DẠY HỌC PIANO CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU TUẤN CHO HỌC SINH TRUNG CẤP PIANO, TRƯỜNG CAO ĐẲNG VĂN HOÁ NGHỆ THUẬT VIỆT BẮC
Vũ Thị Thuỳ Dương
Học viên K17, chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc
Hơn 60 năm phát triển, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc (Cao đẳng VHNT Việt Bắc) đã khẳng định là môi trường đào tạo văn hoá nghệ thuật có uy tín trong khu vực các tỉnh Việt Bắc và trên toàn quốc. Lịch sử phát triển đã tạo nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục có chiến lược mở rộng quy mô, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo Văn hóa, Nghệ thuật, Du lịch có uy tín và chất lượng cao. Một trong số các ngành thu hút người học, có lượng thí sinh tham gia thi tuyển ổn định trong những năm gần đây là Piano. Đây là chuyên ngành nhằm mục đích đào tạo kỹ năng cho người học piano trở thành nhạc công có trình độ ở bậc trung cấp chuyên nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Ngành Piano của Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc đến nay đã đạt được một số thành quả nhất định, đã có nhiều khóa tốt nghiệp có đủ trình độ phục vụ cho hoạt động văn hóa quần chúng tại các tỉnh khu vực Việt Bắc. Điều đó khẳng định nguồn đào tạo ở bậc Trung cấp của trường đã đạt được mức độ cần và đủ. Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng trong đào tạo piano vẫn còn một số bất cập. Chương trình dạy học chủ yếu khai thác nguồn tác phẩm cổ điển với mục đích trang bị tốt cho học sinh các kĩ thuật cơ bản, vô hình chung đã làm mờ đi vai trò của các tác phẩm Việt Nam. Dạy học các tác phẩm piano Việt Nam không chỉ giúp học sinh củng cố kĩ thuật piano mà thông qua đó còn giáo dục những truyền thống tốt đẹp của cha ông, thấm nhuần và nâng cao giá trị văn hóa âm nhạc của Việt Nam. Với vai trò quan trọng như vậy, cần phải xem xét và bổ sung tác phẩm Việt Nam vào chương trình giảng dạy.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Đặc điểm âm nhạc trong tác phẩm piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn
PGS.TS Nguyễn Hữu Tuấn là giảng viên dạy piano chuyên nghiệp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là người đã cống hiến cho công tác đào tạo và sáng tác những tác phẩm piano có giá trị. Ông đã viết nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau như: sonatine, tổ khúc, etude, khúc ngẫu hứng, prelude, chuyển soạn cho piano 4 tay…
Về mặt ngôn ngữ âm nhạc, Nguyễn Hữu Tuấn đã tìm tòi hướng đi mới dựa trên cách viết của âm nhạc cổ điển phương Tây, kết hợp với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc, nổi bật tính trữ tình, mềm mại, thấm đượm giai điệu quê hương. Để truyền đạt tình cảm sâu sắc đó, ông đã khai thác những âm điệu đặc trưng trong dân ca Việt Nam, đưa vào tác phẩm một cách khéo léo. Sự pha trộn giữa âm nhạc phương Tây và màu sắc âm nhạc dân tộc đã tạo nên tính chất đặc trưng, vừa trữ tình, thơ mộng, vừa tinh tế trong từng motif nhỏ.
Nội dung tác phẩm khá đa dạng, miêu tả những suy tư, trăn trở của người nghệ sĩ bằng những nét giai điệu trữ tình, sâu sắc. Đây là nội dung nổi bật trong sáng tác của ông, tiêu biểu là được thể hiện qua 6 prelude. Cũng có một vài tiểu phẩm nhỏ mang tính nhanh vui, nhộn nhịp, miêu tả sự hồn nhiên của các em nhỏ ở độ tuổi đến trường như: Tổ khúc nhỏ cho piano; piano 4 tay: Tiến lên đoàn viên, Tây Nguyên tươi đẹp… ông cũng có những tác phẩm piano 4 tay được chuyển soạn từ ca khúc để phác hoạ nên những hình ảnh sống động như: Làng tôi của Văn Cao, Ba Vì quê tôi của Huy Du. Nội dung trong tác phẩm piano còn phản ánh đời sống vui tươi, hồn nhiên của người dân nông thôn. Tiêu biểu là Lý ngựa ô – một tác phẩm sáng tác dựa trên bài dân ca Nam Bộ cùng tên.
