VAI TRÒ CỦA MÔN HỌC KÝ – XƯỚNG ÂM ĐỐI VỚI SINH VIÊN CAO ĐẲNG THANH NHẠC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁNH HÒA
Học viên K15 – LL & PPDH Âm nhạc
Trường Đại học Khánh Hòa, tọa lạc tại trung tâm thành phố biển Nha Trang, là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động du lịch, văn hóa và nghệ thuật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng, cũng như khu vực duyên hải miền Trung – Tây Nguyên nói chung. Chính vì vậy, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, góp phần thúc đẩy kinh tế và xã hội, định hướng, bảo tồn và phát triển bền vững những giá trị văn hóa độc đáo tại địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị. Một trong những giải pháp quan trọng, để hiện thực hóa mục tiêu này là tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
Nhiều năm nay, Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa đã cung cấp số lượng lớn sinh viên có chuyên môn: âm nhạc, múa, kịch, hội họa, điêu khắc cho tỉnh cũng như khu vực. Tuy nhiên, nguồn nhân lực về biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là thanh nhạc, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. Trong chương trình đào tạo ngành âm nhạc, Ký – Xướng âm là môn học có một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng của sinh viên và uy tín của cơ sở đào tạo. Ký – Xướng âm là một trong những môn học trong việc khai mở về âm nhạc, tạo nền tảng vững chắc để sinh viên bước vào quá trình học tập chuyên nghiệp. Môn Ký – Xướng âm còn là cơ sở cho việc học tập, tiếp thu và cảm thụ tốt những môn học khác như: lý thuyết âm nhạc cơ bản, hòa âm, lịch sử âm nhạc, hình thức âm nhạc và các chuyên ngành Thanh nhạc, nhạc cụ, sáng tác, chỉ huy… Với sinh viên thanh nhạc, môn học Ký – Xướng âm có một số vai trò cơ bản dưới đây.
1. Rèn luyện trí nhớ và phản xạ cho sinh viên
Nếu môn Lý thuyết Âm nhạc cung cấp cho sinh viên những vấn đề cơ bản nhất về: vị trí, trường độ, tiết tấu, số lượng chất lượng giữa các bậc trong hệ thống hàng âm… thì Ký – Xướng âm sẽ là sự cụ thể hóa một số vấn đề của lý thuyết. Muốn thực hiện tốt bài ký/ xướng âm ngoài vấn đề về phương pháp, giáo trình, tài liệu… thì bản thân sinh viên phải tự giác luyện tập chăm chỉ, khoa học mới đạt được hiệu quả. Quá trình rèn luyện, sinh viên được tiếp xúc, thu nhận thông tin âm nhạc, tiến hành nhận diện, phân tích, ghi nhớ và tái tạo lại bằng nhiều phương pháp, hình thức khác nhau. Mỗi thành phần âm nhạc được luyện tập từ đơn giản như nhận dạng khuông nhạc, vị trí nốt nhạc, xướng/ký âm những bài có tiết tấu cơ bản và cao độ ổn định, cho đến phức tạp qua các bài có tiết tấu tự do, nhịp hỗn hợp, lý điệu, chuyển điệu, ký âm hai bè. Quá trình đó được lặp lại nhiều lần để củng cố, ghi nhớ, hình thành và rèn luyện khả năng trí nhớ, tạo ra phản xạ có điều kiện. Khi trí nhớ của sinh viên được cải thiện, sẽ được bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng mới. Bằng cách này, các em dần hình thành cơ chế: đánh giá, phản hồi âm nhạc; phát triển khả năng tư duy logic âm nhạc; đúc kết được vấn đề cốt lõi; thúc đẩy kỹ năng ghi nhớ; củng cố khả năng trí nhớ và phản xạ.
Việc sở hữu khả năng trí nhớ và phản xạ tốt, sẽ giúp sinh viên chủ động lưu giữ và tái hiện các đặc điểm của âm nhạc một cách nhanh chóng mà không cần sự hỗ trợ, đồng thời tạo ra phản xạ và ứng biến linh hoạt, quyết đoán và sửa chữa nhanh chóng những sai sót khi va chạm trong thực tế. Có thể thấy vai trò của Ký – Xướng âm đối với khả năng trí nhớ là sự phản xạ qua phần ký âm. Trong một khoảng thời gian nhất định, sinh viên cần phải có một khả năng trí nhớ và phản xạ đủ tốt để ghi nhớ sự chuyển động thoáng qua của các ký hiệu âm nhạc, và mã hóa nhanh những âm thanh thành ký hiệu âm nhạc. Yêu cầu đối với môn học Ký – Xướng âm, không chỉ dừng lại ở việc đọc/ký đúng về cao độ và tiết tấu, khả năng trí nhớ và phản xạ tốt, mà rộng hơn là biết cách diễn tiến ngữ điệu để thể hiện đúng âm sắc, diễn đạt chính xác các yếu tố sắc thái quan trọng một cách tinh tế nhất, theo đó sẽ truyền tải nội dung và cảm xúc của tác phẩm qua giai điệu âm nhạc đến người nghe. Nếu được rèn luyện liên tục, thì những cao độ, trường độ, tiết tấu… của âm thanh âm nhạc sẽ được bộ não tiếp nhận. Bộ não tiếp nhận nhiều lần như vậy, sẽ tạo ra trí nhớ và tất nhiên, khi gặp những bản nhạc khác, bộ não sẽ thu nạp, phản xạ tức thời thông qua các phản ứng thích hợp với các dữ kiện có trong bản nhạc.
