưng – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn và các nhà khoa học đến từ các trường đào tạo Âm nhạc, Mỹ thuật của Trung Quốc.

Chương trình có sự tham gia của hai diễn giả là ThS. Lương Minh Tân – Phó Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc và ThS. Nguyễn Thị May – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Sư phạm Mỹ thuật, những người đã có nhiều đóng góp quan trọng cho lĩnh vực âm nhạc và mỹ thuật tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Tại Tọa đàm, cả hai diễn giả đều khẳng định giá trị vô cùng quý báu của nghệ thuật cổ truyền Việt Nam cần được phát huy và bảo tồn.

Sinh viên và học viên của Học viện Nghệ thuật tại buổi tọa đàm Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam: Kết nối Âm nhạc cổ truyền và Mỹ thuật truyền thống

Tại Tọa đàm “Giáo dục Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”, ThS. Lương Minh Tân đã nhấn mạnh giá trị văn hóa to lớn của âm nhạc cổ truyền, coi đó là một di sản quý báu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Mặc dù âm nhạc hiện đại như rock, pop và EDM đang dần lấn át không gian của âm nhạc cổ truyền, nhưng những giai điệu dân ca và nhạc cụ truyền thống vẫn được duy trì và phát huy, đặc biệt trong các lễ hội và hoạt động văn hóa. Tác giả cũng chỉ ra rằng, thị trường âm nhạc hiện nay rất đa dạng, nhưng vẫn có nhiều sáng tác mang đậm ảnh hưởng của âm nhạc dân gian. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra quan điểm rõ ràng về việc bảo tồn và phát triển văn hóa, trong đó giáo dục âm nhạc cổ truyền đóng vai trò quan trọng. Nhiều địa phương đã có các chương trình cụ thể nhằm phục dựng và truyền dạy các giá trị văn hóa, đồng thời ghi nhận công lao của các nghệ nhân dân gian. Từ đó,iễn giả Lương Minh Tân khẳng định rằng việc bảo tồn âm nhạc cổ truyền không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

ThS. Lương Minh Tân – Phó Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc thuyết trình tại Tọa đàm “Giáo dục Âm nhạc cổ truyền trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”

Tọa đàm “Ứng dụng giáo dục mỹ thuật truyền thống trong đào tạo chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật”, ThS. Nguyễn Thị May đã giới thiệu về Mỹ thuật truyền thống Việt Nam trong đó đi sâu vào tìm hiểu Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và Nghiên cứu Mỹ thuật cổ trong nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam, và nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Diễn giả phân tích cụ thể về nghệ thuật chạm khắc đình làng Bắc Bộ Việt Nam với các nội dung xoay quanh như chủ đề, kỹ thuật, các thủ pháp tạo hình  cũng như ý nghĩa biểu tượng và giá trị văn hóa. Đồng thời trong tham luận của mình, ThS. Nguyễn Thị May cũng trình bày ứng dụng nghệ thuật chạm khắc đình làng và khai thác nghệ thuật tranh Đông Hồ vào các học phần Sáng tác, học tập sáng tạo của sinh viên Sư phạm Mỹ thuật.

ThS. Nguyễn Thị May – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Sư phạm Mỹ thuật với phần thuyết trình rất ấn tượng tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây

Toạ đàm của hai diễn giả ThS. Lương Minh Tân và  ThS. Nguyễn Thị May đã tạo ra một không gian giao lưu và học hỏi, tạo cầu nối cho hai nhà trường có cơ hội thấu hiểu sâu sắc hơn về nền văn hoá nghệ thuật của nhau. Mong rằng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều toạ đàm tương tự để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật giữa hai bên, đồng thời góp phần vào việc quảng bá rộng rãi nghệ thuật truyền thống của Việt Nam ra thế giới.

Các nhà khoa học của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây và Trường ĐHSP Nghệ thuật TW chụp ảnh lưu niệm sau Tọa đàm

Bên lề hội thảo, lãnh đạo Học viện Nghệ thuật Quảng Tây và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Việt Nam đã thảo luận về hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật. Các chuyên gia Việt Nam cũng đã tham quan Viện Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây.

Tọa đàm Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam: Kết nối Âm nhạc cổ truyền và Mỹ thuật truyền thống tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây  là một trong nhiều hoạt động của các cơ quan hai nước nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc 2025”.

BBT