Về điệu thức, Nguyễn Hữu Tuấn khai thác và sử dụng điệu thức 5 âm Việt Nam một cách linh hoạt để tạo nên tính độc lập và sáng tạo những đường nét giai điệu du dương, trong sáng. Ông không sử dụng một dạng điệu thức trong cùng một bài, mà thường kết hợp một số điệu thức với nhau làm cho màu sắc âm nhạc đa dạng. Điều đó dẫn đến hiệu quả tác phẩm piano của ông không bị lệ thuộc vào khung giai điệu của các làn điệu dân ca mà còn có sự kết hợp với điệu thức 7 âm trong âm nhạc cổ điển Châu Âu, làm cho thành phần âm được mở rộng nhưng vẫn nổi bật tính dân tộc.
Về Kỹ thuật, tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn thường sử dụng kỹ thuật cơ bản như: legato, staccato, đặc biệt là đề cao legato để tạo nên những nét nhạc du dương, trữ tình. “Legato là một trong những phương tiện biểu hiện quan trọng trong kỹ thuật piano và đóng vai trò chính để tạo “chất hát” cho tiếng đàn và qua đó truyền đạt các thang bậc cảm xúc” [2, tr.29]. Kỹ thuật legato mang tính bao trùm trong sáng tác piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn. Khi học những tác phẩm này, HS sẽ rèn luyện được sự chuyển động linh hoạt của kỹ thuật ngón tay, luyện được cách tạo đường nét âm thanh chuyển động liền tiếng và có xúc cảm.
Kỹ thuật staccato cũng là một phương tiện tạo nên sự phong phú, sinh động trong diễn tả hình tượng âm nhạc, đồng thời có thể rèn luyện để phát triển kỹ thuật ngón tay và cổ tay cho người học đàn. Tác giả Tạ Quang Đông cho rằng có ba loại staccato chủ yếu được sử dụng như: Staccato ngón tay, staccato cổ tay, staccato-martellato, staccato-pizzcat,… [2, tr.28]. Kỹ thuật staccato tạo nên các nốt nhẹ, ngắt gọn và nhanh do dùng trọng lượng vào mặt ngoài của ngón tay.
Nonlegato là kỹ thuật tạo nên tiếng ngắt, rời nốt nhạc do sử dụng cánh tay, nâng cánh tay để chơi từng nốt. “Nonlegato là cách chơi các nốt mặc dù được giữ dài như legato nhưng không liền nhau, giữa những nốt này có một thời điểm không có một phím nào được đánh xuống” [2, tr.27]. Kỹ thuật này được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn sử dụng để đan xen, tạo hiệu quả âm thanh chắc chắn, nhằm mục đích diễn tả tính chất âm nhạc. Đơn cử như prelude 4 được bắt đầu bằng nét giai điệu chậm dãi, rắn ròi ở bè tay trái như miêu tả một sự tĩnh lặng, bình yên.
Sử dụng pedal cũng là một trong những kỹ thuật được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn khai thác đưa vào tác phẩm. Tác giả Tạ Quang Đông cho rằng: chức năng chính của pedal là tăng cường, kéo dài âm thanh, tạo màu sắc mới cho tiếng đàn và liên kết các âm sau khi ngón tay đã nhấc ra khỏi phím” [2, tr.48]. Trong những tác phẩm piano của Nguyễn Hữu Tuấn, kỹ thuật pedal đã tạo nên tính du dương, trữ tình, tạo nên cảm xúc và sự thăng hoa của người nghệ sĩ.
Về nhịp độ, cuốn Lý luyết âm nhạc cơ bản của tác giả V.A.Va-Kh’ra-Mê-Ép đã giải thích là: “tốc độ của sự chuyển động. Trong âm nhạc, nhịp độ, với tư cách là một trong các phương tiện diễn cảm, phụ thuộc vào nội dung củ tác phẩm âm nhạc” [3, tr.62]. Tác phẩm piano của Nguyễn Hữu Tuấn thường sử dụng nhóm nhịp độ vừa, phù hợp với sự diễn tả trữ tình, tăng cường biểu cảm của sắc thái. “Xử lý sắc thái và sự thay đổi tốc độ: Âm sắc, sắc thái là phương tiện thể hiện quan trọng trong tay người đánh đàn piano” [1, tr.23].