2. Rèn luyện khả năng tai nghe âm nhạc
Ký – Xướng âm là môn học huy động một số giác quan, cơ quan như: thị giác, thính giác, tri giác, tay và chân, phối hợp cùng nhau tham gia vào quá trình luyện tập. Mỗi bộ phận có những chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng hỗ trợ, gắn kết thúc đẩy nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ học tập. Trong đó, khả năng tai nghe âm nhạc là một khâu trung gian quan trọng trong quá trình học Ký – Xướng âm.
Thông qua Ký – Xướng âm, nhất là khi sinh viên được rèn luyện nhiều lần trong thời gian dài, thì khả năng tai nghe âm nhạc của các em cũng trở nên tinh nhạy hơn. Khi tai nghe âm nhạc trở nên tinh nhạy, sinh viên sẽ nhận biết được những âm thanh âm nhạc với các yếu tố như cao độ, trường độ, cường độ, âm sắc, tiết tấu, nhịp phách, quãng hòa âm… từ đó cảm nhận, đánh giá và hiểu được vẻ đẹp của âm nhạc.
Tai nghe âm nhạc của sinh viên phát triển sẽ tác động tích cực đến não bộ, giúp não bộ liên tục tư duy phân tích, chọn lọc và tái tạo. Qua đó, khả năng trí nhớ và tốc độ phản xạ âm nhạc của sinh viên cũng sẽ tiến bộ. Vấn đề này có tác động ngược lại, hỗ trợ tai nghe âm nhạc bằng cách sử dụng lý trí để cảm nhận chính xác và tinh tế các đặc điểm âm nhạc. Sự liên kết giữa trí nhớ và tai nghe âm nhạc giúp sinh viên xây dựng được cảm giác cao độ từ bên trong, tưởng tượng được sự chuyển động của âm thanh trong đầu mà không cần đọc lên, hoặc nghe. Nhạc sĩ tài ba người Đức L. V. Beethoven đã sử dụng kỹ năng này một cách triệt để, minh chứng cho điều đó, là câu chuyện về Bản giao hưởng số 9 được sáng tác sau khi ông bị điếc.
Nếu được rèn luyện và có tai nghe âm nhạc tốt, trong quá trình học tập cũng như sau này trở thành ca sĩ hay giáo viên, khi gặp ca khúc hoặc bản nhạc nào đó, các em không cần đến sự hỗ trợ của giảng viên, nhạc sĩ hoặc một số phương tiện khác, mà vẫn có thể xướng/ký âm được. Có tai nghe âm nhạc tốt, là lợi thế lớn, là một trong những cơ sở để giúp sinh viên tránh được sự phô, chênh, cũng như hát sai tiết tấu của một ca khúc.
3. Giúp sinh viên áp dụng vào học các môn học khác
Nhìn nhận một cách công bằng, có thể thấy Ký – Xướng âm là môn học cơ bản có độ bao trùm rộng lớn không chỉ trong phạm vi ngành âm nhạc, mà còn đối với các ngành ngoài âm nhạc như: diễn viên múa, khiêu vũ, xiếc… Dù ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp thì vai trò của Ký – Xướng âm đối với các môn học vẫn là rất lớn.