2.2. Thực trạng dạy piano tại Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc
Hiện nay, các tài liệu sử dụng chủ yếu trong dạy học piano ở Trường Căo đẳng VHNT Tây Bắc là tuyển tập: Invention của J.S. Bach; Classiques favoris Du Piano, Th-lack-les – Paris, France; Sonatina của FR. Kuhlau; Tiểu phẩm dành cho Piano của Mozart, Nhà xuất bản Mockba, 1967; Fantasia của Chopin; Etude op.559, Etude op.229, Etude op.849 của Czerny. Các tài liệu này chủ yếu là tập hợp các tác phẩm nước ngoài với mục đích cung cấp cho người học đa dạng các tác phẩm của trường phái Cổ điển và Lãng mạn. Chương trình dạy học piano bị khiếm khuyết phần tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam. Đây là nội dung được đưa vào chương trình đào tạo nhưng chưa được các giáo viên quan tâm khai thác.
Dạy học piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn không chỉ giúp HS được trang bị những kỹ thuật, kỹ năng nền tảng trong thực hành âm nhạc, mà còn giúp các em được nâng cao cảm thụ âm nhạc. Ngoài ra còn có thể giáo dục HS nhận thức được tình yêu quê hương, yêu bản sắc dân tộc Việt Nam, giúp HS có tư duy tích cực trong học tập, từ đó hình thành năng lực thực hành âm nhạc. Từ động cơ đó, HS sẽ chủ động lĩnh hội kiến thức để rèn luyện kỹ năng một cách tự nguyện, thúc đẩy hành vi và xúc cảm theo hướng tích cực.
2.3. Biện pháp dạy học tác phẩm piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn
2.3.1. Sử dụng linh hoạt phương pháp dạy học
Để dạy học piano, cần sử dụng linh hoạt các phương pháp dạy học âm nhạc như: phương pháp trình diễn, làm mẫu; hướng dẫn thực hành – luyện tập,…
Trình diễn, làm mẫu là phương pháp GV sử dụng để thể hiện tác phẩm, giúp HS được trực tiếp nghe để cảm nhận và quan sát phong cách, để ghi nhớ và hình thành cảm giác ban đầu về tính chất của tác phẩm; Thị phạm cũng là phương pháp mà GV thường để thị phạm ở những chỗ khó, giúp HS nắm vững hơn về kỹ thuật, tiết tấu, tránh tập sai từ khâu vỡ bài; Hướng dẫn thực hành – luyện tập là phương pháp nên sử dụng nhiều để giúp HS luyện tập nhuần nhuyễn kỹ năng chơi đàn, GV cần quan sát điều chỉnh kỹ thuật, sắc thái, tốc độ, cách thể hiện, khuyến khích HS vừa luyện tập vừa rèn luyện phát triển tư duy âm nhạc để có thể sáng tạo phong cách riên. Mỗi phương pháp đều có những hiệu quả nhất định trong dạy học piano. Tuy nhiên, hướng dẫn thực hành – luyện tập và thị phạm là hai phương pháp chủ chốt, phù hợp với chuyên ngành đặc thù này.
2.3.2. Hướng dẫn rèn luyện kỹ thuật
Trong tác phẩm của mình, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn đã khéo léo sử dụng kỹ thuật nonlegato để tạo nên sự rõ ràng và mạch lạc trong từng cú đoạn nhỏ. Sự “tách nốt” của nonlegato sẽ mang lại hiệu quả âm thanh mạch lạc và sắc nét. Nonlegato tạo nên hiệu quả âm thanh chắc chắn, đôi khi là sự rời rạc để miêu tả sự hồi tưởng, nuối tiếc, những tâm sự sâu thẳm trong tâm hồn của nhạc sĩ. HS phải có quá trình luyện tập cẩn thận để có thể độ chính xác của ngón tay, cảm nhận được sự nhạy bén khi tác động ngón tay xuống phím đàn. Cùng với đó là rèn luyện sự kiểm soát âm thanh phát ra với cảm giác chắc chắn. Ví dụ, khi dạy Tổ khúc nhỏ cho Piano, để giúp cho HS định hình được kỹ thuật nonlegato, GV cần hướng các em rèn luyện sao cho đạt được âm thanh “tách nốt” nhưng không quá ngắn như staccato. Yêu cầu của kỹ thuật này là “tách nốt” nhưng vẫn đảm bảo độ nhạy bén, linh hoạt của ngón tay. Cùng với đó là sự kiểm soát sắc thái trong đoạn nhạc.
Legato là kỹ thuật tạo âm thanh liền tiếng, được sử dụng xuyên suốt trong các tác phẩm piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn. Để hướng dẫn HS chơi đúng kỹ thuật legato, GV nên hướng dẫn HS tạo ngón tay tròn, trước khi bấm xuống phím đàn phải nhấc cao ngón tay để kiểm soát lực bấm phím, cánh tay thả lỏng, kiểm soát ngón tay để tạo nên sự mạch lạc trong giai điệu. Ngoài ra, các em cũng cần rèn luyện cách cảm nhận đường nét giai điệu mang chất liệu dân gian được sự liên kết liền mạch giữa các nốt nhạc. Cách tập này giúp cho các em tránh được lỗi “dính nốt” khi chạy nét nhạc nhanh và dài. Điều đó sẽ giúp HS chủ động trong thể hiện sự mượt mà, trữ tình của tác phẩm.
Nguyễn Hữu Tuấn không sử dụng những nét giai điệu dài có sử dụng staccato, mà thường dùng kỹ thuật này để tô điểm một cách tinh tế. Những âm thanh dứt khoát, ngắn gọn điểm vào nét nhạc trữ tình, đã làm gợn lên những cảm xúc mới lạ, đôi khi còn tạo ra sự tương phản nhẹ nhàng trong âm nhạc. Để thực hiện kỹ thuật này, GV yêu cầu HS tạo ra âm thanh ngắn, dứt khoát để đạt được độ nhạy bén của ngón tay và tạo được tiếng ngắt rõ ràng giữa các nốt, cảm nhận được sự năng động, linh hoạt của kỹ thuật khi thực hiện tác phẩm. Chẳng hạn, trong khúc nhạc thứ hai “Gặp bạn” trong Tổ khúc nhỏ cho piano, HS cần thể hiện khéo léo kỹ thuật staccato điểm xuyến vào từng motif nhỏ để truyền tải được sự năng động, vui tươi cho tác phẩm.
Thể hiện cảm xúc âm nhạc là yêu cầu cần đạt khi học tác phẩm piano của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tuấn. Ở đây, HS cần duy trì thói quen luyện tập hàng ngày để thẩm thấu âm nhạc được tốt hơn. Ngoài ra, HS cần phải lưu ý về: cách thể hiện giai điệu, tiết tấu; sử dụng pedal; xử lý sắc thái, tốc độ; thể hiện kỹ thuật đệm; biểu hiện ở cách ghi nhịp độ, thuật ngữ và các ký hiệu âm nhạc.
- Kết luận
Việc dạy học piano cho HS trung cấp Trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc sẽ trở nên ngày càng cần thiết khi nhu cầu học tập ngày càng tăng cao. Cùng với đó là những định hướng của Đảng và Nhà nước trong công cuộc cải cách giáo dục toàn diện. Những biện pháp đưa ra nhằm mục đích đáp ứng mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến phát triển năng lực HS. Học piano theo định hướng phát triển năng lực không chỉ nhằm mục đích trang bị kỹ năng chơi đàn mà còn đồng thời giúp HS được nâng cao cảm thụ âm nhạc, từ đó có thể định hướng phát triển đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Minh Anh (2008), Sự phát triển nghệ thuật piano Việt Nam, Luận án tiến sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội
- Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
- A.Vakhơromêep (1998), Nhạc lý cơ bản (Nguyễn Xinh dịch và chú giải), Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.