Môn Ký – Xướng âm bao quát nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng của âm nhạc, được xem là ngôn ngữ dùng chung cho ngành âm nhạc. Cùng với nhạc lý cơ bản, Ký – Xướng âm được xem là môn học nền móng, giúp sinh viên tiếp cận nhanh chóng với âm nhạc. Việc giảng dạy nhạc lý cơ bản chủ yếu dựa trên kiến thức chuyên môn, nhiều nội dung trong môn học này mang tính trừu tượng cao, gây khó khăn và nhàm chán cho sinh viên. Để đảm bảo hiệu quả trong quá trình dạy học, môn Ký – Xướng âm với vai trò gần như để diễn giải, cụ thể hóa cho sinh viên dễ hình dung. Hiểu theo cách khác, Ký – Xướng âm là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc học nhạc lý cơ bản bằng cách thâm nhập, đưa một số kiến thức của âm nhạc đi vào thực tế thông qua âm thanh. Ký – Xướng âm góp phần làm sáng tỏ kiến thức lý thuyết, giúp sinh viên hiểu sâu và ghi nhớ tốt hơn. Bên cạnh đó, môn học này còn giúp giảng viên thực hiện các hoạt động dạy học một cách thuận lợi. Có thể xem Ký – Xướng âm là sự thể hiện một phương diện khác của nhạc lý cơ bản.
Với môn Phân tích tác phẩm, môn Hòa thanh, Sáng tác, Chỉ huy… vai trò của Ký – Xướng âm cũng không kém phần quan trọng. Khi học tốt Ký – Xướng âm, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để nghiên cứu, phân tích, tư duy, sắp xếp và chọn lọc âm nhạc vào các môn học. Chẳng hạn: với môn Sáng tác, muốn viết một ca khúc, khi đã có cảm xúc – người viết có khả năng ký xướng âm tốt – là có thể bắt tay ngay vào để viết; người có khả năng ký xướng âm không tốt phải nhờ đến sự hỗ trợ của nhạc cụ hoặc công cụ âm nhạc mới viết được, lúc đó cảm xúc không liền mạch và thật sự khó khăn trong quá trình sáng tạo. Với môn Chỉ huy cũng vậy, nếu có khả năng ký xướng âm tốt, thì việc vỡ bài trở nên đơn giản và khi thực hiện chỉ huy các động tác vào bè, kiệu bè mới chính xác, có hồn. Không có khả năng ký xướng âm thì không biết ca sĩ/nhạc công trong từng bè thực hiện đúng/sai, khi đó động tác chỉ huy chỉ là sự đánh nhịp mà thôi…
Ngay đối với môn chuyên ngành Thanh nhạc, ngoài việc đề cập như ở cuối mục 1, thì những sinh viên có khả năng ký xướng âm tốt sẽ chủ động trong việc tham gia cùng phối hợp hai hoặc nhiều người khi hát song ca, tam ca hay hợp xướng ở những không gian sân khấu khác nhau. Nếu có khả năng ký xướng âm không tốt, các em sẽ lúng túng, không định hình được cao độ, tiết tấu và mất sự kết nối với các bè còn lại, dẫn đến việc hát nhầm bè này sang bè khác theo cảm tính, cuối cùng rơi vào tình trạng vô hướng. Trong quá trình giảng dạy và tham dự một số môn học âm nhạc ở Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Khánh Hòa, chúng tôi thường bắt gặp những tình trạng như vừa nêu. Lý giải cho tình trạng này là do khả năng ký xướng âm của sinh viên Thanh nhạc còn hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là việc đầu tư thời gian để luyện tập chưa đúng, nên khả năng đọc nhạc và làm chủ cao độ, trường độ, tiết tấu không được tốt.
Môn Ký – Xướng âm là một phần cốt lõi trong chương trình đào tạo âm nhạc, đặc biệt với sinh viên thanh nhạc. Môn học này giúp cụ thể hóa kiến thức lý thuyết, phát triển trí nhớ, phản xạ và khả năng tai nghe âm nhạc, giúp sinh viên nhận biết và phân tích các yếu tố âm nhạc như cao độ, tiết tấu, cường độ, âm sắc…. Ngoài ra, Ký – Xướng âm còn là công cụ quan trọng giúp sinh viên tiếp cận và hiểu sâu hơn các môn học khác như nhạc lý, hòa thanh, sáng tác và chỉ huy… Với vai trò quan trọng như vậy, môn học này đã góp phần to lớn trong việc phát triển toàn diện kỹ năng âm nhạc cho sinh viên, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hoàng Hoa – Phạm Phương Hoa (2002), Giáo trình Ký – Xướng âm dành cho Trung cấp Âm nhạc chuyên nghiệp hệ 7 năm chính quy, Nhạc viện Hà Nội xb, Hà Nội.
- Thái Duy Tuyên (2007), Phương pháp dạy học và đổi mới, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Phạm Thanh Vân – Nguyễn Hoành Thông (2011) Đọc – ghi nhạc (tập 1,2,3), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh Tường, Đức Bằng (1984), Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- V.A. Va-khra-mê-ép (Vũ Tự Lân dịch – 1982), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-17-2021-TT-BGDDT-chuan-chuong-trinh-dao-tao-cac-trinh-do-giao-duc-dai-hoc-450547.aspx (truy cập ngày 26/11/2024).